Phật Giáo & Nữ Giới

Kết Luận

Docsach24.com

ào đầu thế kỷ 21, chúng ta thấy các khuynh hướng nghệ thuật Phật giáo phản ảnh những truyền thống xưa cũng như những giải trình mới.  Khuôn mẫu cũ và biểu tượng xưa bị phá vỡ hoặc chuyển thể.  Cái còn lại là tâm thể của từng cá nhân, được thể hiện một cách độc lập.  Liệu chúng ta có cần nhấn mạnh về giới tính trong các công trình nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo trong tương lai hay không?  Chúng ta cần nhớ rằng vị Bồ-tát hoàng tộc Avalokitesvara của Phật giáo Ấn Độ dần dà được chuyển đổi và được nữ tính hóa, rồi thành Bồ-tát Quán Âm (Guanyin/Kannon) lưỡng tính ở Đông Á.  Phật giáo Mật tông làm rõ nhu cầu của cả hai giới tính trong các hình ảnh giao hợp của yab-yum (vợ chồng).  Và chư tăng ni của Phật giáo Tây Tạng cầm chuông Trí Tuệ nữ (ghanta) chung với lưỡi tầm sét Từ Bi nam (vajra) trong tất cả các nghi lễ quan trọng.

Bài viết này giới thiệu một số khuôn mặt phụ nữ đã đóng góp và gợi cảm hứng, qua mỹ thuật, cho sự chuyển đổi Phật giáo cuối thế kỷ 20.  Cả nam lẫn nữ giới đều trở nên tự do hơn để đánh giá những giá trị tâm linh qua mỹ thuật, và những quan niệm cá nhân này phản ảnh một sức sống mới được nhìn thấy và cảm nhận trong tinh thần Phật giáo đương đại.

KHÔNG GIAN TÂM THỨC / NƠI CHỐN MANDALA:

Joan Halifax, Tsultrim Allione, và Yvonne Rand

Sarah. D. Buie

KHÔNG GIAN VÀ TÂM THỨC – hoặc không gian như tâm thức – tồn tại mối quan hệ năng động và phụ thuộc lẫn nhau.  Không gian mà chúng ta tạo dựng và sinh sống đều thể hiện và khích lệ những phẩm chất của tâm hồn, và từ nơi tâm thức này một dạng không gian xuất hiện.  Nhận thức được mối liên hệ này và sự quan trọng của nó trong việc chuyển đổi ý thức là điều rất hiển nhiên trong truyền thống tâm linh, trong việc hành các nghi lễ, và sự xây dựng toàn cầu.  Điều này đã được các vị thầy Phật giáo nắm rõ từ lâu và nó thể hiện trong việc họ chọn địa điểm và xây các bảo tháp (stupas), tu viện, từ đường, và các môi trường tu tập.  Trong số các vị thầy này là các nữ Phật tử đương thời, có một sự nhạy cảm cao độ đối với việc sáng tạo ra các không gian tu tập và sinh hoạt.  Bắng các phương cách chưa từng có trước đây, họ kết hợp giáo Pháp, nữ tính, môi trường, các giá trị truyền thống và tầm nhìn phóng khoáng để tạo ra các môi trường có thể thể hiện và khuyến khích một sự tương quan sâu sắc đối với hành tinh này và năng lượng chi phối nó, đồng thời hỗ trợ sự tu tập ở mức độ cao.  Tại các trung tâm khác nhau ở New Mexico, Colorado, và California, các nữ thiền sư như Joan Halifax, Tsultrim Allione, và Yvonne Rand nằm trong số những người đã hiện thực hoá những hiểu biết của họ về bản chất của tâm, và sự đồng nhất của chúng ta với thế giới tự nhiên. Mỗi một môi trường của họ có tính cách độc đáo trong sự hình thành, bối cảnh, và phương hướng của nó, và mỗi nơi là một điển hình đặc biệt của sự đặt nền tảng địa điểm trong ý thức về sự phụ thuộc lẫn nhau của mọi chúng sanh -những nơi chốn để phục vụ và thể hiện các trạng thái của mandala mà tất cả chúng ta đều hiện hữu trong đó.

Hơn sáu năm qua, Joan Halifax đã dìu dắt sự phát triển của Upaya, một trung tâm sinh sống và giảng dạy ở vùng ngoại ô thành phố Santa Fe, nằm trên địa điểm của các cộng đồng Phật giáo trước đây.  Trong khi phát triển một cách có hệ thống và có tiến độ, đồng thời tích hợp các công trình hiện có vào trung tâm Upaya, phác hoạ của Joan về một cơ ngơi như hiện tại của trung tâm đã được thành hình.  trung tâm được xây dựng dựa trên sự hiểu biết sâu sắc của bà về sự cộng hưởng của tâm thức và các biểu đồ không gian.  Bà lưu tâm đến trạng thái tương quan và phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta (kết nối với tổ tiên và những cách sử dụng đất đai theo truyền thống, các chu kỳ và tài nguyên thiên nhiên, chọn các địa điểm trong địa hình của địa phương có núi và sông, sự phụ thuộc lẫn nhau của không gian ngoại thất và nội thất, và các mối quan hệ ngay nơi cộng đồng) trong việc lựa chọn thiết kế.  Quản lý chăm sóc đất đai và tài nguyên của một địa điểm là một yếu tố không thay đổi trong sự phát triển của nó. Trong các hình thức vật lý của nó (nhà cửa, vật liệu, phương pháp xây dựng, phòng ốc, từ đường, tác phẩm nghệ thuật, vườn tược, vị trí, vân vân...), trung tâm Upaya thể hiện các phẩm chất của một môi trường sinh hoạt đầy ân cần, chu đáo và thân thiện, mà Joan coi là những đặc tính của tâm và sự tu tập; nó cũng chất chứa và cho phép đánh giá sự tiến hóa và dòng lưu chuyển không ngừng, và vai trò của nhị nguyên trong cái tổng thể.

Trong tinh thần chú tâm đến đất đai đầy giáo pháp, cộng đồng Tara Mandala đã có sự nhận thức chu đáo và khéo léo về các tác động của môi trường đối với cách họ tiến hành dự án, và họ dự định sẽ sống một cách nhẹ nhàng nhất như có thể trên mảnh đất này, với hy vọng sẽ cùng tồn tại với nhiều động vật cũng đang có mặt ở đó.  Kế hoạch phát triển của họ bao gồm những suy nghĩ tiến bộ nhất hiện nay trong các lĩnh vực năng lượng, nước, xử lý nước thải, vật liệu tái tạo, hệ thống sưởi và làm mát thụ động, cũng như các phương pháp nông nghiệp, gìn giữ đất ngập nước tự nhiên và không gian khoáng đãng, phục hồi các sườn núi bị xoáy mòn và việc gieo trồng.  Sự cam kết của họ về một môi trường sinh sống thân thiện, an toàn đang được thử nghiệm trên một bình diện rộng lớn, vì nó hình thành từ con số không trong môi trường sống phức tạp của con người trong thiên nhiên, và tìm kiếm sự cân bằng tự nhiên nơi đó.  Những thùng chứa dọc sườn núi có tính chất của mandala mà họ sống trong đó hỗ trợ sự ngưỡng mộ nguyên tắc của mandala của họ  (sự tồn tại của chúng ta trong một toàn bộ quan hệ nhân quả phụ thuộc lẫn nhau), đã nói lên tất cả công việc làm của họ.

