Phi Lý Trí

Chương 8: Luôn Để Ngỏ Các Lựa Chọn

Tại sao các lựa chọn lại khiến chúng ta phân tán khỏi mục tiêu chính?

Năm 210 trước công nguyên, tướng nước Sở là Hạng Võ đưa quân vượt sông Dương Tử để đánh quân Tần. Khi đêm xuống, quân Hạng Võ đóng trại nghỉ trên bờ sông. Khi thức dậy, họ hoảng hốt khi thấy thuyền của mình đều bốc cháy. Họ ráo riết truy lùng thủ phạm đã đốt thuyền, nhưng sau đó, họ phát hiện ra chính Hạng Võ đã đốt thuyền và ông còn ra lệnh đập vỡ hết nồi niêu.

Hạng Võ giải thích với binh lính rằng khi không có nồi niêu, không có thuyền bè, họ sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu tới cùng để giành chiến thắng hoặc bỏ mạng. Việc làm trên khiến Hạng Võ không được lòng quân nhưng lại tạo ra một hiệu ứng tinh thần to lớn đối với binh lính của ông : họ giương cao giáo mác, cung tên, tấn công kịch liệt vào kẻ thù, giành chiến thắng năm trận liên tiếp và tiêu diệt gọn đại quân nhà Tần.

Đây là một câu chuyện cá biệt bởi nó đối lập hoàn toàn với hành vi thông thường của con người. Thường thì chúng ta sẽ không bỏ qua các cơ hội. Nói cách khác, nếu ở vị trí của Hạng Võ, chúng ta sẽ cho lính bảo vệ đoàn thuyền cẩn thận phòng trường hợp cần đến chúng khi rút quân; cử một số lính chuẩn bị các bữa ăn phòng khi đoàn quân cần phải đóng quân vài tuần, và hướng dẫn binh lính cách giã gạo làm giấy phòng khi cần giấy để ký các điều kiện đầu hàng của Vua Tần vĩ đại (khả năng này khó xảy ra nhất).

Ngày nay, chúng ta dốc hết sức lực để giữ tất cả các cơ hội mở ra cho mình. Chúng ta mua những loại máy tính tích hợp nhiều chức năng chỉ để đề phòng đến một lúc nào đó chúng ta cần đến những chức năng ưu việt đó; mua bảo hiểm cho chiếc tivi plasma độ phân giải cao phòng khi màn hình bị hỏng; cho lũ trẻ tham gia vào các hoạt động như : thể dục dụng cụ, chơi dương cầm, học tiếng Pháp, làm vườn hay môn taekwondo (võ thuật Triều Tiên) với hy vọng một hoạt động nào đó sẽ trở thành đam mê của chúng; mua một chiếc SUV sang trọng không phải vì muốn lướt trên các đường cao tốc mà chỉ để phòng khi chúng ta muốn lau chùi gầm xe.

Có thể chúng ta không thường xuyên ý thức được điều này, nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta thường từ bỏ một cái gì đó để có được sự lựa chọn trên. Chúng ta mua một chiếc máy tính có nhiều chức năng hơn chúng ta cần, một giàn máy âm thanh nổi với khoản bảo hiểm kếch xù không cần thiết. Và đối với lũ trẻ, thay vì tạo cơ hội để chúng thật sự giỏi ở một hoạt động nào đó, thì chúng ta lại làm lãng phí thời gian khi cố gắng cho chúng tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau. Khi mãi mê chạy theo rất nhiều thứ, chúng ta lại quên dành đủ thời gian cho những việc thật sự quan trọng. Đó là cuộc chơi của một kẻ ngốc.

Trường hợp này rất đúng với Joe - một sinh viên tài năng sắp ra trường của tôi. Chuẩn bị bước vào năm cuối, Joe vừa hoàn thành các môn học bất buộc và bây giờ đang là lúc chọn chuyên ngành. Nhưng Joe sẽ chọn chuyên ngành nào? Joe rất dam mê kiến trúc và thường dành thời gian cuối tuần vào nghiên cứu những tòa nhà thiết kế theo kiểu kiến trúc tổng hợp ở Boston. 

