Gibraltar
Người nhận: Ông bà Percival Wetherby
Park House
Miền trung Wallop
Hampshire
Ngày 21 tháng Mười năm 1928
Bố mẹ kính yêu của con,
Chúng con đã cập cảng Gibraltar, tàu sẽ chỉ neo lại đây chừng một tiếng đồng hồ, con tranh thủ thời gian viết vài dòng về cho gia đình.
Khi viết những dòng này, con đang nằm trên giường của mình - Tor đang ngủ - và vừa mới đọc xong cuốn sách thành ngữ Tây Ban Nha. Từng câu từng chữ trong cuốn sách vẫn hiển hiện trong đầu con: Gracias a la vida que me la dado tanto. (Cảm ơn cuộc đời đã cho con nhiều đến thế). Thật thú vị, phải không bố, mẹ? Câu thành ngữ khiến con nhớ lại những điều tốt đẹp mà bố mẹ đã dạy cho con từ những ngày còn tấm bé: không chỉ một mái ấm để nuôi dưỡng mình nên người ở Park House, còn là những chú ngựa Pony đáng yêu, lũ chó lúc nào cũng bắng nhắng khắp mọi ngóc ngách của ngôi nhà, là những chuyến dã ngoại cắm trại lý thú, quãng thời gian gia đình mình bên nhau mới tuyệt vời làm sao!
Con hy vọng mẹ và bố đừng buồn khi không còn cô nàng ếch xanh bé bỏng Froggie sớm hôm bầu bạn bên cạnh hai người, nhưng mẹ và bố phải vui lên, bởi cô nàng đang rất hạnh phúc với viễn cảnh tốt đẹp đang chờ đón mình ở phía trước. Tor và con đang có những khoảnh khắc tuyệt vời bên nhau.
Hành khách đi chung ở khoang hạng nhất khá dễ chịu, và làm ơn, mẹ đừng quá lo lắng khi thấy chị Holloway còn quá trẻ để làm một bảo mẫu tận tụy. Chị ấy rất dễ thương, luôn để mắt đến chúng con, và quan trọng hơn cả, Holloway hiểu rõ Ấn Độ như lòng bàn tay bởi chị ấy từng lớn lên ở đấy. Hằng đêm trên con tàu đều diễn ra những buổi tiệc, những chương trình giải trí đứng đắn và có kiểm soát, rất dễ dàng để bọn con tìm thấy những nơi ấy. Một trong những người bạn mới đáng yêu nhất của Tor và con là Nigel, cậu ấy đang làm công việc của một nhân viên bưu điện ở khu vực miền Tây Ấn Độ. Nigel khá trầm tính, nhưng rất thông minh và cực kỳ hài hước. Không giống như đa số hành khách trên con tàu Kaiser này, trái tim cậu ấy đang từng giây từng phút run rẩy mỗi khi tiến gần đến cố hương, trở về với mảnh đất quê nhà nơi Nigel từng nhiều năm gắn bó, lần này cậu muốn được ở lại mãi mãi. Cậu ấy kể năm ngoái có một người đàn ông bản xứ nơi Nigel đang làm việc đến gặp cậu với một bên tai của vợ ông ta gói trong một mẩu giấy báo, người đàn ông bản xứ ấy trong một cơn ghen tuông giận dữ đã điên cuồng cắt phăng một bên tai vợ mình, đến khi tỉnh giận, ông ta đã hối hận tột độ và tìm gặp Nigel để nhờ cậu chắp lại vành tai cho vợ mình!
Hành khách đi trên chuyến tàu còn có những người quản lý đồn điền trồng chè, sĩ quan quân đội, trẻ con và vú em của chúng.
Bọn con còn gặp Jane Burrell (rất bắng nhắng) đi cùng ba người bạn của cô ấy. Frank, viên bác sĩ mà bọn con làm quen trên chuyến tàu, một người chân thành và đáng tin cậy, anh ấy sang Ấn Độ để thực hiện một vài cuộc nghiên cứu về bệnh sốt rét. Con không thể nhớ chính xác đề tài của viên bác sĩ là gì, nhưng quả thật đấy là những kiến thức khoa học chưa bao giờ con nghe nói đến. Anh ấy luôn để mắt đến bọn con và kể cho cả hai nghe về những cuộc tự sát diễn ra trong lòng đại dương, cả những chiến dịch được thực hiện trong những cơn bão có gió mạnh lên tới cấp chín. Một bác sĩ vui tính và khá điển trai. Con nghĩ Tor đã chú ý đến anh chàng này!
Sau đấy.
Xin lỗi, vẫn chưa hết! Con sẽ gửi bằng đường bưu điện ở Malta.
Nhóm tám người bọn con đã lên bờ, mọi người ở đây đều đổ dồn vào bọn con. Frank (viên bác sĩ) dẫn cả bọn vào một nhà hàng khá lớn ven cảng, sàn nhà vương vãi những mùn cưa và một cô gái Tây Ban Nha khá đẫy đà chao đảo chạy bàn trên đôi xăng-đan bé tí của mình như thể đang làm xiếc.