Joan và Tsultrim là những người tương đối mới đối với những trung tâm mà giờ họ đang quản lý một cách chu đáo.  Yvonne Rand đã sống ở một nơi trong hai mươi sáu năm qua, đang dần dần hình thành một phức hợp đặc biệt bao gồm nhà ở, thiền đường, bếp ăn, văn phòng, sân vườn, và vườn cây ăn trái.  Cả công trình này được gọi là Trung Tâm Phật Học Redwood Creek.  Nằm ở Bắc California, vùng đầu nguồn của sườn phía tây của Núi Tamalpais, trung tâm Phật học nhỏ này nằm trong một hệ sinh thái mà Yvonne đã từng biết đến trong gần ba thập kỷ qua.  Bà miêu tả các loài hoa địa phương khác nhau và các cây trồng trong khu vườn của mình như thể họ là những người bạn cũ.  Môi trường sống được xem là thân thiện của bà, ở trong trạng thái liên tục tiến hóa, và sự quan tâm chăm sóc tuyệt vời của bà được thể hiện trong từng quyết định nhỏ nhặt, dù đó là việc lựa chọn vật liệu xây dựng một tầng lầu hoặc một con đường, nơi đặt một băng ghế, hoặc việc xếp đặt một chánh điện.  Người ta cảm nhận được phẩm chất của sự hài hòa trong dòng chảy nhẹ nhàng của các không gian này, trong nhà và ngoài trời, trong vòng sinh tử không dừng của nhiều loài thực vật và động vật, và trong những cách mà bà hướng đến sự đồng nhất của thân, tâm, và pháp trong các không gian, các chương trình, và việc giảng dạy của bà.  Nơi trú ngụ chân chất và thân thiện của bà ở nơi này tạo khuôn mẫu cho chúng ta thấy là làm thế nào để có thể sống trong một mandala  lớn hơn của địa cầu.

Mandala phát sinh trong các hình thức kiến trúc, trong phương cách sống nhạy cảm về sinh thái, trong các mối quan hệ của các tòa nhà với môi trường tự nhiên, trong địa hình của đất, nước, và trong các hình thức và hoạt động của cộng đồng.

Cuối cùng, ba thiền sư này tạo ra nhiều cơ hội để trải nghiệm về tính Không, nguyên mẫu không gian tuyệt đối, và là nền tảng từ đó tất cả các hình thể đều phát sinh. Sự hình thành khéo léo của và trong không gian nguyên mẫu giúp chúng ta tăng trưởng ý thức về những điều kiện toàn cầu của năng lượng và mối quan hệ, cũng như của không gian và tâm thức nơi mà tất cả các chúng sinh cùng sống và chia sẻ.

Joan Halifax và Trung Tâm Upaya ở Santa Fe, New Mexico

Joan Halifax được huấn luyện để trở thành nhà nhân loại học, và sau bao năm hành nghề xuất sắc, bà đã kết hợp sự hiểu biết của mình về các phương cách làm phép và hệ thống chữa bệnh  bản địa theo giáo lý và phương cách tu tập Phật giáo. Tác giả của nhiều đầu sách, Joan có những công trình nghiên cứu sâu xa về cái chết và người hấp hối (quyển Bên Cạnh Người hấp hối - Being with Dying sắp được phát hành), và về học thuyết Phật giáo Dấn Thân, bao gồm những vấn đề về môi trường, nhà tù, và sức khỏe.  Năm 1990, bà tiếp nhận lễ Truyền Đăng (Lamp Transmission) của thiền sư Thích Nhất Hạnh, và thuộc Phái Tiếp Hiện.  Bà là thầy  sáng lập trong Phái Thiền Bình Giả (Zen Peacemaker Order), và đã được thầy Tetsugen Roshi tặng danh hiệu Faka vào năm 1999.

Năm 1992, bà đã thành lập trung tâm Upaya ở vùng ngoại ô Santa Fe, trong thung lũng mà thông qua đó Sông Santa Fe chảy xuống thành phố từ dãy núi Sangre de Christo.  Không gian vật lý của Upaya bắt đầu với căn nhà chánh, mà Richard Brown Baker Roshi và Laurance S. Rockefeller đã tặng cho Joan.  Trong sáu năm qua, Joan đã dẫn dắt việc mở rộng công trình một cách có hệ thống, và ổn định, để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng của chương trình và cộng đồng.  Giờ bà cảm thấy khu vực này gần như đã hoàn tất. Trung tâm Upaya bao gồm một số toà nhà nằm trên diện tích giữa dãy núi Cerro Gordo phía bắc và sông Santa Fe phía nam, và công việc làm đẹp phong cảnh vẫn được tiếp tục trên toàn bộ khu đất của cả "khu trường".  Nói về không gian, trung tâm Upaya phản ảnh (về mặt chi thể và tổng thể) độ nhạy cảm cao của Joan đối với cách mà không gian tượng hình và thể hiện ý thức.

Khu vực này được định vị ở một vị trí đặc biệt mạnh mẽ, theo năng lượng địa lý phong thủy cũng như việc sử dụng có tính cách lịch sử của thung lũng để làm thành một lối đi.

Khu vực này được người ta tặng cho tôi, không phải tôi lựa chọn…  Tôi thật sự muốn sống ở đồng quê gần nơi hoang vắng…  nhưng người ta tặng nó cho tôi, và tôi rất cảm kích vì nhiều lý do.  Nó ở trong một thung lũng về phía đông-tây,  rất hoang sơ, có một dòng sông chảy ngang qua –Sông Santa Fe– là động mạch chánh của vùng sinh thái này.  Xưa các cư dân đã từng sử dụng lối đi này để di chuyển từ vùng này sang vùng khác, khiến ta cảm giác như có sự hiện diện của tổ tiên tại nơi đây; người dân gốc Tây-ban-nha cũng từng canh tác và đốn củi tại đây.  Vì vậy, nó là đầu nguồn, là động mạch chánh --tất cả nước ở Santa Fe bắt nguồn từ các dãy núi này và chảy xuống thung lũng.  Đây là nơi hoàn hảo cho một trung tâm Phật giáo vì nó là môi trường giới hạn giữa thế giới văn minh và thế giới tự nhiên.

