Phật Pháp Cho Mọi Người (2)

Phần 1 - "H "

Docsach24.com
òa Thượng Mahasi Sayadaw là tác giả của rất nhiều tác phẩm về thiền định và kinh điển Phật giáo, bằng tiếng Miến Điện. Các bài giảng của ngài về kinh điển Phật giáo được dịch sang tiếng Anh và được Hội Đồng Phật Giáo Sasananuggaha ấn hành (16 Hermitage Road, Kokine, Rangoon, Burma.) (1)

Lời Giới Thiệu

Theo lời yêu cầu của cá nhân Ngài Đại Sứ, U Nu, và Ngài Thado Thiri Thudhamma U Thwin, Chủ Tịch Hội Đồng Phật Giáo Sasananuggaha, thượng tọa Mahasi Sayadaw, Bhadanta Sobhana Mahathera, đã từ Shwebo đến Rangoon vào ngày 10, tháng 11, năm 1949. Trung Tâm Thiền ở Thathana Yeiktha, trên đường Hermitage, Rangoon, được chính thức khai trương vào ngày 4, tháng 12, năm 1949, ngài Mahasi Sayadaw bắt đầu đưa ra phương pháp huấn luyện đúng với hệ thống Kinh Quán Niệm Xứ cho mười lăm vị mộ đạo.

Từ ngày đầu khai trương Trung Tâm, một bài giải thích về Kinh Quán Niệm Xứ, mục đích của nó, phương pháp thi hành, lợi ích từ thực tập này, v…v…, đã được đưa ra cho từng nhóm người mộ đạo đến với Trung Tâm gần như là hằng ngày, để thực hiện khóa huấn luyện tích cực. Thông thường bài giảng kéo dài khoảng chừng một tiếng ba mươi phút, và nhiệm vụ giảng nói gần như là mỗi ngày, theo cách này tất nhiên tạo ra sự căng thẳng. May mắn thay, Hội Phật giáo Sasananuggaha đã tự động giúp giải quyết sự việc này bằng cách dâng tặng một máy ghi âm, và vào ngày 27, tháng 7, năm 1951, bài giảng cho mười lăm người mộ đạo đang được huấn luyện, đã được ghi âm lại. Sau đó, bài giảng ghi âm này được xử dụng hằng ngày trước khi Ngài Mahasi Sayadaw nói vài lời nhận xét sơ bộ.

Như thế, do nhu cầu to tác của các chi nhánh trung tâm thiền Mahasi Sapatthana Vipassana, cũng như yêu cầu của công chúng, bài giảng này được ấn hành thành sách vào năm 1954. Quyển sách nay đã được ấn hành tới lần thứ sáu. Cũng vì sự hứng thú mẫn nhuệ và nhu cầu khát vọng của vô số người mộ đạo ngoại quốc không biết tiếng Miến-Điện, bài giảng này đã được dịch giả U Pe Thin dịch sang Anh-ngữ.

Tháng 12, năm 1957

*

Nam mô Phật

Vinh danh Bậc Giác Ngộ Viên Mãn

Khi tra cứu bài Pháp này của Đức Phật, điều quan trọng cho tất cả mọi người là trau dồi phẩm hạnh (sila), thiền định (samadhi), và trí tuệ (pañña). Người tu học chắc chắn phải sở hữu ba phẩm hạnh này. Đối với các cư sĩ, sự đo lường tối thiểu của phẩm hạnh là việc gìn giữ Ngũ Giới. Đối với các vị tỳ-khưu là việc gìn giữ Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha), giới luật dành cho các vị tu sĩ. Bất cứ người nào gìn giữ giới luật thanh tịnh sẽ được tái sinh trong cảnh giới an vui như là cõi người, hoặc cõi trời.

Tuy nhiên, dạng thông thường của đạo đức thế gian (lokiya-sila) không thể nào là biện pháp ngăn chận việc rơi xuống các cõi thấp hơn, như cõi địa ngục, cõi súc vật, hoặc cõi ngạ quỷ. Vì vậy, cần phải trau dồi đạo đức xuất thế (lokuttara-sila). Khi một người hoàn toàn đạt được phẩm hạnh này, họ sẽ được an toàn và không rơi xuống các cõi thấp hơn, và luôn luôn có được cuộc sống hạnh phúc, được tái sinh làm người hoặc làm các vị trời (deva). Do đó, tất cả mọi người cần phải xem việc thi hành đạo đức xuất thế là nhiệm vụ của mỗi cá nhân.

Đấy là hy vọng thành công của bất cứ người nào nỗ lực một cách chân thành. Thực là tội nghiệp nếu như ai đó không lợi dụng cơ hội tốt này để đạt được những phẩm chất cao hơn, một người như vậy, không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ là nạn nhân cho nghiệp xấu của chính họ, họ sẽ bị lôi xuống những cõi thấp và đau khổ hơn, như cõi địa ngục, cõi súc sinh, hoặc cõi ngạ quỷ, nơi mà mạng sống kéo dài cả mấy trăm ngàn hoặc triệu triệu năm. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh ở đây rằng, đọc được Bài Giảng của Đức Phật là cơ hội duy nhất để thực tập trên con đường đạo đức (magga-sila) để đạt kết quả đạo đức (phala-sila).

