Phật Giáo & Nữ Giới

Phần II

Docsach24.com

Các Nữ Giảng Sư:

Các Vị Ni Tiền Bối “Xứng Đáng Với Lòng Tin Của Tôi”

Ellison Banks Findly

Sự đa dạng của Phật giáo đương đại phản ảnh sự giao thoa giữa truyền thống lịch sử phong phú và các áp lực phức tạp của đời sống hiện đại. Thí dụ, các cộng đồng Phật giáo mới nổi lên, tự xưng là Tăng đoàn. Các hình tượng Phật, sách vở, tài liệu, tin tức phát tán khắp nơi qua các phương tiện truyền hình, truyền thông. Và các vị tu sĩ Phật giáo cũng tham gia, như họ đã từng làm trong quá khứ, các hoạt động có thể bị diễn giải sai lệch như việc nhận cúng dường, việc tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị. Một tâm điểm mới của Phật giáo là làm tăng trưởng vai trò của phụ nữ đương đại, là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Điều được tranh luận nhiều nhất là sự thọ đại giới của các ni, với sự quan tâm đặc biệt về tính xác thực của sự truyền thừa, sự trao truyền giữa các tông phái và vai trò hợp pháp của tăng đoàn.

Một khía cạnh của các mối quan tâm này là vai trò của giáo dục đối với các nữ tu sĩ. Giáo thuyết trong các kinh tạng cho phép chư tăng, cũng như chư ni, được trở thành giáo thọ của các nữ tu sĩ, nhất là khi họ đang trong thời kỳ tu học, cho phép chư tăng được có mặt và quản lý ở những giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của người nữ tu sĩ Phật giáo - như là trong lúc an cư mùa mưa, ở các buổi sám hối mỗi hai tuần, ở lễ tự tứ hàng năm thiết lập trước khi kết thúc khóa an cư, trong những vấn đề liên quan đến giới luật, và dĩ nhiên là trong buổi lễ thọ đại giới. Tuy nhiên, hiện nay các phong trào nhắm đến việc làm cho các điều luật giữa tăng và ni được trở nên bình đẳng hơn và tìm cách giải thích lại những điều luật cổ xưa này. Thí dụ, nhiều nỗ lực mới đây đã được thực hiện nhằm phát triển nền giáo dục nội điển cao hơn cho chư ni Tây Tạng, cũng như cải cách các cơ cấu tổ chức để dành không gian và cơ hội cho các vị nữ tu trên thế giới có thể gặp gỡ và trao đổi với các nữ tu khác về các đặc trưng trong tông phái của họ.

Theo sát truyền thống, trong lý thuyết cũng như thực hành, đồng thời để cho các nghi thức tu tập trong Phật giáo được tự thích nghi với những hoàn cảnh mới là đề tài luôn được nói đến trong lịch sử Phật giáo, nhưng ngày nay vấn đề đó càng trở nên bức thiết hơn. Áp lực giữa nhu cầu phải gìn giữ tinh thần trung thực và nhu cầu phải đáp ứng theo với những điều kiện và hoàn cảnh hiện tại, đã trở nên nổi cộm trong lãnh vực về giới tính. Vì truyền thống Phật giáo đã nêu rõ rằng về thể chất cả người nam lẫn người nữ đều có thể được chứng đắc với tư cách là người nam hay nữ -như vị trưởng lão ni Soma đã nói trong trưởng lão ni kệ Therigatha rằng trong Giác Ngộ không có sự phân biệt giới tính[1]- sự khác biệt có chăng là trong phạm vi truyền thống chứ không phải do những giá trị về thể chất.

Theo truyền thống, có bốn lãnh vực người nữ tu sĩ bị đối xử phân biệt. Đầu tiên, các giáo lý và nghi thức để hướng dẫn sự phát triển tâm linh cho tăng ni luôn không nhất quán xuyên suốt nhiều thế kỷ, thường là bất lợi cho nữ giới, người nữ ít có cơ hội để tiến lên các cấp độ tâm linh cao hơn, dầu rằng trong tông phái của họ có nhiều tiềm năng như thế. Thứ đến, việc áp dụng các giới luật đối với chư ni cũng khắt khe hơn với chư tăng. Thứ ba, việc công nhận những thành tựu tâm linh qua các tước hiệu, tôn xưng cũng khá hạn chế đối với ni hơn là với tăng. Và cuối cùng, nữ giới - được các kinh tạng Pali cổ xưa nói đến như là kicchalabha (hay dullabha), có nghĩa là “được thọ lãnh (chỉ phẩm vật) với sự trắc trở”[2]- nhận được sự cúng dường vật chất từ các thí chủ rất hạn chế, do đó khó thể đáp ứng các nhu cầu cho cá nhân và cho đại chúng như bên tăng.[3]

