Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Jerri Nielsen

Trước khi quyết định từ bỏ công việc tại một bệnh viện ở Ohio để đến Nam Cực, Jerri Nielsen đã biết rằng Nam Cực là một nơi quanh năm băng phủ, là nơi khô cằn nhất, lạnh giá nhất, và trống vắng nhất trên địa cầu, nhưng chỉ khi đặt chân lên mặt băng ở đó cô mới hiểu thế nào là khô cằn nhất, lạnh giá nhất, và trống vắng nhất. Tuy nhiên cũng giống như khi đến văn phòng của Hội nghiên cứu Nam Cực ở Denver để đăng kí xin tới Nam Cực, Jerri không hề hối tiếc. Cô chỉ không lường hết được thử thách cam go đang chờ cô ở phía trước.

Trạm nghiên cứu nằm giữa một vùng băng trắng xoá với những cái trại dựng bằng các tấm kim loại. Nhiệt độ bên trong các trại không chênh lệch bao nhiêu so với nhiệt độ ngoài trời và ngay cả trong mùa hè nhiệt độ thường là âm 37 độ còn vào mùa đông nhiệt độ thường xuống tới âm 100 độ.

Nhiệm vụ của Jerri là chăm sóc sức khoẻ cho bốn mươi người của trạm. Không có đồng nghiệp để bàn bạc, không có y tá phụ trợ, cô phải tự làm tất cả từ học sử dụng máy X-quang, đến pha chế các loại thuốc. Công việc của cô thường kéo dài từ sáng sớm đến nửa đêm và có ngày cô phải khám và điều trị cho mười lăm lượt bệnh nhân. Có lúc cô không thể tin nổi cô lại có thể giải quyết tất cả những việc ấy, không thể tin nổi cô lại có thể quen và bắt đầu yêu cuộc sống khắc nghiệt đó. Trong thư gửi gia đình cô viết: “Chúng con đến đây để tìm hiểu xem chúng con có thể dựa vào bản thân mình, vào khả năng của chính mình nhiều đến đâu. Chúng con thường xuyên phải đối mặt và thường phải đánh bại những ý nghĩ về ma quỷ, sự nhu nhược, sự ích kỷ,…”.

Không may thay, ít ngày sau khi Jerri tổ chức sinh nhật đầu tiên ở Nam Cực cô phát hiện ra mình có một khối u ở vú bên phải. Trong khi cô phải chịu trách nhiệm về sức khoẻ của bốn mươi người thì cô không thể làm gì khác hơn là đợi xem khối u của mình có tự biến mất hay không.

Hai tháng sau cô phát hiện thấy một khối u khác ở cánh tay và cô biết mình có thể đã bị u ác tính. Rời Nam Cực là cần thiết nhưng lại là điều không thể thực hiện được bởi chuyến bay tiếp tế cuối cùng vừa mới rời đi và cô phải đợi tới bốn hoặc năm tháng nữa cho qua thời kỳ lạnh nhất ở Nam Cực mới có thể hy vọng có chuyến bay tiếp theo. Chờ đợi có thể đồng nghĩa với cái chết.

Cô đến gặp người phụ trách trạm nghiên cứu và ông khuyên cô lập tức liên lạc với tiến sĩ Katz, người chịu trách nhiệm về y tế ở trung tâm Denver. Cô gửi email cho tiến sĩ Katz, đưa ra một câu hỏi mà chính cô phải thừa nhận là khó trả lời: “Ông biết về Nam Cực rồi đấy. Tôi nên ngồi đây đợi thêm năm tháng hay tự mổ cho mình để loại bỏ khối u đi?” Katz và các chuyên gia y tế khác đều nhất trí rằng Jerri phải hút dịch từ khối u ra. Từ xa tiến sĩ Katz hướng dẫn cho cô cách thức tiến hành hút dịch,. Hai ngày sau cô chọn Paul Kindh một người bạn thân của cô ở trạm giúp cô làm việc đó. Cô vừa phải cắn răng chịu đau vừa phải cùng Paul tiến hành thao tác. Sau bốn lần cố đưa kim vào khối u họ không những không lấy được chút dịch nào mà còn làm cho vú của cô sưng tấy. Một dấu hiệu không khả quan.

Ba ngày sau lần hút dịch không thành cô nhận được email của Kathy Miller, chuyên gia điều trị ung thư tại bệnh viện của trường đại học Indiana. Cô viết thư giải thích cho Kathy biết những hạn chế của phương tiện điều trị của cô. Kathy muốn cô tiến hàng sinh thiết tế bào và gửi hình ảnh về trung tâm nghiên cứu ung thư và muốn gửi thuốc làm dừng quá trình sản sinh hoóc môn sinh dục tới cho cô. Nhưng nhiệt độ ở Nam Cực lúc đó là âm 70 độ và với thời tiết lạnh như thế chắc chắn bộ phận hạ cánh của máy bay sẽ không hoạt động được.

