Phúc Lạc Hội Truyện Full

TUYỆT PHẨM

Cách đây năm tháng, sau bữa tiệc cua mừng Tết Trung Hoa, mẹ cho tôi một sợi dây chuyền vàng nạm mặt ngọc làm vật gia bảo hộ mệnh. Nếu tự mua nữ trang cho mình, tôi sẽ không chọn cái mặt ngọc đó. Nó khoảng bằng ngón tay út của tôi, màu xanh trắng lốm đốm, được chạm khắc tỉ mỉ. Tôi thấy, nhìn toàn thể mặt ngọc đó không đẹp: Nó lớn quá, xanh quá, lòe loẹt quá. Tôi nhét sợi dây chuyền vào hộp nữ trang bằng sơn mài và quên khuấy nó đi.

Nhưng dạo này tôi lại nghĩ đến vật gia bảo đó. Tôi tự hỏi không hiểu nó mang ý nghĩa gì, vì mẹ mới mất được ba tháng, sáu ngày trước sinh nhật lần thứ 36 của tôi. Mẹ là người duy nhất tôi có thể hỏi về điều hộ mệnh cho đời tôi, giúp tôi hiểu nỗi phiền muộn của mình.

Bây giờ, ngày nào tôi cũng đeo sợi dây chuyền đó. Tôi nghĩ những nét chạm trổ mang một ý nghĩa nào đó vì các đường nét và chi tiết đối với người Hoa đều có ý nghĩa, điều mà tôi chẳng bao giờ nhận ra nếu không có người mách bảo. Tôi có thể hỏi dì Linh Ða, dì An Mỹ, hay các bạn người Hoa khác, nhưng tôi biết họ sẽ nói một ý nghĩ nào đó khác với ý nghĩa của mẹ tôi. Nếu như họ bảo đường cong tỏa nhánh thành ba hình bầu dục là một trái lựu, còn ý mẹ tôi là mong muốn tôi con đàn cháu đống, vượng phu ích tử thì sao? Nếu như mẹ thực tâm muốn rằng những nét chạm trổ đó là một nhành lê cho tôi sự thực và thuần khiết? Hay đó là những giọt nước ngàn năm từ ngọn núi nhiệm mầu chỉ cho tôi phương hướng cuộc đời và ban cho tôi ngàn năm danh tiếng bất tử?

Vì tôi cứ mải suy nghĩ về điều này nên tôi chú ý đến những người cùng đeo loại dây chuyền nạm ngọc tương tự, không phải loại mảnh dẹt, hình chữ nhật, hay mặt đồng điếu trắng mà là loại hình giọt nước màu xanh, dài năm phân như của tôi. Dường như tất cả chúng tôi đến đã tuyên thệ gia nhập một dòng tư kín nào đó. Kín đến nỗi chẳng biết mình thuộc dòng nào. Chẳng hạn tuần trước, tôi trông thấy một ông chủ quán đeo sợi dây chuyền. Tay sờ mặt ngọc của tôi, tôi hỏi: - Ông mua mặt ngọc đó ở đâu?

- Bà cụ mẹ tôi cho.

Tôi hỏi tại sao, mà chỉ có người Hoa mới hỏi nhau một câu hỏi tọc mạch như thế, trong đám người Âu hai người Hoa xem nhau như ruột thịt.

- Bà cụ cho sau khi tôi ly hôn. Chắc ý bà cụ muốn nói tôi cũng còn “có giá”.

Qua giọng nói ngỡ ngàng, tôi biết ông ta chẳng hiểu mặt ngọc ông ta đeo thực sự mang ý nghĩa gì.

—★—

Bữa tiệc Tân niên năm ngoái, mẹ tôi hấp 11 con cua, mỗi người một con, còn một con cua dư. Mẹ con tôi mua cua trên đường Stockton ở Chinatown. Chúng tôi đi bộ đổ dốc từ căn hộ của cha mẹ tôi nằm ở tầng một trên đường

Leavenworth gần California, chỉ cách sở tôi làm sáu con phố. Tôi là nhân viên viết quảng cáo cho một hãng quảng cáo nhỏ, nên mỗi tuần khoảng hai hay ba lần, tôi thường ghé thăm cha mẹ tôi sau khi tan sở. Mẹ lúc nào cũng có dư đồ ăn ép tôi ở lại dùng bữa tối.

