Nữ Y Về Thời Loạn

Chương 41

Edit: Yunchan

Trần Tín lập lời thề son sắt: “Ta sẽ viết thật mà.”

Văn Đan Khê cười gật đầu, được rồi, cô cũng rất tò mò hắn sẽ viết gì trong thư.

Trần Tín bịn rịn cáo từ Văn Đan Khê và mọi người trên núi, rồi dẫn theo ba trăm tinh binh cũng như bọn Hạ hắc tử và Hồng đại hồ tử xuống núi hộ tống thương đội của Vệ gia. Vệ đại gia này cũng là một người rộng rãi. Toán quân của Trần Tín vừa xuất phát, ông ta đã lập tức cho người áp tải hai vạn cân lương thực lên núi, cũng báo cho Tần Nguyên biết lần sau ghé qua sẽ đưa thêm một vạn cân còn lại, về phần bạc thì đợi thương đoàn về tới Tần Châu sẽ giao đủ. Lần này binh lính Phá Lỗ rất cảm động tấm lòng trượng nghĩa của Vệ đại gia, tỏ rõ quyết tâm phải hộ tống hết lòng, người còn lương còn.

Bọn Trần Tín vừa đi thì trong năm huynh đệ chỉ còn lại Tần Nguyên, Mặt Thẹo và Quách Đại Giang. Ba người phân công đâu đó, Tần Nguyên phụ trách điều hành các tuyến binh mã, Mặt Thẹo và Quách Đại Giang chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trên núi và phòng thủ các thôn.

Văn Đan Khê vẫn như trước đây, mỗi ngày ngoài việc thăm khám mấy bệnh vặt cho binh lính trên núi, quản lý công việc sau núi, thời gian còn lại thì đọc sách nông. Có lúc cô cũng sẽ trao đổi với Tần Nguyên về quan điểm của mình. Tuy Trần Tín đã hết lần này tới lần khác tỏ rỏ quyết tâm không ăn dấm chua bừa bãi nữa, nhưng Tần Nguyên vẫn tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cũ, có chuyện gì thì tìm mọi cách nhờ người khác nhắn lại.

Trong chớp mắt, Trần Tín đã xuống núi được hơn mười ngày. Không có hắn lởn vởn chung quanh, Văn Đan Khê lại thấy thiếu thiếu gì đó, lòng lúc nào cũng thấy trống trải, ai dè điểm này lại bị Tuyết Tùng lột trần.

Một hôm sau bữa cơm chiều, Văn Đan Khê dẫn hai đứa trẻ và Lý Băng Nhạn đi tản bộ. Tuyết Tùng bỗng ngước gương mặt bé xíu ngây thơ lên hỏi: “Nhị cô cô, cô cô muốn tìm cái gì sao?”

Văn Đan Khê vội vàng đáp: “Cô cô không tìm gì hết.”

Tuyết Tùng hỏi tiếp với vẻ mặt nghi ngờ: “Nhưng mà, cháu thấy mắt cô cô cứ đảo quanh khắp nơi.”

Mặt Văn Đan Khê hiện lên vẻ lúng túng, trong khi Lý Băng Nhạn lặng lẽ quay mặt qua hướng khác cười trộm.

Thế nhưng rất nhanh sau đó Văn Đan Khê đã tạm vứt Trần Tín qua bên, bởi cô đã tìm được chuyện mới để làm. Tháng bảy đang tới gần, trên núi Nhạn Minh có rất nhiều quả dại chín mọng, do đó cô thường xuyên dẫn một tốp vào núi hái về. Vì sợ hái phải quả dại có độc, Văn Đan Khê bèn chọn những binh sĩ từng sống trên núi từ nhỏ, trong đó bao gồm cả Triệu Lục Cân bị Trần Tín nhéo lỗ tai và đệ đệ của hắn Triệu Thất Cân. Văn Đan Khê thật sự bị choáng ngợp với tài nguyên phong phú trên ngọn núi này, táo dại, lê dại, nho dại, đào dại, và đủ loại quả dại không gọi nổi tên khác, cần gì đều có nấy.