Khi bọn con rời khỏi nhà hàng thì bên ngoài đã sẩm tối, con và Tor cùng đám đông thực khách chung chuyến tàu thong thả tản bộ hướng về bến cảng. Từ đằng xa con có thể nhìn thấy những quầng sáng chói lọi từ những ngọn đèn đủ màu sắc trên bến cảng hắt đến, cả những giai điệu du dương phảng phất đâu đó theo làn gió khẽ khàng lọt vào tai con, những giai điệu và màu sắc của những ngọn đèn như thôi thúc bước chân con tiến về phía trước, chúng khiến tâm hồn con thư thái lạ kỳ, và cuộc đời tuyệt diệu mới đáng sống làm sao.
Mẹ thân yêu!
Con cần sự giúp đỡ của mẹ. Chẳng là con đang nghiền ngẫm cuốn sách nghi thức hôn lễ, con có cảm giác mình như một trái bóng đang nhanh chóng bị xì hơi khi đọc nó. Như đoạn này chẳng hạn, người ta bảo ngôn từ thường là những thứ lỗi thời nhưng nếu phải chuẩn bị nướng một cái bánh mì dành cho một ai đấy, thì nó chắc chắn phải được dành cho một người bạn cũ thân thiết. Con nên hỏi ai bây giờ? Ci Ci Mallinson thì gần như xa lạ, chắc chắn sẽ không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Mẹ có thể viết thư hỏi Jack hộ con không? Liệu ở Ấn Độ, việc cô dâu phải tham gia vào bữa sáng trong ngày đính hôn có phải là một nghi thức có tính bắt buộc? Theo mẹ thì con có nên mặc chiếc váy lụa màu hồng nhạt có đính nhiễu trong buổi sáng hôm ấy, hay chỉ cần một bộ nào khác đơn giản hơn thôi?
Mẹ hãy trả lời cho con và gửi theo địa chỉ tới Văn phòng của Cook, số 15 đại lộ Sultan Hussein, cảng Port Said. Hoặc giả mẹ cũng có thể đánh điện tín trực tiếp tới đấy cho con. Tiếng chuông báo hiệu kết thúc bữa sáng đã điểm, tiếng chân người đang hối hả gấp gáp qua lại trên sàn tàu, sát ngay trên đầu con.
Nhớ hồi âm cho con sớm. Cho con gửi một nụ hôn thật dài tới chú thỏ Copper yêu quý và một nắm cà rốt cho chú.
Nhớ và yêu rất nhiều,
Rose.
Viết xong bức thư, cô ngã ra giường ngủ, đầu óc miên man về người bố thân yêu, cả chuyến cắm trại dã ngoại mà hai bố con cô đã tham gia vào mùa hè năm ngoái.
Hôm ấy bố đã dẫn cô đi câu tại một con suối đầy ắp cá hồi chảy ngang qua làng Crickhowell, thuộc xứ Wales, nơi bố cô rất yêu thích và đã nhiều lần đến đây suốt nhiều năm qua. Mọi vật dụng cá nhân cần thiết cho chuyến dã ngoại được bố chất đầy ở khoang sau chiếc Daimler già nua cũ kỹ của ông. Những ngày ấy Rose đã lờ mờ ý thức được đôi chút về bản thân, cô muốn mình phải dũng cảm như anh trai Simon - người anh trai mà bố cô đã đau đớn đến nhường nào khi hay tin Simon hy sinh - nhưng trong chuyến du ngoạn cuối cùng ấy, chỉ còn lại hai bố con cô bên nhau, cảnh vật đã thay đổi. Ông tâm sự rằng cả cuộc đời mình, ông chỉ có một ao ước, ao ước đến tột bậc, hơn tất thảy mọi điều quý giá khác trên cõi đời này, ấy là cô con gái thân yêu của mình tìm được đức lang quân xứng đáng. Rose im lặng lắng nghe như nuốt từng lời của bố, lòng đầy lo âu, giọng ông run rẩy, đầy ắp cảm xúc khi nói với cô, rằng tìm được một tấm chồng xứng đáng là người quân tử chính là món quà tuyệt vời nhất của đời cô. Dứt lời, bố cúi đầu nhìn vào bếp củi, bóng ông cong cong trên chiếc ghế đẩu, đổ sụp lên mặt đất dưới ánh lửa sắp tàn. Để giờ đây, trên con tàu đang chòng chành giữa đại dương bao la sóng nước, tự trong sâu thẳm, Rose hiểu hơn bao giờ hết, rằng khi đặt chân đến Ấn Độ, nếu mọi chuyện không hoàn hảo một trăm phần trăm như cô vẫn hình dung, thì ngay lập tức Rose sẽ chẳng ngần ngại quay trở về với mái ấm của mình ở quê nhà, để che chở cho người bố thân yêu đang mỗi ngày một héo hon vì mòn mỏi đợi chờ và trông ngóng.