Tòa nhà chánh và khu phức hợp toàn bộ được định vị để cho luồng ánh sáng mặt trời có thể đánh dấu chu kỳ của thời gian, đồng thời cung cấp tối đa nhiệt và ánh sáng. Với khung cảnh thiên nhiên, núi và sông hợp thành một đôi đồng vận năng động, và trung tâm Upaya nằm ngay chánh giữa, ở vị trí tốt đẹp nhất của cặp đôi này.  Theo phong thủy, điều này thật tốt lành, vì các tòa nhà cũng được định vị theo các nguyên tắc của phong thuỷ:

Quanh năm, mặt trời chiếu rọi sườn núi phía Đông, và nó trở thành điểm đánh dấu theo nhật lịch, một cách đánh dấu bắng mặt trời biểu thị những thời gian trong năm, các chí điểm và các phân điểm.  Phía tây phong cảnh rất tuyệt vời. Khi ngồi trong phòng làm việc, tôi có thể nhìn thấu qua tất cả đến tận dãy núi Jemez.  Phía bắc của tòa nhà chánh là núi Cerro Gordo -đó là một ngọn núi nhỏ nhưng từ đỉnh núi bạn có thể nhìn thấy Núi Taylor, dãy núi Jemez, Cataya -và phía nam của toà nhà River House là sông Santa Fe. Chúng tôi có một bối cảnh chính yếu là núi/sông, ở về phía nam của núi, và hướng mặt về phía nam, sự tích tụ năng lượng mặt trời của trung tâm ở đây rất lớn.  

Đây là không gian chùa viện rất cổ điển.  Ở Trung Quốc, các chùa viện có một hình thức cụ thể dựa theo hình dạng của con người, và [được sắp đặt] để các tòa nhà [có mối tương quan tốt] với nhau và với môi trường tự nhiên. [Ở đây] đầu là ngọn núi [Cerro Gordo], cổ họng là tòa nhà chánh [Upaya House, phòng họp, chỗ ở của học viên, và của Joan], trái tim là thiền đường (zendo) [Cerro Gordo Zen Temple], và những sinh hoạt của nhà bếp và nhà tắm ở trong River House.  Cột sống chạy từ phía bắc đến phía nam, theo phong thủy --thật kỳ diệu khi mọi thứ tự nhiên kết hợp lại một cách hoàn hảo.

Mandala dường như được khơi dậy trong các phong cách mà Joan sử dụng các tòa nhà, và trong sự kết tụ đậm đà của nhiều tương quan văn hóa, cùng tồn tại trong sự hài hòa thỏa đáng:

Có một số khía cạnh thật sự quan trọng của phương cách [tôi sử dụng không gian trong việc giảng dạy]... không gian có thể được thay đổi rất dễ dàng, nó là một thùng chứa đồ, và những thứ trong không gian có thể được sắp xếp lại một cách dễ dàng, và đúng là như vậy –vì thế ta có cảm giác của không gian rộng mở, và sự chuyển động liên tục trong không gian.  Không gian tự chúng rất nữ tính, bức tường gạch sống tạo cảm giác được điêu khắc nhẹ, với mái hiên bằng gỗ và được hỗ trợ bởi trần nhà làm bằng những khúc cây được bóc vỏ.  Các hình tượng từ bốn thế giới được thể hiện; có một cảm giác về phương hướng tây-nam, và Phật giáo (Tây Tạng, Thiền), Công giáo Tây-Ban-Nha, dân da đỏ Mỹ [các nguyên tố] đều hiện diện... màu sắc không dịu, có cảm giác của sự rực rỡ và sống động.

Cởi mở nhưng vẫn lưu tâm đến các ranh giới giữa bên trong và bên ngoài vì đó là điều rất quan trọng đối với Joan, bà đặc biệt quan tâm đến ngưỡng cửa của các tòa nhà, và tô điểm chúng bắng các vòng hoa, tượng điêu khắc, và ristras (ớt khô được kết lại như vòng hoa):

Thạch cao giống như một lớp da sống trên các bức tường, một cái gì đó bao bọc mặt đất.  Rõ ràng là có bàn tay xếp đặt của con người... tòa nhà này là một nơi lý tưởng để sống và tu thiền, mềm mại nhưng rất chắc chắn, đẹp và vững chãi, nữ tính và trong sáng. Về vấn đề môi trường nó cũng toàn hảo—mùa hè mát mẻ và mùa đông ấm áp.

Nó còn hơn cả một ngôi nhà – đó là một không gian chung với nhiều cửa lớn.  Tòa nhà chánh có mười cửa lớn, vì vậy nó kết nối [với bên ngoài], và River House cũng có mười cửa lớn.  Sự Phi-Tổng hợp rất quan trọng … Tôi đã thêm vào rất nhiều cửa lớn cho căn nhà này, cũng như tòa nhà kia ….

Về môi trường, trung tâm Upaya tôn vinh và thể hiện vị trí của nó và sử dụng một cách cẩn thận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tái chế bất cứ khi nào có thể:

Tôi bỏ nhiều thời gian vào mùa xuân để tự mình làm đẹp phong cảnh… Tôi rất vui khi làm công việc này… Khi công trình xây dựng các toà nhà hoàn tất, xung quanh đây nóng cháy đất, thật khủng khiếp, do đó tất cả mọi thứ mà quý vị nhìn thấy xung quanh các tòa nhà là do chúng tôi thêm vào, và cái mà tôi đã cố gắng làm là tạo ra một cảm giác hoang dã, với các loại cỏ bản địa, [và] các loài hoa tự sinh sản qua các mùa như flax (ND: một loại hoa mảnh mai, có màu lam nhạt), anh túc, Mexican hats (ND: một loại hoa đầu có dạng như cái nón của Mễ màu vàng và màu nâu đỏ), vân vân;  chúng tôi có rất nhiều cây cỏ bản địa --thiết bách, chamisa (ND: một loại cây mọc từng bụi, xanh tươi quanh năm), ponderosa (ND: một loại cây thông ở Bắc Mỹ), hoàn diệp liễu, cây thủy lạp New Mexico, mountain madrone (ND: một loại cây nhỏ hoặc bụi cây ở miền núi có trái màu đỏ, có thể ăn được).  Cảm giác về các mùa ở đây thật sự rất kỳ lạ.  Trong các khu vườn chính quy người ta thường cảm thấy muốn sửa chữa một cái gì đó trong thời gian và không gian, trong khi ở đây chúng tôi để cho mọi thứ thể hiện sự thay đổi. Chúng tôi đã bỏ nhiều công sức để tạo ra một phong cảnh tự nhiên, có cuộc sống riêng của nó, có thể thu hút động vật hoang dã, côn trùng, chim, hươu, ong, bướm, không cần chăm sóc nhiều, qua các mùa vẫn tươi tốt, sử dụng ít nước, và tạo bóng mát khi chúng tôi đi ra ngoài.  Chúng tôi đã tạo ra một vùng đất ngập nước... [sử dụng] nước thải từ nhà, và cỏ đuôi mèo và các loại cây khác để làm sạch nước - tất cả nước thải từ nhà đi qua hệ thống đất ngập nước.  Và sau đó chúng ta có một hệ thống thủy lợi [cho] các cây ăn quả trong bãi đất đồng cỏ.  Và ở phía bắc của ngôi nhà chúng tôi có một khu vườn thực vật rất đẹp, thảo mộc, rau diếp, và mọi thứ...  Đó là cả một hệ thống tuyệt vời.

