Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 2]

Chương 91: Giang Nam thất hiệp

Đến gần cuối giờ hợi mà dạ hành nhân và người áo trắng hãy còn kịch chiến. Cả hai đều biết đối phương không phải hạng tầm thường nên dốc toàn sức
lực giao đấu rất quyết liệt. Có hàng trăm con chim đang đậu trên những
tàn cây bách tùng nghe chưởng pháp giao kích sợ hãi vỗ cánh bay rào rào, tiếng chim kêu ríu rít. Xa xa, tiếng vượn hú từng hồi vẳng lại như phá tan khung cảnh tịch mịch của núi rừng.

Trong một lần dạ hành nhân vung thanh đao loang loáng chém tới, người áo trắng không hề lộ vẻ lúng túng mảy may, y chống đỡ bằng cách lôi ống
sáo được chế tạo bằng vàng ra đỡ. Cả hai qua lại được hơn mấy trăm
chiêu.

Đến khi người áo trắng dụng thuật nhảy cao Phi Thiềm Tẩu Bích để tập
kích từ trên không thì dạ hành nhân tránh không kịp, bị thân sáo đánh
trúng vào đỉnh đầu nghe “soạt” một tiếng, làm tấm vải che mặt rách toan, tuy nhiên cây sáo trúng vào da đầu gã liền bật ngược trở ra ngoài.

Người áo trắng đáp xuống đất, tiếp tục vung tay lên thành thế Trảm Ma
Kiếm. Ống sáo lao vun vút, đường đi mạnh mẽ tưởng chừng như búa tạ, sức mạnh phát ra từ thân cây sáo cũng có tới ngàn cân lượng, nhằm ngay yết
hầu dạ hành nhân đánh thẳng. Nhưng lạ thay một lần nữa ống sáo lại cũng bị bật văng trở lại.

Thật ra thì, dạ hành nhân này tập luyện nội công đã đến thời kỳ siêu
việt rồi, thành thử tai mắt đều hơn người, gã thoáng thấy địch chùng gối xuống thì đã biết địch có dụng ý gì rồi nên mới kịp thời đề khí lên
não.

Cặp chân mày của người áo trắng nhíu chặt lại, trí óc không ngừng hoạt
động tìm phương pháp chế ngự đối phương. Y đương nhiên là biết địch thủ chính là Ngao tông đường, tức “sát thủ thiết đầu công” vang danh giang
hồ trong những năm cuối đời của Hoàng Thái Cực. “Thiết đầu công” là
công pháp ngạnh công thuộc kình lạc dương cương, và cũng là loại công
pháp chủ yếu luyện thủ bộ. Thông thường thì đầu trong công pháp được
xem là thủ lĩnh của các bộ vị, vì đầu là cơ quan trực tiếp điều khiển
tinh thần, kình lực, sự nhanh nhạy, tốc độ, và sự biến hóa của tứ chi.
Hơn nữa trong thực tiễn chiến đấu, đầu còn có tác dụng độc đáo khi công
địch. Tỉ dụ là khi tấn công mặt, sườn, bụng, ngực, lưng hoặc những bộ
vị yếu hại của địch, ta có thể sử dụng đòn đánh bằng đầu nhằm phát huy
uy lực đặc biệt.

Nói tiếp về trận đánh.

Dạ hành nhân nay là Ngao Bái, sở hữu một cái đầu cứng như một khối thạch nhũ, thương đao bất nhập pháp, thêm vào đó trên tay còn cầm lăm lăm đao khí vừa vung vừa chém loạn xạ. Gã cứ xuất chiêu nhanh như gió lốc, tấn công mười mấy chiêu liên tiếp.

Người áo trắng liên tục khua ống sáo chống trả. Ngặt nỗi bóng đêm mịt
mù rất khó nhìn thấy bóng dáng địch nên y không chiếm được chút thượng
phong nào. Y liên tiếp gặp nguy hiểm, bèn dùng nhãn lực La Hán Công,
một tuyệt kĩ căn bản của Thiếu Lâm tự. La Hán Công là một công pháp nội trạng chuyên luyện nhãn thần.