Joe tin trong tương lai cậu ấy cũng có thể trở thành người thiết kế của những công trình đáng tự hào ấy. Joe cũng thích môn tin học, đặc biệt là sự tự do và linh hoạt mà lĩnh vực này đem lại. Cậu ấy có thể có cơ hội nhận được một công việc với mức lương cao ở một công ty máy tính như Google. Bố mẹ Joe muốn cậu ấy trở thành một chuyên gia máy tính - và họ còn muốn con mình theo học ở MIT để trở thành một kiến trúc sư. Niềm đam mê kiến trúc của Joe vẫn rất mãnh liệt.

Nói chuyện với tôi, Joe siết chặt hai bàn tay với vẻ thiểu não. Các môn học của hai chuyên ngành tin học và kiến trúc khác hẳn nhau. Làm sao cậu ấy có thể từ bỏ một trong hai chuyên ngành được? Nếu học các lớp về tin học trước, cậu ấy sẽ rất vất vả khi chuyển sang học kiến trúc và nếu học chuyên ngành kiến trúc trước, cậu ấy cũng sẽ gặp khó khăn không kém khi chuyển sang học chuyên ngành tin học.

Nói cách khác, nếu đăng ký học cả hai chuyên ngành cùng một lúc, rất có thể Joe sẽ không lấy được một bằng nào sau bốn năm học ở MIT, và phải mất thêm một năm nữa (học phí do bố mẹ cậu chu cấp) để hoàn thành chuyên ngành của mình. (Cuối cùng, Joe cũng tốt nghiệp với một tấm bằng tin học trong tay, nhưng cậu ấy đã tìm được một sự kết hợp hoàn hảo ở công việc đầu tiên của mình - thiết kể tàu ngầm hạt nhân cho Hải quân). 

Dana, một học trò khác của tôi, cũng gặp phải vấn đề tương tự - nhưng vấn đề của cô ấy lại xoay quanh hai cậu bạn trai. Dana có thể dành tất cả sự hào hứng và đam mê của mình cho người bạn trai mới quen và hy vọng xây dựng một mối quan hệ lâu dài với ta, hoặc tiếp tục vun đấp mối tình cũ, một mối quan hệ đang phai nhạt dần. Dana thích người bạn trai mới hơn người yêu cũ nhưng lại không dám kết thúc mối tình cũ. Trong khi đó, cậu bạn trai mới lại đang tỏ ra rất sốt ruột. Tôi hỏi có bé : “Em có để tuột mất người con trai mà em đang yêu không, nếu một ngày nào đó em phát hiện ra là em yêu cậu bạn trai cũ hơn?” Cô bé lắc đầu và bật khóc.

Tại sao các lựa chọn lại gây khó khăn cho chúng ta đến vậy? Tại sao chúng ta lại không toàn tâm toàn ý với lựa chọn của mình?

Để trả lời những câu hỏi này, tôi và Giáo sư Jiwoong Shin (Đại học Yale) đã tiến hành một loạt thí nghiệm với hy vọng sẽ tìm ra được vấn đề mà những người như Joe và Dana đang gặp phải. Chúng tôi tiến hành thí nghiệm dựa trên một trò chơi vi tính, mục đích là sẽ loại bỏ một số yếu tố phức tạp của cuộc sống và tìm ra được câu trả lời trực diện cho vấn đề, liệu mọi người có xu hướng nắm giữ các cơ hội quá lâu hay không. Chúng tôi gọi đó là “trò chơi cánh cửa”. Địa điểm là một nơi tối tăm ảm đạm - một cái hang mà ngay cả lính của Hạng Võ cũng phải chần chừ khi bước vào.

