Công việc ở ban pháp y tỉnh bận rộn hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi, trừ một số vụ án lớn hoặc những vụ án khó xử lí có hiện trường ngoài trời, còn có rất nhiều vụ kêu oan và tài liệu hành chính phải xử lý. Chúng tôi thường xuyên phải đi công tác, không chỉ tập trung vào các vụ án mạng, đối với những vụ kêu oan chúng tôi vẫn luôn cẩn thận làm việc, bởi những phát hiện của chúng tôi có thể rửa sạch nỗi oan cho người ta.
Tiết trời dần chuyển lạnh, đây là mùa thu đầu tiên tôi trải qua ở Sở công an tỉnh. Lúc này, sư phụ dẫn tôi đến thành phố Vân Lăng để phúc tra một vụ kêu oan. Vụ án rất đơn giản, cũng không phải một vụ án oan như vẫn tưởng. Khi chúng tôi đến đồn công an để gặp người kêu oan để giải thích rõ ràng, thì đột nhiên nghe thấy ngoài cửa có tiếng ồn ào.
Chúng tôi đều nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy trước đồn có một đám người đứng nhốn nháo.
“Chắc chắn hắn ta đã cầm tiền của tôi trốn đi, hiển nhiên là thế, lại còn không liên lạc được nữa à?” Một người đàn ông trung niên vung tay quát tháo.
“Làm sao mà tôi biết được.” Người phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi thảm thiết nói.
“Sao lại không biết? Ai mà chẳng biết hắn rượu chè cờ bạc? Tôi chỉ có ngần ấy tiền, hắn lấy rồi thì tôi chữa bệnh bằng cái gì? Tôi kệ xác, mau đưa tiền trả cho tôi, ngày kia tôi còn phải mổ nữa!” Người đàn ông túm áo chị ta, nhất quyết không tha.
“Tôi không có nhiều tiền như vậy. Anh xem, nhà tôi nghèo…” Người phụ nữ khóc không ra nước mắt.
“Đừng kích động, anh buông tay ra đi!” Cảnh sát khu vực thấy người kia muốn đánh phụ nữ, liền can ngăn.
“Có khi lát nữa chồng cô ấy liên lạc lại thì sao, anh nóng nảy làm gì. Chỉ có mấy nghìn tệ, việc gì phải lôi nhau lên đồn thế này?” Bên ngoài có một người lớn tuổi hiểu biết nói.
Ở trước đồn công an thường có những vụ việc loại này, cảnh sát đều quen cả rồi, nhưng đối với người mới vào nghề như tôi thì vẫn bỡ ngỡ lắm, vì vậy tôi đi ra ngoài xem cho rõ ngọn nguồn.
Trước sự hòa giải của cảnh sát, hai bên đều nhanh chóng bình tĩnh lại, người đàn ông trung niên kia mới kể lại toàn bộ sự tình.
Ông ta tên Vương Khải, bị sỏi mật nặng, bệnh tật khiến cho ông ta đau đớn vô cùng, được một thời gian thì không chịu nổi nữa, liền quyết định cầm năm nghìn tệ tích cóp được vào thành phố phẫu thuật lấy sỏi. Ông ta đến bệnh viện do thầy lang trong thôn tên Lý Giải Phóng giới thiệu. Lý Giải Phóng là hàng xóm của ông ta, năm nay hơn năm mươi tuổi, do trước đây tự học được chút ít y thuật, bèn mở phòng khám trong thôn để mưu sinh. Sau này việc chữa bệnh đều chính quy hơn, phòng khám của gã cũng lụn bại dần, gã chỉ có thể chữa chui mấy bệnh đau đầu, cảm cúm lặt vặt. Ngoài ra, gã còn làm môi giới cho bệnh viện tuyến hai, kiếm mấy đồng phần trăm từ tiền chữa trị.
