11. “Chẳng có sự mê hoặc nào mạnh mẽ hơn tình yêu.”
Thật ra thì Phan cũng không còn nhớ nhiều về mẹ mình, hình bóng của mẹ trong anh vốn đã rất nhạt nhòa như đóa hoa cải bé nhỏ, bơ vơ trong một rừng hoa hướng dương bạt ngàn, lại càng thêm méo mó và khốn nạn qua những lời miệt thị của bà nội anh khi còn sống. Mà thậm chí, bà nội anh cũng tránh nói đến mẹ anh như người ta sợ bén mảng đến vùng dịch cúm H1N1 vậy. “Cái thứ lăng loàn, cái đồ giết chồng”, bà luôn dùng từ đó khi nói về mẹ của Phan kể từ sau khi mẹ anh bỏ đi.
* * *
Ba mẹ Phan gặp nhau khi ba anh đi công tác ở một tỉnh miền núi cách Hà Nội vài trăm kilomet. Mẹ anh là một bông hoa rừng thực sự với gương mặt trái xoan và đôi mắt sáng như sao trời. Người bạn thân của ba anh kể rằng, ba anh giành được mẹ anh giữa vòng vây của tất cả trai làng chỉ với cái mác anh công an đến từ thủ đô của ông. Ba anh yêu mẹ anh một cách cuồng nhiệt như con chiên ngoan đạo yêu một vị thánh, còn mẹ anh thì bị ba anh mê hoặc. (Phan chưa bao giờ đồng ý với những nhận xét đó nhưng anh không phản bác lại làm gì. Bởi anh biết chẳng có sự mê hoặc nào mạnh mẽ hơn tình yêu, chẳng có sự mê hoặc nào đủ lớn khiến mẹ anh chịu đựng tất cả những gì bà đã chịu đựng cả. Ngoài chuyện bà yêu ba anh thật lòng).
Ngay từ những ngày đầu về làm dâu cho đến khi bỏ nhà, bỏ chồng, bỏ Phan mà đi, mẹ Phan chưa bao giờ được công nhận là một con người đúng nghĩa trong mắt bà nội. Bà nội Phan vốn la tiểu thư con một vị quan trấn thành Hà Nội xưa kia. Mặc dù cụ tổ anh từng hi sinh khi chống Pháp xâm chiếm Hà Nội, còn bà nội anh từng được trao huy chương cho những cống hiến của bà hồi còn là một cô gái thanh niên xung phong trong chiến tranh. Nhưng bà không bao giờ quên gốc gác quý tộc quyền thế của mình.
Việc ba Phan lựa chọn mẹ anh, một cô gái người dân tộc thiểu số ở “rừng xanh núi đỏ” nào đó chứ không phải là con gái của một người bạn vốn là một cú tát trực diện vào niềm kiêu hãnh của bà. Nhưng bà không thể làm gì khác được vì bà biết tính của ba anh, không có gì có thể lay chuyển được. Vậy nên, bà lựa chọn cách trút nỗi thất vọng và cay đắng vào mẹ anh như một cách giải tỏa. Còn ba Phan thì đi công tác biền biệt, năm về nhà vài ba ngày, chưa kịp vui xum vầy thì lại ra đi vậy nên không thể bênh vợ. Ba muốn đón vợ con lên miền núi ở với ông thì mẹ không chịu vì bà nội tuyên bố:” Ai đi đâu cũng được, nhưng thằng Phan thì phải ở Hà Nội”. Mà mẹ anh thì chẳng thể nào để đứa con mới một tuổi ở lại một mình với bà. Vậy nên bà đành ở lại Hà Nội sống kiếp con sen ở nhà mẹ chồng và không được phép nhận Phan là con mình. (Đó là thỏa thuận giữa bà nội và ba mẹ Phan để bà không đuổi mẹ anh ra khỏi nhà. Ba Phan nghĩ đến một ngày nào đó anh đủ lớn và đủ nhận thức, anh sẽ hiểu rõ được vấn đề. Chỉ tiếc là ngày đó đến thì thực sự đã quá trễ…).
Đến năm Phan bảy tuổi, mẹ anh bỏ nhà đi theo một gã buôn măng xuống thành phố, thi thoảng ghé qua nhà mang quà của bà ngoại cho mẹ. Bà bỏ đi sau khi Phan thẳng tay hất tung bát cháo vào mặt mẹ (mà anh vẫn thường gọi là “con sen” theo cách bà nội vẫn bày cho anh) và tát “con sen” một cái vì bà thổi cháo không đủ nguội trong nụ cười đắc thắng của bà nội. Mãi đến khi ba Phan lồng lộn lên đi tìm trong khi bà nội chỉ chẹp miệng cười khẩy như thể bà biết trước điều đó kiểu gì rồi cũng xảy ra, Phan mới biết “con sen” mà ngày nào mình cũng được bà nội khuyến khích chửi bới là mẹ ruột của mình.
Hai tháng sau thì ba anh mất, người ta nói ba bị tai nạn, người kêu ba bị bệnh chết, kẻ xì xầm rằng ba anh tự tử vì tình, còn bà nội thì đinh nhinh rằng vì mẹ anh mà ba anh mới chết. Sau đám tang ba, bà nội cấm tiệt không cho ai nhắc đến mẹ Phan nữa, mẹ anh cũng không bao giờ bén mảng về nhà cũ, dù cả khi bà nội mất. (Nhưng Phan biết mẹ vẫn luôn dõi theo anh rất sát khi anh thoáng thấy bà đứng lấp ló đâu đó ở cổng trường ngày anh nhập học ở trường đại học).
