rong số chỉ huy, chỉ còn Ănggiônrátx và Mariuytx sống sót ở hai đầu chiến lũy. Khi trung tâm trước đây nhờ Cuốcphêrắc, Giôli, Bôtxuyê, Phơidi làm nòng cốt, bây giờ núng thế. Đại bác tuy không mở được đột phá khẩu song cũng làm sứt mẻ một khoảng khá rộng ở khu giữa. Chóp chiến lũy ở đấy bị đạn đại bác bắn sập các thứ vặt vụn đổ ra hai bên lần hồi vun thành đống làm nên hai cái bệ, một trong, một ngoài. Bệ ngoài thoai thoải, có thể do đó mà leo lên.
Quân địch mở một đợt tấn công tối hậu vào đấy và đợt này có kết quả. Đoàn xung kích tua tủa lưỡi lê chạy xầm xập và lao tới không sức nào cản nổi. Hàng ngũ dày đặt của họ xuất hiện trên khoảng mẻ, giữa một đám khói mù. Lần này thì không cách gì cứu vãn. Nhóm nghĩa quân chống giữ chỗ ấy thối lui lộn xộn.
Lúc ấy ở một vài người, bản năng sinh tồn nhoi dậy. Đứng trước cái rừng súng chĩa vào họ, họ đâm ra không muốn chết nữa. Giây phút ấy, con thú tái hiện dưới hình người và rú thét lên. Họ bị dồn đến trước ngôi nhà sáu tầng ở tận cùng khu chiến lũy. Ngôi nhà ấy có thể là con đường sống thoát. Cửa ngôi nhà ấy đã bị chắn từ trên chí dưới, trông như bít kín mít. Trước khi quân tấn công vào tới bên trong khu chiến lũy thì một cảnh cửa chợt mở ra rồi khép lại trong nháy mắt. Cánh cửa chợt mở ra rồi tức khắc đóng ấy là con đường sống cho những người tuyệt vọng kia. Bởi vì ở ngã sau ngôi nhà ấy, có đường phố, có nghĩa là có lối rút chạy, có không gian. Cho nên họ trở báng súng đập cửa, họ lấy chân đạp, họ kêu, họ gọi, họ chắp tay lại van xin. Chẳng ai mở cả. Chỉ có cái đầu lâu ở cửa thông hơi tầng gác thứ ba nhìn xuống họ mà thôi.
Nhưng Ănggiônrátx và Mariuytx đã tập hợp được bảy tám nghĩa quân lao đến che chở cho họ. Ănggiônrátx thét bảo quân chính phủ đừng xông lên. Một sĩ quan không nghe, cứ xông tới, Ănggiônrátx giết ngay viên sĩ quan. Bây giờ anh đứng ở sân trong khu chiến lũy, tựa lưng vào quán rượu Côranh. Một tay cầm gươm, một tay cầm súng, anh giữ cho cảnh cửa mở rộng và ngăn đón bọn tấn công; anh kêu bảy người nghĩa quân tuyệt vọng:
- Chỉ có một cái cửa mở, là cửa này.
Cầm cự cả một tiểu đoàn, Ănggiônrátx đem thân mình che chở cho họ để cho họ lòn ra phía sau chàng. Họ lao vào cửa. Bây giờ chàng sử dụng cây cácbin như một cây gậy. Chàng vung cácbin sáng loáng theo thế “che hoa”, như những người đánh gậy thường gọi, đánh gạt những ngọn lưỡi lê tua tủa trước mặt và hai bên, rồi lách vào ửa, sau khi tất cả mọi người đã vào trong quán.
Giờ phút thật là rùng rợn. Lính thì muốn xông vào, nghĩa quân thì muốn đóng cửa lại. Cánh cửa đóng sầm, mạnh đến nỗi làm đứt lìa năm ngón tay của một anh lính cố bám lấy nó, những ngón tay bị tiện ấy dính vào khung cửa.
