Pierre và Jean

Chương 6

Không có gì xảy ra ở gia đình Roland trong khoảng một hoặc hai tuần. Ông bố đi câu. Jean sắp xếp nơi ở mới, có mẹ giúp sức, Pierre, rất ủ rũ, chỉ còn xuất hiện vào các giờ ăn.

Một hôm cha chàng hỏi:

"Con có gì mà chống đối với chúng ta mặt con cứ như đi đưa đám thế? Chẳng phải hôm nay bố mới nhận thấy đâu".

Bác sĩ đáp:

"Đó là vì con cảm thấy một cách kinh khủng gánh nặng cuộc đời".

Ông lão chẳng hiểu gì hết, và, với vẻ phiền muộn:

"Thật là quá lắm. Từ khi chúng ta may mắn có được cái gia tài ấy, tất cả mọi người đều có vẻ khổ sở. Cứ như là chúng ta gặp tai nạn, cứ như là chúng ta khóc ai đó!"

"Quả thực con có khóc ai đó" Pierre nói.

"Con ư? Ai vậy?"

"Ô! Ai đó mà bố không biết, mà con từng quá yêu".

Roland tưởng đấy là một chuyện tình trăng gió, một cô nàng lẳng lơ mà con trai mình tán tỉnh, và ông hỏi:

"Một người đàn bà, chắc thế?"

"Phải, một người đàn bà".

"Chết ư?"

"Không, tệ hơn nữa, hư hỏng".

"A!"

Dù ngạc nhiên, vì điều tâm sự bất ngờ, thổ lộ trước mặt bà vợ, và vì giọng điệu kỳ quặc của con trai, ông già không hỏi thêm vì ông cho rằng những chuyện ấy chẳng dính dáng gì đến những người không liên quan.

Bà Roland dường như không nghe thấy, bà có vẻ ốm, người hết sức nhợt nhạt. Đã nhiều lần chồng  bà, ngạc nhiên vì thấy bà ngồi cứ như ngã xuống ghế, vì nghe bà hổn hển cứ như không thở được nữa, đã bảo bà:

"Thật đấy, Louise ạ, mình kém sắc lắm, chắc mình quá vất vả để thu xếp chỗ ở cho Jean. Chà, chà! Mình nghỉ đi một tí! Cái thằng ấy, nó chẳng vội gì đâu, vì nó giàu mà!"

Bà lắc đầu không đáp.

Ngày hôm ấy, bà càng nhợt nhạt hết sức, thành thử Roland lại để ý. Ông bảo:

"Nào, không ổn đâu, bà lão tội nghiệp ạ, cần phải chăm sóc cho bà".

Rồi quay sang con trai:

"Anh thấy rõ rồi đấy, mẹ anh ốm. Ít ra anh đã khám cho bà chưa?"

Pierre đáp:

"Chưa, con không nhận ra mẹ bị làm sao đó".

Thế là Roland nổi giận:

"Nhưng rõ mồn một thế kia mà, mẹ kiếp! Thế anh làm bác sĩ làm cái quái gì, nếu thậm chí anh chẳng nhận thấy mẹ anh khó ở? Nhưng anh hãy nhìn mẹ đi, này, nhìn mẹ anh đi. Không, quả thật, người ta toi đến nơi, mà cái anh thầy thuốc này cũng chẳng ngờ đến!"

Bà Roland bắt đầu thở dốc, người xanh lợt đến nỗi ông chồng kêu lên:

"Nhưng bà ấy sắp xỉu đi kìa!"

"Không…không..không sao đâu..rồi nó hết thôi…không sao đâu".

Pierre đã lại gần và nhìn bà chằm chằm:

"Nào, mẹ làm sao nào?" chàng nói.

Bà nhắc lại, giọng khe khẽ, ấp úng:

"Nhưng, không sao.,..không sao..mẹ cam đoan…không sao…"

Roland đã đi lấy dấm, ông quay vào, chìa cho con cái lọ:"

"Này, làm cho mẹ đỡ đi chứ, con. Ít ra con đã xem tim cho mẹ chưa?"

Thấy Pierre cúi xuống để bắt mạch, bà rụt bàn tay lại với một động tác đột ngột đến nỗi va vào chiếc ghế kề bên.

"Nào, chàng nói bằng giọng lạnh lùng, mẹ hãy để cho con chăm sóc vì mẹ ốm mà".

Bà bèn nhấc cánh tay lên và giơ ra cho chàng. Da bà nóng bỏng, mạch đập hỗn loạn và giật cục. Chàng nói khẽ:

"Quả thực, khá nghiêm trọng đấy. Phải uống thuốc an thần. Con sẽ kê đơn cho mẹ".

Chàng đang cúi xuống viết thì cái tiếng khe khẽ của những hơi thở dài dồn dập, của cơn tắc nghẹn, của những hơi thở ngắn, kìm nén, khiến chàng quay phắt lại.