Chắc chắn là kinh tạng Pali cũng chịu ảnh hưởng của các quan niệm tiêu cực nổi cộm đối với phụ nữ trong văn hóa Ấn-độ giáo và Vệ-đà trong những thế kỷ khi nó thành hình, và những quan điểm này khi đã được đưa vào kinh tạng, ở một mức độ nào đó chúng đã trở nên mẫu mực cho các truyền thống tương lai liên quan đến nữ giới. Chắc chắn rằng cũng do các quan điểm này mà chư ni được có những sự an bài đặc biệt trong việc ăn ở sinh hoạt thường ngày, như là được cho nhiều tiền hơn để sắm vật dụng những lúc có kinh kỳ[4], không được đi lại một mình trong thời gian tu tập[5], hay đi khất thực mà không có người bảo vệ qua những khu vực nguy hiểm.[6] Ngược lại, trong các kinh tạng cổ xưa cũng dành cho nữ giới, tại gia hay xuất gia, nhiều quyền hạn: thí dụ trong lãnh vực bố thí, nữ cư sĩ có quyền tự quyết định bố thí cho ai, bố thí bao nhiêu, và quý ni cũng được có tự do gần giống như bên tăng để hoạch định chi tiết cho các sinh hoạt nơi tu viện của họ dựa trên quá trình trải nghiệm của họ.

Hiện tại, các quyền tự do trước đây của ni giới được khôi phục lại khi họ trở nên quan tâm nhiều hơn về sự bất bình đẳng trong cơ chế về giáo dục và rèn luyện cho các nữ tu sĩ vừa xuất gia, và trong sự lựa chọn để được thọ đại giới của họ. Dầu các sự lựa chọn dành cho ni giới trên thế giới khác nhau tùy theo hoàn cảnh địa lý, hay truyền thống, nhu cầu được có nhiều cơ hội hơn trong giáo dục và trong việc được thọ đại giới nói chung là rất phổ quát. Bài tiểu luận này sẽ đặt trọng tâm vào các tài liệu Pali cổ xưa về các nữ giáo thọ của quý ni, với mục đích khám phá các yếu tố trong truyền thống, qua đó sự giáo huấn chỉ bởi người nữ là một phương án có thể được chấp nhận. Trong phần thảo luận này, chúng tôi cũng đánh giá những điều kiện dựa theo kinh điển đối với nữ giáo thọ, so với các nam giáo thọ, và đề nghị rằng các quy luật dựa hoàn toàn trên mức độ thâm niên, thường là một phần trong đời sống nơi tu viện hiện nay có thể được gia giảm bằng cách quay về với các tiêu chuẩn cơ bản của khả năng lãnh đạo như là kinh nghiệm, năng lực và khả năng làm phát khởi tín tâm nơi người khác.

Sự Tự Quản và Sự Quản lý Của Tăng:

Giáo Huấn & Thọ Giới

Bước ‘dấn thân’ khởi đầu của nữ giới nhờ vào sự can thiệp và ủng hộ tích cực của ngài Ananda là rất quan trọng, vì nó làm nổi bật hai khía cạnh về vị thế của người nữ trong Phật giáo.  Đầu tiên, về phương diện thể chất, người nữ được cho là hoàn toàn có khả năng để đạt được chứng ngộ như người nam, trong cả hai mặt về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm tu chứng.  Tuy nhiên, thứ đến, các quan niệm xã hội, các giới luật, tự viện, và các nghi thức qua đó ni giới phải sống theo, đã giới hạn sự tham gia của ni giới theo sự đánh giá trong bối cảnh văn hóa khi kinh tạng được thành hình, và truyền thống địa phương ở thời điểm đó - cả hai phần lớn đều khắc khe đối với phụ nữ. Bát kỉnh pháp, lời dạy chính yếu từ kinh tạng, dường như đã quyết định và là biểu tượng của sự phụ thuộc của chư ni giới đối với chư tăng. Giới luật này họ phải giữ suốt đời, là điều kiện được đức Phật đề ra trước khi chấp nhận các nữ Phật tử đầu tiên vào hàng xuất gia:

Tỳ-kheo ni dù bao nhiêu tuổi hạ, cũng đều phải một lòng kính trọng, lễ phép đối với tỳ-kheo tăng.

