Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 2]

Chương 110: Biệt kinh kỳ

Cửu Dương nghỉ ngơi được hơn nửa tháng, tinh thần và khí lực cũng dần dần khôi phục trở lại.

Hôm trước khi chàng và Nữ Thần Y rời khỏi kinh thành để trở về Giang
Nam, Khang Hi thiết đãi yến tiệc tưng bừng tiễn họ lên đường. Tân Nguyên cách cách, Sách Ngạch Đồ, Sách Ni, Mộc Đình Quý, Nhạc Chung Kỳ, Tô Khất cùng với vài viên quan khác có đến dự. Riêng Dương Tiêu Phong lại
không. Có lẽ chàng e ngại khi đối diện với ý trung nhân lại cầm lòng
không đặng, có hơi rượu sẽ xuất lời không hay.

Nữ Thần Y không thấy Dương Tiêu Phong đến dự, gương mặt mỹ nhân man mác nét buồn, trông thấy rõ.

Yến tiệc được tổ chức tại cung Phúc Thọ - một trong ba khu phức hợp của
cung Ninh Thọ gồm Phúc Thọ, Dưỡng Tâm điện và Dưỡng Hòa điện. Vị trí ở
phía bắc của bình phong cửu long, vốn là một trong ba bức tường nổi
tiếng trong lịch sử của Trung Hoa. Ở trên vẽ chín con rồng uốn khúc
quanh chín viên ngọc quý, được trang trí quy mô với các màu sắc phong
phú như vàng, xanh da trời, tím thẩm, và ngọc bạch. Mặt trước chạm trổ
những mảnh sứ sắc màu rực rỡ, ghép lại với năm chóp, chóp đỉnh cũng có
chín con rồng. Sở dĩ chọn hai số năm và chín vì chúng biểu trưng cho vị
trí tối thượng của hoàng đế Thanh triều, thể hiện ý nghĩa của bậc cửu
ngũ chí tôn. Bức bình phong này đặt ở phía nam của Lục Đông cung và
Phụng Thiên cung. Hai bức còn lại được đặc tại Bắc Hải và Đại Đồng của
tỉnh Sơn Tây.

Lúc này khí trời mát dần, cũng dễ hiểu bởi tháng tám là tháng có thời
tiết tương đối tốt. Thi thoảng mới có vài trận mưa phùn rải rác và gió
bấc thổi hiu hắt. Còn không, mặt trời luôn rực rỡ cả ngày. Đầu thu, gió
mát thổi phơ phất trên những khóm cúc vàng rực rỡ. Những tia nắng ấm áp
như rọi vào lòng chúng sinh, rộn rã bao niềm vui và sức sống. Trong
khung cảnh ấy, yến tiệc được ấn định diễn ra vào buổi xế chiều.

Khang Hi muốn tìm cảm giác ấm cúng thân mật như một gia đình nên ngoài
những vị khách được mời, còn lại ngài ra lệnh cho đám cung nữ và thái
giám rời khỏi hết. Trong suốt buổi tiệc Khang Hi vui vẻ ngắm nhìn đôi
uyên ương, nhắc nhở Nữ Thần Y rằng sư huynh của nàng tài đức vẹn toàn,
nàng phải biết quý trọng hắn. Đồng thời cũng không quên nhắn nhủ Nữ Thần Y phải đối tốt với sư huynh nàng, đừng nên làm thương tổn hắn. Liên tục sốt sắng như thế phần vì hoàng thượng mến tài không nỡ rời xa Cửu
Dương. Những gì Cửu Dương đã làm cho ngài, Khang Hy thực sự trân trọng
trong lòng. Bởi thành thực mà nói, nếu không có sự giúp đỡ đó ngài vốn
dĩ không có được ngày hôm nay.