Khu phía Đông của MIT là một nơi ghê sợ. Đó là nơi ở của các hacker (tin tặc), con nghiện máy tính và những kẻ lập dị. Hội trường thứ nhất cho phép bật nhạc ầm ĩ tiệc tùng thác loạn và thậm chí cả khỏa thân. Hội trường thứ hai lôi cuốn các sinh viên xây dựng. (Nếu đến hội trường này, bạn hãy nhấn nút “pizza khẩn cấp”, ngay sau đó một chiếc bánh pizza sẽ được mang đến cho bạn). Hội trường thứ ba được sơn đen hoàn toàn. Hội trường thứ tư có các phòng tắm được trang trí bằng những bức họa thuộc nhiều thể loại : ấn vào cây cọ hay vũ công samba, âm nhạc sẽ phát ra từ một bộ lưu trữ các dữ liệu âm nhạc (tất nhiên tất cả đều được tải về hợp pháp).

Kim - trợ lý của tôi, thường đi qua hành lang của khu phía Đông, tay cầm một chiếc laptop và hỏi các sinh viên có muốn kiếm tiền bằng cách tham gia một thí nghiệm nhỏ hay không. Khi câu trả lời là có, Kim sẽ bước vào phòng và đôi khi cô phải mất nhiều công sức mới tìm được một chỗ trống để đặt chiếc laptop.

Khi chương trình khởi động, trên màn hình máy tính hiện lên ba cánh cửa : cánh cửa thứ nhất màu đỏ, cánh cửa thứ hai màu xanh nước biển và cánh cửa thứ ba màu xanh lá cây. Người chơi có thể đi vào bất kỳ căn phòng nào (màu đỏ, màu xanh nước biển hay màu xanh lá cây) bằng cách nhấn nút vào cánh cửa tương ứng. Khi đã vào bên trong, mỗi nhấp chuột sẽ mang lại cho người chơi một khoản tiền thưởng nhất định. Màn hình sẽ hiển thị số tiền mà người chơi kiếm được trong suốt quá trình chơi.

Để kiếm được nhiều tiền thưởng nhất, bạn phải tìm một căn phòng có số tiền thưởng lớn nhất và nhấp chuột vào đó càng nhiều càng tốt. Nhưng điều đó không hề đơn giản. Mỗi lần bạn di chuyển từ phòng này sang phòng khác là bạn đã sử dụng một lần nhấp chuột (bạn có tổng cộng 100 lần). Nếu bạn chạy tán loạn từ phòng này sang phòng khác có nghĩa là bạn đang lãng phí những lần nhấp chuột mà từ đó bạn có thể kiếm được thêm nhiều tiền thưởng cho mình.

Albert, một nghệ sĩ dương cầm, là người chơi đầu tiên. Là người có tính ganh đua, Albert quyết tâm kiếm được nhiều tiền thưởng hơn so với những người chơi khác. Lần nhấp chuột đầu tiên, anh chọn cánh cửa màu đỏ và bước vào một căn phòng hình khối.

Vào bên trong căn phòng, anh nhấp chuột liên tiếp ba lần và nhận được tổng số tiền là 8,6 xu. Sau đó, anh chuyển sang cửa màu xanh lá cây. Ở đây, anh nhận được 16 xu, nhưng còn căn phòng màu xanh nước biển thì sao? Anh nhấp chuột và nhận được tổng số tiền là 12 xu. Anh vội vã quay trở lại cánh cửa màu xanh lá cây (căn phòng này thường khoảng 5 xu cho một lần nhấp chuột) và dùng tất cả số lần nhấp chuột còn lại của mình để tăng số tiền thưởng. Kết thúc trò chơi, Albert hỏi số điểm của mình. Kim mim cười và nói với anh rằng đó là một trong những số điểm cao nhất mà người chơi ghi được.

Ví dụ trên đã khẳng định những nghi ngờ của chúng tôi về hành vi con người : trong một bối cảnh đơn giản với một mục tiêu rõ ràng, tất cả chúng ta đều thành thạo khi theo đuổi những thứ đem lại cho chúng ta cảm giác thỏa mãn. Trường hợp của Albert giống như một anh chàng cùng lúc hẹn hò với hai cô gái và sau khi yêu thử vài cô, anh ta lại quay về với cô gái mà anh ta cho là được nhất - và căn phòng có cánh cửa màu xanh lá cây chính là nơi anh ta ở lại.

