13. “ Anh ở đâu? Em đang ở Verona, thành phố của tình yêu…”
Ngọc để những bước chân vô định dẫn mình đi trên những con phố hẹp lát đá của Verona. Từng đến Ý nhiều lần trong vai trò một tiếp viên hàng không nhưng chưa lần nào cô đặt chân tới thành phố xinh đẹp nằm bên dòng sông Adige thơ mộng này. Ánh nắng tháng Tư đổ tràn trên mặt đường lắt đá như người ta phủ đầy mật ong lên trên một chiếc bánh đường khổng lồ.
Cô bỏ qua đại lộ Lungadige Campagnola với hai hàng bách cao vút để ẩn mình dưới những mái vòm bằng đá không thể lẫn vào đâu được của lối kiến trúc La Mã hiển hiện khắp thành phố.
Verona quá đẹp, cô ngẩn ngơ ngắm nhìn cây cầu Ponte Scaligero được xây dựng như một pháo đài trên dòng sông Adige nối liền với lâu đài cổ Castelecchio. Một anh chàng người Ý dễ thương nói với Ngọc khi thấy cô thẫn thờ lang thang cạnh quán café của anh ta rằng, cây cầu còn được gọi là cầu Scala này vốn được dòng tộc Scala- những người cai quản Verona ngày đó xây dựng nên làm lối thoát hiểm. Nhưng bây giờ nó là một biểu tượng, một niềm tự hào của thành phố. Trông cây cầu có vẻ hơi cũ kỹ và buồn thảm, nhưng là “một quý bà lịch lãm” thực sự đấy. Còn nếu cô muốn ngắm nhìn “một thiếu nữ đang độ xuân thì”, hãy chịu khó đi thêm khoảng 1,6 km nữa, cô sẽ lặng đi trước vẻ đẹp của cây cầu năm nhịp dài 120m có tên Ponte Pietra. Ngọc nhã nhặn cảm ơn sự nhiệt tình của anh chàng Francesco cao lớn có đôi mắt màu xanh lơ và mái tóc xoăn. Cô rất vui và biết ơn anh về những thông tin thú vị mà anh đã chia sẻ, nhưng cô bận lắm, cô phải từ chối lời mời ghé vào quán và uống thử một ly Capuchino của anh chàng thôi.
- Tôi có hẹn với chàng Romeo, ở Via Arche Scaligere, anh biết đấy. Nhưng tôi sẽ quay lại, nhất định tôi sẽ quay lại.- Ngọc hóm hỉnh.
- Ồ! Thì ra cô đi cùng bạn trai.
Anh chàng bồi bàn dễ thương hiểu sai ý Ngọc vì cô đã đùa giỡn khi nói rằng có hẹn với chàng Romeo thay vì nói mình cần đến tham quan ngôi nhà của chàng Romeo trên đường Via Arche Scaligere. Anh chàng ân cần dặn dò bằng thứ tiếng Anh đặc sệt giọng Ý:
- Vậy hãy cùng với bạn trai cô ghé qua nhà cảu Juliette nhé. Nhưng nhớ là, cả hai đừng hứa hẹn gì khi đứng ở đó cả, bởi câu chuyện tình của William Shakespeare kết thúc không hề có hậu mà. Nói thật là tôi không thích những câu chuyện tình không có hậu chút nào.
Ngọc đột ngột thay đổi quyết định bất chấp sự ngạc nhiên của anh chàng người Ý nhiệt tình. Cô chọn cho mình một chiếc bàn bên vỉa hè, chỗ có thể nhìn ra lâu đài Castelecchio bên kia sông đang nằm phơi mình thảnh thơi dưới nắng. Tháng Tư nước Ý vẫn còn se se lạnh, gió vẫn luồn vào cổ áo, táp vào mặt, khiến cho những kẻ cô đơn co ro trên đường thêm thấm thía sự đơn côi. Không thể phủ nhận được rằng những lời nói của anh chàng Francesco khiến cho trái tim cô đau nhói. Cô từng được bạn kể cho nghe rất nhiều về Verona và truyên thuyết về ngôi nhà của nàng Juliette. Cô cũng biết rằng rất nhiều đôi đã tìm đến tòa nhà nằm trên đường Via Cappello cùng nhau chỉ để khắc tên mình lên tường nhà nàng Juliette với ước mong rằng may mắn sẽ đến với tình yêu của họ.
