Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận

Chương 14: Những việc nhất định không được làm

Bài 1: Độc chiếm công lao

Trong cuộc sống, cảnh tượng xúc động nhất là các buổi lễ trao thưởng. Người được khen xúc động rơi nước mắt và phát biểu cảm tưởng khi nhận giải, nào là cảm ơn từ sự chỉ bảo ân cần của lãnh đạo đơn vị đến sự chăm sóc tận tình của bố mẹ, từ sự ưu ái của các vị giám khảo đến sự ủng hộ của khán giả, thôi thì tất cả những người có liên quan đều cảm ơn, “thà cảm ơn nhầm chứ không bỏ sót”, thậm chí còn chân thành tới mức muốn xẻ chiếc cúp trên tay thành nhiều mảnh tặng cho mỗi người một phần. Bạn bảo người ta thật lòng cũng được, làm ra vẻ cũng được, nhưng sự cảm ơn này chắc chắn là được yêu mến, hơn nữa nhiều lần không chán, vẫn nhận được tràng pháo tay ròn rã, vẫn có những khán giả xúc động rớt nước mắt. Nhưng nếu có ngôi sao nào ngạo mạn, không những không cảm ơn, mà còn nói một câu: “Thành công hôm nay chính là sự nỗ lực của một mình tôi” thì anh ta sớm muộn sẽ thất bại mà thôi.

Những người thành công và những người có mối quan hệ tốt đẹp trong giao tiếp đều có hai phẩm chất ưu tú, chính là khiêm tốn và biết ơn. Trước thành công, họ vui vẻ với việc “chia sẻ”, chia công lao với những người cùng làm việc. Charles Schwab đã từng được bậc thầy tâm lý nổi tiếng Carnegie tuyển chọn làm tổng giám đốc. Ông đánh giá về khả năng của mình như sau: “Tôi cảm thấy bản thân không có tài năng lãnh đạo đặc biệt nào, nhưng tôi có một kỹ năng đặc biệt, chính là chung sống với người khác. Tôi có thể khơi dậy nhiệt tình của nhân viên, để họ cảm thấy mình là quan trọng nhất.

Tôi thật lòng khen ngợi họ, đồng thời chia sẻ mỗi thành công của công ty với họ, quy công lao cho mỗi người trong số họ.”

Thành công trong công việc chính là một phần tài năng cộng với chín phần nhân duyên. Mỗi một người thành công cần phải dựa vào đối tác, lãnh đạo hoặc nhân viên. Phương pháp tốt nhất để rút ngắn khoảng cách giữa hai bên chính là chia sẻ công lao và danh tiếng với họ, bày tỏ mong muốn mọi người cùng đứng trên một lập trường, như thế càng có lợi cho sự đoàn kết và phát triển.

Có người nói: “Danh tiếng của người thành công nhiều như vậy, chia cho người khác một chút không thành vấn đề. Còn tôi thì sao, khó khăn lắm mới làm được chút việc, còn phải chia cho người khác, thế thì sao lãnh đạo có thể nhìn thấy được, làm sao có thành công được.” Thực tế chứng minh, càng là nhân vật nhỏ càng có ham muốn chiếm công lao, hơn nữa sẽ phóng đại công lao của mình.

Nhà tâm lý học làm một cuộc trắc nghiệm như sau. Ông tìm bốn tình nguyện viên, để họ cùng hợp tác hoàn thành một nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành, chuyên gia lần lượt hỏi từng người: “Nói thật, các bạn cảm thấy mình chiếm bao nhiêu công lao trong nhiệm vụ này?” A nói: “Phương án thực thi nhiệm vụ là do tôi vẽ ra, tôi cảm thấy mình đóng vai trò lãnh đạo, công lao ít nhất chiếm 40%.” B nói: “Trong công việc họ đều chỉ biết nói, công việc chủ yếu là do tôi phụ trách hoàn thành. Công lao của tôi lớn nhất, ít nhất chiếm 40%.” C nói: “Họ chỉ làm công việc cơ bản, trong nhiệm vụ gặp khó khăn hai lần, cuối cùng đều do tôi giải quyết. Tôi cảm thấy năng lực của mình mạnh nhất, công lao cũng lớn nhất, ít cũng phải chiếm 40%.” D nói: “Không ai phục ai cả, nhờ có tôi phối hợp nhiều mặt thì sự việc mới hoàn thành thuận lợi. Tôi nói tới mức sắp rách cả họng rồi, dĩ nhiên công lao của tôi lớn nhất, nói thế nào cũng phải trên 40%.” May là nhà tâm lý học ấy đã hỏi riêng, chứ nếu hỏi cùng bốn người một lúc, thì chắc chắn là sẽ cãi nhau. Tâm lý học nói, trong lòng mỗi người đều tưởng tượng bản thân ưu tú hơn thực tế, khi có được một chút thành công, con người thường quy nguyên nhân thành công cho tài năng và sự nỗ lực của mình; còn khi gặp thất bại lại đổ nguyên nhân cho nhân tố bên ngoài, than thân trách phận. Đây là biểu hiện của chủ nghĩa chủ quan, cũng là sai lầm trong quy kết nguyên nhân. Đây cũng được coi là định kiến tự kỷ.