Tuy vậy, không thể chỉ thi hành phẩm hạnh đạo đức mà thôi. Việc thực hành thiền định (samadhi) hoặc sự tập trung cũng rất cần thiết. Thiền định là trạng thái bất động hoặc tĩnh lặng của tâm thức. Tâm thức thông thường hoặc chưa thuần hóa thường có thói quen đi lang thang đến những nơi khác. Nó không thể bị quản thúc, nó chạy theo bất cứ tư tưởng, ý nghĩ hoặc sự tưởng tượng nào, v…v… Để tránh việc tâm thức đi lang thang, nó cần được liên tục chăm chú đến một đối tượng được chọn sẵn để mà tập trung vào đó. Thực tập lâu dài, tâm thức dần dần từ bỏ những thác loạn và tập trung vào đối tượng mà nó được chỉ dẫn. Đây gọi là thiền định.

Có hai loại thiền định: thiền định thế gian (lokiya-samadhi) và thiền định xuất thế (lokuttara-samadhi). Trong hai loại này, loại thứ nhất bao gồm sự tập trung về thế gian, như bốn loại thiền về sắc giới (rupa-jhanas) --- chuyên tâm về sắc giới --- và bốn loại thiền về vô sắc giới (arupa-jhanas) --- chuyên tâm về vô sắc giới. Những loại thiền này đều có thể đạt được bằng cách thực tập thiền tĩnh lặng (samatha-bhavana) với phương pháp như tập trung sự chú tâm vào hơi thở, lòng từ (metta), tập trung vào các đối tượng (kasina), v..v… Nhờ thành tựu các phẩm hạnh này, ta sẽ được tái sinh ở cõi trời phạm thiên. Mạng sống của một vị phạm thiên rất dài, khoảng một chu kỳ thế giới, hoặc hai, bốn, hoặc tám chu kỳ thế giới, có thể lên đến khoảng 84.000 chu kỳ thế giới. Nhưng cuối cùng đến khi mạng sống kết thúc, một vị phạm thiên vẫn phải chết và tái sinh làm người hoặc làm một vị trời.

Có hai loại trí tuệ: thế gian và xuất thế. Hiện nay, sự hiểu biết về văn chương, nghệ thuật, khoa học, hoặc những việc khác thuộc về thế gian thường được xem là một loại trí tuệ, nhưng dạng trí tuệ này chẳng có liên quan chi đến việc phát triển tinh thần (bhavana). Nó cũng chẳng được coi là đáng khen, bởi vì vô số vũ khí hủy diệt đều được phát minh ra bởi các loại hiểu biết này, chúng luôn luôn bị ảnh hưởng bởi sự tham đắm, giận hờn và những động cơ tà ác khác. Nếu một người sống một cuộc sống phẩm hạnh, họ có thể có một cuộc sống hạnh phúc ở cõi cao hơn, nhưng họ vẫn chưa được giải thoát khỏi các ô nhiễm của sự tham đắm, giận dữ và si mê, trong nhiều dịp họ có thể làm những việc đáng chê trách. Và rồi họ sẽ là nạn nhân của chính nghiệp xấu họ gây ra, bị tái sinh trong cõi địa ngục hoặc trong những cõi thấp kém, đau khổ hơn. Như vậy, thiền định thế gian cũng không phải là sự an toàn nhất định. Việc nên làm là thiền định xuất thế, thiền định về đường đạo đức (magga) và kết quả (phala). Để đạt được thiền định điều thiết yếu là phải trau dồi trí tuệ (pañña). Mặt khác, tinh thần thực sự của trí tuệ thế gian, chỉ có thành tích và không có bất cứ nhược điểm nào. Trí tuệ thế gian thực sự bao gồm kiến thức xử dụng trong việc cứu trợ và phúc lợi, không tạo ra nguy hại nào; học để đạt được kiến thức về hàm nghĩa thực sự hoặc ý nghĩa của kinh sách; và ba loại kiến thức phát triển thiền minh sát tuệ (vipassana-bhavana), như kiến thức có được từ việc học tập (sutamaya-pañña), kiến thức từ sự tư duy (cintamaya-pañña), trí tuệ từ sự phát triển thiền định (bhavanamaya-pañña). Phẩm hạnh của trí tuệ thế gian có thể đưa đến cuộc sống hạnh phúc ở các cõi cao hơn, nhưng nó cũng không thể nào tránh khỏi nguy cơ bị tái sinh trong cõi địa ngục hoặc các cõi đau khổ hơn. Chỉ có sự phát triển của trí tuệ xuất thế (lokuttara-pañña) mới có thể dẹp được nguy cơ này một cách chắn chắn. Trí tuệ xuất thế là trí tuệ của đạo quả. Để phát triển trí tuệ này cần phải tiếp tục thực tập thiền minh sát tuệ (vipassana-bhavana) ngoài ba nguyên tắc đạo đức, thiền định, và trí tuệ. Khi phẩm hạnh của trí tuệ được phát triển hợp lệ, những phẩm hạnh cần thiết của đạo đức và thiền định cũng đều sẽ đạt được.

Sự Phát Triển Trí Tuệ

Phương pháp phát triển trí tuệ này là quan sát tính vật chất (rupa) và tinh thần (nama) --- hai nguyên tố duy nhất hiện hữu trong mỗi con người --- với cái nhìn hiểu biết về bản chất chân thật tự nhiên của nó. Hiện tại, các thử nghiệm trong việc quan sát phân tách về thể chất thường được thực hành trong các phòng thí nghiệm với đủ loại dụng cụ, nhưng những loại phương pháp này không thể đối phó với tâm thức. Phương pháp của đức Phật không đòi hỏi bất cứ loại dụng cụ hoặc sự viện trợ nào từ bên ngoài. Nó có thể đối phó thành công với cả hai thứ, vật chất và tinh thần. Xử dụng tâm thức của chính bản thân cho mục đích phân tách, bằng cách tập trung vào tất cả các hoạt động của thể chất lẫn tinh thần khi chúng xảy ra nơi bản thân. Bằng cách tiếp tục lặp đi lặp lại dạng thực tập này, có thể đạt được sự tập trung cần thiết, và khi sự tập trung trở nên mẫn nhuệ, tiến trình không gián đoạn của sự xuất hiện và biến mất của sự vật hay tâm ý đều có thể được cảm nhận một cách sinh động.

