Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

Chương 1

Tôi sinh ngày bốn tháng Giêng năm 1951. Tuần đầu tiên của tháng đầu tiên của năm đầu tiên của nửa sau thế kỷ hai mươi. Ngày sinh có ý nghĩa này khiến tôi được đặt trước tên Hajime, có nghĩa là khởi đầu. Ngoài đó ra, không có sự kiện đáng kể nào gắn liền với sự ra đời của tôi. Bố tôi làm cho một hãng môi giới, mẹ tôi là một người nội trợ bình thường. Bố tôi, được huy động đi lính trong một lứa quân dịch toàn sinh viên, đánh nhau bên Singapore. Cuộc chiến kết thúc, ông bị nhốt một thời gian trong một trại tù binh chiến tranh. Nhà của gia đình mẹ tôi bị bom B29 thiêu rụi vào năm cuối cùng của cuộc chiến. Thế hệ bố mẹ tôi phải chịu đựng rất nhiều từ cuộc xung đột dài dặc này.

Tuy thế, khi tôi sinh ra, không còn dấu vết nào của giai đoạn đau khổ đó nữa: không có những đống gạch đã đổ nát gần nơi chúng tôi sống, cũng không còn quân đội chiếm đóng. Chúng tôi sống ở một thành phố nhỏ tỉnh lẻ yên bình, trong một ngôi nhà do hãng của bố tôi phân cho: một ngôi nhà xây trước chiến tranh, hơi cũ kỹ nhưng khá rộng rãi. Trong vườn có một cây thông lớn, và có cả một cái ao nhỏ xung quanh có hang đèn bằng đá.

Khu phố chúng tôi ở là đại diện hoàn hảo cho một vùng ngoại ô dân cư dành cho các tầng lớp trung lưu. Bạn học của tôi, những người tôi có quan hệ thật mật – không nhiều lắm – đều sống ở những ngôi nhà riêng khá đỏm dáng. Chắc chắn chúng khác nhau về kích cỡ nhưng nhà nào cũng có lối vào giống nhau và một khu vườn trồng cây. Bố của các bạn tôi thường là nhân viên văn phòng hoặc làm việc trong các hãng thương mại. Các bà mẹ đi làm là một hiện tượng hiếm. Phần lớn các gia đình có nuôi một con chó hoặc một con mèo. Thời đó, tôi không quen ai sống ở căn hộ hết. Sau này, chúng tôi chuyển đến một thành phố khác, không xa lắm, và tình hình vẫn tương tự. Chính vì thế, cho đến khi vào đại học và đến sống ở Tokyo, tôi vẫn tin rằng người bình thường là phải đeo cà vạt, làm việc ở các văn phòng và sống trong những ngôi nhà riêng. Mọi cách sống khác với tôi đều là không thể, và vượt qua các giới hạn trí tưởng tượng của tôi.

Phần lớn các gia đình trong khu phố của chúng tôi có hai hoặc ba con: đó là con số trung bình của thế giới nơi tôi sống. Khi nhớ lại vài người bạn đã từng đi cùng tôi thời thơ ấu và thiếu niên, tôi thấy tất cả đều có một hoặc hai anh chị em. Những gia đình có sáu hoặc bảy con khá hiếm, con một lại càng hiếm hơn.

Thế nhưng tôi lại là con một. Suốt hồi còn bé lúc nào tôi cũng có mặc cảm thấp kém. Tồn tại của tôi có một điều đặc biệt: tôi bị tước mất một thứ mà những người khác có và coi là bình thường.

Khi còn nhỏ, tôi không chịu nổi khái niệm “con một”. Mỗi khi nghe thấy từ đó, tôi liền ý thức được ngay điều mà mình thiếu. Nó giống như là một ngón tay chỉ vào tôi mà nói: “Mi là một thằng người không hoàn chỉnh”.

Trong cái thế giới nơi tôi sống, mọi người đều chắc chắn rằng bọn con một là một lũ được nuông chiều quá mức, yếu đuối, và thất thường đến khủng khiếp. Cái đó giống như một thứ quy luật thần thánh và tự nhiên, theo cùng lối với những quy luật như “Bò sữa cho sữa” hoặc “Càng lên cao áp suất không khí cảng giảm”. Chính vì vậy tôi rất ghét bị hỏi về gia đình. Tôi biết thừa là ngay khi nghe câu trả lời của tôi, người kia sẽ tự nhủ: “A, hóa ra là một đứa con một; thế thì chắc chắn nó phải được nuông chiều quá mức, yếu đuối, và thất thường đến khủng khiếp”. Những phản ứng trăm lần như một đó làm tôi cảm thấy bị tổn thương, tôi biết chúng quá rõ, đến mức ngán ngẩm. Nhưng điều tôi chán nhất là những người nói xấu tôi đó hoàn toàn có lý: không nghi ngờ gì nữa, tôi được nuông chiều quá mức, yếu đuối, và thất thường đến khủng khiếp.