Năm ngoái, Tết Trung Hoa lại nhằm vào ngày chủ nhật, thế nên tôi tan sở sớm để cùng với mẹ đi mua sắm. Mẹ đã 71, nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn, thân hình bé nhỏ vẫn giữ thẳng, dứt khoát, bà xách một chiếc túi bằng nhựa có in hoa nhiều màu. Tôi kéo chiếc xe sắt mua hàng theo sau.

Mỗi lần đi với mẹ xuống Chinatown là mẹ chỉ tôi xem các phụ nữ trạc tuổi bà... Phụ nữ Hồng Kông kìa - Mẹ ngó hai bà thanh lịch mặc áo khoác lông chôn dài, tóc đen làm kiểu thật dẹp, - Dân quê Quảng Đông kìa, - Bà nói khẽ khi chúng tôi đi ngang qua những người đàn bà đội mũ len, khom người trên đống quần áo của đàn ông. Còn mẹ tôi mặc quần poliester xanh nhạt, áo nỉ đỏ, và áo khoác trẻ con màu lục trông chẳng giống ai. Bà đến đây năm 1949, sau một chuyến đi dài khởi đầu từ Quế Lâm năm 1944, bà đi tiếp đến Trùng Khánh, gặp cha ở đó, rồi cả hai đi về hướng Ðông Nam, đến Thượng Hải và bay sâu nữa về phương Nam đến Hồng Kông. Chiếc tàu lên đường đi San Francisco. Mẹ tôi xuất xứ từ tứ phương tám hướng mà.

Mẹ hổn hển than phiền theo nhịp bước xuống đồi. - Chẳng thích mà vẫn phải đeo. - Mẹ lại ca cẩm về mấy người thuê nhà trên tầng hai. Hai năm trước bà cố đuổi họ đi, lấy cớ là sắp đón họ hàng ở Trung Quốc sang cư ngụ. Nhưng cặp vợ chồng nọ biết mẹ bày cách thôi, nên tuyên bố nhất định không đi, trừ phi mẹ đưa họ hàng tới thật. Kể từ đó, tôi phải nghe bà kể biết bao nhiêu là chuyện bất công phiền toái họ đã gây ra cho bà.

Mẹ bảo ông lão tóc bạc bỏ quá nhiều bao vào thùng rác: - Làm tao phải trả thêm tiền.

Còn bà vợ, một nghệ sĩ rất thanh lịch, tóc vàng, đã sơn căn phòng xanh đỏ rất gớm ghiếc. Mẹ rền rĩ: Thật kinh khủng, họ tắm rửa xoành xoạch hai ba lần một ngày. Ðể nước chảy hoài chảy hủy, không lúc nào ngừng.

Càng đi, mẹ càng nổi giận hơn: - Tuần vừa rồi, một ngoại nhân đã buộc tội tao - Bà gọi tất cả người Âu là Waigon - ngoại nhân. - Họ bảo tao bỏ thuốc độc vào cá, giết con mèo.

- Con mèo nào? - tôi hỏi, dù biết mẹ muốn chỉ con mèo nào. Tôi đã thấy nó nhiều lần, một con mèo đực vằn xám đứt một tai thường nhảy lên bệ cửa sổ nhà bếp mẹ tôi.

Mẹ thường nhón gót đóng sầm cửa lại để nó hoảng chạy đi. Nhưng nó cứ đứng ỳ ra đó, rít lên đáp lại tiếng la hét của bà.

Mẹ than: - Con mèo đó lúc nào cũng ngóc đuôi tè vào cửa nhà mình.

Có lần tôi thấy mẹ cầm bình nước sôi rượt theo nó nên muốn hỏi có phải mẹ đã thuốc nó chết không, nhưng tôi biết chớ bao giờ nên đối nghịch với mẹ.

- Thế con mèo đó ra sao?

- Biến mất! - Bà vung hai tay lên trời, mỉm cười khoái trá một cái, rồi lại càu nhàu: - Cái lão đó giơ tay như thế này này, giứ giứ nắm đấm và gọi tao là con mụ chủ nhà Phúc Kiến tàn tệ nhất. Tao đâu có phải dân Phúc Kiến.

