Lúc này, ngay cả những người khác cũng cảm thấy không bình thường. “Quá tam ba bận”, ba lần khi tiếng đàn dừng, bầu rượu đều ở trước mặt một người. Sao có thể trùng hợp như vậy được? Bùi Thuật không kìm được nhìn về phía người thanh niên áo xanh, dường như muốn nói lại thôi: “Tiêu huynh…” Người thanh niên áo xanh vẫn như trước, chỉ chăm chú nhìn dây đàn mà không hề để ý xung quanh, cũng chẳng nhìn Bùi Thuật. Sở Ngọc bỗng bật cười, nàng vục tay vào nước suối lạnh buốt, lấy ra bầu rượu. Hướng về phía nam nhân áo xanh, nàng cười: “Thật giỏi!” Lập tức ngửa đầu uống một hơi cạn sạch. Người ngoài nhìn vào, tưởng Sở Ngọc có vẻ ôn hòa không truy cứu. Nhưng thật ra Sở Ngọc có dụng ý khác. Nàng đang thăm dò. Câu nói này là dành cho người thanh niên áo xanh. Sở Ngọc tuy rằng đại khái biết về Sơn Âm công chúa qua những sự tích lẫy lừng mà tư liệu lịch sử ghi lại. Nhưng bản thân con người này vẫn là một bí mật với nàng. Nàng ta là người như thế nào? Người nhà ra sao? Quá khứ có điều gì đặc biệt? Nàng ta bẩm sinh hay là sau này mới trở nên háo sắc? Nàng có người yêu sâu đậm nhớ thương không? Nàng thích cái gì, chán ghét cái gì? Nàng đã từng gặp ai, biết về ai, hoặc…có ai đó biết rõ về nàng không? Tuy rằng đã từng tìm cách hỏi qua Ấu Lam, nhưng nếu hỏi người khác quá nhiều về “chính bản thân mình” sẽ dễ nảy sinh sơ hở khiến kẻ khác nghi ngờ, nàng cũng phải cẩn thận né tránh. Bởi vậy, tuy đã đến đây nhiều ngày, nhưng hiểu biết của nàng về quá khứ của Sơn Âm công chúa vẫn cực kỳ ít ỏi. Nàng biết về hành vi của nhân vật lịch sử Sơn Âm công chúa, nhưng lại không biết những hành vi của một con người Lưu Sở Ngọc sống động cụ thể. Hoặc là, trong tiềm thức nàng vốn tránh né vấn đề này. Nếu hiểu nhiều về công chúa Sơn Âm, hình ảnh nàng ta sẽ rõ ràng gần gũi với nàng hơn, và cũng khiến nàng áy náy hơn khi đã chiếm dụng cơ thể này. Tuy không biết rõ vì sao người thanh niên áo xanh muốn làm nàng khó xử, nhưng nàng đoán người này có lẽ biết Sơn Âm công chúa từ trước, nên mới có hành động như thế. Phán đoán này chí ít có bảy, tám phần chuẩn xác. Nên nàng mới lấy một câu chữ để thăm dò. Nói xong, cho dù Sở Ngọc đang uống rượu cũng vẫn để ý quan sát phản ứng của người thanh niên áo xanh. Lại chẳng thấy hắn có biểu hiện gì, trong lòng nàng hơi thất vọng. Nhưng nghĩ đến kỹ xảo biểu diễn của Hà phò mã, nàng lập tức bình thường trở lại. Lần này, không cần Sở Ngọc mở miệng sai người, Hoàn Viễn tự động vươn tay với lấy bút mực. Hắn kiềm chế đã quá lâu. Hai năm buồn bực, hai năm ẩn nhẫn, hắn đã áp bách ý chí đến cực hạn. Thân là chim trong lồng không được tự do, phương thức phát tiết duy nhất của hắn là giấy bút trước mặt. Lại xuất hiện hai bài thơ. Lần này không chỉ Bùi Thuật, mà đại bộ phận ánh mắt của mọi người ở đây đều tập trung trên người Hoàn Viễn. Khúc đàn thứ tư vang lên. Rất nhiều người đổ dồn cặp mắt về phía trước mặt Sở Ngọc. Mà thanh niên áo xanh cũng không phụ kỳ vọng của bọn họ, bầu rượu xuôi theo dòng đến trước mặt Sở Ngọc là tiếng đàn ngừng hẳn. Sở Ngọc cười dài nâng chén rượu, hướng về phía thanh niên áo xanh phía xa, uống cạn. Võ, nàng có thị vệ Việt Tiệp Phi, văn, nàng có Hoàn Viễn. Cho dù người thanh niên kia trong quá khứ có khúc mắc gì với Sơn Âm công chúa, nàng cũng không sợ! Binh đến thì chống đỡ, nước đến thì đắp đất, nàng muốn xem, rốt cuộc hắn có chủ ý gì. -------------------- “Hiện tại ngươi nhìn thấy Hoàn Viễn chỉ như một tảng đá thô sơ không đẽo gọt. Nhưng trong tảng đá này cất giấu một khối ngọc quý”. Trong rừng trúc rất yên tĩnh, chỉ có tiếng gió thổi, lá xào xạc hòa cùng tiếng nói của Dung Chỉ. “Nhưng gọt giũa khối ngọc này cũng không dễ. Vì ít tiếp xúc với mọi người nên Hoàn Viễn chỉ như một thư sinh mọt sách. Vì là con cháu họ Hoàn nên hắn mang trong người khí tiết