Phụ Nữ Thông Minh Không Ở Góc Văn Phòng

Chương 8: Cách Bạn Phản Ứng

Chương 8 CÁCH BẠN PHẢN ỨNG

Chúng ta đã nghiên cứu về những hành vi làm giảm uy tín của bạn. Trong chương cuối cùng này chúng ta sẽ thảo luận về bạn phản ứng như thế nào trước cách đối xử của người khác với bạn.

Quan niệm xã hội cho rằng nữ giới sẽ không có phản ứng phản kháng hoặc chấp nhận trước cách cư xử không thích đáng của người khác. Một người phụ nữ có kể lại cho tôi nghe câu chuyện xảy ra với chị khi chị còn là cô bé tám tuổi. Tối thứ Bảy hàng tuần, chị và anh chị họ cùng đi xem nhạc kịch. Một buổi tối, một người đàn ông ngồi ngay hàng ghế dưới có hành vi trêu ghẹo chị. Sau một vài phút, chị nói với anh chị họ là chị muốn đổi ghế ngồi và không nói nguyên nhân tại sao. Khi họ chuyển ghế ngồi, người đàn ông lỗ mãng kia cũng đi theo và lại bắt đầu trêu ghẹo chị. Chị chỉ ngồi im không dám nói gì. Chị cứ để mặc ông ta chọc ghẹo mình cho đến khi buổi nhạc kịch kết thúc.

Khi kể lại câu chuyện trên, chị không hiểu tại sao chị không quay lại yêu cầu ông ta chấm dứt hành động chọc ghẹo hoặc nhờ anh chị họ giúp đỡ. Thật đáng buồn là phản ứng của chị rất phổ biến ở nữ giới. Chúng ta không được dạy phải tự vệ hoặc tỏ thái độ tức giận khi người khác tỏ thái độ không tôn trọng chúng ta.

Sai lầm thứ 87 Lưu giữ tất cả thông điệp được học từ thời thơ ấu

Các bậc phụ huynh là những người có lỗi trong việc dạy cho con cái rất nhiều thông điệp đi theo chúng suốt cả cuộc đời. Không phải tất cả thông điệp đều tiêu cực nhưng chúng tác động đến lòng tự trọng và cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Những thông điệp như, “Con giống hệt bố con - con sẽ không bao giờ làm được việc gì cả” hay “Con là một cô gái ngoan. Con sẽ trưởng thành, kết hôn và có thật nhiều con,” có thể đi theo các cô gái suốt cuộc đời.

Tuy nhiên, không phải lúc nào thông điệp cũng được thể hiện bằng lời nói. Có lúc thông điệp là sự kì vọng ngầm về cách ứng xử của bạn. Công việc tư vấn của tôi thường bắt đầu với việc giúp khách hàng nhớ lại với những thông điệp họ nhận được từ khi còn thơ ấu và kiểm tra ảnh hưởng của những thông điệp đó đến cuộc sống hiện tại. Phụ nữ thường có xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào những thông điệp cũ đó và lưỡng lự không muốn từ bỏ những thông điệp đã không còn hiệu quả nữa.

Tôi xin trích dẫn một ví dụ. Claudia là chị cả trong gia đình có bảy chị em. Bố mẹ chị nghiện rượu và chị phải gánh vác trách nhiệm nuôi các em nhỏ. Giống như những đứa trẻ xuất thân từ gia đình có bố mẹ nghiện rượu, chị rất thận trọng, có trách nhiệm và sẵn sàng bảo vệ các em. Dù không ai yêu cầu nhưng chị vẫn làm vậy. Những hành vi này có thể phát huy hiệu quả tích cực cho Claudia khi chị còn trẻ. Các giám sát viên đánh giá cao cách chị chủ động làm việc, chỉ đạo thành viên mới vào khuôn khổ và luôn luôn chuẩn bị đối phó với rắc rối tiềm ẩn trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, những năm sau đó, những hành vi tương tự đã cản trở chị trong việc phát huy hết tiềm năng. Sự cảnh giác cao độ trước rắc rối tiềm ẩn đồng nghĩa với thái độ quá nghiêm trọng hóa vấn đề. Thay vì được đánh giá cao vì biết dẫn dắt thành viên mới, chị bị coi là người bắt người khác chịu đựng mình và “kiểm soát thái quá.” Và một trong những ưu điểm của chị - sự chủ động - nay được coi là hành vi cố gắng nhận lấy công việc tốt nhất cho bản thân.

Claudia tiếp thu thông điệp từ thời thơ ấu quá sâu sắc - mặc dù thông điệp đó không được thể hiện bằng lời. Khi làm việc với Claudia, tôi không hề yêu cầu chị phải chấm dứt toàn bộ những hành vi ấy hữu ích khi chị mới vào nghề, tôi chỉ gợi ý chị nên linh hoạt thay đổi hành vi sao cho phù hợp với từng tình huống. Ví dụ như, thay vì lúc nào cũng xung phong nhận việc khó, chị cần phải biết ai là người có lợi trong việc thực hiện những dự án đó. Và thay vì nhanh chóng chỉ ra sai lầm của cấp dưới, chị nên để họ tự nhận ra sai lầm, tạo cơ hội cho họ rút ra bài học kinh nghiệm - khi đó, họ sẽ không đổ lỗi chị là người “bới lông tìm vết” nữa.

Gợi ý

  1. Tự tìm hiểu xem bài học nào từ thời thơ ấu có tác động tích cực đến ưu điểm lớn nhất của bạn và tìm các hành động bổ sung nào để cân bằng ưu điểm đó.

  2. Luôn ghi nhớ và tự trích dẫn câu cách ngôn nổi tiếng của Eleanor Roosevelt1 : Không ai có thể khiến bạn cảm thấy mình thua kém hơn họ nếu bạn không đồng ý để họ làm vậy.