Tầm quan trọng của tỷ lệ,  của kích thước của không gian và các hoạt động bên trong nó, liên quan đến niềm tin của Joan, rằng sự tu tập có liên quan đến việc chúng ta trở nên thân thiện với bản thân, với tâm trí, và với thế giới:

Ở đây giống như một thôn làng hoặc chỗ của một gia tộc lớn... Nơi đây có thể chứa khoảng ba mươi lăm người, kể cả nhân viên của chúng tôi, thật sự là hoàn hảo.  Mục đích chinh của tôi không phải là để tạo ra một Tăng thân lớn.  Thiền đường (zendo) của chúng tôi không thể chứa trên ba mươi người --nơi đây rất nhỏ. Đây là một trung tâm đào tạo mà mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới, để tu tập theo thuyết Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism), và để học phương cách ứng dụng nó vào cuộc sống. [Với số lượng này] tôi không cảm thấy là mình phải vắt hết sức lực hay tài chánh đến độ tôi, hay những người làm việc tại đây phải mệt mỏi, và khánh kiệt các nguồn tài nguyên.  Chúng tôi giống như một suối nguồn vô tận vì chúng tôi đã giữ cho cái hồ chứa của mình không quá quy mô.

Không gian cá nhân được tôn trọng triệt để.  Ở đây thường có sự im lặng sâu lắng.  Các phòng đều được cách âm bởi các bức tường gạch rất dầy, vì vậy khá yên tĩnh, dù chúng tôi không ở xa trung tâm của thành phố cho mấy.  Vì vậy, nơi đây là một cộng đồng gắn kết với sự tôn trọng tối đa cho sự tĩnh lặng... trong sáng và cô động....

Không gian tu tập chung hiện nay là Thiền Viện Cerro Gordo (Cerro Gordo Zen Temple), được xây dựng hơn hai mươi năm trước đây. Đó là một tòa nhà hình vuông màu trắng, với một bảo tháp trắng trong sân (bảo tháp Tây Tạng đầu tiên được xây dựng ở đất nước này).  Joan đề nghị rằng dự án xây dựng tòa nhà cuối cùng do cô đảm trách tại Upaya sẽ là một không gian mang nhiều nữ tính hơn, về kiểu mẫu, màu sắc, và phương thức sử dụng. Nó sẽ được đề tặng cho Jishu Glassman (một vị thầy Phật giáo và là vợ của Bernard Glassman), người đã qua đời vào mùa xuân năm 1998:

Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ có thêm một dự án xây dựng, dự án cuối cùng - một kiva (ND: một căn phòng cho nghi lễ) đề tặng cho Jishu Glassman. Chúng tôi gọi nó là nhà tròn... hơi lún xuống đất, không có biểu tượng gì cả.  Đó là nơi mà chúng tôi họp hội đồng, nơi sẽ có âm nhạc, khiêu vũ, thiền định, và liên giáo phái (intersectarian)(trong Phật giáo), nhưng cũng liên tôn giáo (interfaith).  Nó sẽ được gọi là Thiện Tính (Essence of Compassion) (tên của Jishu ). Về phía nam của tòa nhà, chúng tôi sẽ đặt một tảng đá lớn màu đỏ, và một bảo tháp cho bà ấy, nơi mà những người khác cũng có thể để tro cốt. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể xây dựng bảo tháp này như một dự án cộng đồng. Các thiền đường hiện nay hình vuông, nên bảo tháp màu trắng cũng vuông -- thiền đường và bảo tháp có tính nam trong năng lượng nhiều hơn...căn nhà tròn sẽ là một đối trọng nữ tính.  Thạch cao bên trong nhà tròn có màu hoàng thổ, nội thất là màu hoàng kim tuyệt đẹp, và quý vị sẽ bước vào thông qua một cánh cửa thấp...  mọi người cúi xuống khi bước, [như họ làm] trong thiền đường hiện nay.

Chúng tôi làm việc rất nhiều với hội đồng, với vòng tròn. Chúng tôi cảm thấy rằng đó là một cách để thực tập lắng nghe sâu và nói, trong chánh ngữ, rất dân chủ, cho phép có sự khác biệt một cách sâu xa.  Được nghe ý kiến từ tất cả mọi người là điều rất quan trọng.

Joan đã và đang tiếp tục tạo ra các không gian mà ở đó sự luân chuyển vừa là điều khả thi vừa được khuyến khích, trong đó các tầm nhìn đa dạng cùng tồn tại và tìm ra tiếng nói; không gian tính không trong Phật giáo có mặt cả trong hình thức và tiến trình tại Upaya:

Nói về tính Không, chúng gần giống như những hang động trú ngụ, không có gì trong đó. Bạn có thể lấy tất cả đồ đạc ra.  Nguyên tắc của tính Không rất mạnh mẽ ở nơi đây - bầu trời ở đây cũng quan trọng, đó là lý do chúng tôi tạo ra rất nhiều không gian ngoài trời. Môi trường ở đây đẹp quanh năm, và bầu trời ở đây như một yếu tố quan trọng để tu tập, vì bạn sẽ muốn hòa nhập tâm trí của mình cùng với bầu trời.  Bạn thấy các mùa đến và đi, vì nó chỉ là thời tiết. Nếu chỉ trốn bên trong các tòa nhà gạch, trong hang động, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ cảm thấy bị hạn chế. Ở đây chúng tôi tạo ra rất nhiều cảm giác ngoài trời, mọi người ngồi dưới các cửa chánh, chúng tôi có rất nhiều không gian ngoài trời cũng như trong nhà. Đôi khi chúng tôi thiền hành ngoài sân thiền đường, và giữa các tòa nhà…việc tạo ra các con đường thật sự rất quan trọng, thế giới kết nối với nhau như thế nào là điều rất quan trọng.

Chúng tôi đã bỏ rất nhiều thời gian, năng lượng, và tiền bạc vào việc làm đường, kết nối các không gian ngoài trời và trong nhà.  Khu vực này trước đó đã được sử dụng như một lối đi, và bây giờ vẫn vậy....  Đây là một hố nước, người ta tìm đến nó, và được nó nuôi dưỡng.  Ở đây chỉ một vài người trong chúng tôi lo chăm sóc cho các khách hành hương.  Đây là một con đường Đông-Tây, một lối đi cho rất nhiều người đang mang trọng bệnh.... Có cảm giác của một cuộc du lịch đông-tây sâu sắc, từ sự thức tỉnh đến cái chết.

Thông thường, khi phụ nữ đến một trung tâm, [việc tạo ra các không gian] đã được thực hiện... giống như ở Trung Tâm Thiền San Francisco (San Francisco Zen Center), giống những gì Blanche Hartman thừa kế, được nam giới tạo ra. [Upaya] thật sự được xây dựng theo cái nhìn của người phụ nữ.

