Phật Giáo & Nữ Giới

Quân Đội Sujt

Docsach24.com

gày nay ở Ấn Độ, ít khi nào cầm lên tờ báo hằng ngày mà không thấy nói đến người Dalit (người bị đàn áp, chà đạp, hạ thấp). Từ khi độc lập, Ấn Độ đã theo chế độ chính phủ quốc hội, có hiến pháp tuyên bố rằng tất cả mọi công dân - nam, nữ, người có học, kẻ vô học, Dalit hay không phải Dalit - đều tự do và có quyền bình đẳng đi bầu.  Người Dalit, trước kia được gọi là Hạ Cấp, đã sử dụng quyền hạn và tự do mới này, để trở thành những thành viên ngày càng tích cực và tự tin trong nền dân chủ chính trị cạnh tranh khốc liệt của Ấn Độ. Một trong những hậu quả của việc này là họ phải chịu đựng ngày càng nhiều những lời chỉ trích từ những người chống đối sự tự giải phóng và quyết đoán của người Dalit. Bài viết này nhắm đến một phong trào ít được để ý đến, ít quyết liệt, và ít phát tán hơn, đó là sự tự giải phóng của người phụ nữ Dalit.  Cụ thể, nó đề cập đến một nhóm nhỏ, nhưng quan trọng của nữ Phật tử Dalit sống ở thành phố Agra, Ấn Độ.  Những người phụ nữ này đã tổ chức một “quân đội” để vận hành sự giải phóng của họ khỏi chế độ gia trưởng, giai cấp và sự u mê về giới tính. Tất cả những người phụ nữ này, cùng với vị lãnh đạo siêu việt của họ, Madhumaya Jayant, là thành viên của một cộng đồng người Dalit, mà ở Agra được gọi là Jatav.  Madhumaya và các chị em bạn gái của mình tìm kiếm sự giải phóng bằng cách bước vào những không gian và tầm ảnh hưởng công cộng, những điều mà trước đây truyền thống ngăn cấm họ bằng những tục lệ phong kiến trong chính cộng đồng của họ và bởi vì giai cấp Dalit của họ.

Những Người Chiến Sĩ

Phong trào mà Madhumaya là người sáng lập, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Trung Ương Ấn Độ, hay còn được biết đến dưới tên lả “Quân Đội Của Sujt”.  Madhumaya giờ là chủ tịch của Hội Phụ nữ Uttar Pradesh, chi nhánh tiểu bang. Madhumaya đã gọi quân đội của bà là Sujata, vì chính là Sujata, theo kinh điển là người đầu tiên đã dâng cúng thực phẩm cho đức Phật ngay trước khi Ngài đạt được Giác ngộ. Madhumaya giải thích thêm rằng trong một chuyện kể khác khi đức Phật đang đi tìm giải thoát, Giác ngộ, khi Ngài đang phân vân phải làm điều gì kế tiếp, Ngài đã thả chiếc chén bạc mà Sujata đã dâng cúng thực phẩm trong đó xuống dòng sông. Khi Ngài nhìn thấy nó chảy ngược dòng sông, Ngài đã có thêm can đảm và quyết chí đạt được Giác ngộ. Do đó, biểu tượng của tên gọi mà Madhumaya đã chọn hàm ý rằng phụ nữ đã và vẫn có một vai trò quan trọng trong việc mang sự Giác ngộ Phật đà đến cho thế giới. Giờ nhiệm vụ của quân đội Sujata là mang đến sự giải thoát cho phụ nữ Dalit, để cải thiện hoàn cảnh xã hội trong cuộc đời họ, trong thế giới hiện tại, như ngài Ambedkar mong muốn.