Bà đang khóc, hai tay ôm lấy mặt.

Roland, cuống quýt, hỏi:

"Louise, Louise, mình sao thế? Nhưng mình làm sao cơ chứ?"

Bà không trả lời và như bị dằng xé bởi một nỗi đau buồn gớm ghê và sâu sắc.

Ông chồng định cầm lấy bàn tay bà, nhấc ra khỏi mặt. Bà vừa kháng cự, vừa lập lại:

"Không, không, không".

Ông quay sang con trai:

"Nhưng mẹ làm sao vậy? Bố chưa bao giờ thấy mẹ như thế này.."

"Không sao đâu, Pierre nói, một cơn thần kinh nhẹ".

Và chàng thấy dường như lòng chàng nguôi đi khi nhìn bà bị dằn vặt như vậy, dường như nỗi đau kia làm vợi niềm oán hận, giảm bớt món nợ ô nhục của mẹ chàng. Chàng ngắm bà như viên quan toà mãn nguyện vì công việc mình làm.

Nhưng bỗng nhiên bà đứng dậy, lao ra cửa đột ngột đến mức người ta không thể đoán trước cũng chẳng thể ngăn lại, và bà chạy vào náu trong phòng riêng.

Còn lại Roland và chàng bác sĩ đối mặt:

"Anh có hiểu ra làm sao không?" Người này nói.

"Có, người kia đáp, đó là do một sự bất ổn nhỏ về thần kinh, thường phát ra vào độ tuổi của mẹ. Có lẽ rồi mẹ còn bị nhiều cơn như thế nữa".

Quả thật bà còn những cơn khác nữa, gần như hàng ngày, và dường như do Pierre gây nên qua một lời nói, tựa thể chàng nắm được bí mật của căn bệnh lạ lùng chưa từng biết này. Chàng rình trên mặt bà những đợt ngưng nghỉ, và, với mưu mẹo của kẻ tra tấn, chỉ cần một tiếng là làm thức dậy cái đau vừa dịu đi chốc lát.

Mà chàng cũng đau đớn ngang với bà, chính chàng! Chàng đau đớn khủng khiếp vì không yêu bà nữa, vì không tôn trọng bà nữa, vì mình hành hạ bà. Khi chàng đã làm cho vết thương đang chảy máu do chàng phanh ra trong tấm lòng phụ nữ và tấm lòng mẹ kia phải nhói lên gay gắt, khi chàng cảm thấy bà khốn khổ và tuyệt vọng biết chừng nào, thì chàng bỏ đi, một mình lang thang trong thành phố, thật khổ sở vì hối hận, thật tái tê vì thương xót, thật sầu não vì đã nghiến nát bà dưới sự khinh miệt của đứa con, đến mức chàng muốn lao xuống biển, muốn trẫm mình để chấm dứt mọi chuyện.

Ôi! Bây giờ chàng muốn biết mấy giá như mình tha thứ được! Nhưng chàng không thể, vì không sao quên nổi. nếu ít ra chàng có thể đừng làm bà đau đớn, nhưng chàng cũng không thể, vì bản thân chàng vẫn cứ đau. Chàng về nhà vào các giờ ăn, chứa chan những quyết tâm đầy ái ngại, rồi vừa trông thấy bà, vừa nhìn con mắt bà xưa kia thật là ngay thẳng, thật là trung thực, thế mà giờ đây lẩn trốn, sợ sệt, luống cuống, là chàng lại ra đòn ngoài ý muốn, không giữ nổi lời lẽ âm hiểm cứ trào lên miệng.

Điều bí mật xấu xa, chỉ riêng họ biết, kích thích chàng chống lại bà. Đó là một nọc độc giờ đây chàng mang trong huyết quản, nó khiến chàng thèm cắn xé theo kiểu một con chó dại.

Chẳng còn điều gì cản trở chàng dày vò bà liên tiếp, vì giờ đây Jean gần như ở hẳn nhà mới, và tối tối chỉ về để ăn và ngủ trong gia đình.

Jean nhiều lần nhận thấy sự chua chát và dữ dằn của người anh, mà chàng cho là vì ghen tức. Chàng tự hứa thế nào cũng phải sửa cho anh một trận, và dạy anh một bài học, vì cuộc sống gia đình trở nên hết sức nặng nề, khó chịu sau những cảnh dằn vặt liên miên như vậy. Nhưng giờ đây sống riêng biệt, chàng bớt khổ sở vì những sự thô bạo ấy, và do thích yên ổn, nên chàng nhẫn nại. Vả lại, của cải đã khiến chàng chếch choáng, và suy nghĩ của chàng hầu như chỉ còn dừng lại ở những điều có lợi ích trực tiếp đối với mình. Chàng về nhà, đầu óc đầy những băn khoăn nho nhỏ mới mẻ, bận tâm về một kiểu áo jacket, về hình dáng một chiếc mũ phớt, về khổ rộng thích hợp cho danh thiếp. Và chàng cứ nói mãi về mọi chi tiết của căn nhà, về những tấm ván đặt ở tủ tường trong phòng riêng để xếp đồ mặc thường, về các mắc áo để tại tiền sảnh, về những chiếc chuông điện bố trí để phòng ngừa mọi sự xâm nhập lén lút.