Ngay sau khi cúng ba ngày cho ba anh, bà nội đem hết đồ đạc còn sót lại của mẹ anh đem đi đốt bằng sạch, không chừa bất cứ thứ gì cả. Chỉ còn lại bụi thạch thảo của mẹ anh trồng hồi bà mới làm dâu là sống sót.
Bà nội không nói vì sao bà tha cho bụi thạch thảo, nhưng hàng xóm kháo nhau rằng khi bà leo lên sân thượng đẻ tìm cách nhổ bụi cây thì bị vấp ngã ở cầu thang. Tối đó bà mơ thấy ba anh về, mặt ba rất buồn và cứ nhắc đi nhắc lại về bụi cây thạch thảo, vậy nên bà nội sợ quá mới không nhổ nó đi. Phan thì chẳng bao giờ tin vào chuyện tâm linh, ma quỷ, nhưng anh lại chẳng thể tìm được lý do nào khác để phủ nhận nên đành miễn cưỡng chấp nhận.
Cậu còn nhớ lần đầu tụi mình gặp Thùy Dung chứ?- Việt hỏi khi những chai rượu đã sắp cạn hết và đĩa thịt gà chỉ còn lại một vài miếng. Không biết Việt làm cách nào mà xách vào được những ba chai Vodka bởi quy định của hãng hàng không rất nghiêm ngặt trong việc mang chất lỏng lên máy bay. Phan có hỏi Việt điều đó nhưng chỉ nhận được cái nhá mắt đầy ẩn ý.
- Cậu có nhớ lần đầu khi tụi mình gặp Thùy Dung chứ? – Việt kiên nhẫn hỏi lại. Rồi không đợi câu trả lời của Phan, anh nói tiếp.
- Mười tám trăng tròn. Sinh viên Báo chí năm nhất, rất xinh. Là cầu nối giữa cậu và tớ.
-Ừ! Nếu còn sống thì bây giờ cô ấy cũng đã hai mươi sáu tuổi rồi đấy.- Phan thở dài.- Da trắng,tóc dài, vòng 1 rất đẹp.
- Cậu còn rất yêu cô ấy, đúng không? Cái cách cậu nói về cô ấy khiến tớ nghĩ vậy…
Phan chọn cách im lặng.
- Tớ tưởng tớ là bạn thân của cậu cơ đấy? Tớ tưởng là cậu nói rằng chẳng bao giờ giấu tớ cái gì cơ đấy.
- Ngoại trừ chuyện về cô ấy ra …
- ********** nát… -Việt văng tục.- Cậu nói như ********** ấy.
Phan vẫn chọn cách im lặng.
- Đã tám năm rồi, tớ biết là cậu vẫn còn yêu cô ấy.- Việt tiếp tục nói với giọng đều đều như vọng lên từ quá khứ. Anh không nhìn thẳng vào mặt Phan như anh vẫn thường làm mà nhìn xa xăm về một nơi nào đó.- Chỉ có điều, tớ đã nghĩ mãi trong gần mười năm qua mà vẫn không thể hiểu. Vì sao từ lúc cô ấy mất cậu không bao giờ còn muốn chia sẻ với tớ về cô ấy nữa. Vì sao cậu bỏ trường Y để chuyển qua học Báo chí? Và vì sao cậu không bao giờ để mình say trong những cuộc nhậu với tớ nữa? Vì sao? Vì sao? Tự tự hỏi mình nhiều lắm nhưng lại không thể tìm ra câu trả lời. Tự trách mình vì một việc mà mình không thể làm gì khác thì thật ngu ngốc.
Và vì Phan vẫn không nói một tiếng nào nên Việt lại tiếp tục độc thoại. Anh nhấp một ngụm rượu nữa như thể đang lấy tinh thần rồi nói tiếp:” Khi cậu bắt đầu mối quan hệ với Ngọc, tớ đã rất mừng vì nghĩ rằng cậu đã có thể bước ra khỏi cái bóng đêm kỳ quái và ám ảnh của quá khứ. Cho đến khi tớ gặp cô ấy! – Việt thở dài – Ngay khi tớ gặp Ngọc, tớ đã giật mình, cô ấy giống Dung quá!”.
- Nói thật đi! – Việt không vì sự im lặng của Phan mà buông tha cho anh.- Việt đột ngột chuyển hướng. Mẹ kiếp! Cậu từng ngủ với cô ấy chưa?
Phan nhún vai.
-Vậy mà cậu để mặc cô ấy ở Hà Nội và bỏ vào đây vậy sao?
- Cậu đang hỏi về Ngọc đấy à?- Phan ngớ người.
- Chứ còn… - Việt cũng ngớ người.- Nghĩa là cậu và Dung…
- Đồ điên! –Chẳng có gì giữa tớ và Dung cả. Mệt rồi! Đi ngủ đây.
- Này…
- Ngủ!
Phan bỏ đi thẳng, Việt nhìn theo lắc đầu. Mọi cuộc nói chuyện có dính dáng đến Thùy Dung từ trước tới nay giữa hai người đều có kết thúc tương tự như vậy. Phan luôn né tránh mỗi khi Việt nhắc đến người cũ của mình mà không bao giờ nói rõ lý do. Đôi khi điều đó khiến cho Việt cảm thấy bức bối, rõ ràng là anh bấy lực trong việc kéo Phan ra khỏi mớ hỗn độn mà Phan đang ngập chìm không cách nào ngoi lên được.