Phật Giáo & Nữ Giới

SỨC KHỎE PHỤ NỮ

Docsach24.com

 Học Tây Tạng là một trong những hệ thống y học cổ xưa nhất vẫn tiếp tục tồn tại trên thế giới.  Những đóng góp tiềm năng của y học Tây Tạng đối với quan điểm hiện đại về sức khỏe và chữa bệnh rất là lớn.  Dựa trên bao thế kỷ của việc thử nghiệm, quan sát, và thích ứng với nhiều kỹ thuật y học từ Ấn Độ, Trung Quốc và Ba Tư, kết hợp cùng với các phương cách bản địa của cao nguyên Tây Tạng có niên đại từ thế kỷ thứ bảy, y học Tây Tạng tiếp tục canh tân cho đến ngày hôm nay và tự cải thiện mà vẫn không rời giới luật hay nhiều lý thuyết căn bản của Phật giáo.  Y học Tây Tạng được gọi là sowa rigpa, nghĩa đen là “khoa học chữa bệnh”. Những văn bản nguyên tác, rGyud bzhi,  hoặc Tứ Mật Kinh, có niên đại từ thế kỷ mười một, thời kỳ phục hưng của khoa y học Tây Tạng và của Phật giáo Tây Tạng nói chung.  Một số văn bản y học cốt yếu sử dụng trong y học Tây Tạng được dịch từ tiếng Sanskrit và dần dần được đem vào trong Phật giáo Tangyur (bộ sưu tập kinh tạng các bài chú giải và luận giải Phật giáo). Cùng với truyền thống y học Ấn Độ cổ xưa, người Tây Tạng cũng chấp nhận quan niệm của Phật giáo Mật thừa về thân, đặc biệt là bộ kinh nổi tiếng Klacakra Tantra (Kinh Thời Luân), và một số kỹ thuật dược lý bắt nguồn từ nghệ thuật luyện kim.  Những vay mượn này dần dần được sửa đổi cho phù hợp, được làm cho phong phú hơn, và được dung hợp thành một truyền thống y học đặc biệt của Tây Tạng liên hợp chặt chẽ với Phật giáo.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ mô tả sự liên hợp giữa y học và Phật giáo Tây Tạng, cụ thể, về lý luận y học, các quan niệm về cơ thể, sinh lý học, và bệnh lý. Và rồi chúng tôi sẽ tập trung vào những câu hỏi về sức khỏe của phụ nữ, và về sự đóng góp của nữ y sĩ Tây Tạng đầu tiên, nổi tiếng, Amchi Kandro Yangkar. Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu về các mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học được thể hiện qua cuộc sống và công việc của bà. Kandro Yangkar sống trong một giai đoạn chuyển đổi lớn ở xã hội Tây Tạng và giúp xây dựng ban y tế phụ nữ, ngày nay thuộc Mentsikhang Tây Tạng (Bệnh Viện Y Học Tây Tạng, Đại học Y Khoa và Chiêm Tinh Học).  Chúng tôi đề cập đến Yangkar không chỉ vì những cống hiến của bà đối với sức khỏe phụ nữ, nhưng cũng vì ngày nay bà được thừa nhận là người Tây Tạng "đầu tiên", và trong cộng đồng y khoa, một trong những nữ bác sĩ được tôn trọng nhất. Trong công việc, bà minh họa một phương cách chữa bệnh theo Phật giáo mà các y sĩ Tây Tạng ngày nay gọi là phương cách "từ bi". Điều này được làm cho nổi bật hơn do những khó khăn về chính trị và xã hội mà bà phải đối diện và thời điểm bất ổn mà bà sống trong đó.

Y Học Tây Tạng và Phật Giáo

Y học Tây Tạng có sự liên hệ chặt chẻ với Phật Pháp.  Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng đức Phật công nhận tính chất cơ bản của sự hiện hữu như là một trong những cái khổ, và thiết lập việc loại bỏ nỗi khổ này bằng cách đề xuất một số cách hành xử để loại bỏ nguyên nhân gây ra khổ. Tất cả những giới luật liên quan đến việc xác định khổ và loại bỏ các nguyên nhân của nó được phản ảnh trong ngành y học.  Vì vậy, sau khi đạt giác ngộ, đức Phật có danh hiệu "Vị Y Sĩ Thượng Thừa". Y học Tây Tạng và triết học Phật giáo san sẻ một số khái niệm cơ bản về trạng thái nhân bản và tính chất vật chất của thế giới hiện tượng – những khái niệm khác biệt đáng kể so với suy nghĩ của người Tây Phương. Trong các nỗ lực của đức Phật, cụ thể là những đề nghị để loại bỏ khổ thông qua các phương pháp y học công nhận rằng, ví dụ, tính chất tương đối và điều kiện hóa của các hiện tượng vật chất, do đó, tính thực dụng của tất cả các hiện tượng (ví dụ, động vật, khoáng vật, thực vật) trong việc tạo ra tình trạng sức khỏe.

