Cuộc khởi nghĩa nổ ra từ sự va nhau giữa công chúng với quân đội. Ở trước xưởng Quân khí. Sự va chạm đó làm nẩy ra một cuộc vận động từ trước ra sau của đám đông theo xe tang, đám đông đó kéo dài suốt đại lộ vốn là một sức đùn mạnh mẽ đối với đoạn đầu đoàn tang lễ. Dân chúng ùn ùn mất cả hàng ngũ, ai cũng đi, ai cũng chạy, cũng thoát ra, tràn qua trái, qua phải thành những con suối trên hai trăm đường phố một lúc, chảy xiết như mở cống sông đào. Lúc ấy, một chú bé rách rưới từ phố Mêninmôngtăng đi lại, tay cầm một cành thị mun trổ hoa mà chú vừa hái trên vùng đồi Benlơvin. Chú thấy trong quầy của mụ hàng xén có một khẩu súng ngắn kỵ binh. Chú vứt cành hoa rơi xuống đất kêu:
- Bà gì ơi, tôi mượn cái súng của bà đó. Rồi chú tóm khẩu súng và biến đi.
Vài phút sau, một đoàn tư sản sợ sệt chạy trốn qua phố Amơlô và phố Bátxơ gặp chú bé đang vung súng hát:
Đêm tối tò mò
Ngày thì sáng tỏ
Bởi sách đáng ngờ
Thằng giàu rối tó
Đạo đức, phải lo
Bo bo,
Mũ nhọn chờ đó.
Đó là bé Gavrốt ra trận.
Đến đại lộ, nó nhận thấy súng không có cò.
Ai đã đặt khúc hát để cho nó hát nhịp bước hành quân và nói chung cho tất cả các bài hát mà nó thích hát khi có dịp? Chúng tôi không rõ. Biết đâu không phải là chính nó? Cũng phải nhận rằng Gavrốt rất am hiểu các bài hát bình dân lưu hành, và nó cũng thường thêm thắt điệu ngân nga của nó. Lêu lổng và tinh nghịch, nó đem âm thanh của tạo vật và âm thanh của Pari làm thành một hợp ca hỗ lốn. Nó hòa hợp xưởng chim với xưởng thợ. Nó có quen biết một số trẻ học vẽ và loại tiếp cận với loại nó. Hình như nó cũng đã từng học nghề in ba tháng. Một hôm nó đi giúp việc cho ông Bana Lormiăng, một số tứ thập[1] Gavrốt là một chú “văn đồng”
Thực ra trong cái đêm mưa mà Gavrốt đã cho hai chú bé tạm trú với mình trong bụng voi, chú đâu có biết chú đã là cứu tinh đối với chính em ruột chú. Cứu em lúc chập tối, cứu cha lúc sắp sáng, cái đêm của chú là thế đấy. Tang tảng sáng, từ phố Banlê trở về chỗ con voi, chú đã moi hai đứa bé một cách nghệ thuật từ bụng voi ra, chú đã chia với chúng cái bữa ăn sáng chú tạo ra, xong chú gửi chúng lại cho đường phố, bà mẹ hiền hầu như đã nuôi dưỡng chú. Rồi chú đi, không quên hẹn chúng đến tối lại cùng nhau trở về chỗ đó. Chú đọc bài diễn văn tạm biệt này: tao bẻ gậy đây, tức là tao cút hoặc nói như bọn quan tòa; tao đi thẳng. Lũ nhóc, nếu chúng bay không tìm thấy bố mẹ thì tối nay lại cứ đến đây. Tao sẽ kiếm cho mà ăn tối và tao cho ngủ.
Có thể cảnh sát đã lượm hai đứa bé và lưu giữ để chờ cha mẹ nhận. Hoặc là một tên xiếc nào đó đã bắt chúng, hoặc chúng chỉ đi lạc trong cái bàn cờ[2] Pari mà thôi. Dù sao thì chúng cũng không trở lại. Ở dưới đáy xã hội hiện tại, sự mất hút như thế là thường. Gavrốt không gặp lại hai đứa bé. Mươi mười hai tuần lễ đã trôi qua từ đêm ấy. Đã nhiều lần nó gãi đầu tự hỏi: quái! Không biết hai đứa con ta đi vào đâu nhỉ?
Vừa đi vừa vung súng, nó đã đến phố Pôngtôsu. Nó đã để ý phố đó chỉ còn một hiệu cưả mở, và điều đáng suy nghĩ, đó là một hiệu bánh ngọt. Trước khi dấn thân vào vô định, được ăn một cái bánh quai vạc nhân táo là một phúc lớn trời cho. Gavrốt dừng lại sờ mông, lục bao, lộn túi áo; không có lấy một đồng xu, không có gì cả! Nó bèn kêu: Cứu tôi với! Cứu với!
Không được ăn bánh ngọt một lần cuối cùng, rõ là cay đắng.
Tuy nhiên, Gavrốt vẫn tiếp tục đi lên.
