Bài 1: Chú trọng hình dáng cử chỉ, khi cần có thể nhờ đến thiết kế chuyên nghiệp
Lễ trao giải điện ảnh hàng năm trở thành sân khấu để các ngôi sao nữ đọ vẻ duyên dáng, xinh đẹp. Họ mời các nhà thiết kế chuyên nghiệp thiết kế ra các bộ váy áo, phụ kiện, tốn bao nhiêu tâm sức để mong mình gây được sự chú ý. Trước thềm lễ trao giải, họ có thể mặc thử quần áo đến mệt nhoài, nhưng đến khi lên thảm đỏ, các khán giả phát hiện ra rằng 80% các ngôi sao nữ lựa chọn lễ phục có phong cách thiết kế đơn giản mà đặc biệt. Các ngôi sao cũng sợ “sự cố”, sợ ngộ nhỡ không mặc đẹp, có thể mất đi hình tượng, ngày hôm sau sẽ bị truyền thông, báo chí bình luận là lôi thôi, cẩu thả. Các ngôi sao đứng trên sân khấu luôn coi vẻ đẹp là thước đo cho sự thành công của mình, như thế mới xứng đáng với sự ủng hộ của khán giả.
Mặc dù nói đánh giá người khác qua bề ngoài là không chính xác nhưng không thể phủ nhận, con người thích nhìn nhận, đánh giá mọi thứ qua cảm nhận của thị giác. Từ ánh mắt rồi mới đến trái tim, câu nói này quả không sai. Chúng ta thường thông qua cảm nhận bên ngoài từ thị giác để đánh giá phẩm chất bên trong của đối phương. Ví dụ khi chúng ta nhìn thấy người đi dép lê, mặc áo ba lỗ, nhuộm tóc vàng thì sẽ nhăn mày, cho rằng đây là người hư hỏng, chơi bời; nhìn thấy người mặc áo sơ mi trắng gọn gàng chỉnh tề, chúng ta sẽ cho rằng đối phương lễ phép, ôn hòa, sống có quy củ.
Tâm lý học cho rằng, ấn tượng đầu tiên là ấn tượng mà đối phương để lại với chúng ta trong lần trò chuyện đầu tiên. Một khi ấn tượng này hình thành thì sẽ chiếm vị trí chủ đạo trong đầu đối phương, thậm chí còn có thể quyết định đối phương sẽ tiếp tục hợp tác với bạn hay không.
Tâm lý học nghiên cứu chứng minh rằng ấn tượng để lại khi con người giao lưu lần đầu tiên sẽ lưu lại thời gian rất dài trong cuộc sống sau này. Ấn tượng này còn đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới sự phán đoán và đánh giá chủ quan của con người. Thông thường, ấn tượng đầu tiên được hình thành thông qua các đặc điểm bên ngoài như quần áo, khuôn mặt, tư thế, nói tóm lại là hình dáng và dáng vẻ. Vì thế, muốn để lại ấn tượng đầu tiên tốt đẹp với người khác, khiến người khác nảy sinh ham muốn quan tâm và tiếp tục giao lưu, thì trước tiên chúng ta phải bắt đầu từ việc tạo dựng hình tượng hoàn mỹ của bản thân.
Thế nào là hình tượng đẹp? Hoàn toàn không phải là việc yêu cầu chúng ta phải là tuyệt sắc giai nhân – trừ phi bạn là người đẹp bẩm sinh, rất dễ gây chú ý với người khác. “Vẻ đẹp” mà chúng ta nói ở đây có ba phương diện:
1) Cẩn trọng, đúng mực, thông thường nhìn thấy dễ chịu, không chướng mắt.
2) Thích hợp với bản thân, bao gồm phù hợp với hình thể, cá tính, đặc điểm nghề nghiệp của bản thân.
3) Phù hợp với nhu cầu của môi trường, hài hòa.
Tuy nhiên, rất nhiều thanh niên khi mới đi làm, rất dễ giống với nhân vật chính trong ví dụ dưới đây, gặp vấn đề về hình tượng.
Thúy Nga là văn thư của công ty. Cô là một cô gái trẻ trung, thời thượng, sở thích lớn nhất mỗi khi rảnh rỗi chính là đi dạo phố mua đồ. Chủ nhật tuần trước, cô đã phải “bấm bụng” mua đôi giày cao gót hàng hiệu mà mình đã thích từ lâu. Đôi giày này có mũi nhọn, gót nhọn, lại còn có màu vàng rất bắt mắt, là sản phẩm độc quyền của nhà thiết kế người Pháp, vô cùng thời trang và đẹp mắt.
Ngày hôm sau, Thúy Nga đi giày cao gót, mặc một chiếc áo quây màu đen, trông như một ngôi sao điện ảnh, tâm trạng cũng trở nên vô cùng vui vẻ, trên đường đi chỉ nghĩ tới việc các đồng nghiệp sẽ ngưỡng mộ và ca tụng mình như thế nào. Nhưng sau khi đến phòng làm việc, cô phát hiện các đồng nghiệp đều nhìn mình bằng ánh mắt kỳ lạ, bạn thân Thu Huyền bước lại và khẽ nói: “Đôi giày này đắt lắm đúng không? Còn cả chiếc áo quây này nữa, rất đẹp, nhưng sao cậu lại mặc tới chỗ làm?”
Hết giờ, giám đốc gọi Thúy Nga lên phòng làm việc, sắc mặt không mấy vui vẻ khi ám chỉ rằng, đôi giày cao gót và và chiếc áo quây hở hang quá mức không thích hợp khi làm việc. Thúy Nga cảm thấy rất ấm ức.