Để cho tâm thần bất loạn, người áo trắng tập trung cho đầu óc yên tịnh
như đang thiền, vì yếu chỉ công phu Thiếu Lâm chính là thiền - võ hợp
nhất. Y xóa bỏ mọi tạp niệm trong não giống như thế giới tự nhiên bên
ngoài thường gọi là "tu tâm dưỡng tính." Sau đó y thông qua sự quán chú của tai mà nghe tiếng gió, dùng da để cảm giác, đánh thức phát lực và
am tường sự di chuyển đòn thế của đối phương. Trong cơ thể con người có rất nhiều giác quan, mà hai trong số giác quan đó chính là xúc giác và
cảm giác, hệt như một cao thủ không có đèn trong đêm tối nhưng vẫn xác
định được đồ vật chung quanh. Cảm giác giữa địch và ta không khoảng
cách, dĩ bất biến ứng vạn biến.

Trình độ võ học của người áo trắng này thuộc loại rất cao, thủ pháp
nhuần nhuyễn vì y vốn là truyền nhân chính tông của lò võ Thiếu Lâm. Y
hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên một cách dễ dàng, cũng như Minh Tông
đại sư năm xưa đang luyện bài Mê Tông La Hán Quyền thì ngoài sân chùa
những cánh hoa mai rơi rụng trước cơn gió tàn đông. Đại sư tức khắc
nhập hồn vào cảnh sắc ấy, tuy chân vẫn bước theo bộ vị song tâm hồn hòa
cùng những cánh hoa bay. Mỗi một động tác tay như một cánh hoa rơi uyển chuyển trước gió, giúp ngài khám phá ra sự ảo diệu của các thế võ mà
hình thành nên bài Ngũ Lộ Mai Hoa Quyền nổi tiếng của môn phái.

Lại nói về địch thủ của người áo trắng đó.

Ngao Bái nhảy lên cao, xoay vòng trên không như một trái banh, cuộn tròn lao về phía trước quét thanh bảo đao theo vùng rộng để tấn công. Người áo trắng ngó thấy vậy bèn sử sáo như một thanh kiếm, tung hai chiêu
liên hoàn Cà Sa Trảm và Ngịch Cà Sa chống trả kịch liệt, đường kiếm xiên từ vai trái xuống, xong xiên từ vai phải xuống theo, chỉ mong sao cho
đối phương thu đao về là lập tức biến thành chiêu Tả Thế Kiếm với đường
kiếm ngang bụng quét từ trái qua phải. Nào ngờ đường đao của đối phương liên miên bất tận, khó giải như lọt vào một mê hồn trận, đã lọt vào
vòng chiến rồi thì đừng hòng rời khỏi. Người áo trắng âm thầm kêu khổ,

chỉ còn cách nghiến răng chống chọi đến cùng. Sau một hồi y bắt đầu lừa được thế để thi triển Hàng Long Phục Hổ. Nhưng Ngao Bái nghiêng mình
ra phía sau né rất mau, cùng lúc thanh đao trên tay gã đâm tới.

Khi sắp sửa bị thanh bảo đao của Ngao Bái đâm ngay giữa ngực, người áo
trắng bèn nhảy lùi ra hai bước, xong đưa ống sáo lên xuất Phi Long Kiếm
đón tiếp chiêu. Y giữ cho khí trầm hai chân vững, thân pháp tự nhiên,
kiếm hành như chim yến vi vu chao lượng.

Qua một khắc nữa, người áo trắng dần dần giác ngộ được yếu chỉ đao pháp
của Ngao Bái là lấy nhanh đánh chậm, lấy biến hóa vô cùng để làm địch
thủ rối loạn nên y không chịu biến chiêu để ứng đối những chiêu thần tốc của địch, do đó mà thế chủ khách đã bị đảo ngược hoàn toàn. Những
chiêu thức địch xuất ra càng nhanh thì y cố tình đón đỡ càng chậm, nên
thêm mấy hiệp là thi thế công của địch có nguy cơ hoàn toàn bị y kềm
chế.

