***
H (Hỏi): Thưa Thầy, khi chúng con cố gắng thực tập hạnh lắng nghe sâu lắng, thì đối tượng tiếp xúc lại dùng những lời lẽ hung bạo, nói những điều xấu ác để làm tổn thương người khác và bản thân họ, thì làm sao chúng con có thể duy trì hạnh lắng nghe sâu lắng.
TS (Thiền sư): Mục đích của việc lằng nghe với lòng từ bi là để giúp người khác bớt khổ đau. Khi người ta tràn đầy đau khổ thì họ khó sử dụng ái ngữ. Có lẽ những đớn đau, chua chát, bạo lực, thất vọng và sân hận trong lòng họ đã biểu hiện ra bằng những lời nói và hành động tai hại. Vì thế khi lắng nghe quý vị hãy nhớ một điều: người này đang đầy đau khổ. Tôi lắng nghe là để giúp người đó bớt khổ đau. Hành động chánh niệm này có hai khía cạnh: trước hết là nhận ra được sự khổ đau trong lòng người đối diện, kế tiếp là nhớ lại mục đích của hạnh lắng nghe của ta. Trong lúc lắng nghe, hãy chánh niệm về những điều này và sử dụng năng lượng của từ bi để bảo vệ mình khỏi bị ảnh hưởng bởi những lời nói độc hại. Nếu làm được như thế thì những lời nói đó không thể làm tổn thương quý vị lâu dài. Nếu quý vị không giữ được tâm từ bi, thì đừng cố gắng buộc mình phải tiếp tục lắng nghe kẻo quý vị thất niệm, và tâm quý vị sẽ không được bảo vệ nữa. Hãy đợi đến một lúc khác để thực hành hạnh lắng nghe, khi quý vị tràn đầy từ bi, thông cảm.
H: Thưa Thầy, chúng con có nhận một nhân viên vào phụ trách việc huấn nghệ. Nhưng anh ta thường dùng những lời lẽ xúc phạm đối với phụ nữ, hay những người khác sắc tộc. Chúng con không thể chịu đựng được những lời lẽ này. Chúng con muốn hỏi là, làm sao chúng con có thể bày tỏ với anh ta sự khó chịu của mình về cách ứng xử của anh ta một cách thân thiện nhất?
TS: Thầy không nghĩ là quý vị cần phải chuyển đổi cách ăn nói của người đó. Nhưng quý vị cần chuyển đổi cách lắng nghe của mình. Nếu quý vị nhận ra được nỗi khổ đau của anh ta, và anh ta đã thể hiện điều đó ra ngoài như thế nào, thì quý vị có thể lắng nghe bất cứ điều gì anh ta nói mà không bị bực tức. Nếu quý vị có thể lắng nghe với tâm từ bi, người nói dần dần sẽ tự họ thay đổi cách nói năng, quý vị không cần phải bảo họ làm thế.
H: Thưa Thiền sư, chúng con làm việc với những người dân thuộc một bộ tộc trên núi. Họ phải giết thú, phá rừng, góp phần vào việc làm nóng trái đất –cách kiếm sống của các bậc phụ huynh này dựa trên việc sát hại mạng sống. Làm sao chúng con có thể dạy con cái họ cách bảo vệ sự sống?
TS: Nếu quý vị có thể nấu những bữa ăn chay cho họ, thì rất tốt. Dần dần hy vọng là họ có thể thay đổi thói quen ăn uống. Quý vị cần tìm những phương cách thiết thực để chỉ cho họ thấy sự khổ đau của các sinh vật, có thể một bộ phim tài liệu về cảnh thú vật bị làm thịt để ăn, họ sẽ cảm nhận được nỗi đau của những con thú mẹ. Điều đó còn giáo dục họ hơn là một bài pháp thoại hay những lời giáo huấn trừu tượng. Quý vị có thể gầy dựng một vườn rau, trồng rau xanh, rồi mời họ cùng tiếp tay với quý vị. Vườn rau không những có thể được duy trì, sản sinh thực phẩm, mà còn có thể được dùng để dạy cho con cái của họ những phương cách sống khác. Hãy chỉ cho bọn trẻ thấy là chúng có thể thể hiện tình thương yêu bằng cách ăn những thực phẩm hữu cơ, rằng chúng ta không cần phải ăn thịt. Người có lòng từ bi là người hạnh phúc. Vậy quý vị hãy làm như thế đi, rồi quý vị sẽ thành công.