Người có định kiến tự kỷ mãnh liệt thường có hai cá tính khác nhau, hoặc là quá tự tin, hoặc là quá tự ti. Người quá tự tin cảm thấy mình là đệ nhất thiên hạ, tất cả mọi người đều là chân lon ton, chỉ có bản thân mới là nhân vật chính. Lâu dần, người khác sẽ rất ghét cái kiểu không coi ai ra gì của anh ta, vứt bỏ anh ta, để một mình anh ta độc thoại; người quá tự ti vì bản thân không có cảm giác thành công về thân phận và địa vị, trong lòng vô cùng khao khát thành công và được người khác chú trọng. Họ không bỏ qua cơ hội lộ diện nào, cho dù là thứ người khác không cần cũng nhặt lên đeo lên người. Họ càng sợ vì sai lầm mà bị người khác coi thường, vì thế vội vàng đổ trách nhiệm lên đầu người khác. Điều này khiến người ta nhớ tới đứa trẻ làm vỡ lọ hoa trong ti vi là người đầu tiên đứng ra nói “không phải con”, hoặc nói “là cậu ta đẩy con”. Người như vậy sẽ bị người khác đánh giá là tự tư tự lợi, rất dễ bị cô lập.

Trong công việc, còn có một câu nói: “Muốn để lãnh đạo nhìn thấy bạn thì hãy ngồi trong góc.” Những nhân viên thích thể hiện, thích kể công thông thường không được giám đốc coi trọng. Giám đốc sẽ cảm thấy họ không có lợi cho sự đoàn kết của bộ phận, không biết cách hợp tác với người khác. Trong khi đó, càng là người kín đáo thì lại càng khiến người ta yên tâm, đáng tin cậy. Họ lặng lẽ hoàn thành công việc, khiêm tốn nhìn nhận công lao. Họ càng thoái thác “đây không phải là công lao của một mình tôi” thì giám đốc lại càng khen ngợi “khả năng làm việc của cậu tôi biết rất rõ”; họ càng bày tỏ “còn có người ưu tú hơn tôi” thì giám đốc càng khẳng định “vị trí này không ai xứng đáng hơn ngoài cậu.”

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Người ích kỷ thường hay bị ghét, học cách chia sẻ mới có thể nhận được sự yêu mến của người khác.

(1) Học cách nhẫn nại

Học cách chia sẻ chính là học cách nhẫn nại. Chúng ta phải chia sẻ thành quả vật chất và tinh thần với người khác.

(2) Chia sẻ một cách vui vẻ

Chúng ta phải đưa ra thứ thuộc về mình, dẫn dắt người khác cùng chia sẻ với mình, đồng thời trải nghiệm niềm vui chia sẻ.

Bài 2: Chỉ được lợi chứ không chịu thiệt

Trung Quốc có một câu cổ ngữ nói rằng: “Lai nhi bất vãng, phi lễ dã” (có qua mà không có lại là trái lễ nghĩa). Có một từ dùng để miêu tả quan hệ giao tiếp giữa người với người, vô cùng chính xác và khéo léo, chính là “qua lại”. Trong xã hội, mối quan hệ giữa người với người được xây dựng và củng cố nhờ việc “có qua có lại”. Hôm nay bạn tặng một giỏ táo, ngày mai tôi tặng một thùng lê; hôm nay bạn mời ăn một bữa, ngày mai tôi mời uống trà; hôm nay bạn giúp tôi làm tiếng Anh, ngày mai tôi giúp bạn làm môn Toán. Những việc về tình người là vướng mắc nhất, con người thường mới kết hôn nhận được quà của người thân nào đó là đã nhẩm tính trong lòng phải để phong bì bao nhiêu khi người đó kết hôn mới được coi không mất mặt. Nhưng cũng chính vì có sự qua lại như vậy, có cho đi có nhận lại như vậy thì quan hệ giao tiếp mới có thể hài hòa và lâu bền.

Trong cuộc sống, quả thực có người mua cải thảo rồi lại lấy thêm hai cọng hành, qua lại với người khác chỉ chăm chú vào “cái lợi” hơn người khác, đôi mắt như lưỡi câu vậy. Không ai muốn bị lừa, bị người khác chiếm lợi. Vì thế, trong giao tiếp, những người như vậy sẽ không có nhân duyên tốt đẹp. Thứ anh ta có thể lấy đi, chỉ là hai cọng hành mà thôi, nhưng lần sau, người khác sẽ càng đề phòng anh ta hơn. Người ta gọi những kẻ keo kiệt và thích chiếm lợi này là “gà trống sắt”, còn những người hào phóng không sợ chịu thiệt là người tốt. Từ cách xưng hô và đối xử hàng ngày, chúng ta có thể nhận ra tình cảm yêu ghét. Hãy nhìn hai kiểu người trong ví dụ dưới đây, bạn sẽ biết ai được yêu mến hơn.

Trong công ty sắp bầu giám đốc mới, trong danh sách bầu chọn có Đức Cường và Duy Anh. Đức Cường đối nhân xử thế linh hoạt, năng lực làm việc tốt, là một người tài hiếm có; còn Duy Anh thì thật thà, yên phận, năng lực làm việc bình thường, thậm chí tạo cho người khác cảm giác “dễ ức hiếp”. Lúc nào anh ta cũng làm thêm đến rất muộn, xử lý những cái gọi là “giúp việc nhỏ” mà đồng nghiệp nói. Đức Cường hoàn toàn không nghĩ rằng Duy Anh là đối thủ cạnh tranh của mình, hài lòng chờ đợi ngồi vào vị trí giám đốc.