Con người duy nhất chỉ bao gồm rõ ràng trong hai nhóm thể chất và tinh thần. Thể chất rắn của cơ thể như hiện giờ thuộc về nhóm thể sắc. Theo liệt kê thông thường của hiện tượng vật chất, có tất cả là hai mươi tám loại trong nhóm này, nhưng tóm tắt có thể lưu ý rằng thân thể là một khối vật chất. Thí dụ, nó giống như một con búp-bê bằng đất sét hoặc lúa mì, nó chẳng là gì cả, chỉ là một bộ sưu tập của các hạt đất sét hoặc bột. Thể chất thay đổi hình dạng (ruppati) theo tình trạng vật lý nóng, lạnh, v…v…, và vì vậy sự thay đổi hình dạng này dưới tình trạng vật lý trái ngược, nó được gọi là rupa theo tiếng Pali. Nó chẳng sở hữu bất cứ giác quan hiểu biết nào về đối tượng.

Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), các nguyên tố về thể chất và tinh thần được phân loại một cách tương ứng như “trạng thái với đối tượng” (sarammana-dhamma) và “trạng thái không đối tượng” (anarammana-dhamma). Yếu tố của tinh thần có đối tượng, nắm chặt đối tượng, và biết đối tượng, trong khi vật chất chẳng có đối tượng, chẳng cầm giữ đối tượng, và chẳng biết đối tượng. Như vậy trong Vi Diệu Pháp nó được trực tiếp ghi nhận rằng vật chất không có giác quan để biết đối tượng. Một thiền giả cũng có thể nhận biết được như vậy, rằng “vật chất không có giác quan để nhận biết”. Khúc cây và trụ cột, gạch, đá và đất là khối thể chất. Nó chẳng sở hữu bất cứ giác quan hiểu biết nào. Thể chất làm nên cơ thể cũng tương tự như vậy --- nó chẳng có bất cứ giác quan hiểu biết nào. Thể chất trong cơ thể người chết giống y như cơ thể người sống --- nó chẳng sở hữu bất cứ giác quan hiểu biết nào. Tuy nhiên, con người có tư tưởng rằng thể chất của người sống sở hữu giác quan hiểu biết về đối tượng và sẽ mất đi giác quan này khi chết. Điều này thực sự không phải vậy. Thực tế, thể chất không sở hữu bất cứ giác quan nhận biết đối tượng nào khi sống cũng như khi chết.

Vậy bây giờ cái gì nhận biết các đối tượng? Đấy là tâm thức, nó xuất hiện dựa vào thể chất. Trong tiếng Pali, nó được gọi là nama, bởi vì nó nghiêng về (namati) đối tượng. Tinh thần cũng được nhắc đến như là ý nghĩ hoặc ý thức. Tinh thần xuất hiện dựa vào thể chất: nương vào mắt, ý thức của mắt (cái thấy) xuất hiện; nương vào tai, ý thức của tai (cái nghe) xuất hiện; nương vào mũi, ý thức của mũi (cái ngửi) xuất hiện; nương vào lưỡi, ý thức của lưỡi (cái nếm) xuất hiện; nương vào thân thể, ý thức của thân thể (xúc chạm) xuất hiện. Có vô số loại xúc chạm, tốt hoặc xấu.

Trong khi lĩnh vực rộng lớn của sự xúc chạm chạy xuyên suốt theo chiều dài của cơ thể, bên trong và bên ngoài, cảm giác về cái thấy, nghe, ngửi và nếm xuất hiện trong khu vực của chúng ---

mắt, tai, mũi và lưỡi --- mỗi giác quan chiếm một diện tích rất nhỏ nơi cơ thể. Những cảm giác xúc chạm, thấy, nghe, v…v… chẳng là gì cả, chỉ là những yếu tố tinh thần. Nơi đó tinh thần ý thức cũng xuất hiện --- ý nghĩ, ý tưởng, tưởng tượng, v…v… --- dựa vào nền tảng tâm thức. Tất cả những cái này đều là yếu tố của tinh thần. Tinh thần hiểu biết về một đối tượng, trong khi thể chất chẳng biết chi về đối tượng.

Thị giác

Con người thông thường tin tưởng rằng trong trường hợp của cái thấy, đó là con mắt thực sự nhìn thấy. Họ cho rằng cái thấy và mắt là một và giống y như nhau. Họ cũng nghĩ rằng: “Cái thấy là Tôi,” “Tôi nhìn thấy sự vật,” “Con mắt, cái thấy, và Tôi là một và là cùng thuộc một người”. Thực tế không phải như vậy. Con mắt là một vật và cái thấy là một vật khác, và không có thực thể riêng biệt như “Tôi” hoặc “tự ngã”. Duy nhất chỉ có thực tế của cái thấy xuất hiện nương tựa vào mắt.

Cho một tỉ dụ, nó giống như trường hợp của một người ngồi trong nhà. Căn nhà và con người là hai vật thể riêng biệt: căn nhà không phải là người, người không phải là căn nhà. Tương tự như vậy, cũng giống như lúc nhìn thấy. Con mắt và cái thấy là hai thứ riêng rẽ: con mắt không phải là cái thấy, cái thấy không phải là con mắt.