H: Thưa Thầy, chúng con muốn áp dụng những phương pháp của Thầy vào trường học, nhưng thầy hiệu trưởng, hay giám hiệu không chấp nhận việc này. Chúng con phải làm thế nào để có thể áp dụng chúng mà không bị đuổi việc?
TS: Có nhiều cách để đem các phương cách này vào trường học. Cách tốt nhất là đem các bài học về chánh niệm vào lớp học một cách khéo léo, tinh tế. Nếu quý vị bảo các em học sinh bắt đầu buổi học bằng cách thở có chánh niệm, thì ai có thể ngăn cấm quý vị? Quý vị cần để cho người ta cảm nhận được những đổi thay trong lớp học. Nếu lớp học trở nên tốt hơn, các em học sinh tử tế hơn thì mọi người sẽ bắt đầu chú ý. Giả thử quý vị hướng dẫn một buổi thư giãn hoàn toàn; không kể đến thời gian dài hay ngắn, chắc chắn là nó sẽ gây ảnh hưởng trên lớp học. Quý vị cũng cần dành thời gian để tiếp xúc với thầy hiệu trưởng và các bạn đồng nghiệp để bàn về phương cách làm cho học sinh cảm thấy yên tâm hơn, và những việc cụ thể cần làm. Khi một thầy hay cô giáo thực hành chánh niệm thì mọi thứ về người đó đều thay đổi, người ngoài sẽ nhận thấy điều đó và sẽ hỏi vị thầy hay cô giáo đó về sự tự tại của họ. Khi người ta thấy được điều đó, họ sẽ không ngăn trở quý vị được an lạc. Nếu quý vị không biết được cảm giác an lạc của chánh niệm thì quý vị không thể đem nó vào lớp học. Một cách nữa là quý vị có thể viết về những lợi ích của việc thực hành chánh niệm và chia sẻ điều đó với các bạn đồng nghiệp hay cấp trên. Có rất nhiều kết quả có thể chứng minh rằng chánh niệm đã mang đến ích lợi cho môi trường giáo dục như thế nào.
H: Thưa Thầy, con đang đau khổ nhưng khi con đang cố gắng để thoát ra khỏi nguồn gốc của khổ đau của mình, thì học trò con tìm đến, muốn con giúp giải quyết những vấn đề của họ, rồi mẹ con lại gọi điện thoại báo là cha con muốn làm hại bà. Làm sao con có thể cùng lúc giải quyết khổ đau từ ba nguồn lực như thế?
TS: Quý vị cần lắng nghe những vấn đề của học trò và mẹ của mình, nhưng chỉ giải quyết trước một vấn đề! Nên rõ ràng là trước tiên quý vị cần nói với bà mẹ là mình sẽ trao đổi với bà, rồi quán xét vấn đề và gọi lại cho bà. Làm như thế là hợp lý. Để không bị choáng ngợp bởi quá nhiều vấn đề cùng một lúc, chúng ta cần biết vung dưỡng bản thân để có đủ sức mạnh mà giải quyết nhiều vấn đề.
