Phật Giáo & Nữ Giới

Giới Luật và Vai Trò của Phụ Nữ ở Miến Điện

Docsach24.com

ì nữ tu sĩ Miến Điện chỉ giữ tám giới, họ không phải tuân giữ giới luật cấm giao dịch tiền bạc. Trái lại, chư tăng và nam sa-di, về phương diện này, đã đạt được sự xả bỏ, đó là kết quả của các giới luật trong kinh tạng truyền thống nghiêm cấm họ không được sử dụng tiền bạc. Do đó các sư cô thường làm nhiệm vụ giao dịch tiền bạc cho chư tăng, nên họ trở thành thủ quỷ hay người lo việc điều hành cho tu viện. Tuy nhiên, gần đây, nhiều vị ni cũng thọ 10 giới, như thế họ cũng không được nắm giữ tiền bạc.  Nhiệm vụ này được giao lại cho các nam sa-di, và như thế các sư cô được có nhiều thời gian dành cho việc hành thiền và phát triển tâm linh của họ hơn.

 Một số các nữ tu chỉ giữ 10 giới bán phần - vào những ngày lễ hay nữa ngày vào buổi chiều.  Họ thường ăn chay hay chỉ ăn ngày một bữa để hoàn thiện hơn vị thế của họ.  Sự hướng đến việc tu tập để được trong sạch hơn, hoàn thiện công phu trì giới, dù vẫn còn nhiều hạn chế trong môi trường tôn giáo của họ, cũng thể hiện ước nguyện mạnh mẽ của họ cho một cuộc sống tâm linh cao đẹp hơn.  Các nữ tu Miến Điện có thể coi việc trở thành tỷ-kheo ni (bhikkhuni) đối với họ trong hoàn cảnh hiện tại là không tưởng; mặc dầu không có sự đảm bảo của một vị thế tôn giáo như thế, nhưng ước nguyện được phát triển tâm linh của họ không nao núng. Trở thành người giữ 10 giới tạo cho họ một môi trường lý tưởng để hoàn toàn tập trung vào việc phát triển tâm linh.

Ở Miến Điện có một số sư cô giữ 10 giới.  Daw N. là một trong số họ. Là người có học vấn, nhưng cô xuất gia khá trễ - sau khi đã tốt nghiệp đại học Rangoon - dầu trước đó cô cũng rất tín tâm và thường hành thiền vào những dịp lễ trong nhiều năm. Cô quyết tâm xuất gia, nhưng bị gia đình cản trở quyết liệt. Cha cô ban đầu rất giận dữ, nhưng trước quyết tâm của cô, sau đó ông bằng lòng với điều kiện là cô không được đi khất thực. Ông là người kinh doanh vàng bạc rất giàu, nên để cho cuộc sống của con gái trong tu viện được thoải mái, ông quyết định chu cấp mọi chi phí cho cô.  Mẹ và sáu anh chị em của cô cũng hết lòng hỗ trợ cô, nhờ đó cô có thể theo đuổi nguyện vọng của mình một cách rốt ráo, nghiên cứu kinh điển sâu sắc và qua được các kỳ thi quốc gia với điểm cao. Vào lúc cô hoàn tất mọi chương trình học, cô đã đủ tư cách để trở thành một vị giảng sư Phật giáo, và tiếng tăm là người học rộng của cô đã vang dội. Cô cũng nổi tiếng là người tu thiền giỏi, và càng nổi tiếng hơn khi cô trở thành một vị ni giữ 10 giới mà không nhận bất cứ sự cúng dường nào từ cư sĩ. Người ta khen cô có nghiệp lành, có được một gia đình giàu có và hết lòng hỗ trợ cô. Oái oăm thay, khi cô nổi tiếng về sự thanh cao và tâm buông xả thì người ta càng muốn cúng dường cho cô thông qua các vị cư sĩ phụ tá.

Tuy nhiên, như đã trình bày, để có thể trở thành một nữ tu giữ 10 giới, vị đó hoặc phải xuất thân từ gia đình giàu có hoặc con đường học vấn phải khá thành công để có thể được nhiều vị thí chủ ủng hộ về tài chánh. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng để có thể duy trì tính chất buông xả cần có để giữ 10 giới, người nữ tu phải có đủ nguồn và sự hỗ trợ phẩm vật đầy đủ, vững bền, để có thể tận hưởng sự phong lưu của vị thế cao cả này. Vị ni này cũng cần phải có một người thư ký hay thị giả đáng tin cậy để chăm lo cho nhu cầu hằng ngày, nhất là những vấn đề liên quan đến việc cúng dường.  Nhưng quý ni dầu ở địa vị cao quý đó cũng không được để ý đến như chư tăng, vì họ thường không đủ sức lôi cuốn các cư sĩ để các vị này luôn ở bên họ. Hơn thế nữa, chính các vị ni này cũng thường phải đảm nhiệm việc phụ tá cho các tăng giữ 10 giới về tiền bạc. Do đó, nếu riêng các vị ni này cũng có người phụ tá thì không thích hợp trong cơ cấu tổ chức tu viện ở Miến Điện.