Mariuytx không vào được. Một phát súng đã làm chàng gãy xương vai. Chàng biết mình đang ngất đi và ngã xuống. Mắt đã nhắm rồi, chàng cảm thấy như có một bàn tay vạm vỡ chạm vào da thịt chàng và nắm lấy chàng. Trước khi bất tỉnh chàng chỉ còn kịp nghĩ đến Côdét một lần cuối cùng, đồng thời tự nhủ:
- Mình bị bắt làm tù binh, mình sẽ bị bắn.
Ănggiônrátx không trông thấy Mariuytx trong số người vào quán cũng có ý nghĩ là Mariuytx đã bị bắt và sẽ bị bắn. Nhưng họ đã ở vào cái giờ phút mà mỗi người chỉ có thể nghĩ đến cái chết của mình. Ănggiônrátx cài then, đẩy chốt, khóa ổ khóa và bóp ống khóa, trong khi ở ngoài quân chính phủ đập phá ầm ầm: Bộ binh trở báng súng đập, công binh lấy búa bửa. Đoàn tấn công đã xô dồn đến trước cửa. Cuộc tấn công quán rượu bắt đầu.
Phải nói rằng quân tấn công rất phẫn nộ.
Cái chết của viên đội trung sĩ đã làm cho họ căm giận. Nhưng còn điều này ác hại hơn nữa là trước cuộc tấn công vài giờ, có tin truyền đi rằng quân khởi nghĩa chặt xẻ tù binh, và ở trong quán Côranh có một cái xác quân chính phủ không có đầu. Những tin đồn nguy hại xảy ra như thế trong các cuộc nội chiến là thường, và chính một tin phao đồn như thế đã gây ra tai họa phố Trăngxnônanh sau này.
Khi cửa quán đã được chặn kỹ, Ănggiônrátx nói với anh em:
- Bây giờ thì phải bắt chúng trả giá thật đắt cái chết của chúng ta.
Anh đến bên cạnh bàn đặt thi hài cụ Mabớp và chú bé Gavrốt. Hai thân hình thẳng và cứng, một dài, một ngắn, cùng với hai khuôn mặt lờ đờ hiện dưới những nếp lạnh của tấm vải liệm. Một bàn tay chòi ra ngoài và buông thỏng xuống đất, bàn tay của ông cụ.
Ănggiônrátx nghiêng mình hôn bàn tay đáng kính ấy, cũng như hôm qua anh đã hôn vừng trán.
Hai cái hôn này là hai cái hôn duy nhất trong đời anh.
Hãy rút ngắn câu chuyện. Chiến lũy đã chống cự như một cửa thành Tépbơ[1], giờ đây, quán rượu chiến đấu như một căn nhà thành Xaragốt[2]. Những cuộc kháng cự như thế tất phải cục cằn, không khoan thai. Không thể có điều đình. Miễn giết được nhiều là chết thỏa. Khi Xuysê bảo: - Đầu hàng đi. – Thì Palaphốp đáp “ Hết đạn đại bác thì có dao!”.
Trong trận đánh chiếm quán rượu Huysơlu, có đủ cả những việc xảy ra trong một trận đánh thành. Có đá tảng từ mái nhà, từ cửa gác giáng như mưa xuống đầu quân tấn công các tảng đá ấy chẹt chết nhiều binh lính một cách thảm khốc làm cho bọn khác điên tiết; có đạn vèo ra từ cửa thông hơi trên gác, từ hầm nhà; có tấn công điên cuồng, có phòng ngự say máu. Có cả sự tàn sát như điên, như dại khi đã phá được cửa xông vào.
Quân tấn công bị vướng chân trong các cánh cửa bị chọc thủng và xô đổ xuống đất, nên khi nhào được vào trong quán thì không tìm thấy bóng một nghĩa quân nào. Nghĩa quân cũng đã dùng búa chặt cái thang trôn ốc rơi xuống giữa phòng. Một vài người bị thương sắp chết nằm lại đấy, còn tất cả những người sống sót đều lên tầng gác. Từ miệng thang gác, hỏa lực giáng xuống kinh khủng.