Có hai việc: trước tiên, phải biết đối phó với khổ đau, và thứ đến là phải biết vung trồng hạnh phúc. Quý vị phải biết cách chữa lành vết thương và cũng cố bản thân. Ở đây Thầy xin nhắc lại thí dụ việc đi đến trường: đi như thế nào để có thể nuôi dưỡng bản thân. Làm những công việc thường ngày cũng vậy, làm như thế nào để chúng trở thành nguồn nuôi dưỡng ta. Khi cuộc sống hằng ngày nuôi dưỡng ta, ta sẽ có đủ sức mạnh và không bị choáng ngợp bởi nhiều vấn đề cùng lúc. Nếu một bác sĩ nhận thấy bệnh nhân của mình quá yếu, không thể chịu đựng phẫu thuật, ông sẽ dời việc phẫu thuật lại chờ cho bệnh nhân mạnh lên trước. Biết cách sống an lạc trong từng giây phút rất quan trọng trong việc giảm bớt khổ đau. Khi quý vị mở vòi nước, quý vị cảm thấy an lạc. Khi đánh răng, quý vị thấy hạnh phúc. Biết hàm ân và vui vẻ làm tất cả những việc đơn giản hằng ngày này rất quan trọng, chính chánh niệm sẽ giúp quý vị tỉnh thức trước những khổ đau và các giải pháp.
H: Thưa Thầy, khi con thực tập, con cũng cảm nhận được một vài chuyển hóa, nhưng chúng không bền lâu. Thí dụ, con có thể nhận thấy tâm sân của con khởi lên và để cho nó qua đi, nhưng con chỉ làm được đôi ba lần như thế, nên con cảm thấy rất nản lòng. Làm sao con có thể duy trì được kết quả của công trình tu tập của con?
TS: Nếu quý vị buộc mình phải thở, với ý nghĩ rằng điều đó là tốt, thì đó không phải là cách tu tập thông minh. Nhưng nếu quý vị bắt đầu thở theo một phương cách mà quý vị cảm thấy bình an, tự tại trong ba, bốn giây phút đầu tiên, thì đó là cách thực hành đúng. Đừng cố thực tập trong đau khổ. Đức Phật đã dạy rằng Pháp hoàn hảo ở khúc đầu, khúc giữa và khúc cuối. Quý vị cần phải cảm thấy an bình, hạnh phúc suốt quá trình thở vào, thở ra của mình, không chỉ ở khúc cuối. Vì thế hãy từ bỏ cách thực hành là phương tiện, và an lạc là kết quả của cách thực hành này. An lạc không phải là đích đến mà chỉ là con đường. Không có con đường nào đưa đến việc buông thư. Buông thư chính là con đường. Quý vị không thể buộc mình phải buông thư! Cách tu tập tốt là chúng ta không phải khổ trong quá trình tu tập! Nếu chúng ta khổ khi thiền hành, thì đó không phải là cách tu tập tốt! Nếu chúng ta tập thở theo tiếng chuông mà cảm thấy khổ, thì đó không phải là cách tu tập tốt. Hãy vui vẻ khi thực hành, thì quý vị không phải có câu hỏi này!
H: Thưa Thầy, phần đông chúng con sống trong những thành phố lớn, nên khi có dịp đến tu tập tại các chùa, thì chúng con lại thấy rất khó thực hành theo. Rồi khi trở về thành phố, thật khó giữ, khó nhớ những điều đã học được.
TS: Làm người xuất gia dễ tu tập hơn người cư sĩ. Khi quý vị sống trong tăng đoàn, quý vị được sống trong một môi trường lý tưởng. Vì thế việc duy trì, giữ gìn giới pháp dễ hơn khi ta sống trong tăng đoàn với các bạn đồng tu. Đức Phật luôn đi cùng với rất nhiều vị tỳ kheo vì Ngài hiều rất rõ thực tại đó. Chúng tôi chỉ theo gương Đức Phật bằng cách mời theo nhiều vị tu sĩ và cư sĩ có nhiều kinh nghiệm tu tập. Nếu quý vị muốn tu dễ, hãy trở thành một tu sĩ!