Madhumaya trong độ tuổi bốn mươi hơn hay năm mươi, đã lên chức bà, đã được con dâu gánh vác việc nhà thay bà, và quan trọng hơn cả là được lập gia đình với một người trí thức, thông thạo tiếng Pháp và Anh, làm việc trong một công ty du lịch lớn.  Phu quân của Madhumaya, cũng như những người chồng của các thành viên khác trong Hội, đã ủng hộ sự nỗ lực của bà, cũng như việc bà phải đi đây, đi đó xa thành phố Agra. Sự ủng hộ tích cực này đã khiến cho các phụ nữ trong Hội không có số phận giống như những người phụ nữ Dalit kém may mắn khác.  Quan trọng hơn nữa, Madhumaya đã hoàn tất chương trình học phổ thông, có học cũng giống như các phụ nữ khác trong Hội. Nhờ có tri thức bà có thể giao thiệp rộng rãi, đọc sách báo và thỉnh thoảng còn gửi bài viết của bà đến cho báo chí đăng tải. Sự có học cũng giúp bà cũng như các bạn nữ nhi khác có thể đọc những tài liệu như các đạo luật của chính phủ để có thể giúp những goá phụ mù chữ cũng như những người cần giúp đỡ khác.  Không giống như một số ít phụ nữ có trình độ đại học trong cộng đồng bà, những người này thường làm việc trong các cơ quan chính phủ, do đó bị cấm tham gia vào các hoạt động chính trị, Madhumaya và các môn đồ của mình vẫn làm công việc nội trợ, nhưng được tự do tham gia vào các hoạt động công nơi họ có thể âm thầm tìm cách ảnh hưởng đến những chị em phụ nữ kém may mắn và/ hay kém Giác ngộ hơn, cũng như những vị nam nhân trong cộng đồng của họ.  Nói tóm lại, họ là những nhà hoạt động cơ sở.

Mẫu người lý tưởng mà Madhumaya noi gương theo chính là Mẹ Theresa.  Dầu bị bịnh tiểu đường hành hạ, đức tính nổi bật nhất của bà là tính khôi hài, mà bà thường sử dụng với những lời lẽ xác đáng để đối phó với những người chống đối, hay để làm lắng dịu những tình huống căng thẳng, trong khi vẫn giữ vững lập trường của mình. Bà cùng thường tự chế diễu mình, như khi bà nói với tôi, trong tiếng cười, “Ấy dà, khi mình còn trẻ, họ ve vuốt, ngắm nghía mái tóc đen huyền của mình, nhưng khi mình già rồi thì chỉ một sợi tóc bạc rớt trong đồ ăn, họ cũng than phiền”.

   

Những Lời Dạy Hợp Pháp Của Bác Sĩ Ambedkar

Trước khi Ấn Độ được độc lập, thành viên trong cộng đồng của Madhumaya được coi là thuộc giai cấp Hạ Tiện (Untouchables). Những người này thuộc giai cấp thấp nhất trong hệ thống giai cấp của Ấn Độ. Vì họ làm việc với các chất ô nhiễm như da, quần áo dơ cần giặt, cắt tóc, cắt móng, xác súc vật, chất thải của người và rác, nên bản thân họ và sự tiếp xúc của họ bị coi là ô uế đối với giai cấp cao cấp hơn. Do đó họ bị khinh bỉ, tránh né, bị buộc phải sống trong các chòi riêng và chỉ được uống nước ở giếng của họ, không được tham dự các nghi lễ tôn giáo, nếu bước chân vào các chùa dành cho giai cấp quý tộc, có thể bị phạt khổ sai hay những hình phạt tàn bạo khác, bị bắt làm những công việc khổ cực nhất, có thể bị đuổi học, không được tham dự các chương trình giáo dục. Số phận của họ thật cay nghiệt. Những người thuộc giai cấp quý tộc, chính thống tin rằng, cũng giống như giai cấp hạ tiện, tất cả đều đã được tôn giáo định sẵn. Do đó giai cấp hạ tiện vốn ô uế, bị ô uế cũng như bị đọa làm những công việc ô uế.

Madhumaya cũng như các môn đệ là những người tin theo bác sĩ B.R. Ambedkar. Ambedkar xuất thân là người Dalit, trải qua một số những hoàn cảnh đặc biệt phi thường, đã tiến lên làm vị bộ trưởng Luật Pháp đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập. Người Dalit xem ông như là vị cha đẻ của hiến pháp để họ trở thành những người công dân bình đẳng. Quan trọng hơn nữa, ông cũng là người chống lại sự đàn áp, tranh đấu để bao gồm trong hiến pháp quyền bầu cử để họ có thể tranh đấu cho quyền lợi của mình, để có thể nói lên tiếng nói của họ và tham dự vào quốc hội dân chủ của Ấn Độ bằng sức mạnh của lá phiếu của họ. Trước khi mất năm 1956, Ambedkar đã cải đạo sang Phật giáo, từ bỏ đạo Bà-la-môn của Ấn Độ giáo, mà theo ông là nguyên nhân khiến ông và người Dalit trở thành “hạ tiện”.  Bác sĩ Ambedkar đã viết một quyển sách giảng giải về đạo Phật rất sâu sắc và uyên bác, The Buddha and His Dhamma (Đức Phật và Phật pháp), khiến ông trở thành một vị Bồ-tát của Phật tử Dalit. Theo sự giảng giải của Ambedkar, đức Phật đã trao cho phụ nữ quyền được có tri thức và được biến tiềm năng của mình thành hiện thực giống như nam giới.  Ông đã từng viết:

Kể từ khi tôi bắt đầu làm việc với giai cấp Dalit, tôi quyết mang lại sự bình đẳng cho nữ giới giống như nam giới. Đó là lý do tại sao quý vị thấy trong các cuộc họp của chúng tôi đều có mặt của hai giới. Tôi đo lường sự tiến bộ của cộng đồng bằng tiến độ phát triển mà phụ nữ đạt được…. Trên hết hãy để mỗi người phụ nữ đã lập gia đình có thể đứng ngang hàng với chồng của họ, là bạn của chồng, bình đẳng và từ chối không làm nô lệ của họ. Tôi chắc rằng nếu bạn tuân theo lời khuyên này, bạn sẽ mang lại danh dự, vinh quang cho bản thân và các giai cấp bị áp bức.

Gần như tất cả thành viên trong cộng đồng của Madhumaya, trong và ở các vùng phụ cận của Agra, đều là những “môn đồ” của Ambedkar, tuân hành theo những lời dạy về chính trị và các vấn đề khác của ông. Mỗi ngày càng có nhiều môn đồ Ambedkar noi theo gương và lời khuyên của Ambedkar bằng cách cải đạo sang Phật giáo, mà họ tin là đạo ‘thật sự” của tổ tiên họ. Vì thế sự chuyển đạo thực sự là sự chuyển trở lại, và là một sự khám phá trở lại Phật tánh, tín ngưỡng, và văn hóa thực sự của họ, tất cả bắt nguồn từ mảnh đất cổ xưa của chính đất nước Ấn Độ.  Trong phong trào đấu tranh của mình, Madhumaya đã sử dụng, vì chính bà cũng hết lòng tin tưởng như thế, lời khuyên của Ambedkar để “giáo dục, tổ chức, phấn khích”.  Lời khuyên nhủ đó và những lời dạy khác đã hợp thức hoá nỗ lực của bà và các chị em phụ nữ trong việc phá vỡ những hình thức phong kiến, gia trưởng của nam giới trong chính cộng đồng của họ và để mang sức mạnh đến cho họ và các chị em phụ nữ để họ có thể thay đổi cuộc đời.  Họ đã làm như thế bằng nhiều cách.

Vận Động Giải phóng Bodh Gaya

Hằng năm sinh nhật của bác sĩ Ambedkar (Ambedkar Jayant) được tổ chức vào ngày 14 tháng 4 ở thành phố Agra với đoàn diễn hành vĩ đại qua các con đường của thành phố. Buổi lễ bắt đầu từ 8:00 tối, kéo dài đến 9:00 sáng hôm sau. Năm 1991 là năm đặc biệt: đó là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bác sĩ Ambedkar. Trước năm đó, Madhumaya và các chị em phụ nữ đã chuẩn bị cho sự kiện này bằng các tổ chức “Đi bộ Hành hương [mang] Ngọn lửa Giáo Lý [của đức Phật] (Dhamma Jyoti Pad Yytr) đến tất cả các khu vực có Phật tử Dalit ở thành phố Agra.  Bà Madhumaya đã mô tả cuộc hành hương bằng những lời sau:

Cuộc diễn hành [đi] khắp Agra. Thí dụ, mỗi Chủ nhật, nó bắt đầu ở chùa Phật giáo của khu vực này, Chakki Path, và đi đến Jagdishpura. Dọc đường, ở đâu có chùa Phật giáo là có thuyết pháp. Họ [phụ nữ] sẽ bước đến một nơi để đốt ngọn lửa của Giới luật và sau khi đốt một cây đèn sáp từ ngọn lửa Giới luật, họ sẽ ra đi…. Họ sẽ khởi hành đến một nơi khác, rồi kinh được tụng, pháp được giảng, và phụ nữ được choàng vòng hoa. Tôi bắt buộc mấy chị phụ nữ phải mặc đồng phục pacail [năm giới] trắng có phù hiệu pacail.  Trong tay họ cầm cờ pacail. Tôi đã rao truyền thông điệp rằng các chị em phụ nữ phải đóng góp tích cực cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bác sĩ Ambedkar. Bắt đầu từ ngày 6 tháng 12 [1990] và kết thúc vào ngày 14 tháng 4, 1991, họ phải đi khắp thành phố Agra.  Rồi vào ngày 14 tháng 4, khi đoàn diễn hành mừng lễ phát xuất, đó là lần đầu tiên các chị em trong nhóm của chúng tôi đã tháp tùng theo đó.