Sau một hồi say sưa chúc tụng, tiệc cũng gần tàn. Cửu Dương và Nữ Thần Y sóng vai đi dạo trong vườn thượng uyển, vô tình thả bước đến ngắm hồ
sen. Cũng chẳng có gì khó hiểu vì hai người họ vốn trưởng thành tại
Giang Nam, nơi nổi tiếng đất đai phì nhiêu, cỏ cây một màu xanh biếc.
Hôm ấy sen trong hồ trổ bông thật đẹp. Nước hồ đầy ăm ắp, xanh mát mắt
ngập tràn sức sống. Nữ Thần Y bèn bảo Cửu Dương kiếm một chiếc ghe, phút chốc tay chèo của chàng đã đưa nàng ra giữa hồ. Cả hai ngây ngất với
không gian ngập tràn tình yêu và những đam mê chất ngất của cuộc đời.
Được một lát bỗng tiếng sáo của chàng vang lên, giai điệu trầm bổng lan
theo gió càng xao động lòng người.

Nữ Thần Y nhoẻn miệng cười rất tươi, tay ngọc trắng nõn tựa ngó sen thò
ra ngoài thuyền, tinh nghịch khuấy động làn nước trong vắt tạo thành
những xoáy nước nho nhỏ. Bất ngờ vừa tạt nước vào người chàng vừa cười
khúc khích, nghe thánh thót như tiếng chuông ngân. Cửu Dương cũng làm bộ kinh hãi, đưa cao ống sáo lên dọa. Cứ thế hai người vui đùa với nhau,
để mặc cho chiếc ghe xoay tròn trong nước. Khi cuộc vui tàn, họ lại ngồi yên bên nhau trong không gian tĩnh lặng. Bất chợt, Cửu Dương đưa tay
nâng cằm sư muội lên nhìn say đắm.

Nữ Thần Y thỏ thẻ nói:

- Thất ca à, điệu nhạc của huynh chẳng hợp thời tí nào, ở đây đâu có
chiến tranh đâu mà huynh lại thổi một bài nghe bi thương như thế chứ?

- Vậy muội muốn huynh thổi khúc gì đây? - Cửu Dương nháy mắt hỏi.

Nàng mỉm cười nhẹ đáp:

- Khúc nhạc nào vui tươi một chút ấy!

Thế là Cửu Dương hăng hái lấy hơi, bắt đầu một điệu nhạc khác, lần này
tình tứ hơn hẳn. Những âm thanh du dương cuối cùng đã tắt mà dư âm như
còn quấn quít vấn vương trên mặt hồ thu tĩnh lặng.

Đôi má Nữ Thần Y thoáng ửng hồng, khóe mắt long lanh. Cửu Dương hạ ống
sáo xuống, siết chặt tay nàng, để mặc cho chiếc ghe trôi nổi lênh đênh.
Khoảnh khắc này, vạn vật tĩnh lặng như chỉ còn chàng và nàng giữa đất
trời.

Được một chốc chàng trìu mến nhìn nàng và nói:


- Tây Hồ à, huynh yêu muội nhiều lắm muội có biết không?

Nữ Thần Y có vẻ không nghe được câu tỏ lòng đó của sư huynh. Nàng không
trả lời vì khi đó loáng thoáng trông thấy một nam tử thân vận quan phục
màu trùng dương đang băng ngang qua hàng dương liễu ở đằng kia, vội lia
mắt nhìn theo. Nhưng chỉ có sự thất vọng. Trong một chốc nàng đã quên
bẵng rằng người đó không còn đảm nhiệm chức quan đó nữa, bây giờ chàng
là một thân vương.

Nhãn quan của Cửu Dương rất tinh tường, nhìn thoáng qua nét mặt sư muội đã hiểu ngay bèn buồn bã nhìn Nữ Thần Y hỏi:

- Có bao giờ... trong lòng muội từng có huynh không?

Nữ Thần Y giật nảy mình quay đầu lại, thảng thốt:

- Hả, huynh mới vừa nói gì thế?

Cửu Dương thấy sư muội ngồi ngay sát cạnh bên mình mà có vẻ không chú
tâm, bèn trả lời dứt khoát “Không có gì” rồi cười nói như không có việc
gì xảy ra. Tuy nhiên trong lòng cảm thấy mất mát có chút không vui.