Một tỉ dụ khác, nó giống như trường hợp một người đang ở trong phòng, khi họ mở cửa, nhìn qua cửa sổ, họ thấy rất nhiều vật. Nếu như được hỏi, “Ai đang nhìn thấy? Cửa sổ hoặc là con người thực sự nhìn thấy?” Câu trả lời là, “Cửa sổ không sở hữu khả năng nhìn thấy; chỉ có con người mới nhìn thấy”. Nếu được hỏi lần nữa, “Con người có thể nào nhìn thấy mọi vật bên ngoài mà không cần cửa sổ?” Câu trả lời sẽ là, “Không thể nào xuyên qua tường nhìn thấy mọi vật bên ngoài nếu như không có cửa sổ. Con người chỉ có thể nhìn qua cửa sổ.” Tương tự như vậy, trong trường hợp của cái thấy, có hai thực tế của con mắt và cái thấy. Con mắt không nhìn thấy, cũng không phải là thấy con mắt, nhưng không thể có được hành động nhìn thấy nếu như không có con mắt. Thực tế, cái nhìn xuất hiện nương vào con mắt.

Trong mỗi giây phút của cái thấy, hiển nhiên nơi cơ thể chỉ có hai yếu tố rõ rệt là vật chất (con mắt) và tinh thần (cái thấy). Hơn nữa, còn có yếu tố thứ ba của vật chất --- đối tượng thị giác. Có lúc đối tượng thị giác được nhận thấy nơi thân và có lúc nó được ghi nhận ngoài thân thể. Thêm vào đối tượng thị giác còn có ba yếu tố, hai yếu tố (con mắt và đối tượng thị giác) thuộc về thể chất và cái thứ ba (cái thấy) thuộc phần tinh thần. Con mắt và đối tượng thị giác, thuộc về vật chất, chẳng sở hữu khả năng nhận biết đối tượng, trong khi cái thấy, thuộc về tinh thần, có thể nhận biết được đối tượng thị giác và nhận rõ nó như thế nào. Bây giờ trong khi nhìn thấy, rõ ràng duy nhất chỉ có hai yếu tố riêng biệt, vật chất và tinh thần, và sự xuất hiện của cặp yếu tố riêng biệt này được gọi là cái thấy.

Người không thực hành thiền định sâu sắc cho rằng cái thấy thuộc về “ngã,” “tự ngã,” “thực thể sinh động,” hoặc “con người”. Họ cho rằng “cái thấy là Tôi,” hoặc “Tôi là cái thấy,” hoặc “Tôi là cái biết.” Quan điểm hoặc sự tin tưởng này trong tiếng Pali được gọi là sakkaya-ditthi. Sakkaya nghĩa là một nhóm vật chất (rupa) và tinh thần (nama) hiện hữu một cách riêng biệt. Ditthi có nghĩa là quan điểm và sự tin tưởng sai lầm. Từ phối hợp sakkaya-ditthi có nghĩa là nơi tự thân có sự tin tưởng hoặc quan điểm sai lầm về hai yếu tố nama (tinh thần)rupa (vật chất), không đúng với thực tế hiện hữu của chúng.

Để tỏ tường hơn, chúng ta giải thích rộng hơn về việc nắm giữ quan điểm, niềm tin sai lầm. Ngay giây phút nhìn thấy, sự vật thực sự hiện hữu là con mắt, đối tượng thị giác (cả hai là vật chất), và cái thấy (tinh thần). Nama (tinh thần) rupa (vật chất) là thực tế, nhưng con người giữ quan điểm rằng nhóm yếu tố này là ngã, hoặc tự ngã, hoặc một thực thể sinh động. Họ cho rằng “cái thấy là Tôi,” hoặc “cái mà được nhìn thấy là Tôi,” hoặc “tôi nhìn thấy thân thể của tôi.” Như vậy quan điểm sai lầm này đã xem hành động đơn giản nhìn thấy là tự ngã, là sakkaya-ditthi, quan điểm sai lầm về ngã.

Khi một người chưa giải thoát khỏi quan điểm sai lầm về ngã, người đó không thể nào mong đợi thoát khỏi nguy cơ rơi xuống những cõi đau khổ như địa ngục, súc sinh, hoặc ngạ quỷ. Cho dù người ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc nơi cõi người hoặc cõi trời bằng phẩm hạnh và những nghiệp lành, tuy vậy họ vẫn có thể bị rơi xuống những trạng thái hiện hữu đau khổ hơn vào bất cứ lúc nào, một khi các nghiệp xấu ác phát khởi. Vì lý do này, đức Phật đã chỉ ra điều thiết yếu để con người thực tập và loại bỏ quan điểm sai lầm về ngã.

“Để một vị sa-môn tiến triển một cách có chánh niệm để loại bỏ quan điểm sai lầm về ngã”. (sakkaya-ditthippahañaya sato bhikkhu paribbaje).

Để giải thích: cho dù điều ước mong của mọi người là tránh khỏi lão, bịnh, tử, không một người nào có thể ngăn ngừa sự kiện này. Sau khi chết, tiếp theo là sự tái sinh. Sự tái sinh vào bất cứ trạng thái hiện hữu nào không dựa vào ước mong của chúng ta. Ta không có khả năng tránh khỏi sự tái sinh nơi cõi địa ngục, súc sinh, hoặc cõi ngạ quỷ chỉ bằng cách mong ước có một lối thoát. Sự tái sinh diễn ra ở bất cứ trạng thái hiện hữu nào tùy vào nghiệp của ta: ta chẳng có chọn lựa nào khác. Do đó, vòng sinh tử, samsara (vòng luân hồi), thực rất đáng sợ. Vì vậy ta cần tự thân nỗ lực làm quen với những điều kiện đau khổ trong vòng luân hồi, rồi tu tập để tìm ra lối thoát khỏi luân hồi, để đạt đến Niết Bàn.