Họ đã quyết định nhân dịp chàng dọn đến nhà mới, mọi người sẽ có một cuộc đi chơi ở miền quê Saint-Jouin, và sau khi ăn bữa chiều, sẽ trở về dùng trà, tại nhà chàng. Roland muốn đi đường biển, nhưng vì xa, và nếu gió ngược, không chắc có đến nơi được theo đường ấy, nên ý kiến này bị gạt bỏ, và họ thuê một cỗ xe nhẹ cho chuyến đi.

Họ khởi hành vào mười giờ để đến nơi kịp ăn trưa. Con đường lớn lầm bụi trải dài qua miền quê Normandie giống như một khuôn viên bất tận với những giải đồng bằng uốn lượn và những trang trại có cây cối bao quanh. Trong cỗ xe đi theo nước kiệu chậm của hai con ngựa béo tốt, gia đình Roland, bà Rosémilly và thuyền trưởng Beausire nín lặng, và váng tai vì tiếng bánh xe lộc cộc, và nhắm mắt lại trong đám bụi mù.

Đang mùa lúa chín. Bên cạnh những cây chẻ ba màu lục sẫm, và củ cải đường xanh ngắt, lúa mì vàng khiến đồng quê rực lên một ánh sáng hoe hoe vàng óng. Dường như lúa đã uống ánh mặt trời rơi xuống mình. Lác đác từng chỗ bắt đầu thu hoạch, và trên các cánh đồng đang gặt, họ nhìn thấy những người đàn ông vừa đung đưa người vừa rà sát mặt đất lưỡi hái lớn hình cánh chim.

Đi được hai giờ đông hồ, thì xe rẽ sang con đường bên trái, đi qua gần một cối xay gío đang quay, tàn vật u buồn xám xỉn, mục nát đến một nửa và lấp kín, cái cối xay cuối cùng còn sống sót từ những cối xay già nua xưa, rồi tiến vào một khoảnh sân xinh xắn, và dừng lại trước một ngôi nhà đỏm dáng, quán ăn nổi tiếng trong miền.

Bà chủ quán, thiên hạ thường gọi là người đẹp Alphonsine, tươi cười bước ra cửa, và giơ tay đón hai bà đang ngần ngại trước bậc xe quá cao.

Dưới mái lều vải, ven đồng cỏ rợp bóng mát những câytáo, khách phương xa đều đã đang dùng bữa, dân Paris đến từ Etretat, và bên trong nhà nghe tiếng nói, tiếng cười, tiếng bát đĩa.

Họ phải ăn trong một buồng nhỏ, vì các gian phòng lớn đông chật cả. Bỗng Roland nhìn thấy sát bên tường những chiếc lưới bắt tôm. Ông reo lên:

"A! A! Người ta  câu tôm he ở đây ư?"

"Phải, Beausire đáp, thậm chí suốt miền bờ biển, đây là nơi câu được nhiều nhất đấy".

"Chà, ăn xong ta đi nhé?"

Vừa hay thuỷ triều xuống lúc ba giờ, và họ quyết định là buổi chiều, tất cả mọi người sẽ đi bắt tôm trong các lèn đá.

Họ ăn ít, để tránh máu bốc lên đầu khi dầm chân dưới nước. Vả lại họ muốn để dành bụng cho bữa chiều, được đặt trước thật thịnh soạn và phải sẵn sàng vào lúc sáu giờ, lúc họ quay về.

Roland không nén nổi sốt ruột. Ông muốn mua các dụng cụ đặc biệt dùng cho việc câu tôm này, chúng rất giống những dụng cụ để bắt bướm trên đồng cỏ.

Người ta gọi dụng cụ này là vợt tôm. Đó là những túi lưới nhỏ, buộc vào một vành tròn bằng gỗ, ở đầu một chiếc que dài. Alphonsine, vẫn tươi cười, cho họ mượn vợt. Rồi bà ta giúp hai người phụ nữ ứng tác một bộ trang phục để khỏi làm ướt áo dài. Bà đưa ra váy, tất len thô và giày vải đế gai. Đàn ông cởi bỏ tất, và mua giày cũ, guốc gỗ ở hàng bán thợ giày địa phương.

Rồi họ lên đường, vai mang vợt, lưng đeo giỏ. Bà Rosémilly, ăn mặc như vậy, trông hết sức dễ thương, một vẻ dễ thương bất ngờ, thôn dã và táo bạo.