 Theo truyền thống phổ biến, các luận thuyết kinh điển về y học, rGyud bzhi, được đức Phật Thích Ca Mâu Ni giải nghĩa qua hiện thân của đức Phật Dược Sư (Bhaisajyaguru).  Sự xuất hiện của các lý thuyết y học tại Tây Tạng bắt nguồn từ vị thông dịch viên người Ấn Độ, Candrnanda và ngài Đại Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), sống ở Tây Tạng dưới thời vua Trison Deutsen, và sau đó là Yuthok Yontan Gompo, vị trưởng lão, người được cho là đã luật hóa các giáo lý. Các văn bản được coi là rGyud bzhi hiện nay có lẽ đã được hệ thống hóa một lần nữa trong thời của Yuthok Yontan Gompo, vị hậu bối, trong thế kỷ thứ mười một và mười hai, và được bổ sung với nhiều bài chú giải trong các thế kỷ sau đó.

Biểu tượng chánh yếu trong Mật Tông là đức Phật Dược Sư (Bhaisajyaguru), ngài tỏa ra những tia ánh sáng nhiều màu gội rửa cho chúng sinh sạch hết những vô minh và chữa lành khổ đau nơi thân do sự mất cân bằng dịch thể. Trong y học Tây Tạng, sự cân bằng dịch thể ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch bệnh và duy trì sức khỏe cho tốt. Sự chuyển tải các tư tưởng Phật giáo và hình ảnh liên quan đến đức Phật Dược Sư vào trong các phương pháp y học qua hai phương cách. Mỗi phương cách có thể làm sáng tỏ sự hiểu biết duy nhất của phụ nữ trong, và những đóng góp độc đáo của phụ nữ với, cách chữa bệnh của Phật giáo. Trước hết, Phật giáo Tây Tạng có những lý thuyết đặc biệt về bản chất của thế giới vật chất liên kết đạo đức, môi trường và chức năng sinh lý học, cùng với nhau trong nhiều cách tiếp cận đối với các bệnh phụ khoa, đưa ra những giải pháp cho sức khỏe phụ nữ có thể coi là đặc biệt Phật giáo. Thứ đến, các nhà trị liệu nhận ra tầm quan trọng trong cách ứng xử của họ như những con người từ bi và tính ưu việt của sự phục vụ tha nhân. Những phương cách trị liệu này được minh chứng nơi nữ bác sĩ "đầu tiên" của Tây Tạng.

Chuyển Tải Lý Tưởng Phật Giáo Vào Lý Thuyết Y Học:  Khái Quát

Nền tảng lý thuyết và thực hành của y học Tây Tạng được quy định trong một bài luận giải cơ bản được gọi là rGyud bzhi, hoặc Tứ Mật Kinh. Ngoài Tứ Mật Kinh, còn có vô số khái yếu được sử dụng rộng rãi, trong đó có Lam Lục Bảo Thạch Luận (The Blue Beryl Treatise), là một bộ sưu tập độc đáo với những lời chú giải và hình ảnh minh họa từ các luận cứ y học được hình thành trong thế kỷ thứ mười bảy, được sử dụng như là một bản ghi nhớ cho các bác sĩ tập sự Tây Tạng. Các tài liệu đó giới thiệu một phương pháp trị liệu trong đó các giáo lý Phật giáo tạo nên cơ sở cho các lý thuyết về sinh lý và bệnh lý, cũng như các phương pháp để chẩn đoán và trị liệu. Ví dụ, Phật giáo cho rằng vũ trụ là vô thường và liên tục thay đổi. Ý tưởng này được chuyển tải vào các lý thuyết y học về thế giới vật lý, và phương cách mà qua đó các hiện tượng thô có liên quan với nhau như sau: y học Tây Tạng cho rằng cơ thể con người tự động điều chỉnh theo những thay đổi vô hạn định, nhưng sự mất cân bằng có thể xuất hiện nếu những ảnh hưởng bên ngoài và sự cân bằng bên trong cơ thể không thể hòa hợp với nhau.