Hiện nay ở Miến Điện còn có một danh hiệu thích hợp cho những người phụ nữ muốn từ bỏ đời sống gia đình nhưng không muốn hoàn toàn sống đời xuất gia ở tu viện, đó là du kỳ (yogi). Vị thế của yogi thường dành cho nam hoặc nữ cư sĩ giữ tám giới, tu thiền tại các cơ sở tôn giáo, trung tâm thiền, tu viện hay ni viện, trong một khoảng thời gian hay bán thời gian nào đó. Vị thế yogi giúp người ta có được một đời sống tôn giáo bình lặng để có nhiều thời gian và tự do để chú tâm vào sự tiến bộ tâm linh của cá nhân. Ở Miến Điện, phụ nữ lớn tuổi không còn trách nhiệm làm vợ, làm mẹ thường chọn làm yogi hơn là nữ tu.  Dựa trên yếu tố đó, thành kiến cổ hủ xem các nữ tu Phật giáo là “các bà góa phụ già” ngày càng thiếu xác thực.  Cuộc sống của yogi phù hợp với nhiều người vì, trước tiên, khi trình độ học vấn của các ni tiếp tục tăng lên, vị thế của họ càng được xem là một nghề nghiệp ‘chuyên môn’, thì những người phụ nữ lớn tuổi ít người có thể theo đuổi được. Thứ đến, vì những người phụ nữ quyết định hoàn toàn buông xả ở cuối đời, khó thích hợp với cuộc sống của người nữ khất sĩ. Thứ ba, một số yogi lớn tuổi xem việc ăn ngày một buổi là khó, vì họ không thể ăn nhiều vào buổi sáng như các vị nữ tu đã quen làm điều này từ lúc trẻ. Và cuối cùng, với tư cách là yogi, người phụ nữ vẫn có thể duy trì mối liên hệ bình thường với gia đình, đồng thời cũng cho người ấy lý do để không phải dính vào những vấn đề của gia đình, vì vị ấy thường di trú giữa các trung tâm thiền và nhà, hành thiền một khoảng thời gian nào đó rồi trở về nhà để nghỉ ngơi. Trên lý thuyết, vị thế tôn giáo của người yogi tương đương với người nữ tu giữ tám giới như là kiềm chế tình dục, không ăn sau giờ ngọ, không thụ hưởng các dục lạc và các vấn đề thế tục. Tuy nhiên, các nữ tu xem người yogi chỉ là các nữ cư sĩ, không phải là người xuất gia như họ, vì ‘các yogi vẫn còn để tóc”.  Đối với chư ni, tóc là một biểu tượng quan trọng để phân biệt giữa họ và yogi, giữa những người thực sự là thành viên của chúng tu và những người không phải.  Dầu vậy, nhiều tu viện và ni viện vẫn dành chỗ cho các bậc cha mẹ già yếu, bệnh tật của các sư cô đến sống với tư cách là các yogi.  Các sư cô cũng coi đây là một cách uyển chuyển để những người vì tuổi tác không thể chịu đựng được cuộc sống gian nan của người khất sĩ.  Những người yogi lại bày tỏ một quan điểm hoàn toàn khác. Phần lớn các yogi được phỏng vấn cho rằng họ chẳng bao giờ muốn trở thành nữ tu sĩ vì sinh hoạt của người nữ tu làm hao mòn thời gian và năng lực mà họ cần để hành thiền và rèn luyện tâm linh. Theo họ, các vị nữ tu phải bận rộn với việc nấu nướng và chăm lo cho chư tăng, và chúng tu, do đó lơ là với việc phát triển tâm linh của chính bản thân họ. Một vị yogi nói rằng bà không bao giờ muốn trở thành nữ tu vì bà thích được độc lập về phương diện tài chính, và muốn được giữ tài sản để có thể cúng dường cho chư tăng. Thực vậy, ý nghĩ phải tùy thuộc vào người khác về vật chất dường như đã khiến nhiều yogi không muốn xuất gia thành nữ tu sĩ.

Dầu vậy, theo quan điểm chung, người ta vẫn coi vị thế tôn giáo của người nữ tu cao hơn của yogi. Có thể nói rằng trong quá khứ, không có sự phân biệt rạch ròi giữa nữ tu và yogi, nhưng khi các khả năng hành lễ, trình độ học vấn, và vị thế tôn giáo của các nữ tu trở nên quan trọng hơn, thì sự khác biệt trong động lực và cách sống của họ càng được đề cao.