Chiếc váy Alphonsine cho mượn, được vén lên một cách đỏm dáng và khâu đính lại để có thể chạy nhảy trong các lèn đá mà không sợ, để lộ mắt cá và phần dưới bắp chân, một bắp chân rắn chắc của người phụ nữ nhỏ nhắn, uyển chuyển và mạnh mẽ. Phần thân mình thả lơi lỏng để cử động cho thoải mái, và để che đầu, nàng đã kiếm được một chiếc mũ làm vườn rộng thênh thang, bằng rơm vàng, vành thật to, một nhành liễu giữ cho một bên mũ vểnh lên, đâm ra có dáng ngự lâm quân và ngang nhiên dạn dĩ.

Jean, từ khi hưởng gia tài, ngày nào cũng tự hỏi xem mình có lấy nàng không. Mỗi lẫn gặp gỡ nàng, là chàng cảm thấy quyết tâm sẽ cưới nàng làm vợ, rồi, khi ở một mình, chàng lại nghĩ rằng chờ đợi thì có thời gian suy ngẫm. giờ đây nàng không giàu bằng chàng, vì nàng chỉ có khoảng mười hai ngàn francs lợi tức, nhưng là bất động sản, trang trại và đất đai ở Le Havre, miền duyên hải, và những cái đó, sau này, có thể trị giá rất lớn. vậy là tài sản gần như tương đương, và chắc chắn là chàng rất thích người quả phụ trẻ.

Nhìn nàng đang bước di phía trước mình ngày hôm ấy, chàng nghĩ "Nào, mình phải quyết định thôi. Thật vậy, mình chẳng tìm được đâu hơn".

Họ đi theo một thung lũng nhỏ thoai thoải từ làng xuống bờ dốc, và ở cuối thung lũng, bờ dốc vươn cao tám mươi mét trên mặt biển. Đóng khung giữa các đường đèo xanh tươi cây lá, xuôi dần sang phải và sang trái, xa xa xuất hiện một vùng nước rộng lớn hình tam giác màu lam ánh bạc dưới nắng và một cánh buồm, chỉ hơi nhìn rõ, trông như một cánh côn trùng ở nơi xa ấy. Bầu trời rực sáng hoà lẫn mặt nước đến nỗi người ta chẳng phân biệt được đâu là nơi trời kết thúc đâu là nơi nước bắt đầu, và hai người phụ nữ, đi trước cánh đàn ông, in lên nền trời trong trẻo ấy thân hình thắt đáy trong áo nịt.

Jean, con mắt háo hức, nhìn mắt cá chân mảnh dẻ, bắp chân thanh tú, bộ hông uyển chuyển và chiếc mũ rộng trêu ngươi của bà Rosémilly thoăn thoắt lẩn đi ở phía trước mình. Và sự lẩn đi thoăn thoắt ấy khích động ham muốn nơi chàng, thúc đẩy chàng đi tới những quyết định dứt khoát mà những người do dự và những kẻ dụt dè thường có một cách đột ngột. Không khí ấm áp, trong đó hơi hướng biển của những lèn đá trồi lên khỏi mặt nước hoà vào mùi của bãi bờ, của hoa kim tước, lá chẻ ba, cỏ, khiến chàng hơi say say, do đó thêm phấn khích, và mỗi bước chân đi, mỗi giây, mỗi ánh mắt liếc nhìn dáng hình lanh lẹ của người thiếu phụ, chàng lại quyết định thêm một chút, chàng quyết định sẽ không do dự nữa, sẽ nói với nàng là mình yêu nàng và muốn lấy nàng. Chuyến đi câu sẽ giúp chàng, khiến việc họ chuyện trò riêng với nhau được dễ dàng, ngoài ra đó còn là một khung cảnh đẹp, một chốn đẹp để nói chuyện yêu đương, vừa dầm chân trong vụng nước trong vắt, vừa nhìn những sợi râu tôm dài lẩn trốn dưới rong rêu.

Đi tới cuối thung lũng, bên bờ vực, họ nhìn thấy một lối nhỏ xuôi xuống bờ dốc, và phía dưới họ, ở giữa mặt biển và chân núi, gần lưng chừng dốc, là một cảnh ngổn ngang kỳ lạ những khối đá cực lớn lô xô, sập xuống, đổ xuống, khối nọ chồng chất lên khối kia, trong một loại bình nguyên khấp khểnh nhiều cỏ mọc, chạy tít tắp về phương nam, hình thành nên từ những vụ lở núi xa xưa. Trên giải đất dài đầy bụi gai và cỏ gà, cứ như thể bị chuyển rung vì những chấn động hoả diệm sơn, các khối đá đổ gục trông tựa những phế tích của một đô thị lớn đã tiêu vong, xưa kia nhìn ra đại dương, bản thân đô thị này lại bị bức trường thành vô tận màu trắng của bờ dốc vượt lên cao sừng sững.