Trước năm 1991, lễ diễn hành là việc xảy ra nơi công cộng, chỉ có toàn nam giới. Vào ngày lịch sử đó, phụ nữ Dalit ở Agra cùng lên sân khấu với đàn ông Dalit. Việc họ phải làm là công khai rằng Ambedkar là lãnh đạo của họ, và đồng tuyên bố ông là nhà giải phóng Phật giáo mà những lời dạy của ông đã khiến cho sự tham gia của họ vào cuộc diễn hành này là hợp pháp và được dễ dàng, thuận lợi.  

Một phụ nữ Dalit tham gia vào cuộc đi bộ diễn hành này đã mô tả sự kiện đó như sau: “Người đi xem diễn hành đã bất ngờ khi nhận thấy một ý thức mới và sự Giác ngộ nơi các phụ nữ tín tâm này, cũng như nỗ lực của họ trong việc truyền bá Phật giáo”. Dưới sự dẫn dắt của Madhumaya, phụ nữ công khai bước vào nơi công cộng.  Quan trọng hơn nữa, họ cùng nhau bước vào những nơi công cộng của đời sống xã hội và tôn giáo để truyền bá thông điệp của đức Phật, và sự diễn giải của thông điệp này qua lăng kính của người phụ nữ. Tất cả các khu vực của người Dalit trong thành phố Agra, chứ không chỉ Phật tử, đã nối vòng tay, đoàn kết nhau lại. Họ cũng hợp nhau lại thành một tăng đoàn Phật giáo, dầu chỉ có tính cách biểu tượng, bằng cách đốt những ngọn nến sáp từ ngọn đuốc Giới luật, giống như nó diễn ra ở thế vận hội Olympic. Cuộc đi bộ hành hương cũng là một sự kiện trọng đại về phụ nữ. Những người phụ nữ tuần hành khẳng định và biểu lộ khả năng tổ chức độc lập không cần đến sự hỗ trợ của nam giới, dầu những sự kiện này từng thuộc độc quyền của họ (nam giới). Thực vậy, các nữ Phật tử này đang cố gắng để thay đổi văn hóa của người phụ nữ Dalit ở thành phố Agra bằng cách mang họ đến những nơi công cộng và bày cho những chị em phụ nữ nhút nhát hơn rằng sự giải thoát là điều khả thi và có một con đường đi đến đó, ít nhất là đối với một số người.

Phụ nữ Dalit của thành phố Agra cũng đã bước vào lãnh vực công cộng trên toàn đất nước qua sự tham gia của họ vào phong trào giải phóng Bodh Gaya (Liberate Bodh Gaya Movement - LBGM).  Từ năm 1992, Phật tử Dalit từ nhiều nơi trên Ấn Độ đã tham gia vào phong trào giải phóng để dành lại chủ quyển của Chùa Mahabodhi, nơi đức Phật đã thành đạo ở Bodh Gaya. Đối với người Phật tử Dalit, Bodh Gaya là trung tâm điểm của tôn giáo của họ, nhưng không giống như các trung tâm tín ngưỡng của các tôn giáo khác ở Ấn Độ, nó không thuộc về sự quản lý của những người mà đối với họ nó là thánh địa. Trong khi, cho đến gần đây nhất, nó vẫn dưới sự quản lý của hội đồng quản trị mà đa số thành viên là người Ấn Độ. Năm 1993, phong trào bành trướng thành một cuộc vận động trên khắp đất nước của Phật tử Dalit để dành lại chủ quyền của ngôi chùa ở Bodh Gaya. Nói là dành lại vì Phật tử Dalit theo giáo thuyết của Ambedkar tin rằng họ gốc là Phật tử, nhưng tín ngưỡng và di sản văn hóa của họ đã bị tước đoạt bằng sự lừa dối và mưu mô của những người theo đạo Bà-la-môn Ấn Độ giáo, là tôn giáo của giai cấp và sự bất bình đẳng theo quan điểm của Ambedkar.