---oo0oo---

Vài thời thần sau mặt trăng đã lên quá ngọn cây, Cửu Dương dìu sư muội
trở lên bờ. Khi cả hai sóng bước để ra khỏi chiếc cổng xây hình bán
nguyệt kết bằng hoa thiên lý của vườn thượng uyển thì Cửu Dương đột ngột chép miệng bâng quơ:

- Muội vẫn còn có tình ý với hắn lắm phải không?

Nghe hỏi một câu thẳng thừng vậy Nữ Thần Y bối rối không biết trả lời ra sao, chính vì nàng không thể tự dối lòng mình. Nàng càng không dám nhìn thẳng vào mắt chàng, chỉ cúi đầu thấp xuống, bàn tay vân vê mép áo.

- Tại sao muội không nói gì cả thế? – Cửu Dương lại hỏi - Xin muội một
lần này hãy thành thật thẳng thắn với huynh có được không?

Nữ Thần Y vẫn không nói gì.

Cửu Dương khẽ chau mày, rồi ngay tức khắc giãn ra, một chút ngỡ ngàng
vây quanh. Lẽ nào chàng đã xuống nước hỏi một câu mà nàng vẫn lảng tránh không dám trả lời thực hay sao?

Không còn lý do nào để chàng đứng đây thêm nữa, nàng lạnh nhạt như người xa lạ. Rốt cuộc Cửu Dương buông tay sư muội ra. Chàng định cất bước trở về phủ tướng nhưng vừa toan đi thì cánh tay chàng bị nắm chặt. Đôi mắt
nàng là cả khoảng trời thương nhớ. Tất cả vũ trụ, thù hận, ganh ghét,
tiếc thương trong lòng chàng bấy giờ bỗng chốc đi vào hư vô. Dù lồng đèn chỉ thiên treo lủng lẳng trên cành cây, dưới ánh trăng vẫn tỏa sáng một màu bàn bạc huyền ảo, dù bóng dáng cung nga mĩ nữ đang qua lại dập dìu, nhưng mặc họ, chàng bất kể, chàng chỉ thấy hiện tại một mình chàng cô
quạnh ở giữa dòng đời này. Vì dường như, chàng không có được tình yêu!

Sáng hôm sau Nữ Thần Y đợi Cửu Dương ở cổng thành để cùng chàng trở về Giang Nam. Ngoại thành Bắc Kinh hôm đó tiết trời thật là mát mẻ và dễ chịu.

Nàng đứng tựa lưng vào tường thành, mắt dõi về hướng hoàng cung, trong
lòng có chút gì đó tiếc nuối. Bỗng nàng bồi hồi nhớ tới tân giả khố, nhớ ngự hoa viên cảnh sắc tự nhiên tao nhã, bốn mùa đầy xuân đến da diết...

Miên man suy nghĩ, thoáng chốc đã quá nửa canh giờ mà Nữ Thần Y vẫn chưa thấy Cửu Dương tới. Không khỏi sốt ruột trong lòng, nàng liền thả bước
đến cạnh một bờ hồ trồng toàn dương liễu cách đó không xa. Quanh bờ,
những nhành liễu mảnh mai tựa tấm rèm xanh mướt rủ dài xuống sát mặt
nước. Gần đấy lại có một chiếc cầu nhỏ cong cong bắt ngang qua hồ. Nhờ
hàng dương liễu vây bọc chung quanh, vô tình ngăn cách tầm mắt bên ngoài biến nơi đây thành một vùng không gian hết sức riêng tư.

Nữ Thần Y ngắm cảnh sắc xung quanh, thầm khen thực là một nơi lãng mạng, vừa lúc cũng hơi mỏi chân bèn ngồi xuống ven hồ khoả nước nghịch chơi.

