Phía Đông Mặt Trời

Chương 7

Vịnh Biscay

Đại dương: như một lòng chảo khổng lồ lóng lánh được viền bằng những lớp bọt biển trắng xóa, những tảng băng lững lờ trôi, tiếng gầm gào ì oàm thoang thoảng vị mặn của những con sóng. Mới đầu ở Tilbury còn nhuốm màu nâu đục, hệt như màu vỏ khoai tây bị gọt rời khỏi củ, giờ chỉ toàn một màu xanh thẫm đến nao lòng.

"KHÔNG ĐƯỢC VIẾT NHỮNG LỜI SÁO RỖNG", Viva Holloway nguệch ngoạc những chữ in hoa lên một trang tạp chí có bìa bọc da mới mua của cô. "KIẾM MỘT VIỆC GÌ ĐẤY THÍCH HỢP HƠN MÀ LÀM".

Thói quen viết những ghi chú tầm phào ra giấy của cô thường xuất hiện vào thời điểm Viva rơi vào trạng thái căng thẳng. Từ những ngày còn là một cô bé, cho đến những năm tháng ẩn mình trong trường nữ tu ở xứ Wales, cô thường tưởng tượng trong đầu những mệnh lệnh được phát ra từ người cha thân yêu của mình, ông Alexander Holloway, một kỹ sư hỏa xa, lìa trần ở Simla, người mỗi ngày vẫn dõi theo cô từ thiên đường, giám sát mọi động tĩnh của cô con gái bé bỏng. Nhiều năm về trước, ở London, dạo ấy Viva tròn mười tám tuổi, những mệnh lệnh ám ảnh vẫn tiếp tục ùa về trong đầu cô, tràn ngập những lời khuyên làm thế nào để tồn tại trong cái thành phố rộng lớn và tồi tệ ấy, không một người bà con thân thích, và Viva nghèo đến mức không thể nghèo hơn; ấy là quãng thời gian luôn mang lại những cơn rùng mình, cả những hối tiếc, một chút ngông cuồng của tuổi trẻ pha lẫn sự thương hại chính bản thân mình mỗi khi cô nhớ lại.

Viva lật sang trang khác.

"NHỮNG VIỆC CẦN LÀM Ở ẤN ĐỘ", cô tiếp tục nguệch ngoạc.

NGỒI VÀO BÀN VIẾT ÍT NHẤT MỘT TIẾNG RƯỠI MỖI NGÀY.

TÌM VIỆC LÀM NGAY LẬP TỨC, KHÔNG LÀM NGHỀ GIỮ TRẺ HOẶC LÀM NGƯỜI BẦU BẠN TÂM SỰ THUÊ.

VIẾT THƯ CHO MABEL WAGHORN VỀ VIỆC ĐẾN NHẬN NHỮNG CHIẾC RƯƠNG CỦA GIA ĐÌNH.

"Mình sẽ KHÔNG đi Simla", cô nhấn mạnh ý nghĩ trong đầu bằng cách viết ra bên lề, "cho đến khi mình kiếm đủ tiền để làm việc đó. MỘT KẾ HOẠCH TỒI TỆ!".


"PHI ĐỘI BUÔNG CÂU, tác giả Viva Holloway", cô bắt đầu viết những chữ in hoa đầu tiên, miệng cắn chặt nắp bút, Viva tô vẽ trang trí thêm những đường diềm uốn lượn men theo hai chữ cái P&B của tựa đề mà cô vừa viết ra.

"Có ba phụ nữ đi trên chuyến tàu mang tên Kaiser-i-Hind", cô bắt đầu dòng đầu tiên.

Viva ngừng viết, ngẩng đầu nhìn ra đại dương bao la, cố gắng suy nghĩ xem liệu mình nên gửi bài viết bằng thư tay hay đánh điện gửi thẳng trực tiếp, như thế thì tốn kém quá. Đích đến cuối cùng của bài báo sẽ là một căn buồng vừa để ngủ vừa dùng để tiếp khách chật chội và tồi tàn ở Bloomsbury, nơi tờ Tiếng nói, một tạp chí bênh vực nữ quyền được hai chị em nhà Thyme, Violet và Fiona, rất nổi đình nổi đám trong các cuộc đấu tranh đòi quyền đi bầu cử cho phụ nữ Anh sáng lập, đóng trụ sở. Viva biết đến Tiếng nói nhờ bà chủ Driver giới thiệu.