Bà Rosémilly dừng chân nói "Đẹp quá".

Jean đã đến bên nàng, và lòng bồi hồi xúc động, đưa tay dắt nàng bước xuống bậc thang hẹp đục vào lèn đá.

Họ đi trước, trong lúc Beausire, cứng người trên đôi bắp chân ngắn, giơ cánh tay khuỳnh cho bà Roland đang choáng váng vì khoảng không, vịn lấy.

Roland và Pierre đi sau cùng, và bác sĩ phải kéo ông bố, ông ta bị chóng mặt quá thể đến nỗi cứ ngồi phệt mà trượt từng bậc một.

Hai người trẻ tuổi đi đầu, lao xuống rất nhanh, và đột nhiên, họ nhìn thấy bên một chiếc ghế gỗ dài đánh dấu nơi ngừng nghỉ ở quãng giữa thung lũng, một dòng nước trong vắt phun ra từ một hốc nhỏ của bờ dốc. Thoạt tiên dòng nước chảy lan thành một vũng to bằng chiếc thau do tự nó xói trũng xuống, rồi tuôn thành thác cao xấp xỉ gần hai bộ[1], chảy ngang qua lối nhỏ, nơi đây đã mọc lên một thảm rau cải xoong, rồi biến đi trong cỏ và gai góc, qua giải bình nguyên nhấp nhô chất chồng những tảng đá lở.

Bà Rosémilly reo lên "Ồ, sao tôi khát thế!"

Khi nàng ngẩng mái đầu, đầy những giọt nước li ti, hàng ngàn hàng ngàn giọt long lanh trên da, trên tóc, trên hàng mi, trên áo nịt. Jean nghiêng xuống bên nàng thì thầm:

"Sao mà cô xinh thế!"

Nàng đáp, với giọng dùng để mắng một đứa trẻ:

"Anh có im đi không nào?"

Đó là những lời đầu tiên hơi tình tứ một chút mà họ nói với nhau. Jean rất bối rối, bảo:

"Nào, chúng ta chuồn đi trước khi họ đuổi kịp chúng ta".

Quả thật chàng nhìn thấy giờ đây rất gần mình, cái lưng của thuyền trưởng Beausire đang bước giật lùi để đỡ bà Roland bằng cả hai tay, và, ở cao hơn, xa hơn, Roland vẫn đang ngồi  bệt mà tụt xuống, lết bằng hai chân và khuỷu tay, chậm chạp như rùa, còn Pierre vừa đi trước bố v những canh chừng các động tác của ông.

Lối đi bớt dốc, chuyển thành một kiểu đường thoai thoải vòng quanh những khối đá đồ sộ xưa kia rơi từ trên núi xuống. Bà Rosémilly và Jean bắt đầu chạy và chẳng mấy chốc đã đến khoảng bờ nhiều đá cuội. Họ vượt qua đó để sang lèn. Lèn trải thành một vùng dài và bằng phẳng phủ đầy rong rêu, lấp loáng vô vàn vũng nước. Thuỷ triều xuống ở mãi đàng kia, rất xa, sau giải đồng bằng lầy nhầy hải tảo, màu xanh đen bóng loáng.

Jean xắn quần lên trên mắt cá chân, và vén tay áo đến khuỷu, để tha hồ dầm nước, rồi chàng vừa nói "Tiến lên!" vừa cả quyết nhay xuống cái vũng đầu tiên bắt gặp.

Thận trọng hơn, tuy cũng nhất quyết lát nữa sẽ lội xuống, thiếu phụ đi vòng quanh vũng nước hẹp, bước dò dẫm sợ sệt, vì cứ trượt chân trên rong rêu nhớt nhát. Nàng hỏi:

"Anh có thấy gì không?"

"Có, tôi thấy gương mặt cô đang in bóng xuống nước".

"Nếu anh chỉ nhìn thấy có thế, anh sẽ chẳng câu được nhiều đâu".

Chàng thì thầm với giọng âu yếm:

"Ô! Tôi thích câu cái này hơn tất cả các thứ khác".

Nàng bật cười:

"Anh cứ thử xem, anh sẽ thấy nó trượt qua lưới của anh đấy".

"Thế nhưng…nếu cô muốn?"

"Tôi muốn thấy anh  bắt tôm..và không muốn gì hơn nữa..lúc này".

"Cô thật là ác. Ta ra xa hơn nữa đi. Ở đây chẳng có gì đâu".

Và chàng đưa tay dắt nàng đi trên những tảng đá trơn nhẫy. Nàng tựa mình hơi sợ sệt, còn chàng, bỗng nhiên, cảm thấy tình yêu tràn ngập, ham muốn dâng lên, thèm khát nó, như thể căn bệnh ủ mầm trong chàng đã đợi ngày hôm đó để nảy nở.