Năm 1994, tôi tham dự một cuộc vận động giải phóng Bodh Gaya lần thứ ba. Các nữ Phật tử Dalit ở thành phố Agra, lần nữa dưới sự dẫn dắt của Madhumaya, đã tổ chức một cuộc đi bộ hành hương khác, và đã mang ngọn đuốc Giới luật của đức Phật đến Bodh Gaya, nơi có hàng ngàn nam nữ Phật tử Dalit đã tụ hội lại. Phụ nữ Agra tự khẳng định mình bằng cách tuần hành lên sân khấu, nơi Ganga Devi, vị ‘chiến binh’ già nhất của quân đội đã trao ngọn đuốc cho những người phụ nữ cao quý này. Tất cả họ đều mặc quân phục của quân đội Sujt: sa-ri trắng với cầu vai pacail năm màu tượng trưng cho năm giới của đức Phật.  Bộ quân phục khẳng định một cách tượng trưng cho một ẩn ý không nói ra lời, của nữ Phật tử về việc giải phóng phụ nữ. Sau đó, Arati Baudh, một ‘chiến sĩ’ trong quân đội Sujata của thành phố Agra, đã đọc bài phát biểu đầu tiên nơi công cộng trên sân khấu. Các nữ Phật tử Dalit khác, nhất là những người đến từ bang Maharashtra, cũng đọc diễn văn và yêu cầu hai việc: trao trả chùa lại cho Phật tử quản lý và giải phóng phụ nữ.

Một nam Phật tử Dalit ở Agra nói một cách hãnh diện với tôi rằng với sự tham dự của rất nhiều phụ nữ trong cuộc vận động cho thấy là cộng đồng của họ cũng như phụ nữ trong cộng đồng đã thay đổi đến nhường nào. Nhiều phụ nữ đi chung với nhau đến Bodh Gaya. Nhiều người làm thế mà không cần phải có thân nhân là nam giới đi cùng, vì những người này phải vội vả trở về làm việc trong các nhà máy đóng giày ở thành phố Agra sau kỳ nghỉ dài hạn, không ăn lương trong dịp lễ Thần Thánh Ấn Độ.  Không có người phụ nữ nào trong đám tuần hành mang khăn che mặt, một thông lệ rất phổ biến ở thời điểm năm 1962 khi tôi lần đầu tiên gặp họ, và vẫn còn áp dụng đối với phụ nữ Dalit của thành phố Agra ở nơi công cộng.  Sự tham gia của rất nhiều phụ nữ trong phong trào không phải hoàn toàn tình cờ, vì theo như tôi biết thì phụ nữ ít bị cảnh sát tấn công khi họ cố gắng để dẹp đám đông, và hành động của họ (phụ nữ) sẽ dễ được coi là bất bạo động.  Về phần của phụ nữ Dalit, việc tham gia này giúp họ thói quen xuất hiện nơi đám đông, được gặp gỡ, tiếp xúc với phụ nữ từ nhiều nơi khác, phát triển tính cách độc lập khi đi ra ngoài mà không cần phải có người nam đi theo bảo hộ, và kể cả để tự giải trí. Đây không phải là những ‘thắng lợi’ nhỏ nhoi trong một cộng đồng bảo thủ nơi phụ nữ nói chung phải lệ thuộc vào nam giới, những người tự coi là mình có quyền để nói thay cho phụ nữ nơi đám đông và để ‘bảo vệ’ họ.  Mỉa mai thay, phụ nữ không thực sự thích thú với sự hãnh diện của nam giới đối với sự thay đổi bành trướng của những người phụ nữ “của họ”, vì họ không cần thiết phải hảnh diện vì những lý do chánh đáng.  Nam Phật tử xem phụ nữ là công cụ để làm tất cả những việc mà nam giới có thể được ghi điểm.  Tuy nhiên, những nữ Phật tử hoạt động chính trị này xem nam giới là một vấn đề và phong trào Phật tử là một cơ hội để họ được giải phóng khỏi vấn đề đó.

Cấm Chương Trình Xổ Số

 Một sự kiện nghiêm trọng hơn cũng đã xảy ra. Nữ Phật tử Dalit, không thuộc quân đội của Madhumaya, đã tuần hành vào ngày 21 tháng 1 năm 1995, trong một cuộc biểu tình chống lại những nơi buôn bán vé số ở Jaipur House của thành phố Agra.  Theo một tờ báo địa phương, các đại lý bán vé số đã trở thành một vấn đề “sau khi hàng trăm người đã bị thiệt hại [vì mua vé số]”. Nhiều thanh niên Dalit đã nghiện mua vé số, nên đổ gần hết tiền kiếm được vào hy vọng trúng số độc đắc, trong khi gia đình họ lâm vào cảnh khốn đốn không có gạo mà ăn. Khi những người phụ nữ Dalit bước vào khu thương mại của các đại lý bán vé số, họ không chỉ bước vào một nơi đáng ghê tởm về mặt đạo đức đối với họ, mà còn là một nơi công cộng, toàn là nam giới, nơi mà sự bài bác chống lại những người Dalit theo chủ nghĩa Ambedkar ở thành phố Agra đã nhen nhúm từ lâu. Các đại lý bán vé số đã phản ứng kịch liệt bằng cách ném đá và dùng cây gộc đánh đuổi các nữ Phật tử Dalit này. Theo một tờ báo địa phương:

Tám [phụ nữ Dalit] bị thương, ba người trong số đó bị thương nặng phải chuyển đến bệnh viện; những người còn lại sợ hãi bỏ chạy khỏi hiện trường. Khi thông tin của vụ tấn công đến tai bạn bè và những người lân cận, họ…đã giận dữ đập phá khu thương mại và san bằng các đại lý đó…. Những người tấn công [phụ nữ] bị phạt vạ và….chỉ sau khi đám đông cuồng nộ [của bạn bè, láng giềng của những người phụ nữ] đến bao vây ty cảnh sát địa phương, thì cảnh sát mới hứa là sẽ bỏ tù những người tấn công phụ nữ trong 12 giờ tới.

Kể từ đó, phụ nữ thuộc mọi giai cấp, thượng hay hạ lưu, đều tham gia và hoàn toàn hợp tác với phong trào.  Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố Agra là phụ nữ Dalit đã thành công trong việc nhóm lên một phong trào với nhiều thành phần giai cấp, đa đảng tham gia trong một hoạt động chung. Dầu cuối cùng phong trào cũng thất bại, nhưng cuộc tranh đấu là một cuộc nổi dậy quyết liệt trong văn hóa của thành phố Agra nơi người Dalit đã bị bài xích từ lâu đời và phụ nữ bị cấm có mặt ở những nơi công cộng, nhất là khi họ tự phát khởi hành động như trong trường hợp này. Một tờ báo địa phương đã báo cáo về một cuộc họp, qua đó phụ nữ Dalit đã có cái nhìn tích cực về kết quả của cuộc biểu tình:

Các chị phụ nữ không buồn về sự việc xảy ra ở Jaipur House; đúng hơn nó đã đánh thức họ. Ở thành phố Agra một phong trào lớn chống lại việc xổ số sẽ được tiến hành.  Không có nơi nào được phép bán vé số.  Các diễn giả đã kêu gọi phụ nữ tham gia ngay vào cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, mục tiêu đích thực phía sau cuộc vận động của nữ Phật tử Dalit là kể từ đó họ có thể làm điều chưa từng làm bao giờ, là công khai chỉ trích chồng con họ, những người đã trở thành con nghiện vé số vô trách nhiệm, không sống theo lời dạy của bác sĩ Ambedkar và đức Phật.

Vận Động Lật Đổ Phong Kiến

Đôi khi ngược với chủ định tốt đẹp của họ, đàn ông Dalit đã tạo ra các chướng ngại lớn đối với sự nổi dậy và giải phóng của phụ nữ. Khi bắt đầu công cuộc khảo sát, tôi đã dự một buổi họp của Hội Phật giáo Ấn Độ ở thành phố Agra. Cuộc họp được diễn ra trước một ngôi chùa Phật giáo trong khu Chakki Path. Khi tôi đến cuộc họp đang sôi nổi trong cuộc tranh luận về việc chọn lựa một ngày cho cuộc biểu tình năm 1994 ở Bodh Gaya. Ngay lúc đó, Madhumaya, theo thói quen, cắt ngang cuộc tranh luận, cầm trong tay một mảnh giấy cho mọi người cùng thấy những gì được viết trên đó, “Nếu nó [cuộc biểu tình] không thể xảy ra, thì sao tôi có tờ rơi này với ngày giờ khi nào nó được bắt đầu”.  Lúc gần cuối cuộc họp, bà đứng lên, giảng cho cánh đàn ông về những khó khăn của phụ nữ trong việc tổ chức cuộc biểu tình Mahabodhi, trong khi đàn ông không thể quyết định ngày biểu tình. Cánh đàn ông trong phòng họp tìm cách khoá miệng bà bằng cách la ó, cho rằng bà đang làm mất thời gian của mọi người với những vấn đề nhỏ nhặt của phụ nữ, là những điều không cần đem ra nơi cuộc họp này. Trước khi ngồi xuống, Madhumaya đã bào chữa một cách cứng rắn với những lời, “Thái độ đúng đắn sẽ đưa đến thành công, Hội Liên Hiệp Nữ Phật tử sẽ vượt qua khó khăn”.  Đó là một lời chỉ trích ám chỉ rằng cánh đàn ông không có chánh nghiệp theo như lời dạy của đức Phật.