Nếu những người biên tập ở tờ Tiếng nói thích câu chuyện của cô, họ sẽ trả cho Viva một khoản nhuận bút khoảng mười bảng cho một ngàn từ. "Quên những câu chuyện liên quan đến săn voi và đồ gia vị đi", Violet, một trong hai người sáng lập tờ Tiếng nói, từng có thời gian ngồi tù chung với Emily Pankhurst, một phụ nữ với tẩu thuốc lúc nào cũng gắn trên môi, tuyên bố với Viva. "Hãy tập trung vào những vấn đề mà những phụ nữ trong cuộc hành trình đến Ấn Độ thực sự gặp phải, đặc biệt là suy nghĩ của bọn họ khi giấc mơ sụp đổ".

"Trướt hết", Viva viết, "những memsahib - tiếng Hindi, có nghĩa là "bà chủ" - tất cả những bà chủ đến từ Châu Âu đang có mặt trên chuyến tàu đều ngồi ở ghế hạng nhất". ("kiểm tra xem liệu có ai đi vé hạng hai", cô viết vội câu nhắc nhở lên lề trang báo do chưa có thời gian kiểm chứng nhằm để nhắc nhở chính mình).

Tôi đã được diện kiến bọn họ trong phòng ăn sang trọng của con tàu, những chiếc lông chim trang trí trên những chiếc mũ khá bắt mắt, rất đa dạng - nhiều quý cô thích tô vẽ bằng những chiếc lông chim xơ xác có xuất xứ từ tỉnh lẻ: kết hợp với vải len thô xám xịt, váy lụa thẫm màu vỏ khoai tây, xỏ đôi bàn chân trong những chiếc tất dày cộp trước khi giấu kín chúng trong những đôi giày đáp ứng đầy đủ yêu cầu ăn chắc mặc bền. Nhiều cô phản ứng cứ như thể trái tim họ đang tan vỡ bởi một Ấn Độ xa xôi trong tưởng tượng.

Cũng có nhiều quý cô cực kỳ thanh lịch và sang trọng, có thể những quý cô này biết bọn họ sẽ có nhiều việc khác để làm khi đến đấy, ngoài chuyện vui chơi ở các câu lạc bộ, sân tennis hay những cuộc đi săn, nơi những đám người bé nhỏ với ngoại hình giống hệt nhau sẽ dán cặp mắt chim ưng như bị thôi miên, bị quyến rũ vào bọn họ, những cô gái đã quyết định sẽ không để bị gạt sang một bên trong các cuộc đua tranh trình diễn thời trang phù phiếm.

Ngay sau đây, chúng ta sẽ lại bắt gặp các quý cô lẳng lơ trẻ tuổi lúc nào cũng sẵn sàng bị kích thích, những quý cô tạo thành cái câu lạc bộ được người đời mỉa mai gọi họ bằng một cái tên hết sức tàn nhẫn, Phi đội Buông câu. Họ đến Ấn Độ với mục đích tìm kiếm các đức lang quân, mang theo bên mình những chiếc lưỡi câu đã được đính mồi có từ những năm đầu thế kỷ XIX.

("CHÍNH XÁC THÌ KHI NÀO CÓ ĐIỀU KIỆN, MÌNH PHẢI TRÒ CHUYỆN CÙNG BỌN HỌ", cô nguệch ngoạc bên lề).

Hầu hết họ có mặt ở đây sau khi nhận thấy London đã hết thời cơ dành cho bọn họ, và ở những nơi, có lẽ, bọn họ đã ngã xuống trước thành trì vững chãi của cái gọi là thị trường môi giới hôn nhân đượm mùi son phấn. Ấn Độ, nơi những người đàn ông thuộc tầng lớp dành cho các quý cô ấy chiếm một tỷ lệ khá lớn, ba chọn một, sẽ là cơ hội cuối cùng để các quý cô có thể kiếm được một tấm chồng.