Nào ngờ, kết quả bầu chọn đã cho thấy, phần lớn đồng nghiệp đều bỏ phiếu cho Duy Anh. Các đồng nghiệp đều bàn tán sau lưng Đức Cường: “Anh ta á, lần nào mời ăn cũng đến nhưng không mời lại một lần nào, keo kiệt hết chỗ nói. Nếu anh ta làm giám đốc, không biết sẽ bóc lột chúng ta như thế nào?”

Họ nói về Duy Anh như sau: “Tôi cảm thấy anh ấy rất thật thà, còn hay giúp đỡ người khác, khiến tôi rất ngại. Nếu anh ấy làm giám đốc, chắc chắn chúng ta sẽ có những ngày tháng tươi đẹp.”

“Chịu thiệt chính là được lợi”, câu nói này rất có đạo lý. Giống như Duy Anh trong ví dụ trên, những việc nhỏ mà bạn vô tình giúp đỡ người khác sẽ cộng điểm cho hình tượng cá nhân của bạn, để lại những món nợ ân tình, sau này người khác cũng sẽ giúp đỡ bạn, đó chẳng phải là được lợi sao?

Món nợ ân tình này có thể dùng nguyên tắc qua lại trong tâm lý học để giải thích. Trong phim, khi nhân vật chính hành hiệp trượng nghĩa gặp nguy nan, luôn xuất hiện một vài nhân vật không tiếc mạng sống bảo vệ anh ta, lý do là anh ta đã từng cứu mình trước đó. Mối qua lại giữa con người với con người thực ra chính là đơn giản như vậy, bạn cho tôi một thước, tôi trả lại một trượng. Chút ân huệ nho nhỏ giống như hạt mầm gieo xuống, không biết vào mùa xuân nào sẽ nảy mầm, kết thành quả ngọt mang tới trước mặt bạn. Vì thế có thể trước mắt chịu thiệt một chút, nhưng sau này sẽ được lợi.

Nguyên tắc qua lại (Reciprocity) trong tâm lý học cho rằng, sau khi nhận được một chút ân huệ của người khác, con người sẽ nảy sinh cảm giác mắc nợ trong lòng, sau đó muốn cho đi ân huệ tương ứng để báo đáp. Suy luận ngược lại có nghĩa là nếu chúng ta muốn nhận được sự giúp đỡ của người khác thì trước tiên phải giúp đỡ họ. Chúng ta muốn người khác đối xử với bản thân như thế nào thì hãy đối xử với họ như vậy.

Những ông chủ thông minh là những người hiểu rất rõ đạo lý “chịu thiệt”. Trước tiên họ sẽ để khách hàng cảm nhận vị ngọt, được chút lợi. Ví dụ hoạt động giao hàng miễn phí hoặc tặng quà sinh nhật. Vô tình, khách hàng sẽ nảy sinh cảm giác mắc nợ trong lòng, cảm thấy thái độ của ông chủ tốt như vậy, nếu là hàng hóa cần dùng, chắc chắn sẽ chọn thương hiệu này, nếu không sẽ cảm thấy cắn rứt lương tâm.

Về mặt này, công ty Amway làm rất tốt. Họ bước chân vào thị trường từ một thương hiệu vô danh, không được người khác biết đến, chứ chưa nói đến chuyện được thừa nhận. Công ty đã cử người bán hàng phục vụ tận nhà, đồng thời giao nhiệm vụ cho họ: “Nhất định phải để sản phẩm miễn phí dùng thử ở lại nhà của các bà nội trợ.” Sự phục vụ nhiệt tình này khiến các bà nội trợ không thể từ chối, hơn nữa là miễn phí dùng thử, họ được lợi nên cảm nhận được uy tín của công ty. Sau một thời gian dùng thử, họ phát hiện chất lượng của thương hiệu mới này cũng không đến nỗi nào. Do trước đó đã nhận được ân huệ nên dĩ nhiên họ sẽ trở thành người tiêu dùng của thương hiệu này.

Một nhà kinh tế học nổi tiếng nước Anh đã nói: “Cách làm của người thông minh là dùng phương thức của mình để có được lợi ích chứ không phải có ý xâm chiếm lợi ích của người khác, hoặc là ngăn không cho người khác được lợi.” Nếu ngay từ đầu ông chủ đã có thái độ chiếm lợi, áp dụng cách moi tiền của người tiêu dùng thì rất dễ khiến người tiêu dùng chống đối. Cách làm thông minh nhất chính là chịu thiệt trước, cho người khác được lợi, sau đó dưới tác dụng của nguyên tắc qua lại khiến khách hàng chủ động tiêu dùng.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Không ai muốn chịu thiệt, những người thường xuyên chịu thiệt hại nho nhỏ thường sẽ không bị thiệt hại lớn.

(1) Thái độ chủ động chịu thiệt

Những việc người khác không muốn làm, việc khó khăn, thì bản thân phải chủ động làm, như vậy người khác sẽ cảm kích trong lòng, sau đó sẽ tạo cơ hội giúp đỡ bạn.

(2) Chịu thiệt có thể tạo ra thành tích tốt

Một số người gánh vác trách nhiệm mà người khác không muốn gánh vác, nhìn thì giống như chịu thiệt nhưng lại có thể tạo ra thành tích tốt hơn.

Bài 3: Biểu lộ động cơ quá rõ rệt

Mỗi người đều có tính nhạy cảm bảo vệ lợi ích của bản thân, một khi cảm thấy “anh đến cướp đồ của tôi, chiếm lợi từ tôi”, tính nhạy cảm này sẽ lập tức phát huy tác dụng, khiến ta giữ khoảng cách với người đó.