Thực tế, mọi việc đã diễn ra khá dễ dàng cho Albert. Ngay cả khi anh ta đang mãi mê theo đuổi cô gái khác, những cô bạn gái cũ vẫn kiên nhẫn đợi anh quay trở về với họ. Nhưng giả sử những cô bạn gái khác sau một thời gian bị lãng quên bất đầu quay lưng lại với anh ta thì sao? Giả sử các lựa chọn của anh ta đóng lại? Alberl có để họ ra đi không? Hay anh ta sẽ hy sinh một phần của phần thường mà anh ta có để duy trì các lựa chọn này?

Để tìm ra câu trả lời, chúng tôi thay đổi luật chơi. Lần này, bất kỳ cánh cửa nào không được ghé thăm sau 12 lần nhấp chuột sẽ biến mất mãi mãi.

Sam, một thành viên của giới hacker, là người đầu tiên tham gia trò chơi với luật chơi mới này. Anh bất đầu với cánh cửa màu xanh và nhấp chuột ba lần. Số tiền thưởng mà anh có được bất đầu tăng dần lên, nhưng đây không phải là điều duy nhất anh nhận thấy. Cứ mỗi lần nhấp chuột vào một cánh cửa là các cánh cửa khác nhỏ đi khoảng 1/12, điều này có nghĩa là nếu người chơi không vào thì những cánh cửa này sẽ biến mất. Chỉ còn tám lần nhấp chuột nữa là chúng sẽ biến mất mãi mãi.

Sam đã không để cho điều này xảy ra. Anh nhấp chuột vào cánh cửa màu đỏ, đưa nó về kích thước ban đầu, và nhấp chuột 3 lần liên tiếp vào căn phòng đó. Nhưng rồi anh lại phát hiện cánh cửa màu xanh lá cây chỉ còn 4 lần nhấp chuột nữa là sẽ biến mất. Một lần nữa, anh di chuyển con chuột đến đó và đưa cánh cửa màu xanh lá cây về kích thước ban đầu.

Cánh cửa màu xanh dường như là cánh cửa cho mức tiền thưởng cao nhất. Sam có nên ở lại đây không? Mỗi căn phòng có nhiều mức tiền thưởng khác nhau. Chính vì vậy Sam cũng không chắc được rằng cánh cửa màu xanh lá cây có phải là lựa chọn tốt nhất hay không. Sam cảm thấy căng thẳng và đưa con chuột khắp màn hình. Anh nhấp chuột vào cánh cửa màu đỏ và nhìn cánh cửa màu xanh nước biển tiếp tục co lại. Sau đó, anh lại nhảy sang cánh cửa màu xanh nước biển. Nhưng cánh cửa màu xanh lá cây bắt đầu nhỏ lại, vì vậy anh quay trở lại cánh cửa màu xanh lá cây.

Sam nhảy loạn xạ từ lựa chọn này sang lựa chọn khác, anh cúi người xuống màn hính, nét mặt đầy căng thẳng tập trung vào trò chơi. Trong đầu tôi bất chợt liên tưởng tới hình ảnh một vị phụ huynh đang vội vã cho con mình tham gia hết hoạt động này tới hoạt động khác.

Liệu đây có phải là một cách sống hiệu quả - đặc biệt là khi mỗi tuần lại xuất hiện thêm một hoặc hai cánh cửa cho chúng ta? Tôi không thể đưa ra câu trả lời chắc chắn, nhưng qua các thí nghiệm, chúng tôi thấy rõ một điều là việc nhấp chuột vào hết cánh cửa này đến cánh cửa khác không chỉ khiến cho bạn căng thẳng mà còn không kinh tế nữa. Thực tế, trong khi chạy loạn xạ để giữ cho các cánh cửa không bị đóng lại, những người tham gia thí nghiệm của chúng tôi thu được số tiền ít hơn nhiều (khoảng 15%) so với những người chơi không quan tâm đến việc cánh cửa khác đang đóng lại. Sự thật là họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách nhấp chuột vào bất kỳ căn phòng nào và ở đó trong suốt thí nghiệm! (Hãy liên tưởng điều này với cuộc sống và sự nghiệp của bạn).

