Phương Nam Có Cây Cao

Chương 35: Người phụ nữ tìm kiếm đàn ông

Nam Kiều từng đi qua rất nhiều nơi nhưng rất ít khi đi du lịch.

Âu Dương Khởi từng khinh bỉ cô: “Cậu có thể đừng có mang mỗi một cơ hội ra ngoài hít thở không khí chỉnh thành khảo sát học thuật không?”

Cho nên khi Ôn Địch nghe cô nói muốn ra ngoài du lịch ba bốn ngày, ngạc nhiên đến mức ngay cả cằm cũng sắp rớt xuống đất.

Các thiết bị không ngừng cải tiến, mãi mãi cách tân, chỉ cần có chút chậm trễ thì sẽ bị tụt lại phía sau.

Từ kinh nghiệm hai đời sản phẩm X, Nam Kiều đã vạch ra một kế hoạch cực rõ ràng và đúng đắn cho con đường phát triển của Lập tức phi hành.

Trước mắt, một phần tư nhân viên nghiên cứu tập trung khai phá mảng quay phim điện ảnh và truyền hình chuyên nghiệp bằng máy bay không người lái, sản phẩm trên cơ bản đã được hình thành, “Phi thiên” tám cánh. “Phi thiên” không giống với loạt sản phẩm X, cực kỳ thời thượng và có vỏ ngoài đơn giản, linh kiện bên trong được để lộ giống như đồng hồ đeo tay Tourbillon, từ đó có thể thấy toàn bộ  linh kiện tinh vi và cả hướng bay. Tám cánh hình xoắn ốc, trên không trung hệt như một con nhện, động lực mạnh mẽ.

Bởi “Phi thiên” vốn không phải thiết kế cho người bình thường sử dụng mà nhấn mạnh vào hiệu quả trong quá trình thực hiện quay phim điện ảnh và truyền hình cho nên thao tác của nó càng tinh vi và phức tạp hơn, công năng cũng được gia tăng phong phú, bắt buộc phải do phi thủy chuyên nghiệp điều khiển. Đây chính là thết bị chuyên dùng và là đòn sát thủ từ “Lập tức truyền thông”.

Mà ở phía bên kia, Nam Kiều cũng có ý tưởng cho sản phẩm mới, vẫn đang trong quá trình tiến hành nghiên cứu.

Sauk hi Nam Kiều chuẩn bị xong đâu vào đấy mọi chuyện của công ty, đầu tháng ba thì rời đi.

Cô không ngồi máy bay mà ngồi tàu cao tốc.

Ngay khi màu sắc từ xám tro biến thành xanh mát, ngay khi trong khoan tàu đã ngập tràn hơi nước mát lạnh, cô biết, cô đã đến nơi.


Mệt mỏi bước xuống tàu, khắp tầm mắt đều là những bông hoa cải lóng lánh sắc vàng. Tiếp nối màu vàng rực rỡ là màu xanh đến ngây ngất lòng người. Núi non xanh ngắt một màu, thôn xóm dựa vào nước biếc non xanh, tường trắng ngói xanh, mái ngói tầng tầng, tràn đầy ý thơ.

Nam Kiều mang ba lô đi dọc theo bờ ruộng, ánh tà dương trải khắp mặt đất, người dân trong thôn túm năm tụm ba quay trở về nhà, trên đường ruộng, đàn ông lái xe máy chở nông cụ, còn phụ nữ thì ôm con cái đi qua tới lui, đôi khi dừng lại trò chuyện dăm câu.

Thôn này không phải là địa điểm du lịch của Vụ Nguyên cho nên không có du khách. Khắp nơi đều mang đầy không khí nhà nông giản dị mộc mạc, hòa thuận ấm áp.

Nam Kiều hỏi một chị: “Xin hỏi “Việt Tú Anh” ở đâu vậy ạ?”

Chị đó là người sảng khoái, vươn tay chỉ về con sông nhỏ phía đối diện, nói giọng mang đậm khẩu âm địa phương: “Cô hỏi bà thím nhà họ Thời à? Ở nhà kia, đúng rồi, ở đối diện sông ấy, nhà ở đầu cầu ấy”.

Nam Kiều tuy vẫn mặc áo sơ mi trắng quần jean, bên ngoài khoác áo khoác màu vàng nhạt, nhưng thoạt nhìn là đã biết ngay là cô gái từ nơi khác đến.

