Những Người Khốn Khổ

QUYỂN XIV - NHỮNG NÉT VĨ ĐẠI CỦA THẤT VỌNG I Chương I

Docsach24.com

Vẫn chưa có gì xảy ra. Chuông nhà thờ Xanh Meri đã điểm mười giờ từ lâu. Ănggiônrátx và Côngbơphe, xách súng đến ngồi bên cạnh chỗ khe hở của chiến lũy chính. Hai người không nói gì với nhau, chỉ lắng tai nghe cả đến tiếng chân người dù dội nhẹ và xa nhất.

 Bất thình lình, giữa không khí yên tĩnh hãi hùng ấy, hình như từ phố Xanh Đơni, một giọng hát trẻ thơ, trong trẻo, vui vẻ, cất lên lanh lảnh. Giọng hát theo điệu Dưới ánh trăng, một điệu dân ca cổ, nhưng lời là một bài thơ mà câu cuối là một tiếng reo giống như tiếng gà gáy:

Mũi ta nó khóc dầm

Hỡi ông bạn Buygiô!

Cho ta mượn mấy sen đầm

Ta nói chuyện với chúng cho!

Mình khoác áo tơi xanh,

Đây đã đến ngoại thành!

Ò ó o o…o!

Hai người xiết tay nhau, Ănggiônrátx bảo:

- Tiếng Gavrốt.

- Nó báo tin cho mình đấy- Cônbơphe tiếp.

Có tiếng chân chạy hấp tấp qua đường phố vắng. Rồi một bóng người nhanh nhẹn hơn cả một anh hề rạp xiếc leo qua chiếc xe hàng. Và Gavrốt nhảy phóc vào bên trong chiến lũy, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Súng của em đâu? Chúng nó đến rồi kìa.

Cả chiến lũy như bị điện giật. Nghe tiếng những bàn tay sờ soạng cầm súng lên. Ănggiônrátx hỏi:

- Em muốn lấy khẩu súng cácbin của anh không?

- Em ưng khẩu súng trường kia, Gavrốt đáp.

Và nó cầm khẩu súng trường của Giave.

Hai người cảnh giới cũng vừa rút lui và trở vào chiến lũy theo gót Gavrốt. Đó là hai người ở phía đường phố và ở phía Pơtit Tơruyăngđri. Người gác ở ngõ Pêrêsơ vẫn còn tại chỗ, như thế nghĩa là chưa có dấu hiệu tấn công từ phía cầu và phía chợ.

Trên đường phố Săngvrơri chỉ thấy lấp loáng mấy miếng đá lát đường, nhờ ánh sáng lù mù chiếu lên lá cờ chiến lũy. Cả dãy phố mơ hồ như một cái cổng tò vò lớn tối om, mở ra trong bầu trời đầy khói.

Ai nấy đều đến vị trí chiến đấu của mình.

Nghĩa quân có bốn mươi ba người, trong đó Ănggiônrátx, Cuốcphêrác, Bôtxuyê, Giôli, Bahôren và Gavrốt. Mọi người đều quì xuống, đầu mấp mé với đỉnh chiến lũy lớn. Súng trường, súng ngắn đều chĩa nòng trên đá như từ những lỗ châu mai, tất cả đều chăm chú, im lặng, sẵng sàng nhả đạn. Sáu người khác dưới quyền của Phơidi đã đến nấp sẵn ở cửa sổ của hai tầng gác nhà quán Côranh, súng áp vai.

Mấy phút trôi qua. Có tiếng chân người đều đặn, nặng nề, đông đảo nghe rõ mồn một từ phía Xanh Lơ. Ban đầu còn nhỏ, sau rõ dần, rồi nặng nề và âm vang. Bước chân từ từ tiếng gần, không nghỉ, không dừng, đều đặn, bình tĩnh và ghê gớm. Chỉ nghe có thế. Có cảm tưởng như vừa là sự yên lặng vừa là sự ồn ào của pho tượng kỵ sĩ thời xưa[1], nhưng bước chân rắn rỏi ở đây lại có cái gì to lớn, dồn dập, khiến người nghĩ đến phải nghĩ đến một đám đông người, đồng thời cũng nghĩ đến một bóng ma, hiện thân của những đội lê dương La-mã đáng sợ ngày xưa. Tiếng chân đến gần, đến gần nữa rồi dừng lại. Nghe như ở cuối phố có hơi thở của rất nhiều người. Bóng tối dày đặc. Không trông thấy gì, nhưng lại có thể đoán biết rất rõ. Một rừng dây thép, nhỏ như kim và gần như không nhận ra, đang cử động, giống hệt những tia sáng lân tinh chằng chịt mà ta thấy những lúc mắt đã nhắm nghiền và ta mơ màng sắp ngủ. Đó là lưỡi lê và nòng súng lờ mờ trong ánh sáng ngọn đuốc ở đầu này chiếu vọng đến.