Trong y học Tây Tạng, sự thiếu hòa hợp này được coi là xuất phát từ hoạt động của hai mươi lăm yếu tố, bao gồm ngũ hành, lục vị và những đặc tính thứ yếu.  Lấy một ví dụ về lý thuyết của ngũ hành, mọi vật chất trong thế giới vĩ mô và vi mô được hình thành bởi năm yếu tố vũ trụ-vật lý của đất (sa), nước (chu), lửa (me), gió (rlung), và không gian (nammkha). Cơ thể cũng bao gồm vũ trụ-vật lý cơ bản của ngũ hành. Sự rối loạn liên quan đến sự thiếu hài hòa hoặc mất cân bằng bằng cách tăng hoặc giảm các yếu tố này trong cơ thể hoặc trong môi trường.

Vì mỗi cá nhân tượng trưng cho sự kết hợp độc đáo của các yếu tố này, và vì sức khỏe cá nhân được quyết định bởi sự duy trì cân bằng nội tại, sự dư thừa của một hay nhiều yếu tố có thể gây ra bệnh, đó là, sự xáo trộn cân bằng tự nhiên.  Sự cân bằng nội tại được quyết định bởi sự tương tác hài hòa của tam dịch thể (ba chất nước trong cơ thể): gió (rlung), mật (mkhris pa), và đờm (badkan).  Tam dịch thể bảo đảm sự hoạt động lành mạnh của cơ thể bằng cách điều chỉnh sự hợp thành cơ bản của các yếu tố thông qua các bộ phận và các ống dẫn trong cơ thể.  Tam dịch thể không phải là những thực thể riêng biệt, cũng không được xem như là những bộ phận hoặc hệ thống bộ phận, mà là những nguyên tắc có hệ thống hoặc các năng lượng có liên quan đến những hiện tượng tự nhiên như nóng, lạnh và sự di chuyển, cũng liên tục thay đổi. Chúng có mối liên hệ rõ ràng và cụ thể với nhau, và khi chúng hoạt động bình thường, chúng có những yếu tố sinh lý phù hợp với nhau. Khi hoạt động của chúng bị xáo trộn, các yếu tố sinh lý nói trên đều biến thành bệnh lý.

Các tư tưởng Phật giáo được chuyển tải sang lý thuyết y học qua hai phương pháp, thứ nhất là qua hệ thống dịch thể. Phẩm chất đặc biệt và sức mạnh của những dịch thể được xác định không chỉ bằng phẩm chất của các yếu tố có mặt trong các tế bào phôi thai (bản thân của chúng bị ảnh hưởng bởi phẩm chất của những dịch thể tái tạo từ cha và mẹ, bởi những điều kiện bẩm sinh, và bởi chế độ ăn uống của người mẹ), và còn bởi sự hiện diện của tam độc, tham, sân và si, được thể hiện trong sự hình thành thai nhi dưới dạng của các thể dịch: gió, mật và đờm. Nói cách khác, sự phát triển của các dịch thể trong bào thai phụ thuộc một phần vào phẩm chất của nghiệp (nghĩa là, phẩm chất của sự tồn tại đạo đức của một người) được luân chuyển từ nghiệp của kiếp sống quá khứ.

Bằng cách này, y học Tây Tạng đưa ra mối quan hệ giữa đạo đức tôn giáo và sinh lý học trong đó sự có mặt của các chất độc là kết quả của những hành động quá khứ. Do vậy, cơ thể con người, chỉ bằng sự hiện hữu đơn thuần của nó, là biểu hiện của tiềm lực tinh thần và đạo đức.  Nó thể hiện sự kết hợp của ngũ hành, là kết quả của sự pha trộn của tinh cha, huyết mẹ, để tạo ra cuộc sống hay được "bắt lửa" từ sức mạnh của cuộc sống, srog, chứa đựng tiềm năng nghiệp cá nhân. Chính sức mạnh này tạo ra các tế bào cơ thể và dịch thể, sau đó là những phần phức tạp của cơ thể khi các dịch thể hoạt động trên các thành phần kết hợp nên thân. Tóm lại, những thiện ác trong quá khứ được thể hiện trong sức mạnh, phẩm chất, hoặc sức sống sinh lý của một người.

