iăng VanGiăng đang ở dưới cống ngầm Pari. Xuống đấy, càng thấy Pari giống như một biển cả. Hụp lặng trong đó cũng như trong biển có thể biến mất như chơi.
Kể cái việc di chuyển ấy cũng kỳ lạ. Giăng VanGiăng vừa ở giữa thành phố vừa là đã ra ngoài thành phố. Chỉ một nháy mắt, vừa đủ để mở cái vung lên rồi đậy ngay lại, Giăng VanGiăng đã từ một nơi đầy ánh sáng bước vào một nơi tối đen như mực, từ giữa trưa bước vào nửa đêm, từ náo động bước vào tĩnh mịch, từ nơi sấm sét dồn dập bước vào cảnh tĩnh tại trong mồ. Cuộc biến đổi kỳ diệu gấp mấy cuộc biến đổi trên phố Pôlôngxơ, Giăng VanGiăng bước từ một nơi vô cùng nguy hiểm đến một nơi tuyệt đối an toàn.
Rơi tõm vào một cái hầm: bỗng chốc mất hút dưới lãnh cung thành Pari, rời một đường phố đầy rẫy chết chóc xuống một hầm mộ có sự sống. Phút ấy thật kỳ lạ. Giăng VanGiăng choáng váng mấy giây đồng hồ, người như mất hồn. Cái bẫy cứu người vừa mới mở ra dưới chân ông. Lòng Trời dường như lừa gạt dúi ông vào đấy. Cạm bẫy của Chúa mới phúc đức làm sao!
Tuy nhiên người bị thương vẫn im lìm, không động đậy. Giăng VanGiăng không biết là mình vác trên vai một xác chết hay một người còn sống.
Thoạt tiên ông thấy như mù cả hai mắt. Bỗng dưng chẳng trông thấy gì. Trong khoảnh khắc, ông lại cảm thấy như điếc cả hai tai nữa, không nghe thấy gì hết. Cuộc chém giết như một cơn bão táp điên cuồng đang diễn ra ở trên đầu ông, cách mấy thước, chỉ còn là tiếng động đùng đục, mơ hồ, vì cách một lớp đất dày, giống như tiếng rầm rì ở một nơi sâu thẳm. Ông cảm thấy dưới chân ông, có cái gì rắn chắc, chỉ thế thôi; nhưng như thế cũng đủ. Ông quờ một tay lên rồi quờ tay kia; hai tay chạm phải vách tường ở hai bên, nhờ thế ông biết rằng con đường hầm này hẹp. Ông thấy đường trơn, biết là đá lát cũng sũng nước. Ông thận trọng đưa chân sờ soạng, sợ có hố, có giếng chứa bẩn hay vực thẳm. Ông nhận thấy đá lát còn kéo dài. Một mùi hôi thối bốc lên, ông đoán biết ông ở đâu.
Chỉ một lát sau, ông thấy mắt không mù nữa. Có một chút ánh sáng chiếu ra cửa hầm ông vừa tụt xuống, và ông cũng đã quen với bóng tối trong hầm. Ông nom lờ mờ được rồi. Ở cái hành lang mà ông vùi mình- phải nói như vậy mới đúng cảnh- phía đằng sau ông, có một bức tường bưng kín; chỗ ông đứng nấp là một cái ngách cụt mà ngôn ngữ chuyên môn gọi là chi nhánh. Đằng trước cũng là một thứ đường khác: đó là đêm dài thăm thẳm. Ánh sáng đục mờ lọt vào chỉ soi được mươi, mười hai bước trước mặt Giăng Vangiăng và yếu ớt chiếu vào thành tường ẩm ướt trong vòng mấy mét. Quá khoảng ấy thì bóng tối dày đặc, dấn mình vào đấy thì thật là khủng khiếp tưởng như rơi vào vực thẳm. Tuy thế vẫn có thể xông vào bức tường mù mịt ấy, cần phải xông vào đấy; hơn thế phải xông vào nữa kia. Giăng Vangiăng nghĩ rằng bọn lính có thể trông thấy, như ông, tấm vỉ sắt dưới đống gạch lúc nãy, họ cũng có thể xuống cống, vào sục sạo, sự ngẫu nhiên ấy quyết định tất cả. Không được chậm một phút. Lúc nãy ông đã đặt Mariuytx xuống đất, bấy giờ ông nhặt lên, tiếng này cũng dùng đúng- vác trên vai mà lần đi. Ông cương quyết bước vào đêm tối.
