Nhiều năm rồi tôi cố giấu bản chất của mình, nó vẫn chạy theo tôi như một cái bóng nhỏ không ai có thể bắt được. Và bởi vì tôi đến quá kín đáo, nên con gái tôi không thấy tôi. Cô ta đang xem xét danh mục những thứ cần mua, chiếc gạt tàn thuốc nằm chênh vênh trên bàn.
Tôi muốn nói với cô ta như thế này: chúng ta bị lạc lối, cả cô ấy và tôi, không ai thấy mình và mình không thấy được gì, những người khác không ai biết đến mình.
Tôi đã không để lạc lối ngay đâu. Tôi đã chà xát lên mặt nhiều năm rồi để gột rửa đi nỗi đau, như nước chảy in dấu mòn trên đá.
Nhưng hôm nay tôi chợt nhớ lại thời tôi đã bỏ chạy và la hét lên, khi tôi không thể đứng yên. Ðó là hồi tưởng đầu tiên của tôi, kể cho Hằng Nga nghe ước muốn thầm kín của tôi. Và bởi vì tôi đã quen điều mình ước, nên kỷ niệm đó đã ẩn dấu bao nhiêu năm nay tôi không nhớ đến.
Giờ thì tôi nhớ lại điều ước rồi, và tôi cũng hồi tưởng lại từng chi tiết của trọn ngày, rõ ràng như tôi thấy con gái tôi và những điều ngu xuẩn của đời nó.
Năm 1918, năm tôi lên bốn tuổi, tết Trung Thu đến. Vào mùa thu năm ấy ở Vô Tích nóng một cách bất thường, nóng kinh khủng. Khi tôi thức dậy sáng hôm đó, ngày rằm tháng tám, chiếc chiếu cói trải trên giường tôi nhơm nhớp ấm. Mọi thứ trong phòng đều có mùi cỏ ướt.
Vào đầu mùa Hè, gia nhân đậy tất cả cửa sổ bằng các tấm phên tre để che nắng. Giường nào cũng phủ chiếu, chúng tôi dùng chiếu suốt những tháng ẩm ướt thường xuyên này. Những viên gạch nóng bỏng trên sàn in bóng phên tre ô chéo. Mùa thu đã đến, nhưng không có được những buổi sáng và buổi tối mát trời. Và vì hơi nóng ôi mốc vẫn còn vương vấn nơi bóng tối phía sau những bức màn, làm bốc mùi gay gắt nơi chiếc bô của tôi, hơi nóng thấm vào trong gối nằm, miết lên gáy tôi và phà lên má, khiến tôi thức dậy sáng hôm đó với tâm trạng bực mình khó chịu.
Lại còn thêm một mùi khác nữa ở bên ngoài, một mùi cháy khét, một mùi hăng hăng, nửa ngọt, nửa đắng, - “Mùi gì hôi thế?” - Tôi hỏi bà vú, người luôn luôn lo chạy đến bên giường ngay khi tôi tỉnh thức. Bà ngủ trên một chiếc giường nhỏ ở gian phòng xếp cạnh bên. - “Thì giống như vú đã giảng cho con nghe hôm qua đó” - Bà nói, đỡ tôi ra khỏi giường và đặt tôi ngồi lên đùi. Và đầu óc ngái ngủ của tôi đang cố nhớ lại những gì bà đã kể cho tôi nghe khi đi dạo buổi sáng hôm trước.
Chúng ta đang đốt Ngũ quỷ à? - Tôi nói bằng giọng ngái ngủ, rồi vùng vẫy ra khỏi lòng bà. Tôi leo lên đứng trên chiếc ghế con nhìn qua cửa sổ xuống khoảng sân bên dưới. Tôi thấy một đoạn dây màu xanh cuộn thành hình con rắn, với chiếc đuôi đang cuộn lên trong làn khói vàng.
Đã có hôm bà vú chỉ cho tôi xem con rắn thò ra khỏi một chiếc hộp sơn đủ màu có vẽ hình Ngũ Quỉ. Một con rắn đang bơi, một con bọ cạp đang nhảy, một con rết đang bay, một con nhện đang sa xuống và một con thạch sùng đang bật tung lên. Những con này đều có thể cắn chết trẻ con, bà vú giảng như thế. Cho nên tôi nhẹ nhõm khi nghĩ rằng người ta đã bắt được ngũ quỉ và đang đốt xác chúng. Tôi đâu biết rằng cuộn dây xanh ấy chỉ là nhang được dùng để lên xua đuổi ruồi muỗi.
Ngày hôm đó, thay vì áo khoác bằng vải mỏng và quần rộng, bà vú mang ra chiếc áo khoác lụa vàng dầy và quần áo viền đen.