Nhưng Ngọc đâu thể làm vậy? Cô đến đây một mình, thay vì đi cùng Phan như dự định. Ngọc đã dày công cố gắng để mong Phan bất ngờ bằng chuyến đi như là một món quà sinh nhật này, bởi anh sẽ chẳng bao giờ đồng ý để cô phải tốn kém như vậy “ cho một ngày chẳng có gì đặc biệt”, như Phan từng nói. Cô bịa ra và đẩy sớm ngày bay của “ chuyến du lịch tới Trung Quốc” để trùng khớp với chuyến bay quốc tế mà cô sẽ phải phục vụ đến Verona, để giữ lấy hộ chiếu của anh. Cô làm việc chăm chỉ cả năm trời, nhờ bạn bè giúp sức để có thể xin nghỉ phép và thực hiện chuyến đi này. Mọi thứ đều hoàn hảo, trừ một chi tiết nhỏ: Phan đã không ra Hà Nội như dự tính, thậm chí anh còn không thèm báo cho cô lấy một câu để cô biết lý do vì sao anh lại làm vậy nữa? Trên đường ra sân bay, cô đã muốn gọi điện cho anh để hỏi cho ra lẽ nhưng cô không thể vì đã để quên điện thoại ở nhà. Dù cô cũng không dùng đến điện thoại khi đang cô đơn ở thành phố tình yêu này, nhưng cảm giác Phan sẽ lo lắng vì không gọi được cho mình khiến cô cảm thấy day dứt. Dù thế nào đi nữa, cô vẫn tin rằng Phan có lý do bất khả kháng để làm vậy. Phan không hề là người thất hứa…
Ngọc vẽ những ngón tay lên mặt bàn thành những hình thù kỳ quái vô cùng. Cô đã làm tất cả những điều điên rồ này chỉ để trở thành một nàng Juliette cô đơn giữa lòng Verona thôi sao? Chàng Romeo của cô đang làm gì, và ở đâu lúc này? Mà thật ra, cô cũng không biết liệu Phan có phải là chàng Romeo của cô không nữa? Phan chưa bao giờ nói yêu cô dù những biểu hiện mà cô đọc được ở anh đều nói lên điều ngược lại. Những câu hỏi cứ liên tục chạy trong đầu cô: Vì sao Phan lại bỏ cô, bỏ lại tất cả vào Sài Gòn? Vì sao anh thay đổi nhanh đến vậy? Vì sao anh không nhớ tới ngày hai đứa gặp nhau, vì sao anh thất hứa? Vì sao… Ngọc lắc đầu, ngón tay lại mải miết vẽ lên mặt bàn như thể nếu làm thế những câu trả lời sẽ hiện ra dưới ngón tay cô. Ngọc với lấy một tấm bưu thiếp có sẵn trên bàn, suy nghĩ một lúc rồi đặt nó lại vị trí cũ. Cô hỏi xin một tờ giấy, mượn một cây bút bi rồi bắt đầu viết, trong khi chờ đợi được phục vụ một ly Capuchino “ béo ngậy va ngon tuyệt” như lời anh chàng Fracesco đã quảng cáo.
“ Anh ở đâu? Em đang ở Verona, thành phố của tình yêu…” Phan đang chạy thật nhanh trên hành lang nhỏ hẹp và sâu hun hút của bệnh viện. Anh bay về phía trước bằng những bước chân dài như thể vận động viên điền kinh đang thi môn nhảy ba bước. Vừa ngoặt qua một góc hẹp, anh vội nhảy đại qua một chiếc bô nhỏ ai đó vô ý đặt giữa đường, hất tung khay đựng dụng cụ phẫu thuật nằm chênh vênh trên lan can, rất may là nó trống trơn, túm lấy vai và nói như hét lên xin mỗi cô y tá mặc áo blouse đang nhăn mặt vì suýt bị anh đụng phải rồi vụt chạy tiếp. Liên tiếp vòng qua mấy hành lang sâu hun hút khác, rồi Phan cũng dừng lại, cúi gập người, hai tay ôm lấy bụng, thở sâu… Mãi một lúc sau anh mới có thể ngước lên nhìn tấm biển đề: Phòng cấp cứu đang sáng đèn. Thứ ánh sáng yếu ớt, lập lòe chiếu lên những bức tường vôi trắng đã ố màu tạo nên một bức tranh cũ kỹ và ảm dạm. Cửa phòng đóng im ỉm, lặng thinh, tĩnh mịch…
Lúc sau, một ông bác sĩ già mở cửa bước ra, nhìn thấy Phan đang bước tới bước lui trước cửa thì như chợt hiểu, ánh mắt buồn rầu nhìn anh khe khẽ lắc đầu…
* * *
Nghi ngồi co ro trên ghế máy bay, hệ thống điều hòa của máy bay hoạt động khá tốt nhưng cô vẫn thấy hơi lạnh. Nghi ngồi lặng yên, mải mê suy nghĩ, Phan chỉ gọi điện cho cô để yêu cầu cô bay về Sài Gòn ngay, “nhanh nhất có thể” mà không nói rõ là có việc gì? Nhưng nghe giọng nói của Phan, cô biết phải có việc gì đó khẩn cấp và ghê gớm lắm anh mới gọi cô gấp gáp như vậy. Cô gọi vào máy của Đan nhưng không ai bắt máy. Bất chợt, những nỗi lo sợ vô hình từ lâu tưởng như ngủ quên lại bắt đầu trỗi dậy.