Chị gái nhìn dáng dấp xinh đẹp của cô, cười híp mắt, hỏi: “Cô gái, đến tìm bà thím nhà họ Thời làm gì đấy?”

Nam Kiều nói: “Ăn bánh thanh minh do dì Việt làm”.

Chị đó nói: “Ái chà chà chà chà!”. Sau đó chỉ cười không nói, nhìn Nam Kiều một lượt, ý cười ngập tràn trên khuôn mặt mập mạp.

Nam Kiều tìm được nhà của Việt Tú Anh, đó là một căn nhà với lối kiến trúc Huy Phái[1] cực điển hình và phổ thông, gạch xanh cửa phủ, song cửa chạm đá để trống, tuy không lớn nhưng lại ngăn nắp sạch sẽ, mang đậm không khí giản đơn xưa cũ.

Cửa không đóng, Nam Kiều đứng ở cửa, thấy trong sân có trồng cây sơn trà cao cao xanh tươi. Dưới đất là gạch xanh sạch sẽ, bức tường màu trắng ở bên cạnh mọc đầy những đám cỏ xanh.

Chủ nhân của căn nhà bưng một cái sàn bằng trúc từ trong nhà chính đi ra. Bà khoảng chừng năm mươi, mặc một bộ quần áo màu xanh đơn giản mà gọn gẽ, khóe miệng bà hơi cong, ôn hòa từ ái. Ngón tay bà quấn băng cá nhân, thoạt nhìn đã biết là một người phụ nữ cần cù.

Ánh mắt của bà rất đẹp, gần như là hệt với Thời Việt, có chút trong suốt thản nhiên. Chỉ là bà cực yên ắng, mang nét thông tuệ của người đã có tuổi. Có thể nhìn ra, bà lúc còn trẻ là một người phụ nữ miền Nam xinh đẹp.

Việt Tú Anh cũng nhìn thấy Nam Kiều. Bà thấy Nam Kiều đứng ở cửa, nhìn cô, trong mắt tựa hồ có chút chờ mong, hòa ái hỏi: “Con gái, con tìm dì sao?”


Nam Kiều: “…”

Cô bỗng nhiên không biết nên nói gì.

Cô cũng không nói dối, há miệng, nói: “Con đến… du lịch”.

Việt Tú Anh cười nói: “Sao lại đến du lịch ở thôn này cơ chứ? Thôn chúng ta nhỏ, lúc đi ra sợ còn không có xe đấy”.

Nam Kiều nhìn quanh hai bên, rồi lại quay trở lại nhìn Việt Tú Anh.

Việt Tú Anh nhìn bộ dáng chật vật của cô, nói: “Thế này đi, con gái, con trai dì có mua hai căn nhà ở Vụ Nguyên, chuyên dành cho du khách ở, rất sạch sẽ, dì cũng vẫn chưa động đến. Hay là dì tìm người đưa con đến đó nhé? Con cứ thoải mái ở, dì cũng không lấy tiền đâu”.

Nam Kiều lắc đầu: “Không ạ”

Việt Tú Anh không nhịn được cười: “Con gái à, con đã lớn như thế rồi, sao lại chẳng khác gì con trai dì thế, hệt như con nít!”

Nam Kiều nói: “Dì à, con có thể ở đây một đêm không?”

Việt Tú Anh cười hiền hậu: “Mới vừa nãy còn lo người thành phố các con chê nông dân chúng ta bẩn đấy. Phòng của dì hơi nhỏ, nhưng cũng có giường. Con gái nếu con quen được thì ở đây đi”.

Căn nhà này đã xây từ nhiều năm, kết cấu theo lối xưa. Từ cửa chính bước vào là nhà giữa, sau đó lần lượt bốn góc là ba phòng ngủ, một phòng bếp.

Việt Tú Anh sắp xếp Nam Kiều ở trong phòng của Thời Việt. Bà chỉ vào căn phòng bên góc phải nhà chính nói: “Phòng đó trước nay vẫn để trống, nhưng ông già đã mất từng ở qua, sợ con kiêng kỵ”.

Bà chỉ vào phòng Thời Việt nói, nói: “Phòng này là do con trai dì ở. Nếu như nó kết hôn thì đây là phòng cưới của nó. Nhưng nó cứ ở Bắc Kinh suốt, trông bộ dáng chắc cũng sẽ không quay về kết hôn đâu”. Lúc nhắc đến Thời Việt, khuôn mặt bà luôn xuất hiện thần sắc dịu dàng yêu thương. Nam Kiều nhìn bà, loáng thoáng nhớ rằng mẹ cũng từng như vậy lúc bên giường bệnh chị gái.

