Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Dorothy Crowfoot Hodgkin

  Docsach24.com

Vào những năm đầu thế kỷ XX Dorothy Crowfoot Hodgkin là một trong số ít những phụ nữ sinh ra ở Trung Đông có đủ tài năng và lòng dũng cảm để được dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học đầy gian khổ và chưa được xã hội khuyến khích.

Dorothy Crowfoot Hodgkin sinh ngày 12 tháng Năm năm 1910 tại Cairo, Ai Cập. Bà quan tâm đến hóa học từ khi bà mới mười tuổi. Trong hầu hết thời thơ ấu, bà ở với chị gái ở Norfolk, nước Anh. Bà học tại trường John Leman, ở Beccles, và tại đó bà là một trong hai học sinh nữ được giáo viên cho tham gia các thí nghiệm hóa học cùng với các học sinh nam.

Bà từng học đại học Somerville ở Oxford, và giành học vị tiến sĩ tại đại học Cambridge.

Dorothy đã dành tâm huyết và thời gian của bà cho việc nghiên cứu tinh thể sinh học bằng tia X-quang. Đó là một lĩnh vực khá mới mẻ đòi hỏi sự kết hợp giữa toán học, vật lý và hóa học. Mặc dù lúc bấy giờ các nghiên cứu của các nhà khoa học như Max von Laue, William Henry Bragg, and William Lawrence Bragg đã cho thấy tia X-quang có thể giúp ích trong nghiên cứu tinh thể, nhiều người vẫn tin rằng những dự án mà Dorothy định thực hiện là không khả thi. Bằng cách chiếu tia X-quang lên tinh thể để lưu lại trên phim những điểm nhiễu xạ do sự giao thoa giữa các nguyên tử của tinh thể gây ra, rồi sử dụng các phép toán để tính khoảng cách và vị trí của các điểm xác định, từ đó tìm ra cấu trúc phân tử của tinh thể Dorothy đã đưa những nghiên cứu tinh thể đi đến những kết quả mà giới khoa học trông đợi.

Bắt đầu bằng nghiên cứu về cấu trúc của pepsin, một ezim có trong tuyến nước bọt, Dorothy đã lần lượt giải mã thành công cấu trúc của cholesterol, lactoglobulin, ferritin, cấu trúc của virus gây bệnh khảm thuốc lá. Năm 1946 bà đã công bố cấu trúc phức tạp của thuốc kháng sinh penicillin. Mười năm sau bà lại giải mã thành công cấu trúc của B12. Năm 1969 nhờ có nghiên cứu của bà mà insulin không còn là một chất khiến các nhà khoa học đau đầu.

Khó có thể nói đóng góp nào của Dorothy quan trọng hơn đóng góp nào. Nếu như việc làm sáng tỏ cấu trúc B12 đã mang lại cho bà giải Nobel hóa học bởi B12 là loại vitamin tối cần thiết giúp ngăn ngừa các bệnh thiếu máu ác tính, thì thành công trong việc phát hiện cấu trúc của penicillin lại mở ra cho các hãng dược phẩm khả năng sản xuất penicillin bán nhân tạo giúp giải quyết tình hình khan hiếm thuốc kháng sinh thời bấy giờ. Còn việc tìm ra cấu trúc ba chiều của insulin, nội tiết tố không thể thiếu trong quá trình chuyển hóa đường của cơ thể, đã góp phần duy trì cuộc sống của hàng chục triệu người mắc bệnh tiểu đường trên thế giới.

Mỗi lần Dorothy Crowfoot Hodgkin công bố một cấu trúc protein mới, thế giới lại được thấy nụ cười rạng rỡ của bà. Nhìn bà cười người ta khó có thể hình dung ra hàng ngàn giờ lao động vất vả của bà trong phòng thí nghiệm. Nghiên cứu tinh thể không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên sâu, óc sáng tạo mà còn đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ phi thường. Chẳng hạn với insulin bà đã mất 34 năm nghiên cứu, bắt đầu từ năm 1935 đến năm 1969. Insulin thuộc nhóm các phân tử protein nhỏ nhất bởi nó chỉ gồm 51 axit-amin. Dorothy đã dùng tia X-quang để phá vỡ tinh thể insulin sau đó bà đo cường độ và hướng phân tán của các hạt phân tử rồi lập bản đồ cấu hình của phân tử. Bà thay thế các nguyên tử kẽm trong insulin lấy từ lợn bằng ba nguyên tố thuộc loại nặng là chì, urani và thủy ngân. Sau khi xác lập được bản đồ mật độ của ba chất dẫn xuất này trong insulin, bà sử dụng công nghệ vi tính để phác thảo những đường nét chính của cấu trúc. Nhưng bà phải mất thêm nhiều công sức và thời gian mới có thể đi tới kết luận rằng phân tử insulin là phần tử gồm sáu phần, có hình tam giác, với ba đôi phân từ có chứa hai nguyên tử kẽm trong nhân.

Mất bốn người thân trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Dorothy không chỉ biết đến mỗi phòng thí nghiệm. Bà là nhà hoạt động tích cực cho hòa bình của thế giới. Bà luôn ủng hộ tích cực cho những cuộc đấu tranh giành tự do của nhân loại, luôn quan tâm đến những nước thuộc thế giới thứ ba, đặc biệt lưu tâm đến việc đào tạo các sinh viên khoa học của các nước nghèo. Bằng cách thúc đẩy giao tiếp giữa các nhà khoa học thuộc các nước đối đầu, bà đã góp phần đáng kể vào việc làm dịu căng thẳng giữa hai cực Đông, Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Các đồng nghiệp của Dorothy nhận xét bà là một người phụ nữ ấm áp, giàu tình cảm và luôn quan tâm đến người khác. Có lẽ chính vì thế mà bà đã tạo nên một gia đình đáng tự hào. Bà kết hôn với Thomas Hodgkin, một chuyên gia nghiên cứu châu Phi, năm bà hai mươi bảy tuổi. Họ có ba người con và cả ba người đều giống bố mẹ họ, rất coi trọng học vấn và thích hoạt động xã hội. Con trai cả của họ là một giảng viên toán của trường đại học Princeton, con gái họ dạy học ở Zambia và người con trai út là tình nguyện viên của một tổ chức hoạt động vì hòa bình ở Ấn Độ. Người ta có thể thấy rằng Dorothy có một tuổi già hạnh phúc, bởi bà được nhìn thấy con cháu của mình trưởng thành và noi gương bà sống có ích.

Mặc dầu vào những tháng cuối đời sức khỏe của bà không được tốt, Dorothy Crowfoot Hodgkin vẫn đi rất nhiều nơi, tham gia những hoạt động vì hòa bình. Bà qua đời vào tháng Bảy năm 1994 tại nhà riêng ở Shipston-on-Stour, nước Anh.