Hừ, đồ ngu! Chẳng biết cái thá gì hết! - bà thích chí đã hạ được lão.

Hai mẹ con đi hết tiệm cá này đến tiệm cá khác để lùng mua cua tươi nhất.

- Ðừng lấy cua chết, - Mẹ tôi dặn bằng tiếng Hoa, - ngay cả mày cũng không ăn cua chết.

Tôi lấy bút chì chọc vào con cua xem nó còn sống không. Nếu nó giơ càng lên kẹp, tôi nhấc lên bỏ vào xách. Có một con khi nhấc lên thì bị một con khác kẹp dính một càng. Dằng, giựt, thế là một càng gẫy gụp.

- Bỏ nó lại đi, - mẹ nói khẽ, - Cua thiếu một càng là điềm xấu trong năm mới.

Ông bán cua choàng áo trắng đến. Lão nạt nộ mẹ tôi bằng tiếng Quảng Ðông, và mẹ tôi bèn la lối lại bằng tiếng Quảng Đông; tay chỉ vào con cua gãy càng, bà nói tiếng Quảng Ðông dở ẹt, nghe hệt như tiếng Quan Thoại. Cãi cọ một hồi nữa, con cua và cái càng gãy bị ném vào xách của tôi.

- Không sao, - Mẹ an ủi, - Con thứ mười một, con dư mà.

Về nhà, mẹ tháo giấy báo gói cua ra bỏ chúng vào bồn nước lạnh. Mẹ đem dao thớt cũ ra băm hành với gừng, rồi rót nước tương và dầu mè vào một cái đĩa cạn. Bếp nức mùi giấy báo ướt và các gia vị Trung Hoa.

Mẹ nắm từng cái mai cua, nhấc chúng ra khỏi bồn nước, rảy cho khô. Cua ngo ngoe chân cẳng lên trời. Mẹ xếp chúng vào nồi cho đặt trên bếp lò, đậy nắp lại và châm lửa. Tôi không thể chịu đựng nổi cảnh đun nấu đó nên bỏ ra phòng ăn.

Hồi lên năm, tôi chơi với một con cua mẹ đem về nấu đãi tiệc sinh nhật của tôi. Tôi chọc chọc nó, mỗi lần nó giương càng là tôi nhảy giựt lại. Khi con cua gồng lên bò ngang qua bàn, tôi đinh ninh rằng cua và tôi đã thông cảm nhau nhiều lắm.

Nhưng trước khi tôi kịp đặt tên cho con vật bé nhỏ đồ chơi mới của tôi, mẹ đã ném nó vào nước lạnh và đặt lên lò cao. Tôi kinh hãi ngó nước sôi lên, con cua lách cách cố thoát ra khỏi nồi nước nóng bỏng. Cho đến ngày nay, tôi vẫn còn nhớ tiếng con cua thét lên trong chiếc càng đỏ hoe qua thành nồi nước sôi sùng sục. Chắc chắn đó là tiếng thét của tôi vì bây giờ tôi biết cua đương nhiên không có dây thanh đới. Tôi cũng cố tự bảo mình rằng chúng không có đủ trí óc để phân biệt giữa bồn tấm nước nóng và một cái chết chậm.

—★—

Khách đến dự tiệc Tân Niên, mẹ tôi đã mời hai người bạn cố tri là dượng Dương Tiên và dì Linh Đa. Khỏi cần hỏi, mẹ tôi cũng biết sẽ có thêm con cái họ Dương: Vinh Sơn, 38 tuổi gọi điện hỏi anh ta có thể đem theo cô bồ là Lý Gia Tiên đến được không. Vĩ Lý bảo sẽ mang vị hôn phu mới là Rich Shields, cũng cùng hành nghề luật sư thuế khóa như cô ta ở Price Waterhouse. Cô còn nói thêm rằng bé Châu Sa, con gái bốn tuổi của cô với đời chồng trước, muốn biết bố mẹ tôi có đầu máy vidéo không để đem theo cuốn phim Pinochio phòng khi bé chán không có gì chơi. Mẹ cũng nhắc tôi mời thầy Trung dạy tôi đàn dương cầm trước đây, sống cách nhà cũ của gia đình tôi ba căn phố.