- Hôm nay không có thì giờ để chơi đâu - Bà vú nói và mở chiếc áo có viền ra “Mẹ con đã may cho con bộ quần áo cọp mới này để mặc Tết Trung Thu” - Bà xỏ quần vào cho tôi - “Một ngày rất quan trọng đấy, và, vì bây giờ con đã lớn rồi, nên có thể dự lễ được”.
- Lễ là gì thế? - Tôi hỏi khi bà vú mặc chiếc áo khoác lên bộ quần áo lót hàng vải của tôi.
- Là phải xử sự cho đúng cách. Con phải làm việc này, việc kia, để Trời đừng trừng phạt con - Bà vú cài khuy cho tôi và nói. - Trừng phạt ra sao? - Tôi hỏi.
- Hỏi nhiều quá! - Bà vú kêu lên - Con không cần hiểu vội. Chỉ làm thôi, bắt chước mẹ con ấy. Thắp hương lên nhé, vái chào mặt trăng, cúi đầu xuống. Đừng làm vú xấu hổ chứ, Chân Ảnh.
Tôi cúi đầu và bĩu môi. Tôi thấy những dải băng đen trên cánh tay áo, những bông hoa mẫu đơn nhỏ xíu thêu bằng dải vàng. Tôi nhớ còn thấy mẹ tôi xỏ một cây kim bạc lên xuống, nhẹ nhàng, từ từ, những cành hoa cành lá hiện dần lên mặt vải.
Tôi chợt nghe có tiếng nói ngoài vườn. Đứng lên ghế, tôi dõi căng mắt tìm kiếm. Có ai đó đang than phiền trời nóng, “- Xem tay tôi này, như tự xương bốc hơi ra” - Nhiều người bà con từ miền Bắc đã đến đây và ở lại cả tuần để chờ dự lễ Tết Trung thu.
Bà vú cố luồn một chiếc lược to vào chải tóc cho tôi và tôi giả vờ ngã ra khỏi ghế khi bà bị vướng vào một gút tóc.
- Đứng yên nào, Chân Ảnh! - Vú kêu lên, khi tôi cười khúc khích và đứng lắc lư trên ghế. Khi bà túm được tóc tôi như túm dây cương ngựa và trước khi tôi ngã ra khỏi ghế, bà nhanh tay tết tóc tôi lại thành một bím và cột vào năm dải lụa đủ màu. Bà quấn bím tóc lại một cụm như quả banh, rồi xếp, cắt dây băng thành một búi gọn ghẽ.
Bà xoay tròn người tôi để ngắm công trình của mình. Tôi như bị quay nóng trong chiếc áo khoác lụa và quần dài có viền, hẳn được may với ý nghĩ dùng trong một ngày mát trời. Da đầu tôi bỏng lên vì đau đớn do công trình chú ý chăm sóc của bà vú. Ngày gì đây mà đáng phải chịu nhiều đau đớn như thế?
- Xinh lắm - Bà vú nói, dù tôi đang nhăm nhe cau mày.
- Hôm nay ai đến vậy?
- Ai da! Hết mọi người trong gia đình - Bà hân hoan nói: - Tất cả chúng ta sẽ đi ra Ðại Hồ. Nhà ta đã thuê một chiếc thuyền với một người quản chèo nổi tiếng. Và đêm nay, tại buổi lễ, con sẽ gặp Hằng Nga.
- Hằng Nga, Hằng Nga! Tôi kêu lên nhảy nhót hết sức vui mừng. Và sau khi hết ngạc nhiên vì những từ mới êm tai vừa được dịp tập nói, tôi kéo vai áo bà vú, hỏi: “Hằng Nga là ai thế?”.
- Ôi! Bà sống trên mặt trăng, hôm nay là ngày duy nhất con được thấy bà và được thỏa nguyện một điều ước thầm kín của con.
- Ðiều ước thầm kín là gì?
- Là điều con ao ước nhưng con không dám xin.
- Tại sao con không dám xin?
- Bởi vì... Bởi vì nếu con... nó sẽ không còn là điều ao ước nữa mà là một điều mong muốn ích kỷ - Bà vú tiếp - Vú đã không từng dạy con đó sao, rằng nghĩ về nhu cầu riêng tư của mình là không đúng. Một cô gái không bao giờ được đòi hỏi, chỉ biết lắng nghe thôi.
- Thế thì làm sao Hằng Nga biết được con ao ước điều gì?
- Ai da! Con hỏi nhiều quá rồi đấy. Con có thể xin Hằng Nga vì bà không phải là người thường.
Cuối cùng tôi cũng thỏa mãn không hỏi nữa, tôi nói ngay: - Như thế con sẽ cho Hằng Nga biết con không muốn mặc thứ quần áo này nữa.
- A! Vú mới vừa giải thích cho con xong! Bây giờ con lại nói lên cho vú nghe rồi, vậy đó không còn là điều ước thầm kín nữa đâu!
