Phăngtin đem Côdét gửi vợ chồng Tênácđiê rồi lại lên đường đến Môngtơrơi.
Người ta vẫn còn nhớ là lúc ấy vào năm 1818.
Phăngtin rời bỏ tỉnh nhà ra đi đã được mười năm: Môngtơrơi đã thay đổi nhiều. Nàng thì hết vận hạn này đến vận hạn khác ngày một lụn bại, nhưng tỉnh quê của nàng thì cứ thịnh vượng dần mãi lên.
Nguyên do là hai năm trước, ở đây đã có một biến chuyển công nghiệp, một sự kiện quan trọng ở tỉnh nhỏ.
Chi tiết này quan trọng, chúng tôi thấy cần phải nói rõ, có khi phải nhấn mạnh nữa.
Từ lâu đời, đất Môngtơrơi vẫn có nghề riêng là làm huyền Ănglê giả và đồ thủy tinh đen như của Đức. Công nghệ đó sống vất vưởng vì nguyên liệu đắt đỏ ảnh hưởng đến nhân công. Vào khoảng Phăngtin trở về quê nhà, nghề làm đồ huyền và thủy tinh đen tự nhiên biến đổi một cách kỳ diệu. Số là khoảng cuối năm 1815 có người không biết từ đâu đến Môngtơrơi tìm cách làm ăn. Người ấy nghĩ ra được một phương pháp mới, lấy cánh kiến thay cho nhựa làm nguyên liệu và trong cách làm vòng đeo tay đã dùng cốt bằng tôn kháp lại chứ không phải hàn liền. Thay đổi nhỏ ấy đã có giá trị như một cuộc cách mạng.
Thật thế, sự thay đổi nhỏ nhặt ấy đã làm cho giá nguyên liệu giảm xuống phi thường. Do đó, một là tiền công thợ được tăng, lợi cho dân tỉnh, hai là phương pháp chế tạo cải tiến, lợi cho người tiêu thụ, ba là đã rất rẻ mà tiền lãi còn gấp ba trước, lợi cho chủ xưởng.
Như thế là một sáng kiến đã đem lại ba kết quả.
Chưa đầy ba năm, người phát minh kia trở nên giàu có, đó là một điều hay, anh lại còn làm cho mọi người chung quanh mình cũng được giàu có, điều đó lại càng hay hơn. Người ấy không phải là dân bản hạt. Chẳng ai biết quê quán anh ta ở đâu. Cũng chẳng ai biết lúc thiếu thời anh ta sinh sống như thế nào.
Nghe nói lúc mới đến Môngtơrơi, lưng vốn anh ta chẳng là bao, chỉ độ mấy trăm phơrăng là cùng.
Lưng vốn chỉ có thế nhưng anh ta khai thác được sáng kiến ấy, lại làm ăn có ngăn nắp và có suy nghĩ nên không bao lâu anh đã làm giàu cho mình, lại làm giàu cho cả xứ.
Lúc anh ta mới đến, anh ăn mặc, đi đứng, nói năng như một dân thợ.
Nghe đâu anh ta lủi thủi vào thị xã Môngtơrơi nhỏ bé này một buổi chiều tối tháng chạp, lưng đeo ba lô, tay cầm một chiếc gậy gai. Giữa lúc ấy thì một đám cháy lớn xảy ra ở ngay hội đồng thị chính. Chẳng quản nguy hiểm, anh ta đã lăn xả vào đám cháy cứu được hai đứa trẻ. Hai trẻ lại chính là con viên đại úy cảnh sát trưởng. Thành ra không ai nghĩ đến việc xét giấy thông hành của anh ta. Sau đó người ta biết tên anh ta. Người ta gọi là bác Mađơlen.