Khi tôi và Jiwoong tiến hành thí nghiệm theo hướng ngược lại là không yêu cầu người chơi phải giữ cho tất cả các cánh cửa mở nữa, kết quả vẫn như vậy. Ví dụ, chúng tôi quy định mỗi nhấp chuột mở một cánh cửa sẽ lấy đi của người chơi số tiền là 3 xu. Như vậy người chơi sẽ không chỉ mất đi một lần nhấp chuột (chi phí cơ hội) mà con bị đánh vào kinh tế nữa. Không có sự khác biệt trong phản ứng của người chơi. Họ vẫn mải mê phi lý trí duy trì tất cả các lựa chọn mở ra cho mình.

Tiếp theo, chúng tôi nói với người chơi chính xác tổng số tiền thưởng mà họ có thể nhận được từ mỗi căn phòng. Nhưng họ vẫn không chịu ngồi yên nhìn cánh cửa khác đóng lại. Chúng tôi còn cho phép một vài người chơi thử trước khi tham gia vào thí nghiệm thật với hy vọng họ sẽ nhận ra một điều : sẽ là khôn ngoan hơn nếu không chạy theo các cánh cửa đang đóng lại. Nhưng chúng tôi đã sai. Ngay khi nhìn thấy các lựa chọn thu nhỏ lại, các sinh viên MIT xuất sắc và thông minh nhất của chúng tôi không thể tập trung vào một mục tiêu được. Họ không ngừng tìm kiếm mức tiền thưởng cao bằng cách nhấp chuột loạn xạ trước các cánh cửa và cuối cùng họ Kiếm được số tiền thưởng ít hơn rất nhiều.

Chúng tôi tiến hành một thí nghiệm khác, trong đó những cánh cửa “chết” có thể được tái sinh. Ở thí nghiệm này, một cánh cửa vẫn biến mất nếu không được ghé thăm trong 12 lần nhấp chuột. Nhưng một lần nhấp chuột cũng làm nó sống lại. Điều này có khiến những người chơi sẽ không nhấp chuột vào cánh cửa đó không? Câu trả lới là không. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi người chơi tiếp tục lãng phí số lần nhấp chuột vào cánh cửa “tái sinh”, mặc dù sự biến mất của cánh cửa đó không gây ra hậu quả gì và nó được tái sinh dễ dàng. Đơn giản vì họ không chịu được cảm giác mất mát và họ làm bất kỳ điều gì để giữ cho các cánh cửa không bị đóng lại.

Làm thế nào chúng ta có thể tự giải phóng mình ra khỏi những ham muốn phi lý trí như vậy? Năm 1941, triết gia Erich Fromm viết một cuốn sách có tựa đề Escape from Freedom (Trốn thoát tự do). Theo ông, trong nền dân chủ hiện đại, con người luôn lo lắng không phải bởi họ thiếu cơ hội mà là vì họ có quá nhiều cơ hội. Trong xã hội hiện đại, điều này thể hiện rất rõ. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì và sống theo cách chúng ta muốn. Nhưng vấn đề đặt ra là cách chúng ta thực hiện ước mơ cúa mình. Chúng ta phải phát triển mình bằng mọi cách, phải trải nghiệm tất cả các lĩnh vực của cuôc sống. Nhưng khi ấy nảy sinh một vấn đề - liệu sự trải nghiệm cúa chúng ta có quá mỏng manh không? Tôi tin rằng sự cám dỗ mà Fromm đang mô tả là cái mà chúng ta thấy những người chơi chạy xô từ cánh cửa này sang cánh cửa khác.