Sai lầm thứ 88 Tin rằng người khác biết nhiều hơn bạn

Betty là chuyên viên tư vấn và chị quản lí một công ty tư vấn riêng. Nhiều năm trước khi thành lập công ty tư vấn tư nhân, chị là quản lí của một tập đoàn nổi tiếng trong nước bán đồ ăn nhanh. Chị được coi là chuyên gia hàng đầu trong cả hai lĩnh vực tư vấn và quản lí. Một hôm, chị có cuộc hẹn với một khách hàng triển vọng và anh ta muốn thảo luận với chị về việc tổ chức một khóa tư vấn về Làm việc nhóm. Khi khách hàng tỏ thái độ cái - gì - cũng - biết và hiếu thắng đưa ra vấn đề, Betty nhận ra anh ta không hề muốn tổ chức khóa tư vấn làm việc nhóm mà anh ta muốn can thiệp và giải quyết mâu thuẫn giữa hai nhân viên cấp dưới.

Sau khi anh ta giải thích rõ mong muốn và nguyên nhân, Betty khuyên anh không nên chọn phương án tư vấn như trên. Nếu hai nhân viên cấp dưới nảy sinh mâu thuẫn và anh ta tổ chức khóa tư vấn về làm việc nhóm, anh ta sẽ không đạt được kết quả như mong muốn và buộc nhiều nhân viên khác phải can dự vào mâu thuẫn đó. Anh ta không chịu lắng nghe chị. Anh ta đã từng tìm đến chuyên viên tư vấn về vấn đề tương tự và anh khăng khăng cho rằng phương pháp này rất hiệu quả. Anh ta tỏ ra rất chắc chắn về sự thành công của phương pháp này.

Giống như nhiều chuyên gia tư vấn khác, Betty phải cân nhắc kĩ lưỡng giữa mong muốn của khách hàng và quan điểm của chị. Liệu chị có từ bỏ cơ hội kinh doanh để chứng minh quan điểm của mình hay chị sẽ giúp khách hàng này bằng cách vận dụng phương pháp của anh ta? Cuối cùng, chị chọn cách thứ hai và dành hai ngày ở văn phòng làm việc của anh ta tư vấn cho mười hai nhân viên cấp dưới. Chị nghĩ có lẽ anh ta đã đúng – anh ta đã đưa ra một khá thuyết phục và Betty cũng muốn thử xem sao.

Tuy nhiên, phương pháp tư vấn xây dựng nhóm mang lại một thất bại thảm hại. Chị dành phần lớn thời gian để dàn xếp mâu thuẫn giữa hai nhân viên mà anh ta đã nhắc đến từ đầu trong lần gặp trước với chị. Ban đầu Betty coi việc thảo luận giữa hai nhân viên này là cơ hội cho các nhân viên khác học tập (ví dụ như kĩ năng lắng nghe và thương thuyết) nhưng cuối cùng tất cả thành viên trong nhóm đều mệt mỏi vì sự căng thẳng trong căn phòng và họ bắt đầu bỏ đi. Mối bất hòa đó không bao giờ được hòa giải và các thành viên khác trong nhóm cảm thấy họ đã lãng phí thời gian khi phải tham gia buổi hòa giải đó.

Phải khó khăn lắm Betty mới rút ra được bài học kinh nghiệm: nữ giới thường đánh giá thấp kiến thức của mình và họ thường tin vào quan điểm của một người lạ hơn là chính sự khôn ngoan của mình. Từ bác sĩ đến nhân viên bán ô tô, tất cả chúng ta đều nghĩ người khác hiểu biết nhiều hơn mình. Trước sự quả quyết của khách hàng, Betty cho rằng anh ta biết nhiều hơn mình nhưng kết quả đạt được lại không như mong muốn. Uy tín của chị giảm sút nặng nề và người khách hàng đó đổ lỗi cho chị là không có chuyên môn thay vì thừa nhận quan điểm và cách giải quyết ban đầu của chị mới là đúng đắn. Xét về lâu dài, lẽ ra chị nên từ chối trường hợp này. Khác với nam giới, chúng ta thường có xu hướng thừa nhận mỗi khi chúng ta không biết điều gì đó nhưng ngay cả khi chúng ta biết rõ, chúng ta cũng không tin tưởng ở chính mình. Nam giới có thể nói với chúng ta điều gì đó hoàn toàn sai với sự tự tin mà phụ nữ không bao giờ có được. Và điều tệ hơn là chúng ta lại đi tin vào điều họ nói.

Gợi ý

  1. Trước khi cho rằng ai đó giỏi hơn bạn, bạn nên đặt ra một số câu hỏi thăm dò để biết chuyên môn của họ. Ví dụ, “Tại sao anh đưa ra đề xuất đó?” hoặc “Làm sao anh biết được?” sẽ cho thấy bạn không phải là người dễ bị thuyết phục.

  2. Nếu bạn cảm thấy điều gì đó bất ổn, có thể nó không như bạn nghĩ đâu. Bạn nên dành thời gian suy nghĩ vấn đề cho thấu đáo hoặc cân nhắc thêm về gợi ý do người khác đưa ra.

Sai lầm thứ 89 Ghi chép, pha cà phê và đi phô tô

Hàng giờ, hàng phút mỗi ngày, trên thế giới luôn có một người phụ nữ đang vò đầu bứt tóc vì phải đối mặt với sai lầm này. Rất nhiều lần tôi nghe thấy nam giới nói, “Hãy để … (điền tên một người phụ nữ vào ô trống) ghi chép lại thông tin. Chị ấy viết rất gọn gàng sạch sẽ.” Hoặc, “Linda, em pha giúp anh tách cà phê nhé?” - như thể đó thực sự là một câu hỏi.

Trong các buổi thảo luận, nhiều phụ nữ thường hỏi Tôi nên làm gì nếu người khác đề nghị tôi pha cà phê hoặc ghi chép trong các cuộc họp? Câu trả lời đơn giản là Bạn đừng làm những việc đó. Mỗi lần đồng ý làm một trong những việc này, phụ nữ thêm một lần tin rằng vai trò của là chăm sóc và phục vụ đồng nghiệp. Khi đó, họ không thể tránh khỏi cảm giác khó chịu hoặc tức giận với chính bản thân mình. Tuy nhiên, tỏ ra khó chịu hay tức giận lại không thể giải quyết vấn đề. Vậy bạn phải ứng xử thế nào trước lời những đề nghị không thích đáng như thế? Rất hi vọng bạn sẽ làm theo lời khuyên dưới đây của tôi.