Đây là hệ quả tất yếu của lý thuyết về sự hình thành thai nhi từ các dịch thể.  Y học Tây Tạng liên hệ những giới luật tôn giáo với các yếu tố sinh lý học bằng cách sắp đặt sự tương ứng giữa ngũ hành và dịch thể hoặc tam độc; gió (với ý nghĩa ham muốn) tương ứng với dịch thể gió và yếu tố thuộc gió; mật (với ý nghĩa sân hận) tương ứng với dịch thể mật và yếu tố lửa; và đờm (với ý nghĩa vô minh) tương ứng với dịch thể đờm và yếu tố thuộc về đất và nước.

Tam dịch thể hỗ trợ lẫn nhau và giữ cho cơ thể được cân bằng.  Thí dụ, mật sản xuất một nhiệt lượng khổng lồ, cần được đờm cân bằng.  Đồng thời, các tế bào cơ thể cần được bảo vệ khỏi áp lực, và sự bào mòn bởi gió, và những chất lỏng thích hợp di chuyển bằng sức gió bảo đảm rằng các sản phẩm của quá trình sinh hóa, khi được kích thích bởi nhiệt, được phân phối khắp cơ thể một cách đồng đều. Trong ý nghĩa này, đờm là thể loại chánh hoặc chủ yếu của sự cân bằng nội tại. Trong một vài trường hợp, dịch thể gió là thế lực quan trọng; mật là năng lượng quan trọng, và đờm là lực lượng điều hòa.

Hơn nữa, mỗi dịch thể được xem như có những đặc tính riêng biệt.  Gió (rlung) được xem là có tính trung hoà, hỗ trợ mật và đờm trong những hoạt động có liên quan đến sự cử động hay di chuyển như thế nào. Gió thuộc ngũ hành tuỳ thuộc vào nơi chốn nó xảy ra trong cơ thể (thí dụ, duy trì cuộc sống, tăng dần, bao trùm, như điều chỉnh lửa, hoặc trục xuất xuống) và sự hoạt động mà nó có liên quan: hít thở, khạc nhổ, hoạt động các bắp thịt, phát ngôn, kinh nguyệt, tiểu tiện và sự nhập liệu cảm xúc tiếp sức. Dịch thể gió trực tiếp liên quan đến tâm thức và luôn luôn liên quan đến bệnh tâm thần hoặc bệnh trầm cảm. Vì gió điều khiển sự hít thở, hoạt động của các bắp thịt, và chuyển động, nó có thể được coi như không khí hoặc như một áp lực, năng lượng, hoặc sức mạnh. Vì những đặc tính này, gió được xem là một lực chính yếu trong hoạt động của cơ thể, vị "lãnh đạo" của tam thể dịch, và là yếu tố nhạy cảm và dễ phản ứng nhất trong tam thể dịch.  Trong y học Tây Tạng, các bệnh do căng thẳng gây ra như huyết áp cao và rối loạn cảm xúc được xem là do sự mất thăng bằng của gió. Liên kết với độc tố tham ái, nó được thể hiện một cách biểu tượng bằng hình ảnh nam nữ đang giao hợp, gợi ý rằng sự ham muốn tính dục là mô hình của tất cả mọi ham muốn, dù dưới hình thức ham muốn nhục dục, tham lam, hoặc chỉ là khao khát, bám víu.

Dịch thể mật (mkhris pa) có bản chất của yếu tố lửa, và cũng bao gồm năm loại.  Mật không chỉ đơn giản là tiết tố của gan, mà còn bao gồm tất cả các rối loạn gan và sự biến hóa trong cơ thể.  Nó điều hòa sự tiêu hóa của thức ăn và giữ vai trò rộng lớn trong các quá trình dinh dưỡng để sau cùng tạo thành bảy thành phần vật thể: tinh chất dinh dưỡng, máu, thịt, mỡ, xương, sụn, và dung dịch lỏng có khả năng tái tạo.  Mật cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da, sự biến dưỡng trong cơ thể, thị lực, và phản ảnh sức khỏe của sự tiêu hoá biến dưỡng, sinh lực và nhiệt.  Được coi là liên quan đến chất độc sân hận, giận dữ, mật được miêu tả một cách biểu tượng bởi hình ảnh hai người đang đánh nhau.