Vì thế khi bạn có một ý đồ nào đó với người khác, muốn đối phương đồng ý với yêu cầu nào đó của bạn thì nhất định không được biểu lộ động cơ của mình quá rõ rệt. Nếu một cô gái muốn moi tiền của một anh chàng, nhất định cô ta sẽ chỉ nói đến tình yêu mà hoàn toàn không nhắc đến tiền; nếu một thương nhân muốn đối phương ký hợp đồng, nhất định anh ta sẽ nói “chỉ muốn kết bạn”. Trước vỏ bọc này, đối phương sẽ dần dần dỡ bỏ phòng bị tâm lý của mình. Sau đó bạn phân tán sự chú ý của đối phương – không chú trọng đến việc “lợi ích bị tổn hại”, đối phương sẽ nới lỏng phòng bị với bạn, thậm chí bạn sẽ có được thông tin mà mình muốn có.

Nhà tâm lý học khi muốn giao lưu với người khác, thường thích dùng phương thức “thôi miên”. Với những người đóng chặt cánh cửa tâm hồn, tính cảnh giác cao độ, trước tiên chúng ta phải tạo cho họ một không khí hài hòa, ấm áp, thoải mái và tràn đầy cảm giác an toàn. Trong tình huống này, để anh ta tự do nói về bản thân, người nhà, sở thích, quá khứ, dần dần, người có phòng bị tâm lý kiên cố như thế nào cũng sẽ bất giác nói ra suy nghĩ chân thực của mình, tiết lộ những thông tin cần thiết với chúng ta trong tiềm thức.

Đây chính là “Freudian slip” – một dạng phát ngôn hớ hênh, nhỡ lời – lý luận tâm lý học nổi tiếng của Sigmund Freud, người sáng lập phân tâm học. Thử nghiệm nói với chúng ta, muốn lấy được lời nói của đối phương, trước tiên phải tạo ra một môi trường an toàn, vô hại. Đây chính là “màn dạo đầu” mà chúng ta thường nói, nó ẩn giấu động cơ của chúng ta, kết bạn trước rồi mới nói đến lợi ích.

Lời nói hớ là chỉ trong cuộc sống có rất nhiều người thường vì các nguyên nhân mà nói hớ, nhưng thường nói hớ này không phải là ngẫu nhiên, ngược lại, nội dung nói hớ thường là sự phản ảnh suy nghĩ chân thực tận sâu trong lòng chúng ta.

Có người cũng hiểu tầm quan trọng của màn dạo đầu, nhưng không biết nắm bắt. Làm văn cấm kỵ viết lời mở đầu quá dài quá lan man, như vậy khó đi vào vấn đề chính. Giao tiếp cũng vậy, nếu cảm thấy người nghe sốt ruột thì người nói nên đi vào vấn đề chính; những lời giải thích dài dòng như “Thực ra tôi nói nhiều như vậy là vì…”, hoặc “Mục đích thực chất hôm nay tôi đến đây là….” những lời này quả thực là quá sáo rỗng. Điều này giống như chuốc người ta đến lúc gần say, đột nhiên đổ một chậu nước lạnh vào đầu họ, khiến họ đột nhiên tỉnh táo vậy. Màn dạo đầu hữu hiệu là không được cách chủ đề chính quá xa, nên biểu hiện một cách tự nhiên, giống như cơn gió xuân ấm áp, khiến người khác cảm thấy bạn đang nghĩ cho họ, từ đó khiến họ cam tâm tình nguyện đồng ý với yêu cầu của bạn.

Làm thế nào để có được sự mở đầu vừa thích hợp lại tự nhiên, đồng thời để tất cả mọi người được ở trong trạng thái thoải mái?

Có một câu chuyện nhỏ về bán hàng rất thú vị. Một người bán hàng dẫn một cặp vợ chồng đi xem nhà. Bản thân kết cấu căn nhà không tốt lắm, ngay từ đầu người bán hàng đã thành thật thừa nhận điểm này. Nhưng vị khách nữ bị cuốn hút bởi cây anh đào cạnh nhà. Chị ta nói với chồng: “Đẹp quá! Hồi nhỏ ở cửa nhà em cũng có một cây như thế, điều đó khiến em nhớ lại thời thơ ấu.” Nhân viên bán hàng lặng lẽ tiếp nhận thông tin này, anh ta không lập tức nắm lấy sở thích này của vị khách nữ để khuyên chị ta mua nhà mà bày tỏ sự hứng thú của mình với thời thơ ấu của chị, hy vọng được nghe chị ta kể câu chuyện về mình và cây anh đào. Vị khách nữ phấn khích kể, cuộc trò chuyện vô cùng vui vẻ. Cuối cùng người bán hàng nói: “Tôi cũng cảm thấy chị và căn nhà này rất có duyên, tuy nó có vấn đề kết cấu nho nhỏ, nhưng chính về vấn đề như thế, chị mới có thể nhìn thấy cây anh đào đẹp như thế này từ mọi căn phòng, đúng không ạ?” Vị khách nữ vui vẻ mỉm cười, chị không suy nghĩ tới vấn đề trước đó nữa và thuyết phục chồng mua căn nhà này.