Chẳng mấy chốc họ đến gần một khe sâu hơn, trên mặt nước lăn tăn và đang chảy ra biển khơi qua một kẽ nẻ không nhìn thấy, bập bềnh những sợi rong dài, mảnh, màu sắc kỳ lạ, những mái tóc hồng và xanh lục, như thể đang bơi.

Bà Rosémilly reo lên:

"Này, này, tôi thấy một con, một con to, rất to ở kia kìa!"

Đến lượt chàng cũng nhìn thấy, và cả quyết bước xuống hố trũng, dù bị ướt đến thắt lưng.

Nhưng con vật rung rung những sợi râu dài, cứ lùi từ từ trước tấm vợt. Jean xua nó về phía đám tảo, tin chắc sẽ bắt được nó tại đấy. Khi con tôm cảm thấy bị vây hãm, nó đột ngột lấy đà trườn bên trên tấm lưới, bơi qua vũng nước rồi biến mất.

Thiếu phụ đang hồi hộp xem cuộc đuổi bắt, không kìm nổi tiếng kêu:

"Ồ! Vụng quá!"

Chàng phật ý, và bằng một động tác chẳng suy nghĩ, rê tấm vợt dưới đáy hốc đầy rong rêu. Khi đưa lưới lên mặt nước, chàng thấy bên trong có ba con tôm he to trong suốt, bắt hú hoạ được tại nơi ẩn náu không nhìn thấy.

Đắc thắng, chàng đưa chúng cho bà Rosémilly, nàng không dám cầm, vì sợ mũi nhọn rất sắc có răng cưa ở cái đầu mỏng mảnh của chúng.

Tuy thế nàng cũng quyết định, và dùng hai ngón tay túm lấy ngọn râu nhọn vút, nàng đặt từng con một vào giỏ, thêm chút tảo để giữ cho chúng sống. Rồi tìm thấy một vũng nước nông hơn, nàng lội xuống, bước ngập ngừng, hơn nghẹn thở vì chân bị lạnh, và bắt đầu tự câu lấy. Nàng khéo léo và mưu mẹo, có bàn tay dẻo và sự tinh nhạy cần thiết của kẻ săn tìm. Hầu như mỗi lần đưa vợt lên, nàng đều bắt được những con tôm bị lừa và bị tóm bất ngờ bởi cái thong thả tàitình của sự truy đuổi.

Giờ đây Jean chẳng bắt được gì, nhưng chàng theo nàng từng bước, chạm sát vào nàng, nghiêng mình xuống bên nàng, giả vờ thất vọng hết sức vì mình vụng về, muốn học hỏi.Chàng nói:

 "Ô, bảo tôi với! Chỉ cho tôi với!"

rồi, vì hai gương mặt in bóng, kề bên nhau, trên làn nước trong veo được những cây tảo đen đen dưới đáy tạothành một tấm gương trong vắt, Jean mỉm cười với mái đầu sát cạnh đang nhìn mình từ dưới kia, và thỉnh thoảng, dùng đầu ngón tay gửi một nụ hôn cứ như rơi trên đó. Thiếu phụ bảo:

"A, chán anh quá! Bạn thân mến, không bao giờ nên làm hai việc cùng một lúc".

Chàng đáp:

"Tôi chỉ làm có một mà thôi. Tôi yêu em".

Nàng thẳng người dậy, và bằng giọng nghiêm trang:

"Nào, từ mười phút nay, anh làm sao thế, anh mất trí rồi ư?"

"Không, tôi không mất trí. Tôi yêu em, và cuối cùng, tôi dám nói với em điều đó".

Giờ đây họ đứng trong vũng nước mặn, lội đến mắt cá chân, và tì lên vợt những bàn tay ướt đẫm, họ nhìn sâu vào mắt nhau.

Nàng lại nói, giọng bông đùa và phật ý:

"Anh nói với tôi điều ấy vào lúc này thật dại quá. Anh không đợi đến hôm khác và đừng làm hỏng chuyến đi câu của tôi được sao?"

Chàng thì thầm:

"Xin lỗi, nhưng tôi không thể im được nữa. Tôi yêu em từ lâu. Hôm nay em a làm tôi say đến mất cả trí khôn".

Thế là, đột nhiên, nàng dường như quyết định đành lòng bàn công việc và từ bỏ thú vui. Nàng nói:

"Chúng ta hãy lên tảng đá kia ngồi, tới có thể yên ổn nói chuyện".

Họ trèo lên một khối đá hơi cao, và khi đã ngồi song song bên nhau, buông thõng hai chân, dưới ánh nắng chan hoà, nàng nói tiếp:

"Bạn thân mến, anh không còn là trẻ con, và tôi không phải là một thiếu nữ. Cả hai chúng ta đều biết rõ đây là chuyện gì, và chúng ta có thể cân nhắc mọi hậu quả do hành vi của mình. Nếu hôm nay anh quyết định bộc lộ tình yêu với tôi, dĩ nhiên tôi giả định rằng anh muốn lấy tôi".