Nếu như lối thoát khỏi luân hồi không thể hoàn tất ở hiện thời, ít ra việc cần nên làm là nên có một nỗ lực để thoát khỏi vòng tái sinh trong các cõi địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ. Trong trường hợp này, điều thiết yếu là thực tập để loại bỏ hoàn toàn quan điểm sai lầm về vật chất và tinh thần (sakkaya-ditthi) nơi tự thân; nó là gốc rễ của sự tái sinh nơi các cõi đau khổ. Sakkaya-ditthi chỉ có thể bị hủy diệt hoàn toàn bằng con đường đạo quả: Ba phẩm hạnh xuất thế, giới, định và tuệ. Do đó điều bức thiết là thực tập để phát triển các phẩm hạnh này. Để thực hành ta phải làm thế nào? Bằng phương pháp ghi nhận hoặc quán sát, ta cần phải thoát khỏi thẩm quyền của nhiễm ô (kilesa). Ta cần phải thực hành bằng cách liên tục ghi nhận hoặc quán sát mỗi hành động của cái thấy, nghe, v..v… trong các quá trình cấu thành thể chất và tinh thần, cho đến khi thoát khỏi sakkaya-ditthi, quan điểm sai lầm về ngã.

Vì những lý do đó, phương cách này luôn được sử dụng cho việc thực tập thiền minh sát tuệ. Bây giờ các thiền giả đến đây với mục đích thực tập phương pháp thiền minh sát, có thể hoàn thành khóa thực tập và đạt được đạo trong thời gian rất nhanh. Quan điểm về cái tôi có thể bị tiêu diệt hoàn toàn và cuối cùng có thể an toàn vượt thoát nguy hiểm trong sự tái sinh ở các cõi địa ngục, súc vật và ngạ quỷ.

Trong lĩnh vực này, việc thực tập chỉ đơn giản là sự ghi chép hoặc quán sát tất cả các yếu tố hiện hữu ở mỗi lần nhìn thấy. Cần được ghi nhận là “thấy, thấy” trong mỗi trường hợp nhìn thấy. Bằng những từ “ghi chép” hoặc “quán sát” hoặc “chuyên tâm” có nghĩa là gìn giữ tâm thức chuyên chú vào một đối tượng với cái nhìn thực rõ ràng.

Sau khi chuyên tâm vào đối tượng, và cái thấy được ghi nhận là “thấy, thấy,” khi mà đối tượng bị nhìn thấy được ghi nhận, khi ý thức nhìn thấy được ghi nhận, có khi ở nơi con mắt, nơi mà ta nhìn thấy, được ghi nhận. Mục đích thành công là khi ta có thể ghi nhận một cách rõ ràng bất cứ một trong các điều được ghi nhận này. Nếu không, dựa vào cái thấy này sẽ xuất hiện sakkaya-ditthi, tại đây cái thấy sẽ ở trong dạng của một người hoặc cái gì đó thuộc về người ấy, như là sự trường tồn, thích thú, với cái tôi. Như vậy tại đây sẽ xuất hiện sự ô nhiễm của tham đắm, và rồi sẽ nhanh chóng tạo thành hành động, và sẽ mang lại sự tái sinh trong một kiếp sống mới. Như thế, tiến trình duyên khởi bắt đầu hoạt động và vòng tròn quái ác của luân hồi sẽ xoay vòng không ngừng nghỉ. Để ngăn chận sự xoay vòng của luân hồi từ gốc rễ của cái thấy, điều thiết yếu là ghi nhận “thấy, thấy” trong mỗi lần nhìn thấy.

Thính Giác

Cũng như vậy, trong trường hợp của thính giác, chỉ có hai yếu tố rõ rệt, vật chất và tinh thần. Thính giác xuất hiện nương vào tai. Trong khi cái tai và tiếng động là hai yếu tố vật chất, âm thanh lại là một yếu tố thuộc về tinh thần. Để hiểu biết rõ ràng bất cứ điều nào của hai loại vật chất và tinh thần, mỗi dịp nghe được thì ghi nhận “nghe, nghe.” Vì vậy, nên ghi nhận “ngửi, ngửi” khi ngửi, và “nếm, nếm” khi nếm.

Cảm xúc nơi thân cũng cần được ghi nhận y như vậy. Có một loại yếu tố vật chất như sự nhạy cảm của thân thể, nơi mà thân thể nhận được sự xúc chạm. Mỗi loại xúc chạm, dù dễ chịu hoặc khó chịu, thường chạm vào sự nhạy cảm nơi thân thể, và từ nơi thân ý thức xuất hiện, khi sự xúc chạm xuất hiện, nó liền cảm giác hoặc biết ngay được. Bấy giờ nó được xem là mỗi lúc có sự xúc chạm liền có hai yếu tố vật chất --- sự nhạy cảm nơi thân thể và đối tượng hữu hình --- và một yếu tố tinh thần --- biết rõ được sự xúc chạm.

