Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận

Lời nói đầu

NÓI CÓ KỸ NĂNG, LÀM VIỆC CÓ PHƯƠNG PHÁP, THÀNH CÔNG TRONG TẦM TAY

Chúng ta đang sống trong một xã hội “mở”, mỗi cá nhân đều không thể tồn tại độc lập, đều phải giao tiếp với nhau, cho dù là lao động trí óc, lao động chân tay hay nghành nghề khác trong xã hội.

Nhưng chúng ta cũng đang sống trong một xã hội “thờ ơ lạnh nhạt”, giữa con người với con người càng ngày càng khó giao lưu với nhau, người ta lúc nào cũng đề phòng, dùng lớp vỏ ngoài dày đặc để bao bọc tâm hồn của mình.

Vậy là, giao tiếp trở thành một lĩnh vực đòi hỏi có kỹ thuật cao. Những người không hiểu bí quyết ẩn chứa trong đó, sẽ khó tránh khỏi việc gặp trở ngại, khó được người khác tiếp nhận; nhưng có những người lại biết dựa vào kỹ năng vốn có của mình để có được sự thuận lợi trong mọi việc, dễ dàng được người khác chào đón. Vì vậy, muốn có quan hệ tốt đẹp thì chúng ta phải học cách giao lưu, phải nắm được phương pháp nói chuyện và làm việc.

Cuốn sách Nói thế nào để được chào đón, làm thế nào để được ghi nhận cung cấp cho các độc giả những phương pháp thực tiễn và hữu ích. Đọc cuốn sách này bạn sẽ biết: làm thế nào để thể hiện ưu điểm của mình thông qua cách nói chuyện, làm việc khéo léo; làm thế nào để gây ấn tượng tốt với người khác chỉ qua lần gặp gỡ ban đầu; làm thế nào để vượt qua cuộc phỏng vấn lắt léo; làm thế nào để khiến người khác giới cảm mến bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên… Có vô số những tuyệt chiêu trong cuốn sách sẽ dạy bạn những điều này.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sách dạy về kỹ năng sống, sách dạy cách nói và thực hành cũng khá nhiều, nhưng chỉ có một vài cuốn là có phương pháp và kỹ năng thực tế thực sự, cuốn sách này nằm trong số ít ỏi đó. Cuốn sách đã hoàn toàn vứt bỏ những lý luận sáo rỗng, giáo điều để trực tiếp truyền thụ cho bạn những kỹ năng thực tế.

Nói chuyện dường như không hề khó, hầu như ai cũng biết nói. Tuy nhiên, có những người nói năng vô cùng trí tuệ và hoạt bát, trong khi lại có những người nói năng thiếu chuẩn mực, gây khó chịu cho người khác. Biết ăn nói và không biết ăn nói, giữa chúng có một sự khác biệt rất lớn.

Bạn không tin ư? Hãy xem hai ví dụ dưới đây:

Mùa đông, cửa sổ mở, từng cơn gió lạnh không ngừng lùa vào phòng. Gặp tình huống này, có anh chồng sẽ trách móc vợ: “Em làm gì vậy? Lẽ nào em không thấy lạnh sao? Vì sao không đóng cửa sổ lại?”

Cũng có anh chồng nói với vợ rằng: “Vợ ơi, anh sợ em lạnh, anh đi đóng cửa sổ nhé!”

Nếu bạn là chồng, bạn sẽ chọn câu nào để nói với vợ? Kết quả sẽ như ra sao? Tôi nghĩ chắc chắn bạn sẽ tưởng tượng được.

Trên xe có người bạn muốn hút thuốc. Người A cùng xe nói: “Anh dập thuốc đi được không? Tôi không chịu được.” Người B cùng xe nói: “Cậu hút ít thôi! Đặc biệt là hút thuốc trong xe, không tốt cho sức khỏe của cậu.” Bạn cho rằng người hút thuốc sẽ muốn nghe ai?