Madhumaya và các chị em phụ nữ chỉ liên kết với Hội Phật giáo Ấn Độ do toàn nam giới đứng đầu, là do họ yêu cầu. Sau buổi họp, bà đã nói với tôi, khi bà bắt đầu rớt nước mắt nghẹn ngào vì thất vọng và tức giận, “Nước mắt này, nước mắt này, sao trước đây không chảy ra?  Sao rơi nước mắt vào lúc này - vì khổ đau.  Từng chuyện, mọi thứ họ đều gây ra [đem đến bực tức cho bà]”.  Bà cảm thấy cánh đàn ông đang kết tội chống lại bà một cách bất công.  Nhưng sau đó, bà lấy lại can đảm, như bà vẫn thường như thế, và có lần nói với tôi, “Hãy đối xử với tôi như một người có trí (clk), thì tôi sẽ thành người có trí”.

Tại sao một số nam giới lại bực tức, hằn hộc với Madhumaya? Không chỉ vì những vấn đề bà đã nêu lên.  Nếu một nam nhân cũng nêu cùng vấn đề đó thì chẳng khiến ai nổi giận. Hơn nữa, Madhumaya đã phạm tới hai lỗi lầm. Trước tiên, bà đã ngang nhiên bước vào một nơi từ trước tới giờ là nơi công cộng dành cho nam giới Dalit, đó là trước cửa chùa, và còn ngồi xuống cạnh họ.  Thứ hai, còn ghê gớm hơn, đó là bà đã đứng lên nơi công cộng đó, để không chỉ nói thẳng với họ, mà còn thách thức họ quyết định dựa trên thông báo đã được in sẵn từ chánh văn phòng của LBGM mà bà đang có trong tay. Dầu phụ nữ Ấn Độ, kể Madhumaya, cũng từng phát biểu nơi công cộng về những đề tài khác, nhưng phụ nữ trong cộng đồng này được xem là không có quyền để làm như thế ở một nơi công cộng chỉ dành cho nam giới, nhất là nói về những đề tài như quyền lực, quyết định chung, và tư cách đại biểu.  Do đó, “Quân Đội Sujata” là tên gọi khéo chọn của Madhumaya. Đó là cuộc chiến tôn giáo; nhưng nó cũng là một cuộc chiến cam go, để giải phóng phụ nữ mà bom mìn xã hội chôn giấu khắp nơi trên bước đường đi của các chiến binh.

Ở các cuộc họp Phật giáo hay không Phật giáo trong thành phố, nam giới Dalit thường theo lời dạy của bác sĩ Ambedkar, chống đối ba kẻ thù của nhân loại: đó là lòng tin mù quáng, dị đoan và chủ nghĩa truyền thống hay sự bám víu vào những phong tục cổ hũ. Lòng tin mù quáng, là lòng tin không dựa trên lý trí như tin vào thần thánh, vào chủ thuyết giai cấp đã được định sẳn; dị đoan là lòng tin vào những thứ như là mắt quỷ và sự ô uế qua xúc chạm; và những hũ tục như là mạng che mặt, chế độ của hồi môn, và sự hạ tiện. Dựa theo giáo lý Phật giáo, cả nam và nữ giới đều lên án những điều xấu xa này, nhưng phụ nữ nói đến chúng với những ý nghĩa rộng hơn, để bao gồm cả mọi cách hành xử của nam giới mà tôi đã kể qua như rượu chè, cờ bạc, đánh vợ, không quan tâm đến sự học của phụ nữ.  Theo như nhà khoa học chính trị Dalit, Gopal Guru đã viết một cách sâu sắc, “Tất cả mọi thứ đều buộc chúng ta phải bảo vệ quyền được nói khác đi của người phụ nữ Dalit”.

Madhumaya công nhận rằng bà đã sử dụng một số vũ khí của nam giới để chống lại họ.  Một trong những chiến thuật đó là bắt đầu một tổ chức mới, tách biệt và luôn đi cả nhóm khi cánh đàn ông định đảo ngược tình thế bằng cách cài đặt vào các vị trí đầu não những người phụ nữ của họ, dầu những người này không có khả năng cần thiết.  Không may cho cánh đàn ông, giờ họ thường rơi vào những trường hợp mà họ phải dựa vào Madhumaya và các chị em hội viên của bà để kêu gọi phụ nữ tham gia tổ chức các sự kiện như là phong trào LBGM.  