Đó là những viên đạn cuối cùng. Khi bắn hết, khi những người hấp hối khủng khiếp ấy không còn thuốc, không còn đạn, thì mỗi người cầm hai chai thứ nước mà Ănggiônrátx đã dự tữ. Họ dùng loại quả chùy mỏng manh một cách dễ sợ ấy để đối địch với lũ người đương leo lên. Đó là những chai a-xit. Cuộc tàn sát có những chuyện rùng rợn như thế nào, chúng tôi cứ thuật ra như thế ấy. Người bị vây, than ôi! Có cái gì cầm lấy cái ấy làm vũ khí, Ácsimét[3] bắn lửa chịu nước đốt tàu, tuy vậy không vì thế mà người ta bớt kính nể Ácsimét. Nhựa thông sôi cũng không làm giảm vinh quang của Baia[4].
Chiến tranh gồm toàn những sự khủng khiếp, đã chiến tranh thì còn lựa chọn cái gì?
Mặc dù vướng víu và phải bắn từ dưới lên, những tràng súng của quân tấn công cũng rất ác liệt. Miệng thang không mấy chốc mà đã viền những đầu người chết, máu chảy xuống từng dòng nóng hổi và đỏ ngòm. Sự náo động tưởng không bút nào tả xiết. khói nóng lùng bùng trong nhà làm cho không gian tối om. Sự rùng rợn thật đã lên tột độ không có chữ nghĩa nào mô tả được. Trong cuộc xung sát địa ngục này, không phải là con người đánh nhau. Cũng không còn là chuyện khổng lồ quần nhau với hộ pháp. Chuyện của Mintơn[5] và của Đăngtơ[6] hơn là chuyện Hôme. Đây là một cảnh chiến tranh giữa quỷ và ma.
Thật là một sự anh dũng quỉ quái.
XXIII
ĐÔI BẠN KẺ ĐÓI NGƯỜI SAY[7]
Cuối cùng người thì công kênh nhau, kẻ thì dùng cái sườn gãy, kẻ leo tường, kẻ đánh đu trên trần nhà, bọn tấn công đã lên được tầng gác. Hai mươi người gồm đủ thành phần: quân chính qui, quốc dân quân, cảnh vệ quân, đã trườn lên hỗn độn họ chặt nốt những nghĩa quân còn chống cự ở ngay miệng thang gác, rồi ào ào vào trong phòng. Mặt mày họ sây sứt một cách dễ sợ vì bị trúng thương trong lúc cố leo lên gác; họ say máu, họ điên cuồng, họ đã trở nên man rợ. Trên gác chỉ còn độc một người chưa ngã. Đó là Ănggiônrátx. Không đạn, không gươm, anh chỉ còn trong tay cái nòng dây cácbin mà anh đã đập vỡ báng trên đầu bọn xông lên trước. Anh lánh ra sau bàn bi-a, dùng nó để ngăn cách bọn tấn công với anh. Anh lùi vào một góc phòng. Mắt kiêu hãnh, đầu ngẩng cao, trên tay chỉ còn một mẩu vũ khí, anh chỉ đủ uy dũng để làm cho bọn tấn công phải giãn ra. Có tiếng thét: - Thằng chỉ huy đấy. Chính tay nó đã giết anh bắn đại bác. Nó đã đứng đấy, tất chỗ ấy thích hợp với nó. Vậy cho nó ở đấy. Bắn nó ngay tại chỗ thôi.
Ănggiônrátx bảo:
- Phải, bắn tao đi!
Rồi vứt mẩu súng, chàng khoanh tay ra sau, đưa ngực cho chúng.
