Tác giả rất tiếc là phải nói đến bản thân mình, nhưng thấy cần phải nói. Đã bao năm nay, tác giả xa Paris. Từ độ ấy, Paris có nhiều thay đổi. Paris ngày nay là một thành phố mới, đối với tác giả hầu như xa lạ. Tác giả không cần nói mình yêu Paris, Paris đã là quê hương tinh thần của tác giả. Paris đã qua bao nhiêu sự phá hoại, bao nhiêu sự kiến thiết, cái thành phố Paris thừi tươi trẻ của mình, cái thành phố Paris mà mình kính cẩn mang hình ảnh bên lòng, Paris ấy bây giờ đây là một Paris của dĩ vãng. Bạn đọc hãy cho phép tác giả nói đến cái Paris xưa ấy như là nó đương còn hiện tại. Có khi tác giả đưa bạn đến một khu vực nào đó và nói: “ở con đường phố ấy có ngôi nhà thế kia” thì ngày nay phố chẳng có, mà nhà cũng không. Bạn đọc sẽ soát lại xem nơi kia nơi nọ có còn như cũ không, nếu chịu mất công. Riêng về phần tác giả, tác giả không quen thuộc với Paris mới. Tác giả viết truyện này với ảo ảnh của Paris ngày xưa trước mắt, một ảo ảnh muôn phần đáng quí. Thật dễ chịu biết bao nhiêu khi tác giả mơ tưởng là giờ đây, vẫn còn dấu vết của những sự vật mình đã trông qua trong những ngày còn ở quê cha đất tổ, là không phải mọi vật đều đã tan biến như mây khói. Ngày nào còn đi đi lại lại ở quê hương thì anh còn tưởng rằng những con đường phố ấy, những mái nhà, những cánh cửa ấy chẳng dính dáng gì đến anh, những cây cối ấy giống như muôn nghìn cây cối khác, những ngôi nhà anh không bước chân vào ấy chẳng có ích lợi gì cho anh, những phiến đá lát đường anh giẫm chân lên chỉ là những phiến đá. Đến khi anh xa quê hương, anh mới nhận thấy những con đường kia là thân thiết, anh nhớ những mái nhà, những cánh cửa ấy, anh thấy những bức tường kia cần cho đời anh, những cây cối kia là bạn lòng của anh; những ngôi nhà anh không đặt chân đến, bây giờ anh thấy thật ra anh đã vào ra hàng ngày và những phiến đá lát đường, anh đã trải ruột gan, anh đã dội máu nóng của con tim anh lên trên ấy. Đối với hình ảnh những nơi ấy mà anh không đến nữa, - có lẽ không bao giờ anh còn được đến lại nữa, - đối với những hình ảnh ấy say mê một cách xót xa. Những hình ảnh ấy đã đến mãi với anh, rầu rầu như một bóng mơ, nó làm cho quê hương thiêng liêng hiển hiện trước mắt. Có thể nói đó là hình dung của nước Pháp, anh yêu những hình ảnh ấy, anh gợi nó lên nguyên hình, như hệt ngày xưa, anh bám chặt lấy nó, anh không muốn thay đổi một tí gì cả, bởi vì anh quý chuộng vẻ mặt tổ quốc cũng như vẻ mặt mẹ anh.
Bởi thế tác giả xin được phép nói về sự vật quá khứ như còn hiện tại, bạn đọc nhớ cho và cho phép tác giả kể tiếp.
Giăng VanGiăng rời bỏ ngay đại lộ và đi vào các đường phố. Ông cố rẽ ngoặt rất nhiều bận, một đôi khi ông quay trở lại một quãng, đột ngột, để xem cho chắc là không ai đuổi theo mình.
Đó là mánh khóe của con nai bị săn đuổi. Cách ấy có nhiều cái lợi, cái thứ nhất là nó đánh lừa người đi săn và chó săn bằng những vết chân chồng dấu ở những chỗ đất mềm. Gặp trường hợp như thế, trong đạo săn bắn, người ta gọi lóng là con nai đã trườn.
Đêm hôm ấy là một đêm trăng tròn. Giăng VanGiăng thấy như thế rất lợi bởi vì mặt trăng còn thấp, trong các đường phố bóng tối và ánh sáng in thành hai mảng Vangiăng có thể tiến men theo các dãy phố, bên phía bóng tối và nhìn rõ ra phía sáng trăng. Ông quen nghĩ rằng như thế thì ông cũng chẳng thấy gì bên phía bóng tối. Và ông tin chắc rằng không có ai lần mò theo ông trong các ngõ ngách quanh phố Pôlivô.