Phải an cư nơi có sự hiện diện của chư tăng.

Mỗi nữa tháng phải thỉnh cầu tỳ-kheo tăng về trong ngày Bố-tát (Uposatha) và giáo giới cho mình.

Kết thúc mùa an cư, phải làm lễ Tự tứ (Pavarana) trước hai bộ Tăng chúng.

Nếu phạm trọng tội, phải chịu kỷ luật trước hai bộ Tăng.

Sau hai năm thọ sáu giới, một thức-xoa-ma-na (sikkhamana) phải thỉnh cầu hai bộ tăng khi thọ giới Cụ túc.

Không được nặng lời hay chỉ trích tăng dưới bất cứ hình thức nào.

Người ni không được khiển trách tăng, nhưng tăng có quyền khiển trách ni[7].

Hai giới luật đặc biệt quan trọng đối với việc giáo huấn cho và bởi ni giới là giới số 3 và số 6.  Liên quan đến giới số ba, việc ban ovada (sự dạy dỗ hay sách tấn) của chư tăng đối với chư ni vào thời khóa Uposatha (Bố-tát: nghi lễ phải thực hiện trong đời sống tăng đoàn mỗi nửa tháng khi Pháp được dẫn giải và giới bổn Pæimokkha  (ba-la-đề-mộc-xoa) được trì tụng nhằm mục đích sám hối) là bốn điều luật liên quan đến sự giáo huấn của chư tăng dành cho ni.  Trong đó, giới đầu tiên rất quan trọng trong phần thảo luận của chúng ta. Vị tăng được chọn lựa ở thời điểm nào đó để làm giáo thọ cho quý ni thường phải là một vị cao niên (thera), người đã được tăng đoàn đồng ý dựa trên sự biểu hiện của tám đức tính: vị ấy phải có đạo đức; vị ấy phải tuân giữ các giới của Pæimokkha; phải hành xử đúng đắn và theo giới luật; phải biết đến sự nguy hại của những lỗi dù nhỏ nhặt nhất; đã được rèn luyện theo giới luật tu học; phải học tụng và thuộc lòng kinh điển và là nơi chứa đựng pháp học.[8]  Kinh Tăng Chi Bộ còn thêm một số đức tính khác như là: vị giáo thọ tăng phải có giọng nói dễ nghe, phát âm rõ ràng, lời giảng có ý nghĩa, gọn gàng, dễ hiểu, và phải có khả năng làm phát khởi tín tâm cho chư ni với những điều vị ấy giảng dạy, phải khiến các ni được dễ chịu và cảm mến.[9] Như thế, vị giáo thọ tăng của chư ni phải thân thiện, dễ chịu, có tiếng tốt, có học, chưa bao giờ bị phạt vì thói quen hay tranh cãi, quá ngu si, phạm giới luật, và liên hệ không chính đáng với phụ nữ.[10]

C‰lapanthaka bị cáo buộc là chỉ hỏi về tám giới luật quan trọng thay vì lý ra ông phải giảng giải chúng cặn kẻ trong bài Pháp của mình, và chỉ lặp đi lặp lại một câu kệ mà không giải thích gì. Sau đó Thầy ấy lại xoa dịu các vị ni đã than phiền bằng các biểu diễn thần thông (iddhi).  Các sự việc này là bằng chứng cụ thể rằng các vị ni thời xưa không những quyết có được sự giáo dục tâm linh tốt nhất mà họ còn thôi thúc nền giáo dục truyền thống phải được chỉnh sửa, đổi thay.

