Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Augusta Ada Byron

  Docsach24.com

Bạn đã bao giờ ngắm một chiếc máy vi tính, một vật đã trở nên rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, và tự hỏi chiếc máy vi tính đầu tiên ra đời từ khi nào chưa? Bạn có tin rằng lịch sử của chiếc máy vi tính bắt đầu từ cách đây gần 200 năm không? Và liệu bạn có băn khoăn nhờ đâu mà con người thời bấy giờ có thể hiểu được nguyên lý vận hành của một thiết bị có bộ nhớ, hoạt động nhờ những chương trình được lập sẵn và có thể thực hiện nhiều công việc khác nhau, từ giải quyết các phép tính đến thiết kế đồ họa? Nếu tìm đến với các câu trả lời bạn sẽ được biết về một người phụ nữ đã góp công sức không nhỏ trong việc thúc đẩy kỹ thuật lập trình. Người phụ nữ đó là Augusta Ada Byron.

Augusta Ada Byron sin hănm 1815 tại London. Bà là con gái của thi sĩ nổi tiếng thế giới George Gordon Noel Byron. Với thiên tài thơ ca, cha bà được nhiều phụ nữ mến mộ và cuộc sống của cha mẹ bà vì thế không hạnh phúc. Sau khi bà chào đời được vài tháng, cha bà đi khỏi nhà và không bao giờ quay lại. Không muốn con gái mình theo truyền thống nhà Byron, mẹ của Ada đã chủ động hướng bà tới toán học và các môn khoa học tự nhiên. Ada tỏ ra rất thông minh và đặc biệt giỏi toán. Năm Ada mười tám tuổi, như một sự sắp đặt của số mệnh bà gặp nhà phát minh Charles Babbage tại nhà của Somerville, giáo viên dạy toán của bà. Babbage kể với Ada về chiếc máy tính tự động có khả năng điều khiển được bằng các chỉ lệnh mà ông đang phát triển khiến Ada lập tức bị cuốn hút và bà đã tìm đến tận phòng nghiên cứu của Babbage để tìm hiểu về phát minh của ông.

Mùa thu năm 1841 Babbage trình bày kế hoạch phát triển chiếc máy của mình tại một cuộc hội thảo ở Turin, Italia. Theo Babbage, chiếc máy của ông sử dụng các bảng mạch điện tử, thực hiện các lệnh trên các bảng mạch đó và nó cần được con người lập cho các công thức cũng như nhập dữ liệu khởi đầu. Rất ít người hiểu được những gì ông mô tả.

Năm 1842 một người Italia tên là Luigi Federico Menabrea giới thiệu những phát minh này của Babbage trong một bài báo in bằng tiếng Pháp. Ada đã dịch bài báo này sang tiếng Anh và được sự khuyến khích của Babbage bã đã bổ sung những chú thích của mình vào bản dịch. Bà chú thích nhiều đến nỗi khiến cho bản dịch có độ dài gấp ba lần bài báo gốc. Các chú thích của Ada nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa chiếc máy làm tính đơn thuần của Pascal và chiếc máy biên dịch của Babbage, một chiếc máy thực hiện lệnh cũng như xử lý dữ liệu một cách tuần tự. Từ điểm này bà công nhận tầm quan trọng của người sử dụng máy (Ada muốn nói về công việc mà ngày nay chúng ta gọi là phát triển phần mềm) và chỉ rõ rằng chương trình lưu sẵn trong máy cần đảm bảo vừa chính xác vừa phù hợp với mong muốn của người sử dụng.

Những chú thích của bài báo của Menabrea cho thấy rằng Ada không những hiểu được nguyên lý hoạt động của chiếc máy mà còn đi xa hơn người phát minh ra nó trong việc đánh giá những khả năng cũng như đóng góp của nó đối với nhân loại. Trong khi Babbage chỉ giới hạn khả năng của chiếc máy trong lĩnh vực toán học thì Ada lại tin rằng một chiếc máy có bộ nhớ như thế không chỉ giải quyết được các phép tính mà còn có thể thực hiện các cấu trúc lựa chọn; làm được rất nhiều việc thậm chí cả việc soạn nhạc và thiết kế đồ họa. Babbage vô cùng ngạc nhiên trước ý kiến của Ada. Trong một bức thư gửi Ada ông đã viết: “Càng đọc những chú thích của cô tôi càng ngạc nhiên và tôi tiếc rằng trước đây tôi đã không khám phá ra tiềm năng to lớn đến thế của chiếc máy”.

Qua thư và qua những cuộc thăm viếng Babbage, Ada đã thực sự thiết lập một mối quan hệ cộng tác gần gũi. Với khả năng toán học của mình, Ada đã đóng góp nhiều ý kiến giúp ích cho Babbage trong việc phát triển chiếc máy của ông. Chính bà là người đã gợi ý Babbage lập chương trình tính các số Bernoulli, và chương trình này ngày nay được coi là chương trình máy tính đầu tiên trên thế giới. Cũng có những ý kiến tranh cãi xung quanh điều này song từ những bức thư trao đổi giữa Ada và Babbage đã được công bố, không ai có thể phủ nhận những ảnh hưởng to lớn của Ada trong việc thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật lập trình. Người Mỹ đặt tên cho một ngôn ngữ lập trình của họ là Ada chính là để khẳng định điều đó.

Qua một quá trình phát triển không ngừng, chiếc máy tính tự động được phát triển không ngừng, chiếc máy tính tự động được điều khiển bằng các chỉ lệnh của Babbage đã được cải tiến thành chiếc máy vi tính hiện đại với vô số những tính năng hữu ích cho cuộc sống của con người. Ngày nay với một chiếc máy vi tính bạn có thể giải những phép tính phức tạp nhất, có thể đánh máy tài liệu, vẽ những bản thiết kế, lưu hóa đơn, lập giáo án, nghe nhạc, chơi trò chơi, gửi thư hoặc trò chuyện trực tiếp với bạn bè hoặc người thân của bạn đang ở cách xa hàng nghìn cây số, thậm chí sản xuất một bộ phim, v.v… Và phần lớn những khả năng đó đã được Augusta Ada Byron tiên liệu từ gần hai thế kỷ trước.