Giăng VanGiăng tưởng hai người đã thoát nạn, nhưng sự thật thì chưa thoát được. Những nguy hiểm kiểu khác, nhưng không kém nghiêm trọng có lẽ đang chờ đợi họ. Sau cuộc chiến đấu dữ dội như sấm sét, là một cái hang đầy uế khí, đầy cạm bẫy. Qua một nơi chiến trường hỗn độn lại đến một cống nhớp nhúa. Giăng VanGiăng rơi từ vòng địa ngục này vào vòng địa ngục khác.
Đi được năm mươi bước thì phải dừng lại. Phải giải quyết một vấn đề. Con đường hầm gặp một hầm khác xuyên ngang. Giăng VanGiăng đứng trước hai con đường. Biết đi đường nào! Rẽ tay trái hay tay phải? Biết phương hướng nào mà mò đi trong cái khoảng tối tăm rắc rối này? Nhưng như ta đã nói, những con đường chằng chịt ấy vẫn có một lối ra là xuôi theo chiều dốc; cứ xuôi theo chiều dốc mà đi tất ra phía bờ sông.
Giăng VanGiăng hiểu ngay tức khắc.
Ông tự bảo chắc là đang ở dưới cống khu chợ, nếu rẽ sang tay trái, rồi theo con đường dốc, chắc chưa đầy mười lăm phút là sẽ ra đến miệng cống ở bờ sông Xen, quãng giữa cầu Pôngtôsăng và cầu Pôngnớp, tức là ra một nơi đông đúc nhất Pari, giữa ban ngày ban mặt. Có khi lại đâm ra một ngã tư nào. Người qua đường sẽ kinh hoàng thấy hai người máu me be bét chui từ dưới chân họ lên. Cảnh binh đến, đồn lính bên cạnh động binh. Như thế thì chứ kịp chui ra đã bị bắt rồi. Thà rằng cứ giấu vào cái mê đồ trận chằng chịt này, cứ phó thân cho cái cảnh đen ngòm này, rồi thượng đế dẫn dắt đến đâu thì đến.
Ông rẽ phải, đi ngược chiều dốc.
Khi ông quặt khỏi cổng chính chút ánh sáng mờ mờ nơi cửa hầm tắt hẳn, bức màn đêm lại buông xuống trước mặt; ông lại như mù mắt. Ông cứ đi cố hết sức đi nhanh. Hai cánh tay Mariuytx choàng qua cổ ông, hai chân buông thõng đằng sau. Một tay ông nắm giữ hai tay Mariuytx, tay kia ông sờ soạng dọc tường. Má Mariuytx đẫm máu, dính vào má ông. Ông thấy dòng máu nong nóng của Mariuytx chảy lên người ông và thấm dưới lần áo. Nhưng miệng Mariuytx kề sát tai ông, vẫn có một hơi ấm ươn ướt, dấu hiện của hơi thở, tức là của sự sống. Cái cống này rộng hơn cống trước. Giăng VanGiăng nặng nề lê bước. Những trận mưa hôm qua chưa tháo hết nước; một dòng nước vẫn chảy giữa móng lòng cống ngầm. Ông phải ép người vào sát vách để đi, để khỏi đẫm nước. Cứ thế ông mò mẫm đi, giống như con vật ăn đêm lần mò trong khoảng mờ mịt và lạc lối trên những con đường của bóng tối ở trong lòng đất.
Nhưng dần dần, hoặc là có những cửa hầm xa tít le lói một thứ ánh sáng chập chờn trong khoảng sương mù đùng đục, hoặc là nhờ hai mắt đã quen bóng tối, ông trông đã hơi rõ. Ông phảng phất đoán thấy đây là bức tường ông chạm phải, kia là cái vòm hầm ông chui qua. Con người trong đôi mắt mở căng ra trong đêm tối, và cuối cùng thấy được ánh sáng; cũng như tâm hồn người ta mở căng ra trong cảnh khốn cùng, và rồi thấy được Thượng đế.
Định hướng mà tiến không phải là dễ.
