Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Wardah Hafidz

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mang tên Shataram, nhà văn Australia Gregory David Roberts đã miêu tả cảnh sống của những người dân nghèo ở thành phố Bombay như sau: “Nhiều người sống trên các đường phố gần khu nhà ổ chuột của chúng tôi không cưỡng nổi sự an toàn, khiêm tốn mà những mái lều tồi tàn của chúng tôi mang lại. Họ là những người sống trên vỉa hè, tận dụng bất cứ chỗ trống nào không có người và xe qua để làm chỗ ăn, ở. Nhà của họ là những kiểu nhà nguyên thủy nhất và điệu kiện sống của họ dưới những mái che mong manh đó phải nói là tồi tệ nhất, khắc nghiệt nhất so với điều kiện sống của hàng triệu người vô gia cư ở Bombay. Khi mùa mưa đến, nơi ăn ở của họ luôn bị đe dọa và nhiều người trong số họ không còn cách nào khác buộc phải tìm đến tá túc trong những khu nhà ổ chuột”.

Chắc chắn Wardah Hafidz cũng đã tận mắt chứng kiến những cảnh như thế hoặc tồi tệ hơn thế ở thủ đô Jakarta và những thành phố khác ở Indonesia, nên bà quyết định từ bỏ công việc của một giảng viên đại học để sáng lập tổ chức Urban Poor Consotium (Hiệp hội người nghèo thành thị), viết tắt là UPC với mục đích giúp người nghèo ở các khu đô thị nói lên tiếng nói của mình.

Bắt đầu hoạt động năm 1997, trong bối cảnh ở Indonessia có tới gần 60 triệu người sống dưới mức nghèo khổ và chỉ riêng ở Jakarta có hơn 3,5 triệu người sống trong các khu ổ chuột, UPC không khuyến khích những người dân nghèo nổi loạn hay xin sự ban ơn từ chính phủ, mà giúp họ nhận thức được những quyền cơ bản của mình như quyền được phát triển kinh tế, quyền được có vị thế chính trị, quyền được hưởng phúc lợi xã hội, quyền được hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn và động viên họ dũng cảm đấu tranh giành các quyền lợi đó. Tổ chức này đã gióng lên những tiếng chuông báo động về các vấn đề của người nghèo ở các khu đô thị. Đó là vấn đề đói nghèo, vô gia cư, bị đối xử bất công, bị phớt lờ và bị gạt ra ngoài sự tiến bộ xã hội.

Năm 1999 khi đất nước Indonesia phải đối phó với cuộc khủng khoảng kinh tế trầm trọng, Ngân hàng thế giới đã triển khai dự án An sinh xã hội (SNN) để giúp dân nghèo nước này vượt qua khủng khoảng. Trong khi số vốn dành cho dự án Ngân hàng quốc tế được công khai, hoạt động của dự án lại cho thấy sự mập mờ đáng quan tâm. Wardah cùng các tình nguyện viên của UPC đã đến tận những vùng triển khai dự án. Họ gặp những đối tượng của dự án và đi thẳng vào vấn đề bằng các câu hỏi: “Ông có biết gì về tiền của chương trình SNN không?”; “Bà có được thông báo về dự án SNN không?”; “Ông có biết địa phương của ông được nhận bao nhiêu tiền từ nguồn vốn của SNN không?”. Đa số câu trả lời là “Không”. Qua thu thập các số liệu, UPC đã phát hiện ra rằng chỉ 30% tổng số tiền của SNN thực sự đến tay người dân. Cụ thể là ngân sách SNN dành cho người nghèo Indonesia trong hai năm 1998-1999 là 17,8 tỉ rupi, nhưng người dân chỉ nhận được 9 tỉ rupi thông qua năm chương trình được triển khai. Tệ tham nhũng đã nuốt mất số tiền còn lại. UPC đã thu thập 10000 chữ kí của dân nghèo đề nghị dừng dự án SNN nếu tình trạng tham nhũng ở Indonesia vẫn tiếp diễn. Wardah đã tìm gặp đại diện triển khai dự án SNN. Bà nói: “Nếu các ông không muốn gặp 40 người chúng tôi ở văn phòng của các ông thì các ông sẽ gặp 4000 người chúng tôi trên đường phố”. Sự cảnh tỉnh của UPC khiến Ngân hàng thế giới rà soát lại việc triển khai dự án SNN. Đích thân ông Mark Baird đại diện ngân hàng thế giới đã đến các khu ổ chuột, các nhà máy trực tiếp nghe những người được coi là đối tượng giúp đỡ của dự án nói rằng, họ chẳng nhận được sự giúp đỡ nào từ SNN hết.