Chàng chẳng mấy chờ đợi bản thuyết minh tình hình rành rọt này, và ngây ngô đáp:

"Thì đúng thế".

"Anh đã nói chuyện với bố mẹ anh chưa?"

"Chưa, tôi muốn biết em có chấp nhận tôi không đã".

Nàng chìa bàn tay còn ướt cho chàng, và khi chàng nồng nhiệt đặt tay mình vào đó, nàng bảo:

"Tôi thì tôi rất đồng ý. Tôi cho rằng anh tốt và trung thực. Nhưng anh đừng quên rằng tôi không muốn làm cha mẹ anh phật lòng".

"Ôi, em tưởng mẹ tôi không dự đoán gì hay sao, và liệu bà có yêu mến em như thế nếu bà không mong muốn một cuộc hôn nhân giữa hai ta?"

"Đúng vậy, tôi hơi bối rối mà".

Họ ngừng lời. Và chàng, chàng thì ngạc nhiên thấy, trái lại, sao nàng ít bối rối  đến thế, biết đều đến thế. Chàng chờ đợi những trò tìnn tứ dễ thương, những sự khước từ mà như đồng ý, chờ đợi cả một tấn kịch yêu đương điệu đàng xen lẫn chuyện đi câu, trong tiếng nước vỗ bập bềnh! Mà thế à xong, chàng cảm thấy mình đã gắn bó, đã kết hôn, qua hai chục câu nói. Họ chẳng còn gì để nói với nhau nữa bởi họ đã thuận lòng và giờ đây, cả hai hơi lúng túng vì điều vừa xảy ra, nhanh đến thế, giữa họ, thậm chí hơi thẹn thùng, không dám nói nữa, không dám câu nữa, chẳng biết làm gì.

Tiếng nói của Roland cứu họ:

"Lại đây, lại đây nào, các con. Lại mà xem Beausire. Ông ta vét sạch biển mất, cái nhà ông này!"

Quả thật thuyền trưởng đang thực hiện một chuyến câu kỳ diệu. Dầm nước đến ngang hông, ông đi từ vũng này sang vũng khác, chỉ liếc một cái là nhận ra chỗ tốt nhất, rồi bằng động tác chậm rãi và chắc chắn của cây vợt, lục lọi mọi hang hốc ẩn dưới rong rêu.

Và những con tôm đẹp đẽ trong suốt, màu hung vàng pha sắc xám, dãy dụa trong lòng bàn tay ông khi ông tóm gọn lấy chúng để ném vào giỏ.

Bà Rosémilly kinh ngạc, hân hoan, không rời ông ra nữa, cố bắt chước ông, hầu như quên cả lời đính ước và Jean mơ màng theo sau, để hoàn toàn buông mình vào niềm vui trẻ thơ bắt các con tôm dưới những sợi rong phơ phất.

Bỗng Roland nói to:

"Này, bà Roland đang đến với chúng ta kìa!"

Thoạt tiên bà ở lại một mình với Pierre trên bờ biển, vì cả hai người chẳng ai muốn chơi trò chạy trong các lèn đá và lội dưới vũng, vậy mà họ lại ngồi cùng nhau. Bà sợ chàng, còn con trai bà thì sợ bà và sợ chính mình, sợ sự độc ác mà mình không làm chủ được.

 Vậy là họ ngồi trên lớp đá cuội, người nọ cạnh người kia.

Và cả hai, dưới ánh mặt trời ấm nóng được gió biển làm dịu đi, trước mặt nước mênh mang và êm đềm màu xanh lam lấp lánh ánh bạc, cùng nghĩ một lúc "Giá như trước kia, thì ở đây dễ chịu biết chừng nào!"

Bà chẳng dám nói với Pierre, bởi biết rõ chàng sẽ đáp lại bằng một lời tàn nhẫn, còn chàng không dám nói với mẹ, bởi cũng biết là, dù không muốn, mình sẽ nói một cách dữ dằn.

Chàng dùng đầu cây gậy chống để khuấy đảo những viên cuội tròn, đào bới chúng rồi đập chúng. Bà, mắt mông lung, đã nhón ba bốn hòn sỏi nhỏ và chuyền từ tay nọ sang tay kia, bằng cử chỉ chậm rãi và máy móc. Rồi ánh mắt mơ hồ, đang nhìn vơ vẩn ra phía trước, bỗng nhận thấy, giữa đám tảo, Jean, con trai bà đang câu cùng bà Rosémilly. Thế là bà dõi theo họ, rình các cử động nơi họ, bởi với bản năng làm mẹ, bà lờ mờ hiểu rằng họ không trò chuyện như mọi ngày. Bà thấy họ nghiêng người sát bên nhau khi họ đang nhìn xuống nước, thấy họ đứng mặt đối mặt khi họ đang gạn hỏi lòng nhau, rồi thấy họ trèo lên tảng đá và ngồi xuống đó để cùng nhau đính ước.