Tuy nhiên, tác giả Horner cũng lưu ý chúng ta đến “điều hoàn toàn không thể xảy ra của việc các ni sách tấn, dạy dỗ các ni khác”, là rõ ràng trong tất cả các nghi thức Phật giáo cổ xưa, và đương nhiên là sự phụ thuộc của họ vào chư tăng trong lãnh vực này. Tuy nhiên, tác giả này cũng đề cập đến một phần khác của nghi thức Uposatha, việc trì tụng kinh bổn Pæimokkha lại hoàn toàn tùy thuộc các ni. Khởi đầu, kinh Pæimokkha là do quý tăng trì tụng cho quý ni, nhưng ngay từ lúc đó các ni đã thắc mắc ai phải là người trì tụng bài kinh sám hối cho họ, và sau khi tham khảo ý kiến của đức Phật (theo Cullavagga), điều luật này được sửa đổi lại để chính các ni sẽ tụng Pæimokkha cho các vị ni khác,[12] với những lời giáo huấn thêm của chư tăng, nếu thấy cần thiết.

Sự điều chỉnh này song hành, khá sớm, với những biến đổi cởi mở khác trong cuộc sống của chư ni. Thí dụ, người ta cho rằng theo thỉnh cầu của Mahpajpati, đức Phật đã cho phép chính các ni, chứ không phải chư tăng, được giáo huấn các nữ tu sĩ mới xuất gia. Thêm nữa, do yêu cầu của đám đông quần chúng, giới luật được chuyển đổi để chư ni, chứ không phải tăng, xác nhận bất cứ sự phạm giới nào của các ni, và từ đó đặt ra hình phạt thích đáng. Và cuối cùng là do sự thỉnh cầu của chư tăng, các hoạt động chính thức vì quyền lợi của ni giới sẽ do chính chư ni đảm trách, chứ không phải chư tăng[13] - dầu chư tăng vẫn có thể hướng dẫn nếu chư ni không rành các nghi thức. Theo như Horner ghi nhận, “tất cả những sự gia giảm này… cho thấy một xu hướng đang phát triển trong ni giới là tách biệt, nếu có thể, sự quản lý nội bộ của họ khỏi tăng đoàn”.

Giới thứ sáu trong tám giới do đức Phật đề ra - đề cập đến việc thọ đại giới của chư ni (upasampad)[14] - thể hiện một ngoại lệ quan trọng trong mối quan tâm về sự tự quản cho ni bộ. Theo truyền thống phát triển, việc thọ đại giới sẽ được cử hành khi một sa-di ni đã hoàn thành hai năm tu tập làm thức-xoa-ma-na (sikkhammn) thọ sáu giới: gồm năm giới trong đó có không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, cộng thêm giới không ăn sai thời. Lý do của thời gian thử thách hai năm là vì người nữ đó có thể đang mang thai - thời gian đó đủ cho thai phát triển, được hạ sinh và người mẹ có thể thu xếp êm đẹp trước khi xuất thế. Cũng giống như với chư tăng, việc quyết định chấp nhận một người nữ (rồi sau này cho thọ giới) vào tăng đoàn không phải là một vấn đề cá nhân, mà nó còn ảnh hưởng đến cả chúng tu. Hơn thế nữa, dầu một trong những hành sự quan trọng nhất là chọn một bổn sư (ni sư tế độ), người sẽ chăm lo cho việc giáo giới sư cô này. Việc chọn lựa này phải được thực hiện từ rất sớm, bắt đầu khi một người vừa được tiếp nhận, và việc giáo giới sẽ được duy trì suốt thời gian thử thách, lúc thọ đại giới và hai năm đầu tiên của người tỳ-kheo ni.

Khi một người tập sự đã sẵn sàng để thọ giới Cụ túc, vị bổn sư sẽ tập cho sa-di này trả lời hai mươi bốn câu hỏi bắt buộc sẽ được đặt ra trong buổi lễ thọ giới. Trong đó bao gồm mười một câu về vấn đề vệ sinh thân thể, năm về các loại bệnh, nói chung, các câu hỏi này cũng tương ưng với các câu hỏi dành cho bên tăng. Tuy nhiên sẽ không có câu hỏi về trình độ học vấn của người sa-di, vì điều này đã được vị bổn sư đảm trách trong thời gian người đó tập sự.  Việc nêu tên vị lão ni (pavattin­) người đã đề nghị sư cô được thọ đại giới cũng là một điều kiện bắt buộc ở thời điểm này. Khi đến ngày cử hành nghi lễ thọ giới, ni chúng sẽ được thông báo rằng có một sư cô muốn được thọ giới.  Sau đó sư cô được dẫn ra trước chúng, với y áo chuẩn bị chỉnh tề, năm y và một bình bát được đưa đến trước mặt cô khi cô một lần nữa chọn người tế độ để hướng dẫn cô trong buổi lễ thọ giới và hai năm đầu tiên của một vị tân tỳ-kheo ni.  Với sự hiện diện của chư Tăng, lúc đó cô đảnh lễ dưới chân các ni trưởng, ngồi trên gót chân (haunches) với tay trong tư thế a–jali, và thỉnh cầu được thọ giới.  Ni chúng sẽ lắng nghe cô trả lời hai mươi bốn câu hỏi, và sẽ được vị ni tế độ thỉnh cầu sự đồng ý của họ cho cô được thọ giới.