Một phút im lìm. Cả hai bên đường như đang chờ đợi. Bỗng, từ đáy bóng tối, một giọng người hô to: “Ai?”.

Nghe hô mà không thấy người, chẳng khác gì bản thân đêm tối tự thét lên, nên càng ghê rợn.

Cùng lúc đó nghe có tiếng súng lách chách chực sẵng, sang sảng:

- Cách mạng Pháp.

- Bắn! Giọng người bên kia hô.

Một làn chớp đỏ rực trước mắt các dãy phố như có cánh cửa lò vụt mở ra rồi đóng sập ngay lại.

Một loạt phát súng nổ ầm ầm vào chiến lũy. Lá cờ đỏ rơi xuống. Loạt đạn bắn rát và dày đến nỗi làm gãy ngang cán cờ nghĩa là đầu mút cái càng của chiếc xe khách. Nhiều viên đạn từ bờ tường dội ra, lạc vào trong chiến lũy làm một số người bị thương.

Loạt súng đầu ấy nghe thật lạnh mình. Cuộc tấn công thật dữ dội, đáng làm cho người can đảm nhất cũng phải suy nghĩ. Rõ ràng là nghĩa quân đang phải đương đầu với cả một trung đoàn là ít.

- Các đồng chí, Cuốcphêrắc la to, đừng phí đạn. Chờ cho chúng nó tiến vào trong phố rồi hãy bắn trả.

- Và trước hết, Ănggiônrátx nói, phải dựng ngọn cờ lên.

Chàng nhặt lá cờ vừa rơi ngay chỗ chân chàng.

Bên ngoài, có tiếng que thông nòng, quân đội chính phủ lại lắp đạn.

Ănggiônrátx hỏi lại:

- Ai là người can đảm? Ai dám ra dựng lại cay cờ lên chiến lũy?

Không ai trả lời. Leo lên đỉnh chiến lũy trong lúc quân địch đang nhằm vào để nổ súng lần nữa chắc nhất định là chết. Kẻ gan dạ nhất cũng ngập ngừng không muốn dấn thân vào chỗ chết như thế. Bản thân Ănggiônrátx cũng rùng mình. Chàng nhắc lại:

- Không có ai cả à?

 Chú thích:

[1] Nhắc tới truyền thuyết Đông Giuyăng mà Môlie đã diễn tả lại trong vở kịch: Đông Giuyăng. Khi Đông Giuyăng nhận lời mời đưa tay cho tượng kỵ sĩ nắm thì trời nổi sấm sét, đất nứt và vùi Đông Giuyăng

 

 

II

LÁ CỜ-MÀN HAI

 

( Le drapeau - Deuxième acte)

 

Từ lúc đến Côranh và bắt đầu xây dựng chiến lũy, không ai để ý đến cụ Mabớp nữa. Trái lại, ông cụ không rời đoàn người phút nào. Cụ vào tầng dưới quán rượu và đến ngồi sau quầy kế toán. Có thể nói ở đó là nơi cụ đã hòan toàn thu mình trong thâm tâm. Có vẻ như cụ không còn nhìn thấy gì và cũng không suy nghĩ gì nữa. Cuốcphêrắc và nhiều người khác đôi ba phen đã đề nghị cụ nên đi nơi khác, nhưng cụ ra vẻ như không nghe thấy gì. Không có ai nói gì khác với cụ thì môi cụ lại mấp máy như trả lời, nhưng hễ có ai hỏi chuyện, thì mồm cụ lại ngậm tăm và cặp mắt như đờ đẫn, hết thần. Vài giờ trước khi chiến lũy bị tấn công, cụ đã ngồi im như pho tượng, dáng điệu không hề thay đổi: hai bàn tay nắm chặt lại đặt lên trên đầu gối, còn đầu thì nghiêng về phía trước như nhìn vào một hố sâu. Không có gì cho cụ ra khỏi dáng điệu ấy nổi, trí óc cụ tuồng như không còn ở trong chiến lũy nữa. Khi ai nấy đều về vị trí chiến đấu thì trong gian phòng thấp chỉ còn mình Giave bị trói vào cây cột, một nghĩa quân tay cầm thanh kiếm trần đang gác Giave và cụ. Lúc cuộc tấn công bắt đầu, súng nổ làm cụ giật mình và cũng hình như đánh thức cụ dậy. Tự nhiên cụ đứng lên, đi ngang qua gian phòng, và lúc Ănggiônrátx kêu gọi lần thứ hai: “Không có ai cả à?” thì cụ hiện ra trên ngưỡng cửa quán rượu.

Sự có mặt của cụ làm cho các nhóm đang chiến đấu như bị điện giật. Có tiếng kêu:

- Người bỏ phiếu xử vua đấy! Đại biểu viện Khế ước! Đại biểu nhân dân đấy kìa!

Chắc là cụ chẳng nghe thấy gì.