Tại trường, những đứa con một hiếm đến mức trong suốt sáu năm cấp một tôi chỉ gặp một người. Thế nên tôi giữ một ký ức đặc biệt sống động về cô (đó là một cô bé). Chúng tôi nhanh chóng trở thành hai người bạn thân thiết nhất. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều. Chúng tôi hiểu nhau rất rõ. Thậm chí tôi còn nghĩ mình đã đem lòng yêu cô.

Cô tên là Shimamoto-san. Cô hơi kéo lê chân trái, hậu quả của chứng bại liệu mắc phải khi còn bé. Cô đến học ở lớp tôi vào cuối năm lớp năm sau nhiều lần chuyển trường trước đó. Hẳn là cô phải chịu đựng nhiều đau khổ hơn tôi rất nhiều. Nhưng, mặc cho cái gánh nặng đó trên vai, cô là đứa con một mạnh mẽ và ý thức rõ ràng về tình thế của mình hơn tôi rất nhiều. Không bao giờ cô than thở, lời nói và khuôn mặt cô không bao giờ để lộ những dằn vặt và, dù lâm vào hoàn cảnh nào, cô cũng giữ được cái vẻ hết sức thoải mái. Hoàn cảnh càng khó khăn, cô càng rạng rỡ hơn. Nụ cười đẹp của cô tùy trường hợp mà an ủi hoặc khích lệ tôi. “Mọi viêc sẽ ổn thôi, vành môi của cô như muốn nói; kiên nhẫn một chút thôi, sắp kết thúc rồi.” Sau này, mỗi khi nhớ đến cô, điều đầu tiên hiện ra trong tâm trí tôi bao giờ cũng là nụ cười đó.

Shimamoto-san đạt điểm cao ở trường và dễ chịu với mọi người, không chút phân biệt. Thế nên thường thì cô là học sinh nổi bật nhất trong lớp. Xét ở khía cạnh đó, cô là đứa con một rất khác tôi. Tuy nhiên tôi không tin là các bạn học của cô dành cho cô một sự trìu mến vô điều kiện. Chắc chắn là không ai hành hạ hay châm chọc cô, nhưng, ngoài tôi ra, cô không có người bạn thật sự nào khác.

Hẳn là với họ cô quá ngoại giao và khép mình. Có thể một số người nghĩ đó là tính lạnh lùng hoặc tự phụ. Về phần mình, tôi nhận ra được toàn bộ sự nồng ấm và nhạy cảm che giấu đằng sau vẻ ngoài của cô. Ở tận sâu con người cô còn che giấu cả một kho báu sống động, nằm đó chờ đến ngày được phát hiện, giống như một đứa trẻ chơi trò trốn tìm nhưng lại mong được tìm thấy. Thỉnh thoảng tôi thấp thoáng nhìn thấy được bóng dáng kho báu đó, nhờ vào một câu nói hay một cách dùng từ.

Vì công việc của bố, Shimamoto-san thường xuyên phải chuyển trường. Tôi không còn nhớ chính xác ông làm gì nữa. Một hôm cô đã nói với tôi nhưng, cũng giống phần lớn những đứa trẻ xung quanh, tôi không mấy quan tâm đến các hoạt động của người lớn. Tôi chỉ còn nhớ đó là một công việc chuyên môn hóa liên quan đến ngân hàng hay thuế má hay phục hồi công ty thua lỗ gì đó. Chỗ ở được phân cho gia đình cô là một ngôi nhà xây theo lối phương Tây khá lớn, sân được bao quanh bởi một bờ tường bằng đá tuyệt đẹp cao ngang người tôi, cùng một hàng rào cây nhỏ lúc nào cũng xanh tươi, xen với những cái khe để lộ một khu vườn có thảm cỏ.

