Thập niên 1960 bỗng trở nên xôn xao với cái gọi là “đạo đức học tình huống”. Những người đề xuất trào lưu tuyên bố rằng hành vi đạo đức thực hiện trong bất kỳ tình huống nào cũng phụ thuộc vào sự pha trộn đặc thù của các nhân tố trong tình huống đó. Những người cụ thể nào chịu sự tác động của tình huống? Họ có cái lý gì khi gây ra kết quả của tình huống? Kết quả ảnh hưởng thế nào đển các tình huống tương lai? Và nói cho cùng thì ai đang đặt ra những câu hỏi này? Chẳng hạn trong trường hợp ngoại tình, bên cạnh các thứ khác, các nhà đạo đức học tình huống sẽ quan tâm đến tình trạng hôn nhân và có thể đi tới những đánh giá trái ngược, tùy thuộc vào việc cuộc hôn nhân có diễn ra suôn sẻ hay không. Những người phản đối đạo đức học tình huống tỏ ra bất bình, họ cảm thấy lối lập luận như thế có thể được dùng để biện hộ cho bất cứ chuyện gì người ta muốn làm. Một số người phản đối giữ lập trường cực đoan: bội tín luôn luôn sai, bất kể trong hoàn cảnh nào.
Nhưng thật nghịch lý, đôi khi vì lờ đi hoàn cảnh đặc thù, chúng ta đã tạo cơ hội cho những hành động ích kỷ.
Bọn cướp có vũ trang đột nhập vào một ngân hàng, bắt toàn bộ nhân viên cùng khách hàng đứng dựa vào tường và bắt đầu lột ví tiền, đồng hồ, nữ trang của họ. Hai kế toán của ngân hàng đứng trong hàng người chờ bị cướp. Một người đột nhiên dúi thứ gì đó vào tay người kia. Người kia thì thầm hỏi, “Cái gì thế?” Người thứ nhất thì thầm đáp, “Đây là năm chục đô tôi nợ ông.”
xXx
DIMITRI: Tôi vẫn không chắc cái gì là đúng cái gì là sai, nhưng có một việc tôi biết chắc - điều quan trọng trong cuộc sống là khiến thần linh hài lòng.
TASSO: Như Zeus và Apollo.
DIMITRI: Đúng. Hoặc vị thần yêu thích của tôi: Aphrodite.
TASSO: Ồ, cũng là vị thần tôi thích... nếu nàng tồn tại.
DIMITRI: Nếu nàng tồn tại ư? Tốt nhất là cậu hãy thôi bẻm mép đi, Tasso ạ. Tôi đã chính mắt trông thấy có những người bị sét đánh tan thây vì nói thế.