Phần thì giao chiến một lúc khá lâu nên nguyên khí tiêu hao đi không ít, phần lại gặp phải một địch thủ quá sức lợi hại nên công pháp của Ngao
Bái càng lúc càng yếu dần, không còn được linh hoạt thần tốc như lúc ban đầu nữa. Tuy nhiên vẫn không chịu cam bại hạ phong, gã quyết tâm hạ
đối phương để giữ thanh danh cho bằng được, bèn tách thanh đao ra làm
hai lưỡi tấn công tả hữu, dùng luôn hai thế võ tối độc nhắm cổ họng và
cạnh sườn của người áo trắng chặt tới. Hai thanh sắt phát ra một luồng
gió mạnh kêu rít lên trong không khí, với sức mạnh vô cùng ghê gớm nhanh tựa lốc cuốn, những tưởng nếu quật phải đá thì đá cũng tan, còn đập vào núi, núi cũng lỡ.

Thấy địch sử dụng hai thế võ ác độc giết người đó, người áo trắng chẳng
dám coi thường. Y tức khắc điều động cho ống sáo gạt lưỡi đao sang hai
bên, làm bật văng trở ra, đồng thời cũng vận quyền vào lòng bàn tay còn
lại nhắm toàn yếu huyệt của Ngao Bái mà tấn công liên tiếp.

Mồ hôi tuôn chảy đầy đầu, Ngao Bái thấy đối phương khí lực thật là kinh
người mà thân pháp lại cứ tự nhiên, lúc thì lẹ làng như miêu, lúc mạnh
mẽ như hổ báo thì không dám coi nhẹ. Hơn nữa bị ép lùi liên tiếp thành
ra gã giơ một thanh đao lên làm bia hộ huyệt tử vong, thanh còn lại
không ngừng dùng để gạt ống sáo của người áo trắng.

“Quyền thuật của phái Thiếu Lâm đúng là dũng mãnh có lực,” Ngao Bái thầm nhủ “trong cương có nhu rất lợi về giao chiến, chiêu chiêu thế thế thì
không công thời thủ chứ không có hoa dạng suông.” Mà người áo trắng này chính là truyền nhân chính tông của môn phái cho nên phong cách của y
chủ yếu là thể hiện ở một chữ “ngạnh.” Bộ pháp rất ư là linh hoạt, công thủ gồm đủ cả. Y lấy công kích làm chủ, quyền thế không chú trọng về
mỹ quan ngoại hình mà chỉ cần thực lực chiến đấu. Song song vào đấy, y
tiến lui cũng mau lẹ vô cùng, không hề bị trường địa hạn chế. Y biết
giữ sao cho khí trầm đan điền mỗi lần di chuyển, hai chân ra vào phải
trái nhanh nhẹn như hầu, sức đấm vững vàng mạnh bạo như hổ, động tác tay nhanh như sấm chớp.

---oo0oo---

Trong khi Ngao Bái âm thầm khâm phục thì người áo trắng đối kháng cũng
toát mồ hôi. Y nhận biết địch thủ sử dụng song đao đã được gia truyền
trọn vẹn rồi nên mới đủ làm phong tỏa kín thân mình được. Lại nữa sau
hồi chiến đấu không thắng nổi địch, y bèn biến chiêu khác tấn công Ngao
Bái.

Người áo trắng tung chiêu Hỏa Long Kiếm. Y giữ ống sáo bằng hai tay, để thân sáo hướng lên, từ đó đề khí, điểm chân vào một bậc đá rồi vọt
người nhảy lên đâm trực tiếp vào cổ đối thủ.

Ngao Bái nghiêng mình sang trái né được, ngay sau đó cũng tức tốc phản
đòn. Gã xoay hai cổ tay một vòng, rồi vung ra cùng lúc. Hai thanh bảo
đao liền xoay mòng mòng như chong chóng bay vù vù tới tập kích người áo
trắng, khiến y phải cuống cuồng giơ ống sáo vàng gấp rút vung lên gạt,
làm một thanh đao bay xéo ra, xong y ngửa mình ra sau tránh thanh bảo
đao kia để nó bay sạt qua ngực.