Shimamoto-san có những đường nét khuôn mặt đều đặn, và khá cao so với một cô bé, gần cao bằng tôi. Trong vài năm nữa, cô sẽ trở thành một cô gái đẹp thu hút mọi ánh mắt nhìn. Nhưng, vào quãng thời gian khi tôi gặp cô, vẻ ngoài của cô còn chưa hé lộ hết những phẩm chất của cô: một vẻ mất cân bằng rất khó diễn tả khiến cho hầu hết mọi người đều thấy cô không có chút hấp dẫn nào. Theo tôi, điều đó là do phần đã trở thành người lớn của cô không phát triển theo cùng nhịp điệu với phần còn lại là trẻ con. Hẳn sự thiếu cân bằng đó đã làm những người gặp cô cảm thấy bối rối.

Vì nhà chúng tôi ở rất gần nhau (nhà cô chỉ cách nhà tôi một quãng ngắn), cô được xếp ngồi cạnh tôi vào tháng đầu tiên khi chuyển đến lớp. Tôi nói cho cô mọi thông tin cô cần về cuộc sống ở trường: đồ dùng, kiểm tra hàng tuần, chương trình học, lịch trực nhật và lịch căng tin. Đó là một trong những nội quy cơ bản của trường: người nào nhà gần một học sinh mới nhất sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn. Ngoài ra, vì Shimamoto-san bị tật, thầy giáo đã gọi riêng tôi lên để nhờ tôi giúp cô trong thời gian làm quen với môi trường mới.

Thoạt đầu, chúng tôi không cảm thấy thoải mái lắm. Vẫn thường như vậy giữa một cô bé và một cậu bé ở tuổi đó. Nhưng, khi biết cả hai đều là con một, những câu chuyện giữa chúng tôi nhanh chóng trở nên sống động và thân mật. Đó là lần đầu tiên cả hai chúng tôi gặp được một đứa con một khác. Chúng tôi bắt đầu say sưa nói về chuyện đó. Cả hai chúng tôi đều có rất nhiều điều để nói về chủ đề này. Chúng tôi có thói quen chờ nhau vào giờ tan học để cùng về. Vừa chậm rãi đi hết một cây số ngăn cách với nhà chúng tôi (phải đi chậm vì chân cô bị tật), chúng tôi vừa bàn luận về mọi chuyện, điều này cho phép chúng tôi phát hiện rất nhiều điểm chung giữa hai đứa. Cả hai chúng tôi đều thích sách, nhạc, mèo, đều thấy khó khăn khi phải diễn đạt những nỗi xúc động, cùng có một danh sách dài những món ăn không thích, không gặp khó khăn nào khi học những môn mà mình thích nhưng rất ghét phải cố gắng học những môn không thích. Khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi là cô có ý thức hơn tôi rất nhiều về việc ẩn mình trong một cái mai rùa để tự bảo vệ khỏi thế giới bên ngoài. Dù sao cô cũng cố gắng học những môn không hấp dẫn và vẫn đạt điểm tốt, còn tôi thì không làm được thế. Nếu ở căng tin người ta phục vụ một món mà cô không thích, cô vẫn lấy và ăn hết, còn tôi thì không. Nói cách khác, bức tường phòng vệ mà cô dựng lên quanh mình cao hơn và vững chắc hơn bức tường của tôi. Nhưng những gì nằm sau bức tường đó lại giống một cách đáng ngạc nhiên với những gì có ở trong tôi.

Với Shimamoto-san, tôi không cảm thấy căng thẳng như khi có mặt những cô bé khác. Với tôi đó là một điều mới mẻ. Tôi thích đi học về cùng với cô. Cô bước đi, chân hơi khập khiễng một chút. Đôi khi, chúng tôi ngồi xuống một cái ghế băng trong vườn hoa để nghỉ mà không làm vướng bận đến ai. Tôi thấy vui vì bằng cách đó đường về được kéo dài ra.

Càng ngày chúng tôi càng hay đi với nhau, và tôi không hề nhớ các bạn của chúng tôi lấy đó làm đề tài để trêu chọc không. Thời đó, chuyện này không làm tôi chú ý lắm, nhưng nhiều năm sau này khi nghĩ lại, tôi thấy cũng lạ, vì ở tuổi đó bọn trẻ con rất hay chế ghép đôi một cậu bé và một cô bé thân thiết với nhau. Hẳn nguyên nhân nằm ở tính cách của Shimamoto-san. Có điều gì đó ở cô làm cho những người tiếp xúc với cô cảm thấy hơi căng thẳng. Bầu không khí cô tạo ra xung quanh mình dường như chặn lối những suy nghĩ ngu xuẩn. Ngay cả cái tật ở chân của cô không? Không lúc nào có ai nghĩ là nên trêu chọc cô, và qua đó cũng không trêu chọc tôi, và tôi thích điều này.