Tsultrim Allione và Tara Mandala: Pagosa Springs, Colorado

Trong đồng cỏ vùng núi cao và thung lũng giữa một đỉnh núi nhỏ hình bầu và các dòng chảy mạnh của sông San Juan, một công trình xây dựng đang được tiến hành. Cộng đồng Phật giáo Tara Mandala đang tạo dựng một trung tâm tu học, và ý thức môi trường sinh hoạt trong một cảnh quan có đậm tính chất của mandala.  Người ta đến trung tâm Tara Mandala từ Pagosa Springs --trước khi xuống thung lũng của sông San Juan, sau đó từ phía tây vào Burns Canyon.  Leo dần dần lên đến ngay trung tâm, vùng đất này có phẩm chất tươi mát, hoang dã, mở ra dưới bầu trời rộng lớn và nhìn ra khắp tất cả phương hướng.  Hoa dại và nhiều loại cây (hoàng tùng, Pinon (ND: một loại thông, hạt có thể ăn được), tuyết tùng, lãnh sam (ND: một loại thông), và miên mộc)) ở khắp nơi.  Đây cũng là nơi trú ẩn của một số lớn động vật --diều hâu, quạ, đại bàng, cú mèo, cáo, nai sừng tấm, hươu, nai, mèo rừng, gấu, ngựa hoang,  và những động vật khác.  Đến trung tâm ta sẽ thoáng nhìn thấy những lá cờ tôn giáo đang bay trong gió, và chiếc lều (tròn) màu trắng, cấu trúc của ngôi đền nguyên gốc, nằm trên sườn núi xa xa.

Tsultrim Allione là người sáng lập và là giám đốc tinh thần ở Tara Mandala, trung tâm tĩnh tâm duy nhất nằm trên 850 mẫu đất ở giữa Khu Rừng Quốc Gia San Juan và đất của bộ lạc Ute ở phía tây nam Colorado.  Đầu tiên Tsultrim thọ giới xuất gia với ngài Karmapa vào năm 1970, và đã từng là tu học với các vị thầy như Kalu Rinpoche, Apho Rinpoche, Trungpa Rinpoche, và nhiều vị khác nữa.  Sau bà hoàn tục, kết hôn và nuôi dạy ba người con, nhưng khi các con đã lớn, bà quay về tu tập lại. Gần đây nhất bà tu theo môn phái Dzogchen với quý ngài Rinpoche Namkhai Norbu, Tulku Gungteng, và Tulku Somgnag.  Bà là tác giả của quyển sách Trí Tuệ Phụ Nữ (Women of Wisdom), giới thiệu về vai trò của những người phụ nữ đã giác ngộ trong Phật giáo Tây Tạng.  Bà muốn hỗ trợ các thiền sinh tại Tara Mandala để họ có khả năng thâm nhập pháp định sâu như đã từng có thể xảy ra ở Tây Tạng trước đây.

Tôi đã mơ nhiều lần về việc di chuyển đến phía Tây và [về] miếng đất như thế này....  Chúng tôi lập được một nhóm ở một khoá tu tại California, nên cuối cùng tôi cũng quyết định bắt đầu thực sự tìm kiếm, và tất cả mọi người cùng thiền định và đã thấy được những gì họ muốn thấy về  đất đai.... Trong viễn cảnh đó tôi đã thấy các gân đá, màu sắc khác nhau. Khi chúng tôi đến xem nơi này, tôi nhận ra các hình dạng đá đó [ở cổng vào các hẻm núi, nơi mà bây giờ là trung tâm Tara Mandala], nhưng cho đến khi tôi trèo lên đỉnh núi có hình bầu ngực, từ nơi đó tôi mới nhận ra địa điểm này thật sự là một mandala --nó có phẩm chất của sự tiếp thu và dịu dàng.  Đất này có phẩm chất rất nữ tính; nó bao bọc bạn, và nó có dạng như ở trung tâm và những đường viền giống như mandala, và có rất nhiều thứ khác nhau có thể xảy ra trên mảnh đất mà không ảnh hưởng lẫn nhau, do cách nó được thiết lập, với các rặng núi và thung lũng riêng biệt....  Khi tôi đứng trên đỉnh của Ekajati tôi nói với Dave, [chồng tôi], "Đúng là chỗ này," và ông nói, "Nhưng chúng ta chưa xem qua những nơi khác," nhưng tôi đã nói, "Tôi biết, nhưng đúng là chỗ này đây. "

Bất động sản mà họ mua là mảnh đất năm trăm mẫu, (cộng thêm các mảnh đất tư nhân chung qunh hiện nay thuộc sở hữu của các thành viên trong cộng đồng) là một phần của một trang trại rất lớn kéo dài gần đến Pagosa Springs; cây cối đã được khai hoang,  làm thành trại ấp, và trồng trọt trong những năm gần đây, nhưng trên vùng đất này cũng có dấu vết về sự có mặt của các dân tộc thiểu số như bộ tộc Anasazi hoặc Ute. Pithouses, một khối đá (cối xay bằng đá), và những đầu mũi tên đã được tìm thấy ở đây; Tsultrim phỏng đoán rằng ngọn núi có thể từng là nơi người ta đến đó để nguyện cầu.  Đối với Tsultrim, việc tìm được mối liên hệ với những người sống ở đây trước đó rất quan trọng, nên ngay từ ban đầu bà đã tìm cách liên hệ với dân Utes, nhất là với  Bertha Grove, một trong những vị nữ trưởng lão, người rất ủng hộ trung tâm Tara Mandala và đã từng tế lễ trên mảnh đất này từ khi họ đến đây:

quý vị mang nó từ thế giới tinh thần vào thế giới vật chất. Vì vậy, nó sẽ không khó khăn, sẽ có rất nhiều sự hỗ trợ.

Ngọn núi nhỏ hình bầu vú không có tên gọi, dầu là tên bản gốc hay gì khác, do đó người ta gọi nó là Đỉnh Ekajati, dựa theo vị nữ thần hộ mệnh của Dzogchen, có một vú, một mắt, và một chiếc răng.  Người ta cảm nhận được sự hiện diện của ngọn núi và năng lượng dinh dưỡng của núi tại trung tâm của Tara Mandala, vì ngọn núi giúp cho ta được định tâm dầu ta di chuyển bất cứ nơi nào trên mảnh đất đó.  Từ con dốc phía đông, ta nhìn về hướng đông, phía mặt trời mọc, ta thấy sông San Juan, núi San Juan, và rãnh Continental Divide từ đàng xa. Từ phía Tây, ta thấy mặt trời lặn, cũng như Chimney Rock với hang Great Kiva (một trong những điểm cực bắc của vùng Anasazi), gần đó, và khu vực Four Corners, phong phú với các địa điểm linh thiêng đối với dân bản địa.