Hai thanh đao lao đi vun vút, cán đao đụng vào hai thân cây bách gần đó
làm dội ngược trở về tay Ngao Bái. Bằng một động tác hết sức gọn gàng,
Ngao Bái chụp lấy, rồi trong nháy mắt chúng lại tiếp tục phóng đi nữa.

Lần này thật là tinh diệu, thanh đao thứ nhất bay đi trước lại hóa đến sau, còn thanh đao đánh sau lại tới trước.

Người áo trắng bấy giờ đã chuẩn bị tinh thần để né rồi, tuy nhiên đến
khi hai cây bảo đao còn cách xa y khoảng chừng bảy, tám thước thì y bỗng thấy cây thứ nhất đột ngột chìm xuống, cây thứ hai lao vút tới như một
luồng gió mãnh liệt.

Ngao Bái xuất tuyệt chiêu xong đứng yên tại chỗ nhếch mép cười, trong
lòng chắc mẩm đối phương không thể nào tránh khỏi tuyệt kỹ này được.

Quả thật bị ảo giác làm cho tâm thần có hơi bối rối, người áo trắng
thoáng lộ vẻ lúng túng. Y không biết phải tránh cây nào trước đây?
Nhưng người luyện võ công đã đến hồi thương đao bất nhập pháp như y thì đương nhiên có khả năng làm sống được cái hồn của bài quyền,
lĩnh hội được cái cảnh giới huyền diệu của võ thuật. Thành thử hư
lãnh đỉnh khinh, y để cho đầu óc trống không, tư tưởng an nhiên tự tại,
chỉ dựa vào tai để nghe và dùng cảm giác của “gió thổi lên da” để biết
được phương hướng mà địch đang tấn công, hoàn toàn giữ thế lấy tịnh chế
động để tiếp đón binh khí.

Đợi khi hai thanh bảo đao sắp sửa bay đến gần kề, người áo trắng mới
nhập thần vào những thế đá khôn ngoan bí hiểm, cộng thêm tinh thần
quyết chiến không lui. Đảo Cước được y sử dụng ở hai tầm cao và thấp.
Với đòn đá thấp này, y xuất cước bằng xương ống quyển mà được dân gian
quen gọi theo từ thông dụng là đá "cán,” cộng thêm thuật đá cao bằng mu
bàn chân. Y đá hai thanh đao bay văng ra.

Keng! Keng! Hai thanh âm cùng lúc vang xa giữa khu rừng hoang tịch mịch.

Ngao Bái bị mất đi binh khí, gương mặt gã tái mét như vừa trông thấy ma, thần tình bấn loạn lo lắng vô cùng.

Sau khi cước pháp được người áo trắng thi triển hữu hiệu rồi, y chiếm
được ưu thế, liền dùng ống sáo như một thanh kiếm xông đến trực tiếp
đánh Ngao Bái vào chín điểm chết người. Đầu, vai trái phải, hai cánh
tay, eo trái phải, giữa hai chân và ngực với tốc độ cực nhanh, y cố làm
cho Ngao Bái phân tâm, không để kẻ trứ danh là “thiết đầu công” này kịp
thời đề khí lên não.

Người áo trắng tấn công vào chín tử huyệt tương ứng với chín thế đánh là Đường Trúc chém thẳng vào đầu, Cà Sa Trảm bằng đường kiếm xiên từ vai
trái xuống, Nghịch Cà Sa với đường kiếm xiên từ vai phải xuống, thêm vào Tả Thế ngang bụng quét từ trái qua phải, Hữu Thế ngang bụng quét từ
phải qua trái, rồi Tả Thiết Thượng xiên từ dưới lên đi từ cổ tay trái
lên vai phải, Hữu Thiết Thượng xiên từ dưới lên đi từ cổ tay phải lên
vai trái, Nghịch Phong chém thẳng ngược từ dưới lên, và cuối cùng là
Thích Đột Kiếm chọc vào ngực.