Thái độ dũng cảm trước cái chết bao giờ cũng làm cho người ta xúc động. Ănggiônrátx vừa khoanh tay chờ chết, thì sự huyên náo cũng chấm dứt, cảnh hỗn độn lắng xuống, gian phòng trở nên lặng lẽ một cách uy nghi. Tay không, đứng im không nhúc nhích, Ănggiônrátx có vẻ lẫm liệt đáng sợ, nó trấn áp sự xôn xao. Là người độc nhất không bị thương tích, mình đầy máu, uy nghi, đẹp đẽ, thản nhiên như người xương đồng da sắt, anh thanh niên ấy bắt buộc đám người bừng bừng sát khí kia phải giết anh một cách kính nể. Vẻ kiêu hãnh của anh lúc ấy càng làm cho anh đẹp trai. Anh đẹp lộng lẫy. Tuồng như không biết mệt mỏi là gì, như không thể bị đánh trúng, sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ ghê gớm như thế, mặt anh vẫn ửng hồng. Sau này, trước tòa án binh, một người chứng đã nói: “Trong bọn bạo động có một người mà tôi nghe người ta gọi là Apôlông[8] tái thế”. Có lẽ nhân chứng ấy muốn nói đến Ănggiônrátx. Một quốc dân đương giơ súng ngắm anh chợt hạ xuống mà than: “Hình như tôi sắp bắn một đóa hoa”.
Ở góc tường đối diện Ănggiônrátx, mười hai binh sĩ xếp thành toán đương lặng lẽ chuẩn bị súng đạn.
Rồi trung sĩ hô:
- Ngắm đích!
Một sĩ quan can thiệp:
- Hãy thư thả.
Rồi quay về phía Ănggiônrátx, viên sĩ quan hỏi:
- Anh có muốn được bịt mắt không?
- Không cần.
- Có phải chính anh đã giết viên đội pháo binh không?
- Hẳn.
Gơrăngte đã thức dậy được một lát. Các bạn nhớ rằng từ đêm hôm trước ở phòng gác này, Gơrăngte ngồi yên trên ghế gục đầu trên bàn mà ngủ.
Chàng đã thực hiện một cách đầy đủ thành ngữ: say như chết. Thứ rượu khổ ngải ghê gớm đã ru anh trong một giấc mơ nặng nề. Cái bàn anh ngủ nhỏ quá mặc cho anh. Anh giữ nguyên kiểu ngồi lúc đầu, ngực áp lên bàn, đầu gối trên tay, chung quanh nào cốc, nào chai, nào lọ. Giấc ngủ của anh nặng như giấc ngủ của con gấu đông miên, hay con đỉa no máu. Tiếng súng trường, tiếng đại bác, tiếng đạn ghém lọt vào cửa phòng, tiếng ầm ầm trong giờ phút đánh nhau trong quán, không gì lay động anh nổi. Duy lâu lâu, anh ngáy một tiếng để trả lời đại bác. Tuồng như anh ngồi dậy chờ một viên đạn để đỡ phá mất công tỉnh dậy. Nhiều xác chết nằm sóng sượt quanh anh, thoạt trông ai cũng ngỡ anh ngủ giấc ngủ cuối cùng như họ.
Tiếng ồn ào không thức tỉnh người say rượu, trái lại sự yên lặng lại làm cho họ tỉnh giấc. Thật là lạ nhưng người ta cũng đã nhiều lần nhận thấy như vậy. Những tan tành đổ vỡ quanh Gơrăngte càng là cho anh mê đặc: tiếng sụp đổ của tất cả là một khúc ru êm ái. Khi tiếng huyên náo lắng xuống xung quanh Ănggiônrátx thì chính sự lặng lẽ ấy lại lay mạnh Gơrăngte, cũng như khi một cái xe đang phi nước đại dừng lại, thì hành khách ngủ gà ngủ gật trong xe choàng tỉnh. Gorăngte vụt ngồi dậy, duỗi tay, giụi mắt nhìn chung quanh, ngáp dài một cái và hiểu hết nguồn cơn.
Tỉnh một cơn say rượu thì cũng như có một tấm màn ở trước mắt bị xé toạc, thoáng nhìn, đã thấy ngay toàn bộ sự vật khuất ở sau. Mọi việc bỗng dưng hiện lên ký ức, Gơrăngte vừa mở mắt đã lĩnh hội tình hình, mặc dù anh chẳng biết trời đất gì trong ngày đêm vừa qua. Trí não anh chợt trở nên minh mẫn; khói rượu như hơi nước làm mờ cân não bây giờ đã tan hẳn, và thực tế hiện ra một cách chính xác, rõ ràng.