Định hướng địa điểm tương quan với các đặc điểm địa hình chính và với sự xoay chuyển của mặt trời rất quan trọng trong việc lập kế hoạch cộng đồng, thí dụ như xây dựng theo cách nào để các loài động vật sẽ tiếp tục phát triển mạnh, bằng cách để lại ít nhất một nữa số đất chưa phát triển cho "thiên nhiên, động vật, và sự truy tìm nguyện cảnh (vision quest)", và bằng cách phát triển thành từng nhóm, với càng ít tác động đến cảnh quan thiên nhiên càng tốt. Trong kế hoạch tổng thể đó, cộng đồng đưa ra những nguyên tắc thiết kế có tính chất sinh thái, trong đó bao gồm sự cẩn thận đối với tất cả các khía cạnh trong việc sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên, bao gồm việc sử dụng năng lượng mặt trời, máy bơm nước giếng dùng năng lượng mặt trời, xử lý nước thải, hệ thống sưởi ấm và làm mát thụ động, và sử dụng nguyên liệu tái tạo trong công trình xây dựng. Trong việc chọn địa điểm, họ sẽ tận dụng lợi thế của các đỉnh núi và thung lũng tự nhiên và những không gian chia cách cũng như kết nối trong địa hình của mandala.

Về cơ bản [sự phát triển sẽ có] ba giai đoạn khác nhau: khu vực này [sẽ chứa] thêm các không gian chung lớn hơn cho các chương trình mùa hè; thung lũng bên cạnh là trung tâm tu tập ẩn cư, và xa hơn [là] các thất.  [Lều tròn chính thống] sẽ luôn ở đây vì đây là [tòa nhà] đầu tiên, do đó nó rất linh thiêng, nó đã thâu nhận bao huyền lực từ công phu tu tập mà chúng tôi đã thực hành ở nơi đây để [nó] luôn luôn được duy trì. Phần công trình mới sẽ được xây trên sườn núi -- với một nhà bếp, phòng ăn, một cửa hàng, nhà chăm sóc trẻ... Chúng tôi muốn [xây dựng] một nhà dưỡng lão cho những người muốn ẩn cư cho đến khi họ chết, và một trường học, và một thiền đường lớn hơn.... Chúng tôi đang trong quá trình làm việc [với tất cả dự án] cùng với một kiến trúc sư...

Chúng tôi bây giờ đang sống ngoài trời. Hàng năm chúng tôi sống trong lều ngoài trời trong vòng năm tháng. Chúng tôi ăn, nấu bên ngoài, và khi ở trong nhà, chúng tôi cũng cố gắng duy trì cảm giác ngoài trời, với rất nhiều cửa sổ và cửa ra vào luôn mở rộng, những hành lang gió lùa, nấu ăn ngoài trời và các khu vực ăn uống... có ban công và cổng chánh, đại khái những điều như thế. [Đối với các khu vực công cộng] dự kiến là [có một] trại hè, đây là một truyền thống của Tây Tạng. Người ta đến, học tập giáo lý, cắm trại trong thung lũng, rồi họ sẽ đi đến các hang động và thất vào mùa đông.

Qua nhiều phương cách, Tsultrim và cộng đồng Tara Mandala đang cố gắng sinh hoạt trong các mô hình quan hệ mới, đối với đất trời, đối với những chúng sinh khác, đối với cộng đồng, và tâm thức vì họ làm việc theo mô hình hợp tác, bàn bạc, chia sẻ.  Nguyên mẫu không gian, đặc biệt là những vòng tròn, các mandala (với bốn hướng), và cây, là những hình ảnh trung tâm, và là tài nguyên của họ.

Quý vị lưu ý là chúng tôi có một không gian tròn và chúng tôi có chánh điện ở giữa [nó] thay vì ở một đầu... Chúng tôi đang cố gắng để thay mô hình thống trị bắng mô hình hợp tác, và chúng tôi làm việc với hội đồng - chúng tôi có những buổi họp mỗi ngày, ngắn thôi - vì vậy có chánh điện ở giữa có nghĩa là tất cả mọi người đối mặt chánh điện, và đối mặt với nhau, thay vì ngồi thành hàng.  Có chánh điện ở giữa tạo cảm giác chư thiên đang đối mặt mọi người, và mỗi người đối mặt nhau, nên có sự nhận thức về phẩm chất tỉnh thức nơi mỗi người.  Chúng tôi [cũng] có tọa vị này, tọa vị của vị thầy... hình ảnh này giống như một xâu chuỗi (mala) với một hạt lớn hơn... [nhưng nó vẫn là] một vòng tròn, với tất cả mọi người kết nối.

Tất cả không gian hội họp và nghi lễ (giống như một sàn khiêu vũ ngoài trời) là hình tròn, nhà ở và nhà bếp có những bức tường thẳng, nhưng nhà bếp sẽ hình chữ U, với vòng lửa ở giữa sân nhìn ra hướng đông.  Những gì tôi muốn làm khi chúng tôi xây dựng thiền đường là tạo [mô hình] trên vòng tròn với bốn hướng --nguyên tắc mandala-- vì vậy sẽ có năm chánh điện. Hàng năm chúng tôi cử hành một ngày lễ tại Spirit Rock ở California và lập năm bàn thờ cho  năm nữ thần (dakinis) theo nguyên tắc mandala, và hành lễ trong không gian đó. Mọi người luôn nói thật tuyệt vời khi ở trong một không gian nơi mà mọi phương hướng đều linh thiêng. Thường người ta chỉ cần nhắm đến một hướng, nhưng được trải nghiệm với năm bàn thờ sẽ tạo ra một cảm giác rất toàn diện.

Tại trung tâm Tara Mandala, liền kề không gian nhà bếp ngoài trời là một mẹ cây, là một cây hoàng dương cổ thụ, với một bàn thờ có các phẩm vật nhỏ của cộng đồng dâng cúng, gợi nhớ đến các đền thờ cây ở Ấn Độ và Nepal, nơi đánh giá cao vai trò của cây như cây sinh mệnh và là trục tâm của vũ trụ.

Một mô hình khác mà chúng tôi sử dụng là mô hình cây, với các viên quản lý tài chánh làm gốc rễ, hội đồng đương nhiệm là thân cây, các công năng và hoạt động khác nhau của trung tâm là cành nhánh, và các vị ẩn cư như những chiếc lá, đến và đi.

Tsultrim đã xây một thảo am ẩn cư nhỏ trên sườn núi, dưới đỉnh núi Ekajati. Nó được xây xuống một mũi đất khiến ta có cảm giác nó bắt rễ rất sâu và chắc chắn, đồng thời nó cũng giống như một mũi tàu, cửa sổ hướng về phía tây, khu vực Four Corners, Chimney Rock, và vài dặm xa hơn nữa.  Từ nơi cao ngất này, người ta đặc biệt cảm kích chỗ chứa đựng thiên nhiên tuyệt vời mà cộng đồng này đang phát triển trong đó, cũng như tiềm năng xây dựng được mở rộng và ý thức hỗ trợ cao độ. Ở đây, việc cân bằng giữa sự kiềm chế và mở mang, an toàn và bất trắc, và sự hoà hợp giữa các yếu tố tự nhiên cùng với kiến trúc tạo ra một không gian vừa thân thiện vừa thông dụng, một không gian dành cho sự chuyển đổi tâm thức.