Cuộc đấu tranh cho quyền lợi của những người đạp xích lô cũng là một cuộc đấu tranh quyết liệt đối với Wardah và tổ chức UPC của bà. Lệnh cấm xe xích lô hoạt động được ban hành từ thời ông Suharto còn nắm quyền điều hành đất nước. Lệnh này được triển khai mà không kèm theo bất cứ một biện pháp giải quyết thất nghiệp nào cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Hàng nghìn người dân nghèo làm nghề đạp xích lô bị thất nghiệp và bị tịch thu phương tiện kiếm sống. Khi Indonesia thực hiện công cuộc đổi mới, xích lô được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ một thời gian sau nó lại được thiết lập trở lại khiến cho những người đạp xích lô vừa sắm phương tiện mới lại phải đi tìm việc làm. UPC đã tổ chức họ lại, giúp họ đấu tranh, thương lượng, thậm chí kiện chính quyền. Họ tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến người dân thành phố. Cuộc thăm dò cho thấy cứ 100 người dân được hỏi thì có 860 người nói rằng họ thích xích lô hoạt động trở lại. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình diễn ra vào tháng Một năm 2000, tổng thống tuyên bố rằng ông không phản đối xích lô hoạt động trong những khu dân cư của thành phố. Ngày tháng Hai năm 2000, Wardah cùng một đoàn gồm những người đạp xích lô tập trung bên ngoài dinh tổng thống yêu cầu tổng thống hoạt động theo lời tuyên bố trên. Cảnh sát cho họ 15 phút để giải tán. Wardah hỏi những người đạp xích lô: “Các anh muốn giải tán hay ở lại?”, “Ở lại”, họ đáp. Họ ở lại cho tới khi Wardah cùng mười ba người khác bị cảnh sát dồn lên xe tải đưa về đồn. Cuộc đấu tranh của những người đạp xích lô vẫn chưa đi đến hồi kết, tuy nhiên nhiều người đạp xích lô vẫn kiếm sống bằng nghề của mình trên các đường phố của Indonesia. Họ cho biết nếu họ không đi đạp xích lô thì cả nhà họ sẽ chết đói.

Không phải ngẫu nhiên người dân nghèo thành thị ở Indonesia nói chung và những người dân sống trong các khu ổ chuột ở Jakarta, Palembang, Lampung, và Aceh nói riêng, coi Wardah là người phát ngôn của họ. Cùng 12 nhân sự chính thức của UPC và 980 tình nguyện viên cộng đồng, Wardah luôn nỗ lực đấu tranh cho quyền được có nhà ở của dân nghèo thành thị. Lên nhận giải thưởng COHRE, giải thưởng ghi nhận công lao bảo vệ quyền được có nhà ở của người nghèo vào ngày 2 tháng Mười hai năm 2005 tại Bangkok, Thái Lan, Wardah đã phát biểu: “Từ năm 2000 đến năm 2005 Jakarka đã đuổi 92720 người khỏi nơi ở của họ và đe dọa đuổi 1592011 người để lấy đất cho các dự án xây dựng… Các thành phố khác cũng theo gương Jakarta đối xử với người nghèo theo cách đó”. Tuy nhiên bà cũng thừa nhận rằng, vì dân nghèo đã có ý thức cao hơn về quyền được định cư của mình nên buộc các cấp chính quyền phải có những động thái tích cực để cải thiện tình hình. Nhiều khu ổ chuột ở Jakarta đã được nâng cấp, nhiều người thuộc diện nghèo nhất đã có nhà mới. Bà cũng cho biết sau thảm họa sóng thần ở Ache, tổ chức của bà đã làm hết sức mình giúp người dân bảo vệ quyền được trở về nơi ở cũ. Trong số tám trăm ngôi nhà được xây dựng lại đầu tiên của người dân Aceh sau thảm họa sóng thần, có công của Wardah và tổ chức UPC của bà.

Người ta thường thấy Wardah có mặt nhiều tại các khu ổ chuột tồi tệ nhất ở Jakarta. Bà cũng đã có mặt tại hiện trường hoang tàn đổ nát của Ache ngay khi cơn sóng thần vừa đi qua. Thay vì coi mình là một phần của vấn đề, những người dân nghèo được tiếp xúc với bà và tổ chức của bà đều nhận thức được rằng mình là một phần của giải pháp. Chính điều đó đã thúc đẩy Wardah và tổ chức của bà không ngừng nỗ lực đấu tranh giúp họ cải thiện cuộc sống.