Viva đặt bút xuống bàn và bắt đầu suy nghĩ về Rose, một thiếu nữ yêu kiều như những bông violet tím dại xứ Devon, một cô gái - Tor hoàn toàn chính xác - có vẻ đẹp làm say đắm lòng người. Rose là hiện thân của nét thơ ngây trong trắng đặc biệt của nước Anh: làn da trắng muốt, vẻ e ấp đầy quyến rũ, luôn thẹn thùng ngơ ngác trước đám đàn ông.

Với một số người, chuyến hải trình lần này đã trở thành một cơn ác mộng thực sự: Những con tàu to lớn như thế này đã mang theo những con người từng có lần chạm mặt thần chết ở Cawnpore đến với Ấn Độ. Nhiều người sẽ nhanh chóng nhận ra điều gì khiến họ thực sự muốn đâm đầu vào cõi chết dưới cái nóng của mặt trời nơi đây; hoặc giả họ sẽ dính đạn, tồi tệ hơn, lũ trẻ của bọn họ sẽ lìa đời bởi những căn bệnh nhiệt đới, nhẹ hơn, mảnh đất này sẽ đánh cắp tuổi thanh xuân, trí minh mẫn cùng cơ hội học hành của họ một cách nhanh chóng.


Viva đặt bút xuống. Đã đến, tất nhiên, thời điểm để kể về cái chết của cha cô, một cách tự nhiên nhất. Hoặc cô có thể lựa chọn không kể. Kinh nghiệm cuộc đời đã dạy cô, rằng tiết lộ bí mật nghĩa là bạn đang chịu đựng sự thương vay khóc mướn từ người khác, sự lúng túng của bọn họ, những bản kê khai dài dặng dặc của những con người hiểu hơn ai hết đang tồn tại những kẻ đã đánh mất người thân yêu của mình ở những đất nước xa xôi, hoặc giả, tồi tệ đến mức không thể tồi tệ hơn, những nỗ lực hướng đến những phạm trù đạo đức cao cả sẽ giúp bọn họ có ý thức trước vấn đề. Vả lại, câu chuyện về một vụ tai nạn xe hơi giờ đây qua giọng kể của cô có vẻ dễ dàng đến mức người đọc có cảm giác đấy là một câu chuyện hoàn toàn có thật.

Rồi cũng đến đám phụ nữ rơi vào tình cảnh hệt như tôi lúc này: những người đàn bà cô đơn, không một quý ngài chờ đợi, không nguyện ước với bất kỳ ai, những con người yêu mến đất nước Ấn Độ xa xôi và mong muốn đến đấy để làm việc. Các bạn thấy đấy, chưa có ai viết về những con người này - những nữ gia sư, tầng lớp giáo viên, các cô bảo mẫu - nhưng chúng tôi sẽ có những câu chuyện thú vị để kể cho các bạn nghe về mình.

"Đúng không nhỉ? Mong muốn đến đấy để làm việc?????", cô nguệch ngoạc từng chữ, tự vấn chính mình. Tốt thôi, sẽ làm việc ngay từ bây giờ. Cô sẽ mô tả lại bộ cánh của bọn họ, thứ được gọi là quần áo lỗi thời cô đang khoác trên người. Giờ cô quay trở lại với bộ váy áo may bằng loại vải len xù xì dày cộm của bà Driver. Buổi sáng hôm ấy cô đã quay lại trong bộ váy áo của bà, một chiếc váy màu hồng phấn, lưng may theo kiểu váy ba-lê viền bằng loại vải sẫm màu, bước ra khỏi trường học với một chiếc vòng bạc xấu kinh khủng lủng lắng trên cổ, chút trang sức được thừa hưởng từ mẹ cô.

Viva gục đầu vào một thanh chắn ngang và ngồi yên cho đến khi cô cảm thấy nhẹ nhõm hơn đôi chút, những câu văn vừa định viết ra trước đây giờ chòng chành trong đầu cô, thoắt ẩn thoắt hiện như chế giễu, như nhạo báng, thế giới quanh chỗ cô ngồi quay cuồng từng đợt không ngớt. "Các bạn thấy đấy, tôi có mặt trên đời này không phải để dành cho một cuộc hôn nhân, tôi được tạo ra để khoác ba lô trên vai và lên đường".