cao ngạo, không dễ dàng thần phục bất kỳ ai”. Mặc Hương xem cục diện trên bàn cờ, quân trắng sắp thua. Ban đầu thế trận cân bằng, nhưng bây giờ đã nghiêng hẳn về một phía. “Ta muốn rèn luyện tâm tính của Hoàn Viễn” Dung Chỉ chăm chú nhìn những quân cờ đen trắng, tính toán nước cờ cuối. “Hắn chịu tủi nhục còn chưa đủ đâu. Ta muốn dần dần mài đi cái ngạo khí là con cháu họ Hoàn của hắn, làm cho hắn quên đi vình quang trong quá khứ của dòng họ. Ta có rất nhiều thời gian để làm việc này. Sau đó vào một lúc thích hợp, khi hắn đã bị tất cả mọi người bỏ rơi, ta sẽ chìa tay ra”. Muốn làm cho Hoàn Viễn nghĩ rằng, tất cả mọi người đều vứt bỏ hắn, bao gồm cả người nhà của hắn. Người chết đuối, trong cơn tuyệt vọng, cho dù là nhìn thấy một cọng rơm rạ, cũng sẽ nắm chặt lấy. Hắn khe khẽ mỉm cười, khóe miệng nhếch lên có phần khoái trá, ngón tay thon dài cầm một quân cờ đen bóng loáng, đặt vào vị trí mấu chốt “Sau đó, hắn sẽ là người của ta”. Thời điểm đó, chắc sẽ rất tuyệt vời! ---------------------- Hai, bốn, sáu, tám, mười… Khi Hoàn Viễn làm đến bài thơ thứ hai mươi, ánh mắt mọi người ở đây nhìn hắn giống như nhìn thần tiên xuất hiện. Có người nghi ngờ Hoàn Viễn đã viết trước ở nhà, liền tự mình ra đề thơ. Hoàn Viễn nghe xong, ngay lập tức chấp bút, khoảng thời gian này thậm chí đi bảy bước cũng không đủ. Có thể viết nhiều bài thơ như vậy, mà lại không bị khô héo tối nghĩa, ý cũng không trùng lặp, văn phong hoa lệ uyển chuyển, khiến người ta quá đỗi kinh ngạc. Ngoại trừ Vương Ý Chi, Tạ Ấn, Sở Ngọc là còn có vẻ hơi tỉnh táo, những người còn lại đều biểu hiện vô cùng cuồng nhiệt và kính sợ. Không phải là làm một, hai bài thơ, mà làm liên tục mấy chục bài. Ở đây đa phần là tầng lớp trí thức, nhiều người đã từng trải qua lúc bí từ, cấu tứ cạn kiệt, nghĩ vắt óc cũng không được một câu, chưa từng gặp người nào lại thơ tuôn như suối chảy thế này. Xưa nay có câu “Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị”. Hoàn Viễn kiềm chế hai năm, giờ phút này thi hứng tuôn trào, lại khiến cho những người xung quanh ảm đạm thất sắc, “tâm phục khẩu phục”. (Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị: người làm văn không ai dám nhận văn chương của mình đứng đầu thiên hạ, nhưng theo nghiệp võ lại phải độc tôn xưng hùng, hơn hẳn mọi người một bậc) So sánh với Hoàn Viễn rực rỡ chói lọi, Sở Ngọc thật sự không bị ai để ý nữa. Hiện tại giá trị duy nhất của nàng là uống rượu thay. Vài chén rượu còn có thể chịu đựng, nhưng quá nhiều thì không được. Tuy rượu không nặng lắm, nhưng uống nhiều chén thì cũng khiếp đảm. Uống đến chén thứ mười, tuy Sở Ngọc chưa say nhưng cũng phải tìm cách khống chế lượng rượu. Lúc cầm chén rượu, thừa lúc không ai để ý, nàng cố ý hơi nghiêng cổ tay khiến rượu đổ mất hơn nửa. Cuối cùng, thậm chí nàng còn thẳng tay đổ cả chén rượu xuống suối. Nhưng lúc này chẳng ai thèm để ý nàng có uống rượu hay không, bởi đại đa số mọi người còn đang mê cuồng đón chờ bài thơ tiếp theo của Hoàn Viễn. Hai mươi, hai mươi hai, hai mươi bốn, hai mươi sáu… Những bài thơ hoa mỹ, giàu hình ảnh cứ lần lượt xuất hiện. Đến bài thơ thứ ba mươi, ngay cả thanh niên áo xanh cũng không kìm được mà ngẩng đầu liếc Hoàn Viễn một cái. Lần này nổi bật trong hội thơ, không phải là Vương Ý Chi phóng túng bất kham, hay Tạ Ấn kiên nghị, cũng không phải thiên kim công tử gì đó không biết có tới hay không, mà chính là kẻ “chân gỗ” thay cho Sở Ngọc - Hoàn Viễn. Bình rượu được đặt xuống suối lần thứ mười sáu, tiếng đàn không vang lên nữa. Thanh niên áo xanh ôm cây đàn cổ, chậm rãi ra khỏi đình. Đến trước mặt Hoàn Viễn, hắn liếc nhìn rồi lạnh băng nói bốn chữ: “Khanh bản giai nhân”. (*) (*) Chương sau sẽ giải thích về câu nói này Sau đó mặc cho Bùi Thuật gọi thế nào, hắn vẫn cứ cất bước không hề ngoái đầu.