Tính luôn cha mẹ và tôi vào thì tổng cộng có mười một người. Nhưng mẹ tôi chỉ tính có mười, vì theo bà nghĩ, Châu Sa là con nít, không kể tới, ít nhất là về chuyện ăn cua. Bà đâu dè Vĩ Lý không nghĩ vậy.

Khi chuyền đĩa cua nóng hổi ra, Vĩ Lý chọn đầu tiên, bốc lấy con cua ngon nhất, đỏ nhất, béo nhất, đặt lên đĩa của con gái. Rồi cô chọn con ngon thứ hai cho Rich và một con ngon khác cho mình. Vì cô đã học được cái trò chọn thứ ngon nhất từ mẹ mình nên lẽ tự nhiên là mẹ cô sẽ chọn những con cua ngon kế tiếp cho chồng, con trai, bồ của con trai và cho bà. Mẹ tôi, đương nhiên sẽ xem xét bốn con cua còn lại, lựa trong số đó con ngon nhất mời thầy Trung, vì thầy đã gần 90 xứng đáng được hưởng sự tôn kính đó, rồi bà lấy một con ngon khác cho cha. Thế là chỉ còn lại hai con trên đĩa: một con lớn màu cam nhạt và con thứ 11, gãy một càng.

Mẹ lắc lắc chiếc đĩa trước mặt tôi - Lấy đi con, cua nguội rồi.

Tôi không thích cua lắm từ ngày thấy con cua trong ngày sinh nhật của tôi bị luộc sống, nhưng biết không thể từ chối. Các bà mẹ người Hoa không biểu lộ tình thương yêu con cái bằng cách ôm hôn mà bằng cách ép ăn cua hay món vịt tiềm nóng hôi hổi.

Tôi nghĩ mình lấy con cua gãy càng là đúng. Thế nhưng mẹ lại la lên: - Ấy, đừng, đừng! Con ăn con lớn này. Mẹ ăn không hết đâu.

Tôi nhớ mọi người khác đang sùng sục ăn. - Họ đập vỏ cua chan chát, mút thịt cua chùn chụt, lấy đầu đũa cào cạo những miếng thịt cua còn sót lại, còn đĩa của mẹ tôi thì lặng im. Chỉ có tôi là người duy nhất để ý thấy mẹ nạy mai con cua ra, ngửi thịt rồi cầm đĩa đi xuống bếp. Bà trở lên, không còn con cua nữa, bưng thêm mấy bát nước tương phi hành gừng.

Khi ai nấy đã no bụng, tất cả đồng loạt mở miệng nói:

- Tố Uyên! - Dì Linh Ða gọi mẹ tôi. Sao bà mặc màu đó? - Dì lấy chiếc càng cua chỉ vào mẹ tôi. Dì mắng: - Mặc màu này làm gì nữa? Trẻ quá!

Mẹ làm như thể nghe một lời khen, - Hàng Emperium Capwell đấy, 19 đô la. Rẻ hơn tự đan lấy.

Dì Linh Ða gật đầu, ra vẻ màu đó đáng với giá tiền. Rồi dì lấy càng cua chỉ con rể tương lai: - Coi cái cậu này không biết ăn món Tàu nè.

- Cua đâu phải món Tàu, - Vĩ Lý càu nhàu đáp. Thật lạ, cái giọng Vĩ Lý vẫn y hệt cách đây 25 năm, hồi chúng tôi lên 10, hồi đó nó đã nói với tôi cùng một giọng đó. - Mày đâu phải là thiên tài như tao.

Dì Linh Ða cáu tiết nhìn con gái: - Sao con biết món nào Tàu, món nào không Tàu? - Rồi dì quay sang Rich, nghiêm giọng hỏi: “- Sao con không ăn phần ngon nhất?”

Tôi thấy Rich cười đáp lại, mặt không lộ vẻ xấu hổ mà lại tỏ ra thích thú. Mặt anh ta y hệt màu con cua nằm trên đĩa: tóc hung hung đỏ, da trắng xanh nhờn nhợt với những đốm tàn nhang lớn màu cam. Khi anh ta cười ngỏn nghẻn, dì Linh Ða bèn bày cách cho ăn, dì chọc đũa vào phần thịt xốp màu cam. - Con phải moi vào trong này, tách thịt ra, gạch cua là phần ngon nhất, ăn thử xem.