Soạt! Soạt…! Một tràng tiếng động liên tiếp vang lên nữa.

Ngao Bái liên tục né chính đường kiếm, kỹ thuật đề cao phòng thủ hơn là
tấn công. Sang chiêu thứ mười, người áo trắng lừa được một thế. Y thấy Ngao Bái trở mình tức thì múa kiếm tít trong tay, nhắm đúng vị trí chém vào gáy đấu thủ. Ngặt nỗi Ngao Bái đã dự phòng trước đó rồi nên thoắt
cái đã biến mất, xong lại xuất hiện. Cả hai lại đấu thêm mười mấy chiêu nữa. Với Ngao Bái lúc ẩn lúc hiện như vậy, lúc phải lúc trái như đang
sử dụng thuật phân thân làm cho người áo trắng không biết đâu mà lường
được.

Một ý nghĩ chợt hiện lên trong đầu, người áo trắng bèn tung ra một hư
chiêu. Y chờ Ngao Bái đảo mình qua bên phải rồi trở về lại bên trái mới thật sự thi triển Bạt Cước. Xem qua tưởng như rất ít hiệu dụng vì cách đá đó không nặng lực, dễ bị đối phương né tránh hoặc cản đòn tuy nhiên
thực ra thì đó mới chính là đòn đá chuyên dùng cho trường hợp đánh với
hai đối thủ tấn công ở hai bên. Ví dụ như khi ta đang chiến đấu với một đối thủ ở bên trái chẳng hạn, đột nhiên có một đối thủ ở bên phải tràn
vào thì đó là lúc đá Bạt Cước chân phải thuận nhất. Vì cước lực do ta
tung ra cộng hưởng với lực của đối phương đang tràn vào sẽ làm tăng sức
nặng của đòn đá. Cho nên có thể nói là ai nhanh hơn người đó sẽ thắng
thế.

Binh! Binh! Hai âm thanh đanh gọn vang dậy. Ngao Bái lãnh trọn hai
cước hiểm vô hai vai, lật đật nhảy ra khỏi vòng chiến song lại bay vào
tiếp tục giao đấu. Lần này gã xuất hiện lúc thì trước mặt lúc lại sau
lưng. Người áo trắng bèn xuất Ngịch Hậu Cước. Tương tự như Bạt Cước,
Nghịch Hậu Cước chuyên về sử dụng khi phải chiến đấu với hai đối thủ ở
trước mặt và sau lưng. Người áo trắng lấy gót chân tấn cao vào vùng
ngực đối phương ở phía sau, ngay sau đó lại xoay lưng một vòng bất ngờ
tấn thấp vào hạ bộ khi Ngao Bái di chuyển ra phía trước.

Ngao Bái hộc lên một tiếng, miệng phun ra một ngụm máu tươi. Lúc này gã đã hiểu địch thủ võ công không tệ lắm, hay phải nói là rất cao, nếu
đánh nhau quang minh chính đại như thế này thì cơ hội thành công quả
tình không có bao nhiêu nên trong đầu gã tính toán nhanh như thiểm điện. Thật ra ban đầu gã mai phục ở khu rừng này với ý định bất ngờ đột kích xa giá, nếu đoạt được hổ phù từ trong tay của Dương Tiêu Phong thì sẽ
lập tức thu quân bỏ trở về kinh thành đối phó Khang Hi ngay, nào ngờ
giữa đường lại bị thanh niên này đứng ra cản trở. Giờ gã thấy thời cơ
đã mất, cũng không muốn đánh đấm lâu làm gì nữa, đành quyết định biến
đổi chiến thuật. Gã cho rằng hôm nay dù thua trận nhưng phải cố thoát
đại nạn trước đã, dưỡng thương xong rồi trả thù cũng chưa muộn.

Thế là nghĩ là làm ngay, Ngao Bái quay mình thi triển khinh công bỏ chạy như điên như cuồng, chân cuốn bụi lên mù mịt.