Việt Tú Anh nói: “Căn phòng này dì đã dọn dẹp sạch sẽ, chăn mền đều đổi sang cái mới, con gái, con cứ yên tâm mà ngủ”.


Nam Kiều nhìn căn phòng này, trên tường có không ít ảnh chụp của Thời Việt dán theo trình tự từ nhỏ đến lớn. Nhìn ảnh lúc nhỏ có thể nhận ra anh là một cậu con trai cực tinh quái và nghịch ngợm.

Bức mới nhất, ở nơi nổi bật nhất có treo một bức ảnh cỡ lớn. Bức ảnh đó chụp lúc Thời Việt chừng hai mươi tuổi, mặc quân phục không quân, nghiêm trang kính lễ, thần sắc cực kỳ uy vũ.

Việt Tú Anh thấy cô đang ngắm nhìn chăm chú liền cười nói cho cô biết: “Đúng thế, đây chính là con trai dì!”

Nam Kiều nói: “Rất giống dì”.

Việt Tú Anh tự hào nở nụ cười, nói: “Ối chào, y hệt như bố nó. Nhưng mà… ôi chao, thằng nhóc này so với bố nó có tiền đồ hơn nhiều lắm”.

Việt Tú Anh đi làm cơm tối. Nam Kiều trước đó đã nhìn thấy Thời Việt làm cơm mấy lần cho nên cũng có chút hiểu biết về cách làm cơm ở Vụ Nguyên, liền giúp đỡ Việt Tú Anh rửa rau xắc rau, còn giúp bà trộn gia vị.

Việt Tú Anh nhìn cô kinh ngạc: “Con từ bên ngoài đến sao lại có hiểu biết về món ăn ở Vụ Nguyên chúng ta thế?”

Nam Kiều thản nhiên cười: “Nhìn dì nấu nên biết”.

Việt Tú Anh nói: “Con cũng là người miền Nam à?”

Nam Kiều gật đầu: “Tỉnh H ạ”.

Việt Tú Anh nhìn cô, càng nhìn càng thấy yêu thích, vừa xào rau vừa thất vọng nói: “Đáng tiếc không phải người Bắc Kinh. Đến khi nào thằng nhóc nhà dì mới có thể mang được một cô vợ như con về cơ chứ, rồi lại sinh một đứa trẻ mập mạp, đời này của dì cũng xem như là viên mãn rồi”.

Nam Kiều nhìn bà, thản nhiên nói: “Dì là người có phúc khí”.

Việt Tú Anh và Nam Kiều cực kỳ hợp ý, trong nhà ít có người lại qua nên bà nói rất nhiều với Nam Kiều. Nam Kiều cứ như kỳ tích vậy, luôn có thể nói nối tiếp, hai người một già một trẻ vô cùng hài hòa, đến tối lại cùng nhau xem bộ điện ảnh của show thực tế bố con minh tinh.

Việt Tú Anh vẫn không từ bỏ ý định giới thiệu Thời Việt cho Nam Kiều. Bà nói: “Chương trình này là do con trai dì đầu tư đấy”.


Nam Kiều thản nhiên cười. Cô hỏi: “Dì vẫn ở một mình ở nơi này sao? Sao dì không đến Bắc Kinh ở cùng anh ấy?”

Việt Tú Anh không khác gì Thời Việt, hơi nhíu mắt lại, như là đang nhớ về chuyện ngày trước. “Dì đã ở Bắc Kinh một thời gian rất dài, vẫn là ở đây thoải mái hơn. Con dì có mảnh trời của riêng nó, trong lòng nó có người mẹ như dì là đủ rồi”.

Nam Kiều hỏi: “Dì từng ở Bắc Kinh ạ?”

Việt Tú Anh thở dài: “Đúng thế, trước kia dì có bệnh về xương, vào mùa đông ngay cả đi cũng đi không được. Con dì rất có hiếu, lúc đó nó đi lính ở phương Bắc tìm được một bác sĩ chuyên gia ở bệnh viện quân y, từng đưa dì đến đó xem bệnh”.

“Bệnh thì có khả quan rồi nhưng lão già nhà dì hết lần này đến lần khác gây chuyện thị phi”. Bà kéo tay Nam Kiều: “Dì hấy cháu hiền lành nên mới cùng cháu lảm nhảm mấy chuyện trong nhà”.