Khi Viva đứng dậy, bầu trời lúc này như một tấm màn màu xám khổng lồ, đôi chỗ điểm vài vệt son vàng pha lẫn tím sẫm ở cuối những vệt mây, và những con sóng vẫn không ngớt cuộn lên, gầm gào từng đợt tưởng chừng đến bất tận. Màn đêm đang dần buông, chút ánh sáng ít ỏi còn lại của ngày đang từ từ biến mất. Tiếng cười nói cùng với tiếng dương cầm từ đâu đó dưới khoang tàu lọt vào tai cô, những âm thanh vui vẻ và dịu dàng ấy lọt thỏm giữa muôn ngàn tiếng gầm rú của những cơn sóng.

Lần thứ hai ngẩng đầu lên nhìn ra xung quanh, Viva nhìn thấy Guy Glover đang ngồi trên một chiếc ghế xếp đặt cạnh một ô cửa kính đóng chặt ngăn không cho những cơn gió biển hoang dại từ ngoài khơi ào đến thốc thẳng vào người thằng bé. Nó mặc một chiếc áo bành tô màu đen, điếu thuốc leo lét vẽ thành một nhành khói lả lướt vươn lên từ giữa hai ngón tay kẹp chặt. Khi Guy bắt gặp ánh mắt Viva đang nhìn mình, nó dán mắt chằm chằm vào cô một hồi lâu rồi thản nhiên nhét điếu thuốc cháy dở vào miệng, đôi mắt nó nhìn cô như muốn nói, thử cố ngăn tôi đi. Rồi nó rít một hơi thật dài và khoan khoái nhả những màn khói trắng xóa, đôi môi nó chu lên như một chú cá mòi tí hon, những cơn gió nhanh chóng cuốn đám khói thuốc do nó phả ra về trời. Hút xong, nó thản nhiên dí đọt thuốc xuống dưới gót chân và thong dong rảo bước ngang qua chỗ cô ngồi. Thật đáng thương, Viva trộm nghĩ, giấu mình trong chiếc áo choàng đen quá khổ ấy, nó đang cố gắng hết mình để trở thành cái gì? Có lẽ nó đang cố biến mình thành nhân vật Valentino trong bộ phim Anh chàng đào hoa, với áo choàng tay trần và dao găm nhét trong ủng, hoặc có thể nó đang cố học đòi làm một tay chơi nửa mùa sau một đêm lênh đênh trên biển, cố gắng quyết định xem nên chọn trinh nữ nào giữa vô vàn trinh nữ có mặt trên con tàu sang trọng này để bế lên giường.

Nó chỉ là một đứa trẻ, Viva cố gắng trấn an mình, trước cái nhìn thách thức ném thẳng vào mặt của thằng bé, một đứa trẻ đầy tự ti và nghèo khổ. Không việc gì phải e ngại.

"Tôi muốn báo cho cô biết", nó gào lên như thể đang thi thố với những đợt sóng, "trên tàu này có vài người mà bố mẹ tôi hẳn sẽ muốn mình chào hỏi bọn họ khi gặp mặt, những con cừu đực khù khoắm đến từ Lucknow. Bọn chúng sẽ mời chúng ta vài ly trong phòng hòa nhạc vào tối mai. Tôi muốn cô cùng đi tới đấy".

Ái chà chà, nó còn tự nguyện mời mọc cô kia đấy.

"Tất nhiên", Viva trả lời, "có lẽ cậu, tôi và hai cô gái của chúng ta sẽ ăn tối cùng nhau trước đã. Nhóm chúng ta cần phải biết đôi chút về nhau".

Dứt lời, Viva tự hỏi liệu không biết cô có nên nhắc nhở hai cô bé phải luôn nhớ khóa chặt cửa buồng, bởi Guy là đứa từng có tiền sử bị đuổi học vì thói ăn cắp vặt.

Thằng bé nhìn Viva với thái độ không bình thường. "Tôi thà không làm như thế", nó nói. "Tôi không muốn ngồi chung bàn với những người khác".


"Tại sao?".

Một con sóng cuộn lên vỗ vào mạn tàu tạo ra những tiếng đì đùng nhấn chìm những lời Guy đang lầm bầm trong miệng.

"Tôi không nghe được gì cả", Viva hét lên.

"Bố mẹ tôi bảo chúng ta sẽ chỉ ăn tối cùng nhau, tôi và cô", nó gào lên như thể đang ném cơn thịnh nộ vào mặt Viva khiến cô giật mình lùi ra sau một bước.