Sau khi hái được vài lần thì Văn Đan Khê không đi theo nữa, cô ở lại sau núi lôi chỗ trái cây chất thành núi ra xử lý. Có loại dùng để ủ rượu ví như nho dại, cây cẩu kỷ để lâu một tý là có thể làm thành quả khô, giống như quả đào, hạnh hay táo vậy. Cái vò lớn để ủ rượu là do Văn Đan Khê nhờ một người lính già trên núi bảo đồ đệ mình làm ra. Nói lại thì núi Nhạn Minh quả đúng là một vùng đất trù phú, không những thực vật phong phú, mà nhân tài cũng đông đảo, từ thầy mo, thầy thuốc tới thợ thuyền cần gì đều có cả, đa số những người trên núi đều giỏi về một lĩnh vực nào đó.

Lúc Mặt Thẹo nghe Văn Đan Khê sẽ ủ rượu thì phấn khích tới nỗi chạy ào tới tham quan. Chỉ thấy Văn Đan Khê đang đứng bên chỉ huy mọi người mang quả nho dại đã được làm lạnh trong bóng râm bỏ vào trong thùng gỗ dầy đã rửa sạch, rồi dùng chày giã nát. Sau đó đổ thêm đường trắng vào, đổ non nửa thùng. Lúc này đường trắng còn rất đắt nên Văn Đan khê chỉ bỏ thêm rất ít.

“Hề hề, Văn đại phu rượu này bao giờ thì uống được vậy?”

Văn Đan Khê cười cười: “Không lâu đâu, tới Trung Thu là uống được mẻ đầu tiên rồi.”

“Hề hề tốt quá.” Mặt Thẹo cười gian, không giấu nổi cái mặt thèm thuồng.


Ủ rượu, phơi quả khô, phơi rau khô, làm dưa muối, ngày ngày mọi người đều tất bật bận rộn mà lại phong phú. Thế nhưng, thời gian bình lặng đó chưa qua được mấy ngày đã bị một chuyện phá tan.

Lúc Mặt Thẹo tuần núi phát hiện mấy người bộ dạng khả nghi đang săn bắn, lập tức bắt lên núi nghiêm khắc thẩm vấn. Kết quả điều tra được lại làm cho người ta thất kinh. Hóa ra những tên này là mật thám mà tên thủ lĩnh thổ phỉ núi Tây Hoa cách đây bốn mươi dặm phái tới. Mục đích là muốn thăm dò thực lực của núi Nhạn Minh.

Với cá tính của Mặt Thẹo thì đương nhiên giết nhanh diệt gọn, nhưng Tần Nguyên suy nghĩ giây lát, cuối cùng lại sai người thả chúng đi. Theo lời y thì oan gia nên giải không nên kết, có lẽ hiện nay núi Nhạn Minh đã đủ thù địch khắp nơi rồi.

Tuy Mặt Thẹo không cam nhưng cũng không tiện cản. Dĩ nhiên, Tần Nguyên cũng chẳng thả người dễ dãi như thế, mà còn viết một phong thư để chúng mang về. Lựa từ ngữ thật khéo léo, nhưng ý tứ rất rõ ràng: Núi Nhạn Minh không muốn gây hấn, sẵn lòng chung sống hòa bình với quý trại, chúng ta cũng không sợ rầy rà. Nếu quý trại có tâm tư khó lường gì xin hãy suy tính cân phân.

Tần Nguyên thả những tên mật thám kia đi chưa được mấy ngày thì đại trại chủ của núi Tây Hoa, Lý Vạn đã phái người đưa heo bò vải vóc tới làm lễ vật lấy lòng, Tần Nguyên vui vẻ tiếp nhận, còn tặng lại rất nhiều món.

Những việc này đều do Lý thẩm kể lại cho Văn Đan Khê. Văn Đan Khê nghe xong thì âm thầm ghi nhớ trong lòng, cô thầm than Tần Nguyên quả nhiên có tài ngoại giao.

Song, việc này trôi qua chưa bao lâu thì lại xảy ra một chuyện có liên quan ít nhiều tới Văn Đan Khê. Chuyện là Vương Chính, Nhị trại chủ của núi Tây Hoa dắt theo lâu la tới những nhà phú hộ trong Dịch Châu để “Mượn lương thực”, những phú hộ này không dám trêu chọc bọn cướp, ít hoặc nhiều đều cho “Mượn” cả. Nhưng tới lượt Chu gia thì lại đá phải cánh cổng sắt. Chu lão gia ỷ mình có quan hệ với quan phủ, hơn nữa đinh trang hộ viện cũng đông đảo, nên không coi những tên cướp này ra gì.