Gợi ý

  1. Hãy nói với Giám đốc cảm giác của bạn khi phải làm những việc đó và gợi ý nên yêu cầu nhân viên luân phiên pha cà phê hoặc ghi chép. Nếu Giám đốc cho rằng đó chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, hãy trả lời đơn giản, “Đó là một vấn đề lớn đối với tôi.”

  2. Nếu bạn được đề nghị pha cà phê hoặc phô tô khi đứng trước một nhóm đồng nghiệp, bạn nên tập cách nói trung lập, “Chắc là tôi sẽ nhường người khác thôi vì lần trước tôi đã làm rồi mà.”

  3. Đề nghị thành viên mới nhất trong nhóm làm những việc đó.

Sai lầm thứ 90 Chấp nhận hành vi không thích đáng của người khác

Debra được giao làm dự án phát triển trong phòng tài chính tại trụ sở công ty vào tháng Mười hai. Chị được chỉ định làm việc trong văn phòng mới trên tầng dành cho ban lãnh đạo nhưng khi chị đến nhận phòng làm việc mới, trong phòng không có máy tính để bàn. Cũng đơn giản thôi, chị nghĩ. Mình chỉ cần gọi cho phòng IT và yêu cầu họ mang máy lên. Khi gọi điện, chị được thông báo là trong kho không còn máy trống nhưng một tuần sau sẽ có máy dành cho chị. Hai tuần trôi qua và phòng chị vẫn không có máy tính. Chị gọi cho phòng IT một lần nữa và Giám đốc phòng IT xin lỗi chị. Vợ anh ta mới sinh con và anh ta quên khuấy mất yêu cầu của chị. Chiếc máy tính dành cho chị đã được chuyển cho người khác (một nam đồng nghiệp của chị).

Tôi gặp Debra tại văn phòng chị vào một ngày giữa tháng Hai - vậy mà phòng chị vẫn không có máy tính! Chị cho tôi xem một lá thư ngắn chị viết cho Giám đốc phòng IT:

Tôi biết anh rất bận và phòng anh không có đủ nhân lực. Tuy nhiên, tôi nghĩ hai tháng rưỡi là khoảng thời gian quá dài để đợi một chiếc máy tính cần thiết cho công việc của tôi. Tôi sẽ đánh giá rất cao nếu anh có thể lắp đặt cho tôi máy vi tính càng sớm càng tốt.

Bạn sẽ hỏi tôi bức thư đó thì có vấn đề gì?

quá thấu hiểu, quá kiềm chế và không hề cụ thể. Dưới đây là bức thư tôi sửa lại:

Đã hai tháng rưỡi kể từ lần đầu tiên tôi đề nghị anh lắp đặt máy vi tính nhưng tôi hề thấy anh có ý hợp tác mặc dù anh đã hứa rất nhiều lần. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của tôi, vì vậy tôi hi vọng một chiếc máy tính sẽ được chuyển đến phòng tôi trước thứ Sáu. Nếu không, tôi cho rằng vấn đề này nằm ngoài khả năng của anh và tôi sẽ cần đến sự giúp đỡ từ Giám đốc của chúng ta. Rất vui nếu anh gọi lại cho tôi vào hôm nay để thảo luận thêm về vấn đề này.

Bức thư này miêu tả (Describes) vấn đề. Giải thích (Explain) vấn đề đó là gì. Chỉ rõ (Specifies) kết quả được chờ đợi. Cho thấy hậu quả (Consequences). Bức thư bao gồm tất cả bốn yếu tố cần thiết trong gợi ý dưới sai lầm thứ 68.

Gợi ý

1. Tham gia một khóa học tự vệ. Cách tự vệ thể chất có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ về cách tự vệ bằng lời nói.

2. Sử dụng các thông điệp Tôi để đối lập với thông điệp Bạn. Thông điệp Bạn mang tính chất đối đầu hơn là hướng vào cách giải quyết vấn đề. Hãy cảm nhận sự khác biệt. Bạn nên chuyển câu:

Lúc nào anh cũng cắt ngang lời tôi!

Thành câu:

Tôi sẽ rất cảm kích nếu anh để tôi nói hết câu.

Hoặc chuyển câu:

Anh không thể làm điều đó với tôi!Thành câu:

Tôi không hài lòng khi được đối xử như vậy. Tôi rất hân hạnh được nêu ra một số cách ứng xử phù hợp hơn.

3. Không nên kìm nén cảm xúc - những cảm xúc này rồi sẽ xuất hiện trở lại. Bạn nên có thói quen tự hỏi bạn cảm thấy như thế nào khi người khác đối xử với bạn với ít tôn trọng hơn và trả lời theo hình thức Tôi:

“Tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ khi phải nói như vậy”.

“Tôi cảm thấy không được tôn trọng khi người khác không chú ý đến quan điểm của tôi.”

“Tôi cảm thấy mình bị lợi dụng”.

“Tôi cảm thấy tôi có quyền biết tại sao họ từ chối lời đề nghị của tôi”.

Sai lầm thứ 91 Quá kiên nhẫn

Có thể nhiều người đã đúng khi cho rằng điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người biết chờ đợi, tuy nhiên, nữ giới thường hiểu vấn đề này theo một cách cực đoan. Nếu tính từ không kiên nhẫn được dùng để chỉ một người đàn ông, điều đó ám chỉ anh ta là người luôn sẵn sàng tiến lên phía trước hoặc hướng tới điều gì đó to lớn hơn, quan trọng hơn. Nhưng nếu tính từ đó gắn liền với một người phụ nữ, điều đó có nghĩa là chị kì vọng quá nhiều hoặc không hiểu rõ sự việc. Kiên nhẫn không phải là ưu điểm của nữ giới.