Nếu không, quý vị phải thành lập các đạo tràng cư sĩ dầu quý vị ở nơi đâu. Ở thành phố, một đạo tràng cư sĩ sẽ thay thế tăng đoàn của các tu viện. Đó là lý do tại sao những khóa tu như thế này có thể khơi nguồn
cảm hứng để người cư sĩ có thể duy trì việc tu tập bằng cách thành lập hay tìm ra các đạo tràng. Thông thường vào ngày cuối khóa tu người ta mới tìm ra được, nhất là những người sống cùng một thành phố. Rất nhiều đạo tràng tu tập của cư sĩ đã được thành lập khắp nơi trên thế giới. Ở Đức có hơn 80 đạo tràng của cư sĩ tu theo pháp môn Tịnh độ. Ở Anh, có khoảng 100. Trong các thành phố như Luân Đôn và Nữu Ước, nhiều khi có đến 10. Vì thế khi quý vị trở về, hãy tìm hiểu, hãy họp thành nhóm để mỗi tuần tụ họp lại một lần đi kinh hành trong chánh niệm, ăn cơm chánh niệm và nghe pháp với nhau. Tôi luôn thực hành kinh hành ở các trạm xe lửa hay phi trường. Nếu đến các siêu thị, tôi cũng làm như thế! Khi quý vị thực tập như thế thì quý vị biết phải mua gì, phải không mua gì! Đôi khi tôi bước ra khỏi siêu thị mà không mua thứ gì! Đó là Phật giáo ứng dụng mà quý vị có thể đem vào thực tế.
H: Thưa Thầy, làm thế nào để con cháu có thể hàn gắn lại với những bậc cha mẹ hay ông bà, những người đã làm tổn thương, đã xâm phạm họ? Chúng con cũng muốn thương yêu các bậc trưởng bối, nhưng vết thương của chúng con quá sâm đậm.
TS: Khi cha mẹ của chúng ta đau khổ và họ không biết làm thế nào để giải tõa nỗi đau đó, họ sẽ chuyền nó qua cho chúng ta. Vì thế hãy quan sát nỗi đau của quý vị, quý vị sẽ thấy nỗi đau của cha mẹ trong đó. Nếu chúng ta không thể chuyển hóa nỗi đau đó, chúng ta cũng sẽ trao truyền nó lại cho con cái chúng ta. Đó là luân hồi khổ đau.
Thông thường chúng ta nghĩ là cha mẹ ở bên ngoài chúng ta, rằng họ là người khác. Điều đó không đúng; họ ở trong chúng ta, hoàn toàn có mặt trong từng tế bào trong cơ thể chúng ta. Những nỗi khổ và niềm vui của mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta cũng là của cha mẹ chúng ta. Nếu quý vị không chuyển hóa được nỗi đau của cha mẹ bên trong chúng ta, thì chúng ta cũng sẽ khiến cho những người chúng ta thương yêu nhất khổ đau.
Quý vị đừng tìm cách thay đổi người cha hay mẹ ở bên ngoài quý vị mà không chuyển hóa người cha hay mẹ bên trong quý vị. Hãy nhớ rằng chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ chúng ta. Chúng ta sẽ mang họ vào tương lai. Vì thế mỗi khi quý vị bước đi, hãy mời gọi người cha, người mẹ bên trong quý vị cùng bước, để họ có thể tận hưởng những điều kỳ diệu của cuộc sống và có thể được chuyển hóa ở bên trong quý vị. Hãy uống trà cùng họ, để họ có thể được chuyển hóa ở bên trong quý vị. Hãy thay đổi người cha, người mẹ ở bên trong quý vị trước, điều đó dễ làm hơn, trước khi hướng tâm đến người cha, người mẹ ở bên ngoài. Chúng ta có thể chuyển các bậc cha mẹ ở bên trong thành những người dễ thương, vui vẻ, đồng cảm, và chấm dứt sự luân hồi của họ trong ta. Sau đó quý vị mới có thể đủ sức giúp người cha, người mẹ bên ngoài thay đổi. Nhưng phải đợi đến lúc đó, vì người cha sân hận trong ta khi phải đối mặt với người cha giận dữ bên ngoài sẽ chẳng đem lại lợi ích gì! Tôi cũng đã chứng kiến nhiều người con đã quay trở lại
giúp đở cha mẹ mình. Nương tựa Tam Bảo, giữ năm giới là con đường hoàn hảo nhất để chữa lành các vết thương và chuyển hóa tốt hơn.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ từ Questions from the heart: Advice about practice from Thich Nhat Hanh, Nguồn: Buddhistdoor Magazine, April 2013)