Chỉ vài phút sau, nó đã đến phố Xanh Lui. Đi qua phố Pắc Rôian, thấy cần phải bù đắp nỗi thiệt thòi không được ăn bánh quai vạc nhân táo không thể có, nó bèn tự thưởng cho mình cái thú xé toang các tờ quảng cáo sân khấu giữa ban ngày ban mặt.
Đi một đỗi nữa, nó thấy có một nhóm người hồng hào đi qua, có vẻ như là người nghiệp chủ. Nó nhún vai và khạc ra một tràng triết lý sau:
- À, ngữ có lợi tức này, chúng nó béo làm sao? Chúng nhồi nhét đầy bụng. Chúng lội bì bõm trong cao lương mĩ vị. Thử hỏi chúng dùng tiền làm gì, chúng cóc biết. Chúng dùng để ăn chứ làm gì nữa? Bụng mang được chừng nào thì mang mà!
Chú thích:
[1] tức là một viện Hàn lâm Pháp – viện ấy có con số nhất định 40 viện sĩ
[2] nguyên văn: casse – têtechinois: một trò chơi rắc rối gồm có một cái bàn trên xếp các mẩu gỗ theo nhiều hình và biến dạng
II
GAVRỐT HÀNH QUÂN
( Gavroche en marche)
Chỉ cái việc cứ đi giữa cái đường cái, tay hoa một khẩu súng ngắn mất còi cũng đã là một chức vụ quan trọng ghê gớm nên Gavrốt ta càng đi càng phởn, nói năng huyên thuyên. Nó vừa hát từng mẩu của bài Mácxâyde, vừa kêu to:
- Tốt lắm! Chân trái ông đau, xương cứ nhức nhối vì cái anh thấp khớp hành hạ nhưng ông đang khoái đây, quốc dân ạ! Bọn tư sản chúng mày liệu hồn, ông phết cho vài câu hát biếm bây giờ! Mật thám là cái thá gì? Là chó. Hừ, chó đểu! Thôi cũng đừng làm mất danh giá chó làm gì. Chính ông cũng muốn có một con[1] cho cái khẩu súng này cái. Anh em ơi, ta ở đại lộ về đây. Nóng ra phết, đang sôi âm ỉ, đang sủi bọt. Phải vớt bọt đi thôi. Nào anh em tiến lên! Khá lấy máu bọn hôi tanh tưới ngập luống cày[2]. Tớ hiến đời tớ cho Tổ quốc, tớ không còn thấy lại con nhân tình, Hết mẹ nó rồi! Nhưng đếch cần, thế mà khoái tỉ đấy, vui vẻ muôn năm! Đánh nhau đi! Ông ngấy chuyên chế rồi!
Vừa lúc ấy, có một con ngựa của một quốc dân đi qua ngã qụy xuống. Gavrốt đặt súng xuống đất, đỡ anh ta lên rồi lại giúp anh ta nâng con ngựa dậy. Rồi chú lại nhặt khẩu súng bước đi.
Phố Tôrinhi thật là yên tĩnh, tĩnh mịch. Trái ngược với cảnh huyên náo xung quanh, cái vẻ lầm lì ấy thật đúng với đặc tính của xóm Mare. Bốn mụ già đứng nói chuyện trước cửa.
Xứ Êcốtxơ có những bộ ba nữ phù thủy, thành Pari có những bộ bốn gái rỗi mồm. Cái câu tiên tri: “Anh sẽ làm vua” được ném rùng rợn lên đầu Bônapác ở ngã tư Bôđôiê cũng như lên đầu Macbét trên đồng còi Acmuya. Cũng một tiếng quạ kêu như vậy.
Thứ đàn bà lắm mồm phố Tơrinhi chỉ lo nghĩ đến công việc của họ thôi. Đó là ba mụ gác cổng và một mụ đi nhặt giẻ rách, lưng đang đeo sọt, tay cầm móc.
Cả bốn người hình như tiêu biểu cho bốn đặc tính của tuổi già: lụ khụ, khặc khừ, tàn tạ và buồn nản.
Mụ nhặt giẻ nhún nhường. Trong cái thế giới lộng gió này mụ nhặt giẻ chào hỏi, mụ gác cổng che chở. Cái đó tùy thuộc cái đống rác to hay nhỏ, theo ý kẻ vun rác. Cái chổi cũng có thể có lòng nhân đức.
Mụ nhặt giẻ này là một người nhớ ơn nghĩa. Mụ cười niềm nở với ba mụ gác cổng. Họ nói với nhau đại khái:
- À này, con mèo của bà dạo này vẫn ác đấy chứ?
- Chao ôi! Mèo thì bà biết đấy, là kẻ thù tự nhiên của chó. Chính lũ chó kêu rên đấy chứ.
- Người ta cũng kêu.
- Nhưng mà bọ mèo có bám theo người đâu.
- Cái đó không quuan trọng. Chó mới là nguy hiểm. Tôi nhớ có một năm nào đó, chó sinh ra nhiều quá đến nỗi người ta phải đăng báo. Đó là ở trong cái thời mà điện Tuylơri có những con cừu to lớn kéo cái xe con của vua Rômơ. Các bà còn nhớ vua Rômơ chứ?