Để biết được những điều này một cách rõ ràng vào mỗi giây phút xúc chạm, như khi ghi nhận “xúc chạm, xúc chạm”, thực tập sự ghi nhận ngay lúc ấy. Điều này chỉ đơn thuần là hình thức phổ biến của sự xúc chạm. Có những hình thức đặc biệt đi kèm với những cảm giác đau đớn hoặc khó chịu, như cảm giác cứng ngắc hoặc mệt mỏi của thân thể hay tứ chi, cảm giác nóng, đau đớn, tê rần, ê ẩm, v…v… Bởi vì cảm giác (vedana) chiếm ưu thế trong những trường hợp này, nó cần được ghi nhớ như “cảm giác nóng,” “cảm giác mệt mỏi,” “cảm giác đau đớn,” v…v…

Cũng cần nhắc lại rằng có vô số cảm giác xuất hiện từ sự xúc chạm nơi tay, chân, v…v…, và mỗi khi cúi xuống, co duỗi tay chân, hoặc di chuyển. Bởi vì tinh thần muốn di chuyển, co duỗi hoặc cúi xuống, các hoạt động thuộc về vật chất xuất hiện hàng loạt như di chuyển, co duỗi hoặc cúi xuống, v…v…. (Không thể ghi nhận những sự kiện này ngay từ đầu. Nó chỉ có thể được ghi nhận sau một thời gian có kinh nghiệm thực tập). Tất cả các hoạt động di chuyển, thay đổi, v…v… đều được phần tinh thần thực hiện. Khi ý chí tinh thần muốn co duỗi, liền xuất hiện hoàng loạt sự chuyển động nội tại nơi tay hoặc chân. Khi ý chí tinh thần muốn di động, liền xuất hiện hàng loạt sự chuyển động ngoại tại hoặc sự di chuyển tới, lui. Và ngay tại thời điểm đó người ta ghi nhận sự xuất hiện và sự biến mất rất nhanh của chúng sau đó.

Mỗi khi cúi xuống, co duỗi, hoặc những hoạt động khác, trước tiên xuất hiện hàng loạt những ý định, những giây phút thuộc về tinh thần, tạo thành hoặc gây ra hàng loạt những hoạt động thuộc về tay chân, như sự cứng rắn, cúi xuống, co duỗi, hoặc di chuyển tới lui. Các hoạt động này xuất hiện đối nghịch với những yếu tố vật chất khác, sự nhạy cảm nơi thân, và mỗi lần có sự xúc chạm giữa những hoạt động thuộc về vật chất và những phẩm chất nhạy cảm, ý thức về thân tức thời xuất hiện, nó cảm giác hoặc biết được cảm giác của sự xúc chạm. Do đó, rõ ràng rằng các hoạt động thuộc về vật chất là những yếu tố chiếm ưu thế trong những trường hợp này. Điều thiết yếu là ghi nhận các yếu tố chiếm ưu thế. Nếu không, chắc chắn quan điểm sai lầm sẽ xuất hiện, nó xem các hoạt động này như là “Tôi” --- “Tôi cúi xuống,” “Tôi co duỗi tay chân,” “đôi tay tôi,” hoặc “đôi chân tôi.” Thực tập việc ghi nhận này như “cúi xuống,” “co duỗi,” “di chuyển,” được thực hiện với mục đích loại bỏ những quan điểm sai lầm.

Tâm Thức

Dựa vào cơ sở tinh thần xuất hiện một loạt những hoạt động tinh thần, như suy nghĩ, tưởng tượng, v…v… hoặc nói tổng quát, một loạt hoạt động thuộc về tinh thần xuất hiện nương tựa vào thân thể. Thực tế, mỗi trường hợp là một kết hợp của tinh thần và vật chất, cơ sở tâm thức thuộc về vật chất, và sự suy nghĩ, tưởng tượng, v…v… thuộc về tinh thần. Để có thể ghi nhận được những gì thuộc về vật chất hoặc tinh thần một cách rõ ràng, chỉ cần ghi nhận trong mỗi trường hợp, “suy nghĩ,” “tưởng tượng,” v…v…

Sau khi thực tập với phương pháp được chỉ dẫn ở trên, có thể sự chú tâm được cải thiện. Ta ghi nhận rằng tâm thức không còn đi lang thang nữa nhưng dừng lại ở một đối tượng nhất định. Đồng thời, năng lực ghi nhận được phát triển một cách đáng kể. Mỗi lần ghi nhận, ta nhận thấy chỉ có hai tiến trình thuộc về vật chất và tinh thần: một sự phối hợp giữa đối tượng (vật chất) và trạng thái tinh thần (tinh thần), cả hai xuất hiện cùng một lúc.

Lại nữa, trong khi tiến hành xa hơn với thực tập về sự chiêm niệm, sau một thời gian, ta ghi nhận rằng chẳng có gì tồn tại thường hằng, mọi thứ đều trong trạng thái lưu động. Mỗi lần xuất hiện là những điều mới lạ. Mỗi thứ cần được ghi nhận khi nó xuất hiện. Bất cứ gì xuất hiện rồi biến mất ngay tức khắc, và rồi tức thời một cái khác xuất hiện. Lần nữa nó được ghi nhận và rồi nó biến mất. Như vậy, tiến trình xuất hiện và biến mất cứ tiếp tục, rõ ràng nó cho thấy rằng chẳng có gì thường hằng. Thế rồi ta hiểu được rằng “tất cả mọi vật không thường hằng” bởi vì ta nhận thấy chúng xuất hiện và tức thời biến mất. Đây là sự thấu hiểu sâu sắc về vô thường (aniccanupassana-ñana).

Và ta biết rằng “những gì xuất hiện và biến mất không có gì đáng để ham muốn”. Đây là sự thấu hiểu sáng suốt về khổ (dukkhanupassana-ñana). Lại nữa, ta thường kinh nghiệm vô số cảm giác đau đớn nơi thân, chẳng hạn như mệt mỏi, nóng bức, nhức mỏi, và mỗi lần ghi nhận những cảm giác này, ta thường cảm thấy thân thể là một tập hợp của đau khổ. Đây cũng là sự thấu hiểu sáng suốt về khổ.

