Sinh con đầu lòng, em ngơ ngác không biết phải chuẩn bị gì. Tôi cười bảo, chỉ thiếu trái tim bà mẹ nữa, nhưng không sao, em sẽ có nó khi bụng bắt đầu tròn sau áo. Đó không chỉ là một trái tim mạnh mẽ mà còn phải thật dẻo dai, để giữ sống trong những giây phút dằng dặc nhất, những nhịp đập bàng hoàng nhất, những khi đau nhói nhất. Làm mẹ, mà là mẹ Việt, em sẽ phải run rẩy nhiều khi…
Ngay những ngày đầu tiên, lúc mang con đi chích (tiêm) ngừa, những nhịp tim run rẩy sẽ bắt đầu vì em nghĩ tới những tai biến quanh chuyện này mà mà báo chí cứ một hai ngày lại phản ánh. Những liều vacxin lẽ ra sẽ bảo vệ con em, nhưng lại làm hại đứa trẻ, không biết chừng. Và em sẽ luôn luôn sợ hãi lo âu bởi những lý do cũng gần giống vậy.
Con bệnh, đưa con tới bác sỹ, nhưng em không biết bác sỹ có vì nóng vội mà cho kháng sinh quá liều, có vì mệt mỏi mà bỏ qua dấu hiệu bệnh, để rồi bệnh A chữa B, có vì thu nhập mà tiếc nuối để bệnh kéo dài, để buổi mai bệnh nhân còn quay lại.
Con đi nhà trẻ, em trao con tận tay cô giáo, tay cô mềm lắm, và cô cũng xinh đẹp nữa, nhưng em chỉ biết đến đó, em không biết khi mình ra về cô giáo có tốt với con không? Cô ấy có yêu con, dạy con múa hát, dịu dàng giúp con ăn hay sẽ cấu nhéo, dọa dẫm, dùng băng keo dán miệng, hay lơ đãng để con chơi với nước, một mình.
Con lên tiểu học, tiễn con tận cửa lớp, em không thể đứng đó mãi, khi quay lưng lại, em chẳng thể nào biết được thầy giáo có dùng thước đánh con, có bắt quỳ xó lớp nửa ngày, đứng giữa sân trường giữa chang chói nắng, và để trả giá cho tính nghịch ngợm, con phải hít đất vài mươi cái, hay bị xách tai? Thầy sẽ đối xử với con trong công bằng hay yêu hơn những bạn có học thêm ở nhà riêng của thầy, sẽ giúp con ngồi thẳng hay bỏ mặc con lưng cong, mặc cho con đeo kính…
Và những bài học con nhận được ở trường, có khai sáng tâm hồn con, giúp con hiểu biết và mê say khám phá cuộc sống hay mệt mỏi, sợ sệt, chán chường. Em sẽ tự hỏi điều đó khi nhìn thấy những bài học con học, cái cặp sách nặng nề mà con mang, vẻ nhàu nhĩ mụ mị mỗi khi con tan trường về. Trái tim em run lên vì nghi ngại, không biết tại sao nơi mà em tin tưởng gởi gắm sẽ dạy con nên người, lại làm con mệt mỏi đến nhường này.
Giữa muôn trùng vây bủa, chực kéo con ra khỏi vòng tay em, có những hiểm họa em sẽ đề phòng được. Xe cộ trên đường. Những cái bẫy của Internet. Sông nước ao hồ. Cả khi thời tiết bất an, như những cơn mưa đầu mùa, nếu em bọc con đủ ấm, sẽ giúp nó khỏi bị cảm lạnh. Nhưng hiểm họa đôi khi tới từ những người, những chốn mà em tin rằng sẽ cùng với em yêu thương và bảo vệ đứa trẻ ngây thơ trong veo này, lại làm nó tổn thương. “Ta không đề phòng từ phía những người yêu. Cây ngã về nơi không có vết rìu…”, hai câu thơ này, chẳng phải một hôm nào chúng ta cùng tấm tắc khen ông Hữu Thỉnh viết hay, hay mà buồn, hay vì buồn. Em đã từng nhớ mỗi khi gặp phải lừa dối, phản trắc nhưng em chắc không tưởng tượng được những câu thơ chua xót đó sẽ ám ảnh theo khi em làm mẹ, khi cố bảo bọc và che chở cho những đứa con non nớt.
Bà ngoại chúng ta làm mẹ rất giản dị, bà chỉ sợ bom rơi đạn lạc, sợ chiến tranh, sợ những căn bệnh ban đen ban đỏ, sài đẹn cướp mất con của bà.
Mẹ chúng ta làm mẹ cũng giản dị, chỉ sợ con không đủ no vào những năm cả nước Việt xanh xao bo bo nấu cùng với gạo, con sẽ không đủ sức chống chọi với những cơn sốt xuất huyết, sốt thương hàn…
Tôi, em làm mẹ thì sợ muôn ngàn nỗi. Sợ cả hộp sữa bột thơm tho biết đâu lại chứa những chất độc mang bộ mặt thơm tho. Hiểm họa không chỉ đến từ trước mặt. Sẽ có nhiều lần trong đời, em ước ao lại được gói con vào lòng, mang con theo trên mọi ngả đường, mọi sớm chiều, bởi con vừa ra khỏi tầm mắt mẹ, là bất trắc lẽo đẻo theo.
Nên em, trót làm phụ nữ Việt, sẽ trở thành anh hùng ngay khi đứa con cất tiếng khóc chào đời. Gặp nhau ngay lúc xa nhau, sum họp đúng lúc chia lìa, trái tim mẹ bắt đầu ngơ ngác ngổn ngang, ngơ ngác