Chuyện này đã chọc giận Lý Vạn, hắn lập tức dẫn năm trăm lâu la đánh thẳng vào Chu gia trang, nhưng nào ngờ Chu gia trang cũng là tảng đá cứng, hai phe hỗn chiến suốt nửa ngày, bên nào cũng chịu tổn thất. Lý Vạn căm giận kéo bọn lâu la về núi, cũng tuyên bố rằng nhất định phải trả đũa Chu gia thật nặng tay.

Rồi qua thêm mấy ngày, bọn Lý Vạn nhân lúc Chu Lương Tuấn đi thăm bà con bèn chặn bắt hắn giữa đường. Đồng thời dùng công phu tư sử ngoạm đòi Chu lão gia năm vạn lượng tiền chuộc.

Trong chớp nhoáng sao Chu gia có thể bỏ ra nhiều tiền như thế? Rơi vào đường cùng buộc lòng phải tới quan phủ báo án, vì quan phủ có giao tình với Chu gia nên huyện lệnh lập tức nhận lời, ngay hôm sau phái năm trăm quan binh đánh vào núi Tây Hoa. Ai biết nghĩ sẽ thấy, tuy núi Tây Hoa không có địa thế hiểm yếu như núi Nhạn Minh, nhưng cũng là một nơi dễ thủ khó công. Quan binh hao binh tổn tướng ròng rã hai ngày nhưng không bắt được, cuối cùng phẫn nộ rút quân về. Chu lão gia lại mang đinh trang tới đánh thêm một chập, nhưng vẫn tay không ra về như cũ. Sau cùng vì quá bất đắc dĩ đành phải mời người trong giới Lục Lâm tiếp tay giải cứu.

Dựa theo bảng xếp hạng hảo hán trong vùng, người mà Chu gia nghĩ tới đầu tiên nên là quân Phá Lỗ. Nhưng từ lâu người Chu gia đã biết Trần Tín có dính dấp tới Văn Đan Khê, thế nên Chu lão gia mới bỏ qua Trần Tín mà hướng lời cầu cứu tới Trịnh Tử Bằng. Trịnh Tử Bằng ham số bạc thưởng của Chu gia nên vui vẻ nhận ngay nhiệm vụ này.

Hôm sau hắn lập tức phái đường đệ Trịnh Tử Hữu dẫn theo quân Thanh Long tấn công vào núi Tây Hoa, nào ngờ lại đại bại rút lui như bao người tới trước. Trịnh Tử Bằng thấy mặt mũi mình bị giẫm bẹp, cực kỳ không cam lòng, suy đi nghĩ lại, cuối cùng vẫn quyết định đẩy lời cầu cứu tới núi Nhạn Minh. Đồng thời nhận lời sau khi chuyện này thành công sẽ chia một nửa tiền thưởng cho núi Nhạn Minh.

Tần Nguyên chẳng biết làm thế nào nên muốn hỏi ý kiến Văn Đan Khê, lần này là y đích thân tới.

Văn Đan Khê cúi đầu suy nghĩ hồi lâu, cô nghĩ Tần Nguyên hỏi cô chuyện này, có lẽ vì y nghĩ Chu gia có ít nhiều quan hệ tới cô.

Văn Đan Khê chẳng có chút xíu cảm tình nào với Chu gia, lúc trước họ giậu đổ bìm leo, nhằm lúc người ta yếu đuối nhất mà quẳng ra lời từ hôn, trực tiếp dẫn tới cái chết của Văn Đan Khê thật sự. Sau khi cô tới đây họ còn không biết xấu hổ đạp cửa gây sự. Cô đâu phải thánh mẫu mà gặp kiểu người này còn nói lời hay ý đẹp cho họ chứ. Nhưng mà, nếu Tần Nguyên muốn nhúng tay vào thì cô cũng không ngăn cản. Cho nên cô đáp rằng: “Nhị đương gia, ngài thấy gì thì hãy làm đó, muốn cứu thì hãy cứu, không muốn cứu thì đừng cứu, không cần bận tâm tới những thứ khác.”

Tần Nguyên nghe được câu Nhị đương gia thì hơi vui trong lòng, y đứng dậy gật đầu: “Ta biết rồi, ta sẽ tìm lão Tứ và lão Ngũ bàn bạc lại.”