Vĩ Lý và Rich nhăn mặt với nhau, đồng lộ vẻ ghê tởm. Tôi nghe Vinh Sơn và Gia Liên thầm thì: - Gớm, - Rồi cả hai khúc khích cười.

Dượng Tiên bật cười một mình, để cho chúng tôi biết là dượng cũng có chuyện vui riêng. Căn cứ theo kiểu khịt mũi rung đùi dạo đầu của dượng, tôi chắc dượng đã kể mẩu chuyện vui này nhiều lần lắm rồi. - Tôi bảo con gái tôi tại sao chịu nghèo chứ? Lấy chồng giàu đi! - Dượng cười ha hả, huých dì Linh Ða ngồi kế bên? Này, bà có hiểu không? Thấy việc gì xảy ra chưa. Con gái sắp lấy tên này đây, Rich. Vì tôi đã bảo nó lấy Rich, chồng giàu mà.

- Khi nào hai đưa lấy nhau? - Vinh Sơn hỏi:

- Em muốn hỏi anh câu ấy, - Vĩ Lý đáp. Khi Vinh Sơn làm lơ không trả lời, Gia Liên tỏ vẻ ngượng.

- Mẹ ơi, con không thích cua - Bé Châu Sa mếu máo.

- Bồ cắt tóc đẹp đấy, - Vĩ Lý khen tới từ bên kia bàn.

- Cảm ơn, David lúc nào cũng làm đầu đẹp.

- Hả, vậy bồ vẫn đến lão thợ trên dường Howard à? - Vĩ Lý nhướng một bên mày, - Bồ không sợ sao?

Tôi linh cảm được sự nguy hiểm, nhưng vẫn đáp: - Bồ muốn nói gì, sợ à? Ông ta cắt lúc nào cũng khéo.

- Mình muốn nói, lão ấy đồng tinh luyến ái đấy, có thể mắc bệnh SIDA. Lão cắt tóc cho bồ, cũng giống như cắt tế bào sống vậy. Có lẽ mình làm mẹ nên bị tự kỷ ám thị, nhưng thời buổi này khó an toàn lắm...

Tôi ngồi đó, cảm thấy như tóc mình phủ đầy vi trùng.

- Bồ nên đến thợ uốn tóc của mình, tiệm Rony. Ông ta làm đầu tuyệt vời, dù có lẽ giá có cao hơn tiệm quen của bồ.

Tôi muốn thét lên. Nó chỉ rình làm nhục tôi. Lần nào tôi hỏi nó một câu đơn giản nhất và chuyện thuế chẳng hạn, nó cũng xoay câu chuyện làm như tôi không đủ tiền trả cho cố vấn pháp luật của nó. Ví dụ nó nói thế này: - Thực tình mình chả thích nói về các vấn đề thuế má quan trọng đâu, trừ phi tại văn phòng. Giả dụ, trong bữa trưa bồ bất chợt hỏi mình điều gì đó và mình khuyên, và hỏng việc vì bồ không cung cấp cho mình đủ thông tin. Mình sẽ vô cùng ân hận. Và bồ cũng thế phải không nào?

Tại bữa tiệc cua đó, tôi tức điên lên vì chuyện Vĩ Lý nói về mái tóc của tôi nên muốn làm nó bẽ mặt bằng cách cho mọi người thấy nó nhỏ mọn chừng nào. Thế là tôi quyết định tấn công nó về chuyện viết tám trang quảng cáo dịch vụ thuế khóa cho hãng của nó. Đã hơn một tháng rồi mà hãng của nó vẫn chậm trễ chưa trả hóa đơn cho tôi.

- Có lẽ mình sẽ có đủ tiền trả cho tiệm Rony nếu hãng của bồ trả tiền đúng thời hạn. - Tôi cười nhạo nói, khoái trá thấy Vĩ Lý lặng câm, ngượng ra mặt. Tôi lấn tới: - Mình nghĩ một hãng lớn như vậy mà không trả hóa đơn đúng thời hạn nỗi thì thật lố bịch. Nè Vĩ Lý, bồ làm ở cái nơi nào vậy?

Mặt nó tối sầm, nín thinh.

- Này này mấy cô, đừng có gây nhau mà! Cha tôi can, như thể Vĩ Lý và tôi vẫn còn là hai đứa bé cãi nhau về xe đạp hay bút chì màu.