Cô được miễn học môn thể dục. Những ngày đi chơi xa hoặc leo núi, cô không đến trường. Mùa hè, cô cũng không tham gia các lớp học bơi hoặc thể thao ngoài trời. Ngày hội thể thao của trường, cô có vẻ không thoải mái. Nhưng, ngoài những chi tiết đó ra, cô sống cuộc đời của một học sinh bình thường. Không bao giờ cô nói đến cái chân. Ít nhất là trong ký ức của tôi, cô chưa lần nào làm vậy. Ngay cả khi đi học về, cô cũng không bao giờ nói, chẳng hạn: “Thứ lỗi cho mình vì mình đi chậm quá”, và không hề biểu lộ chút khó nhọc nào. Tôi hiểu rõ là cô không bao giờ nói đến những khó nhọc đó chính vì chúng gây ra nhiều vấn đề cho cô. Cô không thích đến nhà những đứa trẻ khác chơi, vì sẽ phải cởi giày để ở cửa. Cô đi đóng giày riêng, đế hai bên không dày bằng nhau, và ghét phải trưng chúng ra trước cái nhìn của các bạn. Khi về đến nhà, lúc nào cô cũng bắt đầu bằng việc xếp chúng vào tủ giày.

Một dàn nhạc stereo đời mới nhất nằm trong phòng khách nhà cô, và tôi thường đến nhà cô để nghe nhạc. Đó là một cái máy khá xịn, thậm chí còn hơi quá xịn so với bộ sưu tập đĩa của bố cô, chỉ có vào khoảng mười lăm cái bốn mươi lăm vòng, phần lớn là những bản nhạc cổ điển dành cho người mới nghe. Tôi nghe đi nghe lại chúng không mệt mỏi, nhiều đến mức cho đến nay tôi vẫn nhớ chúng rất rõ.

Shimamoto-san là người phụ trách đống đĩa: cô rút một cái từ vỏ ra, dùng hai tay cẩn thận đặt nó lên máy quay, chăm chú để các ngón tay không chạm vào những đường rãnh, phủi bụi đầu đọc bằng một cái bút lông đặc biệt, chậm rãi đặt kim lên mặt đĩa. Khi đĩa dừng, cô xịt nước chống bụi vào, lau bằng một miếng khăn mềm, đặt lại đĩa vào trong vỏ, rồi sau đó để nó về chỗ ở trên giá. Cô hoàn thành toàn bộ tiến trình học được từ bố với một vẻ nghiêm trang đầy ấn tượng. Mắt nhíu lại, cô cố kìm giữ hơi thở. Còn tôi, ngồi trên sofa, tôi ngắm nhìn cô. Khi đã xong việc, cô mỉm cười quay sang tôi, và lần nào tôi cũng tự nhủ: “Như thể không phải bạn ấy đang đang bật một cái đĩa nhạc, mà là đang nâng niu một linh hồn yếu ớt đựng trong một cái bình thủy tinh mỏng manh vậy”.

Ở nhà tôi không có cả dàn stereo lẫn đĩa. Bố mẹ tôi không thuộc loại người mê nhạc. Tôi dành rất nhiều thời gian ngồi trong phòng, tai dính vào cái đài radio nhựa để nghe nhạc rock. Nhưng tôi cũng thích nhạc cổ điển nghe ở nhà Shimamoto-san. Đó là thứ âm nhạc của một thế giới khác, và với tôi Shimamoto-san cũng đến từ một thế giới khác, đó là điều hấp dẫn tôi ở cô. Trong tuần, một hoặc hai buổi chiều, chúng tôi ngồi cạnh nhau trên chiếc sofa phòng khách nhà cô, uống trà mẹ cô pha và nghe những bản overture của Rossini, Giao hưởng đồng quê của Beethoven hoặc tổ khúc Peer Gynt. Tôi luôn được mẹ cô đóp tiếp chu đáo: bà rất vui vì con gái bà vừa đến trường mới đã có một người bạn, và bà còn quý tôi vì tôi là một cậu con trai kín đáo và có giáo dục. Thành thật mà nói là không có chiều ngược lại: tôi không thích mẹ cô lắm. Không nguyên cớ chính xác và cụ thể, vì bà luôn tỏ ra đáng mến, nhưng tôi nhận ra trong giọng nói của bà một âm sắc hơi cáu kỉnh thường trực khiến tôi cảm thấy bất an.