Nếu chư ni chấp nhận lời thỉnh cầu - được biểu hiện bằng sự im lặng khi được hỏi ba lần - vị ni tế độ sẽ dẫn cô đến trước chư tăng, và rồi qua vị Tăng đã được tuyển cử, cô cũng được chấp nhận trong cùng một cung cách.  Tuy nhiên, việc thọ giới của cô trước Tăng đoàn không đòi hỏi cô phải trả lời hai mươi bốn câu hỏi, vì điều đó đã được thực hiện; như thế tăng chúng đã chấp nhận hành sự viên mãn của chư ni một cách trọn vẹn. Cuối quá trình lễ thọ giới, cô ni được giáo giới về những điều học liên quan đến cuộc sống mới của cô, và điều đó có nghĩa là quy trình thọ giới của cô đã viên mãn.

Từ vô số nghi thức này, ta có thể rút ra đôi điều nhận xét. Đầu tiên là theo truyền thống Phật giáo Pali cổ đại, các ni được quyền thọ đại giới, dầu họ chỉ thực sự được công nhận với sự chấp thuận cuối cùng của Tăng đoàn.  Thứ đến, sự thọ giới của ni, gần như giống từng chi tiết với bên tăng: một nghi lễ xuất thế chính thức; việc chọn vị bổn sư (upajjh hay upajjhya); một thời gian huấn luyện theo chương trình tu học; sự chuẩn bị đặc biệt để trả lời các câu hỏi lúc thọ giới; và một lễ thọ giới chính thức bởi Tăng đoàn dưới sự chủ xướng của một vị tăng sĩ trưởng thượng. Những gì khác biệt trong nghi thức hay nội dung cho tăng và ni, có thể là do các điều luật thường đổi thay của truyền thống Phật giáo để thích ứng với cơ địa, nguồn gốc, sự tu tập và tính khí, là những điều khiến cho các giới luật được thành hình. Thí dụ, việc thọ giới của người nữ đã phản ảnh tính chất không rõ ràng của truyền thống: một mặt phụ nữ vẫn có thể chứng đắc như một người nữ nhưng, mặt khác, họ cần có sự giám sát đặc biệt để làm được điều đó (thí dụ, lúc khởi đầu, họ phải trải qua thời gian tập sự dài hơn).  Ở đây có lẽ người ta nghĩ rằng những khác biệt do văn hóa hay cơ địa có trước khi xuất gia, có thể được san bằng bởi cơ cấu tổ chức của quy trình rèn luyện và thọ giới.

Thứ ba, việc tăng đoàn chấp nhận sự sát hạch của chư ni xem người cần thọ giới có thích hợp và có chuẩn bị cho sự xuất gia không, có nghĩa là sự tham gia của chư tăng thực ra chỉ là để đóng con dấu chấp nhận một cách chính thức.  Dầu ‘quyết định cuối cùng để cho phép một sư cô  được tăng cấp bậc’ hay không, tùy thuộc vào chư tăng, nhưng dường như chưa bao giờ chư tăng lại từ chối không cho phép một người nữ được thọ giới. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là sự tự quản của chư ni đã phần nào được hình thành trong lãnh vực thọ giới, khi chỉ các chư ni cũng có thể chứng minh sự thọ giới bằng việc hỏi hai mươi bốn câu hỏi.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của chư Tăng rất rõ rệt trong lãnh vực giáo dục cho người ni. Chúng ta đã thấy ni giới được có nhiều quyền tự quản, nhưng khi nào họ thiếu thông tin hay thiếu sự rèn luyện đúng đắn, thì họ phải cầu viện đến chư Tăng. Tuy nhiên, đối với sự giáo huấn, dìu dắt cho các tăng thì theo Luật tạng, họ (các tăng) chỉ phải cầu viện đến các vị tăng có đạo học cao hơn. Việc người ni có thể được giáo huấn bởi cả hai tăng ni, không phải là một vấn đề của sự phân biệt giới tính, mà ta có thể xem đó là một phước báu - với điều kiện đức độ hơn là quyền uy của chư tăng được xem là yếu tố quyết định. Do là, trong thời điểm kinh tạng được sưu tập, hình thành, chưa có vị ni nào được huấn luyện rốt ráo theo truyền thống để có thể làm một vị giáo thọ có khả năng giáo huấn về Luật tạng.  Nhưng, trên thực tế, khi giáo Pháp cần được truyền bá, thì cả tăng lẫn ni, đều có thể đảm nhiệm việc giáo huấn hàng cư sĩ, như thế có nghĩa là quy chế giáo dục trong các tự viện hơi tụt hậu so với thực tại diễn biến hàng ngày trong sinh hoạt Phật giáo.