Chợt nghe đằng sau có tiếng xào xạc, nàng quay đầu lại nhìn thì thấy
giữa hàng liễu, Dương Tiêu Phong tay cầm một phong thư màu vàng đứng đó
tự bao giờ. Có điều khác với năm xưa, trên người chàng không còn vận bộ
quan phục màu trùng dương nữa, thay vào đó là một bộ y phục thường dân
màu xanh lá. Bởi cành liễu quá dày, rủ xuống tận đất, Dương Tiêu Phong
lại ẩn phía sau, quần áo gần như tiệp màu với cây lá thành ra Nữ Thần Y
không tài nào phát hiện ra chàng sớm hơn. Đến khi trông thấy là lúc
chàng đang gạt một tán liễu dợm bước qua. Qua cơn giật mình, nàng chợt
bối rối, chỉ còn biết đứng dậy cúi đầu nhìn đăm đăm xuống đất, trái tim
liền đập rộn ràng. Bên kia, chàng không hề bước tới, cũng chỉ lặng lẽ
đứng ngắm nàng mà thôi.

Chẳng biết qua bao lâu Nữ Thần Y mới sực tỉnh, vội vàng nhún chân làm động tác thỉnh an.

Lạ thay, Dương Tiêu Phong tuyệt nhiên chẳng phản ứng gì, thái độ với
nàng như bao người bình thường khác, ra hiệu cho nàng đứng dậy, rồi bình thản rẽ liễu bước ra.

Nhưng thực ra, từ hôm gặp gỡ và nghe nàng nói muốn đi tìm Cửu Dương ở bờ sông Vô Định Hà, thấm thoắt đã mấy năm, đến nay hai bên chưa từng có
dịp nào gặp riêng. Bây giờ bất ngờ chạm mặt nàng, chàng không khỏi xúc
động, phải cố gắng lắm mới trấn tĩnh được, mới không lao tới ôm ghì lấy
nàng.

Mãi lâu sau Dương Tiêu Phong vẫn chưa nói gì, chỉ trao nàng lá thư mà nãy giờ đang nắm trong tay.

Đôi mắt đen láy ánh lên tia ngạc nghiên, Nữ Thần Y vội xé phong thư mở
ra xem, nhanh chóng nhận ra nét chữ quen thuộc của sư huynh, chính là
viết cho nàng.

Bức thư khá dài, nàng đọc chưa hết phân nửa khóe mắt đã nhòe lệ. Trong đó có đoạn Cửu Dương viết:

“…Người ta nói chuyện tình yêu hợp hợp tan tan là lẽ bình thường, yêu
tha thiết đấy mà vẫn ngậm ngùi chia tay cũng chẳng phải điều chi xa lạ.

Không ít người yêu một lần, được may mắn bên nhau cả đời, nhưng có kẻ
tìm hết mảnh ghép này đến mảnh ghép khác mới tìm ra một nửa thực sự của
đời mình. Vậy mà... Tại sao huynh lại không được như người ta, sống theo lẽ tự nhiên ấy, hà cớ chi phải dằn vặt mình đến vậy?

Hai đứa chúng ta cùng nhau lớn lên, từng đi chung một quãng đường thật
dài, dài đến nổi đủ để đánh dấu lên đấy biết bao nhiêu kỷ niệm. Nhưng
một ngày, trên con đường ấy xuất hiện bóng dáng một người, khiến muội
không nhìn về phía huynh nữa mà hướng về người đó mất rồi. Bàn tay huynh cảm nhận muội chẳng còn muốn nắm chặt tay huynh nữa. Những cái ôm cũng
không còn đủ ấm áp để muội cảm nhận được bình yên. Và dần dần huynh nhận ra người đó đã thay huynh bước vào cuộc đời muội tự khi nào. Hẳn vì
thế, nên muội mới dửng dưng trước cơn bão trong lòng huynh như vậy.

Tuy muội vẫn dịu dàng, vẫn ngọt ngào với huynh là thế nhưng muội biết
không? Những ngọt ngào giả tạo đó huynh cảm nhận được hết, nó đang xé
lòng huynh ra thành những mảnh vụn. Mỗi khi chúng mình gần nhau, huynh
chỉ muốn dang tay ôm chặt lấy muội, muốn nói rằng huynh yêu muội nhiều
biết dường nào. Vậy mà không thể, và có lẽ mãi mãi cũng chẳng thể. Vì
đơn giản, khoảng cách giữa chúng ta bây giờ, e rằng đã quá lớn mất rồi.