Cuối cùng, đờm (bad kan) cũng có năm loại và bao gồm những yếu tố thuộc về nước và đất. Hoạt động cơ bản của đờm là điều hòa sự biến hóa của các tế bào cơ thể và cấu trúc toàn vẹn của cơ thể.  Dịch thể đờm hỗ trợ sự ổn định, trọng lượng, và chịu trách nhiệm cho tiềm năng tính dục và khả năng sinh sản, và sức đối kháng với bệnh tật.  Nó cũng liên quan đến những khả năng cảm xúc như sự kiên nhẫn, sức mạnh nội tại, ít ham muốn, nhưng nó cũng được xem là sản phẩm của vô minh.  Nó được thể hiện bởi một người đang ngủ (không biết về những nguyên nhân sâu xa của nỗi khổ).

Ở đây, những gì có thể được lưu ý là các dịch thể tự tương ứng với các trạng thái cảm xúc hoặc tâm thần trong những cách có liên quan đến hoạt động của cơ thể. Trong hệ thống y học, các trạng thái tình cảm không phụ thuộc vào hoạt động thể chất - chúng là một phần trong đó.  Hơn nữa, những trạng thái tình cảm thiếu cân bằng được biểu hiện bằng các triệu chứng về mặt thể chất và quan trọng hơn, cũng được hiểu qua những biểu hiện đạo đức và quan hệ của họ đối với tha nhân. Tam dịch thể có thể được giải thích về lý thuyết, về các nguyên nhân gây ra bệnh và sự phát tác của các chứng bệnh.

Một trong những nguyên nhân của các chứng bệnh là do khuynh hướng bẩm sinh. Thời gian, địa điểm, chẩn đoán và điều trị căn bệnh trong y học Tây Tạng được xem là có liên quan đến sự cân bằng của tam thể dịch. Ở một cá nhân nào đó, một trong những dịch thể có thể chiếm ưu thế hơn các dịch thể khác. Vì vậy, chúng ta có thể phân loại cơ thể con người thành bảy nhóm trên cơ sở ưu thế tự nhiên: những người có ưu thế tự nhiên của gió, mật, hoặc đờm; những người có ưu thế với một kết hợp đặc biệt, chẳng hạn như gió-mật, gió-đờm, hoặc đờm-mật; và những người có ưu thế của cả ba. Trong hệ thống y học Tây Tạng, ưu thế tự nhiên và tương tác của các dịch thể rất cần thiết cho việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh.

Bên cạnh hệ thống dịch thể là hệ thống những mạch đập: mạch đập nam tương tự như gió, mạch đập nữ tính tương tự như mật, và mạch đập trung tính tương tự như đờm. Các mạch đập phản ảnh tính khí và thể chất của con người, do đó có thể được xem là tương tự với loại máu trong y sinh học, trong ý nghĩa là nhóm máu khác nhau ở mỗi người, là điều rất quan trọng để chẩn đoán, và là cơ sở dựa trên đó những sai lầm nghiêm trọng trong việc điều trị có thể xảy ra.

Ưu thế của một dịch thể đặc biệt nào đó làm cho cơ thể dễ bị nhiễm các loại bệnh khác nhau tùy thuộc vào thể chất con người. Sự cấu thành của mỗi một dịch thể rất khác nhau, và theo đó, tính khí cá nhân liên kết với các dịch thể cũng khác nhau.  Ví dụ, người nào đó có ưu thế của gió thì dễ bị mất ngủ và tính khí khó chịu. Người với ưu thế của lửa, thể tạng thường trung bình, dễ nóng giận, và dễ bị nhiệt. Người này có thể dễ có những quan hệ phiền toái hoặc xung đột với người khác. Một người với ưu thế của các yếu tố của đất và nước (dịch thể đờm) thì mạnh mẽ, tròn trịa, tốt bụng, và chịu nhiệt được, nhưng lại không rõ ràng về nguồn gốc tối hậu của sự bất hạnh hay hạnh phúc của bản thân. Ngược lại, một người với ưu thế của gió thì mảnh mai và nhút nhát, chịu nhiệt giỏi, nhưng có thể có xu hướng lo lắng và rất dễ bị thất vọng. Thay đổi khí hậu hoặc điều kiện môi trường có thể tạo ra những phản ứng khác nhau nơi những người khác nhau, tùy thuộc vào đặc tính dịch thể nơi họ. Tham dự vào các hoạt động tôn giáo có thể giúp làm dịu tinh thần, hoặc làm giảm đi những ảnh hưởng của các chất cấu tạo chủ yếu; ăn các loại thực phẩm được quy định và sử dụng các loại thuốc phù hợp cũng rất hữu ích.