Trong bộ sưu tập đĩa của bố Shimamoto-san tôi thích nhất các concerto cho piano của Liszt. Bản thứ nhất nằm ở một mặt, bản thứ hai ở mặt kia. Tôi thích đĩa nhạc này vì hai lẽ: minh họa vỏ dĩa rất đẹp, và trong gia đình tôi chưa có ai từng nghe các concerto cho piano. Vậy nên chúng cho phép tôi xâm nhập một thế giới mà người thân của tôi không biết đến, một khu vườn bí mật chỉ mình tôi có chìa khóa. Với tôi, nghe chúng đồng nghĩa với tự nâng mình lên thêm một bậc thang cuộc sống.

Và rồi tôi thích thứ nhạc đó. Lần đầu tiên nghe nó, tôi thấy nó có phần hào nhóang và không liền mạch. Nghe mãi, tôi nhận ra ở đó một kết cấu chặt chẽ, những ấn tượng rất mơ hồ tập hợp lại để tạo nên một chỉnh thể. Khi nhắm mắt và tập trung cao độ, tôi có thể phân biệt được những thanh âm dưới dạng những cơn lốc; một cơn lốc xoáy lên, sinh ra một cơn lốc khác, rồi lại một cơn lốc khác. Giờ đây, tôi nghĩ rằng những cơn lốc đó có tính chất trừu tượng và ý niệm. Tôi từng muốn nói với Shimamoto-san về sự tồn tại của chúng, nhưng đó không phải là thứ dễ diễn đạt bằng ngôn ngữ hàng ngày. Tôi cần những từ khác hẳn để nói được một cách chính xác. Thế nhưng tôi không biết chúng và, hơn thế nữa, tôi không biết liệu những gì mình cảm thấy có giá trị gì không và có đáng được phát biểu thành lời hay không.

Tôi đã quên tên nhạc công piano. Tôi chỉ còn nhớ những màu sắc tươi chói của cái vỏ, và về chính cái đĩa, rất dày và mang toàn bộ sức nặng của bí ẩn mà nó lan tỏa.

Trong bộ sưu tập đó, có một dĩa hát của Nat King Cole và một dĩa khác của Bing Crosby. Chúng tôi thường xuyên nghe chúng, Shimamoto-san và tôi. Đĩa Crosby có những bài hát Giáng sinh, nhưng chúng tôi bật nó không mệt mỏi vào các mùa. Giờ đây tôi thấy chuyện đó thật lạ thường.

Một ngày tháng Chạp, khi Giáng sinh sắp đến, tôi ngồi cùng Shimamoto-san trong phòng khách của bố mẹ cô. Ngồi trên sofa, chúng tôi nghe các đĩa nhạc như thường lệ; mẹ cô dã ra ngoài đi chợ, chỉ còn lại chúng tôi trong nhà. Đó là một chiều mùa đông u tối và nhiều mây. Ánh sáng chiếu xuống qua một lớp mây thấp như thể được bao phủ một tấm màn bụi mỏng. Đường viền của những thứ đồ vật bao quanh chúng tôi mờ đi, bất động. Căn phòng tối như vào ban đêm. Tôi nhớ là không hề có đèn, chỉ có ánh sáng của lò sưởi hắt đỏ lên tường. Nat King Cole đang hát Pretned. Tất nhiên, tôi hoàn toàn không hiểu lời tiếng Anh; với tôi, nó chỉ là những lời niệm chú, nhưng tôi thích bài hát đó, và tôi đã nghe nó nhiều lần đến mức có thể nhớ được lời từ đầu đến cuối:

Pretend you’re happy when you’re blue

It isn’t very hard to do…

Giờ đây, dĩ nhiên, tôi biết câu đó có nghĩa là: “Vờ hạnh phúc khi ta buồn chẳng phải là điều quá khó.” Hẳn đó là một cách nhìn cuộc sống, nhưng đôi khi thật khó làm được như vậy.

Bài hát đó luôn làm tôi nghĩ đến nụ cười đầy quyến rũ của Shimamoto-san. Ngày hôm đó, cô mặc một cái áo pull màu xanh cổ tròn. Hẳn là cô rất thích những chiếc áo pull màu xanh: cô có cả một tủ áo xanh. Hoặc là có thể để luôn có quần áo hợp màu với cái áo khoác xanh thoáng phía sau cổ áo pull. Cô mặc một cái jupe kẻ carô và đi tất côtông màu trắng. Áo pull mềm khuôn chặt theo ngực cô, để lộ những đường nét bắt đầu hình thành. Cô xếp hai bàn chân lên sofa và ngồi lên đó. Một khủy tay đặt lên thành ghế, cô nghe nhạc như thể đang ngắm nhìn một khung cảnh xa xôi.