Bạn bè cô ở trạm gửi email xin câp trên gửi phương tiện y tế đến giúp cô. Gia đình cô liên tục gửi lời động viên cô. Cô quyết định làm một việc chưa từng có: Thiết lập một đường truyền hình ảnh tới các bác sĩ ở Denver, lấy mô tế bào từ khối u, phóng mô tế bào qua kính hiển vi và gửi hình ảnh về Denver. Thật rủi, hình ảnh được gửi vể Denver không đủ rõ để các bác sĩ có thể đưa ra kết luận về khối u của cô. Những ngày ấy hàng triệu độc giả ở tờ New York Times đã lo lắng cho cô khi đọc bài báo “Mắc kẹt ở Nam Cực, bác sĩ trở thành bệnh nhân”.

Trung tâm Denver đã sẵn sàng gửi một chuyến bay mang phương tiện thuốc men tới cho Jerri từ đầu tháng Bảy, nhưng nhiệt độ ở Nam Cực luôn ở khoảng 56 độ âm trong khi máy bay chỉ có thể hoạt động an toàn ở nhiệt độ ấm hơn 50 độ âm. Ngày 7 tháng Bảy một chiếc máy bay từ căn cứ không quân McChord đã vượt qua Thái Bình Dương đến Nam Cực và thả đồ tiếp tế xuống cho trạm nghiên cứu. Jerri nhận được thuốc cô cần.

Với hoá chất nhuộm do máy bay chuyển tới, những người ở trạm giúp Jerri tiến hành lấy mô tế bào lần thứ hai. Lần này hình ảnh truyền về Denver vẫn chưa đủ rõ và họ phải làm lại lần nữa. Ngày 22 tháng Bảy, Lisa Beal chuyên gia kỹ thuật của trạm thông báo cho Jerri biết những hình ảnh gửi về Denver cho thấy cô bị ung thư vú.

Jerri cảm thấy mình ngừng thở khi biết tin đó.

Jerri bắt đầu dùng hoá chất Taxol với sự hướng dẫn và theo dõi sát sao từ Denver. Bác sĩ Kathy động viên Jerri bằng mọi cách có thể. Bác sĩ kể cho cô biết thành công của hoá trị liệu đối với trường hợp của nhà vô địch đua xe đạp vòng quanh nước Pháp Lance Amstrong. Với sự động viên của Kathy, của bạn bè ở trạm và gia đình, Jerri quyết tâm vượt qua đau đớn.

Điều trị hoá chất khiến Jerri cảm thấy người rất mệt mỏi. Cô bị chóng mặt, bị nổi u ở bàn tay, và bị rụng tóc. Tuy nhiên cho tới lần điều trị hoá chất thứ ba cô vẫn cố gắng đảm đương nhiệm vụ của mình ở trạm.

Mặc dù đã dùng hoá chất được vài tuần nhưng khối u của cô vẫn ngày một phát triển. Cô bắt đầu bị đau lưng, bị ho kéo dài, và có hiện tượng thần kinh không ổn định. Bác sĩ Kathy bảo cô ngừng hoá chất Taxol và chuyển sang một phương pháp dùng hoá chất hỗn hợp.

Đầu tháng Mười, Jerri bắt đầu áp dụng phương pháp trị liệu mới. John, người bạn của cô ở trạm, đã viết cho bác sĩ Kathy như sau: “Tôi viết cho bác sĩ bởi vì cô ấy không dậy được. Cô ấy mệt lắm. Tôi cảm thấy có vẻ như có gì nhầm lẫn thì phải”. Kathy an ủi rằng tác dụng phụ của việc điều trị bằng hoá chất là không thể tránh khỏi.

Một mặt tiếp tục theo dõi và động viên Jerri điều trị bằng hoá chất, mặt khác Kathy thúc giục trung tâm ở Denver đưa Jerri rời khỏi Nam Cực để cô có cơ hội được phẫu thuật cắt bỏ khối u. Vậy là trong khi điều trị hoá chất, Jerri chuẩn bị gói gém hành lý đợi thời tiết cho phép máy bay đến đón cô.

Ngày 16 tháng Mười chiếc máy bay cứu hộ LC-130 đã bay tới Nam Cực. Thời tiết chỉ cho phép máy bay có khoảng ba phút dừng sát mặt băng để Jerri lên khoang. Các bạn của Jerri ở trạm làm hết sức mình để Jerri có thể rời Nam Cực.

Cuối cùng Jerri đã trở về Mĩ và mau chóng được phẫu thuật. Sau cuộc phẫu thuật cô nhận được những tin tuyệt vời: Ung thư không tấn công vào bạch cầu của cô. Tháng Tư năm 2000, Kathy thông báo cho cô biết cô đã chiến thắng căn bệnh ung thư. Jerri vô cùng sung sướng khi biết tin này. Cô muốn làm tất cả để được trở lại Nam Cực.

Sau khi đọc câu chuyện của Jerri trên tạp chí Reader’s Digest, một cô gái mắc bệnh ung thư đã nói: “Tôi cảm thấy mình như vừa được biết một phương pháp trị liệu mới. Tôi sẽ chiến đấu và sẽ chiến thắng như cô ấy”.