Kyoko là một ví dụ. Cấp trên đề nghị chị kiên nhẫn chờ đợi và chị sẽ được thăng cấp như đã hứa. Vì vậy chị chờ đợi và chờ đợi. Và chị tiếp tục chờ đợi thêm một thời gian nữa. Sau sáu tháng chờ đợi, Giám đốc chị được chuyển sang một phòng ban khác. Khi chị hỏi ông ta về cơ hội thăng tiến của chị, ông ta nói rằng người kế nhiệm sẽ giải quyết vấn đề đó. Tất nhiên là bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi đấy. Giám đốc mới tiếp nhận công việc và ông ta không biết gì về cơ hội thăng tiến của nhân viên Kyoko - và ông cũng không quan tâm đến điều đó. Thăng chức cho nhân viên cũng không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của một Giám đốc mới nhận chức.

Gợi ý

  1. Nếu ai đó nhận xét bạn là người không kiên nhẫn, bạn không nên tin điều đó. Đó là cách họ buộc bạn không thúc giục họ nữa.

  2. Nếu người khác nhận xét bạn cần phải kiên nhẫn hơn nữa, bạn nên đề nghị họ nói xem khi nào là thời điểm thích hợp nhất để cả hai cùng thảo luận lại về vấn đề. Nếu họ gợi ý một thời điểm quá xa trong tương lai, bạn nên ấn định một khoảng thời gian phù hợp với bạn. “Như vậy thì quá lâu so với dự tính của tôi và so với lần đầu tiên chúng ta thảo luận về vấn đề này. Tôi cho rằng hai tuần sẽ tốt hơn là một tháng đấy!”

  3. Nếu được yêu cầu chờ đợi lâu hơn khoảng thời gian bạn nghĩ là cần thiết, bạn nên hỏi, “Tại sao lại lâu như vậy?” Có lẽ họ có một lí do thích đáng nào đó; nhưng nếu không phải như vậy, bạn có thể đưa ra thêm nhiều lựa chọn khác.

Sai lầm thứ 92 Nhận những dự án cần được hoàn thành gấp

Trong sự nghiệp của mỗi người, dù là nam giới hay nữ giới, chắc chắn có lúc bạn sẽ được giao một công việc phải HOÀN THÀNH GẤP. Câu hỏi đặt ra là bạn có nên nhận công việc này không? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bạn không nên vội vã nhận lời một dự án chỉ vì bạn nghĩ rằng bạn có nhiệm vụ phải hoàn thành hoặc bạn sợ cấp trên nghĩ bạn là người không có trách nhiệm.

Gợi ý

1. Không bao giờ chấp nhận bất kì một công việc nào trước khi kiểm tra kĩ lưỡng thông tin. Bạn cần biết công ty có kế hoạch gì cho bộ phận hay phòng ban đó, các nhân viên trong công ty nghĩ gì về công việc đó, tại sao vị trí đó bị bỏ trống và công việc đó có giúp bạn thăng tiến hay không.

2. Cân nhắc kĩ lưỡng năm yếu tố dưới đây trước khi quyết định nhận lời hoặc từ chối một công việc cần được hoàn thành gấp:

a. Được tiếp cận với ban Giám đốc.

b. Cơ hội thăng tiến sau 12 đến 18 tháng.

c. Bạn có kĩ năng đặc biệt để biến công việc mạo hiểm trở nên tốt đẹp.

d. Công việc cho phép bạn mở rộng các mối quan hệ.

e. Bạn không có gì để mất.

Sai lầm thứ 93 Luôn đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu cá nhân

Là phụ nữ, chúng ta thường đặt nhu cầu của người khác trên nhu cầu cá nhân. Tất nhiên có những lúc bạn buộc phải đặt nhu cầu cá nhân sau nhu cầu của người thân nếu bạn không thể làm khác được và đó là lựa chọn duy nhất của bạn. Nhưng, nếu bạn thừa nhận quan điểm đó thay vì cho rằng có một vài trường hợp ngoại lệ thì đã đến lúc bạn phải nhìn nhận lại vấn đề.

Gợi ý

  1. Hãy hỏi chính mình xem bạn cần gì và muốn gì. Phụ nữ thường quen với việc phủ nhận nhu cầu của bản thân đến nỗi họ không biết nhu cầu đó là gì.

  2. Ngoài công việc và gia đình, nên dành 20 phút để làm việc gì đó cho bản thân. Bạn có thể ghé vào thư viện đọc báo, vào công viên nghe nhạc hoặc dùng điện thoại di động gọi điện hỏi thăm bạn bè.

  3. Học cách thương lượng. Dù bạn đọc qua sách hay tham gia một khoá học, điều quan trọng là bạn phải biết kĩ năng thương lượng.

  4. Tự nói với chính mình cho đến khi bạn tin rằng bạn không hề ích kỉ khi đáp ứng nhu cầu của bản thân.

  5. Ngoài công việc, bạn cần phải có một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Sai lầm thứ 94 Phủ nhận quyền lực cá nhân

Khi thành lập công ty riêng về liệu pháp tâm lí, tôi cố tình đặt trụ sở lại Los Angeles. Tôi muốn phục vụ cho cộng đồng các nữ doanh nhân - những người dành phần lớn thời gian và khả năng để cống hiến cho các công ty nằm trong thành phố. Họ có học thức và thành đạt. Vì vậy họ cũng có một điểm chung: họ không nhận thấy hoặc thừa nhận quyền lực của riêng mình.

Khi nghe khách hàng tâm sự về việc họ bị lợi dụng, bị lờ đi hoặc bị lạm dụng tại công sở, tôi thường trả lời, “Tại sao một người phụ nữ uy quyền như chị lại để người khác đối xử như vậy?” Và tôi nhận được câu trả lời phủ định rõ rệt. “Uy quyền? Tôi đâu có uy quyền gì?”