Thúy Nga là người trẻ tuổi, thích thời trang, thích đẹp, điều này rất bình thường nhưng cô lại không chú ý tới đặc điểm cẩn trọng, đúng mực của thời trang công sở. Dĩ nhiên, nếu công việc của bạn là nghề thời trang như nhà tạo mẫu, thì có thể ăn mặc theo cá tính riêng của mình. Nhưng công việc văn phòng truyền thống như văn thư cần nên nghiêm túc một chút thì hơn. Trong văn phòng chúng ta không nên mặc quần áo tạo hình quá đặc biệt, ví dụ giày cao gót và áo quây sẽ để lại cảm giác không thực tế, không thận trọng với người khác. Phụ nữ thích đẹp; với giày, bạn có thể đi giày cao gót hoặc giày cao vừa phải, màu hoặc đậm hoặc nhạt, chỉ cần kiểu dáng không quá kỳ dị là được; còn trang phục cũng nên đoan trang, lịch sự, những chiếc áo khoét sâu để lộ vòng ngực và váy quá ngắn đều không được mặc.
Ngoài việc chú ý đến vẻ ngoài nghiêm túc và đúng mực, cử chỉ của chúng ta cũng vô cùng quan trọng. Một số người lớn tuổi phê bình thanh niên như sau: “Nhìn kìa, đứng không ra đứng, ngồi không ra ngồi.” Hồi nhỏ, nếu bị mắng mỏ như vậy, chúng ta cũng thấy là bình thường, không có gì phải quan tâm. Nhưng sau khi chúng ta đi làm, những thói quen xấu này sẽ khiến chúng ta phiền muộn, thậm chí khiến chúng ta mất đi cơ hội lúc nào không hay, giống như Minh Lâm dưới đây.
Bình thường Minh Lâm có thói quen không tốt, đó là rung chân. Khi anh ta nói chuyện, ăn cơm, xem phim với bạn bè, chỉ cần ngồi xuống là hai chân của anh ta rung không ngừng, chẳng khác nào như được vặn dây cót vậy. Người không thân thiết khi nhìn hành động ấy đánh giá anh ta là người “không nghiêm chỉnh”; còn bạn bè hiểu anh ta thì lại nói: “Cậu ấy là người thật thà”. Các bạn cũng đã khuyên rất nhiều lần, nhưng anh ta nói: “Đừng câu nệ tiểu tiết, bao nhiêu năm như thế, mình quen rồi.”
Một lần, thói quen này đã gây họa cho Minh Lâm. Công ty lớn mà anh để ý bấy lâu cuối cùng đã hồi âm, bảo anh ta đi phỏng vấn. Anh ta chuẩn bị đầy đủ, tự tin bước vào phòng phỏng vấn, vừa ngồi xuống là anh ta bất giác rung chân. Động tác này bị giám đốc phỏng vấn coi là “ngạo mạn, vô lễ” hoặc “căng thẳng quá mức”, tóm lại là cảm thấy người thanh niên trước mắt không cẩn trọng, cuối cùng loại anh ta.
Bởi vậy, chúng ta phải kiểm tra bản thân mình xem liệu có những động tác nhỏ không thể sửa được giống như Minh Lâm hay không. Nếu có thì phải sửa thật sớm, không được vì coi thường những chi tiết nhỏ mà để lại ấn tượng không tốt với người khác. Cần nhớ rằng, trong công việc và trong cuộc sống, đều có những quy phạm nhất định, đó không phải là sân khấu ngoài trời mặc áo phông rộng thùng thình và chiếc quần bò rách, muốn hát thì hát, muốn nhảy thì nhảy. Chúng ta nên chú trọng hình dáng cử chỉ của mình, để khiến người khác có ấn tượng tốt đẹp với chúng ta, để giúp chúng ta có được quan hệ giao tiếp tốt đẹp và may mắn trong sự nghiệp.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Trong rất nhiều trường hợp, hình dáng và cử chỉ của chúng ta sẽ làm nên sức hút của bản thân trong giao tiếp. Muốn thông qua điều này để tạo ấn tượng tốt đẹp với người khác thì chúng ta cần chú ý hai điểm dưới đây:
(1) Trang phục phối hợp hài hòa
Phải chú trọng đến hình tượng của bản thân, điều cơ bản nhất chính là chú ý cách kết hợp trang phục. Cần tuân thủ nguyên tắc kết hợp vốn có giữa giày mũ, quần áo, cố gắng để chúng trông thật hoàn mỹ và hài hòa.
(2) Phù hợp đặc điểm cá tính
Cách ăn mặc phải phù hợp với đặc trưng cá tính, tương ứng với hình thể, độ tuổi, đặc điểm nghề nghiệp của chúng ta. Tốt nhất là phải giữ được phong cách riêng của bản thân, thể hiện cá tính nổi bật nhưng tuyệt đối không được theo đuổi “mốt” thời thượng một cách mù quáng.
Bài 2: Khi gặp khó xử, hãy thử tự trào để giải vây
Trịnh Uyên Khiết được mệnh danh là “Ông hoàng cổ tích” của Trung Quốc. Các tác phẩm của ông chủ yếu là dành cho thiếu nhi, với những câu chuyện thần tiên dễ thương mang đậm tính giáo dục. Trịnh Uyên Khiết ngoài đời còn là một người dí dỏm hài hước, tràn đầy sức hút và luôn truyền sự hài hước ấy sang những người bên cạnh.