Có thể nói đường lối ở cống ngầm phản ánh đường phố bên trên. Thuở ấy, Parri có hai nghìn hai trăm phố. Thử tưởng tượng ở dưới này, cái mà người ta gọi là cống ngầm đó như một rừng rậm rạp những cành nhánh ngang dọc đen ngòm. Cái hệ thống cống ngầm dạo ấy, cứ đem đặt nối nhau, phải dài đến mười một dặm.
Chúng tôi đã nói ở trên là nhờ sự nỗ lực đặc biệt ba mươi năm gần đây, hệ thống cống ngầm ngày nay dài không kém sáu mươi dặm.
Thoạt đầu, Giăng VanGiăng nhầm lẫn. Ông tưởng đang ở dưới phố Xanh Đơni, nhưng đáng tiếc là không phải. Ở dưới phố Xanh Đơni có một cái cống cũ bằng đá, xây từ thời Luy III, cống ấy đưa thẳng đến cống cái, mà người ta gọi là Cống lớn, chỉ qua một khuỷu và một chi nhánh thôi; khuỷu nằm bên phải, ngang tầm quảng trường Miraclơ, còn chi nhánh là cống Xanh Máctanh, cắt nhau thành hình chữ thập. Còn cống Pơtit Tơruyăngđơri mà cửa nằm cạnh quán Côranh thì chẳng có lúc nào mở thông với cống Xanh Đơni; nó đưa đến cống Môngmác, nơi mà Giăng VanGiăng đã đi vào. Vào đây thì có nhiều cơ thất lạc lắm, vì cống Môngmác là một trong những cống rồi rắm nhất. Cũng may Giăng VanGiăng đã đi qua cống khu chợ mà bố cục giống như một rừng cột buồm với dây, đòn xoắn nhau; nhưng ông vẫn gặp những lúng túng khó nghĩ và nhiều góc phố- đúng là những đường phố- hiện ra trong tăm tối như những chấm hỏi: thứ nhất là ở bên trái cái cống rộng Platơrie, như một trò chơi rối óc, chăng mớ hầm chữ đinh chữ chi hỗn độn của nó ở dưới lâu đài Bưu điện và dưới cái vựa chứa tròn ở chợ Gạo, và đến sông Xen thì chấm dứt theo hình chữ Y; thứ hai, ở bên phải, cái hành lang cong phố Cađrăng với ba ngõ cụt, như ba chiếc răng; ở bên trái nhánh phố Mai, thoạt vào đã rẽ ra thành một chĩa hai và cứ quanh co nhiều bận để dẫn đến cái hầm thoát lớn của điện Luvrơ, hầm này ngăn thành từng đoạn và đâm nhánh khắp các hướng; cuối cùng, ở bên phải, cái cống cụt phố Giơnơ; đó là không tính những ngách nhỏ đó đây trước khi đi đến cống bọc vành. Chỉ có cống này có thể đưa ông đến một lối thoát xa chiến trường, do đó an toàn.
Giá Giăng VanGiăng hiểu biết ít nhiều về những điều nói trên đây, tất ông đã nhanh chóng nhận thấy mình không phải ở dưới cống ngầm phố Xanh Đơni, dù chỉ sờ vách không cũng đủ biết vậy. Vì cống Xanh Đơni xây bằng thứ đá đẽo ngày xưa, với lối kiến trúc cũ kiêu kỳ và vương giả đến cả trong cống, với móng và nền bằng đá hoa cương và vôi béo, kiểu kiến trúc này tốn bốn trăm đồng một mét; ông không sờ phải những thứ đó, dưới tay ông chỉ có lối kiến thiết rẻ tiền ngày nay với nguyên liệu thông dụng vôi chịu nước và đá cối trên một lớp bêtông, lối kiến thiết này chỉ tốn hai trăm mỗi mét; đó là lối xây cất tư sản với vật liệu nhỏ. Nhưng ông chẳng biết gì về những điều đó.
Tuy ông lo ngại nhưng ông cứ bình tĩnh đi lên; ông không trông thấy gì, không hiểu gì, ông dấn thân vào nơi may rủi, tức là chìm nghỉm trong thiên mệnh vậy.