Côdét không hỏi một câu nào cả, lặng lẽ di theo. Sáu năm đau khổ trong tuổi thơ ấu đã rèn luyện cho nó một tâm hồn cam chịu. Vả lại nó đã làm quen với tính kỳ quặc của Vangiăng, nó cũng quen thấy những cái bất ngờ của số mệnh. Hơn thế, có Vangiăng, thì cd chẳng thấy có gì đáng sợ nữa.
Giăng VanGiăng cũng không hơn gì Côdét, ông không biết mình đi đâu. Ông tin cậy Chúa cũng như Côdét tin cậy ông. Ông cảm thấy bàn tay ông cũng đương ở trong tay một người lớn hơn, một người vô hình, người ấy đương dắt dẫn ông đi. Ông không óc ý định, không có chương trình, không dự tính. Ông cũng chưa tin chắc rằng đó là Giave. Mà nếu có Giave thì chắc gì Giave đã nhận ra Giăng VanGiăng? Ông không cải trang là gì? Người ta cho là ông đã chết rồi kia mà! Những mấy ngày gần đây có những hiện tượng không thường. Thế là đủ cho Giăng VanGiăng quyết định không trở về nhà Gorbô nữa. Ông tìm một cái hốc để trốn tạm như một con thú bị đuổi khỏi hang, trong khi chưa tìm ra một xó nào để ở.
Giăng VanGiăng qua lại lui tới quanh có trong khu phố Muphơta. Hàng phố ngủ sớm cả, im lìm, như còn đương sống trong pháp chế trung cổ với cái luật giới nghiêm khắc nghiệt. Ông qua lại nhiều đường phố chằng chịt, theo những chiến thuật cao kỳ. Có những nhà trọ đây đó nhưng ông không vào vì nhà trọ không thích hợp với ông. Ông tin chắc rằng nếu vạn nhất có gười nào theo dấu ông thì người ấy cũng chưa mất dấu đâu.
Ông đi qua phố Pôngtoa, ngang đồn cảnh sát ở số nhà 14, khi đồng hồ nhà thờ Đuymông đổ mười một tiếng. Mấy phút sau vẫn theo linh tính ông quay mặt lại. Nhờ ánh đèn trước cửa đồn cảnh sát, ông trông thấy rõ ràng có ba người theo chân ông, lần lượt đi qua dưới ánh đèn, về phía bóng tối của đường phố. Một người trong bọn đi vào cổng đồn. Người đi đầu trông dáng rất khả nghi. Ông bảo với Côdét:
- Đi đây con.
Rồi ông vội vã rời bỏ phố Pôngtoa. ( Pontoire)
Ông mở một con đường cung đi vòng cổng Patơriắc đã đóng, bước sải qua phố Êpê Đơ Boa và phốAcbalét và tiến vào phố Pốt.
Ở chỗ ấy có một ngã tư ngày nay có trường Rônlanh (Roland). Phố mới Xanhtơ Giơnơvievơ (Sainte Geneviève) bắt đầu từ ngã tư này. (Chẳng cần phải nói là phố mới Xanhtơ Giơnơvievơ là một phố cổ và đến mười năm cũng không có một chuyến xe trạm qua phố Pốt. Cái phố Pốt này hồi thế kỷ 13 con người làm đồ gốm và chính tên của nó là phố Pô (Pô: pot, tiếng Pháp chỉ các thứ bình, lọ, vại bằng đất nung hay bằng sắt. Pốt:( postes, tiếng Pháp nghĩa là trạm bưu điện).
Trăng rằm dội ánh vằng vặc xuống ngã tư. Vangiăng nấp vào một cái cửa. Ông đồ rằng nếu như bọn chúng còn theo dõi ông thì khi chúng đi qua dưới ánh trăng, ông sẽ trông thấy chúng rõ mồn một.
Đúng như ông đoán, không đầy ba phút sau, bọn ấy hiện ra, bây giờ là bốn người chứ không phải ba nữa. Tên nào cũng cao lớn, cũng mặc áo khoác đen dài, đầu đội mũ tròn, tay cầm gậy lớn. Hình vóc cao lớn và bàn tay hộ pháp của chúng trông cũng dễ sợ như dáng đi hắc ám của chúng, chúng có vẻ là bốn con ma hóa trang làm người thành thị.
Chúng dừng lại giữa ngã tư và chụm đầu như thể hội ý. Chúng có vẻ do dự. Cái tên ra dáng cầm đầu quay lại và chỉ rất nhanh về hướng vg đi. Một tên khác có vẻ nhất quyết chỉ hướng ngược lại. Khi tên thứ nhất quay lại thì ánh trăng rọi vào ngay mặt nó. Giăng VanGiăng (Jean Valjean) nhận ra quả thị là Giave. (Javert)