- Tôi thì tôi thích công tước Borđơ.
- Tôi à, tôi có biết Lui XVIII. Tôi ưa Lui XVIII hơn.
- Thịt đắt quá, bà Batagông ạ!
- Chao ôi! Đừng có nói chuyện với tôi. Hàng thịt là một điều ghê tởm. Một điều ghê tởm. Chỉ mua được xương xẩu thôi.
Mụ nhặt giẻ xen vào:
- Các bà ạ, việc buôn bán chẳng ra sao. Rác rưởi cũng bị phá hoại. Người ta có vất gì đâu, người ta ăn tuốt.
- Cũng có kẻ nghèo hơn bà đó bà ạ, như mụ Vácgulen.
- À ừ, đúng đấy, mụ nhặt giẻ đáp kính cẩn. Tôi còn có nghề sinh sống.
Họ nghĩ một lát. Rồi tuân theo cái nhu cầu trưng bày cố hữu của loài người, mụ kể thêm:
- Buổi sáng về nhà, tôi lọc giẻ, tôi làm cái việc chọc lọn (chắc mụ muốn nói chọn lọc). Đổ từng đống trong buồng. Tôi bỏ giẻ trong thúng, lõi củ trong thùng, quần áo trên ngăn tường, len dạ trong tủ, giấy báo trên xó cửa sổ, cái gì ăn được vào chậu, chai, kính trên bệ sưởi, giày dép sau cánh cửa ra vào, và xương xẩu vào dưới giường.
Gavrốt dừng lại đằng sau họ, lắng nghe rồi nói:
- Này các cố, các cố nói chuyện chính trị đấy à?
Cả bốn mụ hùa nhau mắng xả vào mặt nó:
- Lại một thằng vô lại!
- Xem tay nó cầm cái gì kia? Một khẩu súng ngắn!
- Tôi xin các bà, cái thứ nhãi ranh ấy!
- Quân này chưa lật được chính phủ thì chưa chịu ngồi yên đâu!
Gavrốt khinh bỉ, chỉ trả thù bằng cách lấy ngón tay cái hếch cái mũi lên và xòe bàn tay ra. Mụ nhặt giẻ kêu:
- Đồ khố dây!
Mụ tên là Patagông vỗ hai tay vào nhau, tru tréo:
- Chuyến này thì nguy đến nơi! Cái thằng ranh con bên hàng xóm mới để râu ấy mà. Sáng nào tôi cũng thấy nó cắp nách một con bé mũ hồng, thế mà sáng nay tôi thấy nó cắp một khẩu súng. Bà Masơ nói đâu tuần trước có cách mạng ở, ở… mẹ nó! Ở đâu rồi, à ở Pông toa, Các bà cứ nhìn cái thằng trời đánh kia, oắt con thế mà đã cầm súng. Nghe đâu tu viện Xêlecxtanh đầy cả đại bác. Các bà tính, chính phủ làm thế nào cho yên với những đồ du thủ, du thực nay đặt chuyện này mai bày chuyện khác để quấy nhiễu người ta. Khổ bỏ mẹ người ta rồi mới yên được một dạo rồi nay chúng lại giở quẻ. Lạy Chúa tôi! Tội nghiệp cho bà hoàng hậu! Tôi thấy bà trong chiếc xe bò chở ra pháp trường. Cứ lôi thôi thế này chỉ tổ thuốc là đắt. Quả là một sự điếm nhục! Thế nào cũng có ngày tao được trông thấy mày bị chém cổ.
- Này mụ kia, Gavrrốt nói, đừng khịt mũi nữa. Lấy khăn xỉ mũi đi thôi!
Rồi nó bỏ đi.
Đến đường Pavê, sực nhớ tới mụ giặt giẻ, nó nói một mình:
- Cố Góc xó à, cố mắng những người cách mạng là sai. Khẩu súng này là vì cố đấy. Để cho sau này trong cái sọt của cố có nhiều cái ăn được.
Thình lình, nó nghe sau lưng mình có tiếng động. Thì ra mụ gác cổng Patagông vẫn đuổi theo nó và từ đằng xa giơ quả đấm ra dọa:
-Đồ con hoang!
- Cái đó ông đếch cần!
Lát sau, nó đi qua khách sạng Lamanhông. Ở đây nó hô:
- Tiến ra trận nào!
Nhưng rồi nó ỉu xìu ngay. Nó nhìn khẩu súng có vẻ oán thán như muốn làm cho khẩu súng cảm động.
- Tao thì ra trận, còn mày thì không chịu ra cho.
Một con chó gầy rạc đi qua. Con chó làm quen cái cò súng. Nó thương hại kêu:
- Tội nghiệp con tu hú! Mày nuốt chửng cái thùng rượu sao mà đai thùng lòi ra hết hai bên như thế?
Rồi nó đi về phố Xanh Giécve.
Chú thích:
[1] một con: một con chó. Nguyên văn chien vừa có nghĩa là chó vừa có nghĩa là cò súng
[2] Gavrốt nhại một câu trong bài Mácxâyde, quốc ca Pháp