Phải nói rằng mỗi lúc ông thấy rùng rợn thêm. Bóng tối bên ngoài nhập dần vào tâm hồn ông. Ông bước đi trong bí hiểm. Cái cống nước nhớp nhúa này thật đáng sợ; nó chằng chịt đến choáng váng. Lạc giữa thành phố Pari đen ngòm này thật là bi đát. Giăng VanGiăng phải tìm thấy lối, hầu như phải tự tạo ra đường lối để mò mẫm đi. Trong khoảng lạ lùng này, mỗi bước đi có thể là bước cuối cùng trên đời. Làm thế nào mà thoát ra được? Ông có tìm được lối ra không? Mà có tìm ra kịp thời không? Cái tấm rong khổng lồ có lỗ đá này có đi vào, có xuyên qua được không? Hay phải gặp một gút mắc tối mò nào? Hoặc phải đến chỗ cùng kế, không gỡ ra, không vượt khỏi? Mariuytx có vì ra máu nhiều mà chết ở đây không? Ông có chết đói không? Cả hai người có bỏ xác nơi này mà thành hai bộ xương chỏng chơ một xó trong cái khoảng đêm này không? Biết làm sao được! Ông tự hỏi như vậy mà không thể trả lời. Gan ruột Pari là một vực thẳm. Ông đang ở giữa bụng một con quái vật, như nhà tiên tri kia.
Bỗng, ông hết sức ngạc nhiên. Ông đang cứ thẳng đường mà tiến mãi thì bất ngờ, ông thấy đường không dốc lên nữa. Nước ở dưới lòng cống không phải chảy ngược đầu ngón chân mà lại thúc đằng sau gót. Cống cứ dốc dần xuống! Tại sao vậy? Sắp sửa ra đến sông Xen rồi hay sao? Ra thì nguy hiểm, mà quay trở lại càng nguy hiểm hơn. Ông cứ tiến lên.
Đi như vậy không phải ra sông Xen. Đất Pari ở hữu ngạn sông Xen làm thành một thứ lưng lừa mà một bên đổ xuôi về sông Xen, còn bên kia đổ về Cống lớn. Cái đỉnh của lưng chừng đó, cũng là đường phân lưu, uốn lượn hết sức bất ngờ. Chỗ cao nhất chia các dòng nước thành hai triền nằm ở cống Xanhtơ Avoa, qua phố Hầu tước Misen, ở cống Lơ luyrơ, gần các đại lộ và ở cống Mông Máctanh gần khu chợ. Đỉnh cao đó là nơi Giăng VanGiăng đã đến. Ông đang đi về phía Cống lớn bao quanh Pari. Ông đi đúng hướng rồi. Nhưng ông không hề biết.
Mỗi khi gặp một cống nhánh, ông sờ soạng các góc xem cống ấy to hay nhỏ; nếu nhỏ hơn các cống ông đang đi thì ông không vào, cứ đi thẳng; bởi vì cống nhỏ tất là cống cụt, càng đi cành xa đích, tức là càng xa lối thoát. Cách ấy đã giúp ông thoát khỏi bốn cái mê đồ trận chăng bẫy trong bóng tối.
Có lúc ông nhận thấy rằng ông ra khỏi vùng Pari tê liệt trong cuộc bạo động, ở đấy các chiến lũy chướng ngại vật chặn đứng mọi sự giao thông và ông đã bước đến dưới vùng thành phố Pari bình thường, sống động. Bất chợt như nghe tiếng sấm ở trên kia, xa xôi nhưng không ngớt. Tiếng ấy là tiếng xe cộ đi lại.
Theo ông tính trong bụng thì ông đi được nửa giờ rồi, nhưng ông không nghĩ đến nghỉ ngơi; ông chỉ đổi tay đỡ Mariuytx. Tối om om, nhưng bóng tối khiến ông yên lòng.
Bất thình lình, ông thấy bóng ông ngã trước mặt. Bóng in trên một vùng ánh sáng đỏ lờ mờ nhuộm thắm cả cống dưới chân ông và vòm cống trên đầu ông, và lướt ở hai bên trên mặt đường ươn ướt. Ông sửng sốt quay đầu lại.
Phía sau, trong cái hành lang ông vừa đi qua, hình như mãi đằng xa tắp, cái gì như một ngôi sao đỏ rực ghê rợn chọc thủng đêm dày, đang nhìn ông.
Đằng sau ngôi sao, chín mười cái bóng lờ mờ lay động, những cái bóng đen, cứng nhắc, mập mờ, ghê gớm.