Cụ đi thẳng đến Ănggiônrátx. Nghĩa quân kinh hãi và kính cẩn. Cụ giật lá cờ trong tay Ănggiônrátx. Ănggiônrátx lùi lại sửng sốt, và trong lúc không ai dám ngăn cụ, hoặc giúp cụ một tay, ông già tám mươi ấy bắt đầu leo lên các phiến đá xếp thành bậc thang trong chiến lũy, đầu vẫn lắc lư, nhưng bước chân vững chắc. Cảnh tượng rất dữ dội vĩ đại làm cho mọi người chung quanh cụ buột miệng: bỏ mũ xuống! Cứ mỗi bậc cụ tiến lên, cảnh tượng lại càng khủng khiếp. Đầu tóc bạc, nét mặt già nua, vừng tráng rộng, hói và nhăn nheo, cặp má lõm sâu, cái mồm ngẩn ngơ mở rộng, cánh tay gầy gò giương cao lá cờ đỏ, tất cả từ trong bóng tối bước ra và hiện to lên dần ánh đuốc màu máu. Mọi người đều có cảm giác đang nhìn bóng ma của năm 93[1] từ dưới đất hiện lên, trong tay cầm nắm lá cờ khủng bố.

Khi ông cụ đã leo đến bậc đá cuối cùng, khi cái bóng ma run rẩy và đáng sợ ấy đứng thẳng người lên trên đống đồ đạc gãy nát đối diện với một nghìn hai trăm miệng súng vô hình ở đằng kia, và nhìn thẳng vào cái chết như coi nó chẳng ra gì, thì tất cả cái chiến lũy đang chìm trong bóng tối bỗng dưng có một vẻ gì phi thường, kỳ vĩ.

Một phút im lặng long trọng như chỉ thấy ở những cảnh tượng lỳ diệu.

Giữa cảnh im lặng ấy, cụ già phất cao lá cờ đỏ và thét lên:

- Cách mạng muôn năm! Cộng hòa muôn năm! Bình đẳng, bác ái! Và chết!

Bên kia nghe có tiếng thì thầm rất nhỏ và rất mau tựa hồ như tiếng một cha cầu kinh hấp tấp. Có lẽ là tiếng anh cẩm cảnh sát ở cuối phố kêu gọi giải tán. Giọng người oang oang ban nãy đã hô: Ai? lại thét lớn:

- Hãy đi đi!

Cụ Mabớp mắt trắng nhợt, đờ đẫn, cặp mắt hoảng loạn sáng rực lên. Cụ giơ ngọn cờ lên khỏi đầu và lặp lại:

- Cộng hòa muôn năm!

- Bắn! Giọng người bên kia ra lệnh.

Lần thứ hai một loạt súng nổ ầm ầm vào chiến lũy. Ông già khuỵu xuống, lại cố gượng đứng lên. Lá cờ trong tay cụ rơi ra. Cụ ngã ngửa ra đằng sau, rơi xuống mặt đường như tấm ván sóng sượt, hai tay thành chữ thập.

Máu chảy lên láng. Gương mặt tái xanh, rầu rầu  vẫn như còn nhìn lên trời cao.

Mọi nguời xúc động mạnh đến nỗi quên cả đề phòng quân địch, ùa đến bên cạnh xác ông cụ, trong lòng vừa kính vừa sợ.

Ănggiônrátx nói:

- Thật là lạ lùng! Những con người dám bỏ phiếu giết vua.

Cuốcphêrắc ghé vào tai Ănggiônrátx kêu gọi:

- Các đồng chí! Đây là gương người già nêu cho bọn trẻ chúng ta. Chúng ta đang ngập ngừng thì cụ chạy đến, chúng ta lùi bước thì cụ đã tiến lên... Rõ ràng đó là bài học mà những người run rẩy vì tuổi tác dạy cho những kẻ run rẩy vì sợ chết. Đối với Tổ Quốc, cụ đây là một con người cao cả. Cụ sống lâu dài và chết vinh quang! Bây giờ thì chúng ta hãy khiêng cụ vào trong nhà nằm, và mỗi chúng ta phải bảo vệ cụ già đã chết này như bảo vệ bố mẹ sống của chúng ta. Mong rằng sự có mặt của cụ trong bọn chúng ta sẽ làm cho chiến lũy không bao giờ rơi vào tay quân địch!

Tiếp theo lời ấy có tiếng rì rào tán thành, vừa đau buồn vừa kiên quyết.

Ănggiônrátx cúi xuống, nâng đầu ông cụ lên. Đôi mắt long lanh dữ tợn anh hôn vào trán ông cụ và cầm tay ông cụ đặt ra hai bên, nhẹ nhàng, âu yếm như sợ cụ đau, rồi cởi chiếc áo cụ ra, đưa lên cho mọi người trông rõ các vết đạn đẫm máu:

- Từ giờ, đây là lá cờ của chúng ta.

 

Chú thích:

[1] 1793, thời kỳ quyết liệt nhất của Cách mạng dân quyền Pháp