Huynh biết, muội chưa từng yêu huynh, dù trái tim huynh chỉ biết có hình bóng muội. Tình cảm của huynh khi xưa, bây giờ đây và cả mãi sau này
chắc chắn vẫn như thế, sẽ mãi mãi trao muội những điều chân thành nhất.
Liệu muội có cảm nhận được hay chăng? Nhưng dù là vậy, huynh không hề
mong muội biến yêu thương ấy thành sự thương hại. Xin đừng tội nghiệp
cho huynh!

Dẫu trái tim huynh còn yêu nhiều lắm, dẫu rằng rời xa muội là điều khó
khăn nhất với huynh bây giờ, nhưng huynh không muốn miễn cưỡng muội, giữ muội ở cạnh bên với thứ tình cảm dối gian này, để rồi làm đau lòng
muội, đau cả lòng huynh. Vậy thì, thà một lần đau còn hơn mãi khắc khoải day dứt, hãy rời xa nhau để không còn phải dằn vặt nhau nữa.

Muội cứ bình thản mà ra đi, làm theo lời con tim mách bảo, hãy đến bên
người đó, người khiến muội hạnh phúc hơn huynh. Mong rằng người ấy sẽ
thay huynh đi cùng muội, chăm sóc và yêu thương muội suốt quãng đường
còn lại…”

Nội dung bức thư viết như vậy.

Nữ Thần Y xem xong, hoa dung buồn bã, lệ trào khóe mắt tự bao giờ. Từng
hàng chữ rắn rỏi, đã bày tỏ trọn vẹn suy nghĩ của Cửu Dương với xiết bao cảm khái hết sức lay động lòng người. Chàng bảo rằng nói ra những điều
ấy khiến lòng chàng đau biết bao nhiêu, nhưng nàng hiểu chàng là thế.
Chàng chẳng thể nào chấp nhận, dặn lòng mình sống với sự thương hại,
chẳng thể nào níu kéo, giữ mãi một tình yêu đơn phương vô vọng như thế
được.

Nữ Thần Y xem rồi, tự nhủ chàng đã lấy đủ can đảm để rời xa nàng rồi. Vậy còn nàng? Nàng phải làm gì đây?

Nàng ngẫm kỹ lại chàng nói rất chí lý, trong vấn đề tình cảm không ai có thể miễn cưỡng đối phương được, thôi thì đành buông tay để vẹn toàn cho cả hai. “Hãy yên vui bên người mà trái tim muội đã chọn,” cuối thư Cửu
Dương nhắn nhủ, “hãy yêu hết trái tim mình như chưa từng có sự tồn tại
của huynh. Đừng nên nhìn về quá khứ mà hướng về phía trước, đi tìm hạnh
phúc của riêng muội, và trân trọng mối tình đó...”

---oo0oo---

Lúc bấy giờ đã đến giờ thìn.

Dương Tiêu Phong đưa thư xong, bèn tiễn nàng ra khỏi kinh thành.

Nữ Thần Y chậm rãi bước chân qua khỏi cổng thành, sau một hồi xúc động mới ngạc nhiên nhận ra chàng mặc dân phục nên hỏi:

- Đại nhân… - Nói đoạn nhớ lại thân phận của chàng lúc này, nàng thay đổi cách xưng hô – Vương gia, ngài định đi đâu đó?

Dương Tiêu Phong không trả lời mà hỏi lại:

- Vậy nàng định đi đâu?

Nữ Thần Y chớp mắt, hạ giọng nói:

- Nô tì… chưa quyết định…

- Không đi Giang Nam nữa à?

- Thưa không…- Nữ Thần Y lắc đầu.

Nghe nàng đáp vậy Dương Tiêu Phong nói:

- Nghe Cửu Dương nói ở Chiết Giang có nạn ung dịch, bảo ta đến đó xem thử có thể giúp gì được cho dân chúng hay không.

Rồi thoáng phút ngập ngừng, chàng hỏi:

- Nàng có muốn đi cùng ta không?