Sự mất cân bằng trong các dịch thể được kích hoạt bởi một số yếu tố vượt ra ngoài ưu thế bẩm sinh, bao gồm chế độ ăn uống, hành vi, nhận thức, nghiệp, ma quỷ, thời tiết, khí hậu, hoặc các yếu tố môi trường. Khi xảy ra sự mất cân bằng, cơ thể trở nên dễ bị bệnh, tổn hại và gia tăng đau khổ. Ví dụ, khi có sự rối loạn về mật xảy ra, bảy thành phần cấu tạo vật lý được đun nóng. Mật nằm ở trung tâm của cơ thể, và khi bị nhiễu loạn, nó chảy lên phần trên cơ thể. Khi chứng rối loạn đờm xảy ra, thân nhiệt bị giảm xuống và bị ngộp thở. Đờm có tính chất đất và nước và được nằm ở phần trên của cơ thể. Khi rối loạn xảy ra, đờm hạ xuống phần dưới của cơ thể - và chịu trách nhiệm cho việc cảm lạnh. Gió thường thấy nơi cái nóng và lạnh, và tỏa khắp thân thể để gây rối loạn nóng và lạnh. Nó hỗ trợ bất cứ thứ nào có ưu thế hơn trong hai thứ, mật hoặc đờm.  Nếu sự xáo trộn đờm chiếm ưu thế, gió sẽ gây rối loạn lạnh để cân bằng những tính chất nóng và lạnh.

Y học Tây Tạng do đó kết hợp các yếu tố tâm lý (hoặc cá tính) với các yếu tố vật lý. Yếu tố tâm lý có liên quan đến các yếu tố vật lý. Nhưng y học Tây Tạng cũng quan tâm đến các cảm xúc và cuối cùng, là các khía cạnh tinh thần của chức năng thuộc về dịch thể, nhắc nhở đến những nền tảng tôn giáo của hệ thống y học này. Người có vấn đề với gió có thể cảm nhận được rằng hoàn cảnh sống của họ đang gặp khó khăn, dầu ở bề ngoài khó ai nhận biết được những điều này, và do nhận thức này, vì nó sẽ được chuyển thành sự mất cân bằng sinh lý, nên cuối cùng có thể sinh ra bệnh, hoặc nó có thể làm tăng thêm và làm trầm trọng thêm các rối loạn do các yếu tố khác gây ra. Tương tự, sống trong những tình huống căng thẳng hoặc khủng hoảng tâm lý có thể tạo ra sự mất cân bằng vì chúng gây áp lực và có thể sản sinh ra những rối loạn tương ưng.

Khí hậu, chế độ ăn uống, hoặc các điều kiện xã hội trong mối quan hệ hai chiều giữa hoạt động ngoại tại và nội tại có thể gây ra sự mất cân bằng. Ví dụ, một người phản ứng với sự giận dữ trong một tình huống nào đó, có thể trở nên như vậy, vì sự mất cân bằng của dịch thể.  Tương tự, một người không phản ứng với vẻ bình thản trước một hoàn cảnh khó khăn có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi trong thành phần cấu tạo của dịch thể, tạo nên những sự mất thăng bằng nhỏ, rồi dần trở thành mãn tính nếu tình hình không thay đổi, hoặc nếu cơ thể bị tấn công bởi các yếu tố bất quân bình khác (thí dụ, trong chế độ ăn uống hoặc khí hậu). Vì vậy, người ít có nhiều khả năng chế ngự tình cảm của mình đưa đến sự mất quân bình, là do cái tưởng của cá nhân người đó đối với một hoàn cảnh.  Sự liên kết vi tế giữa nhận thức và sinh lý học trong y học Tây Tạng tạo nên một hệ thống y học dựa trên các mối quan hệ thực tiễn giữa môi trường xã hội và vật lý, tâm, thân - và đạo đức.