Ông là tác giả đầu tiên lập ra nguyệt san cá nhân, đồng thời giữ kỷ lục bán chạy trong hơn hai mươi năm của nguyệt san Ông hoàng cổ tích, điều này không thể không coi là một kỳ tích. Với cách làm này của ông, lúc đầu có rất nhiều người tỏ ra không hiểu, thậm chí có người cùng ngành và truyền thông còn nói ông là “chủ nghĩa anh hùng cá nhân”, “kỳ dị khác người”… Khi nhận phỏng vấn của Tuần báo nhân vật phương nam, Trịnh Uyên Khiết, người luôn giữ trong mình tâm hồn trẻ thơ đã dùng cách tự chế nhạo mình để đùa phóng viên, giải vây cho mình.
Phóng viên hỏi: “Vì sao ông lại chọn viết đồng thoại?” Ông nói: “Tôi là người hèn nhát, không dám hiến thân vì sự thay đổi của thế giới, đành phải viết đồng thoại để trốn tránh hiện thực.” Phóng viên lại hỏi: “Vì sao ông lại lập ra nguyệt san Ông hoàng cổ tích? Đã thế lại chỉ có một mình viết hai mươi năm, thật không thể tưởng tượng được.” Ông nói: “Do lòng dạ tôi hẹp hòi, đến mức không thể chung được với tác giả nào trong một cuốn sách. Còn việc viết hai mươi năm, đó là bởi vì tôi quá lười biếng, không chịu tiến thủ.” Cuối cùng phóng viên mạnh dạn hỏi: “Khi mất, ông muốn viết gì lên mộ mình? Còn nữa, ông cho rằng mình có những ưu điểm nào?” Ông vẫn tự trào đến tận cùng, nói: “Tôi sẽ viết, một kẻ mù chữ sáng tác cả đời được mai táng ở đây. Còn ưu điểm sao, quả thực tôi rất ngại, tôi chẳng là gì cả, vốn dĩ chẳng là gì, nên không vướng trần ai.”
Rất nhiều nhân vật nổi tiếng bị phóng viên hỏi tới mức bực tức, nổi nóng ở hiện trường hoặc kiên quyết giữ im lặng; ngày hôm sau trên báo sẽ lập tức xuất hiện bài viết của phóng viên, chê người này kiêu kỳ, người kia tự phụ, người hâm mộ cũng cảm thấy thất vọng vì sự thiếu bản lĩnh của thần tượng, như vậy, hình tượng của họ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vậy, khi gặp những vấn đề hoặc lời đánh giá gai góc, thì bạn hãy thử làm giống như Trịnh Uyên Khiết, dùng phương thức tự trào để hòa hoãn, nói năng hài hòa vui vẻ, như vậy có thể để lại ấn tượng là người thông minh, có phong độ trong mắt người khác.
Tâm lý học cho rằng, tự trào là cán cân điều tiết cân bằng tâm lý, giống như máy massage tâm lý vậy. Khi bạn cô lập không biết dựa vào đâu, có thể dùng việc tự trào để giải vây.
Trong cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi việc gặp một vài tình huống khó xử. Lúc này, hãy thử dùng cách tự trào để giúp mình thoát khỏi tình huống khó xử đó. Điều này không những có thể tạo ra một không khí nói chuyện vui vẻ, hài hòa mà còn có thể khiến bản thân sống thoải mái, phóng khoáng, càng có thể khiến bản thân trở nên đáng yêu, đồng thời còn khiến cả hai giữ được thể diện của mình.
Trên thực tế, sự cọ xát giữa con người với con người xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Nếu lúc này, cả hai đều không nhường nhau thì rất dễ xảy ra xung đột. Đặc biệt là khi xung quanh có người xúm lại xem, cả hai vừa muốn kết thúc tình cảnh khó xử này, vừa không muốn nhận thua, vì thế, chúng ta phải học cách tự trào để hóa giải cục diện này.
Các nhà tâm lý học đã tiến hành một nghiên cứu thú vị, liên quan tới “hình tượng người đàn ông gợi cảm nhất trong lòng phụ nữ.” Họ để phụ nữ nghe băng ghi âm, bên trong thu âm nội dung tự giới thiệu của rất nhiều người đàn ông khác nhau, sau đó yêu cầu phụ nữ lựa chọn ra người đàn ông mình thích nhất. Kết quả cho thấy, người đàn ông dí dỏm được yêu mến nhất, đặc biệt là những người đàn ông có tinh thần tự trào, lấy mình ra làm trò đùa nhận được đánh giá là “vô cùng gợi cảm”.
Có nhà tâm lý học cho rằng, hài hước là trí tuệ sâu sắc nhất, còn tự trào lại là ranh giới cao nhất của sự hài hước. Tự trào tuyệt đối không phải là thiếu tự trọng mà là biểu hiện của sự tự tin và thông minh. Người biết tự trào thường biểu hiện thái độ sống lạc quan, hơn nữa khi giao tiếp với bên ngoài sẽ có mối quan hệ khá tốt.
Trong cuộc sống, mỗi người đều khó tránh khỏi gặp phải những tình huống khó xử. Đôi lúc, một số người cố tình lấy khuyết điểm của bạn ra làm trò cười. Ví dụ có giáo viên trung niên bị hói đầu, tóc thưa. Học sinh cười đùa gọi là “Thầy giáo hòa thượng.” Thầy giáo biết cũng không tức giận mà trong giờ học cười và nói: “Cái đầu trọc của tôi cũng có lợi ích, các em không thấy lớp học của chúng ta sáng hơn những chỗ khác sao?” Lời nói đùa này khiến học sinh cười ồ lên, có điều sau việc đó, học sinh đều nói thầy giáo gần gũi, hài hước, đồng thời không nỡ cười thầy hói đầu nữa. Còn nếu khi ấy thầy giáo vô cùng tức giận, cảm thấy tôn nghiêm bị tổn hại mà nghiêm khắc mắng mỏ học sinh thì chắc rằng học sinh không những không kiểm điểm hành vi của mình mà ngược lại còn cảm thấy thầy giáo mình không có phong độ, hẹp hòi, đồng thời cố tình trêu tức và đặt biệt danh cho thầy.