Nghi cúi gập người xuống, tựa trán vào lưng ghế phía trước, cố xua đi những suy nghĩ không hay vừa nhen nhóm trong đầu. Nghi bần thần…
* * *
Việt mở cửa, đi thẳng vào phòng khách, ném bó hoa đã héo khô trong lọ vào thùng rác. Bó hoa vẫn còn nguyên tấm thiệp nhỏ ghi lời đề chúc mừng “ngày kỳ diệu vì đã được gặp em” và lời xin lỗi vì về Hà Nội trễ của Phan. Có lẽ lúc về nhà, Phan chỉ kịp lôi bó hoa từ cổng vào nhà và cắm lên bàn. Phan có kể sơ qua cho Việt nghe về bó hoa “không hiểu vì sao Ngọc lại để ngoài cổng này”. Việt dọn dẹp sơ qua ngôi nhà đã lâu không có người ở rồi khép cửa đi ra. Tối nay anh phải đến cuộc hẹn và đưa quà cho nhóm Lacoste thay Phan vì Phan có việc gấp phải bay về Sài Gòn. Phan cũng không kịp báo cho họ biết là anh sẽ không đến, điều đó có lẽ sẽ tốt hơn. Anh không có nhiều thời gian để giải thích với họ mọi chuyện. Hơn nữa, Phan biết rằng gần đây nhóm cộng tác viên thân thuộc của anh không thường gặp nhau, và anh muốn lâu lâu họ sẽ tụ tập cùng nhau, dù có anh hay không đi chăng nữa.
Vì không biết Ngọc đã đi đâu và bao giờ về, nên Việt đã hứa với Phan rằng anh sẽ chăm sóc ngôi nhà cho đến khi Ngọc về. Hoặc nói đúng hơn, Việt tự hứa với bản thân rằng anh sẽ chờ ở nhà Phan và báo ngay cho bạn biết khi nào cô gái của anh ta trở về. Nói theo cách nào thì cũng vậy thôi. Cứ nhìn gương mặt thảng thốt và lo lắng của Phan, Việt dám cá rằng cho dù ngôi nhà này có bị đánh sập đi ngay lập tức chăng nữa cũng không thể khiến Phan lo lắng bàng sự biến mất đột ngột của Ngọc.
“Bạn thân mến, hãy thú nhận là cậu đang yêu cô ta đi thôi”, Việt nghĩ thầm.
* * *
Dung cởi cái áo sơ mi trắng đang mặc trên người ra, cô băn khoăn trước một hàng dài những chiếc áo thun đủ màu có trong tủ rồi quyết định trao niềm tin cho một chiếc áo có màu trắng có in hình gấu Teddy trước ngực. Năm giây sau, cô nhận ra đó là một sai lầm nghiêm trọng và quyết định sửa sai bằng chiếc áo màu be có nơ một bên vai. Thêm một cái nhíu mày, chiếc áo màu be bay lên giường, nằm kế bên chiếc áo màu trắng. Thêm một cái, một cái nữa… Rồi khi tạm bằng lòng với công cuộc bới móc nguyên cả tủ quần áo của mình, cô lựa một chiếc bờm có nơ màu tím rồi cài lên mái tóc. Thêm một chút suy nghĩ, bần thần trước gương, Dương tháo ngay cái bờm ra, quẳng đại nó lên giường.