"Chúng ta sẽ bàn chuyện này sau chứ?", Viva cảm thấy mệt mỏi để có thể gào lên với thằng bé, hoặc giả cô đang phát sốt khi nghĩ đến vấn đề sắp tới, hai cô bé kia chắc chắn sẽ chẳng buồn quan tâm đến chuyện này.

"Tất nhiên rồi". Guy nhăn nhở với điệu bộ hết sức xấc xược rồi gân cổ gào lên câu gì đấy liên quan đến bố mẹ nó mà Viva không thể nghe rõ bởi tiếng rú rít long óc của những cơn gió đang vần vũ xoắn xoáy bên tai. Một thằng nhóc cực kỳ khó chịu, không còn gì phải nghi ngờ về điều này.

Dứt câu chuyện, Viva quay trở về khu vực buồng tàu dùng chung giữa cô và Snow, một giáo viên đang trên đường quay trở lại với công việc giảng dạy ở một ngôi trường gần Cochin. Hai người đã đồng ý chia nhau một buồng trên con tàu để tiết kiệm chi phí, nhưng vẫn chưa kịp chuyện trò gì nhiều để tìm hiểu về nhau.

Tâm trạng cô rối bời. Tại sao cô lại nhận lời gánh trên vai những trọng trách cao cả, đặc biệt, cuối cùng lại rơi đúng vào lúc khi cô bắt đầu nếm được mùi vị của sự độc lập?

Chắc chắn không phải cô đón nhận tất cả chỉ vì cơ hội được mở khóa chiếc rương cũ kỹ ấy - bà Waghorn đã không hề thẳng thắn khi đề cập đến những cơ hội cho cô tìm thấy những thứ cần tìm trong đấy - nhưng rõ ràng bà ta đã gieo vào đời cô một niềm hy vọng mong manh không dễ dàng từ bỏ. Tại sao?

Viva mơ màng để tâm trí mình quay về với không gian chật chội dưới tầng hầm ngôi nhà cũ kỹ bên cạnh khuôn viên quảng trường Nevern, chắc chắn, nơi ấy không phải là không gian đầy ắp niềm vui và hạnh phúc, chỉ một chiếc bếp hơi hình tròn, một chiếc giường chật chội. Nhưng dẫu sao, nơi ấy vẫn được gọi là nhà.

Phòng tắm dùng chung với viên quản lý thư viện già nua và một cô gái thường xuyên chờ đón các cuộc viếng thăm chóng vánh của các quý ông - hờ hững che chắn bởi một tấm mành cũ kỹ. Nơi ấy có một cái bồn tắm màu xanh nhờ nhờ màu sơn sờn cũ, lúc nào cũng ẩm ướt và những chiếc tất, ôi những chiếc tất nhàu nhĩ, lúc nào cũng tong tong rỉ rả những nước, cả mẩu xà phòng tắm nhầy nhụa cùng chiếc nồi hơi bằng sắt hoen rỉ hiệu Winterbourne, cái nồi hơi mà chỉ cần cô quẹt nhẹ một que diêm để làm nóng những bộ phận bên trong nó thì ngay lập tức một tiếng nổ đanh gọn như thể một tiểu núi lửa tỉnh giấc vang lên, và rồi chỉ sau ba phút hầm hập nóng như thiêu lại quay về lạnh căm như cũ.

Vào mùa đông, Viva vùi mình giữa một đống áo ấm chui đầu cùng những vạt áo choàng lượt thượt, huyết quản trong cơ thể cô dường như trở nên mỏng manh hơn kể từ dạo cô trở về từ Ấn Độ. Mỗi ngày cô vẫn bước chân ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng để làm những công việc tạm bợ đặng kiếm sống cho qua ngày, chỉ trở về căn phòng chật chội dưới tầng hầm cũ kỹ khi ngoài trời màn đêm đã duềnh dàng cùng mịt mờ sương mù giăng kín.