Người bán hàng thường gặp một vấn đề nan giải, đó chính là “khách hàng không có hứng thú với lời nói của bạn, thậm chí tỏ ý phản cảm”. Chúng tôi kết hợp ví dụ trên, từ góc độ tâm lý học đưa ra vài lời khuyên cho người bán hàng:

1. Đặt câu hỏi hướng vào hứng thú

Người bán hàng nhất định không được tập trung sự chú ý của mình vào hàng hóa, để đối phương cảm nhận được vẻ như đang moi tiền của bạn mà thấy phản cảm với bạn. Trước khách hàng xa lạ, bạn phải thông qua quan sát và trò chuyện đơn giản, từ đó tìm hiểu hứng thú của khách hàng. Hứng thú này là sở thích trong cuộc sống của anh ta, không liên quan với giao dịch. Bạn có thể thử thông qua đó tìm điểm ăn nhập đầu tiên của hai người, đồng thời bày tỏ hứng thú của mình với sở thích của họ. Điều đó sẽ khiến đối phương cảm thấy mình được tôn trọng và cũng nảy sinh sự ăn ý và hứng thú tương ứng với bạn.

2. Thay đổi lập trường nói chuyện

Điểm này vô cùng quan trọng. Vai trò của người bán hàng nên là một “người đưa ra kiến nghị ân cần” chứ không phải là “nhà buôn thông minh”. Khách hàng muốn bỏ tiền ra mua “thứ mà họ cần mua” chứ không phải “thứ bạn muốn bán”. Vì thế thân phận và lập trường của bạn có thể điều khiển ý nghĩ của đối phương. Bạn đứng trên góc độ của đối phương, nghĩ cho lợi ích của đối phương thì mới khiến đối phương nảy sinh cảm giác thân thiết và được quan tâm, từ đó coi bạn là bạn bè.

3. Nhìn thẳng vào khuyết điểm của sản phẩm

Đây là sự thành thật của những ông chủ, cũng là phẩm chất dễ lấy lòng người tiêu dùng nhất. Mỗi người đều không thể yêu cầu hoàn mỹ. Nếu bạn miêu tả sản phẩm của mình thập toàn thập mỹ thì rất dễ tạo cho người khác cảm giác bị lừa, càng khơi dậy tâm lý chống đối “Tìm ra thiếu sót để vạch trần lời nói dối của bạn” của khách hàng.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khi làm việc, chúng ta biểu lộ động cơ của mình một cách rõ rệt sẽ khiến người khác cảm thấy bực bội và chán ghét. Đôi khi, chúng ta hãy thử nói dối một chút để che đậy động cơ thật sự của mình. Dưới đây là hai kỹ xảo “nói dối”:

(1) Che giấu

Chúng ta làm một số động tác có ý thức để che giấu bản thân đang “nói dối”, điều đó sẽ mang lại cảm giác an toàn nhất định cho bản thân.

(2) Mỉm cười rạng rỡ

Chúng ta dùng nụ cười che giấu bản thân đang “nói dối”, đối phương cũng rất dễ tin vào “lời nói dối” của bạn.

Bài 4: Chỉ ra lỗi lầm của người khác không chút nể mặt

Các nhân vật có quyền uy trong các ngành các nghề được chúng ta ngưỡng mộ gắn thêm từ “nhà” đằng trước: nhà khoa học, nhà ẩm thực… Nhưng có một “nhà” không được chào đón, đó chính là “nhà phê bình”. Ấn tượng mà người khác dành cho họ là đeo một cặp kính, lông mày nhíu lại, miệng nói liên hồi, tìm lỗi khắp nơi để đả kích. Đối phương bỗng cảm thấy giống như có rất nhiều chậu nước táp vào mặt, không thoát ra được.

Chỉ ra vấn đề của người khác không chút nể mặt phân ra thành hai loại, một loại là kiến nghị tốt. Ví dụ như bố mẹ nói: “Nếu con không phải là con của mẹ, mẹ còn lâu mới quan tâm.” hoặc bạn bè nói: “Tớ muốn tốt cho cậu, không muốn cậu đi sai đường.” Còn một loại khác là đả kích ác ý. Ví dụ như người thích thị phi nói: “Tôi thấy công việc của anh chướng mắt, tôi vừa thấy anh đã thấy chướng mắt”, hoặc người nhiều chuyện nói: “Sớm biết anh không có năng lực rồi, quả nhiên bây giờ mới thấy hậu quả”...

Chúng ta tạm thời không nói tới những lời đả kích ác ý, chỉ nói tới những ý kiến được coi là có ý tốt. Trong cuộc sống, đặc biệt là trong công việc, có một số người không biết ăn nói, lại cứ thích coi mình là “nói thẳng nói thật”. Họ không biết kỹ năng nói chuyện, nên đã chỉ ra sai lầm của người khác một cách quá thẳng thắn, điều đó sẽ khiến đối phương không thể tiếp nhận, thậm chí gây xung đột mâu thuẫn và ngăn cách tâm lý.

Trong tâm lý học, “hiệu ứng quá hạn” (Transfinite effect) là chỉ con người do chịu kích thích quá nhiều, quá mạnh hoặc thời gian quá lâu mà dẫn tới hiện tượng tâm lý chống đối. Ví thế, khi chỉ ra vấn đề của người khác, chúng ta phải nắm bắt chừng mực và mức độ, nội dung phải đúng hướng, như thế tâm lý chống đối của đối phương sẽ giảm đi một chút.

Rất nhiều người còn dùng phương thức phê bình để chỉ ra vấn đề của người khác. Theo tâm lý học, ý nghĩa thực chất của phê bình nên là sự giao lưu và trò chuyện về tư tưởng, tình cảm, mục đích là đạt tới thống nhất. Vì thế, bản thân phê bình là một quá trình có ích, nhưng rất nhiều người do phương pháp không đúng, liền hiểu sai ý nghĩa bản chất của quá trình này. Có người đến cuối cùng bị cảm xúc hoàn toàn dắt mũi, coi phê bình là công cụ phát tiết, thậm chí báo thù.