Khi xem xét vấn đề kĩ lưỡng hơn, tôi dễ dàng nhận thấy phụ nữ không thừa nhận sức mạnh, uy quyền của mình vì những thông điệp họ nhận được trong quá trình trưởng thành đã cản trở họ. Sức mạnh và uy quyền thường gắn liền với nam giới và vì vậy, đó là một từ có chiều hướng nam tính. Họ cho rằng sức mạnh chỉ liên quan đến những người có quyền kiểm soát – và họ biết họ không phải là người như vậy. Hãy thử nhìn vào hầu hết các công ty lớn, quan điểm này sẽ được chứng minh. Vào thời điểm tôi viết cuốn sách này, trong số hàng ngàn công ty lớn trên cả nước, chỉ có 11 phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo.

Gợi ý

Nếu ai đó nhận xét bạn là người có quyền lực hay mạnh mẽ, bạn nên khéo léo thừa nhận lời khen - ngay cả khi bạn không cảm thấy như vậy vào thời điểm đó. Dần dần niềm tin đó sẽ trở thành một phần trong thông điệp của riêng bạn.

Sai lầm thứ 95 Chịu trách nhiệm trước sai lầm của người khác

Eva là đại diện nhân sự của một nhà sản xuất đồ chơi trẻ em nổi tiếng. Chị tư vấn cho một nhân viên phải vất vả đấu tranh trong mối quan hệ với Phó Giám đốc bộ phận rất khó tính. Một hôm, Eva nhận được điện thoại của Phó Giám đốc phòng nhân sự và chị được thông báo rằng Phó Giám đốc bộ phận của nữ nhân viên trên muốn sa thải chị ta. Eva gợi ý chị sẽ gọi cho Phó Giám đốc bộ phận và sắp xếp một cuộc hẹn với ông ta và nữ nhân viên kia để có một cuộc đối thoại thẳng thắn. Để bảo vệ quyền lực của mình, Phó Giám đốc nhân sự không đồng ý; ông quyết định ông sẽ sắp xếp cuộc gặp đó. Eva đồng ý để Phó Giám đốc tự sắp xếp lịch vì chị hiểu được yếu tố chính trị có liên quan trong cuộc gặp này.

Eva quyết định gọi điện hỏi Phó Giám đốc nhân sự và để lại lời nhắn để biết ông ta đã sắp xếp cuộc gặp gỡ đó chưa vì chị chưa nghe được thông tin gì về cuộc gặp. Không nhận được phản hồi của Phó Giám đốc, chị quyết định gửi thư điện tử. Vẫn không có thư trả lời. Dựa trên phản hồi của đồng nghiệp, dường như mọi việc đang tiến triển tốt đẹp và chị nghĩ rằng cuộc gặp đó không cần thiết nữa. Sau đó chị nhận được điện thoại từ Phó Giám đốc bộ phận của nữ nhân viên nói trên. Ông muốn gặp chị ngay lập tức. Khi Eva xuất hiện trong buổi họp, Phó Giám đốc nhân sự cũng có mặt và Phó Giám đốc bộ phận tỏ ra hết sức tức giận vì Eva không lên lịch hẹn đến nói chuyện với ông ta. Phó Giám đốc nhân sự - người khăng khăng cho rằng tự ông ta sẽ lên lịch cho cuộc đối thoại - chỉ ngồi im lặng. Eva không biết nói gì để làm dịu bớt cơn tức giận của Phó Giám đốc bộ phận khi ông ta dành tới 45 phút tiếp theo để mắng mỏ chị vì chị không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chúng ta có thể đặt ra hai tình huống. Nếu Eva nói với ông ta rằng Phó Giám đốc nhân sự đã quyết định sẽ tự lên kế hoạch cho cuộc gặp đó, rất có thể chị sẽ không nhận được sự đồng tình của Phó Giám đốc. Nhưng nếu chị không nói ra sự thật, chị chỉ là bia đỡ đạn cho Phó Giám đốc. Chị quyết định trở thành người đứng ra chịu trách nhiệm hơn là chấp nhận mạo hiểm để cả hai Phó Giám đốc cùng trút cơn tức giận lên chị.

Gợi ý

Bạn cũng có thể nói những câu tương tự dưới đây để không trở thành người “đứng ra chịu trách nhiệm nữa”:

“Tôi không nhất thiết phải nói rõ ai là người có lỗi nhưng tôi muốn ông biết rằng tôi đã làm theo đúng chỉ dẫn. Tại sao chúng ta không tập trung vào việc cải thiện tình hình trong thời gian tới?”

“Tôi rất vui lòng làm lại báo cáo nếu ông muốn nhưng tôi cũng muốn nói rõ rằng báo cáo này được thực hiện theo đúng chính sách liên quan đến thông tin cơ mật.”

“Trong thời gian tới tôi sẽ rất vui nếu hai chúng ta cùng gặp gỡ để đánh giá lại tình hình. Hình như mỗi phòng ban đều có ý tưởng khác nhau về hình ảnh cuối cùng của sản phẩm.”

Sai lầm thứ 96 Chấp nhận sự việc đã rồi

Ban Giám đốc công ty quyết định sắp xếp lại không gian làm việc. Công ty có hai phòng có cửa sổ và ba phòng nhỏ cho nhân viên có cùng vị trí trong một phòng ban. Khi kế hoạch sắp xếp được công bố, bạn nhận ra bạn được chỉ định vào một văn phòng nhỏ hơn trong khi nam đồng nghiệp đồng cấp và có ít thâm niên trong công ty hơn bạn lại được phân vào phòng lớn hơn và có cửa sổ. Khi phàn nàn với phòng kế hoạch về việc này, bạn nhận được câu trả lời, “Quá muộn rồi chị ạ. Chúng tôi đã chuyển bản vẽ đến phòng dịch vụ rồi và tuần sau họ bắt đầu lắp đặt điện thoại và máy tính.”

Chấp thuận câu trả lời này đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận sự việc đã rồi - một thuật ngữ bắt nguồn từ Pháp có nghĩa là “một quyết định đã được đưa ra trước đó và không thể thay đổi được.” Rất nhiều người vận dụng cách nói này mỗi khi họ không muốn thay đổi kế hoạch. Họ tin chắc chắn phụ nữ sẽ không tranh luận thêm khi nhận được câu trả lời đó và buộc phải chấp nhận kết quả. Công ty bảo hiểm thường gửi hóa đơn trước khi thông báo với bạn bởi họ tin rằng bạn sẽ nộp tiền thay vì phải tranh cãi về số tiền đó.