- Theo cậu, nếu bố mẹ chỉ sinh một đứa con, thì có nhất thiết là vì họ không hòa thuận với nhau không? Đột nhiên cô hỏi.

Tôi ngẫm nghĩ một lúc nhưng không hiểu gì lắm.

- Cậu nghe ai nói thế?

- Một ai đó, lâu rồi. Các bố mẹ không hòa thuận với nhau thường chỉ sinh một đứa con. Nghe thế tớ buồn lắm.

- Humm, tôi lên tiếng.

- Bố mẹ cậu có hòa thuận không?

Tôi không trả lời ngay được: chưa bao giờ tôi nghĩ đến vấn đề đó.

- Sức khỏe mẹ tớ không tốt lắm. Tớ nghĩ là sinh thêm một đứa con nữa sẽ rất mệt, chính vì thế mà tớ chỉ có một mình.

- Cậu không thích có em trai hoặc em gái à?

- Tớ chưa bao giờ nghĩ đến điều đó.

- Tại sao? Tại sao không bao giờ cậu nghĩ đến điều đó?

Tôi cầm vỏ đĩa để trên bàn và cố đọc những gì viết ở đó, nhưng trong phòng quá tối. Tôi đặt nó lại xuống bàn, lấy tay dụi mắt nhiều lần. Mẹ tôi đã từng hỏi tôi câu đó. Câu trả lời của tôi khi đó không làm bà vui cũng không làm bà buồn. Bà chỉ hơi có vẻ ngạc nhiên. Nhưng ít nhất thì tôi cũng đã trung thực và thẳng thắn.

Tôi đã nói rất lâu, không sao diễn đạt được một cách chính xác những điểm quan trọng. Nhưng điều mà tôi thực sự muốn nói là: “Con vẫn lớn lên không anh chị em; nếu có họ con sẽ không giống như con bây giờ, vì thế mà con không bao giờ tự hỏi mình muốn có anh chị em hay không.” Trong mắt tôi câu hỏi của mẹ tôi hoàn toàn không có nghĩa.

Tôi trả lời tương tự như vậy cho Shimamoto-san. Cô chăm chăm nhìn tôi. Khuôn mặt cô choán lấy tâm trí tôi. Trong biểu hiện của nó – tất nhiên mãi sau này khi suy nghĩ tôi mới phát hiện được – có cái gì đó đầy nhục cảm và quyến rũ, như thể cô đang dịu dàng nhấc từng lớp da mỏng bao quanh một trái tim. Giờ đây vẫn vậy, tôi vẫn nhớ như in cái ánh sáng nhẹ hiện ra ở đáy đôi đồng tử và trên cặp môi mịn màng của cô, đi kèm với từng biến đổi vẻ ngoài dù là nhỏ nhất như ngọn lửa của một cây nến nhỏ đang run rẩy cháy ở góc một căn phòng tối.

- Tớ nghĩ tớ hiểu điều cậu muốn nói, cô lấy giọng đầy tư lự của một người lớn.

- Thế à?

- Hmm. Trong cuộc sống có những điều người ta có thể thay đổi và những điều không thể. Ví dụ như thời gian là thứ không thể lấy lại được. Không thể quay lại quá khứ. Cậu đồng ý với tớ chứ?

Tôi gật đầu.

- Với thời gian, nhiều thứ cố định lại, giống như xi măng bám cứng vào thành bên trong của một cái xô, và người ta không còn có thể quay ngược trở lại nữa. “Cậu” của bây giờ đã bị đông cứng lại như xi măng, và cậu không thể nào khác được với cậu của ngày hôm nay, đó là điều mà cậu muốn nói.

- Phải, chắc là như thế đấy, tôi trả lời, không chắc chắn lắm

Shimamoto-san cúi nhìn bàn tay mình một lúc lâu.

- Còn tớ, cậu biết không, có những lúc tớ nghĩ đến khi tớ lớn, đến khi tớ lấy chồng. Tớ tự hỏi không biết mình sẽ thích sống trong kiểu nhà nào, mình sẽ làm gì, tất cả những cái đó… Mình sẽ có bao nhiêu đứa con…

- Hả? tôi ngạc nhiên.

- Cậu không bao giờ nghĩ đến à?

Tôi lắc đầu. Một thằng con trai mười hai tuổi không có những mối bận tâm đó.

Thế cậu đã quyết định là sẽ có bao nhiêu con chưa? Tôi hỏi cô.