Đôi khi, do sự cố ngoài ý muốn, mọi người chỉ biết đứng nhìn nhau không biết hóa giải khó xử như thế nào. Ví dụ lãnh đạo đang phát biểu trên sân khấu, đột nhiên micro bị hỏng, vang lên tiếng chói tai. Đơn vị tổ chức thầm nghĩ vị lãnh đạo này sẽ tức giận, khán giả ở dưới cũng tức giận. Không ngờ lãnh đạo nhanh trí nói: “Cái loa này thấy tôi kém quá, sợ tôi mất thể diện nên cố tình gây chuyện để được vỗ tay đây mà.” Vậy là khán giả vỗ tay hưởng ứng, cảm thấy lãnh đạo rất ôn hòa, lại còn hài hước, đơn vị tổ chức cũng cảm ơn ông, cục diện căng thẳng bỗng chốc được hóa giải.
Nếu chúng ta gặp tình huống khó xử trong cuộc sống, không biết làm thế nào thì việc lấy mình ra làm trò đùa cũng là một gợi ý không tồi, điều đó không những không làm ảnh hưởng xấu tới đại cục mà còn khiến đại cục được hòa hoãn, và giá trị của bản thân cũng tăng lên nhanh chóng.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Tự trào là một phương thức tuyệt diệu để chữa trị tình huống khó xử, việc chúng ta mang mình ra làm trò đùa có thể dễ dàng tạo ra không khí thoải mái và vui vẻ, mọi người nhờ vậy cũng càng yêu quý bạn hơn.
(1) Khi gặp tình huống khó xử, tự trào có thể giúp bạn thoát thân mà vẫn giữ được thể diện
Khi bạn đối diện với tình huống khó xử bất ngờ ập tới, tức giận và nổi nóng đều không thể khiến bạn thoát khỏi tình huống này. Nhưng khéo léo vận dụng cách tự trào thì có thể thoát thân mà vẫn giữ được thể diện.
(2) Đối mặt với sự khiêu chiến, tự trào có thể giúp bạn phản kích lại
Khi người khác khiêu chiến với bạn, bạn không được trực tiếp công khai phản kích lại, thay vào đó bạn có thể mang tự trào ra làm vũ khí, để đối phương tự động rút lui trong sự hài hước của bạn.
Bài 3: Dù có khó khăn tới đâu cũng không được than phiền
Có câu: “Khi con người gặp xui xẻo thì uống ngụm nước cũng nghẹn”. Will Bowen - nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, tác giả của cuốn sách bán chạy Đừng phàn nàn (A complaint free wrold) nói: “Trên thế giới có quá nhiều chuyện có thể khiến chúng ta than phiền. Thiên tai, bệnh tật, nghèo khó, phản bội tình cảm, thiếu cảm giác an toàn… đều khiến tâm hồn của chúng ta rơi vào trạng thái đau khổ, từ đó khiến chúng ta than phiền không ngớt. Tuy nhiên, than phiền không những không thể giúp chúng ta giải quyết được bất cứ vấn đề gì mà còn khiến tâm hồn của chúng ta rơi vào trạng thái bị động hơn, thậm chí là tuyệt vọng. Quá trình chúng ta than phiền về cảnh ngộ của mình giống như xăng dập lửa, sẽ cho kết quả ngược lại, càng ngày càng dữ dội.”
Tâm lý học cho rằng, than phiền chính là trạng thái tâm lý để cân bằng bản thân, để giải phóng áp lực và tâm trạng không tốt. Vì thế, con người than phiền một cách vừa phải có lợi cho sức khỏe tâm lý, nhưng than phiền quá mức sẽ khiến con người nảy sinh cảm xúc tiêu cực, dẫn tới tâm lý thất thường.
Vì sao nhà dột luôn gặp mưa đêm, vì sao người thất bại càng dễ gặp thất bại, vì sao chênh lệch giàu nghèo không rút ngắn mà còn lớn hơn? Mười vạn câu hỏi cũng không giải đáp được nghi vấn trong lòng những người thích than phiền. Columbus nói trái đất hình tròn, chúng ta không ngừng đi theo một phương hướng, nhất định sẽ có ngày đạt được mục tiêu. Vì sao chúng ta lại cảm thấy bản thân cứ mãi giậm chân tại chỗ, thậm chí là muốn thế này lại thành thế kia? Vì sao tỷ lệ cơ hội của mọi người là ngang nhau, ấy vậy mà nhiều thứ tốt đẹp lại không bao giờ đến với chúng ta? Mùa xuân của chúng ta ở đâu? Quý nhân ở chốn nào?
Nếu có người nói với bạn, vận xấu ngày hôm nay của bạn là do lời than phiền “một ngày xui xẻo” gây ra, thì bạn còn dám nói ngày hôm nay là xui xẻo không? Điều này giống với định luật hấp dẫn trong tâm lý học, tức là vật chất có đặc tính giống nhau sẽ hút lẫn nhau. Năng lượng do tâm lý tỏa ra cũng vậy, năng lượng tiêu cực hút năng lượng tiêu cực, năng lượng tích cực hút năng lượng tích cực.