Dưới ánh trăng vàng hiu hắt đêm thâu, người áo trắng ngó thấy địch thủ
bay biến đi. Y muốn đuổi theo lắm mà thoáng mắt kẻ đó đã mất hút trong
màn đêm vô tận, chỉ đành giương mắt trông theo.

Còn một thời thần nữa là bình minh ló dạng trong vùng sơn dã. Tứ bề tiếng
gió thổi làm những chiếc lá reo vi vút như đang ca một bản nhạc bất tận, có lúc thì dồn dập rất mãnh liệt, có khi thì chậm rãi đều đều, hòa lẫn
với hàng trăm tiếng chim kêu ríu rít, thỉnh thoảng chen vào tiếng hót
cao vút của loài sơn ca nên cũng bớt phần tịch mịch.

Sau khi dẹp bỏ ý định đuổi theo Ngao Bái, người áo trắng đến dìu Dương
Tiêu Phong đứng dậy. Y nhìn Dương Tiêu Phong, thấy đôi mắt trở nên sắc
lại, thần sắc xơ xác tiêu điều liền ái ngại hỏi:

- Vết thương của ngươi…?

Phủ Viễn tướng quân vừa trải qua một trận giao đấu ác liệt, thể xác và
tinh thần đều quá mệt mỏi, đôi chân không có chút sức lực. Y loạng
choạng đứng đậy hướng về phía cứu nhân của mình vòng tay chậm rãi nói:

- Tại hạ không sao. Cám ơn đại hiệp đã ra tay cứu giúp!

Người áo trắng đến lúc này không còn muốn giấu giếm thân phận nữa. Y
cởi chiếc nón rơm và mặt nạ xuống ôm trong tay. Vạt áo trắng của y bay
phất phơ trong gió, dáng vẻ nhã nhặn lương thiện. Y vốn là một người
nặng tình, đôi chân mày thẳng, đôi mắt thờ ơ với mọi thứ như khi còn ở
trong ngục bây giờ thay đổi hẳn.

Dương Tiêu Phong trố mắt ngạc nhiên trước sự biến đổi của Cửu Dương, tự
nhủ “hành động cứu chúa lần này của y nếu không tận mắt chứng kiến thì
càng làm cho người ta khó mà tin được…” Thành thử Dương Tiêu Phong cứ
nhìn chằm chằm Cửu Dương, có chút không hiểu, chau mày đợi chờ lời giải
thích.

Gương mặt lạnh như tiền của ngày hôm nào giờ đây hoàn toàn trở nên hoà hoãn, Cửu Dương nói một cách chắc chắn:

- Những chuyện ta làm đó, không phải vì ngươi đâu!

Nghe đáp vậy, Dương Tiêu Phong lờ mờ đoán ra chân tướng, sự ưu tư căng
thẳng đã được thả lỏng một chút nhưng không lâu sau lại hỏi một lần nữa
để khẳng định:

- Ta nghĩ những người đằng kia không thể nào ngờ được người lập công hộ
giá lần này lại chính là Giang Nam thất hiệp. Mai đây ngươi được thiên
tử trọng dụng, sẽ lừng danh thiên hạ, triều đình ai ai cũng kiêng dè, đó không lẽ lại là vì việc tư? Nếu thật vậy thì quả tình không giống với
một Gia Cát tái lai mà ta nghe nói.

Lời nói đùa thốt ra song không thấy Cửu Dương đáp trả gì, Dương Tiêu
Phong e là sẽ làm cho vị cứu nhân của mình phật lòng, liền lấy lại diện
mạo điềm đạm nói:

- Hôm nay ngươi nghênh đón đại giá về kinh, lấy thân phận là chính nghĩa thi hành đại đạo, nếu thành công thì bá tánh được nhờ, còn nếu không
thành thì phải giữ sao cho suốt đời mình xứng đáng là một đại trượng phu phú quí không hề lay chuyển, nghèo hèn không nhụt chí, oai vũ không
khuất phục. Huynh đệ bang hội Đại Minh Triều theo ta biết thì người nào
cũng liều mạng vì nước vì dân, hành đại đạo cho thiên hạ. Tuy rằng
trước mắt có nhiều gian khó, nhưng đấy không phải là việc không đáng
làm. Mà đã là đại trượng phu rồi thì biết có việc đáng làm thì lại càng không thể không làm…