Nữ Thần Y im lặng không đáp lời, thật tình mà nói nàng cũng chẳng biết
phải đi về nơi đâu, càng không dám trở lại Tây Hồ, nàng sợ phải đối đầu
với quá khứ, sợ kỷ niệm bủa vây. Nàng hiểu rằng nếu như nàng quay về
Giang Nam, thì từ nay sẽ chỉ có một mình nàng bơ vơ giữa bốn bề sông
nước. Lại nữa, nàng trở về nhưng lòng nàng sao chẳng thể về theo…

Nàng cũng không muốn đặt chân trên những lối mòn quen thuộc, nghe tiếng
lá khô vỡ dưới gót giày nàng, nhìn nắng chiều xào xạc trôi đi. Nàng
không muốn ngồi trên phiến đá năm xưa, để cảm thấy hai bờ vai lạnh lẽo,
chỗ trống năm nào nay đã ngập đầy những lá vàng khô…

Cuối cùng, sau một hồi suy nghĩ thật kỹ càng, Nữ Thần Y khẽ gật đầu.

---oo0oo---

Ở cách đó một quãng không xa, độ chừng nửa dặm, có một người đứng lặng
thinh giữa ánh bình minh vây bọc, mơ màng hoài niệm về những ngày xưa
cũ.

Tân Nguyên cách cách đứng trên lầu của một tửu quán, cạnh bên Cửu Dương, ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao huynh làm như vậy?

Cửu Dương dõi mắt trông theo tà áo màu hồng của Nữ Thần Y. Lúc này kề
bên là Dương Tiêu Phong, tay nắm hờ dây cương, con bạch mã cao to khỏe
mạnh đang chậm rãi theo phía sau. Bóng dáng hai người họ từ từ khuất dần về phía cổng thành. Nỗi buồn sâu kín phảng phất trong ánh mắt, Cửu
Dương đáp lời:

- Vì tôi thừa biết sư muội không hề yêu tôi, tôi lại không muốn miễn cưỡng cô ấy.

Tân Nguyên cách cách nghe vậy không khỏi bồi hồi thương cảm cho mối tình khói sương tan vỡ. Nàng thổn thức thầm nhủ, trên phương diện tình ái ai lại không hẹp hòi ích kỷ song chàng lại không thế mà rất đỗi cao
thượng, liền cảm thấy người đàn ông này sao mà vĩ đại quá. Xúc động dâng trào, cách cách càng thương yêu Cửu Dương hơn bao giờ hết. Tuy vậy lại
thở dài nói:

- Nữ Thần Y cô ta được một người như huynh hết mực lo lắng thương yêu, lại không biết coi trọng, thật là…quá ngây dại.

- Cám ơn cách cách đã khen – Cửu Dương cười buồn - Nhưng mà tôi không phải tốt nhưng cô tưởng tượng đâu.

- Muội thật tình không hiểu… - Tân Nguyên cách cách vẫn khăng khăng nói.

Cửu Dương bấy giờ mới rời mắt đi, quay sang nhìn cách cách, hỏi:

- Cách cách không hiểu việc gì?

Tân Nguyên cách cách trả lời, giọng mơ màng:

- Bây giờ huynh lừng danh giang hồ, người trong võ lâm ai nấy đều coi
huynh như là kiếm thần, tài sử dụng ống sáo làm binh khí thay cho đao
kiếm của huynh có thể xem như là độc nhất vô nhị. Huynh có tiền có
quyền, hơn nữa dựa vào nhân phẩm và danh tiếng của huynh, chỉ cần muốn
là có biết bao nhiêu danh môn khuê tú và giai nhân mỹ lệ trong thiên hạ
sẵn sàng chấp nhận, mong được trở thành hiền thê nâng khăn sửa túi, phu
thê sớm tối bên nhau. Cớ sao huynh cứ vì một người con gái mà ràng buộc, để lỡ dở hạnh phúc của chính mình?

Những lời Tân Nguyên cách cách vừa nói đó, Cửu Dương biết, tuy bóng bẩy
nhưng ý tứ rất chân thành, khiến chàng phải suy nghĩ. Hai người họ đứng
song đôi im lìm bên nhau.