Khi đi làm, bạn đi một đôi giày cao gót mới, bạn cứ lo lắng nghĩ là nhất định không được trẹo chân, kết quả chuyện này xảy ra thật; bạn lo lắng sẽ đến muộn, kết quả đợi xe mất quá nhiều thời gian; bạn tưởng tượng phỏng vấn sẽ căng thẳng, kết quả đúng là bạn nói không nên lời. Định luật hấp dẫn cho rằng, mỗi sự việc trong cuộc sống của con người thực ra đã được “diễn trước” trong đầu bạn, cho dù là hy vọng hay không hy vọng, những sự việc mãnh liệt nhất được suy nghĩ lặp đi lặp lại trong đầu bạn, sẽ có thể trở thành hiện thực. Điều đó cũng có nghĩa là “lời cầu nguyện” thật lòng của bạn sẽ mang lại may mắn cho bạn; còn sự than phiền không ngớt của bạn thì sẽ mang lại xui xẻo cho bạn.
Trong tập thể, năng lượng tiêu cực sẽ hút lẫn nhau, có thể một câu than phiền của một người sẽ khiến cả phòng không ngừng ca thán. Ví dụ, vào ngày quốc tế phụ nữ, cơ quan tổ chức hoạt động. Vốn dĩ mọi người đều vui vẻ, không biết ai nói một câu: “Hiếm có được một ngày nhàn hạ như thế này, có thể giải thoát khỏi việc gia đình bận rộn.” Một người khác lại nói: “Đúng vậy, bình thường vất vả như thế, chồng cũng không biết chia sẻ, cứ như thể đó là số phận của chúng ta vậy.” Càng nhiều người hưởng ứng xuất hiện, mọi người lại càng bất bình nói về những chuyện buồn phiền ở nhà: con cái nghịch ngợm, chồng về muộn, mẹ chồng khó tính, càng nói càng hăng. Kết quả một hoạt động kỷ niệm vốn dĩ rất vui vẻ lại biến thành nơi để than phiền. Cuối cùng hoạt động kết thúc, họ vẫn chưa hết giận, về đến nhà lại tiếp tục ca thán.
Đến cuối cùng, khi tỉnh táo lại, mọi người đều tỏ ra bất mãn với người “than phiền” đầu tiên: “Vốn dĩ đang yên đang lành, cậu nhắc chuyện buồn phiền làm gì? Bây giờ mọi người đều không vui, tất cả là tại cậu.” Một người than thân trách phận thường sẽ không có quan hệ giao tiếp tốt đẹp, người khác ở cạnh họ cảm nhận được không khí đè nén.
Liệu bạn đã từng trải qua tình huống, vốn dĩ tâm trạng đang vui vẻ bước vào phòng làm việc, nhưng đồng nghiệp lại cau mày nói một câu: “Công việc tồi tệ, đúng là không có tiền đồ.” Bạn lập tức cũng cảm thấy ức chế, nghĩ rằng công việc không như ý, chuyện vui đang định nói ra cũng quên luôn.
Khi máy bay gặp nạn, tất cả mọi người đều bắt đầu lo lắng than phiền, thậm chí còn khóc lóc, thì một câu nói “Đừng lo, tôi vẫn còn ở đây!” của cơ trưởng giống như chiếc phao cứu sinh, khiến mọi người bình tĩnh trở lại, bắt đầu nghĩ phương pháp khả thi.
Đây chính là ám thị tâm lý được nói tới trong tâm lý học, con người đều chịu sự ám thị từ những thông tin mà môi trường xung quanh tác động, nảy sinh tâm trạng và phản ứng tương đương với nó. Vì thế, con người đều thích ở cùng với người lạc quan kiên cường, như thế sẽ nhận ám thị tâm lý tích cực, bản thân nhờ vậy cũng trở nên dũng cảm hơn; ngược lại, sẽ không thích ở cùng với người bi quan nhu nhược, bởi sẽ phải chịu ám thị tâm lý tiêu cực, bản thân vì thế mà cũng mất ý chí.
Ám thị tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến người khác mà còn cả với bản thân. Rất nhiều người thành công đều có thói quen khích lệ bản thân, hoặc là tập mỉm cười trước gương, cho dù gặp khó khăn lớn tới đâu cũng không than phiền, đồng thời không ngừng khích lệ bản thân “mình rất giỏi, hôm nay tâm trạng rất tốt, chắc chắn sẽ có chuyện vui xảy ra”, lúc này, khi bạn mở cửa sổ, sẽ phát hiện mây đen tan biến, trời cao trong xanh, dường như toàn thân cũng được nạp đầy năng lượng, một người như bạn dĩ nhiên cũng sẽ được mọi người xung quanh yêu quý.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Than phiền không những có thể làm ảnh hưởng tới người khác mà còn khiến người ta chán ghét. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để khiến bản thân không than phiền?
(1) Tìm nguyên nhân từ bản thân mình, chấp nhận thất bại
Chỉ biết than phiền không phải là cách giải quyết vấn đề, chi bằng chúng ta hãy thừa nhận thất bại của mình, tìm nguyên nhân từ bản thân mình, từ đó tìm ra phương pháp giải quyết liên quan. Như thế không những có thể khiến bản thân phấn chấn mà còn có cơ hội làm lại từ đầu.
(2) Không viện cớ cho bản thân
Chúng ta không kiếm cớ cho bản thân, không đổ trách nhiệm lên người khác. Bắt đầu từ bây giờ hãy ngừng than phiền, yêu cầu bản thân chịu trách nhiệm với những việc đã làm.