—★—
Trong suốt bữa ăn sáng, không ai có vẻ vội vàng muốn đi chơi hồ cả, người này người kia nhẩn nha ăn thêm một món nữa. Rồi sau khi ăn sáng, mọi người lại cứ chuyện trò mãi về những chuyện vặt vãnh không đâu. Tôi cảm thấy bồn chồn và không vui vẻ gì hết.
- Trăng Thu ấm áp. Ôi! Những bóng chim ngỗng quay về - Cha tôi đọc một bài thơ dài từ một bản khắc trên đá.
- Chữ thứ ba ở dòng kế tiếp - cha tôi giải thích - bị mờ trên phiến đá, nghĩa của nó bị hàng mấy thế kỷ mưa xóa đi, xem như hậu thế bị mất đi vĩnh viễn chữ ấy rồi.
- A! Nhưng may thay - Chú tôi nói, mắt ông lấp lánh - Anh là một học giả miệt mài về văn, sử cổ. Em nghĩ là anh có thể giải ra được mà.
Cha tôi đọc lên trả lời - Giữa ánh sáng của hoa. Ô...
Mẹ tôi trò chuyện với các dì và những bà già về cách pha trộn nhiều vị thảo mộc và côn trùng khác nhau để chế ra một thứ dầu. - Chị xoa nó vào đây, giữa hai điểm này. Xát cho mạnh, đến khi da nóng lên và cơn đau sẽ dịu đi.
- Ai da! Nhưng làm sao tôi xoa được lên cái chân sưng? - Một bà già than thở - Cả bên trong lẫn bên ngoài đều nhức buốt. Sờ đến còn không được nữa là!
- Tại trời nóng đấy - Một bà già khác phàn nàn - Như nấu khô nấu giòn thịt da người ta.
- Và hỏng cả mắt nữa - Bà dì của tôi than.
Tôi thở dài mỗi khi họ bắt đầu một đề tài mới. Bà vú cuối cùng nhận thấy được và bà cho tôi một cái bánh Trung Thu hình con thỏ. Bà bảo tôi có thể ra sân ngồi ăn bánh với hai đứa em cùng cha khác mẹ với tôi, bé Nhị và bé Tam.
Rất dễ dàng để quên đi chuyện chiếc thuyền khi trẻ con có một chiếc bánh Trung Thu con thỏ trong tay. Ba đứa chúng tôi đi nhanh ra khỏi phòng, và ngay khi chúng tôi vượt qua chiếc cổng dẫn vào sân bên trong, chúng tôi xô đẩy nhau và la hét, chạy thi nhau xem ai đến chiếc băng đá trước nhất. Tôi lớn nhất, nên tôi ngồi nơi phần ghế mát, các em của tôi ngồi ngoài nắng. Tôi bẻ cho mỗi đứa một cái tai thỏ. Phần tai chỉ toàn là bột, không có nhân ngọt mà cũng không có lòng đỏ trứng bên trong, nhưng hai đứa em tôi còn nhỏ quá nên không biết gì hơn.
- Chị thương em hơn - Bé Nhị nói với bé Tam.
- Thương em hơn cơ - Bé Tam cãi lại.
- Đừng làm ồn - Tôi bảo cả hai. Tôi ăn phần bánh thân thỏ, uốn lưỡi quanh môi để liếm hết phần nhân đậu dẻo.
Chúng tôi nhặt hết những vụn bánh rơi vãi, và sau khi ăn xong, tất cả im lặng, và tôi lại cảm thấy bồn chồn. Đột nhiên, tôi thấy một con chuồn chuồn với thân hình đỏ thắm và đôi cánh trong suốt. Tôi nhảy ra khỏi ghế chạy theo đuổi bắt, và hai đứa em cũng chạy theo tôi, nhảy tung tăng và đưa tay lên bắt, nhưng chú chuồn chuồn vụt bay đi mất.
- Chân Ảnh! - Tôi nghe bà vú gọi và bé Nhị, bé Tam bỏ chạy đi. Bà vú đang đứng trong sân, còn mẹ tôi cùng các bà đang đi ra cổng. Bà vú chạy tới, cúi xuống vuốt thẳng áo tôi - Quần áo của con này! Làm dơ đủ mọi chỗ rồi - Bà kêu lên khổ sở.
Mẹ tôi mỉm cười bước đến chỗ tôi. Bà vuốt vài sợi tóc ương ngạnh của tôi vào nếp và xếp chúng vào dưới dải băng. - Con trai có thể chạy đuổi chuồn chuồn, bởi vì đó là bản chất của nó - Bà nói - Nhưng con gái phải đứng yên, nếu con chịu giữ yên một hồi lâu, con chuồn chuồn sẽ không còn thấy con nữa. Khi đó nó sẽ bay đến bên con và nấp bên bóng con. - Các bà già đều gật gù tán thành, và họ kéo nhau đi hết, để tôi đứng lại giữa khoảng sân nóng bỏng.