Nhà tâm lý học phân tích, việc phê bình thường gây ra tâm trạng tiêu cực và không được người khác tiếp nhận, có hai nguyên nhân: Một là người phê bình vẫn chưa hiểu rõ trắng đen trái phải, không biết hoàn cảnh của đối phương và nguyên nhân phạm lỗi, không biết đúng sai nặng nhẹ đã phê bình. Điều đó rất dễ kéo dài khoảng cách tâm lý giữa hai bên, bởi vì họ cảm thấy bạn không ân cần và hiểu họ, hai người không cùng một lập trường; hai là người phê bình dùng lời nói quá khích, ví dụ như “đúng là đồ ngốc”… đồng thời đứng trên góc độ của người trên, khiến đối phương cảm thấy lòng tự tôn bị tổn thương, đồng thời có cảm giác ức chế, đối phương rất dễ coi người phê bình là “kẻ thù”, cảm thấy ấm ức.

Thông qua phân tích ví dụ dưới đây, chúng ta có thể chỉ ra sai lầm của người khác mà không khiến cho hòa khí bị tổn thương.

Giám đốc nhận được một văn bản mà hôm qua thư ký Hồng Anh đã sắp xếp, phát hiện trong đó có rất nhiều lỗi. Ông ta không khỏi cau mày. Nhưng ông không lập tức chỉ ra mà đợi sau khi cuộc họp kết thúc mới gọi riêng Hồng Anh đến phòng làm việc. Hồng Anh nhìn thấy văn bản để trên bàn, trong lòng thấp thỏm không yên, chuẩn bị giải thích: “Thưa giám đốc, tôi…”

Giám đốc mỉm cười, vỗ vai Hồng Anh: “Hồng Anh ạ, tôi biết văn bản này yêu cầu cô làm trong vòng ba ngày, thời gian hơi gấp. Lúc nãy tôi vừa xem qua, thấy rất tốt.” Hồng Anh cảm thấy rất ngạc nhiên. Giám đốc nói tiếp: “Chỉ là có một vài sơ sót nhỏ, điều này không thể trách cô được, là thời gian quá gấp. Tôi tin vào năng lực làm việc của cô, cô có thể sửa lại văn bản này cho hoàn hảo hơn được không?” Hồng Anh vội vàng gật đầu và nói: “Được ạ!”

Dĩ nhiên chưa đầy một ngày sau, Hồng Anh đã nộp được tập văn bản khiến giám đốc hài lòng. Nhưng nếu khi ấy giám đốc tức giận ném thẳng tập văn bản đầy lỗi vào Hồng Anh và nghiêm khắc phê bình một hồi thì chắc rằng trong lòng Hồng Anh sẽ không phục, đồng thời sẽ vì thế mà mất đi tính tích cực trong công việc.

Sự phê bình khéo léo của giám đốc được biểu hiện ở những mặt nào? Thứ nhất, không phê bình trước mặt mọi người mà chọn cách gặp riêng, điều này đã giữ thể diện cho đối phương; thứ hai, đưa ra lời khen, tạo một không khí hài hòa; thứ ba, chỉ ra khó khăn khách quan chứ không phải chỉ trích nguyên nhân chủ quan của đối phương; thứ tư, bày tỏ sự tin tưởng với nhân viên. Vậy, sau khi kết hợp mấy điểm kể trên, chúng ta đã biết được phải làm thế nào để đưa ra lời phê bình một cách khéo léo mà lại nhận được kết quả tốt nhất chưa?

1. Bày tỏ lập trường của mình là chỉ trong công việc, không phải với đối phương

Không được bắt đầu bằng “cậu”, ví dụ “người như cậu, nói bao nhiêu lần vẫn không sửa được.” Nên miêu tả bản thân sự việc trước, tỏ rõ lập trường của bạn là “với công việc chứ không phải với người”. Hãy nhớ, từ đầu tới cuối luôn đặt bản thân ở lập trường công chính, khách quan, như thế sẽ khiến đối phương tôn trọng ý kiến của bạn hơn.

2. Tỏ ra thấu hiểu, xem xét trách nhiệm

Người bị phê bình sẽ vì bạn không hiểu họ mà cảm thấy ấm ức, nói bạn “nóng nảy, hồ đồ”, vì thế bạn hãy thử thể hiện tâm lý “thấu hiểu” của mình, rằng: “Tôi cũng biết phương án này rất phiền phức, rất nhiều nhân viên có kinh nghiệm không xử lý được”, hoặc “Thời gian này cậu vất vả rồi, lượng công việc giao cho cậu quá nhiều.”

3. Chủ động hỏi thăm sự khó khăn của đối phương

“Cậu hãy nói rõ một chút, có những khó khăn nào được không?” Dù sao thì có một số nhân tố khách quan bạn không thể quan sát và cảm nhận được, để đối phương chủ động nói ra sẽ khiến họ có cảm giác được tôn trọng và quan tâm.

4. Chân thành hỏi ý kiến đối phương

“Vậy cậu cho rằng nên sửa như thế nào thì tốt hơn?” Bạn hỏi ý kiến của đối phương là một cách khẳng định khả năng của đối phương, cũng chứng tỏ lập trường của hai người là nhất trí.

5. Bày tỏ sự kỳ vọng và tin tưởng với đối phương

“Tôi tin cậu có thể làm tốt hơn.” Câu nói này sẽ khiến đối phương cảm thấy được tin tưởng, từ đó sẽ cố gắng hết sức để thỏa mãn kỳ vọng của bạn.