Các lãnh vực đạo đức của phương trình này là cái ít được nhắc đến nhất, chúng hoạt động âm thầm trong văn hóa giả định cũng như công khai trong lý thuyết y học. Lần nữa, ta thấy đạo đức gắn liền với hành động và chủ tâm của một người đối với người khác. Thí dụ, đó là khi một người bị hành động của những người khác làm cho bực bội, hoặc khi họ gieo đau khổ cho những người khác bởi sự nóng giận hay tham ái, thì các dịch thể bị dâng lên -nghĩa là, các tác động dịch thể gây ra bởi hoạt động của tam độc dịch thể.  Trong hệ thống này, các trạng thái cảm xúc quan trọng không chỉ đối với cá nhân, sinh lý học của người đó mà còn cả với người khác nữa.  Đó là vì tam độc đưa đến kết quả có lợi hoặc hại đối với người xung quanh do người nào đó biểu hiện chúng, thì người đó cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Sân hận và tham đắm kích hoạt trong tâm trí cá nhân cũng thể hiện trong các mối quan hệ đối với những người khác, cũng như các mối quan hệ đó ngược lại có thể ảnh hưởng đến tư duy. Nói cách khác, những tình cảm như thế quan trọng về mặt đạo đức, đồng thời cũng liên quan đến hoạt động của thân.

Vì vậy, ví dụ, một y sĩ Tây Tạng giỏi phải chú ý tới thái độ của mình đối với bệnh nhân vì nếu ông khiến người bệnh cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng, các trạng thái tình cảm này có thể làm cho căn bệnh trầm trọng thêm hoặc thậm chí gây ra sự mất cân bằng (do tác động của gió và các dịch thể khác) nơi các bệnh nhân. Điều lưu tâm ở đây là người bác sĩ không chỉ phải nhạy cảm đối với những nhận thức của bệnh nhân vì sợ rằng chúng sẽ gây trở ngại cho sức khỏe của bệnh nhân - người bác sĩ cũng cần phải thừa nhận rằng bất cứ ảnh hưởng nào mà ông tạo ra trong tâm bệnh nhân, do tác động của nghiệp và do tác động của các phản ứng tình cảm nơi họ, sẽ ảnh hưởng đến chính sức khỏe của người bác sĩ (nếu không phải trong cuộc sống này thì là cuộc sống tương lai). Định hướng tôn giáo này tiềm ẩn trong y học Tây Tạng, nơi nó hoạt động như một lý tưởng văn hóa và như một cơ sở để thiết lập các mối liên kết giữa nghiệp, các thể dịch, các độc tố, và sức khỏe.

Trong thực tế, suy cho cùng, điều này có nghĩa là mặc dù các bác sĩ Tây Tạng nhận ra sự đau khổ của bệnh nhân gắn liền với nỗi khổ của sự hiện hữu nơi thế giới trần tục –sự sở hữu một cơ thể và sống theo sự thúc đẩy, lôi kéo của dục vọng và sự bất như ý do vô minh - họ cũng nhận ra những hạn chế của mình trong việc can thiệp đối với các hoạt động tôn giáo. Vì vậy, các y sĩ Tây Tạng đôi khi có thể đề nghị những bệnh nhân, mà họ tin là có thể được giúp đỡ bằng sự tu tập tâm linh, đến thăm một vị lạt-ma hoặc một vị thầy tôn giáo đối với một số vấn đề sức khỏe khó thể chữa trị. Đồng thời, các y sĩ Tây Tạng cũng thừa nhận rằng, vì tam độc tự biểu hiện theo luật tự nhiên –thông qua các tiến trình do các hoàn cảnh xã hội, môi trường, và tình cảm tác động, tất cả đều dựa trên ngũ hành  - chúng có thể được giải quyết một cách hiệu quả bằng sự can thiệp của y học, đặc biệt là các loại thuốc kết hợp từ ngũ hành giống như thân.  Y học Tây Tạng không thể thay thế mà là bổ sung cho sự tu tập tâm linh.

Điều này không có nghĩa là các bác sĩ Tây Tạng, tùy thuộc vào trình độ đào tạo và chuyên môn của họ, không kê toa hoặc đề nghị các hoạt động tôn giáo khác để làm an tĩnh tinh thần và giúp duy trì hoặc khôi phục lại sự cân bằng nội tại. Đôi khi, họ nhận ra nhu cầu phải sử dụng thuốc như một biện pháp can thiệp sớm nhất để khôi phục lại sự cân bằng và để làm dịu đi các dịch thể của bệnh nhân, để người đó có thể tiến hành việc thiền định hoặc thực hiện sự luyện tập tâm linh. Suy luận từ những điều này, ta thấy rằng hiệu lực của y dược Tây Tạng được tin là bắt nguồn không chỉ từ các thành phần dược liệu mà còn là từ những phước lành mà họ nhận được từ các y sĩ lạt-ma có khả năng.