Phụ nữ thường dễ “mắc bẫy” và “cắn mồi” hơn đàn ông. Họ thường chấp nhận một mức lương thấp hơn kì vọng hoặc đồng ý xin nghỉ vào một ngày khác khi cấp trên tỏ ý kiến không bằng lòng. Chúng ta thường cố gắng tìm cách hợp lí hóa một quyết định nào đó và tin rằng chúng ta chỉ xứng đáng được như vậy. Nhưng bạn nên vận dụng gợi ý dưới đây để cải thiện kĩ năng thương thuyết.

Gợi ý

  1. Nếu điều đó quan trọng với bạn, bạn không nên chấp nhận phần thưởng ít hơn phần thưởng bạn xứng đáng nhận được mà không hề phản kháng.

  2. Luôn đính kèm lời than phiền với một giải pháp nhất định. Trong trường hợp giống như câu chuyện trên, bạn nên nói, “Tôi không cho rằng như vậy là quá muộn. Người ta vẫn chưa lắp đặt điện thoại vào các phòng. Tôi nghĩ rằng việc chỉ định phòng làm việc cho nhân viên cần phải dựa trên thâm niên nghề nghiệp và nhiều yếu tố khách quan khác.”

Sai lầm thứ 97 Để sai lầm của người khác ảnh hưởng đến bạn

Câu chuyện dưới đây là biến thể của câu chuyện liên quan đến việc người phụ nữ phải “đứng ra chịu trách nhiệm cho sai lầm của người khác” và làm lãng phí thời gian của bản thân. Maria là một chuyên gia tư vấn kì cựu và chị đi đến nhiều phòng ban khác nhau trong các công ty để cho họ lời khuyên về quá trình thụ lý hồ sơ. Trước khi được cử đi tư vấn cho một phòng ban mới, Giám đốc thông báo cho chị biết rằng phòng đó chỉ cần một bản phác thảo cho chương trình đào tạo. Chị đề ra bản phác thảo và đến gặp trưởng phòng và ông ta thể hiện rõ sự thất vọng trước sự ngắn gọn của chương trình đào tạo. Maria nhã nhặn nói rằng chị chỉ nhận được thông báo đề ra một bản phác thảo và chị sẽ kiểm tra lại thông tin với Giám đốc.

Khi chị gọi cho Giám đốc, ông ta yêu cầu chị cứ tiếp tục công việc và cung cấp cho khách hàng theo đúng yêu cầu của họ. Chị không biết nói gì hơn cả. Là một chuyên gia đào tạo, Maria phải lên kế hoạch làm việc dựa trên yêu cầu của rất nhiều khách hàng khác và không có thời gian để chuẩn bị kế hoạch lần hai cho dự án này. Khi Giám đốc nhắc lại sự cần thiết phải đưa cho vị trưởng phòng cái ông ta cần, chị đã phải làm việc đến tận khuya và cả ngày nghỉ cuối tuần suốt mấy tuần liền. Chị thực sự lâm vào tình trạng bất tiện vì Giám đốc đã không đặt ra câu hỏi đúng đắn cho vị trưởng phòng kia.

Maria đủ hiểu biết để nhận thấy chị phải hoàn thành công việc nhưng chị cũng muốn chắc chắn việc này sẽ không tái diễn. Mặc dù có thể trực tiếp nói chuyện với Giám đốc về vấn đề này nhưng chị vẫn cảm thấy một cuộc trò chuyện như vậy sẽ mang tính chất đối đầu. Do đó, khi được giao việc mới, chị nói, “Tôi rất muốn biết rõ mong muốn của khách hàng - tôi không muốn sự việc tháng trước tái diễn bởi lúc đó tôi xuất hiện trước mặt khách hàng trong tư thế chưa có sự chuẩn bị đầy đủ.” Sau đó chị nói rõ chị đã hiểu yêu cầu và nói thêm, “Nếu khi tôi đến gặp khách hàng và vấn đề trở nên phức tạp và cần nhiều thời gian hơn là tôi được giao, tôi hi vọng Giám đốc sẽ giúp tôi thông báo cho khách hàng biết rằng chúng ta sẽ phải làm đề án mới cho dự án của họ.” Quá hoàn hảo! Chị khéo léo để Giám đốc biết chị không thích sự việc tháng trước tái diễn và chị không muốn chịu trách nhiệm trước sai lầm của ông ta. Mặc dù không kiểm soát được những việc ông Giám đốc sẽ làm trong tương lai nhưng chị đã nỗ lực ngăn chặn sự việc không tái diễn nữa.

Gợi ý

  1. Đánh giá rủi ro so của việc đáp ứng kì vọng không hợp lí xuất phát từ lỗi lầm của người khác. Tương tự như trường hợp của Maria, sẽ có lúc bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dành thời gian cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhưng cũng sẽ có lúc bạn có quyền phản ứng lại bằng cách nói những câu như: “Đó không phải là điều mà chúng ta đã thảo luận và đi đến nhất trí. Tôi không thể hoàn thành kế hoạch trong khoảng thời gian đã được giao vì tôi phải suy nghĩ lại và dành nhiều thời gian hơn để hoàn thành dự án.”

  2. Trước khi sắp xếp lại thói quen sửa chữa sai lầm của người khác, bạn nên thử thương lượng để tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi. Bạn nên để họ biết rằng bạn muốn mang đến dịch vụ tốt nhất có thể cho khách hàng và để được như vậy, bạn cần nhiều thời gian hơn hoặc nhiều người hỗ trợ hơn. Bạn nên đề nghị có thêm nhân lực và các yếu tố cần thiết để hoàn thành công việc sao cho tốt nhất.