Đã bốn mươi lăm phút trôi qua từ khi cô lạc vào mê cung của sự lựa chọn và điện thoại trên bàn trang điểm réo lên giục giã. Cát Chi bảo là cô và Liên đã đến chỗ hẹn, Nhung đang trên đường đến và nếu Dương không nhanh lên thì món bánh ngọt ngon tuyệt mà Liên mua thêm trong lúc mua bánh kem mừng sinh nhật Phan sẽ biến mất trong vòng ba mươi giây nữa. Chi chán ngấy cái kiểu luôn luôn trễ hẹn của cô rồi,” Chị chỉ có mỗi một năng khiếu là bắt người khác phải chờ đợi thôi.” Chi càu nhàu. Dù Phan chưa đến nhưng anh sẽ có mặt ngay thôi. Phan ít khi trễ hẹn lắm, cô biết là vậy mà.
* * *
Những giây phút bình yên đã lùi quá xa khỏi ngôi nhà nhỏ của Nghi. Phan biết điều đó, biết rất rõ khi nhìn thấy không khí ảm đạm, buồn bã, nặng nề bao trùm lên anh và Nghi như thể những tấm khuôn đúc tượng đồng đang ba trùm lên hai khối phôi đúc và khuôn hình hai bức tượng đang lặng lẽ ngồi nhìn nhau hiện dần ra rõ nét. Nghi ngồi vật vờ, im lìm trên sàn nhà, cằm tựa trên sofa và ánh mắt vô hồn nhìn xa xăm. Nỗi đau đớn như một tay họa sĩ truyền thần tàn nhẫn mải miết đưa từng đường cọ chậm rãi, sâu hoắm, cay nghiệt lên gương mặt vốn dĩ đã quá hoang mang, thẫn thờ và mỏi mệt của Nghi. Chỉ có điều, Phan không hề thấy trên gương mặt của Nghi một sự đau đớn nào, ngược lại, gương mặt của Nghi toát lên vẻ gì đó cam chịu, tựa như thể cô đã nghĩ chuyện này trước sau gì rồi cũng sẽ xảy ra… (không phải Phan nghĩ tới chuyện cô biết trước việc Đan sẽ làm hôm nay, mà là Phan nghĩ, dường như Nghi đã đoán được từ rất lâu rằng trước sau gì rồi cô cũng sẽ đánh mất Đan, chỉ là theo kiểu này hay kiểu khác thôi.)
“Thật ngu ngốc, mình đang nghĩ cái gì thế nhỉ?” Phan tự chửi thầm.
Dù quãng thời gian tiếp xúc với Đan không nhiều và Phan cũng ý thức được rằng sự hiểu biết của mình về Đan là quá ít ỏi để có thể lí giải được những việc Đan đã làm, nhưng Phan vẫn rùng mình khi nghĩ tới chuyện Đan đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng cho cái chết của mình. Phan chưa từng tưởng tượng được tâm trạng của một người ra sao khi họ tỉ mẩn chuẩn bị cho chuyến hành trình chẳng bao giờ quay lại của họ. Đan đã lựa chọn việc gọi điện cho anh (thay vì cho Nghi), dò đoán thời gian anh sẽ bay về tới Sài Gòn rồi mới quyết định hành động. Anh không hiểu lúc đó Đan đã nghĩ gì? Tại sao cô làm vậy? Tại sao người ta lại có thể quyết định từ bỏ cuộc sống dễ dàng đến vậy, và rồi để lại cho những người ở lại nỗi đau khôn cùng?
Bỗng nhiên Phan nhìn Nghi một lần nữa, anh nhìn vẻ mặt vô cảm và thẫn thờ của Nghi ròi ước gì Nghi có thể bật khóc, thay vì cứ bướng bỉnh chống chọi lại nỗi đau như vậy. Có thể những giọt nước mắt không hóa giải được nỗi đau, nhưng chí ít, đôi khi nó có thể xoa dịu được những trái tim đang thổn thức. Nhưng lúc này thì không, Nghi vẫn lặng yên, như thể nỗi đau là nữ thần tóc rắn Medusa vừa ghé qua,lia ánh mắt biến cô thành một bức tượng đá và ghim chặt cô xuống chỗ cô vừa ngồi.
Phan nén tiếng thở dài…