Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Ada Aharoni

Những đứa trẻ sinh ra vào đầu thế kỷ XXI có thể chưa biết rằng sông Nile là dòng sông dài nhất thế giới, Kim Tự Tháp Ai Cập là một trong bảy kì quan thế giới, nhưng rất có thể chúng đã biết dải Gaza, bờ tây sông Jordan là vùng đất đau thương qua những hình ảnh phản ánh xung đột và bạo lực xảy ra giữa người Do Thái và người Ả rập, mà hầu như ngày nào chúng cũng thấy trên truyền hình. Khi nào những đứa trẻ ấy đủ lớn để tiếp nhận những bài học lịch sử thế giới, chúng sẽ biết được rằng xung đột giữa người Do Thái và người Ả rập là xung đột dai dẳng và khó hàn gắn nhất trong lịch sử hiện đại. Nó dai dẳng và khó hàn gắn đến nỗi khiến không ít người trở nên thờ ơ hoặc ngã lòng trước những nỗ lực kiến tạo hoà bình.

Ada Aharoni không nằm trong số những người thờ ơ hoặc ngã lòng ấy. Bà dành cả cuộc đời mình lặng lẽ kiến tạo hoà bình qua những trang viết tài hoa, đầy tính nhân văn. Ada Aharoni tin rằng chúng ta có thể giải quyết xung đột thông qua thơ văn bởi thơ văn là cầu nối văn hoá giúp tăng cường sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia. Mỗi tác phảm bà viết đều góp phần tạo nên cầu nối đó. Một trong những tác phẩm của Ada được nhiều độc giả trên thế giới tìm đọc là cuốn tiểu thuyết lịch sử From the Nile to the Jordan (Từ sông Nile đến sông Jordan). Cuốn tiểu thuyết này kể về cô gái Do Thái xinh đẹp và thông minh tên là Inbar Etty. Cô đang sống yên lành với gia đình tại Cairo thì sự kiện thành lập nhà nước Do Thái Israel làm bùng lên xung đột giữa người Do Thái và người Ả rập. Vào năm 1948, thời điểm nóng bỏng nhất của cuộc xung đột, đã có tới 800 000 người Do Thái chạy khỏi các vùng đất của người Ả rập và hơn 600 000 người Palestin trốn khỏi Israel. Cuộc sống của người Do Thái ở Cairo trở thành địa ngục và bằng những nỗ lực tuyệt vọng, gia đình của Inbar cố gắng thoát khỏi cái địa ngục đó. Loạn lạc, túng quẫn, sợ hãi, và những điều tồi tệ khác đã không thể đánh gục được Inbar. Cô đã kiên cường vượt lên tất cả để đi tìm cội rễ của mình, tìm tình yêu, niềm vui, sự sáng tạo trong thế giới mà cô tiếp tục sống. Một độc giả Mĩ đã nói về cuốn tiểu thuyết lịch sử này như sau: “Điều tuyệt vời và đáng kinh ngạc nhất trong cuốn tiểu thuyết này là cách lột tả chiều sâu nỗi đau và bi kịch của nhà văn Ada. Bà và nhân vật Inbar của bà tràn đầy hi vọng về một tương lai không có chiến tranh và bạo lực ở Trung Đông. Bà đã cho thấy một nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy văn hoá hoà bình phi bạo lực và sự chung sống hoà hợp giữa người Ả rập và người Do Thái.

Những tác phẩm khác của Ada cũng giành được những lời nhận xét tương tự. Trong cuốn The flower of Peace (Đoá hoa hoà bình), Ada đã mang đến cho bạn đọc một giấc mơ hoà bình thông qua câu chuyện hư cấu tuyệt vời kể về chuyến đi vào vũ trụ tìm đoá hoa hoà bình của hai đứa trẻ dũng cảm. Những trở ngại trên đường đi, và người khổng lồ mang vũ khí hạt nhân tìm mọi cách ngăn cản không cho hai đứa trẻ mang đoá hoa hoà bình về trái đất. Nhưng nhờ tình yêu, tình đoàn kết,và sự gan dạ hai đứa trẻ cuối cùng đã chiến thắng tất cả để trở về trái đất với đoá hoa hoà bình trên tay. Cuốn sách này được xuất bản bằng cả tiếng Anh, tiếng Ả rập, tiếng Do Thái và được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường học trên thế giới. Cuốn Woman: Creating a world beyond the war and violênc (Phụ nữ tạo ra một thế giới không có chiến tranh và bạo lực) cũng là một cuốn sách được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn giao lưu văn hoá. Qua cuốn sách này Ada muốn truyền đi thông điệp rằng khi thế giới vẫn còn những cuộc xung đột, bạo lực và chiến tranh, thì loài người nên lắng nghe phụ nữ để thay đổi, rằng nếu phụ nữ đoàn kết lại thì họ sẽ tạo ra được một sức mạnh đủ để ném chiến tranh và nỗi sợ hãi vào cái thùng rác của lịch sử nơi thích hợp với chúng hơn là với thế giới của chúng ta ngày nay và như thế phụ nữ có thể giành được quyền sống và nuôi con trong hoà bình hạnh phúc.

Những tập thơ nằm trong số 25 cuốn sách đã được xuất bản của Ada cũng được ví như những chất liệu kiến tạo hoà bình. Các tập thơ nổi tiếng của bà như You and I can change the world (Tôi và bạn có thể thay đổi thế giới), Selected poems (Thơ tuyển chọn), Shin Shalom (Thơ mới), A green week (Tuần lễ xanh), Love and women poems (Những bài thơ về tình yêu và phụ nữ) v.v… đã được dịch ra 20 thứ tiếng và được tái bản ở nhiều nước trên thế giới.

Là một người Do Thái sinh ra ở Ai Cập, Ada đã từng được đào tạo tại khoa văn của trường đại học Jerusalem, dành được bằng thạc sĩ ở trường đại học London, và sau đó là học vị tiến sĩ văn học. Bà là giáo sư giảng dạy văn học Anh tại khoa văn và là giảng viên khoa xã hội học tại khoa nhân loại học của đại học Haifa. Bà cũng là tổng biên tập của hai tạp chí văn học là Tạp chí Galim và Tạp chí điện tử IRRA. Ngoài ra Ada còn là lãnh đạo của uỷ ban thúc đẩy hoà bình thông qua văn hoá và giao tiếp thuộc Hiệp hội nghiên cứu hoà bình quốc tế và là chủ tịch của LENA, Hiệp hội đoàn kết phụ nữ Do Thái và phụ nữ Ả rập ở Trung Đông. Một người phụ nữ vừa phải chăm lo gia đình vừa phải đảm đương nhiều trọng trách xã hội nặng nền như vậy mà vẫn đều đặn cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao, quả là đáng kinh ngạc.