Tôi chọn địa điểm đó, một phần vì mối liên quan chặt chẻ đối với Chimney Rock – đây là một địa điểm rất hung cường, với một số kiva dưới các đỉnh núi.  Bên trong [căn thảo am đó] có những thân cây tự nhiên, giống như bạn đang ở trong một bọng cây, và một bên vách là vách đá tự nhiên.  Đá này là một khối năng lượng của mặt trời và giữ nhiệt, do đó thảo am không đóng băng vào mùa đông [bất chấp độ cao và điều kiện khí hậu].

Một vị thầy Nepal thường xuyên đến đây thăm viếng, người thường xuất hồn nhập định ở nhiều nơi, bà cũng làm thế ở đây, và khi đó bà nói rất nhiều về mảnh đất này.  Bà nói rằng tất cả mọi thứ sẽ xảy ra như chúng tôi đã kế hoạch, nhưng rất nhiều thứ sẽ diễn ra sau khi chúng tôi qua đời.  Bà nói rằng ở đây có những vị nữ thần (Taras), và đức Phật đã từng sang nơi này và làm rớt một hạt trong xâu chuỗi (mala) của ngài.  Bà nhìn thấy một mandala Vajrayogin trên vách đá trong thảo am của tôi.  

Yvonne Rand và Trung Tâm Phật Học Redwood Creek, Bắc California

Yvonne Rand là một thiền sư, hướng dẫn các khoá tu thiền ở trung tâm Phật Học Redwood Creek, cũng như khắp nơi trên đất Mỹ.  Bà ra đời ở San Francisco, và suốt đời chỉ sống trong bán kính năm mươi dặm của thành phố; 26 năm nay bà sống và dạy thiền ở trung tâm này. Trong không gian thân mật bà thường gặp riêng từng thiền sinh, bà có ảnh của các vị thầy tổ của mình cũng như ảnh của một số các thiền giả vĩ đại trong tất cả các hệ phái Phật giáo, như Roshi Shunryu Suzuki, Roshi Dainin Katagiri, vị Dalai Lama  thứ 14, vị thầy quá cố Tara Tulku, và Harry Kellett Roberts.  Bà hiện đang viết một cuốn sách về công việc của mình với những người đang hấp hối, và một cuốn sách về Chánh Ngữ.

Yvonne rất am hiểu về hệ sinh thái trong khu vực của California, nơi bà sinh hoạt và tu tập; bà áp dụng kinh nghiệm của mình với cây cỏ và mùa màng trong sinh học để phát triển và chăm sóc một khu vườn rộng lớn.

Chúng tôi ở trên sườn phía tây của núi Tamalpais trong lưu vực của Redwood Creek. Chúng tôi ở ngay miệng của thung lũng, và núi Tamalpais là nơi thánh thiện cao tột gần nhất. Harry Roberts, và tôi vài năm nay cùng tu học chung.  Ông làm việc như một cao bồi trong thung lũng gần bên nơi mà bây giờ là Trung tâm Thiền Green Gulch Farm.  Suốt mấy năm, mỗi tháng một lần, một nhóm nhỏ chúng tôi cùng đi chơi cuối tuần, quanh năm dọc ngang qua dãy bờ biển từ San Francisco đến biên giới tiểu bang Oregon, nghiên cứu thực vật và địa chất học và tất cả những gì có liên quan đến nơi chúng tôi đang sống.

Yvonne xây dựng trung tâm tu học của bà suốt mấy năm, từ từ chuyển đổi các cấu trúc hiện tại và thêm vào những cấu trúc khác, vì vậy mà giờ cơ ngơi này là một phức hợp thiếu quy hoạch gồm các tòa nhà thấp (nhà, thiền đường, nhà bếp, thất ẩn tu, văn phòng và phòng thu âm) tất cả đều có cửa sổ và cửa ra vào mở rộng, tạo nhiều cơ hội cho các sinh hoạt ngoài trời trong khu vườn đầy dẫy cây ăn quả.  Lối dẫn vào khu phức hợp là một nhà nhỏ với một điện thờ nhỏ chứa đựng sáu bức tượng của lòng từ bi, mỗi bức tượng trưng cho sáu cõi, một cây ngân hạnh (gingko) được trồng gần đó. Khách bước vào đây đi theo những con đường ngoằn ngoèo xuyên qua các khu vườn để đến thiền đường; con đường tự nó có màu vàng cam  -- sân xi-măng với màu của sắt bị rỉ sét.

Bên ngoài các ngôi chùa Tây Tạng, quý vị thường thấy các lư hương. Tôi thấy một lò đất sét của người Mễ, hình dạng giống như mấy cái lư hương, ở ngay trước hiên và cổng vào thiền đường.

Không gian dành cho thiền đường thì ở trung tâm của khu vực và chất chứa rất nhiều những gì Yvonne nói đến trong các bài giảng của bà. Một không gian linh động, đầy ánh sáng, nó chứa đựng một bộ sưu tập phong phú về mỹ thuật Phật giáo, đặc biệt theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng.

Truyền thống nghệ thuật tâm linh Tây Tạng thể hiện khả năng chuyển đổi tốt. Chúng tôi có nhiều hình tượng thuộc về trí tuệ và từ bi, của nam lẫn nữ.  Tượng Sarasvai (Sa-Lạp-Tư-Ngõa-Đề) đặt phía cổng ngoài, tượng Prajpramit (Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa) đặt ở đây, và trong thiền đường chúng tôi có tượng Vajrayogin, (Kim-Cương-Du-Gia-Mẫu), Tr (Quan Âm) --, và rất, rất nhiều tượng Phật và Bồ-tát.

Cánh cửa của không gian thiền định hướng về phía đông, và có nhiều bàn thờ quanh tường của căn phòng. Có nhiều cửa sổ để có được cảm giác đang ở ngoài trời trong khi chúng tôi đang ở bên trong, và chúng tôi có thể nhìn thấy các cây cổ thụ ở phía tây, phía bắc và phía nam. Tôi muốn căn phòng này càng rộng rãi càng tốt. Chúng tôi có nhiệt phúc xạ nên căn phòng thật sự có thể khá mát mẻ mà vẫn thoải mái, bởi vì nền nhà rất ấm. Và thiền đường này phòng đã thâu nhận được năng lượng từ tất cả những người đã từng đến đây tu tập. Tôi nhận thấy không gian này yên tĩnh và thân thiện.

Theo môn phái thiền đến từ Nhật Bản, thì đó là văn hóa cơ thể, việc giảng dạy được thực hiện không xuyên qua ngôn từ mà bằng cách quan sát kỹ thầy của mình. Học theo cách đó vượt qua hẳn ngôn ngữ. Thân và hơi thở là cơ sở của thiền, nếu nó được dạy một cách hữu hiệu.  Thân không nói dối.  Tôi hoan nghênh tất cả các thiền sinh, kể cả các chuyên gia về yoga và Thái Cực hoặc Khí Công, khi họ đến tu học.  Chúng tôi cần để tâm đến những chi tiết của các tư thế, ngồi, đối chuẩn, chánh niệm về thân, chánh niệm trong khi ăn, với sự quán chiếu về tính chất tương quan lẫn nhau, về thực phẩm đang ăn – có mặt trong sự cảm nhận hương vị, kết cấu của thực phẩm, động tác nhai và nuốt.