Cô nhấc tay lên khỏi thành sofa và đặt lên đầu gối. Tôi lơ đãng nhìn những ngón tay cô di theo những đường kẻ carô trên cái jupe. Cử động đó dường như mang dấu ấn của một điều bí ẩn, như thể một sợi dây mảnh và trong suốt thoát ra từ đầu những ngón tay của cô dệt nên một thời gian còn chưa xảy đến. Khi nhắm mắt vào, tôi có thể nhìn thấy những cơn lốc đang bắt đầu khởi lên trong bóng tối, rồi biến mất không một tiếng động. Từ xa tôi nghe tiếng Nat King Cole đang hát South of the Border. Dĩ nhiên là bài hát nói về nước Mêxicô, nhưng khi đó tôi còn chưa biết. Tôi chỉ cảm thấy âm hưởng kỳ lạ của những từ đó: “phía Nam biên giới”. Mỗi lần nghe bài hát đó, tôi lại tự hỏi không biết có gì ở “phía Nam biên giới”. Tôi mở mắt: hai bàn tay của Shimamoto-san vẫn di di trên cái jupe. Một cảm giác đau nhói và ngọt ngào kỳ lạ xuất hiện tận sâu trong con người tôi.

Lạ thật đấy, cô nói, tớ chỉ có thể tưởng tượng là mình sẽ có một đứa con duy nhất. Tớ có thể nghĩ mình là bà mẹ trong một gia đình có một đứa con, cái đó thì được, nhưng nó sẽ không có anh chị em gì hết. Lúc nào cũng là đứa con một.

Shimamoto-san là một cô bé rất người lớn, điều đó rất rõ ràng, và tôi chắc là cô có đem lòng yêu tôi. Tôi cũng cảm thấy cô rất hấp dẫn, nhưng không biết làm gì với tình cảm đó. Cũng như cô, chắc chắn rồi. Một lần, một lần duy nhất, cô cầm tay tôi. Cô muốn chỉ hướng cho tôi nên nắm lấy tay tôi nói: “Nhanh lên, phía này!” Những ngón tay của chúng tôi quấn vào nhau chỉ chừng mười giây, nhưng tôi ngỡ như phải kéo dài đến nửa giờ. Và, khi cô buông tay tôi ra, tôi thấy tiếc là cô đã không cầm nó lâu hơn. Và rồi tôi hoàn toàn hiểu cử chỉ của cô là bột phát, nhưng tôi cũng hiểu cô muốn biết sẽ cảm thấy gì khi cầm tay tôi.

Giờ đây vẫn vậy, tôi còn nhớ thật rành mạch cái cảm giác vô cùng khác biệt với tất cả những gì tôi từng biết đến cho đến khi đó. Chỉ đơn giản là nắm tay ấm của một cô bé mười hai tuổi. Nhưng ở bên trong năm ngón tay và lòng bàn tay đó, giống như một cái hộp đựng hàng mẫu, có tất cả những gì mà tôi muốn và tất cả những gì tôi phải biết về cuộc đời. Chính cô đã dạy tôi, bằng cách nắm tay tôi, rằng có tồn tại một nơi toàn vẹn ở ngay chính giữa của hiện thực. Trong mười giây đó, tôi cảm thấy mình trở thành một con chim nhỏ hoàn hảo. Tôi bay trên trời, đón gió lẩn vào từng sợi lông. Từ trên trời, tôi ngắm nhìn những cảnh tượng xa xôi. Ngay cả khi chúng quá xa để có thể nhìn chính xác có gì ở đó, từ nay tôi đã biết là chúng tồn tại. Rồi một ngày tôi sẽ có thể đi đến đó. Sự thật này khiến tôi thấy ngạt thở, ngực rung lên.

Khi về đến nhà, tôi ngồi xuống bàn và ngắm nhìn thật lâu bàn tay mà Shimamoto-san vừa cầm. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì cô đã làm vậy. Sự đụng chạm mềm mại làm trái tim tôi ấm lên suốt nhiều ngày sau đó. Nhưng, cùng lúc, tôi thấy xáo trộn, bối rối, nhớ nhung, thậm chí còn buồn bã. Tôi không biết phải làm gì với cảm giác đó, đối xử với nó như thế nào.