Và mỗi lần ghi nhận, ta thấy rằng các yếu tố vật chất và tinh thần xuất hiện tùy vào bản chất tự nhiên và sự điều kiện hóa của chúng, chứ không tùy thuộc vào ước muốn của ta. Như thế ta thấy rằng “chúng là những yếu tố; chúng không thể bị cai trị; chúng không phải là một người hoặc một thực thể sống”. Đây là sự thấu hiểu sâu sắc về vô ngã (anattanupassana-ñana).

Khi hoàn thành những thấu hiểu sâu sắc về vô thường, khổ, và vô ngã, sự trưởng thành về đạo (magga-ñana) và quả (phala-ñana) xảy ra và ta đạt được Niết Bàn. Đạt được Niết Bàn là bước đầu, khi con người đạt giải thoát ra khỏi vòng tái sinh, thoát khỏi những cõi đau khổ. Vì vậy, mọi người cần phải nỗ lực để đạt được bước đầu, đạo và quả của vị nhập lưu, là sự đo lường tối thiểu chống lại sự tái sinh bất hạnh.

Thực Tập Của Người Sơ Học

Phương pháp thực sự của việc thi hành thiền minh sát đã được giải thích là ghi nhận, hoặc quán sát, hoặc chiêm niệm, những sự kiện xảy ra liên tục nơi thị giác, thính giác, v…v… tại các cánh cửa của sáu giác quan. Tuy nhiên, thực là khó cho một người sơ học theo dõi những sự kiện liên tục này khi chúng xảy ra, vì sự chú tâm (sati), thiền định (samadhi), và hiểu biết (ñana) vẫn còn yếu kém. Những giây phút nhìn thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và suy nghĩ xảy ra rất nhanh chóng. Dường như cái thấy xảy ra cùng lúc với cái nghe, và cái nghe xảy ra cùng lúc với cái thấy, thấy và nghe đồng thời xảy ra. Bởi vì chúng xảy ra quá nhanh, không thể nào phân rõ cái gì xảy ra trước và cái gì xảy ra sau.

Thực tế, thị giác không xảy ra cùng lúc với thính giác, hoặc thính giác xảy ra cùng lúc với thị giác. Những sự kiện như vậy chỉ có thể xảy ra từng cái một. Tuy vậy, một thiền giả mới bắt đầu thực tập và chưa phát triển đầy đủ chánh niệm, sự chú tâm và hiểu biết, sẽ không thể nào có khả năng quán sát tất cả những giây phút này một cách đơn độc khi chúng xuất hiện từng loạt. Vì vậy, người sơ cơ không cần phải theo dõi nhiều thứ. Người ấy chỉ cần bắt đầu việc quán sát với một vài thứ.

Thị giác và thính giác chỉ xảy ra khi sự chú tâm nằm ở đối tượng. Nếu ta không để ý đến quang cảnh hoặc âm thanh, ta có thể để thời gian trôi qua mà chẳng có giây phút nào ghi nhận được thị giác và thính giác khi chúng xuất hiện. Khứu giác hiếm khi xảy ra. Kinh nghiệm vị giác chỉ có thể xảy ra khi ta ăn. Trong trường hợp thấy, nghe, ngửi và nếm, thiền giả có thể ghi nhận chúng khi chúng xuất hiện. Tuy nhiên, những cảm xúc nơi thân luôn hiện hữu. Thường lúc nào chúng cũng hiện hữu một cách rõ rệt. Trong lúc ta ngồi, cảm giác tê cứng hoặc cảm giác khó chịu nơi thân rõ ràng được cảm nhận. Vì vậy sự chú tâm cần phải được hướng vào tư thế ngồi và nên ghi nhận như “ngồi, ngồi, ngồi.”

Ngồi

Ngồi là tư thế thẳng của cơ thể gồm một loạt hoạt động thể chất, do ý thức thúc đẩy gồm một loạt hoạt động thuộc về tinh thần. Nó giống như trường hợp một quả banh bằng nhựa được thổi phồng lên và có dạng tròn thông qua sự bành trướng của không khí ở bên trong. Tư thế ngồi tương tự như cơ thể được giữ trong tư thế thẳng, xuyên qua tiến trình liên tục của các hoạt động vật lý. Cơ thể này là một gánh nặng, do vậy cần đến một phần lớn năng lượng để giữ vững tư thế thẳng này. Con người thông thường phỏng đoán rằng cơ thể này được nâng lên và gìn giữ trong tư thế thẳng đứng bằng các thớ gân. Giả định này chính xác trong một ý nghĩa nào đó vì gân, máu, thịt và xương chỉ là phần vật chất. Yếu tố cứng để giữ cơ thể trong tư thế thẳng thuộc về nhóm vật chất và xuất hiện là gân, thịt, máu, v…v…, xuyên suốt cơ thể, giống như không khí trong quả banh nhựa.

Yếu tố cứng là yếu tố không khí, được gọi là vayo-dhatu. Cơ thể được giữ trong vị thế thẳng bằng yếu tố không khí ở dạng cứng, nó liên tục hiện hữu. Khi ngủ hoặc buồn ngủ, ta có thể ngã xuống vì sự cung cấp của phần vật chất mới trong dạng cứng bị cắt ngang. Trạng thái tinh thần trong khi rất buồn ngủ hoặc ngủ là bhavanga, “sự sống tiếp tục” hoặc dòng chảy của tiềm thức thụ động. Trong quá trình của bhavanga, các hoạt động tinh thần vắng mặt, và vì lý do này, cơ thể nằm yên trong khi ngủ hoặc khi rất buồn ngủ.

