Phật Pháp Cho Mọi Người (2)

Phần 1 - "I "

Docsach24.com

aramahansa Yogananda (1893-1952), tên thật Mukunda Lal Ghosh, là một du già người Ấn. Ông đã mang những lời dạy vế Thiền và Kriya Yoga giới thiệu đến hàng triệu người phương Tây qua các sách của ông.

*

Trên đường phát triển triển tâm linh, làm chủ được cảm xúc, tránh trạng thái quá nhạy cảm, dễ nóng giận là điều rất quan trọng.  Khi phân tích tâm lý nóng nảy, nhạy cảm này, người tu thấy rằng đó là kết quả của sự hiểu lầm, của mặc cảm tự ti hay của ngã mạn. Tính nhạy cảm, nóng nảy bộc lộ cho ta thấy một hệ thống thần kinh thiếu tự chủ. Khi ý nghĩ bị xúc phạm chạy qua đầu, thì lập tức các phản ứng chống trả lại nổi lên. Có người phản ứng bằng sự dỗi hờn, đau khổ ở bên trong, mà không tỏ dấu hiệu giận dữ ra ngoài. Kẻ lại biểu lộ tình cảm nóng giận qua sự thay đổi rõ ràng trên nét mặt, trong đôi mắt –và thường có những lời nói không êm tai đi kèm theo. Dù dưới hình thức nào, tính nhạy cảm, nóng nảy cũng làm chủ nhân của nó phải đau khổ, và tạo ra những xung đột gây đau khổ cho người khác nữa. Mục đích sống ở đời là phải luôn tạo ra sự bình an, dễ chịu cho mọi người.  Ngay cả khi bị đối xử không tốt, có đủ lý do để phản ứng, ta cũng phải biết tự kiềm chế, làm chủ mình trong những trường hợp như thế.

Bản tánh tự nhiên của con người là nhạy cảm, nóng nảy. Và khi tình cảm không sáng suốt này làm chủ ta, ta sẽ đánh mất trí tuệ. Nếu lúc đó có sai quấy, ta vẩn thấy mình suy nghĩ đúng, hành động đúng, cảm xúc đúng. Chỉ khi nào sự u mê đó không còn, thì ta mới có thể phán đoán đúng điểm mạnh, điểm yếu của mình cũng như của người một cách trung thực chứ không qua con mắt của thành kiến, chấp ngã.

Nhiều người lầm nghĩ rằng khi bị chỉ trích, phê bình, họ phải tự bào chữa, biện hộ, và làm như thế họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Những người như thế giống như các con nghiện, mỗi lần đụng đến thuốc, họ lại sa đà theo thói quen của mình. Phải cứng rắn chống lại sự nhạy cảm, nóng nảy. Không được quá dễ cảm xúc, quá tự ái.

Một người quá nóng nảy, tự ái chỉ đau khổ một cách vô ích: vì thường không ai biết là người ấy đang đau khổ, nói gì đến lý do đau khổ. Điều này càng khiến người đó đau khổ thêm trong cái vỏ ốc cô độc của mình. Cũng không ích lợi gì để ngồi ‘tái diễn’ lại những sự xúc phạm trong đầu, khiến ta thêm đau khổ. Tốt hơn hết là ta buông bỏ nó bằng cách làm chủ các nguyên nhân gây ra sự nhạy cảm, nóng nảy đó.