Lần này Vương Khải tìm Lý Giải Phóng nhờ giúp đỡ, gã liền dẫn ông ta vào bệnh viện thành phố, sau đó ở lại trong viện cùng tiến hành kiểm tra trước phẫu thuật. Mấy ngày nay, Lý Giải Phóng cũng có tình có nghĩa, nhận tiền rồi phụ trách chăm sóc Vương Khải vốn không thân thích. Trước khi phẫu thuật một ngày, Vương Khải phải thay quần áo bệnh nhân nhưng không có chỗ cất ba nghìn tệ còn lại, nghĩ tới bọn trộm cắp dạo này hoành hành ngang ngược, ông ta liền đem tiền gửi Lý Giải Phóng. Không ngờ đến nửa đêm thì gã ta mất tích, gọi di động cũng không bắt máy. Vương Khải lo lắng suốt một đêm, sáng ra vẫn không thấy tin gì của Lý Giải Phóng. Vì quá nóng lòng, ông ta gọi điện cho vợ gã thì biết gã không về thôn. Là hàng xóm nên Vương Khải cũng biết Lý Giải Phóng vốn chẳng phải hạng tử tế gì, cờ bạc rượu chè có đủ, thuộc dạng phải tránh càng xa càng tốt. Ông ta sốt ruột quá, vội về lôi vợ Lý Giải Phòng lên đồn công an. Vợ Lý Giải Phóng kém gã mười tuổi, bình thường vẫn bị gã đánh chửi, giờ cũng mờ mịt chẳng biết gì, càng nói càng không nên lời.
Sự việc nghe có vẻ đơn giản, hẳn là Lý Giải Phóng trộm tiền mang đi, tiêu xài rồi thì trốn nợ. Người hóng chuyện thấy chẳng có gì mới liền giải tán.
Lúc đó công việc của tôi đang rất thuận lợi. Vụ án kêu oan được xử lý kịp thời, đương sự cũng tin phục kết quả phúc tra của chúng tôi. Sau khi hoàn thiện báo cáo công tác, chúng tôi quyết định sáng hôm sau mới quay về Sở. Sư phụ có thói quen sống rất lành mạnh, ngủ sớm dậy sớm. Nhưng đám trẻ chúng tôi lại thích thức đêm đọc sách, vui chơi này nọ. Sáng hôm sau, mới sáu rưỡi đã thấy sư phụ đi gõ cửa phòng tôi, bảo muốn về Sở ngay để kịp điểm danh buổi sáng.
Tôi ngái ngủ lên xe về Sở. Vào sáng sớm trên đường không có mấy xe cộ, nhưng khi đến ngoại ô thành phố, chúng tôi thấy bên đường có một chiếc xe cảnh sát đèn nháy lập lòe, hai vị cảnh sát đang ngồi xổm kiểm tra một người nằm trên mặt đất.
“Dừng lại.” Sư phụ nói với người lái xe.
Tôi cùng sư phụ nhảy xuống xe, nghe thấy một cảnh sát gọi 120 (1): “Ở ngoại ô, trên đường Đông Nam, đối diện nhà máy phân hóa học có một người bị tai nạn giao thông, vẫn còn thở, mọi người mau đến đây.”
“Có chuyện gì xảy ra vậy?” Sư phụ vừa hỏi vừa giơ thẻ công tác ra.
Anh cảnh sát giao thông hơi ngạc nhiên, chỉ là một vụ gây tai nạn rồi bỏ chạy thông thường, thế mà cũng khiến bác sĩ pháp y đầu ngành đến hỏi sao? “Thưa sếp, sáng nay có người gọi điện báo, họ phát hiện một người nằm ven đường, có thể là bị xô xe. Chúng tôi vội chạy tới, thấy vẫn còn thở, cũng chẳng biết bị thương ở đâu, chúng tôi không dám di chuyển anh ta, chờ 120 đến ngay bây giờ thôi.”
Tôi đi tới, nhìn sơ qua người nằm trên mặt đất. Không có vết thương hở, cũng chẳng có vết máu nào, sờ lên động mạch cổ thấy vẫn đập đều. Tôi hỏi: “Bị thương chỗ nào? Có khó chịu ở đâu không? Đã xảy ra chuyện gì?” Người đàn ông đó chỉ biết rên hừ hừ.
“Có thấy đồ dùng tùy thân của anh ta không?” Sư phụ hỏi.
“Có một cái ví rỗng, chứng minh thư của anh ta đây.” Cảnh sát đưa chứng minh thư cho sư phụ.
Ảnh chụp trên thẻ chính là hình của người đàn ông này, tên trên chứng minh thư lại là người một ngày trước được nhắc tới, Lý Giải Phóng.