Bài 4: Chủ động thăm hỏi người khác, đừng đợi tới lúc cần mới nhớ ra
Lúc xem tivi, chúng ta sẽ ngạc nhiên vui mừng khi phát hiện một khuôn mặt quen thuộc: “Tôi đã từng xem phim xx mà anh ấy đóng”, cho dù anh ta chỉ diễn một vai rất nhỏ không có lời thoại. Trong khi đó với nhân vật chính diễn xuất tốt, diện mạo sáng sủa, thì chúng ta chỉ có một chút ấn tượng, nếu sau này anh ta không đóng bộ phim nào khác, chúng ta sẽ nhanh chóng quên đi. Vì thế, tâm nguyện lớn nhất của các diễn viên là cho dù vai diễn lớn nhỏ, xuất hiện trước ống kính trong bao lâu, cũng chỉ mong được khán giả nhớ mặt. Thậm chí có ngôi sao không tiếc việc tự tạo scandal để được xuất hiện nhiều lần.
Hiện tượng này trong tâm lý học được gọi là “hiệu ứng nhìn nhiều”. (Mere exposure effect). Trong cuộc sống, con người luôn bày tỏ cảm giác yêu quý với sự vật thân thuộc. Các doanh nhân cũng rất biết cách lợi dụng “hiệu ứng nhìn nhiều”, không tiếc tiền chi cho quảng cáo, bởi như thế thì người xem sẽ được xem một lần vào buổi sáng ở ga tàu điện ngầm, xem một lần vào buổi trưa ở công ty, buổi tối về nhà bật tivi lại xem một lần nữa. Cho anh ta một chỗ nhỏ trên báo, anh ta có thể đưa vào mười tít quảng cáo. Hiệu quả của quảng cáo lớn tới mức nào chúng ta không nói nhiều nữa, chỉ biết rằng khi đứng trước nhiều sản phẩm cùng loại, khách hàng sẽ nói: “Cái này tôi đã nhìn thấy trên tivi, bỏ tiền ra đăng nhiều quảng cáo như vậy, chắc chắn chất lượng của sản phẩm này rất tốt.”
Về “hiệu ứng nhìn nhiều”, nhà tâm lý học Zajonc đã làm một thí nghiệm. Ông cho người tham gia thí nghiệm một xấp ảnh, trong đó có tình huống lặp lại. Có bức ảnh xuất hiện hơn hai mươi lần, có bức xuất hiện mười mấy lần, cũng có bức chỉ xuất hiện một, hai lần. Sau đó điều tra mức độ yêu thích của những người tham gia thí nghiệm với ảnh. Kết quả phát hiện những bức ảnh xuất hiện càng nhiều thì càng được yêu thích; còn những bức ảnh xuất hiện ít thì không để lại ấn tượng gì, chứ đừng nói đến chuyện được yêu thích.
Còn có một thí nghiệm tương tự. Nhà tâm lý học mời một vài tình nguyện viên tới thăm cư dân gần đó với lý do chào hàng thực phẩm. Những tình nguyện viên này được chia thành vài nhóm, có nhóm một tuần đến nhà người dân ba lần, có nhóm một tuần đến một lần, cũng có nhóm hai tuần đến một lần. Kết quả điều tra người dân về mức độ được yêu quý với những “người bán hàng” này, phần lớn mọi người đều cho biết: họ có cảm giác thân thiết với những người người quen mặt, tức là yêu quý những người đến chào hàng nhiều lần.
Căn cứ vào nguyên lý của “hiệu ứng nhìn nhiều”, chúng ta vì muốn nhanh chóng để người khác nảy sinh thiện cảm với mình, để tình cảm giữa hai bên càng thêm ổn định, sâu sắc, có thể dùng phương thức thường xuyên chủ động liên lạc và hỏi thăm. Ví dụ, khi nhiệt độ xuống thấp, chúng ta có thể nhắn tin nhắc nhở đối phương; tìm chút lý do để mọi người có cơ hội tụ tập nói chuyện, gặp mặt tăng lên. Giao tiếp chính là như vậy, ở cạnh nhau nhiều thì sẽ thành thân. Đôi khi, có phải chúng ta cũng cảm thấy một ai đó khi mới gặp có tướng mạo không tốt, càng nhìn kỹ lại càng thấy không thuận mắt không? Hoặc đôi khi, một số người chúng ta ít tiếp xúc, ban đầu thấy tính cách của cả hai không hợp? Ấy vậy mà về sau, càng tiếp xúc chúng ta lại càng thấy dễ chịu, càng chơi lại càng thấy hợp nhau.
Trong tâm lý học, cho dù con người thuộc thân phận nào thì cũng đều hy vọng bản thân có thể nhận được sự chào đón của người khác. Bạn chủ động hỏi han đối phương, đối phương sẽ cảm thấy bản thân được chú trọng, sẽ muốn ở cạnh bạn.
Thông thường, một người bạn thân nào đó đột nhiên ít liên lạc với chúng ta, chúng ta sẽ nghi ngờ rằng: “Vì sao gần đây không thấy cậu ta đến nhà chơi?” Chúng ta sẽ nhớ anh ta, cảm thấy hình như thiếu chút gì đó. Điều này có thể giải thích bằng quán tính tâm lý. Định luật quán tính trong tâm lý học cho thấy, con người khi đối diện với sự vật đang phát sinh hoặc có thể phát sinh trong tương lai đều sẽ căn cứ vào mô thức tư duy vốn có để phán đoán và đánh giá. Kinh nghiệm sống trước đây hình thành định thức tư duy trong lòng mỗi người, định thức này khiến con người cảm thấy an toàn, vì thế rất khó bị đánh đổ. Quan hệ xã giao cũng chú trọng quán tính như vậy. Với những người gặp nhau sớm tối, chúng ta khó tránh khỏi sẽ có cảm giác lâu ngày nảy sinh tình cảm, ngộ nhỡ một ngày nào đó anh ta biến mất, chúng ta sẽ cảm thấy hụt hẫng và trống trải mơ hồ, sau đó phát hiện thì ra người này đã trở thành một thói quen trong cuộc sống của mình.