Dương Tiêu Phong nói tới đây bèn ngưng trệ để cho Cửu Dương tiếp thu hết những lý lẽ đó, lát sau mới nói tiếp:

- Tân đế tuy còn nhỏ tuổi, nhưng tâm địa hiền lương, thiên hạ thần dân
ai cũng ủng hộ và yêu mến. Cho nên nếu như tam mệnh đại thần ra tay lúc này nhất định sẽ bị gắn tội danh mưu phản, người đời tất cả đều sẽ nhìn họ bằng đôi mắt khinh bỉ. Vả lại Ngao tông đường tuy thế lực hùng mạnh

cũng mong muốn nắm được trong tay một giang sơn vững chắc, nếu thời cơ
chưa chín muồi gã nhất tuyệt sẽ không phí một con chốt nào, trước giờ
vẫn vậy. Gã không muốn mang danh nghĩa xuất quân dầu có thừa khả năng
xua binh tiếm quyền đoạt vị, thành ra sẽ không tùy tiện động thủ…

Lời nói còn chưa dứt, Dương Tiêu Phong chợt im bặt, ánh mắt sắc bén chờ xem phản ứng của Cửu Dương.

Phía đối diện, Cửu Dương không phản ứng gì nhiều, trong lòng thừa hiểu
Dương Tiêu Phong rất biết cách ăn nói để làm người khác hả dạ, và cũng
biết nhiều cách để thuyết phục người ta đứng về phe y. Năm xưa từng đọc nhiều sách cổ, Cửu Dương nhận biết những gì Dương Tiêu Phong mới vừa
nói đều là lời thánh hiền dạy bảo trích từ những quyển sách Luận Ngữ,
Mạnh Tử, Công Dương Xuân Thu. Những lời đó tuy rằng cương trực tuy
nhiên ý nghĩa lại sâu xa, đã khích động hào khí trong lòng chàng nổi
dậy.

Bấy giờ hướng di trường Mộc Lan tiếng gươm đao cũng ngừng vang vọng lại, trời đêm gió lạnh thổi thấu qua quần áo, lẩn vào da thịt khiến hai
người lạnh buốt.

- Lần này ngươi từ kinh thành lặn lội đến Hà Bắc tương cứu… - Dương Tiêu Phong lại nói - Thật khiến ta cảm thấy ái ngại…

Trong mắt Cửu Dương thoáng hiện chút vui vẻ, thản nhiên cười nhẹ:

- Ta đã có nói ta làm vậy không phải vì ngươi, tất cả cũng bởi vì sư muội thôi.

Dương Tiêu Phong nhớ tới pha đấu đá giữa Giang Nam thất hiệp với sát thủ thiết đầu công, trong ánh mắt hiển lộ tia thán phục:

- Ta đã từng đến quán trọ quan sát ngươi luyện tập Thiếu Lâm thất thập
nhị liên quyền, giờ lại đích thân chứng kiến ngươi hiên ngang đánh bại
Ngao Bái. Ngươi có thể ở trong một thời gian rất ngắn hồi phục hết
thương tích, dùng chân nghịch để thi triển cước pháp. Nghị lực đó của
ngươi thật làm ta rất khâm phục.

- Còn ngươi thì sao – Nghe tình địch thốt lời khen tặng, Cửu Dương khiêm tốn trả lời - Võ công của ngươi đã được chân truyền từ võ vương Long
Thiên Hổ, nhất định là phải vượt qua rất nhiều khổ công. Quả là nhân
tài trụ cột của nước nhà.