Một người già dặn có thể sẽ không bấn cấn nhiều đến tình cảnh khốn khổ như lúc này, nhưng với cô, đang ở thời thanh xuân căng tràn nhựa sống, vẫn phải từng ngày tự quyết định trước những tấn bi kịch của tồn tại, và sự độc lập đã như một hoạt chất gây nghiện. Không còn những phòng ngủ tập thể nơi trường học, không cả những không gian tạm bợ nơi những người bà con thân thuộc phải căng mình quyết định nên bỏ nên giữ những món đồ gì trong đấy chỉ để giúp cô có được một khoảng trống dù chật chội cho riêng mình. Căn phòng này là của cô. Với tất cả niềm háo hức phấn khích hệt như một đứa trẻ, cô đã sơn bốn vách tường bằng một màu hồng đầy mê hoặc. Trên chiếc giường đơn xộc xệch được kê gần chiếc lò sưởi cũ kỹ, là nơi cô đặt báu vật gia truyền duy nhất của mình lên đấy, một chiếc chăn bông được chắp vá từ những mảnh vải vụn đầy màu sắc một cách khéo léo, những vụn vải loại vẫn thường được sử dụng để may sari, thứ vải bóng loáng ánh lên những nét màu sắc tương phản của những viên đá quý: màu xanh ngọc, màu vàng tươi, màu hồng ngọc và màu lục bảo, với những đường viền được thêu tay đủ loại hình thù chim cá cực kỳ sống động. Chiếc chăn đã từng ủ ấm cho bố mẹ cô trong những năm tháng ở Simla, ở Nepal và Pakistan, theo chân gia đình cô đến tận ngôi nhà thuyền của họ ở Srinagar. Viva còn sở hữu một cây đèn bằng đồng thau, một ít dụng cụ làm bếp được cô giấu kín dưới gầm giường ("Không được đun nấu", tấm biển cấm treo dọc hành lang đã nói rõ như thế), những thùng sách xếp chồng lên nhau, cả những thùng giấy đánh máy và một chiếc máy đánh chữ hiệu Remington đặt ngay ngắn trên một chiếc rương hành lý. Học nghề thư ký là bước đường cùng, chỉ là một công việc tạm bợ. Nghề duy nhất cô muốn hơn tất thảy mọi nghề nghiệp khác trên đời này này chính là viết lách, làm một nhà văn. Mỗi đêm sau khi kết thúc công việc, cô quấn mình trong những chiếc áo dày cộp, khoan khoái lập lòe với điếu thuốc hiệu Abdullah trên môi, cô chỉ cho phép mình được hút ba điếu như vậy mỗi ngày, khẽ chạm tay vào bức tượng thần Ganesh tí hon bằng thủy tinh xanh - một vị thần Ấn Độ chở che cho giới văn sĩ khỏi những điều vụn vặt khác - trước khi cầm bút.


Cô tìm thấy niềm vui đầy ắp trong căn phòng chật chội ấy, giữa những tiếng lách tách đều đặn của phím chữ, tiếng lọc xọc xủng xoẻng thất thường vọng đến từ Winterbourne, khi hệ thống nhà tiêu công cộng tự động cuối cùng ấy được giật nước. Đến giữa đêm, uể oải và mệt mỏi, cô ngã vật xuống giường, vùi đầu giữa gối và nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ muộn màng.

Về sau, thông qua trung tâm môi giới nơi thuê Viva công việc đánh máy tạm thời, cô được giới thiệu đến làm việc cho bà Nancy Driver, một công việc thực thụ: một nhà văn chuyên viết về đề tài lãng mạn, hai trong số những tác phẩm của bà được viết ở Ấn Độ, nơi người chồng đã quá cố của Nancy từng là thiếu tá trực thuộc trung đoàn kỵ binh Ấn Độ. Bà Driver luôn mất khá nhiều thời gian cho việc đánh chữ những tác phẩm của mình, lúc nào cũng cáu tiết với những phím chứ mỗi khi lồng vào người chiếc váy choàng may từ loại vải làm bằng lông lạc đà, với mái tóc cắt ngắn đúng kiểu Eton, với lối chuyện trò vồ vập, lúc nào cũng sùng sục khí thế, hệt như một mẹ già khó chịu, nhưng cô cũng chỉ hy vọng có ngần ấy.