Khi học xong cấp một, Shimamoto-san và tôi vào hai trường cấp hai khác nhau. Bố mẹ tôi phải rời khỏi ngôi nhà nơi chúng tôi ở cho đến lúc đó, và chuyển đến một thành phố khác. Nơi ở mới của chúng tôi chỉ cách chỗ cũ hai bến tàu, nên tôi có thể về thăm Shimamoto-san nhiều lần. Tôi đến gặp cô ba hay bốn lần trong ba tháng sau khi chuyển nhà, rồi những chuyến viếng thăm của tôi ngừng lại. Chúng tôi đang trải qua một giai đoạn tế nhị. Tôi thấy thế giới của chúng tôi giờ đây khác nhau hoàn toàn, chỉ đơn giản vì chúng tôi không còn học cùng trường và có hai ga tàu chia cách chúng tôi. Kể từ nay, chúng tôi không có bạn bè chung, đồng phục chung, sách học chung. Cơ thể tôi, giọng nói của tôi, sự nhạy cảm của tôi, toàn bộ con người tôi đang biến đổi một cách đột ngột, và khoảng không gian thân mật ngày xưa từng có giữa cô và tôi đã đột nhiên trở nên bất tiện. Có thể cũng vì Shimamoto-san lớn nhanh hơn tôi, cả về cơ thể lẫn tinh thần. Mặt khác tôi nhận ra là mẹ cô nhìn tôi theo một cách rất lạ. Như thể bà đang tự nhủ: “Tại sao thằng bé này vẫn tiếp tục đến thăm con gái mình một cách thường xuyên đến thế, mà nó có còn sống ở khu này nữa đâu và đã đi học ở một trường khác rồi?” Có thể là tôi đã quá nhạy cảm. Dù thế nào đi nữa, vào thời đó, cái nhìn của mẹ cô làm tôi không thoải mái.

Những cuộc viếng thăm của tôi trở nên hiếm hoi, rồi dừng lại. Hẳn đó là một sai lầm (tôi buộc phải thêm từ hẳn vào, vì tôi không định nhất quyết điều gì là đúng hay không, trong khi nhìn lại cái khoảnh khắc ký ức mà người ta gọi là quá khứ đó). Lẽ ra tôi phải cố giữ quan hệ gần gũi với Shimamoto-san. Tôi cần cô, và cô cũng vậy, tôi tin thế, cô cũng cần tôi. Nhưng tôi có quá nhiều ý thức về mình, tôi quá sợ bị tổn thương. Rất lâu, rất lâu sau này tôi mới gặp lại cô.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã thôi không còn đến thăm cô nữa, tôi vẫn tiếp tục tiếc nuối nghĩ đến cô. Trong cái giai đọan buồn bã và rối bời có tên tuổi niên thiếu đó, ký ức nóng bỏng về Shimamoto-san đã thường xuyên khích lệ tôi, đôi khi cả an ủi tôi nữa. Trong một thời gian dài, cô giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Một vị trí chỉ để dành cho cô, như một cái bàn khuất trong một quán ăn có biển “Đặt trước” ở trên. Thế nhưng khi đó tôi đã nghĩ sẽ không bao giờ còn gặp lại cô.

Thời gian khi chúng tôi còn hay gặp nhau, tôi mới mười hai tuổi và còn chưa biết đến ham muốn tình dục. Dĩ nhiên là tôi cảm thấy một mối quan tâm mơ hồ đối với chỗ phồng lên ở ngực cô và đối với cái ẩn giấu bên dưới cái jupe của cô. Nhưng tôi không biết điều đó thật sự có ý nghĩa gì, và càng không biết những xung động đó có thể dẫn đến điều cụ thể nào. Chỉ đơn giản là tôi dỏng tai lên, tôi nhắm mắt lại và, bất động, tôi tìm cách đoán định điều đó. Đó là một cảnh tượng được vẽ phác, đường nét mơ hồ, như thể bị lẫn vào trong màn sương. Ở nơi đó ẩn giấu một điều gì đó vô cùng quan trọng với tôi, tôi cảm thấy được nó. Và Shimamoto-san cùng quan sát cảnh tượng đó với tôi, tôi biết.

Có thể là cả hai chúng tôi, khi đó vẫn còn là những sinh vật đang trong quá trình ghép thành hình, mới chỉ bắt đầu cảm thấy những tiền đề của một thực tế mới mẻ sẽ làm tràn đầy con người chúng tôi và biến chúng tôi trở thành những con người toàn vẹn. Chúng tôi đang đứng trước một cánh cửa dẫn đến cuộc phiêu lưu mới mẻ đó. Chỉ có hai chúng tôi, trong một làn ánh sáng mơ hồ, tay trong tay, nhưng chỉ trong mười giây ngắn ngủi.