Đứng lặng yên hoàn toàn như thế, tôi khám phá ra được bóng mình. Ðầu tiên nó chỉ là một đốm sẫm trên nền phên tre phủ lên gạch lát sân. Nó có chân ngắn mà tay lại dài ngoằng, thêm một bím tóc cuộn lại, như tôi. Khi tôi lắc đầu, nó lắc đầu. Chúng tôi cùng vỗ tay. Chúng tôi đưa một chân lên. Tôi quay lại, bước đi, và nó đi theo tôi. Tôi nhấc tấm phên tre lên để xem tôi có thể lột được chiếc bóng ra không, thì nó lại ở dưới tấm phên, trên nền gạch. Tôi hét lên thích thú vì chiếc bóng khôn ngoan của mình. Tôi chạy đến bóng râm dưới cây để xem chiếc bóng đuổi theo tôi. Nhưng nó biến đâu mất. Tôi yêu chiếc bóng của tôi, phần sẫm tối này của tôi cũng có một tính khí bồn chồn náo nức như tôi.
Tôi lại nghe bà vú gọi tôi “- Chân Ảnh! Ðến giờ rồi. Con sẵn sàng để đi chơi hồ chưa?” - Tôi gật đầu và phóng về phía bà. “- Chậm chậm thôi chứ” - Bà vú mắng tôi.
Cả gia đình chúng tôi đã đứng sẵn bên ngoài, bàn tán sôi nổi. Mọi người đều diện quần áo rất sang trọng. Cha tôi mặc bộ đồ màu nâu, trông giản dị nhưng hiển nhiên được may bằng lụa tốt và may cắt khéo. Mẹ tôi mặc áo và váy màu tương phản với tôi: Lụa màu đen có viền vàng. Các em cùng cha khác mẹ với tôi mặc áo màu hồng, và mẹ chúng cũng mặc giống vậy, đó là những hầu thiếp của cha tôi. Còn anh tôi lại mặc một chiếc áo xanh có thêu hình tựa chữ vạn của đức Phật. Ngay các bà dì cũng chọn y phục đẹp nhất để mặc: Dì của mẹ, bà nội, và người chị họ của bà, bà bác, người đẫy đà, bà cứ nhổ tóc cho hói cả trán và luôn luôn bước đi dường như bà đang băng qua một con suối trơn trợt, bà đi từng hai bước nhỏ và nhìn lên sợ hãi.
Các gia nhân đã thu xếp và chất lên xe các loại lương thực căn bản để dùng trong ngày: Một giỏ mây đầy “zong-zi” - một loại xôi gói trong lá sen, mấy giỏ đựng thịt heo quay, mấy giỏ đựng mứt hạt sen, một chiếc lò nhỏ để nấu nước sôi pha trà, một giỏ đựng ly tách, bát đũa, một bao vải đựng pháo, lựu, lê, nhiều lọ đất đựng thịt và rau quả muối dưa, hàng đống hộp đựng bánh Trung thu, mỗi hộp đựng bốn cái, và dĩ nhiên còn có thêm nhiều tấm chiếu để trải ra ngủ trưa.
Sau đó mọi người lên xe, các trẻ nhỏ ngồi cạnh bên các bà vú của chúng. Vào phút cuối, trước khi khởi hành, tôi vùng ra khỏi vòng tay của bà vú và nhảy ra khỏi xe để leo sang ngồi cùng xe với mẹ tôi. Việc này khiến bà vú của tôi phật ý, bởi vì cử chỉ kiêu căng của tôi và cũng bởi vì vú yêu mến tôi còn hơn chính bản thân bà. Vú đã bỏ đứa con trai ruột của mình khi chồng mất, và đến nhà tôi để ở vú. Nhưng tôi rất hư hỏng cũng tại do vú, bà chưa bao giờ dạy tôi biết suy nghĩ đứng về phía bà. Do đó, tôi xem vú như một người giúp tôi thoải mái, theo kiểu người ta nghĩ đến một cái quạt trong ngày hè hay lò sưởi lúc mùa đông, một ân phúc người ta ghi nhận và chỉ biết yêu mến khi nào người ta không còn có nó nữa.
Khi chúng tôi đến hồ, tôi thất vọng khi không thấy gió mát. Những người phu kéo xe của chúng tôi ướt đẫm mồ hôi và há miệng thở dốc như những con ngựa. Tại bến đò, tôi quan sát các ông bà già bắt đầu leo lên chiếc thuyền to mà gia đình chúng tôi đã thuê. Chiếc thuyền trông như một phòng trà nổi, với phần hàng hiên ngoài trời còn rộng hơn hàng hiên trong sân nhà của chúng tôi... Có nhiều cột màu đỏ và một mái ngói có đỉnh nhọn, còn phía sau trông như một gian nhà xây ngoài vườn với các vòm cửa sổ tròn.
