Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Chân Lý Tương Đối

Chân lý tương đối hay tuyệt đối?

Trang Tử, hiền triết Đạo gia cổ đại, tỉnh dậy từ một giấc mơ trong đó ông là một con bướm, hay là, ông tự hỏi, thật ra ông là một con bướm lúc này đang mơ mình là Trang Tử?

Trong thế giới phương Tây hiện đại, các triết gia bị ám ảnh bởi tính tương đối của cái biết đối với người biết. Như chúng ta đã biết, George Berkeley còn đi xa đến mức phát biểu rằng “vật thể” chỉ tồn tại tương đối với trí óc.

___oOo___

Thế kỷ hai mươi, một giáo sư đại học Harvard làm thí nghiệm với ma túy tạo ảo giác và sửng sốt phát hiện các nhận thức của mình mang tính tương đối. Không, chúng tôi không nói đến Timothy Leary [Timothy Francis Leary (1920-1996), nhà tâm lý học có ảnh hưởng người Mỹ, ủng hộ lợi ích của chất gây ảo giác trong trị liệu]. Trước đó khá lâu, đó là William James [William James (1842-1910), nhà tâm lý học và triết học tiên phong người Mỹ với những cuốn sách về tâm lý học, chủ nghĩa thần bí, chủ nghĩa thực dụng]. Khi hít khí tê, James cảm thấy mình đạt đến trạng thái hòa đồng cùng vũ trụ, nhưng khi chất kích thích hết tác dụng, ông không thể nhớ được gì về những nhận thức vũ trụ của mình. Vì vậy, đến lần hít khí tê sau, ông buộc một cây bút vào tay và đặt một cuốn sổ mở trước mặt. Như mong đợi, một ý tưởng chói sáng đến với ông, và lần nầy ông đã ghi lại được trên giấy. Vài giờ sau, thoát khỏi trạng thái đó, ông đọc ý tưởng triết học đột phá đã tự tay ghi lại: “Mọi thứ bốc mùi dầu hỏa!”

Ban đầu giáo sư James thất vọng, nhưng sau đó ông bắt đầu tư duy bằng cảm thức triết học. Ông nhận ra rằng vấn đề thực chất có thể là: a/ Những ý tưởng dường như là thiên tài dưới tác dụng của khí tê thật ra rất tầm thường vớ vẩn; hoặc b/ “Mọi thứ bốc mùi dầu hỏa” thực sự là ý tưởng thiên tài, nhưng nếu không có tác dụng của khí tê, người ta không nhận thức được.

Phân tích của James phảng phất giống một truyện cười.

***