Trong không gian yên tịnh đó, bất chợt có một ông lão râu tóc bạc trắng
ngồi ở đằng góc nhà bỗng nhiên cất giọng lên ngâm vài câu thơ, là bài Ly Từ Ngũ Thủ kỳ tứ của Nguyên Chuẩn. Năm bài tử biệt này được Nguyên
Chuẩn viết vào năm 810, để tưởng nhớ vợ mình là Vi Tùng đã qua đời.

Trong thơ có đoạn:

“Đã từng ra biển lớn thì nước sông hồ khó gọi là nước


Ngoại trừ mây ở núi Vu những chỗ khác chưa phải là mây

Đã có nàng rồi, có gặp người đẹp nào chàng cũng nản mà quay đầu

Một phần vì nay chàng tu tâm dưỡng tính, một phần chỉ nghĩ tới nàng thôi”

Vừa nghe qua, Tân Nguyên cách cách bỗng nhớ lại mười mấy năm về trước
cũng có học qua bài này với Sách Ngạch Đồ rồi. Khi đó Sách Ngạch Đồ từng giảng giải bài thơ đó Nguyên Chuẩn ví vợ mình như nước bể sâu thăm
thẳm, như mây trắng trên đỉnh Vu sơn, đã chung sống với nhau rồi thì
trong thiên hạ khó có người đàn bà nào có thể thay thế được. Vu sơn là
tên rặng núi bên sông Trường Giang, chỗ tiếp giáp hai tỉnh Tứ Xuyên và
Hồ Bắc, nơi tương truyền có nữ thần làm ra mây mưa trú ngụ.

Về phần Cửu Dương, chàng chờ cho ông lão ngâm xong đoạn thơ bất hủ trên, mới từ tốn đáp lời cách cách:

- Tằng kinh thương hải nan vi thủy, trừ khước Vu Sơn bất thị vân. Cho dù tôi có tất cả giai lệ trong thiên hạ thì cũng không thể so sánh với
người mà tôi đã dành trọn con tim, tình cảm từ thưở nhỏ. Đao kiếm tuy
sắc bén, kiếm pháp có độc tôn, nhưng kiếm bén cũng chém không đứt được
tơ tình, không mở được khúc mắc ở trong lòng tôi…

Tân Nguyên cách cách nghe đáp vậy song không cam lòng, nàng trầm ngâm giây lát, rồi tiếp tục hỏi:

- Tại sao huynh yêu cô ấy nhiều như thế mà cô ấy vẫn không chịu lấy huynh?

Sau một thoáng suy nghĩ, thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi của công
chúa, Cửu Dương bèn kể cho nàng nghe câu chuyện về một nhà sư. Năm xưa
có chàng trai đau khổ vì người yêu bỏ đi lấy chồng. Hắn ta tìm lên chùa
và hỏi một vị sư thầy. Sư thầy mỉm cười, trao cho hắn xem một chiếc
gương thần kỳ, trong đó có hình ảnh một cô gái đẹp khỏa thân nằm chết
bên đường. Mọi người đi qua đều không ai dừng chân. Duy chỉ có một người dừng lại nhưng cũng chỉ đắp cho cô gái ấy một cái áo rồi cũng bỏ đi.

Mãi sau có một chàng trai khác đến và đem xác cô gái đi chôn cất.

Cửu Dương kể đến đây thì ngưng lại, nhìn cách cách và nói:

- Kiếp trước tôi mới chỉ là người đắp áo cho sư muội tôi thôi. Còn người đi bên cạnh cô ấy cả đời chính là người kiếp trước đã chôn cô ấy, họ
đến với nhau vì chữ nợ. Còn tôi, chẳng qua với sư muội chỉ có một chữ
duyên.

Cửu Dương còn nói rất nhiều điều nữa, chàng bảo Phật dạy rằng, kiếp sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Kiếp này nối
tiếp kiếp khác, thừa hưởng và kế thừa lẫn nhau. Con người gặp nhau là
bởi chữ duyên, sống và yêu nhau là bởi chữ nợ. Nhiều cặp tình nhân không đến được với nhau, cũng không nên trách họ, hay là phán xét họ, là
trăng hoa, là đểu cáng... vì thật ra đó chỉ là người ta đã trả xong nợ
và đã đến lúc phải rời đi. Chuyện tình cảm nam nữ là phải do tự nguyện
chứ không thể níu kéo được.