Trong tâm lý của mỗi người đều có một vài vị trí xa gần với người khác. Bản thân có được thứ gì đó, đều muốn tìm người để chia sẻ, tự nhiên sẽ sắp xếp thứ tự trong lòng. Đây cũng là tâm lý quán tính. Những người mà bạn coi là thân thường là những người qua lại với bạn nhiều nhất, đã được liệt vào “định thức tư duy”, trở thành một phần của thói quen trong cuộc sống, ăn cùng nhau, chơi cùng nhau, làm bất cứ việc gì cũng nghĩ tới họ.
Suy bụng ta ra bụng người, bạn nhớ người khác, người khác mới nhớ đến bạn. Ví dụ, bạn đi công tác về mang quà cho đồng nghiệp thì lần sau đi công tác anh ta cũng sẽ nhớ tới bạn; lần trước bạn giúp người khác một việc nhỏ, lần sau người ta cũng sẽ giúp bạn. Trong tâm lý học, tâm lý này gọi là nguyên tắc qua lại, tức là khi người khác nhận ân huệ của bạn thì sẽ nảy sinh cảm giác mắc nợ trong lòng, đồng thời nghĩ cách trả nợ, vì thế sẽ báo đáp ân huệ của bạn vào lúc khác.
Bạn đối xử tốt với người xung quanh thì họ mới đối xử tốt với bạn. Có câu: “Đối tốt với người khác một lúc rất dễ, cái khó là đối xử tốt với người khác cả đời.” Cái tốt bất ngờ có thể khiến người khác nảy sinh cảm giác nghi ngờ: “Không có việc gì mà cũng đối xử tốt như thế, chắc chắn là anh ta đang có một âm mưu gì đó.” Nếu bạn không muốn để người ta cho rằng “cái tốt” của mình là có mục đích, hy vọng nhận được sự khẳng định của bạn bè xung quanh, thì phải thường xuyên chủ động, quan tâm hỏi han bạn bè, để lời hỏi han này trở thành một thói quen trong cuộc sống đối phương, trong tâm lý sẽ nảy sinh cảm giác tin tưởng và dựa dẫm vào bạn. Như thế khi bạn bè gặp chuyện vui trong cuộc sống mới muốn chia sẻ với bạn, khi bạn có khó khăn, bạn bè cũng mới sẵn sàng giúp đỡ bạn.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Một câu hỏi thăm đơn giản sẽ rút ngắn khoảng cách tình cảm giữa người với người, sẽ khiến con người cảm thấy bản thân được chú trọng, vô hình chung đối phương sẽ xích lại gần bạn.
(1) Chủ động hỏi thăm lãnh đạo, đồng nghiệp
Chủ động hỏi thăm lãnh đạo, không phải xu nịnh mà là một phép lịch sự. Một câu “chào buổi sáng” thể hiện sự tôn trọng của bạn với lãnh đạo. Khi ở cạnh đồng nghiệp, chúng ta nên chủ động cùng đồng nghiệp nói những chủ đề chung, hỏi thăm tâm trạng của đối phương.
(2) Chủ động hỏi thăm bố mẹ
Chúng ta phải thường xuyên hỏi thăm tình hình sức khỏe của bố mẹ, một câu “gần đây bố mẹ có khỏe không?” thể hiện được sự quan tâm của bạn, khiến bố mẹ cảm thấy xúc động.
(3) Chủ động hỏi thăm bạn bè
Chúng ta phải chủ động quan tâm tới bạn bè, một câu “Mọi thứ vẫn ổn chứ!” sẽ khiến bạn bè cảm nhận được sự ấm áp giữa hai bên. Thực ra, hỏi thăm bạn bè không cần câu nệ hình thức, chỉ cần tỏ ra thân thiết là được.
Bài 5: Kết giao với những nhân vật có tầm ảnh hưởng
Một người ăn xin ngoài phố chỉ thông qua sáu người là có thể làm quen được với Bill Gates, bạn có tin không? Nhưng quan hệ xã hội thật sự kỳ diệu và có sức hút như vậy. Đây chính là lý luận Sáu chặng phân cách (Six Degrees of Separation) của giáo sư tâm lý học Stanley Milgram thuộc trường đại học Havard. Ông cho rằng, khoảng cách của bất cứ hai người nào trên thế giới đều không quá sáu người, nói một cách đơn giản, bạn thông qua nhiều nhất sáu người là có thể quen với bất kỳ người lạ nào.
Trong giao tiếp trên mạng xã hội, con người đều coi mình là trung tâm, tạo thành vòng giao tiếp hình mạng lưới. Ở đây, mỗi người đều không phải là một cá thể hoàn toàn độc lập mà có sự giao lưu với nhau. Trong vòng giao tiếp luôn có những người quay tròn quan hệ giao tiếp, giống như tiểu hành tinh nhỏ phát quang tỏa nhiệt, nhất hô triệu ứng, thậm chí thu hút được người tôn sùng ở các vòng khác. Mặc dù những người tôn sùng ở các vòng khác không tiếp xúc trực tiếp với bản thân tiểu hành tinh, nhưng có thể bắt đầu từ những người bên cạnh hoặc người bên cạnh của người bên cạnh, như thế cái vòng này sẽ không ngừng mở rộng.