Dáng hình họ nổi lên rất rõ, dường như chỉ có mình họ giữa chân trời, và trong không gian bao la những trời, những biểnm những dốc đá, dáng hình ấy mang vẻ gì lớn lao, có ý nghĩa biểu tượng.

Pierre cũng đang nhìn họ, và một tiếng cười khô khốc đột nhiên bật khỏi miệng chàng.

Bà Roland hỏi mà không quay lại phía chàng:

"Con sao vậy?"

Chàng vẫn cười gằn:

"Con học hỏi. Con xem người ta chuẩn bị mọc sừng như thế nào".

Bà nảy người lên vì tức giận, vì công phẫn, thấy chướng vì cái tiếng nọ, nổi xung  vì điều mà bà cho là mình hiểu.

"Con nói điều đó cho ai?"

"Thì cho Jean chứ cho ai! Nhìn họ như thế kia thật là hài hước!"

Bà thì thào, bằng giọng khẽ, run run vì xúc động.

"Ôi, Pierre! Sao con độc ác thế! Người phụ nữ ấy là bản thân của sự đoan chính. Em con không thể tìm được đâu hơn".

Chàng bèn cười lên thật sự, với tiếng cười cố ý và giật cục:

"Ha! Ha! Ha! Bản thân của sự đoan chính! Tất cả đàn bà đều là bản thân của sự đoan chính…và tất cả những người chồng của họ đều bị mọc sừng. Ha! Ha!"

Bà đứng dậy không đáp, leo thật nhanh xuống dốc sỏi, và để mặc cho có thể trượt ngã, rơi vào các hốc khuất dưới cỏ, gãy tay gãy chân, bà bỏ đi, gần như chạy, băng qua các vũng nước, không nhìn, hướng thẳng về phía trước, hướng về đứa con kia của mình.

Nhìn thấy bà lại gần, Jean nói to:

"Thế nào mẹ? Mẹ quyết định chứ?"

Chẳng trả lời, bà nắm lấy cánh tay con như muốn bảo "Hãy cứu mẹ, hãy bảo vệ mẹ".

Chàng nhận thấy sự thác loạn nơi bà, và, rất kinh ngạc:

"Mẹ xanh quá! Mẹ làm sao thế?"

Bà lắp bắp:

"Suýt nữa mẹ ngã, ở trên những lèn đá kia mẹ thấy sợ".

Thế là Jean dắt bà, đỡ bà, giảng giải việc câu tôm để bà thấy hứng thú. Nhưng vì bà chẳng nghe mấy, và vì chàng cảm thấy một nhu cầu mãnh liệt thố lộ tâm sự cùng ai đó, chàng liền kéo bà ra xa hơn, và hạ thấp giọng:

"Mẹ đoán xem con đã làm gì nào?"

"Nhưng..nhưng…nhưng mẹ không biết".

"Mẹ đoán xem".

"Mẹ không…mẹ không biết".

"Thế thì, con đã nói với bà Rosémilly là con muốn lấy nàng".

Bà chẳng đáp, vì đầu ong ong, tâm tư khổ não đến nỗi chỉ còn hơi hiểu được. Bà lặp lại:

"Lấy nàng?"

"Vâng, con làm có đúng không? Nàng thật yêu kiều, phải không?"

"Ừ..yêu kiều…con đã làm đúng".

"Thế mẹ tán thành con chứ?"

"Ừ..mẹ tán thành".

"Mẹ nói điều ấy sao kỳ kỳ vậy? Cứ như thế là.là..mẹ không hài lòng".

"Nhưng mẹ…mẹ hài lòng mà?"

"Thật chứ?"

"Thật đấy"

Và để chứng tỏ với con điều đó, bà ôm choàng lấy chàng, hôn vào giữa mặt chàng, những cái hôn dài của người mẹ.

Rồi, khi đã lau những giọt lệ rơm rớm trong mắt, bà chợt nhìn thấy ở đàng kia, trên bãi biển, một thân hình nằm sấp, như một thây người, mặt úp xuống đá sỏi, đó là đứa con kia, Pierre, đang nghĩ ngợi, tuyệt vọng.

Thế là bà dẫn thằng bé Jean của bà ra xa hơn nữa, sát bên sóng, và họ nói chuyện rất lâu về cuộc hôn nhân mà lòng bà gắn bó.

Nước biển dâng lên, xua họ về phía những người đang câu, họ đến nhập bọn với những người này, rồi tất cả quay lại bờ biển. Họ đánh thức Pierre đang giả vờ ngủ, và bữa ăn chiều kéo thật dài, mọi người uống rất nhiều rượu vang.

Chú thích

[1] Pied, đơn vị đo chiều dài, khoảng 0m324.