Tri thức là vũ khí của kẻ yếu. Madhumaya và các chị em hội viên đã sử dụng tri thức để tự giúp mình và các chị em phụ nữ khác, nên Madhumaya cũng nhanh chóng sử dụng tri thức trong việc bảo vệ Phật giáo. Năm 1992, có tin đồn rằng Mira Nair, người làm phim Salaam Bombay (Khu ổ Chuột Bombay), dự định làm phim mà trong đó đức Phật sẽ xuất hiện như là một tái sinh của thần Hindu.  Madhumaya lập tức gửi tuyên bố đến các tờ báo địa phương để nhờ họ đăng tải.  Qua đó, bà đã đe doạ sẽ biểu tình chống lại cuốn phim minh hoạ đức Phật theo cách đó.  Tương tự, năm 1995, Mayavati được bổ nhiệm làm chánh bộ trưởng của bang Uttar Pradesh một thời gian ngắn.  Mayavati là người phụ nữ Dalit đầu tiên giữ một chức vụ như thế. Nhân dịp đó, Madhumaya và một số nam Phật tử phát đi một tuyên bố với báo chí địa phương rằng:

Xưa kia một vị vua Phật tử [Asoka] đã ngồi ở ghế của người cầm quyền. Trải qua bao thế kỷ, giờ việc đảm nhiệm chức vụ chánh bộ trưởng của cô Mayavati đã khôi phục lại thời cổ xưa đó. Niềm hy vọng [rồi] đã trở thành hiển nhiên qua việc cô Mayavati được lèo lái con thuyền bang Uttar Pradesh theo con đường Phật giáo, thì giấc mơ của vị bồ-tát, cha già Saheb Ambedkar, về một xã hội cải cách và đoàn kết xã hội sẽ trở thành hiện thực.

Aoka là vị lãnh đạo lý tưởng mà các Phật tử ở thành phố Agra dùng để so sánh với các viên chức chính quyền hiện nay. Tuy nhiên, hai sự kiện về cuốn phim của Mira Nair và về việc đề cử Mayavati cho thấy Madhumaya đã khéo phản ứng theo các sự kiện xã hội như thế nào, và bà mới nhanh nhạy làm sao khi biến chúng thành một lợi thế cho Phật giáo và nữ giới, dầu bà chỉ có trình độ học vấn đến lớp tám.

Kết Luận

Ý nghĩa và ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống của những phụ nữ siêu phàm này rất sâu sắc và đáng kể.  Những lời truyền dạy của bác sĩ Ambedkar về Phật giáo đã giải phóng và hợp pháp hoá các nữ Phật tử Dalit, họ bắt đầu tạo dựng quyền lực cho bản thân. Trong tiến trình đó, những người chiến binh của quân đội Sujata chiến đấu ở ba mặt trận.  Đầu tiên là lãnh vực công cộng của thành phố Agra, nơi họ chiến đấu chống cái xấu ác đe doạ tất cả mọi cộng đồng, như là các đại lý bán vé số.  Ở mặt trận thứ hai, họ tranh đấu cho quyền được tín ngưỡng, được làm chủ những công trình tâm linh, và sự nhìn nhận nguồn gốc Phật giáo của họ. Đồng thời, họ cũng mở ra một mũi nhọn để tham gia vào phong trào phụ nữ toàn quốc, dầu họ làm điều đó với tiếng nói riêng của họ. Và cuối cùng, họ đã bước vào chiến trường của những vấn đề chung của cả cộng đồng như giới tính, xã hội phong kiến, hũ tục và dị đoan.  Họ đã tạo nên một văn hóa Phật giáo nữ tính nổi bật của sự giải phóng khỏi, hơn là chống đối lại, những người đàn ông phong kiến của họ.  Trên tất cả các mặt trận, họ đã chứng tỏ cho mọi người thấy một số dân tộc bị kỳ thị nhất ở Ấn Độ, như dân Dalit, và một số người bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất như phụ nữ, vẫn có thể là những nhà lãnh đạo và sáng tạo như thế nào.  Với sự ủng hộ có chừng mực của các ông chồng, họ đã chiến đấu không phải bằng súng, bom, nhưng bằng những vũ khí mạnh mẽ của tri thức, và thông điệp giải thoát của Phật giáo qua sự diễn giải của bác sĩ Ambedkar….