Nhưng điều lạ lùng hơn là chúng ta còn ham muốn theo đuổi những cánh cửa không mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích. Ví dụ, Dana, cô học trò của tôi, từng kết luận rằng một trong những anh chàng theo đuổi cô rất có khả năng sẽ là người thất bại. Vậy tại sao cô lại liều lĩnh chấp nhận mối quan hệ với một anh chàng khác bằng cách duy trì mối quan hệ đang tàn phai với một người lãng mạn nhưng kém hấp dẫn hơn? Tương tự, đã bao nhiêu lần chúng ta mua một món hàng hạ giá không phải vì chúng ta cần nó mà bởi vì sau đợt hạ giá thì chúng ta sẽ không bao giờ mua được với giá đó nữa?

Vấn đề còn nảy sinh ở một khía cạnh khác, khi chúng ta không nhận ra có một số thứ giống như những cánh cửa đang biến mất và cần chúng ta quan tâm ngay lập tức. Ví dụ, chúng ta mải mê làm việc thêm giờ mà không nhận ra là tuổi thơ của con cái chúng ta đang trôi đi. Đôi khi những cánh cửa này đóng chậm đến nỗi chúng ta không thể nhận ra chúng đang dần biến mất. Một người bạn của tôi nói rằng năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc sống hôn nhân của anh ấy là khi anh ấy sống ở New York và vợ anh ấy sống ở Boston, họ chỉ gặp nhau vào ngày cuối tuần. Khi còn sống ở Boston, đôi vợ chồng này thường dành ngày cuối tuần cho công việc hơn là quan tâm chăm sóc nhau. Nhưng từ khi có sự thay đổi, họ biết rằng chỉ có ngày cuối tuần là được ở bên nhau, thời gian dành cho nhau trở nên ngắn ngủi hơn và phải kết thúc vào một thời điểm nhất định (đó là khi chuyến tàu khứ hồi bắt đầu lăn bánh). Vì thế, họ quyết định dành trọn ngày cuối tuần để vui vẻ bên nhau thay vì bận rộn với công việc.

Không phải tôi đang khuyến khích bạn từ bỏ công việc để dành tất cả thời gian cho con cái hay chuyến đến một thành phố khác để cải thiện ngày cuối tuần với vợ/chồng bạn (mặc dù điều này có thể mang lại một số lợi ích). Nhưng sẽ tuyệt vời hơn, nếu có một chiếc chuông báo cho chúng ta biết khi nào thì những cánh cửa khép lại trước những lựa chọn quan trọng nhất của chúng ta?

Vậy chúng ta có thể làm gì? Trong thí nghiệm của mình, chúng tôi đã chứng minh một điều là chúng ta thật ngốc nghếch nếu chạy loạn xạ để ngăn không cho các cánh cửa bị đóng lại. Việc này sẽ khiến cảm xúc của chúng ta chết dần chết mòn và làm cho ví tiền của chúng ta vơi dần đi. Điều mà chúng ta cần làm đó là chủ động đóng lại một so cánh cửa. Tất nhiên, đóng những cánh cửa nhỏ thì khá dễ. Nhưng những cánh cửa lớn hơn, gắn chặt với ước mơ, hay dẫn ta tới một sự nghiệp hoặc một công việc tốt hơn, ... thì thật khó khăn.

Hãy nhớ lại cảnh nhân vật Rhett Butler rời bỏ Scarlett O’Hara trong bộ phim Cuốn theo chiều gió. Scarlett bám chặt lấy Rhett cầu xin : “Em biết đi đâu? Em biết làm gì bây giờ?” Rhett, sau khi đã chịu đựng Scarlett quá nhiều, cuối cùng đã không thể chịu nổi, anh nói : “Nói thật nhé, vợ của anh, anh không quan tâm”. Không phải ngẫu nhiên mà câu nói này đã được bầu chọn là câu nói đáng nhớ nhất trong lịch sử nghệ thuật điện ảnh và chính cú đóng sập cửa của Rhett đã khiến cho câu nói này càng trở nên hấp dẫn hơn. Chúng ta nên nhớ rằng, chúng ta có cả các cánh cửa to và nhỏ cần phải đóng lại.