Đến lượt chúng tôi, bà vú nắm chặt lấy tay tôi và chúng tôi cùng băng qua thanh ván bắc cầu. Ngay khi chân tôi chạm đến sàn tàu, tôi vùng thoát ra và cùng với bé Nhị và bé Tam, tôi len lỏi qua chân của các người lớn, đóng bộ trong quần áo lụa màu sẫm và màu sáng - thi nhau xem ai chạy suốt chiều dài chiếc tàu nhanh nhất.
Ngay cả Đại Hồ là chiếc hồ lớn nhất ở Trung Quốc, ngày hôm đó dường như cũng chật chội vì thuyền bè: thuyền bơi chèo, thuyền đạp nước, thuyền buồm, thuyền câu, và những thuyền có mái dù như thuyền của chúng tôi. Chúng tôi lướt qua những người khác đang tựa vào lan can, khuấy tay xuống làn nước lạnh, hoặc trôi nổi bồng bềnh dưới mái dù vải hoặc dù bạt.
Thình lình tôi nghe có tiếng reo lên “A! A!”... Tôi nghĩ, ngày vui bắt đầu rồi! Tôi chạy đến bên mái dù và thấy các dì, các cậu đang reo cười khi họ dùng đũa gắp những con tôm vẫn còn vặn cong người, búng tanh tách đôi chân nhỏ xíu. Thì ra chiếc lồng có mắc lưới thả xuống nước đã chứa đầy tôm tươi, cha tới nhúng một con vào sốt tương cay và bỏ vào miệng nhai ngon lành.
Nhưng trò vui đó cũng nhanh chóng tàn đi, và buổi chiều trôi qua như những buổi chiều khác ở nhà. Nhiều việc linh tinh, sau bữa ăn. Vừa uống trà nóng vừa lim dim trò chuyện. Bà vú bảo tôi nằm xuống chiếu nghỉ lưng. Yên bình như mọi người, ngủ thiếp qua giờ nóng bức nhất trong ngày.
—★—
Mặt nước chuyển sang màu vàng sẫm, đỏ ửng, ngả sang tím, rồi cuối cùng thì đen hẳn. Bầu trời tối sầm và ánh đèn lồng đỏ bắt đầu lóng lánh khắp hồ. Tôi nghe tiếng nói cười, lúc vọng ra từ trước mũi thuyền, lúc từ các thuyền bè cạnh bên. Rồi tôi nghe tiếng cửa gỗ ở nhà bếp mở ra và đóng sầm lại, rồi không gian sực nức mùi thơm ngào ngạt. Tiếng người hò reo vui vẻ dưới mái dù - “A! Nhìn cái này xem! Cái này nữa!” - Tôi thèm được ở đó giờ này.
Tôi đu đưa chân, lắng nghe tiếng người cười nói trong bữa tiệc. Mặc dù vào đêm, nhưng vẫn sáng đủ để tôi thấy bóng mình, chân tôi, tay tôi tựa mạn thuyền, tôi thấy cả mặt tôi nữa. Tôi biết tại sao lại sáng như vậy. Dưới bóng nước sẫm, tôi thấy vầng trăng tròn, thật to và ấm áp như mặt trời. Tôi quay xung quanh để tìm Hằng Nga nói cho bà nghe ước nguyện thầm kín của tôi. Nhưng ngay lúc ấy, chắc một người nào khác đã thấy được bà, vì pháo nổ vang trời, và tôi rơi tõm xuống nước, không nghe được ngay cả tiếng rơi của mình.
Tôi ngạc nhiên vì sự mát lạnh dễ chịu của làn nước, nên thoạt tiên không thấy sợ. Tựa như một giấc ngủ nhẹ tênh. Tôi chợt mong bà vú đến ngay để đưa tôi lên, vì ngay lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy ngạt thở. Tôi đập tay đập chân dưới nước. Con nước nhọn xoáy tràn vào mũi tôi, vào cổ họng, vào mắt, làm tôi càng quẫy đập thêm hơn. - “Vú ơi!” - Tôi cố kêu lên, giận bà đã bỏ rơi tôi, để tôi phải đứng chờ đợi và chịu đựng không cần thiết. Chợt một bóng đen ập lên tôi, và tôi nhận ra đó là một vật trong Ngũ Quỷ, một con rắn bơi. Nó quấn lấy tôi, siết lại như một tấm bọt biển, rồi tung tôi lên không. Tôi ngã đập đầu xuống một tấm lưới đan bằng những sợi thừng đầy cá giẫy giụa. Nước vọt ra từ miệng tôi, và tôi rên lên nghẹt thở.
