Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Edith Cavell

Docsach24.com 

Vào một ngày đẹp trời, một bé gái mười một tuổi đứng trước bức tượng Edith Cavell tại quảng trường Trafalgar ở London nhẩm đọc dòng chữ: “Tôi hiểu rằng chỉ có lòng yêu nước chưa đủ, tôi phải không thù hận hay oán hờn bất cứ ai”. Đọc xong bé gái đó đứng yên nhìn mãi lên bức tượng và khi mẹ của bé dắt tay bé đi, bé cứ ngoái đầu lại phía bức tượng. Thay vì đi khỏi quảng trường, người mẹ đã dắt con trở lại chỗ bức tượng và ngay tại đó bà bắt đầu kể cho con gái nghe câu chuyện về Edith Cavell.

Chuyện kể rằng Edith Cavell là một nữ y tá người Norfolk, thuộc nước Anh. Năm 1907 khi bà mười tám tuổi bà được cử làm y tá của bệnh viện Berkendael ở Brussels, thủ đô nước Bỉ. Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và ngày 4 tháng Tám năm 1914 quân Đức tràn vào nước Bỉ. Trong tình hình chiến sự diễn ra ác liệt, bệnh viện Berkendael được Hội chữ thập đỏ quốc tế sử dụng làm nơi cứu chữa cho thương binh. Những người bị thương được đưa đến bệnh viện dù là người Anh, người Pháp, người Bỉ hay người Đức đều được các bác sĩ và y tá cứu chữa với tinh thần nhân đạo cao cả. Những người thuộc quân đồng minh sau khi được chữa trị vết thương, thường được người của bệnh viện giúp trốn ra ngoài để khỏi rơi vào tay của lính Đức. Edith là người tích cực nhất trong hoạt động đầy nguy hiểm đó. Không những giúp những người bị thương trốn thoát bà còn giúp cả những người lính đang bị truy lùng trốn trong bệnh viện, để rồi sau đó tổ chức đưa những người đó tới vùng an toàn.

Lúc bấy giờ, ở đâu trên đường phố Brussels người ta cũng thấy những tấm biển đề: “Bất kể đàn ông hay đàn bà, ai che giấu một lính Pháp hay lính Anh đều phải chịu hình phạt nặng”. Có người đã cảnh báo Edith rằng lính Đức đã nghi ngờ bà và bố trí theo dõi những người ra vào bệnh viện. Tuy nhiên Edith vẫn không vì thề mà khoanh tay ngồi nhìn những người lính đồng minh rơi vào tay quân phát xít Đức. Bà tiếp tục che giấu, giúp đỡ lương thực, tiền bạc và tổ chức cho họ trốn sang nước trung lập Hà Lan.

Ngày 15 tháng Tám năm 1915 Edith Cavell bị quân Đức bắt vì tội “che giấu kẻ thù”. Edith bị biệt giam trong mười tuần. Bạn bè và cả luật sư của bà đều không được phép gặp bà. Ngày 7 tháng Mười tòa án Đức mở phiên tòa xét xử bà cùng ba mươi tư người khác có cùng tội danh.

Nếu bị kết tội Edith sẽ bị xử tử. Luật sư của bà biện hộ rằng bà làm như vậy chỉ vì sự cảm thông giữa người và người mà thôi. Nhưng Edith Cavell với bản lĩnh phi thường đã đứng trước tòa không hề run sợ, thừa nhận rằng chính bà đã giúp đỡ 200 người lính đồng minh trốn thoát khỏi Bỉ và bà biết rõ rằng người người đó có thể sẽ quay lại chiến hào chống lại quân Đức. Bà còn nói rằng những người lính trốn thoát đã gửi thư cảm ơn sự giúp đỡ của bà. Khi được hỏi tại sao bà lại giúp những người lính ấy, Edith Cavell đã đáp rằng nếu bà không giúp họ trốn thoát thì quân Đức sẽ giết chết họ và vì lẽ đó bà phải hành động để thực hiện nghĩa vụ của bà đối với tổ quốc. Những gì Edith Cavell thừa nhận đủ để tòa án binh của Đức tuyên bố mức án nặng nhất đối với bà.

Các nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy nhằm cứu mạng sống của Edith Cavell. Đại diện cho nước Mĩ, nước mà vào thời điểm ấy chưa tham chiến, ông Hugh Gibson quan chức ngoại giao số một của Mỹ ở Brussels, đã tuyên bố thẳng với chính phủ Đức rằng, việc xử tù Edith Cavell sẽ làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ ngoại giao vốn đã chẳng êm đềm giữa Đức và Mỹ. Viên chức ngoại giao này đã cảnh báo người Đức rằng nếu họ xử tử Edith Cavell họ sẽ phải đối mặt với sự bất bình trong dân chúng. Hugh Gibson cùng ông Marquys de Villalobar đại diện chính phủ Tây Ban Nha ở Brussels, và ông M. de Leval, quan chức ngoại giao người Bỉ đã trực tiếp đến gặp Baron von der Lancken, đại diện chính trị của nước Đức ở Brussels và nói chuyện điện thoại với tướng Von Sauberzweig phụ trách quân sự, nhưng mọi nỗ lực của họ đều không mang lại kết quả. Những viên chỉ huy người Đức nói, dù thế nào bản án cũng nhất định phải được thi hành.

Edith Cavell không kháng án. Bà bình tĩnh đợi cái chết. Ngày 11 tháng Mười khi linh mục của nhà tù Gahan đến thăm, bà đã nói: “Tôi muốn những người bạn của tôi biết rằng tôi sẵn sàng chết cho tổ quốc mình. Tôi không có gì phải sợ hay phải né tránh. Tôi đã chứng kiến cái chết quá nhiều rồi, nhiều đến nỗi nó chẳng còn lạ lẫm hay đáng sợ đối với tôi nữa”.

Hai giờ sáng ngày 12 tháng Mười, chỉ chưa đầy mười tiếng, sau khi bản án tử hình được tuyên bố, tại một địa điểm quân sự mang tên Tir National, Edith Cavell đã bị xử bắn.

Khi còn sống, Edith Cavell đã cứu sống được nhiều mạng người và cái chết của bà lại cứu thêm được những mạng sống khác. Sau khi Edith Cavell bị xử bắn, toàn thế giới dồn lên sự căm giận quân phát xít Đức. Trước sự phản đối gay gắt cả dư luận, quân đội Đức buộc phải hủy bỏ án xử tử đối với không ít tù nhân đã bị kết án. Học tập lòng dũng cảm của Edith Cavell, hàng nghìn người ở Anh, Úc, Canada đã tình nguyện đăng lính tham gia cuộc chiến chống lại phát xít Đức. Cái chết của Edith Cavell cũng đã góp phần thúc đẩy nước Mỹ đi đến tuyên chiến với phát xít Đức.

Không biết cô bé mười một tuổi ở quảng trường Trafalgar có hiểu hết được những gì mẹ cô muốn cô hiểu qua câu chuyện về Edith Cavell hay không? Có lẽ cô bé chỉ hiểu phần nào song rất có thể những gì nghe được, sẽ thôi thúc cô bé tìm hiểu về người phụ nữ anh hùng này và những người phụ nữ phi thường khác đã hi sinh cuộc sống của mình, để thế giới lật sang những trang sử mới tươi đẹp hơn.