Chỉ chốc lát sau xe cứu thương đã tới, sau khi kiểm tra sơ bộ, hai bác sĩ nhanh nhẹn đưa Lý Giải Phóng lên xe, xe cảnh sát đi trước mở đường, cùng lao đi như chớp.
“Về nhà khách thôi.” Sư phụ sau khi nói xong liền liếc mắt nhìn tôi, “Không nhớ người yêu chứ hả? Chúng ta hoãn lại hai ngày, chú ý xem vụ tai nạn giao thông này ra sao.”
Tôi hoàn toàn không phản đối, bởi vì tôi cũng tò mò trước sự xuất hiện trùng hợp của Lý Giải Phóng.
Lý Giải Phóng được đưa đến bệnh viện, kiểm tra thấy phần xương sọ trước trán bị vỡ, não bị tổn thương. Bác sĩ cho rằng gã gặp chuyện lúc nửa đêm, nằm ở ven đường vài giờ mới được phát hiện, lượng máu chảy ra quá nhiều, căn bản đã không còn hi vọng gì nữa. Qua nhiều lần cấp cứu, chiều hôm đó Lý Giải Phóng chết.
Sau khi nhận được tin, sư phụ dẫn tôi và bác sĩ pháp y của thành phố đến bệnh viện, tiến hành khám nghiệm thi thể Lý Giải Phóng. Đây là thủ tục kiểm tra đối với một vụ tử vong không bình thường, chỉ khác là lần này trong những người tham dự có cán bộ của tỉnh. Qua kiểm tra, trên thi thể không phát hiện vết thương ngoài, thậm chí vị trí xương sọ vỡ, não xuất huyết cũng không có dấu hiện rõ ràng trên da.
“Các anh có thấy giống tai nạn giao thông không?” Sư phụ hỏi bác sĩ Dương của phòng pháp y thành phố Vân Lăng.
“Không giống, không thấy trầy da.”
“Tuy rằng tai nạn giao thông thường kèm theo các vết trầy xước trên da, nhưng cũng có trường hợp chỉ bị thương một chỗ thôi. Hiện giờ thời tiết khá lạnh, người ta mặc nhiều quần áo, có thể trùng hợp bị va đập đúng chỗ mặc kín thì không thể thấy vết trầy xước được.” Sư phụ nói, “Nhưng, vụ án này có vấn đề. Đưa đến nhà xác làm thêm một bước khám nghiệm nữa xem.
Trước cổng bệnh viện, Vương Khải và vợ Lý Giải Phóng đều đang chờ. Vương Khải thấy chúng tôi đi ra, hỏi: “Tiền của tôi đâu?”
“Đồ đạc của anh ta chỉ có một tấm chứng minh thư thôi.” Cảnh sát nói.
“Chắc chắn là lấy tiền của tôi đi đánh bạc, thua sạch rồi bị xe xô, đáng đời!” Vương Khải nghiến răng nói.
“Chúng tôi muốn mang thi thể đến nhà xác để khám nghiệm thêm, trước mắt vẫn chưa loại trừ khả năng đây là án hình sự.” Sư phụ nói với vợ Lý Giải Phóng.
Vợ Lý Giải Phóng gật đầu. Chị ta không quá đau thương trước cái chết của gã, có lẽ đây lại là sự giải thoát cho chị.
“Chắc không phải là án hình sự chứ? Làm gì có chuyện giết người đã không chết thì thôi lại còn đem ném ven đường. Nếu nạn nhân được cứu sống thì chẳng phải là tự đưa mình vào tù sao?” Một cảnh sát nghi ngờ hỏi.
“Chúng tôi chỉ thấy có điểm khả nghi, trước mắt chưa thể đưa ra kết luận.” Sư phụ đáp.
Đến nhà xác, sư phụ chẳng nói chẳng rằng, cùng chúng tôi tiến hành giải phẫu. Khi làm việc sư phụ không thích nói chuyện, vì thầy ấy cho rằng càng nói nhiều càng ảnh hưởng đến phán đoán của mình.
Giải phẫu xong, chúng tôi cùng đứng bên bồn rửa tay.
Sư phụ đột nhiên quay ra nói với một cảnh sát đứng gần đó: “Giao cho đội hình sự đi.”
(1) 120 là số gọi cấp cứu, tương đương với 115 ở Việt Nam.