Không gian thiền định được xây dựng trên địa điểm của một họa viện cũ, và một cách tình cờ, bốn cây xung quanh họa viện đánh dấu bốn hướng -- một cây hồng mộc bình minh ở phía nam, một cây hồng mộc bờ biển phía tây, một cây xích dương (alder tree) ở phía bắc, và tại cổng nhà về phía đông một cây ngân hạnh (gingko).  Cây hồng mộc bình minh và cây ngân hạnh nằm trong số các loại cây hiện hữu lâu đời nhất trên hành tinh, trong khi mạng sống của cây xích dương rất ngắn ngủi.  Cây ngân hạnh mới được trồng gần đây, trong khi ba cây khác là các sinh vật cổ xưa nhất trên mảnh đất này. Yvonne nhìn thấy tất cả các cây thể hiện những giáo lý về thời gian, sự phụ thuộc lẫn nhau, sự chuyển đổi, và sự vô thường.

Có bốn cây, đánh dấu các phương hướng. Các cây đứng như những người bảo hộ xung quanh không gian thiền định.  Cây hồng mộc bình minh không cho ra hạt giống cho đến khi nó được bảy mươi lăm năm tuổi, do đó, thế hệ này trồng nó cho các thế hệ tiếp theo. Nó cho chúng ta một tầm nhìn xa hơn. Bên trong thiền đường, một bàn thờ được thiết lập để nhắc nhở chúng ta về sự vô thường.  Đó là chủ đề tôi quyết định thực hành trong công phu tu tập của mình năm nay, mà cũng là chủ đề giảng dạy của tôi nữa.  Tất cả chúng ta đều cần dành nhiều thời gian quán tưởng chủ đề này.

Ở đây không gian trong nhà và ngoài trời được kết nối bằng năng lượng luân lưu qua các cửa sổ, cửa ra vào, các con đường, nhà nghỉ mát, các sàn, và hàng hiên, làm cho không gian trong nhà và ngoài trời thật sự phụ thuộc lẫn nhau và đều quan trọng đối với cuộc sống trong khu phức hợp này.

Có hành lang xung quanh thiền đường để đi thiền hành. Tôi khuyến khích các thiền sinh nên thực tập thiền ngoài trời, và chúng tôi có một số khu vực mà mọi người có thể đi bộ hoặc ngồi ngoài vườn.  Đôi khi chúng tôi ngồi bên ngoài và để cho đôi mắt của chúng tôi nhìn lên bầu trời, xem xét phẩm chất bao la, khoáng đãng của bầu trời tâm thức.

Trong khu vườn rộng lớn của tòa nhà, một khu vực rộng rãi với một con đường ngoằn ngoèo nằm giữa vườn cây trái gần con lạch dành riêng cho việc thiền hành. Một số bánh xe cũ của xe máy cày đã được gắn vào các trụ cột và người ta vẽ các câu thần chú lên đó --bánh xe cầu nguyện kiểu Mỹ-- và một khu vườn bằng đá có các hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng (Jizo)nằm đối diện với phòng làm việc của Yvonne, nằm khuất sau các khu vườn. Những luống hoa đầy màu sắc và sự phong phú của các loại hoa thật là ngoạn mục, dễ khiến người ta chậm lại và để ý đến chúng.  Có một số loài hoa bản địa (bách hợp, diên vĩ, nho, coffeeberry (ND: một loại cây có quả trông giống hạt cà-phê), manxantia, cây me chua, thimble berry (ND: một loại dâu tây), dương xỉ và các dược liệu như nhựa chanh (lemon balm), dương địa hoàng (digitalis), bạc hà, và chanh mã tiên thảo (lemon verbena).

Bên cạnh có đủ loại thực vật,  khu vườn còn thu hút và giữ chân một số các loài chim đa dạng (đếm được bốn mươi hai loài), đặc biệt là phong điểu, bồ câu ai điệu, và chim cút, và đôi khi một con cò lam.  Chồn, opossum (ND: một loại thú có túi to cỡ con mèo nhà), cáo và thỏ cũng làm nhà ở đây.

Sau khi chúng tôi đi bộ thông qua các nơi, Yvonne và tôi đã nói về các nữ Phật tử ở đây và ở nước ngoài đang làm những gì để tạo ra những nơi chốn để sinh sống và làm việc, để cả hai đều thể hiện và vung dưỡng chánh niệm. Yvonne kể cho tôi nghe về kinh nghiệm viếng thăm một ni viện nhỏ được xây dựng ở miền bắc Ấn Độ.

Trong một chuyến đi gần đây đến Ấn Độ, tôi đã chứng kiến một điển hình đặc sắc của việc tạo dựng địa điểm. Ni viện tại Dharamsala, Dolma Ling, là phi-giáo-phái, cung cấp một nền giáo dục cổ điển và đào tạo các sư cô trẻ tuổi. Đất mà ni viện được xây dựng có những tảng đá to lớn màu đen. Đối với tôi những tảng đá đen to lớn nhìn rất giống những con thú to lớn đang say ngủ. Có một ngọn núi phía sau khu vực và một dòng suối quan trọng, nơi phụ nữ Ấn Độ trong địa phương thường đến để giặt giũ quần áo. Các tòa nhà được thiết kế và xây dựng trong mối quan hệ với các tảng đá và dòng suối, cấu trúc có hai tầng, được làm bằng bê-tông vì gỗ rất khan hiếm.  Ni viện được xây dựng trong phạm vi môi trường của nó --vị trí của các con đường [đã và đang] không can thiệp tới dòng suối; khu vực giặt giũ truyền thống [đã được thay thế] với các không gian được cải thiện để những người phụ nữ có thể giặt giũ áo quần của họ.  Lao động để xây dựng tòa nhà bao gồm cả các phụ nữ của ngôi làng gần đó --nhờ vậy những phụ nữ này có được một số tiền thu nhập mà họ có thể giữ.  Điều này đã giúp ổn định nền kinh tế địa phương vì các ông chồng đa số thường dùng tiền để đi uống rượu.

Các tòa nhà, kể cả các phòng cá nhân, thư viện, trạm y tế, và phòng ăn, được xây dựng trong nữa vòng tròn, trong mối quan hệ với các tảng đá thú đang ngủ. Người ta có thể nghe rất rõ tiếng nước chảy. Có một hệ thống làm sạch nước và hệ thống điện dùng năng lượng của mặt trời -- toàn bộ dự án đã được xây dựng với độ nhạy cảm cao về môi trường. Đó là sự trái ngược rõ nét đối với một dự án xây tu viện khác mà tôi đã thấy trong cùng chuyến đi, dự án đó ít quan tâm đến tác động tự nhiên hay văn hóa của môi trường. [Ni viện] biểu thị sự tương quan mạnh mẽ  -- một điển hình về những điều tốt nhất của nữ tính, những viễn ảnh về môi trường trong Phật Pháp.