Sai lầm thứ 98 Là người cuối cùng phát biểu

Đây là một sai lầm rất lớn của giới nữ. Hơn 20 năm qua tôi đã tổ chức nhiều buổi hội thảo và chương trình xây dựng kĩ năng làm việc nhóm dành cho nữ giới và nam giới, và trong mỗi buổi hội thảo tôi đều dành một bài tập riêng để người tham dự có cơ hội thực hành. Trong bài tập này, tôi thường đưa ra một vấn đề và nhiều hướng dẫn không rõ ràng để giải quyết vấn đề và sau đó tôi quan sát xem phản ứng của họ ra sao. Mặc dù mỗi buổi hội thảo có tới hàng trăm người tham dự nhưng tôi chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay số lượng nữ giới là người đầu tiên phát biểu nếu buổi hội thảo có sự góp mặt của cả nam giới.

Xu hướng rút lui khi có sự có mặt của nam giới là một sai lầm rất lớn. Cho dù bạn tham gia một cuộc họp gồm vài người hay nhiều người, những người đầu tiên phát biểu được coi là người đáng tin cậy, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm và có tố chất lãnh đạo hơn những người nói sau. Bạn không nên nhầm lẫn việc nói lên tiếng nói cá nhân trong những cuộc họp với việc cố tình tỏ ra mình là người thích huênh hoang. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn sửa chữa sai lầm này. Thời gian bạn chờ đợi để nói càng lâu thì cơ hội cho người khác nói lên suy nghĩ của bạn càng cao - và tất nhiên họ sẽ nhận được phần thưởng vì sự nhanh chân hơn đó.

Gợi ý

  1. Khi tham gia họp nhóm, hãy trở thành một trong hai hay ba người đầu tiên phát biểu và phát biểu trong khoảng 10 đến 15 phút.

  2. Nếu bạn không là một trong những người đầu tiên phát biểu thì cũng đừng để mình là người cuối cùng.

  3. Không nhất thiết phải đưa ra quan điểm mỗi khi phát biểu trước đám đông. Bạn có thể ủng hộ quan điểm trước đó của đồng nghiệp, đặt ra một câu hỏi thích hợp hay đưa ra nhận xét để đồng nghiệp nhận ra sự góp mặt của bạn trong cuộc họp.

Sai lầm thứ 99 Bày tỏ bức xúc về sự bình đẳng giới

Tôi cũng là một chuyên gia về bình đẳng giới. Với chức vụ này, trách nhiệm của tôi là kiểm tra và phản hồi trước những tuyên bố về sự phân biệt giới đến việc vi phạm Đạo luật chống phân biệt giới2. Nguyên nhân chính của 90% các trường hợp không phải là sự phân biệt đối xử mà là yếu kém trong quản lí. Trong khi đó, yếu kém trong quản lí lại không phải là hành vi bất hợp pháp!

Tôi luôn cho rằng sự phân biệt giới là một thực tế mà tất cả phụ nữ đều ít nhất một lần từng đối mặt nơi công sở. Trừ một số trường hợp hiếm hoi ở một số công ty mà sự phân biệt giới quá rõ ràng đến nỗi không thể ngăn chặn được, các công ty đều rất nỗ lực bảo vệ tiếng tăm, cơ chế quản lí và đội ngũ nhân viên của mình. Tôi vẫn nhớ lần kiểm tra một công ty tại Texas và một người phụ nữ đã nói với tôi rằng chị bị Giám đốc phân biệt đối xử đơn giản chỉ vì chị là một phụ nữ. Chị khẳng định chị bị coi thường bằng lời nói, bị hạ thấp phẩm giá và Giám đốc luôn khiến chị bối rối trước đồng nghiệp. Sau khi phỏng vấn gần 20 nhân viên làm việc trong công ty, tôi nhận thấy ông Giám đốc đối xử như vậy với tất cả các nhân viên khác chứ không chỉ riêng chị.

Trong một trường hợp khác, một người phụ nữ cho biết mỗi khi ban Giám đốc giao nhiệm vụ cho nhân viên, họ có cách đối xử rất khác nhau giữa chị và nam đồng nghiệp. Mặc dù điều tra của tôi cho thấy chị đã nói đúng - chị bị đối xử khác biệt không vì một lí do nào ngoại trừ lí do chị là phụ nữ - nhưng công ty vẫn quyết định bảo vệ quyết định của chuyên viên quản lí. Chị đã gửi yêu cầu đến Uỷ ban về Cơ hội nghề nghiệp bình đẳng nhưng trước khi cuộc điều tra được tiến hành, công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động với chị. Uỷ ban này phải mất tới gần một năm mới có thể điều tra rõ ràng và tán thành với quan điểm của chị và yêu cầu công ty phải phục hồi chức vụ cho chị với đầy đủ lương bổng và quyền lợi kể từ ngày chị bị buộc chấm dứt hợp đồng. Chị quay trở lại làm việc nhưng môi trường làm việc trở nên khó chịu đến nỗi chị phải tự nguyện rời đi. Chị đã chiến thắng trong một trận đánh nhưng chị lại thất bại trong cả cuộc chiến.

Gợi ý

  1. Không nên tự mình cố gắng thay đổi cả một hệ thống vì kết cục bạn nhận được sẽ rất bi thảm. Nếu tất cả đồng nghiệp nữ khác có cùng suy nghĩ với bạn, bạn nên thiết lập một nhóm cùng bàn bạc về vấn đề, khách quan nhìn nhận vấn đề và tìm ra giải pháp tối ưu.

  2. Suy nghĩ thấu đáo trước khi nói về sự phân biệt giới trong công ty với đồng nghiệp. Công ty không dễ dàng bỏ qua sự việc này. Tất cả ý kiến liên quan đến sự phân biệt giới tại công sở đều được điều tra ngay lập tức. Một khi bạn đã đá bóng đi, bạn sẽ khó lòng ngăn bóng lại.

  3. Nếu sự phân biệt đối xử về giới là một trở ngại cho sự nghiệp của bạn, bạn chỉ có ba lựa chọn: chịu đựng (Tôi không gợi ý bạn nên làm như vậy - việc này sẽ giảm dần lòng tự trọng của bạn), yêu cầu một cơ quan chính thức đứng ra giải quyết (có thể hoặc không thể mang lại kết quả như mong muốn), hoặc rời bỏ công ty (lựa chọn duy nhất mà bạn thực sự kiểm soát được).