Viva và bà Driver đã trao đổi chương trình làm việc với nhau một cách thẳng thắn. Vào lúc mười một giờ ba mươi, ngay sau khi Driver hoàn tất chuỗi công việc tắm gội và kết thúc bữa sáng, bà sẽ ngồi ngay vào bàn và bắt tay viết liên tục trong khoảng một giờ đồng hồ, lúc bấy giờ Viva sẽ phải phối hợp cùng bà, khá chật vật trong những ngày đầu tiếp xúc với công việc. Sau bữa trưa, trong lúc bà chủ nghỉ ngơi thư giãn với một ly rượu nâu sánh màu cùng một điếu xì gà trên tay, Viva sẽ đánh máy toàn bộ mớ chữ nghĩa, thành quả sáng tác trong buổi sáng của bà Driver. Nếu bên lề mỗi trang bản thảo viết tay xuất hiện một chữ thập được viết bằng mực đỏ, nghĩa là ở những đoạn ấy, cô được phép thêm thắt một vài tình tiết được gọi bằng hai tiếng "ủy mị" vào đấy. Bà Driver đã hoàn toàn sai lầm, khi tin chắc một thiếu nữ phơi phới xuân thì như Viva, với vẻ bề ngoài khá bắt mắt, chắc hẳn sẽ mang trong đầu vô vàn những hình ảnh yêu đương tưởng tượng đầy lãng mạn và hứng thú.

Bà Driver là người đặt mua tạp chí Chuẩn mực, và cũng chính bà chứ không phải một ai khác, là người đầu tiên giới thiệu những vẫn thơ của T. S. Eliot với Viva. "Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe những vần thơ ấy". Bà ngả người ra thành ghế, cặp mắt khẽ mơ màng khép kín, điếu xì gà vẫn âm ỉ cháy dở trên tay, đôi môi bắt đầu ngân nga:

Những ngày tháng 4 khó khăn ấy, đang dần hồi sinh

Những nhành tử đinh hương đâm chồi từ miền đất chết, bất tận

Những ký ức, những khát vọng, đang cựa mình chuyển động

Những rễ cây già uể oải vươn mình chào đón vạt mưa xuân.

Trong căn hộ những ngày tháng ấy, chỉ có tiếng lách tách đều đặn của những phím chữ, tiếng lẩm nhẩm đầu môi đọc chỉnh bản in, hòa quyện với mùi cà phê thoang thoảng khắp mọi ngóc ngách... Những buổi đầu làm quen với công việc viết lách, Viva đầy ắp bỡ ngỡ, như một đứa trẻ chập chững những con chữ đầu tiên ở trường mẫu giáo. Trước đây, cô từng cố gắng thử sức với những câu chuyện của mình, nhưng khi đã hoàn thành chúng, cô lại chấm dứt ngay ý định gửi đến các tòa soạn. Giờ đây, Viva được tận mắt chứng kiến sự vất vả giằng xé trong Driver khi thấy bà phải vật vã đấu tranh hòng tìm thấy "lối đi đúng đắn" cho mình, cả cái cách bà tập trung sự chú ý lên những điều tưởng chừng vặt vãnh nhất rồi cẩn thận ghi chép kết quả quan sát được vào những cuốn sổ tay chi chít chữ của mình, cả cái cách bà rổn rảng kể về những câu chuyện viết dở mỗi khi rơi vào tình cảnh bế tắc, những bản thảo dang dở được bà thẳng tay ném vào ngăn kéo bàn suốt hàng tháng trời chỉ để chờ đợi những khoảnh khắc vụt đến của cảm xúc.

"Không bao giờ có phép lạ cả", bà chủ đã có lần tiết lộ với Viva. "Mỗi người nấu nướng theo cách của riêng mình".

Bà Driver cần mẫn chỉ cho Viva cách tỉa tót trau chuốt những câu chuyện của cô ("Phải thật sắc bén, bớt dằn vặt đau đớn lại, bố cục phải thật chặt chẽ", bà viết những lòi khuyên chân thành của mình bên lề những trang bản thảo của Viva). Trong sáu tháng cuối cùng làm việc với nhau, Viva đã chắp bút hoàn thành được mười ba câu chuyện có chủ đề về những người hùng vai năm tấc rộng thân mười thước cao hạnh ngộ với những giai nhân tóc vàng, yếu đuối và mờ nhạt. Mười câu chuyện đã bị thẳng tay loại bỏ không thương tiếc, chỉ ba trong số những tác phẩm ấy của Viva được một số tạp chí chọn đăng.