- Đúng vậy, chúng ta đừng nên bàn về chuyện đó bây giờ, - Vĩ Lý nhẹ nhàng nói.

- Thế cô nghĩ các sếp sẽ làm gì? - Vincent bông đùa, nhưng không ai cười.

Tôi không để Vĩ Lý thoát lần này đâu: - Lần nào mình gọi điện sang, bồ cũng không bàn về chuyện đó.

Vĩ Lý nhìn Rich, anh ta nhún vai. Nó quay sang tôi thở dài:

- Linh Muội nghe này, mình không biết nói sao cho bồ rõ. Cái bản bồ viết đó, hãng quyết định là không dùng được.

- Bồ nói láo. Bồ bảo nó rất tuyệt mà.

Vĩ Lý thở dài lần nữa, - Mình có nói như vậy. Mình không muốn chạm tự ái bồ. Mình cố tìm cách nào đó sử dụng nó. Nhưng không dùng được.

Như thế đó, tôi bị thảy nhào xuống vực nước sâu tuyệt vọng, chết đuối. - Phần lớn các bản quảng cáo đều cần gọt giũa lại... lần đầu tiên không hoàn hảo là chuyện thường. Lẽ ra mình nên giải thích chu trình đó rõ hơn.

Vĩ Lý nói: - Thực mình nghĩ không...

- Viết lại không mất tiền. Mình cũng quan tâm hoàn thiện nó như bồ vậy.

Vĩ Lý làm như không nghe tôi nói: - Mình cố thuyết phục họ tối thiểu là trả tiền cho bồ đã tốn kém thời gian. Mình biết bồ mất nhiều công sức lắm... Ít ra là mình cũng mắc nợ bồ vì đã gợi ý cho bồ viết cái đó.

- Chỉ cần nói họ muốn thay đổi phần nào. Tuần tới mình sẽ gọi điện cho bồ, rồi ta sẽ xem lại từng dòng một.

- Linh Muội, mình không thể... - Vĩ Lý nói lạnh lùng, dứt khoát. - Nó không được... phức tạp lắm. Mình chắc bồ viết quảng cáo cho các thân chủ khác rất tuyệt. Nhưng hãng mình là hàng lớn. Mình cần một người hiểu được phong cách của hãng mình. - Nó vừa nói vừa lấy tay vỗ ngực, tựa như muốn ám chỉ phong cách của chính nó.

Rồi nó khoan khoái bật cười: - Mình nói thật, Linh Muội à. - Đoạn nó trầm giọng, giả vai xướng ngôn viên truyền hình: Ba cái lợi, ba cái cần, ba lý do mua hàng... Bảo đảm thỏa mãn... nhu cầu thuế ngày nay và ngày mai.

Nó nói rất điệu khiến ai nấy đều thích chí bật cười. Và để sự việc tệ hơn nữa, tôi nghe mẹ nói với Vĩ Lý: - Đúng, không thể dạy phong cách được. Linh Muội không phức tạp như cháu. Trời sinh ra nó như vậy.

Tôi kinh ngạc thấy mình sao nhục nhã quá! Một lần nữa Vĩ Lý đã hạ tôi và mẹ đã ruồng rẫy tôi. Tôi ngoác miệng ra cười đến nỗi môi dưới căng quá run giần giật. Tôi cố chú ý tập trung đến vật khác. Tôi nhớ mình đã nhấc đĩa của mình lên, rồi đến đĩa của thầy Trung, như thể đang dọn bàn. Qua làn nước mắt, tôi nhìn rõ đường viền chiếc dĩa bị mẻ, tự hỏi sao mẹ không dùng bộ bát đĩa mới tôi đã tặng bà cách đây năm năm.

Bàn đầy những vỏ cua. Vĩ Lý và Rich châm thuốc lá và đặt một cái mai cua giữa hai người làm gạt tàn. Châu Sa đã mon men sang đến đàn piano, mỗi tay cầm một càng cua gõ lên các mặt phím. Thầy Trung, nhiều năm này đã điếc đặc, ngó Châu Sa hoan hô: - Bravo! Bravo! Trừ những tiếng hét lạ lùng đó chẳng ai nói một tiếng. Mẹ tôi xuống bếp, trở lên với một đĩa cam đã cắt miếng. Cha tôi khều phần cua còn sót. Vinh Sơn hắng giọng hai lần, đoạn vỗ vỗ bàn tay Gia Liên.