Khi quay đầu lại, tôi thấy bốn bóng người với vầng trăng sau lưng họ. Một bóng người ướt sũng nước đang leo lên thuyền, thở dốc và nói: - Nhỏ quá phải không? Ta quăng trở xuống nhé? Hay cũng đáng giá ít tiền đấy chứ? - Những người khác phá lên cười, còn tôi thi lặng im. Tôi biết những người này là ai. Khi vú và tôi đi ngang qua những người này trên đường, bà đã lấy tay che mắt và bịt tai tôi lại.
- Thôi đi! - Có tiếng đàn bà trên thuyền mắng - Chúng mày làm cho nó sợ rồi. Nó cho rằng bọn ta là quân cướp bóc định bán nó đi làm nô lệ đấy! - Rồi bà đổi giọng nhẹ nhàng - Em ở đâu đến vậy, em nhỏ?
Ông ướt mèm cúi xuống nhìn tôi - Ồ, một con nhỏ hả? Không phải cá à?
- Không phải cá! Không phải cá! - Những người khác cười khúc khích khoái trá.
Tôi bắt đầu run lên, sợ quá không khóc nổi. Không khí đầy mùi nguy hiểm, mùi hắc nồng của thuốc súng và mùi cá.
- Đừng để ý bọn họ - Người đàn bà nói. - Em từ chiếc thuyền khác đến phải không? Chiếc nào? Đừng sợ. Chỉ đi!
Xa xa trên mặt nước tôi thấy thuyền chèo, thuyền đạp chân, thuyền buồm, và thuyền câu giống như chiếc này, có một gian nhà nhỏ ở giữa thuyền. Tôi dõi tìm, tim đập liên hồi.
- Kia kìa! - Tôi nói và chỉ chiếc thuyền có mái dù đầy ánh đèn lồng và tiếng người cười nói, - Đó, đó! - Và tôi bắt đầu bật khóc, tuyệt vọng khi nghĩ rằng không đến được với gia đình để được an ủi. Chiếc thuyền câu lướt đi về phía mùi thức ăn sực nức.
- Ê! Bà trên thuyền câu gọi với sang - Các ông các bà có mất một đứa con gái nhỏ không? Con nhỏ bị rơi xuống nước ấy!
Có vài tiếng người kêu lên, và tôi cố nhận ra đâu là gương mặt của bà vú, của cha, của mẹ. Người ta đổ sang một mạn thuyền, tựa vào đấy, chỉ trỏ, nhìn vào thuyền của chúng tôi. Tất cả đều là người lạ, những gương mặt đỏ ửng vui cười, những giọng nói lớn tiếng. Bà vú đâu? Còn mẹ tôi sao không thấy ra? Có một đứa nhỏ len qua chân của các người lớn, bước ra: - Không phải con đâu - Nó kêu lên - Con đây mà. Con đâu có rơi xuống nước - Người trên thuyền cười rộ lên và quay trở vào.
- Em nhỏ ơi! Em nhìn lầm rồi - Người đàn bà nói khi chiếc thuyền câu lướt qua khỏi. Tôi không nói gì hết. Tôi lại bắt đầu thấy run rẩy. Tôi biết mình đã bị mất tích mà không ai đoái hoài. Tôi nhìn ra mặt nước mênh mông hàng trăm ánh đèn lồng. Pháo nổ vang rền và tôi nghe càng nhiều tiếng người cười nói thêm. Chúng tôi càng ra xa, thế giới càng mênh mông trải rộng hơn. Và bây giờ tôi cảm thấy mình sẽ vĩnh viễn bị lạc lối. Người đàn bà tiếp tục nhìn tôi trừng trừng. Bím tóc của tôi xổ ra, bộ quần áo ướt đẫm, xám xịt, chân trần vì đôi dép bị lạc đâu mất.
- Chúng ta làm gì đây? - Một người đàn ông lặng hỏi - Đâu có ai nhận nó!
- Có lẽ con nhỏ này ăn mày - Một người khác nói - Nhìn quần áo nó xem. Con nhỏ này giống như mấy đứa chống bè đi xin tiền ấy mà.
Tôi kính hãi tột cùng. Biết đâu đây là sự thực. Tôi đã trở nên một con bé ăn mày, một con bé bị lạc cả gia đình.
- A! Bọn mày không có mắt sao? - Người đàn bà kêu lên giận dữ. - Nhìn da nó xem, xanh mét đi rồi. Chân nó, mông nó đều mềm nhũn.
- Đưa nó lên bờ thôi - Người đàn ông nói - Nếu thực sự nó có gia đình, người ta sẽ đi tìm nó.
