Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Chủ Nghĩa Duy Lý

Còn bây giờ chúng ta sẽ chuyển hẳn chủ đề, để bàn đến một trường phái triết học siêu hình đã trở thành mục tiêu châm biếm của không ít tác giả. Chỉ có một vấn đề là: những truyện cười đó đều nhắm trượt trọng tâm.

Khi triết gia duy lý thế kỷ 17 Gottfried Wilhelm Leibniz thốt ra câu nói nổi tiếng: “Đây là thế giới tốt nhất trong tất cả các thế giới có thể”, ông đã bị chế nhạo không thương tiếc. Tất cả bắt đầu vào thế kỷ tiếp theo với Candide, cuốn tiểu thuyết hết sức vui nhộn của Voltaire về anh chàng tốt bụng (Candide) và ông thầy triết của chàng, tiến sĩ Pangloss (Voltaire ám chỉ Leibniz). Trong những chuyến đi của mình, chàng Candide trải qua bao nhiêu trận đòn roi, những hình phạt bất công, dịch bệnh và một trận động đất mô phỏng động đất Lisbon năm 1755 từng san phẳng cả thành phố. Tuy nhiên không gì lay chuyến nổi lý lẽ khăng khăng của tiến sĩ Pangloss rằng “Mọi sự đều hướng tới hoàn thiện trong thế giới tốt nhất của tất cả những thế giới có thể có này.” Khi Candide định lao xuống cứu Jacques, một tín đồ phái Rửa tội lại (Anabaptist) người Hà Lan sắp chết đuối, thì Pangloss đã ngăn chàng lại, lý sự rằng vịnh Lisbon “được tạo ra cốt là để cho gã tín đồ giáo phái Rửa tội lại này chết chìm trong đó”.

Hai thế kỷ sau, vở nhạc kịch hài của Leonard Berstein năm 1956 nhan đề là Candide đã góp thêm tiếng cười cho trò vui. Khúc hát nổi tiếng nhất của vở diễn, “Thế giới tốt nhất trong tất cả các thế giới có thể” - lời của Richard Wilbur, được Pangloss và ca đoàn hát lên ngợi ca chiến tranh như một phúc lành trong tai họa, bởi vì nó đoàn kết tất cả chúng ta lại, như những nạn nhân.

___oOo___

Terry Southern và Mason Hoffenberg cũng nhập cuộc vui này bằng việc sáng tác một phiên bản thô tục, Candy, nói về một cô gái trẻ chất phác, mặc dù bị tất cả những gã đàn ông mà cô ta gặp lợi dụng, nhưng vẫn ngây thơ và lạc quan. Năm 1964, tác phẩm này được chuyển thể thành phim với dàn diễn viên ngôi sao, trong đó có triết gia Ringo Starr.

***

Tất cả đều rất vui nhộn, nhưng đáng tiếc rằng những tác phẩm hài hước nói trên đều hiểu sai luận đề của Leibniz. Leibniz là một nhà duy lý, một thuật ngữ triết học để chỉ những người theo quan điểm coi lý trí là ưu việt so với các cách thức thu nhận tri thức khác (đối lập, chẳng hạn, với các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa kiên trì quan điểm cho rằng cảm giác là con đường chủ yếu để đạt đến tri thức). Leibniz đi đến kết luận rằng thế giới này là tốt nhất trong các thế giới có thể nhờ lập luận thuần túy lý trí như sau:

  1. Nếu Thượng đế không chọn sáng tạo ra thế giới, thì có thể chẳng hề có một thế giới nào hết.
  2. “Quy luật lý do đầy đủ” nói rằng khi có nhiều hơn một lựa chọn, ắt phải có giải thích tại sao lại chọn cái này mà không chọn cái khác.
  3. Trong trường hợp Thượng đế đã lựa chọn một thế giới nhất định để sáng tạo, thì nguyên do nhất thiết phải được tìm kiếm trong các thuộc tính của chính Thượng đế, vì tại thời điểm đó ngoài ngài ra chưa có gì khác.
  4. Bởi vì Thượng đế là toàn năng và toàn thiện, ngài ắt phải sáng tạo ra thế giới tốt nhất có thể. Nếu suy nghĩ một chút, thì trong hoàn cảnh này, đây là thế giới duy nhất có thể. Là toàn năng và toàn thiện, Thượng đế không thể sáng tạo ra một thế giới không tốt nhất.

Voltaire, Berstein và cộng sự, Terry Southern và Mason Hoffenberg, thảy đều châm biếm tư tưởng của Leibniz đã bị hiểu theo cách của họ: “Mọi thứ thật tuyệt cú mèo”. Nhưng Leibniz không cho rằng thế giới chẳng có gì xấu. Ông chỉ cho rằng, nếu Thượng đế sáng tạo thế giới khác đi, có thể cái xấu còn nhiều hơn.

May thay, chúng ta cũng sẵn có hai truyện cười thực sự rọi sáng triết học Leibniz.

Một người lạc quan nghĩ rằng đây là thế giới tốt nhất trong tất cả các thế giới có thể. Một người bi quan lại sợ rằng nó đúng là như vậy.

Mẩu chuyện cười này ngụ ý rằng người lạc quan tán đồng quan điểm coi thế giới này tốt nhất trong tất cả các thế giới có thể, trong khi người bi quan thì không. Từ cái nhìn duy lý của Leibniz, thế giới chỉ đơn giản là cái mà nó là; mẩu chuyện chứng tỏ sự thật hiển nhiên rằng lạc quan và bi quan là những thái độ cá nhân không liên quan đến mô tả trung tính, duy lý của Leibniz về thế giới.

Người lạc quan nói: “Cốc này đầy một nửa.”

Người bi quan nói: “Cốc này vơi một nửa.”

Người duy lý nói: “Cái cốc to gấp đôi so với cần thiết.”

Điều này thật sáng rõ như thủy tinh vậy.