Cuối cùng dì Linh Ða mới nói: - Vĩ Lý, con hãy để chị thử một lần nữa. Lần đầu, con thúc chị làm nhanh quá. Đương nhiên là chị ấy đâu có làm tốt được.

Tôi nghe mẹ nhai miếng cam. Bà là người duy nhất nhai cam lạo xạo, ăn như thể đang nhai táo dòn. Nghe còn ghê hơn cả tiếng nghiến răng trèo trẹo.

- Từ từ mới có bản tốt, - Dì Linh Ða tiếp, gục gặc đầu, bằng lòng.

- Thêm nhiều hành động vào, - Dượng Tiên khuyên. - Nhiều hành động nghe, dượng thích vậy. Nè, cháu chỉ muốn thế, làm tốt đi.

Có lẽ không, - tôi nói, mỉm cười trước khi mang đĩa bỏ vào bồn rửa.

Ðêm đó, trong nhà bếp, tôi nhận thấy mình chẳng là cái gì cả. Chỉ là một người viết quảng cáo. Tôi làm việc cho một hãng quảng cáo nhỏ. Tôi đã hứa với mọi thân chủ mới: Chúng tôi có thể cung ứng quảng cáo cho mọi hàng hóa. - Quảng cáo lúc nào cũng hình thành từ: Ba cái lợi, ba cái cần, ba lý do mua hàng. Hàng luôn luôn là dây cáp với các vòng tròn đồng trục, máy T-I nhiều mạng lưới, máy biến thể và những thứ tương tự. Tôi đã làm việc rất tốt, thành công với những thứ nho nhỏ như thế.

Tôi mở máy rửa đĩa. Rồi không còn giận Vĩ Lý nữa. Tôi thấy mệt mỏi, ngu ngơ, tựa như mình đang tháo chạy, cố trốn thoát ai đó đang săn đuổi, để rồi quay lại khám phá thấy chẳng có ai cả.

Tôi nhấc đĩa của mẹ lên, cái đĩa bà đã mang xuống bếp hồi đầu bữa ăn. Cua chưa hề được đụng đến. Tôi nhấc chiếc mai cua ngửi thịt nó. Có lẽ vì ban đầu tôi không thích cua nên tôi chẳng hề biết cua này có bị gì không.

Khi khách khứa đã về hết, mẹ xuống bếp phụ với tôi. Tôi đang cất bát đĩa. Mẹ châm thêm trà rồi ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ. Tôi đợi bà trừng trị.

- Tiệc vui mẹ nhỉ? - Tôi lịch sự khen.

- Không vui lắm, - Mẹ vừa nói vừa xỉa răng.

- Con cua của mẹ sao vậy? Sao mẹ vất nó đi?

- Không ngon lắm. Con cua đó chết rồi. Ăn mày còn không muốn ăn nó nữa là.

- Sao mẹ biết? Con đâu có ngửi thấy mùi gì hôi.

- Mẹ biết ngay cả trước khi hấp! - Bà đứng dậy, nhìn qua của sổ ngắm trời đêm! - Mẹ lắc con cua đó trước khi nấu. Càng nó rũ xuống. Miệng nó há hốc y hệt người chết.

- Sao mẹ biết nó chết rồi mà vẫn cứ hấp.

- Mẹ nghĩ... Có lẽ nó mới chết. Có lẽ ăn không đến nỗi tệ lắm. Nhưng mẹ ngửi thấy mùi cua chết, thịt nó không chắc nữa.

- Giả dụ một người nào khác chọn con cua đó?

Mẹ nhìn tôi mỉm cười: - Chỉ có con chọn con cua đó. Sẽ không có ai khác lấy nó cả. Mẹ biết thế mà. Thiên hạ ai nấy đều muốn thứ tuyệt phẩm. Chỉ có con suy nghĩ khác.

Bà nói, tựa như đây là một thứ bằng chứng - bằng chứng của một điều thiện. Bà lúc nào cũng nói những điều chẳng có ý nghĩa gì, nghe vừa tốt lại vừa tệ.