Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Wangari Maathai

Năm 1903, tức là chỉ hai năm sau khi giải Nobel được thành lập, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ cho sự tiến bộ của thế giới. Thế nhưng phụ nữ châu Phi đã phải đợi tới 100 năm sau mới được chứng kiến người phụ nữ đầu tiên đại diện cho họ nhận giải thưởng danh giá này. Người phụ nữ đó chính là Wangari Maathai.

Wangari Maathai sinh ngày 1 tháng Tư năm 1940 tại Nyeri, Kenya. Sau khi tốt nghiệp trung học bà may mắn có cơ hội đi du học ở Mĩ và Đức. Năm 1964 bà được nhận bằng cử nhân sinh học của trường đại học Benedictine. Bà học thạc sĩ ở đại học Pittsburgh và sau đó tại đại học Nairobi, bà là người phụ nữ Đông Phi đầu tiên dành học vị tiến sĩ. Năm 1971 trở thành giáo sư của trường đại học Nairobi.

Ở đất nước Kenya, Wangari Maathai được gọi bằng cái tên trìu mến "Người đàn bà xanh". Những người quan tâm đến những hoạt động vì môi trường của thế giới hẳn còn nhớ vào năm 1977 ở Kenya rộ lên một phong trào mang tên "Vành đai xanh". Đây là phong trào phi chính phủ do những người dân đứng ra tổ chức và thực hiện, chủ yếu tập trung vào các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng bền vững. Wangari Maathai là người sáng lập ra phong trào này dưới sự bảo trợ của Hội phụ nữ Kenya. Hưởng ứng phong trào này các phụ nữ nông thôn trên khắp đất nước tích cực tham gia trồng cây xanh, chống chặt phá rừng, ngăn chặn tình trạng xói mòn đất. Từ khi phong trào này được triển khai ở Kenya đã có hơn 30 triệu cây xanh được trồng mới trên khắp đất nước Kenya.

Maathai chủ trương kết hợp hoạt động bảo vệ môi trường với việc phát triển kinh tế cải thiện đời sống phụ nữ trong những vùng thuộc vành đai xanh. Hơn 300 nghìn phụ nữ nông thôn Kenya tham gia phong trào này không chỉ được dự các lớp tập huấn về bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường mà còn được tập huấn kiến thức nuôi ong, kiến thức chế biến thức ăn tiết kiệm nhiên liệu, mô hình phát triển kinh tế du lịch. Những kiến thức thực tế đó đã tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn Kenya cải thiện đời sống của họ theo cách bền vững và hợp lí.

Năm 1989 Maathai lãnh đạo những người tham gia phong trào của bà kiên quyết phản đối việc chính quyền Daniel Arap Moi cho xây dựng cao ốc thương mại 60 tầng giữa công viên Uhuru. Kết quả là chính phủ buộc phải huỷ bỏ dự án xây dựng đó. Năm 1991 Maathai cùng các nhà hoạt động môi trường lại cứu được khu cây xanh Jeevanjee Gardens khỏi nguy cơ bị phá bỏ để xây dựng một bãi đỗ xe. Năm 1998 tổ chức của Maathai đã đấu tranh chống lại việc phân chia bất hợp pháp 2000 hecta đất rừng Karura thuộc khu vực dẫn nước sinh hoạt cho ngoại ô Nairobi.

Hoạt động vì môi trường của Wangari Maathai dường như không thể tách rời cuộc đấu tranh vì dân chủ ở nước bà. Dưới thời của tổng thống độc tài Daniel Arap Moi, những hoạt động ấy được coi là nhạy cảm và bà bị xem như cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Đã không ít lần Wangari Maathai phải trả giá cho lí tưởng của bà. Bà đã bị bắt vào tù mấy lần và bị đánh đập dã man vì đấu tranh đòi cải cách chính sách bầu cử và chấm dứt nạn tham nhũng. Trong lần bà bị bắt giam vào năm 1991 nhờ chiến dịch viết thư vận động của Tổ chức ân xá quốc tế bà mới được thả tự do. Một năm sau bà bị cảnh sát đánh vì đấu tranh đòi thả những nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ. Năm 1999 trong khi đang tham gia trồng cây ở rừng Karura bà bị đánh trọng thương ở đầu. Phải đến khi tổng thống Daniel Arap Moi chấm dứt 24 năm cầm quyền, những gì Wangari Maathai đã làm mới được chính phủ Kenya nhìn nhận một cách tích cực.

Wangari được nhận giải Nobel hoà bình vì những đóng góp của bà cho sự phát triển bền vững, cho dân chủ và hoà bình. Trong lễ trao giải Nobel năm 2004, đại diện hội đồng trao giải đã phát biểu: "Wangari đã dũng cảm đấu tranh chống lại chế độ áp bức ở Kenya. Hình thức đấu tranh độc đáo của bà đã hướng sự quan tâm tới tình trạng áp bức ở các quốc gia trên thế giới. Bà đã cổ vũ nhiều người dũng cảm đấu tranh vì dân chủ, và vì sự tiến bộ của phụ nữ". Khi được hỏi bà sẽ dùng số tiền thưởng của giải Nobel như thế nào, Wangari nói rằng bà muốn dùng số tiền đó cho các hoạt động bảo vệ môi trường và thúc đẩy văn hoá, bởi bà cho rằng có mối liên quan mật thiết giữa văn hoá và môi trường. Với cương vị thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường của Kenya, Wangari Maathai chắc chắn sẽ còn làm được nhiều điều hữu ích hơn nữa cho môi trường và cho sự tiến bộ của phụ nữ Kenya.