Trong lãnh vực giáo dục, cuộc sống nơi ni viện đa phần là tự quản, tự kiểm.  Quý ni có thể chỉ bảo lẫn nhau về các hành vi bất thiện, có thể khiển trách nhau, và nếu cần, họ có thể phê bình cả các vị ni lớn tuổi, Thullanand là một thí dụ điển hình nhất. Tuy nhiên, phần rèn luyện quan trọng nhất của riêng mỗi ni là do vị bổn sư đảm trách.  Vị này giữ nhiệm vụ chính trong việc giáo dục người học nữ từ khi người ấy vừa xuất gia cho đến hai năm sau khi người này đã thọ giới Cụ túc, cũng như hướng dẫn người này ở những thời điểm khác như trong mùa an cư. Vị bổn sư có trách nhiệm chia sẻ nơi trú ngụ (nội viện) với đệ tử của mình trong thời gian huấn luyện, và phải sẵn sàng giúp đỡ khi người đệ tử cần đến. Hơn thế nữa, suốt thời gian huấn luyện cho đến trước khi thọ đại giới, người học nữ phải phục vụ và thỏa mãn một số nhu cầu của thầy mình.  Như chúng ta đã biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng chính yếu của vị bổn sư là huấn luyện người học nữ làm sao có thể trả lời hai mươi bốn câu hỏi lúc thọ đại giới.  Và, vì sự rèn luyện tâm linh sẽ tiếp tục sau khi thọ đại giới cho đến lúc chứng đắc Niết-bàn, nên vị bổn sư đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của người nữ tu cho đến ít nhất hai năm sau khi các trách nhiệm chính yếu khác đã chấm dứt.

Như đã nói trên, chứng cứ hiển hiện trong các kinh điển cổ xưa xác nhận rằng việc chứng đắc hoàn toàn giác ngộ Niết-bàn bởi các vị nữ tu sĩ Phật giáo trong thân người nữ là khả thi. Chúng tôi xin thêm vào đó điều nhận xét đã là rất nhiều quyền đã được dành cho ni giới trong việc tự quản và tự kiểm về sự tiến bộ tâm linh của các thành viên trong ni chúng của họ. Điều quan trọng giờ là định rõ các tiêu chuẩn của một vị nữ giáo thọ của ni chúng, cũng như mức độ bình đẳng giữa các tiêu chuẩn này so với các tiêu chuẩn áp dụng cho nam giáo thọ.

Chú Thích

[1] Trưởng Lão Ni Kệ, số 61.

[2] Luật Tạng 3.208; 4-175

[3] Điều thứ 4 trong Tạng Luật dành cho Ni nói rõ ràng rằng chư Ni không được nhận sự cúng dường trước khi chư tăng được thọ nhận. Nếu dâng cúng trước, họ sẽ tự động yêu cầu người thí chủ dân cúng cho chư tăng trước.

[4] Luật Tạng 2.270-271; 4.203

[5] Luật Tạng 4.227-230

[6] Luật Tạng 4.295

[7] Luật Tạng 2.255; 4.52-53

Luật Tạng 4.51

[9]  Tăng Chi Bộ 4.279-80

[10]  Luật Tạng 2.5, 261-265; 4.49-53

[11]  Luật Tạng 4.50

[12]  Luật Tạng 2.259-60

[13] Luật Tạng 2.260.

[14] Theo định nghĩa tỳ-kheo ni là người đã được thọ đại giới bởi cả hai tăng và ni đoàn.  Luật Tạng 3.206, 209.