Trong khi thức, các hoạt động tinh thần liên tục xuất hiện mạnh mẽ và cảnh giác, bởi vì các hoạt động này yếu tố không khí xuất hiện hàng loạt dưới dạng cứng. Để biết sự thật này, điều quan trọng là ghi nhận tư thế của thân một cách chăm chú như “ngồi, ngồi, ngồi.” Điều này không có nghĩa là cảm giác cơ thể cứng ngắc cần phải tìm tòi và ghi nhận một cách đặc biệt. Sự chú tâm chỉ cần chăm chú vào nguyên dạng của tư thế ngồi, nghĩa là, phần dưới của cơ thể ở dạng cong và phần trên của cơ thể thẳng.

Có thể thấy rằng chỉ thực tập việc quán sát tư thế ngồi rất dễ dàng và không đòi hỏi nhiều sự cố gắng. Trong những trường hợp này, khí lực (viriya) ít nhưng sự chuyên tâm (samadhi) thì nhiều. Ta thường có cảm giác lười biếng và chẳng muốn tiếp tục ghi nhận “ngồi, ngồi, ngồi” liên tục trong một thời gian khá dài. Tính lười biếng thường xảy ra khi phải chuyên tâm quá sức và không có đủ khí lực. Đây chẳng là gì cả, chỉ là trạng thái lười biếng và mê mệt (thina-middha).

Cần phát triển thêm khí lực, và vì lý do này, cần phải gia tăng một số đối tượng để ghi nhận. Sau khi ghi nhận “ngồi,” sự chú ý cần được hướng đến một chỗ ở cơ thể nơi mà sự xúc chạm được cảm nhận và ghi nhớ như “xúc chạm.” Để phục vụ mục đích này, bất cứ chỗ nào nơi chân hoặc tay hoặc hông, nơi mà sự xúc chạm được cảm nhận một cách rõ ràng. Thí dụ, sau khi ghi nhận tư thế ngồi của cơ thể là “ngồi,” chỗ mà ta cảm giác được cần được ghi nhận là “xúc chạm.” Và việc ghi nhận cần được lặp đi lặp lại, thay phiên nhau xử dụng hai đối tượng tư thế ngồi chỗ bị chạm đến, là “ngồi, chạm, ngồi, chạm, ngồi, chạm.”

Các từ “ghi nhận,” “quán sát” và “chiêm niệm” được sử dụng ở đây để hướng dẫn sự chuyên tâm vào một đối tượng. Thực tập chỉ đơn giản là ghi nhận hoặc quán sát hoặc chiêm niệm là “ngồi, chạm.” Những người đã từng kinh nghiệm trong việc thực tập thiền có thể thấy rằng cách thực hành này thực dễ bắt đầu, nhưng những ai lần đầu tiên chưa có bất cứ kinh nghiệm nào có thể thấy cách này thực sự rất khó khăn.

Lên – Xuống

Một dạng thực tập đơn giản và dễ dàng hơn cho người sơ cơ: Với mỗi hơi thở, nơi vùng bụng xuất hiện sự chuyển động phồng lên – xẹp xuống. Người mới học cần phải bắt đầu với thực tập ghi nhận sự chuyển động này. Sự chuyển động lên xuống này được ghi nhận dễ dàng bởi vì nó thô và vì vậy nó thích hợp hơn cho người sơ cơ. Như trong trường học nơi các bài học đơn giản được dễ dàng học thuộc, thực tập của thiền minh sát cũng như vậy. Người sơ học sẽ thấy dễ dàng để phát triển sự chiêm niệm và hiểu biết với sự thực tập đơn giản và dễ dàng.

Lần nữa, mục đích của thiền minh sát là bắt đầu thực tập bằng cách chiêm niệm các yếu tố nổi bật nơi cơ thể. Hai yếu tố tinh thần và vật chất, tinh thần thì tinh tế và kém nổi bật, trong khi vật chất thì thô và nổi bật hơn. Vì vậy, ngay từ đầu, trình tự thông thường của một thiền giả là bắt đầu thực tập bằng cách chiêm niệm các yếu tố vật chất.

Liên quan đến tính cụ thể, cái được đề cập ở đây bắt nguồn từ vật chất (upada-rupa), nótinh tế và kém nổi bật, trong khi bốn yếu tố vật chất chánh (maha-bhuta-rupa) — đất, nước, lửa và không khí --- thô và nổi bật hơn. Vì vậy, không khí cần được ưu tiên theo thứ tự của đối tượng được chiêm niệm. Trong trường hợp phồng lên – xẹp xuống, yếu tố nổi bật là yếu tố không khí hoặc vayo-dhatu. Tiến trình cứng và các chuyển động nơi vùng bụng được ghi nhận trong khi chiêm nghiệm chẳng là gì cả, mà do các công năng của yếu tố không khí. Do đó, yếu tố không khí được ghi nhận ngay từ đầu.

Theo những lời chỉ dẫn trong Kinh Quán Niệm Xứ (Satipatthana Sutta), ta cần phải chú ý một cách tương ứng đến các hoạt động đi trong khi đi, các hoạt động đứng khi đứng, cũng như khi ngồi và khi nằm. Ta cần phải chú tâm đến các hoạt động của thân mỗi khi chúng xuất hiện. Về phương diện này, các bài bình luận ghi rằng ta cần phải chú tâm vào yếu tố không khí trước tiên, rồi mới đến ba yếu tố khác. Thực ra, tất cả bốn yếu tố chánh đều chi phối mọi hành động nơi thân, điều trọng yếu là nhận ra bất cứ yếu tố nào trong bốn yếu tố, hoặc là hai sự chuyển động phồng lên và xẹp xuống xảy ra một cách rõ ràng với mỗi hơi thở, và bắt đầu bằng sự ghi nhận các chuyển động này. Nhằm mục đích thông tin, một số tính năng cơ bản trong hệ thống thiền minh sát đã được giải thích như sau.