Sai lầm thứ 100 Chịu đựng hành vi quấy rối tình dục

Phụ nữ không được nhẫn nhịn trước hành vi quấy rối tình dục - hiện tượng này hoàn toàn khác sự phân biệt giới. Sự phân biệt giới ám chỉ quyết định được đưa ra dựa trên giới tính của nhân viên, còn quấy rối tình dục ám chỉ quyết định được đưa ra dựa trên sự sẵn lòng hoặc không thiện chí của phụ nữ trước yêu cầu khiếm nhã của cấp trên. Tuy nhiên, rất nhiều ông chủ thông minh đều biết rằng nữ nhân viên cấp dưới hiếm khi dám tiết lộ việc họ bị quấy rối tình dục vì đối với phụ nữ, việc nói rằng họ bị quấy rối tình dục cũng giống như một điều sỉ nhục.

Trước vấn đề bức xúc này, nhiều luật sư khuyên nữ giới nên vận dụng quy tắc “một miếng cắn trên quả táo.” Khi một nam đồng nghiệp đề nghị hẹn hò với bạn, nếu bạn từ chối, anh ta đã cắn một miếng lên quả táo và nếu thêm một lời đề nghị khiếm nhã sẽ được coi là hành vi quấy rối tình dục. Xã hội chấp nhận tình huống đồng nghiệp hẹn hò với nhau, vì vậy miếng cắn đầu tiên trên quả táo có thể biện hộ được. Tuy nhiên, vấn đề sẽ hoàn toàn khác nếu đồng nghiệp là cấp trên. Bạn phải thận trọng trước quan điểm về việc hẹn hò tại công sở, vì vậy bạn cần nói rõ nguyện vọng với cấp trên nếu bạn không có tình cảm với họ.

Gợi ý

  1. Trong trường hợp đồng nghiệp tìm kiếm sự chấp thuận của bạn trước hành vi quấy rối tình dục của anh ta, việc đầu tiên bạn cần làm và cũng là phương pháp tốt nhất là bạn nên nói thẳng với anh ta rằng bạn không mong muốn hoặc chào đón hành vi khiếm nhã đó. Nếu môi trường làm việc mang tính chất quấy rối (nơi làm việc mang tính hăm dọa hoặc khó chịu) bạn nên cho tất cả đồng nghiệp thấy rằng bạn muốn họ phải chấm dứt tất cả những lời bóng gió ám chỉ hoặc những câu chuyện cười tục tĩu. Sau khi bạn nói “Không” hoặc “Dừng lại”, chúng sẽ chuyển từ hành vi được xã hội chấp thuận thành hành vi quấy rối tình dục.

  2. Nếu đồng nghiệp không chấm dứt hành vi quấy rối tình dục ngay tức khắc, bạn nên đề nghị phòng nhân sự giúp đỡ. Nếu bạn chỉ muốn đồng nghiệp chấm dứt hành động khiếm nhã và kết thúc mọi việc ở đây, chắc chắn phòng nhân sự sẽ nói chuyện với họ và mọi việc sẽ chấm dứt ở đó. Điều quan trọng là bạn không chịu đựng hành vi của họ - nếu bạn cho phép họ tiếp tục làm như vậy, họ sẽ cho rằng có lúc bạn đã từng thích được quấy rối nhưng sau đó bạn lại thay đổi thái độ.

  3. Nếu sau khi nói chuyện với phòng nhân sự, những hành vi khiếm nhã vẫn tiếp diễn hoặc đồng nghiệp có sự trả thù dưới bất kì hình thức nào, bạn nên nghĩ đến việc gửi yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét hành vi quấy rối tình dục của họ. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành một cuộc điều tra. Kết quả điều tra có thể bao gồm việc cảnh cáo hoặc thuyên chuyển nơi làm việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với kẻ quấy rối tình dục.

Sai lầm thứ 101 Khóc lóc

Chắc hẳn bạn cũng biết trước sau gì tôi cũng đề cập đến sai lầm này. Tôi xin trích dẫn một câu trong bộ phim A league of Their Own (Gải đấu của riêng họ) của tác giả Tom Hanks, “Không ai được khóc khi chơi bóng chày hoặc khi đi làm tại công sở.” Bạn không cần có bằng Tiến sĩ mới biết được có bao nhiêu phụ nữ khóc khi họ hạnh phúc, khi họ buồn, tức giận, nản chí, khi thời tiết ấm áp hay âm u. Họ biết rõ họ không nên khóc khi làm việc nhưng có những lúc họ không thể cầm được nước mắt. Chúng ta cũng không cần lấy ví dụ nữa vì chắc chắn bạn đã từng chứng kiến một người phụ nữ hoặc chính bạn khóc tại công sở. Chúng ta hãy thẳng thắn tìm hiểu phương pháp cần thiết để bạn có thể tối thiểu hóa việc khóc tại công ty hoặc hồi phục “vẻ chuyên nghiệp” sau khi khóc.

Gợi ý

  1. Không nên khóc vì tức giận. Phụ nữ thường khóc vì từ nhỏ họ đã được học rằng tức giận là hành vi không nữ tính hoặc không được chấp thuận. Vì vậy, mỗi khi bạn cảm thấy nước mắt đang muốn trào ra, bạn nên tự hỏi, Điều gì khiến mình tức giận như vậy?

  2. Bạn nên nhanh chóng rời khỏi phòng làm việc nếu bạn khóc. Bạn không nên ngồi trong phòng khóc bù lu bù loa lên. Điều đó chỉ khiến người khác khó chịu. Bằng việc tự giúp mình tách khỏi tình huống đó, bạn sẽ không tạo cảm giác khó chịu cho đồng nghiệp (và họ sẽ đánh giá cao hành động này), khi đó bạn cũng có thời gian để bình tĩnh lại. Bạn nên nói, “Tôi nghe thấy những điều anh nói. Hãy cho tôi một chút thời gian suy nghĩ và tôi sẽ thông báo với anh”.