Dương Tiêu Phong lắc đầu cười bảo:

- Bất quá là do nhờ tiên hoàng yêu mến đấy thôi, mấy năm trước đã ban
cho chức vụ này, vinh hiển to lớn chẳng qua là một phần vì công sức, một phần vì được thái hoàng thái hậu nâng đỡ. Ta biết thái hoàng thái hậu
vốn có chí hướng cao xa, muốn mở rộng bờ cõi. Tiếc rằng bản thân ta
không có tài năng nhiều để ở bên cạnh giúp sức cho người, khiến người ra đi trước khi được nhìn thấy nhóm gian thần nghịch tặc bị tiêu diệt.

Nói đoạn thêm lời:

- Từ ngày sư muội của ngươi vào cung, rồi gặp ngươi trong phủ đệ, ta mấy lần tiếp xúc lại cảm thấy ngươi là một kẻ không giống những gì Khẩu Tâm từng bảo. Con người ngươi khiêm tốn, thông minh, lòng dạ sâu sắc, nếu
như có thể bên cạnh hỗ trợ cho ấu chúa thì sẽ như hổ thêm cánh, khẩn cầu ngươi chớ vì những chuyện trước đây mà để lòng. Hãy hết lòng hỗ trợ
tân đế có được không? Vì tới khi quốc gia được bình yên rồi, nhà nhà an cư lập nghiệp, toàn dân lúc đó được no ấm họ sẽ vô cùng cảm kích.

Cửu Dương nghe vậy trầm ngâm một lúc, từ tốn cười bảo:

- Ngươi không cần tâng bốc, ta đồng ý giúp ngươi. Tuy mà… ta cứ cho là
nếu ấu chúa có lòng nhân đức, độ lượng, hiểu biết lễ nghĩa thì trời cao
nhất định sẽ ban phúc lành, không cần bất kì ai phải giúp đỡ.

Dương Tiêu Phong nghe Cửu Dương đáp sẵn sàng thì mặt mày rạng rỡ lên,
nhưng trong lòng thoáng phút hoài nghi. Chàng không rõ bản thân có nghe lầm hay chăng, mới ngạc nhiên nhìn Cửu Dương, tự hỏi hắn ta yêu sâu đậm sư muội hắn đến thế nào mới có thể làm được như vậy? Vì người mình yêu
mà lựa chọn buông tay, không làm một thành phần trong hội phục Minh nữa. Dương Tiêu Phong nghĩ rồi cảm giác xúc động, tự thấy bản thân nếu lâm
tình cảnh đó có thể sẽ không thể làm như vậy được.

- Ta còn phải trở về thu dọn các thứ, xin cáo từ - Cửu Dương ngó thấy
ánh bình minh hiện ra trên đỉnh núi, không muốn bị người khác nhận diện
nên thốt một câu chào, rồi quay mình sải bước đi khỏi trước khi Dương
Tiêu Phong kịp giữ lại.

Dương Tiêu Phong đứng yên đó trông theo tà áo của Cửu Dương xa dần, xong lại cúi xuống bế Hà Tử Lăng lên, lòng đang tìm mọi cách để nhớ lại kỷ
niệm của hai người họ song trong đầu chỉ có hình dáng của a hoàn trong
tân giả khố. Vì vậy mà tâm tình giống như có cây kim đâm sâu vào tim,
không ngừng run rẩy, cùng lúc lại giống như bị kẻ khác trộm mất thêm một món đồ quý giá nhất nữa, cảm thấy tiếc nuối và đau khổ.

Trên thế gian này vốn không có cái gọi là thiên trường địa cửu, dầu tình yêu có khắc cốt ghi tâm đến bao nhiêu thì cũng giống như một vết thương sẽ dần phai mờ đi theo thời gian. Cơ mà vết sẹo đó có chữa trị ra làm
sao cũng không thể nào phai tàn được.

Rừng anh đào bấy giờ những cánh hoa mềm mại nhẹ nhàng rơi xuống đất, có
cánh bay múa xoay tròn trong không trung. Gió đùa trên ngọn thông xanh, trời quang mây tạnh. Tất cả tạo nên một khung cảnh tĩnh lặng, thanh
nhã.