Cuối cùng là tổng kết và cảm ơn đối phương: “Thật sự rất cảm ơn cậu, cậu đã cố gắng rất nhiều vì công việc này.” Câu nói ấy của lãnh đạo có thể khiến nhân viên cảm thấy mình cống hiến cho công ty cũng xứng đáng, cảm thấy ấm áp trong lòng.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Chỉ ra vấn đề của người khác không chút nể mặt sẽ khiến đối phương cảm thấy rất khó xử. Có lẽ bản thân anh ta định sửa đổi, nhưng bị một đòn như vậy thì sẽ có tâm lý chống đối. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để chỉ ra vấn đề của người khác một cách tốt hơn?

(1) Phải đứng trên lập trường của đối phương để nhìn vấn đề

Khi chúng ta chỉ ra vấn đề của đối phương, phải đứng trên lập trường của họ để suy nghĩ vấn đề, suy nghĩ đến cảm nhận của họ, dùng phương thức và phương pháp thích hợp nhất để chỉ ra cho đối phương thấy được những điều đó.

(2) Không được phê bình trực tiếp

Khi chúng ta chỉ ra vấn đề của người khác, không được phê bình một cách trực tiếp, nghiêm khắc mà phải dùng phương thức uyển chuyển, gián tiếp, ngữ khí ôn hòa, chỉ ra vấn đề của người khác một cách hài hước, dí dỏm. Như thế, đối phương không những có thể tiếp nhận mà còn có quyết tâm sửa đổi.

Bài 5: Không được tỏ ra kích động khi bị phê bình hoặc phản đối

Trong tâm lý học nói, không có bất cứ ai thích bị phê bình. Bởi vì cho dù ý đồ và động cơ phê bình như thế nào, thực chất chính là phủ định người khác. Mỗi người đều hy vọng có thể khẳng định được cái tôi và giá trị của mình trong cuộc sống xã hội, nếu có người xuất hiện ngăn chặn mong muốn này của bạn, đồng thời chỉ ra “bạn sai rồi”, vậy thì nhất định sẽ mang lại cho bạn một tâm trạng tiêu cực.

Rất nhiều lãnh đạo hay đồng nghiệp lớn tuổi đều tỏ ra đau đầu, không có cách nào với những người trẻ tuổi mới bước vào nghề. Họ phạm lỗi, phê bình không được, tính tình nóng nảy hết sức, dăm ba câu là cãi nhau, sự việc không giải quyết được, khiến hai bên đều không vui. Giống như ví dụ dưới đây.

Bộ phận nhận một hạng mục mới. Đức Cường đầu tư rất nhiều tâm huyết trong công việc, anh chỉ muốn thực hiện phương án theo kế hoạch của mình, không nghe lời khuyên của đồng nghiệp. Cuối cùng hạng mục này thất bại, đồng nghiệp Duy Nghĩa phê bình anh ta: “Ai bảo anh thích thể hiện? Bây giờ thì hay rồi, cả bộ phận bị anh làm hại rồi!”

Đức Cường vốn dĩ tâm trạng đã rất tồi tệ vì hạng mục thất bại, bị Duy Nghĩa phê bình như vậy, bỗng chốc thấy rất mất mặt, cũng tức giận gầm lên: “Anh có thái độ gì vậy? Anh làm được cái gì, có bản lĩnh thì anh làm xong trước đi?”

Cãi nhau càng lúc càng dữ dội, đồng nghiệp khuyên cũng không được. Cuối cùng phần lớn mọi người chỉ trích lỗi của Đức Cường: “Sao anh lại như vậy, làm sai rồi lại còn ngoan cố không thừa nhận, còn không cho người khác nói sao?”

Người không chịu được phê bình, dễ kích động, trong người lúc nào cũng như một khối thuốc nổ, chỉ cần một mồi lửa chạm vào là sẽ bùng lên, những người xung quanh chỉ dám đi nhẹ nói khẽ, không dám động vào, càng không dám lại gần. Lâu dần, những người không chịu được phê bình này rất dễ bị cô lập, không được mọi người yêu mến.

Tuy nhiên, trên đời này không có ai là hoàn hảo cả, con người cũng sẽ có lúc phạm sai lầm. Trong cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi phạm sai lầm, sẽ phải nhận sự phê bình tương ứng. Nếu chúng ta không thể nhìn nhận sự phê bình một cách đúng đắn thì đồng nghĩa với việc đang né tránh và bóp méo bản thân cuộc sống, xét từ ý nghĩa sâu xa, nhân cách của chúng ta là chưa hoàn chỉnh.

Trong tâm lý học, “hiệu ứng Zeigarnik” (Zeigarnik effect) là trạng thái mà con người nhớ một công việc chưa hoàn thành hoặc bị gián đoạn tốt hơn nhiều so với công việc đã hoàn thành. Đây là một kiểu “sai lệch ký ức”, mà trong đó sự lệch về nhận thức sẽ tăng cường khả năng nhớ của bạn. Chẳng hạn, trong học tập, một sinh viên ngắt quãng học bài giữa chừng sau đó tham gia những hoạt động khác như chơi game, xem phim sẽ nhớ những phần quan trọng tốt hơn một sinh viên hoàn thành bài học trong một mạch. Vì vậy, bạn hãy biết cách học và nghỉ ngơi đúng lúc để tăng cường trí nhớ. Tương tự vậy, khi chúng ta phê bình người khác, không được thao thao bất tuyệt, bởi vì chúng ta phê bình đến đâu, đối phương sẽ quên đến đó. Chi bằng chúng ta dừng lại ở giữa, giản lược nội dung phê bình, khi nói đến vấn đề, chỉ điểm qua mà thôi.