Nam Kiều gật đầu: “Dì nói đi, cháu nghe”.

Việt Tú Anh nói: “Lão già nhà dì rất giỏi giang, đầu óc nhanh nhạy, chỉ có điều rất thích đánh bạc. Cũng bởi chuyện này mà con dì vì bảo vệ bố nó mà lúc bé đã đánh nhau với người khác không ít lần. Con dì khi ấy đã quỳ xuống khuyên nhủ bố nó, nó đánh cược với bố, nếu như nó được chọn vào bộ đội đặc chủng thì bố nó phải bỏ đánh bạc”.

“Đứa trẻ này đúng là rất có tiền đồ, nó thật sự được chọn. Khi ấy lão già nhà dì đàng hoàng được mấy năm. Sau này dì đến Bắc Kinh khám bệnh, ông ấy cũng đi theo chăm sóc dì”.

“Chúng ta đều là người tỉnh lẻ, còn Bắc Kinh phồn hoa có biết bao kẻ hư hỏng. Sau khi bệnh tình của dì có khả quan, lão già nhà dì cũng được rỗi rảnh thế là ngựa quen đường cũ ra ngoài đánh bạc. Cũng chẳng biết là chọc phải họa gì mà bị người ta đánh đến mức thoi thóp. Gặp mặt con nó lần sau cuối, liền đi…Để lại một khoản nợ…Rất nhiều số không, cả đời dì cũng chưa từng thấy nhiều tiền như vậy! Đừng nói là làm công trả tiền, dẫu cho có là bán dì đi, bán mười lần dì cũng không nhiều tiền đến thế!”

Nam Kiều nghe mà lòng rung động, cô hỏi: “Sau đó thì sao?”

“Con dì đến đó, những người đó nói cha nợ thì con phải trả. Nó nói “được”. Dì khi ấy ở lại Bắc Kinh làm công, tuy rằng dì không biết gì nhưng có thể giúp người khác dọn dẹp, chăm sóc trẻ nhỏ, ít nhiều gì thì cũng kiếm được tiền. Nhưng con dì đưa dì về, nói chuyện này không cần dì phải lo, nó có thể làm được. Dì nói con còn đi lính mà? Nó chỉ cười, nói rằng đi lính không có tiền nên đã giải ngũ rồi, nó thay bố nó trả nợ nên dì mới có thể có được cuộc sống an ổn”.

Việt Tú Anh nhắc về chuyện cũ, cổ họng có chút nghẹn ngào. Nhưng nói đến đây lại vui vẻ trở lại.

“Con dì có bản lĩnh, thật sự có bản lĩnh. Nhiều nợ như vậy, sau này nó thật sự trả hết, còn làm ăn buôn bán kiếm tiền nữa. Bây giờ mỗi tháng trở về đều mang cho dì rất nhiều thứ, nhưng mà dì có dùng đâu chứ? Nó nói dì có tuổi rồi, bớt làm mấy việc nhà nông kia lại, nó mua cho dì hai căn nhà trong trấn, lấy tiền thuê đó là có thể sống qua ngày. Ôi chao, dì đã quen với cuộc sống này rồi, nó tốt thì dì đã vui rồi, cần nhiều tiền như vậy làm gì chứ? Ở cái thôn này ai ai cũng thật thà, cũng tốt bụng, trên trấn và Bắc Kinh sao có thể tịnh tâm được như ở đây chứ? Chỉ tiếc, lão già nhà dì không có phúc hưởng thụ…”

Nam Kiều có cảm giác đôi bàn tay đang nắm tay cô kia tuy thô ráp nhưng mới ấm áp làm sao. Cô nói với Việt Tú Anh: “Chuyện đã qua rồi”.


Việt Tú Anh cười nói: “Đúng thế, dì rất hài lòng với hiện tại. Mỗi lần nhìn thấy con dì trở về,  trông nó cô độc mà quạnh quẽ sao đó. Nhất là hồi về nhà ăn tết, thường phát ngốc, dì cười, nó nói dì là già rồi nên ngốc à, nhưng thật ra nó mới chính là đứa ngốc”.

Nam Kiều thản nhiên cười.

Đêm này, cô ngủ rất yên bình.

[1] Kiến trúc Huy Phái là một trong những trường phái kiến trúc truyền thống quan trọng nhất của Trung Quốc.