Điều này giống với “hiệu ứng lan tỏa” (Halo effect) trong tâm lý học, miêu tả tình cảm chủ quan của con người, theo kiểu “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”, giống như mặt trăng phát ra quầng sáng ấm áp, quầng sáng này sẽ phát tán sang xung quanh, chiếu sáng một vùng trời nhỏ quanh nó. Bởi vậy, những người giao tiếp thành công là những người mà khi mới xuất hiện, sẽ tỏa ra một khí chất đặc biệt, khiến họ trở thành tiêu điểm, còn người khoác tay bên cạnh, người trò chuyện với họ cũng sẽ được quan tâm: “Nhìn kìa, người bên cạnh nhân vật máu mặt kia nhất định không phải là người tầm thường.”
“Hiệu ứng lan tỏa” (Halo effect) điển hình nhất chính là “hiệu ứng người nổi tiếng”. Nó chỉ nhân tố ảnh hưởng tới quan hệ giao tiếp giống như quầng sáng của mặt trăng, không ngừng lan tỏa, phát tán ra xung quanh, đồng thời ảnh hưởng tới phẩm chất hoặc đặc điểm của những người khác.
Ở đây, chúng tôi không dạy bạn nịnh nọt bợ đỡ hoặc mượn danh tiếng của ai đó để thể hiện bản thân mình, chỉ là muốn nói bạn làm thế nào để nhanh chóng mở rộng quan hệ xã giao của mình. Trong thương trường, điều này được thể hiện rất rõ trong câu nói: “10% thành công dựa vào năng lực của bạn, 90% còn lại dựa vào các mối quan hệ.” Thậm chí quan hệ còn được đưa lên bàn tuyển dụng, trở thành một năng lực quan trọng sánh ngang hoặc hơn cả lý lịch, kinh nghiệm. Có người trẻ tuổi không hiểu điểm này, không hiểu ý nghĩa câu hỏi “bạn có những vốn liếng nào?” của nhà tuyển dụng, vội vàng nói cái vốn mà mình có là “đẹp trai”, “tài năng”, “giàu có”, “sành điệu”. Thực ra “vốn” mà nhà tuyển dụng hỏi ở đây chính là “Bạn có quen với ông chủ hay khách hàng lớn nào không, có người bạn thân nào hoặc có người thân thích nào có thể mang lại lợi ích cho công ty không?” Đây chính là quan hệ trong công việc của bạn.
Lúc này, bạn nhất định không được khiêm tốn, nhất định phải nói những mối quan hệ của mình cho nhà tuyển dụng biết, đừng sợ nhà tuyển dụng sợ hãi, bởi họ đang chờ đợi những thông tin hữu ích và mới mẻ từ bạn. Trường hợp bạn không có những mối quan hệ sẵn có thì phải dựa vào khả năng của bản thân và chú ý kết giao với những người có tầm ảnh hưởng trong giới. Có điều bạn không được có tâm lý dựa vào “đại gia” để đề cao mà phải dùng thái độ học hỏi thật sự để tiếp thu ưu điểm và kinh nghiệm của những người thành công. Làm việc theo phương thức của người thành công, bạn cũng có thể học được cách thành công của anh ta.
Về việc mở rộng quan hệ, giới bán hàng có phương pháp phát triển khách hàng tiềm năng. Thực ra là trước tiên phát triển một số khách hàng trọng tâm có tầm ảnh hưởng, sau đó thông qua họ ảnh hưởng tới những khách hàng khác. Nói dễ hiểu một chút gọi là “đánh giặc trước tiên phải bắt vua giặc”, nếu những người có tầm ảnh hưởng trong giới nói “sản phẩm này tốt” thì đảm bảo những người hưởng ứng sẽ ùa lên, sản phẩm này sẽ không lo không có chỗ tiêu thụ.
Địa vị của một người càng cao thì uy tín lại càng nhiều, vì vậy lời nói và việc ông ta làm càng dễ khiến người khác tin phục, được coi là quy phạm và tiêu chuẩn. Điều này trong tâm lý học gọi là “hiệu ứng quyền uy” (Appeal to Authority). Nguồn gốc của hiệu ứng này bắt nguồn từ tâm lý an toàn, bởi vì người ta thường cảm thấy làm theo quyền uy thì sẽ không sai sót, cho dù sai sót cũng không có gì đáng trách: “Người như thế còn sai, huống hồ là tôi!” Hơn nữa, đối với quyền uy và người nổi tiếng, người ta thường có trí tò mò và ham muốn khám phá mãnh liệt. Nếu bạn khéo lợi dụng thì có thể biến “hiệu ứng người nổi tiếng” này thành mục tiêu có lợi cho ta.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Với người, khi kết giao với quý nhân sẽ khiến con đường phát triển của bản thân thuận lợi hơn, cũng sẽ khiến bản thân thành công nhanh chóng hơn.
(1) Kết giao với người quyền uy trên bàn rượu
Ở những nơi như phòng làm việc, phòng họp thường không dễ kết bạn. Nhưng kết giao với người quyền uy trên bàn rượu thì lại dễ dàng hơn nhiều, bởi vì trên bàn rượu mọi người đều sẽ có tâm lý thả lỏng, gỡ bỏ rào cản đề phòng, hai bên sẽ đối xử một cách thân thiện hơn, cộng thêm với sự giới thiệu của bạn bè, việc kết giao vì thế mà thuận lợi.
(2) Kết giao với người quyền uy phải có sự “gan dạ”
Khi kết giao với người quyền uy, chúng ta phải chủ động làm quen và có sự chuẩn bị kỹ càng. Cho dù gặp trở ngại, chúng ta cũng không được thất vọng mà phải kiên trì và quyết tâm hơn.