Ngay khi các suy tưởng siêu đạo đức học về ý nghĩa của ngôn từ “tốt” bắt đầu mất dần sức lôi cuốn, thì thi hành đạo đức một lần nữa trở nên hợp mốt, và các triết gia lại lần nữa viết về những hành động cụ thể nào là tốt. Đạo đức sinh học, đạo đức nữ quyền, và đạo đức về đối xử đúng đắn với động vật đã trở thành bắt buộc.
Một kiểu mẫu đạo đức ứng dụng rất phát triển ở thế kỷ hai mươi là đạo đức nghề nghiệp, chính là các chuẩn tắc điều chỉnh mối quan hệ của những người làm nghề đối với khách hàng và bệnh nhân.
Sau hội nghị đạo đức nghề nghiệp, bốn bác sĩ tâm thần cùng nhau bước ra. Một người nói, “Mọi người lúc nào cũng mang theo gánh nặng tội lỗi và âu lo của họ đến với chúng ta, còn chúng ta chẳng có ai để bày tỏ những vấn đề của mình cả. Sao lúc này chúng ta không dành chút thời gian để lắng nghe nhau thổ lộ nhỉ?” Ba người kia nhất trí.
Bác sĩ tâm thần thứ nhất thú nhận, “Tôi gần như không thể nào kiểm soát nổi ý muốn giết bệnh nhân của mình.”
Bác sĩ tâm thần thứ hai nói, “Tôi luôn tìm cách lừa tiền bệnh nhân khi có dịp.”
Người thứ ba, “Tôi dính vào buôn bán ma túy và thường nhờ bệnh nhân bán hộ.”
Đến lượt bác sĩ tâm thần thứ tư thú nhận, “Các ông biết không, dù cố đến mấy, tôi hầu như không cách nào giữ kín được một bí mật.”
Mỗi chuyên ngành y khoa phát huy những nguyên tắc đạo đức riêng của mình.
Bốn thầy thuốc cùng nhau đi săn vịt trời: một bác sĩ gia đình, một bác sĩ phụ khoa, một nhà phẫu thuật, một nhà bệnh lý học. Khi một con chim bay qua trên đầu, bác sĩ gia đình định bắn nhưng lại thôi vì ông không chắc liệu nó có phải là chim vịt không. Bác sĩ phụ khoa cũng định bắn nhưng lại hạ súng xuống khi nhận ra ông không biết con chim vịt này là trống hay mái. Trong khi đó bác sĩ phẫu thuật đã kịp bắn chết con chim và quay sang nói với nhà bệnh lý học, “Ông đi xem liệu nó có phải con vịt không.”
Thậm chí các luật sư cũng có đạo đức nghề nghiệp. Khi một khách hàng nhầm lẫn trả cho luật sư 400$ thay vì 300$ theo hóa đơn, tự nhiên sẽ nảy sinh vấn đề đạo đức là luật sư có nên nói cho khách hàng biết điều đó không.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi giới tăng lữ cũng có đạo đức nghề nghiệp hay đạo đức của họ đi kèm với sự trừng phạt của thánh thần.
Một giáo sĩ Do Thái trẻ rất mê chơi golf. Thậm chí vào ngày lễ Yom Kippur thiêng liêng nhất trong năm mà anh ta cũng lén đi làm một ván chín lỗ chớp nhoáng. (Còn gọi là Ngày Chuộc tội, một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của người Do Thái, diễn ra sau lễ Rosh Hashanah, kéo dài 25 giờ, chủ yếu là ăn chay và tập trung cầu nguyện, thường ở giáo đường.)
Khi anh phát bóng lỗ cuối cùng thì một cơn gió cuốn quả bóng đến ngay trên miệng lỗ và thả nó vào lỗ.
Một thiên thần chứng kiến phép lạ đó phàn nàn với Chúa, “Hắn chơi golf trong ngày lễ Yom Kippur mà Người lại giúp hắn ăn cú một gậy trúng lỗ ư? Đây có phải là hình phạt không?”
“Tất nhiên rồi,” Chúa mỉm cười nói. “Hắn còn dám hé răng với ai về chuyện này nữa?”
___oOo___
Điều khiến đạo đức học ứng dụng trở nên thú vị, nhưng cũng đánh đố, là các quyết định đạo đức thường rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, loay hoay lựa chọn giữa hai điều tốt: “Tôi phải dành cho gia đình bao nhiêu thời gian thay vì cho công việc của tôi? Cho các con tôi thay vì cho bản thân tôi? Cho đất nước tôi thay vì cho nhân loại?” Chính những song đề đạo đức học ứng dụng này đã đem lại công việc bận rộn cho Abby và Ann Lander suốt nhiều năm và giờ đây đang tiếp tục cung cấp tư liệu cho mục “Nhà đạo đức học” của Randy Cohen trên tờ The New York Times.
Câu hỏi đặt ra dưới đây, Cohen viết cách đây không lâu trên trang slate.com, là một trong mười câu hỏi hay nhất mà chưa từng có ai đặt ra với ông:
“Mặc dù ta hạnh phúc với công việc hiện nay của mình, gần đây ta mới được phong tước (tôi là Phó vương mới của Cawdor), nhưng điều đó không đủ với vợ ta vì nàng luôn khao khát ta tiến xa hơn. Ta không nói rằng ta thiếu tham vọng, nhưng ta miễn cưỡng làm những việc cần làm để có thể leo cao hơn - những giờ khắc đăng đẳng, những vụ giết người đẫm máu. Vả lại, liệu ta có cái nghĩa vụ đặc biệt phải lưu tâm đến những khát vọng của vợ ta không? Dù sao hai chúng ta cũng là một gia đình.”
MACBETH xứ SCOTLAND
***
Macbeth, hay Vở bi kịch về Macbeth là vở bi kịch ngắn nhất của William Shakespeare được cho là viết vào khoảng 1603 và 1607, Macbeth - ngay khi đang tỏa sáng trong vinh quang, danh vọng đã nghe những lời tiên tri ghê gớm của ba mụ phù thủy về một tương lai với vinh quang và danh vọng còn to lớn hơn. Lời tiên tri rằng Macbeth sẽ sở hữu ngai vàng đã đánh thức trong Macbeth tham vọng quyền lực dữ dội. Cùng với sự thúc giục và khuyến khích của vợ, Macbeth phạm tội sát nhân khi vua Duncan (vua nước Anh) đến thăm lâu đài của hắn. Sau đó Macbeth đã lên ngôi vua theo đúng lời tiên tri, nhưng luôn phải cố sức giữ ngôi vua, liên tục gặp ác mộng, hồn ma hiện hình, hình ảnh con dao găm nhuốm máu lơ lửng trong tâm hồn, và cuối cùng bị giết chết.