Tần Nguyên chọn tìm tới Văn Đan Khê hỏi kế sách, thật ra còn vì một mặt ý nghĩ tăm tối khác, y muốn dò thử xem rốt cuộc Văn Đan Khê có còn dư tình với Chu Lương Tuấn hay không. Nếu như có cô tuyệt đối sẽ không đứng nhìn. Phản ứng này của Văn Đan Khê làm y rất hài lòng, thế mới phải, cầm lên được thì cũng đặt xuống được.

Kết quả sau cùng là, Tần Nguyên không tham gia cứu người, nhưng y đã viết một phong thư gửi cho Lý Vạn, nhắc nhở hắn nên dừng lại đúng lúc, hạ số tiền chuộc xuống mức mà Chu gia có thể chi trả được. Có lẽ Lý Vạn cũng đang cần một bậc thang để bước xuống, nên ngay lập tức đã hạ tiền chuộc xuống năm nghìn lượng, đây cũng là cái giá mà Chu gia có thể chấp nhận được. Con tin thì được Trịnh Tử Bằng sai quân dẫn về.

Văn Đan Khê tưởng đâu chuyện này tới đây là hết. Ai ngờ ngày hôm sau Lý Thẩm lại thần thần bí bí nói với cô rằng, núi Tây Hoa không chỉ bắt Chu Lương Tuấn mà còn cả Chu Lương Cẩn, muội muội của hắn. Nhưng chuyện này bị trên dưới Chu gia giấu nhẹm, chỉ có một số ít người biết thôi. Dù sao ở thời này danh tiết nữ nhân vô cùng quan trọng. Nếu như mọi người biết Chu Lương Cẩn bị cướp bắt đi, cho dù cô ta vẫn còn trong sạch thì thanh danh cũng bị hủy mất, cũng có thể bị bên hứa hôn từ hôn.

Lý thẩm vỗ tay trông có vẻ hả hê: “Lần này xong rồi, vị hôn phu Ngô gia của Chu Lương Cẩn cả nhà theo hủ nho, đặc biệt là Ngô lão thái gia cực để ý tới mấy chuyện danh tiết, đợt này chuyện từ hôn khỏi phải bàn cãi nữa. Đúng là trời cao có mắt, để cả nhà bọn họ nếm thử mùi.”

Nói rồi bà sực nhận ra mình đang chạm vào nỗi khổ tâm của Văn Đan Khê, vội tát nhẹ vào miệng mình: “Cô coi cái miệng ta kìa, Văn cô nương đừng chấp nhặt lão bà ta nhé.”

Văn Đan Khê rộng lượng nói: “Không sao, ta đã nhận ra sớm rồi. Người nhà Chu gia như thế, dù ta có gả vào đó cũng không yên ổn. Chẳng thà rút lui sớm bớt phiền hà.”

Lý thẩm và Vương thẩm cười cười, nói cô thật độ lượng.

Nhưng Văn Đan Khê lại thở dài: “Dù vậy, Chu Lương Cẩn cũng thật đáng thương.”

Vương thẩm cũng nói: “Đúng vậy, mấy người còn lại trong Chu gia chẳng ra gì, nhưng Chu cô nương vẫn vô tội.”

Lý thẩm cười cười tỏ vẻ không đồng tình. Vương thẩm vốn định hỏi kỹ hơn thì lại nhìn thấy sắc mặt của Văn Đan Khê. Trong lòng cũng thấy đề tài này hơi nhạy cảm, nên biết điều không tiếp tục nữa.

Sau khi cơn sóng gió Chu gia đưa tới lắng xuống, mọi người trên núi Nhạn Minh lại bắt đầu trải qua những ngày tất bật mà lại phong phú như chú kiến chăm chỉ.

Vào ngày bảy tháng bảy, Trần Tín xa nhà sắp được hai mươi ngày quả thật đã gửi về một phong thư.

Mặt ngoài Văn Đan Khê tỏ vẻ bình tĩnh, nhưng thật ra trong lòng lại khẩn thiết muốn mở phong thư ra thật nhanh. Vừa mở ra, đập vào mắt đầu tiên là hai bài thơ:

Một.

Dọc đường núi cao nước chảy quanh,

Cường đạo thổ phỉ hàng ổ ổ.

Tên nào cũng yếu mình ta mạnh,

Đập cho kêu cha la thất thanh.

Hai

Ban ngày phải ăn no, tới tối ngủ ngon giấc.

Không được nghi lòng ta, mọi người trông nom giùm.

Tái bút: Viết hồi âm xong, nhét vào khe cửa trong phòng ta, chờ ta về đọc.