Gơrăngte ngồi trong xó, có bàn bi-a che khuất. Quân sĩ mãi châu mắt vào Ănggiônrátx không nhìn thấy anh. Viện đội sắp sửa lặp lại cái lệnh ngắm đích, chợt nghe có tiếng kêu lớn bên cạnh:
- Chế độ cộng hòa muôn năm! Tao là người cộng hòa đây.
Gơrăngte đứng lên.
Chàng say mặt mày đã đổi khác, đôi mắt đã ngời cái ánh lửa hùng tráng của một cuộc chiến đấu mà chàng không tham gia. Anh lặp lại:
- Chế độ cộng hòa muôn năm!
Rồi bước lên mạnh mẽ, anh đứng bên cạnh Ănggiônrátx, trước họng súng quân thù. Anh bảo:
- Bắn hai ta một lần.
Dịu dàng quay mặt lại phía Ănggiônrátx, anh hỏi:
- Ănggiônrátx cho phép chứ.
Ănggiônrátx mỉm cười siết tay chàng.
Nụ cười chưa dứt, súng đã nổ.
Tám phát đạn xuyên qua người Ănggiônrátx. Anh vẫn đứng tựa vào tường như đạn đã đóng đanh người anh vào đấy. Duy đầu ngực anh gục xuống.
Gơrăngte thì ngã quay dưới chân Ănggiônrátx, chết tức khắc.
Lát sau, quân chính phủ săn đuổi những nghĩa quân cuối cùng còn nấp trong những ngách cao trong quán. Họ bắn vào nhà vựa, qua một cái sàn gỗ mắt võng. Họ đánh nhau trong các gác xép. Họ ném thân người qua cửa sổ, một vài người hãy còn sống. Hai khinh kỵ binh đương lom khom đỡ cỗ xe hàng lên thì bị hai phát cácbin bắn từ cửa thông hơi xuống chết ngay. Cũng từ cửa ấy người ta đâm lưỡi lê thủng bụng một người mặc bờ lu rồi xô xuống đường, người ấy nấc chết dưới đất. Một nghĩa quân và một binh sĩ vật nhau trên mái ngói; trượt theo chiều xuôi của mái nhà, họ vẫn không chịu buôn nhau ra, cả hai cùng rơi xuống đất, rơi mà vẫn siết nhau một cách dữ tợn.
Trong hầm nhà, cuộc chiến đấu cũng diễn ra giống như thế. Tiếng kêu thét, tiếng súng, tiếng chân huỳnh huỵch. Rồi yên lặng. Chiến lũy thế là đã bị chiếm.
Quân chính phủ bắt đầu sục sạo những ngôi nhà lân cận, và săn đuổi những người chạy trốn.
[1] thành phố cổ Ai Cập có một trăm cổng, nổi tiếng trong một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm
[2] thành phố Tây Ban Nha, đã chống cự quân Napôlêông vây thành một cách rất anh dũng (1809) Suchet là một tướng đánh thành. Palafox là tướng giữ thành, mới 29 tuổi
[3] nhà toán học bất hủ của thành Xiraquyso cổ vĩ đại, đã mang hết kiến thức ra chống, đánh quân xâm lược vây hãm thành ông. Tơng truyền ông đã chế ra một thứ lửa chịu nước bắn lên mặt nước đốt trọn đoàn tàu địch cả người lẫn vật
[4] danh tướng nước Pháp thế kỷ XVI, dùng nhựa thông nấu sôi đánh quân vây thành
[5] thi hào Anh thế kỷ XVII, tác giả “Thiên đường đã mất”
[6] thi hào Ý thế kỷ XII, XIV, tác giả “Thần khúc”
[7] nguyên văn: Oreste đói, Pylande say, là đôi bạn khăng khít trong huyền thoại Hy Lạp
[8] một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, đẹp trai, dũng cảm, tài hoa