- Thật cái đêm gì đâu! - Một người khác thở dài - Sao người ta cứ rơi xuống nước vào những đêm hội hè. Nào là mấy ông thi sĩ say rượu, lại còn lũ con nít nữa. May mà con nhỏ này chưa chết chìm đấy. - Họ trò chuyện như thế trong khi từ từ di chuyển thuyền về hướng bờ hồ. Một ông trên thuyền chống cây sào tre dài để chúng tôi chen lướt giữa đám thuyền bè khác. Khi chúng tôi cập vào bờ, người đàn ông đã vớt tôi dưới nước lên khi nãy nhấc tôi ra khỏi thuyền bằng đôi tay tanh đầy mùi cá.
- Lần tới cẩn thận nhé, em nhỏ! - Bà ngồi trên thuyền nói với theo khi chiếc thuyền của họ từ từ tách bến.
Trên bến tàu, với vầng trăng sáng sau lưng, một lần nữa tôi lại thấy bóng mình. Lần này nó ngắn ngủi, méo mó và trông hoang dại. Chúng tôi cũng chạy với nhau đến một bụi cây trên lối đi và nấp vào đấy. Ở chỗ nấp này tôi nghe tiếng người trò chuyện khi đi ngang qua, tiếng ếch nhái, giun dế kêu vang. Đột nhiên có tiếng đàn sáo, chiêng trống, chũm chọe khua lên ầm ĩ.
Tôi nhìn qua các cành lá và thấy một đám đông trước mặt, với sân khấu dựng bên trên, hướng lên mặt trăng. Một thanh niên từ cánh gà vụt xuất hiện trên san khấu và cất tiếng - Và bây giờ Hằng Nga sẽ đến và kể cho quí vị nghe câu chuyện buồn của nàng trong vở nhạc kịch dưới đây.
Hằng Nga! Chính những từ mê hoặc này đã khiến tôi quên đi nỗi lo lắng, phiền muộn. Tôi nghe chiêng trống khua rền vang thêm lên và một bóng phụ nữ xuất hiện, chải tóc dưới vầng trăng. Bà bắt đầu cất tiếng, giọng ngọt ngào than vãn:
- Ôi định mệnh của ta, và niềm hối hận! - Bà than thở khi luồn những ngón tay dài vào mái tóc. - Ta phải sống ở đây, trên mặt trăng, trong khi chồng ta lại ở tận mặt trời. Mỗi ngày mỗi đêm chúng ta đi ngang qua nhau mà không hề nhìn thấy mặt nhau, chỉ trừ một đêm, đêm Rằm tháng Tám.
Đám đông vây đến gần hơn. Hằng Nga gảy đàn và bắt đầu cất tiếng hát.
Ở phía bên kia, tôi thấy bóng một người đàn ông xuất hiện. Hằng Nga giang tay ra - Ồ, Hậu Nghệ, chồng của em, Xạ Thủ Vương của các tầng trời! - Bà hát lên, nhưng chồng bà có vẻ không chú ý đến. Ông đang nhìn lên bầu trời, miệng há to, vì kinh hãi hay hân hoan, tôi không biết được.
Hằng Nga đưa tay vịn lấy cổ và ngã quỵ xuống, kêu lên - “Ôi! Mười mặt trời phương đông khô cháy!” - Và ngay khi bà hát lên câu ấy, Xạ Thủ Vương đưa mũi tên thần của ông lên nhắm bắn rơi chín mặt trời, nổ tung đầy màu xám, - Rơi xuống mặt biển sục sôi! - Bà hát lên vui mừng, và tôi nghe tiếng xèo xèo và nứt rạn của mặt trời chết lịm.
Bây giờ lại đến một bà tiên xuất hiện - Bà Tây Vương Mẫu - tiến về phía Hậu Nghệ. Bà mở một chiếc hộp lấy ra một quả cầu sáng chói - Không phải một mặt trời con, nhưng là một quả đào tiên, quả đào trường sinh bất tử! Tôi thấy Hằng Nga giả vờ chăm chú thêu thùa, nhưng lại liếc theo dõi chồng bà. Bà thấy ông giấu quả đào vào trong chiếc hộp. Sau đó, Xạ Thủ Vương giương cung thề rằng ông sẽ nhịn ăn chay một năm để chứng tỏ rằng ông đủ kiên nhẫn để trường sinh. Khi ông vừa đi khuất, Hằng Nga không chần chừ một phút nào, vội vàng tìm ngay quả đào và ăn ngay.
Ngay khi vừa nếm quả đào, bà lảo đảo bay lên như một con chuồn chuồn gãy cánh “- Bay ra khỏi thế gian này vì tính tọc mạch của ta” - Bà kêu lên khi chồng bà vừa lao trở về và hét to - “Kẻ trộm! Người vợ lấy đi sự sống của ta!” Ông nhặt cung lên, nhắm mũi tên vào người vợ và, trong tiếng chiêng vang rền, bầu trời tối đen đi.