Qua đó có thể thấy, biết ăn nói và không biết ăn nói là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, kết quả nhận được cũng hoàn toàn khác nhau. Khi nội dung nói chuyện của bạn hàm chứa những tình cảm mà bạn nghĩ cho đối phương, đối phương sẽ biết tâm ý của bạn, muốn nghe lời bạn nói, từ đó càng thích bạn hơn. Ngược lại, nếu bạn nói năng không suy nghĩ, không chú ý ngữ khí thì rất dễ đắc tội với người khác.

“Một câu nói khiến người ta cười, nhưng một câu nói cũng khiến người ta khó chịu.” Cho dù sự việc lớn hay nhỏ, biết ăn nói sẽ giúp bạn thành công, hoặc sẽ khiến thành công của bạn đến nhanh hơn, thậm chí còn đóng vai trò mang tính quyết định trong những thời khắc quan trọng.

Trong xã hội hiện nay, những người tỏ ra nhút nhát, sợ sệt, hiền lành thật thà thường sẽ rơi vào tình huống khó xử trong giao tiếp. Một số người kiến thức uyên thâm, nhưng vì thiếu kỹ năng giao tiếp nên không được mọi người yêu mến. Một số người biểu hiện rất xuất sắc trong công việc nhưng không diễn tả được thành lời hoặc không thuyết trình được ý tưởng của mình với cấp trên và đồng nghiệp, từ đó mất đi rất nhiều cơ hội thăng tiến. Vì vậy, cho dù thế nào bạn cũng phải học được cách “nói năng”.

Tiếp theo, chúng ta phải học cách làm việc, bởi vì làm tốt mới được người khác khẳng định. Vậy, để làm tốt chúng ta phải lưu ý những gì?

Đầu tiên, chúng ta phải có mục tiêu làm việc rõ ràng, có mục tiêu rõ ràng rồi sẽ có phương hướng đúng đắn. Thứ hai, chúng ta phải có tư duy mạch lạc, từ tư duy mạch lạc để xây dựng nên một kế hoạch hành động khoa học và thực tiễn. Khi những thứ này đều rõ ràng rồi thì chúng ta phải tự tin, tin tưởng rằng bản thân có thể làm tốt. Khi đối mặt với chuyện không như ý, chúng ta không được chán nản nhụt chí, không được “ngã ở đâu thì nằm ở đó”. Mỗi một lần phạm lỗi đều là bài học để chúng ta rút kinh nghiệm, tích lũy thêm kinh nghiệm. Chúng ta phải biết phát huy sức mạnh vốn có, biến những chuyện không thể thành có thể.

Muốn làm được việc gì đó trong xã hội, thì nói năng làm việc chính là một bài học mà chúng ta phải tu luyện đầu tiên. Tuy nhiên, những người khác nhau thì “thành tích” sẽ khác nhau một trời một vực. Những người giỏi nói giỏi làm thì mọi việc có thể như diều gặp gió, như cá gặp nước, mọi sự như ý; ngược lại sẽ như gió ngược chiều, như thuyền mắc trên cạn, mọi sự khó khăn vô cùng.

Xã hội vô cùng phức tạp, muốn có được thành công không đơn giản như chúng ta tưởng tượng. Vì sao có người học rộng tài cao nhưng lại gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống; vì sao có người tư chất bình thường nhưng lại có một sự nghiệp lẫy lừng. Một phần rất lớn phụ thuộc vào bản lĩnh ăn nói của bạn. Đối nhân xử thế và cách giao tiếp trong công việc đều cần kỹ xảo. Đây cũng chính là bài học để mỗi người khi bước ra xã hội có thể giành lấy thành công.

Tóm lại, chỉ khi bạn hiểu được ý nghĩa của việc đối nhân xử thế, nắm được kỹ năng giao tiếp, làm việc thì mới có thể khiến bạn bè yêu quý, lãnh đạo coi trọng, nhân viên kính trọng, khách hàng tin tưởng, xã hội công nhận và khiến thành công gần bạn hơn! Chúng tôi cũng tin rằng, tất cả những bạn đọc xong cuốn sách này thì khả năng giao tiếp, làm việc sẽ càng ngày càng được nâng cao, sự thành công cũng sẽ đến dễ dàng hơn.