Lúc còn trẻ, tôi là người rất nhạy cảm, tự ái; do đó hay chuốc lấy đau khổ cho bản thân. Vì biết tánh tôi như thế, bạn bè lại cố tình chọc nghẹo, và họ rất lấy làm thích thú khi tôi nổi khùng. Lúc đó, chính tôi tự phá đi sự bình an của mình. Tôi đau khổ không hoàn toàn do người khác gây ra, mà chính là do tôi quá nhạy cảm với lời nói của người khác. Tôi khám phá ra rằng, tôi càng cãi với những người làm tôi tức giận, họ càng lấy làm thích thú. Cuối cùng tôi quyết định không để ai khuấy phá sự bình an của mình. Tôi để mặc họ muốn ‘chỉ trích, phê bình’ bao nhiêu cũng được. Tôi không màng tới, như thể là tôi không có mặt ở đó, hay không nghe, không thấy gì. Chẳng bao lâu sau, họ cũng hết hứng thú chọc phá tôi, rồi dần dần họ trở thành bạn bè tốt của tôi. Đòi hỏi người khác phải kính trọng, tử tế với mình là vô ích. Cần phải tỏ ra xứng đáng được như thế. Nếu bạn tôn trọng, tử tế, lịch sự với người khác một cách chân thật, thì họ cũng tôn trọng, lịch sự, tử tế lại với bạn như thế. Đừng bẻ quặt, bóp méo ý tốt của người khi họ góp ý xây dựng với ta, vì tánh quá nhạy cảm của mình. Nhất là đối với những người ở vị trí lãnh đạo tâm linh hay trong đời thường, vì họ có thể thấy những điều bạn không thể thấy. Hãy lễ phép và lịch sự; nhưng nếu cảm thấy nóng giận thì lập tức làm chủ tình cảm thiếu lý trí đó, làm chủ mình.

Với tất cả tấm lòng, tôi tập không bao giờ để mình bị nóng giận nữa. Tôi cảm thấy tự tại, an bình với chính mình. Chính vì bạn không thấy an ổn với bản thân, nên bạn trở nên nhạy cảm, dễ giận. Đó là thái độ của hạng phàm phu. Trái lại, người có bản lĩnh luôn tha thứ người khác dù họ có bị xúc phạm, bị đau đớn đến thế nào. Đó mới là cách sống đúng. Đừng chờ đợi đến ngày mai, hãy thực hành cách sống đó ngay hôm nay.

Lúc nào cũng phải làm chủ các cảm xúc của mình. Để ngọn lửa nóng giận lan vào tim, ấp ủ nó ở đó, rồi nó sẽ thiêu đốt đời sống nội tâm ta. Người khôn ngoan sẽ biết kiềm chế cảm xúc của mình, biết rằng chúng chính là ma vương chực chờ phá hoại sự an bình của tâm. Tánh nóng nảy là một thói quen nguy hiểm, nó có thể làm chủ cuộc đời ta, tước đoạt hạnh phúc của ta.

Có một sự khác biệt giữa tâm lý nhạy cảm và nhạy cảm tâm linh. Người có một đời sống tâm linh nhạy cảm sẽ biết kiểm soát tình cảm của bản thân, biết rõ tình cảm người khác, nhưng họ không để những phản ứng tâm sinh lý làm họ dao động –giống như vết dầu có thể ở trên mặt nước mà không tan lẫn vào nước. Trong khi tâm lý nhạy cảm giống như bóng ma luôn ám ảnh bạn. Nó hành hạ tinh thần bạn, khiến bạn nghĩ rằng tất cả thế giới này là kẻ thù của bạn. Những người quá nhạy cảm thường đổ lỗi cho người khác làm họ đau khổ, trong khi họ phải hiểu rằng chính họ tự gây ra vết thương cho bản thân. Tốt nhất là tự trách mình vì tính quá nhạy cảm, nóng nảy, hơn là giận dỗi người khác.

Không nên tỏ thái độ giận dữ trước ai. Phải âm thầm sửa đổi mình. Nếu cần, hãy lánh đi chỗ khác, tránh xa người khác cho đến khi cơn sốt nóng nảy dịu đi. Hãy nhớ rằng gương mặt ta là tấm gương phản ảnh nội tâm ta. Hãy để tấm gương đó phản chiếu sự an bình trong tâm hồn ta.

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Trích dịch theo The Psychology of Touchiness, Yoga International)