Nhà tâm lý học nghiên cứu chứng minh, phương thức phản ứng của con người trước sự phê bình thường có liên quan tới sự trưởng thành của người đó. Nếu khi còn nhỏ, anh ta thường xuyên bị bố mẹ phê bình nghiêm khắc, những lời nói này giống như thuốc độc làm tổn thương lòng tự tôn. Vậy thì sau khi trưởng thành, anh ta sẽ coi phê bình là nước lũ, mãnh thú, hoặc tránh né hoặc ra sức phản kích.

Nhà tâm lý học nói, từ chối và tránh né phê bình một cách quá mức là biểu hiện sự thiếu tự tin. Giống như người lùn ghét nói về chiều cao. Những người không tự tin về đầu óc của mình rất ghét bị người khác nói là “ngốc”.

Vậy, chúng ta phải làm thế nào để bản thân càng tự tin và kiên cường hơn? Hãy bắt đầu từ việc nhìn thẳng vào phê bình và đón nhận nó một cách thiện ý, lý trí.

1. Thái độ chân thành, kiên nhẫn lắng nghe

Chúng ta phải kiên nhẫn lắng nghe, không được ngắt lời, hoặc dùng ngôn ngữ cơ thể tỏ vẻ khó chịu.

Còn nhớ cảnh tượng trẻ con khi bị mẹ phê bình không? Chúng bĩu môi, trợn mắt, mặc dù không nói một lời nhưng lại dùng biểu cảm toàn thân tỏ ý chống đối. Điều đó thường khiến mẹ tức giận hơn: “Con bé này, thái độ gì vậy?” Thế là người mẹ liền cầm roi đánh con một trận.

Ngộ nhỡ đối phương đổ oan cho chúng ta, chúng ta cũng không được ngắt lời đối phương mà phải đợi anh ta nói xong rồi mới giải thích. Điều đó sẽ khiến đối phương cảm thấy chúng ta là người khoan dung độ lượng, đồng thời sẽ nảy sinh cảm giác mắc nợ chúng ta.

2. Nhìn rõ bản chất của những lời phê bình

Chuyên gia giao tiếp nói: “Phần lớn tình huống, con người tức giận dẫn đến tranh cãi hoàn toàn không phải do nội dung nói chuyện mà là thái độ nói chuyện.”

Cũng như vậy, con người tức giận và ra sức chỉ trích người phạm lỗi hoàn toàn không phải do bản thân sai lầm mà là thái độ đối phương không chịu nhận lỗi.

Chúng ta nên nhìn nhận sự phê bình bằng thái độ ôn hòa, hãy thử loại bỏ ngữ khí chua ngoa, nhìn xem nội dung thực chất là gì, đồng thời giữ thái độ “có lỗi thì sửa, không có thì thôi”. Làm được như vậy, chúng ta có thể sẽ nghe được những lời vàng ngọc.

3. Giúp đối phương bình tĩnh trở lại và xác định điểm cần phê bình 

Đôi khi, đối phương chưa hết giận, phê bình mắng mỏ chúng ta cho sướng miệng, nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu, không biết bản thân đắc tội anh ta chỗ nào. Khi ấy, chúng ta không được trực tiếp cãi lại mà nên giúp đối phương sắp xếp mạch tư duy, để anh ta bày tỏ nỗi bất mãn.

4. Chân thành thỉnh giáo đối phương bản thân nên sửa như thế nào

Chúng ta không được phản bác lại sự phê bình của đối phương mà nên thân thiện hỏi một câu: “Tôi cũng không biết nên sửa như thế nào, anh giúp tôi được không?” Như thế sẽ khiến thái độ của đối phương lập tức mềm dẻo hơn, đồng thời sẽ kiên nhẫn chỉ cho chúng ta phương pháp cải thiện.

5. Nhận thức rõ sai lầm, dũng cảm xin lỗi

Người ta nói “Biết sai mà sửa, vẫn là người tốt”. Một câu “tôi sai rồi”, một câu “tôi xin lỗi” của chúng ta có thể khiến mọi người giữ được hòa khí, từ đó giải quyết vấn đề tốt hơn.

6. Vứt bỏ tâm lý “thể diện”

Điểm này nói cuối cùng bởi vì nó khó thực hiện nhất. Chúng ta nhất định không được nghĩ rằng bị phê bình một trận nghĩa là mất thể diện, người vừa bị phê bình đã nhảy lên sẽ bị coi là nông cạn và thiếu tu dưỡng, như thế mới là mất thể diện thực sự.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khi bị phê bình chúng ta không được quá kích động, nếu không sẽ chỉ xuất hiện kết quả tệ hơn. Vậy, chúng ta nên đối mặt với phê bình như thế nào?

(1) Suy nghĩ lời phê bình của người khác

Nếu người khác đã phê bình chúng ta thì chúng ta nên kiểm điểm lại lỗi lầm của mình, sửa đổi hành vi của mình.

(2) Thỉnh giáo người phê bình mình

Người phê bình chúng ta thường khá hiểu chúng ta. Chúng ta có thể thỉnh giáo đối phương, lễ phép hỏi họ chúng ta nên sửa đổi hành vi của mình như thế nào, làm thế nào mới tốt hơn.