Tiếng nhạc buồn lại cất lên khi bầu trời trên sân khấu sáng trở lại. Người đàn bà đáng thương trên sân khấu giờ đây đứng tựa vào mặt trăng sáng rực như mặt trời. Tóc bà buông dài chấm đất, lau đi những giọt lệ đang rơi. Đã rất lâu rồi họ không được gặp nhau, vì đấy là định mệnh của bà: phải ở vĩnh viễn trên mặt trăng, vĩnh viễn tìm kiếm những ước muốn ích kỷ của bà.
- Đối với đàn bà là cõi âm, nơi tăm tối, nơi của những khao khát không biết kềm chế. Còn đối với đàn ông là cõi dương, sự thật rực chói sẽ thắp sáng trí tuệ.
—★—
Khi bà hát xong, tôi bật khóc, run lên vì tuyệt vọng. Dù tôi không hiểu được hết chuyện của bà, nhưng tôi cảm thông với nỗi đau khổ của bà. Chỉ trong một khoảnh khắc, cả hai chúng tôi đều lạc lối, và không còn cách gì để quay trở lại được.
Có tiếng chiêng khua rền, Hằng Nga cúi chào và trầm lặng nhìn về một phía. Khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Giờ đây, người thanh niên lúc đầu lại bước ra sân khấu và nói: “Hãy khoan đã! Thưa quí vị! Hằng Nga đã đồng ý ban cho mỗi người một điều ước, tại đây...” - Khán giả lao xao, rì rầm - “Và xin quí vị đóng góp chút tiền vào đây” - Anh tiếp tục nói. Đám đông ồ lên, cười to và bắt đầu giải tán.
Người thanh niên lại kêu lên - “Mỗi năm chỉ có một cơ hội này thôi!” - Nhưng không ai nghe anh ấy cả, ngoại trừ chiếc bóng của tôi và tôi trong bụi cây.
- Cháu có một điều ước đây! Cháu có đây! - Tôi hét lên và chạy ra bằng đôi chân trần, nhưng người thanh niên không để ý gì đến tôi cả, anh bước vào sân khấu. Tôi cứ chạy tiếp về phía mặt trăng đã nói cho Hằng Nga biết điều tôi ao ước. Tôi phóng nhanh như một con thằn lằn ra phía sau sân khấu, và khi thấy bà, tôi sững người lại một giây. Bà đẹp rực rỡ chói lọi dưới hàng chục ngọn đèn thắp sáng. Bà hất mái tóc dài và bắt đầu bước xuống các bậc thang.
- Cháu có một điều ước - Tôi thầm thì, và bà vẫn không nghe thấy tôi. Vì thế tôi bước đến gần hơn, cho đến khi tôi có thể thấy gương mặt của bà: Đôi gò má nhăn nheo, chiếc mũi to bóng loáng, những chiếc răng to, loang loáng, và đôi mắt đỏ ngầu. Một gương mặt quá mệt mỏi, và khi bà tháo mái tóc ra, chiếc áo cũng rơi tuột khỏi vai bà. Lời ước vừa được thốt ra trên miệng tôi, Hằng Nga quay lại nhìn, và tôi thấy đó là một người đàn ông.
—★—
Đã nhiều năm trôi qua rồi, tôi không nhớ được đêm đó tôi đã nhờ Hằng Nga điều gì, hoặc đã ra sao khi được gia đình tìm lại. Cả hai việc đó dường như chỉ là ảo ảnh đối với tôi, một điều ước được ban mà không thể tin cậy được. Và ngay cả dù gia đình tìm lại được tôi - mãi khuya, sau khi cha, mẹ, cậu và những người khác gọi tôi ầm ĩ dọc theo con sông - tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ rằng họ đã tìm được chính cùng một đứa con gái như trước kia.
Năm tháng trôi qua, tôi quên mất phần còn lại của những gì xảy ra hôm đó. Bài hát thương tâm của Hằng Nga, chiếc thuyền có mái dù che, con chim với chiếc vòng ở cổ, những bông hoa nhỏ xíu nổ trên tay áo, Ngũ Quỷ bị đốt cháy tiêu.
Nhưng giờ tôi đã già, mỗi năm mỗi tiến dần đến kết thúc đời người, tôi lại cảm thấy gần gũi với giai đoạn bắt đầu hơn. Và tôi nhớ hết những việc xảy ra hôm đó, vì nhiều lần trong đời tôi đã gặp lại. Cũng tính thơ ngây, cả tin, bất cẩn, sự diệu kỳ, nỗi sợ hãi và niềm cô đơn ấy, và tôi đã tự đánh mất mình ra sao.
Tôi nhớ hết mọi việc. Đêm nay, vào đêm Rằm tháng Tám, tôi cũng nhớ lại ngày xa xưa tôi đã cầu xin Hằng Nga điều gì, tôi ước được người ta tìm thấy tôi.