Và, ôi niềm hạnh phúc sướng vui vô bờ bến khi giây phút biết tin tác phẩm của mình được chấp nhận. Viva nhận được một bức thư phản hồi vào một tối tháng mười một ẩm ướt, sau khi cô vừa kết thúc công việc cùng Driver, cô cứ thế nắm chặt bức thư trong tay, lao ra khỏi căn phòng bé tin hin dưới tầng hầm của ngôi nhà cạnh khuôn viên quảng trường Nevern, hồ hởi quýnh quáng băng mình trong bóng đêm dày đặc. Viva tin chắc - giờ ngồi hồi tưởng lại cô thấy sao mà lố bịch đến thế - rằng bước ngoặt vĩ đại nhất cuối cùng rồi cũng đến với cuộc đời mình, rằng kể từ giờ phút này, cô có thể kiếm sống nhờ ngòi bút của mình. Từ không một việc làm dẫu chỉ là những công việc vặt vãnh tồi tệ, không cả những khu nhà nội trú tập thể nơi trường học, không có cả một căn phòng cho riêng mình. Cô chỉ có tuổi trẻ và sức khỏe, chỉ dám chi tiêu ba đồng ghi-nê một tuần cho toàn bộ nhu cầu cá nhân, và giờ đây, hoan hô, cô sắp trở thành một nhà văn.


Vậy thì tại sao, khi mà mọi thứ vừa xảy ra với cuộc đời cô đang tiến triển đúng hướng thì Viva lại đột ngột quyết định thay đổi toàn bộ kế hoạch của mình? Chắc chắn không phải bởi lý do đến từ một bức thư được bất ngờ gửi tới địa chỉ của cô, trong đấy một bà già đã tiết lộ, rằng trong khuôn viên nhà kho chật chội của bà ta đang lưu giữ chiếc rương chứa đựng những đồ vật của bố mẹ cô. Hoặc giả, một lý do để quay trở lại Ấn Độ xa xôi, một đất nước lạ kỳ, khi tất cả những câu chuyện từng xảy ra với cô ở đấy chợt ùa về trong tâm trí, những câu chuyện, những sự kiện cô vẫn còn nhớ như in - một cơn nhức nhối thường trực dày vò tâm can như thể cô vừa mất đi một phần sự sống trên cơ thể mình.

Snow vẫn chìm sâu vào giấc ngủ mệt nhoài, tiếng ngáy cùng những lời lảm nhảm không đầu không đuôi phát ra từ miệng Snow trong giấc ngủ như thể cô ta đang đánh vật với lũ yêu ma quỷ quái ùa về trong giấc mơ. Khi Viva ném mình xuống chiếc giường của cô, chiếc máy đánh chữ đột nhiên đổ nhào xuống sàn tàu, tạo ra một âm thanh khô khốc bởi tiếng kim loại va vào nhau, tiếp theo là tiếng sột soạt của những trang giấy bị bung ra, tả tung vương vãi trên sàn tàu.

Viva nhẹ nhàng quỳ gối nhặt nhạnh những trang giấy đang tung tóe khắp buồng, cô ngước ánh mắt hờ hững nhìn lên ô cửa sổ đầu giường, những con sóng biển khoác trên mình chiếc áo choàng xanh thẫm của đại dương đang cuộn đến xoắn xuýt bên ngoài ô kính, để lại những viền nước uốn lượn nhẹ nhàng như một con rắn. Viva bước đến bên cạnh chậu rửa, vục tay múc nước khỏa đầy mặt. Còn một tiếng rưỡi nữa mới đến giờ ăn tối. Cô quyết định sẽ bắt tay viết những trang bản thảo đầu tiên trước khi giờ ăn diễn ra. Lòng cô đang bấn cấn lựa chọn giữa hai đề mục, liệu cô nên đặt tên cho bài báo của mình là "Phi đội Buông câu" hay là "Giá của một đức ông chồng ở nước Ấn". Vào cái ngày mà ngay cả những ký ức nhập nhòe gợi nhớ về câu chuyện sẽ thiêu cháy cuộc đời cô cùng với nỗi tủi hổ xót xa.