Giả sử bạn đã đóng nhiều cánh cửa đến nỗi chỉ con lại hai cánh cửa. Tôi ước mình có thể nói rằng lựa chọn của bạn bây giờ sẽ dễ dàng hơn, nhưng thực tế thì không. Lựa chọn giữa hai thứ có mức độ hấp dẫn như nhau là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời. Tôi sẽ giải thích cho bạn bằng câu chuyện sau.

Một con lừa đang đói bụng tìm đến một kho thóc để tìm kiếm cỏ khô và phát hiện ra có hai đống cỏ khô kích thước giống hệt nhau ở hai bên của kho thóc. Con lừa đứng giữa hai đống cỏ khô mà không biết chọn đống cỏ nào. Hàng giờ trôi qua mà nó vẫn không thể đưa ra quyết định. Cuối cùng, nó lăn đùng ra chết vì đói.

Một ví dụ khác về Quốc hội Mỹ. Quốc hội nước này thường bất đồng với chính mình không chỉ về bức tranh tổng quan của một bộ luật nào đó - ví dụ : nâng cấp những con đường cao tốc của quốc gia, vấn đề nhập cư, nâng cao năng lực bảo vệ các loài đang gặp nguy hiểm của nhà nước liên bang, ... - mà còn cả về chi tiết của những bộ luật đó. Vì thế, Quốc hội thường rơi vào tình trạng bế tắc. Một quyết định nhanh có thể là tốt hơn cho tất cả mọi người.

Ví dụ thứ ba, một người bạn của tôi đã dành ba tháng để chọn mua một chiếc máy ảnh kỷ thuật số từ hai loại máy giống hệt nhau. Tôi hỏi anh ta đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội chụp ảnh, đã mất bao nhiêu thời gian quý báu của mình vào việc chọn lựa và đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền để có được những bức ảnh kỷ thuật số trong suốt ba tháng qua. Bạn đã bao giờ gặp trường hợp nào tương tự như thế này chưa?

Trong cả ba trường hợp, họ đã không tính đến hậu quả của việc không quyết định. Con lừa đã không tính đến chuyện nó có thể bị chết đói, Quốc hội đã không tính đến số thương vong khi tranh luận về điều luật trên đường cao tốc, và anh bạn của tôi đã không tính đến tất cả những bức ảnh tuyệt vời mà anh ta đã bó lỡ. Quan trọng hơn, họ đã không tính được sự khác biệt tương đối nhỏ có thể xảy ra đối với các quyết định.

Người bạn của tôi có thể đã hài lòng với một trong hai chiếc máy ảnh; con lừa đã có thể ăn một trong hai đống cỏ khô; và các thành viên của Quốc hội đã có thể ăn mừng với những thành tích mà họ đạt được (bất kể có sự khác biệt nhỏ trong bộ luật). Nói cách khác, tất cả họ nên coi đó là một quyết định dễ dàng.

Mặc dù việc lựa chọn giữa hai phương án tương tự nhau có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại không đơn giản chút nào. Cách đây vài năm, tôi cũng là nạn nhân của vấn đề này khi cân nhắc nên ở lại trường MIT hay chuyển sang Đại học Stanford (cuối cùng thì tôi chọn MIT). Đứng trước hai phương án, tôi dành nhiều tuần để so sánh tỉ mỉ hai trường và phát hiện ra rằng về tổng thể chúng đều hấp dẫn tôi. Tôi nghĩ mình sẽ cần thêm một số thông tin và nghiên cứu từ chính nhũng sinh viên của hai trường này. Tôi gặp những người đang học và công tác ở hai trường xem họ nghĩ như thế nào. Tôi quá mải mê với việc tìm hiểu, vì vậy, công tác nghiên cứu và năng suất làm việc của tôi bắt đầu bị ảnh hưởng. Thật nực cười khi tôi tìm kiếm nơi làm việc tốt nhất, thì công tác nghiên cứu của chính mình lại bị bỏ bê.

Cuối cùng, dù đã dự đoán những khó khăn trong quá trình đưa ra quyết định, nhưng tôi vẫn hành động phi lý trí như những người khác.