Tân Nguyên cách cách lặng im nghe Cửu Dương nói, trong lòng suy nghĩ rất lung. Đợi khi chàng nói xong rồi nàng mới hỏi:

- Tháng sau… – Giọng nàng ngập ngừng, trống ngực đập rộn ràng - Muội sẽ
cùng với các giáo đồ Công Giáo đi đến Ba Lan làm từ thiện, huynh…có muốn đi cùng muội không?

Cửu Dương quay sang nhìn nàng bằng ánh mắt chứa đầy sự thương xót, chàng nhớ có lần ở Hồi Cương nàng bảo với chàng là: “Nếu mà một ngày Nữ Thần Y cô phụ huynh, huynh hãy nhớ là huynh vẫn còn có muội. Khi đó huynh cứ
tới tìm muội, muội không ngại huynh vì một mối tình tan vỡ mà quay sang
tìm muội đâu…” Nghĩ tới đây chàng lại nhớ tới tối hôm qua, đã tâu lên
với Khang Hi, chàng cầu hoàng thượng cho chàng được ở lại trong cung
thay vì từ quan đi về Giang Nam. Chàng nói muốn cùng với Sách Ngạch Đồ
soạn tứ khố toàn thư.

Khang Hi vui vẻ phê chuẩn tán đồng, còn nói sẽ phong chàng thành nội các đại học sĩ, chuyên quyền phụ trách văn thư, đảm nhận công việc cuả thủ
phụ tể tướng và chủ trương cho chàng chịu trách nhiệm cầm đầu mười sáu
vị văn hào thi sĩ để giúp đỡ biên soạn. Ngoài ra, còn có sáu mươi học
sinh trí thức cùng tham gia trong việc soạn thảo.

Thành ra, trầm ngâm một hồi rốt cuộc Cửu Dương lắc đầu ái ngại.

Thấy ý trung nhân của mình hết lần này tới lần khác từ chối, Tân Nguyên
cách cách hết sức buồn bã. Cõi lòng phút chốc hẫng hụt nặng nề, có một
cái gì đó như bọt biển bỗng chốc vỡ tan ra, rồi chua xót tự hỏi dù nàng
có níu kéo mối tình này, liệu có tránh nổi đau khổ hay không?

Thất vọng tràn trề, sống mũi cay cay, suýt nữa nước mắt lại trào ra. Tuy nhiên Tân Nguyên cách cách đã kịp trấn tĩnh để hiểu rằng những lời nói
của Cửu Dương hôm bữa chính là những phán quyết khắt khe của định mệnh.
Những phán quyết đó, nàng không dễ gì thay đổi. Bây giờ nghĩ lại, nàng
biết chàng hẳn đã hiểu rõ lòng nàng từ lâu lắm rồi. Chàng cũng biết tình yêu của nàng dành cho chàng là không bờ không bến. Nhưng chàng vẫn nhất quyết không lựa chọn nàng. Thậm chí tình duyên gãy đổ, mộng ước không
thành, cớ sao một chút duyên lỡ chàng cũng không dành cho tình nàng vằng vặc? Tại sao? Lẽ nào chàng và nàng, số phận đã định như hai người kẻ
trông hướng đông, người trông hướng tây. Vì lựa chọn hai hướng khác nhau nên đời chia hai ngả, để rồi trong tương lai khổ ai nấy chịu. Chàng đã
tự chọn lấy con đường riêng cho mình. Một con đường mà ở đó, sẽ không có nàng.

Phía trên cao làn gió thu thổi nghe lao xao…

Tay siết chặt thập tự giá đeo trên cổ, Tân Nguyên cách cách chậm rãi
quay gót đi xuống lầu. Cửu Dương hãy còn đứng đó, ánh mắt kiên định dõi
nhìn về hướng mặt trời mọc.

Xa xa, ráng hồng chiếu sáng một mảnh trời buồn ảm đạm, vầng thái dương dần dần hiện ra trên đỉnh Kim Sơn.

Hết