Hình như Giôngđơret chờ đợi con người ấy. Hắn và người cầm gậy chuyện vãn vói nhau rất nhanh. Giôngđơret hỏi:
- Xong cả chưa?
Người gầy trả lời:
- Xong cả.
- Môngpácnát đâu?
- Cậu công tử đứng lại nói chuyện với đứa con gái mày.
- Đứa nào?
- Đứa lớn.
- Có cái xe ngựa dưới cổng không?
- Có.
- Cái xe con thắng chưa?
- Thắng rồi.
- Hai con ngựa khỏe chứ?
- Tuyệt!
- Xe đợi ở chỗ tao bảo trước chứ?
- Phải.
Giôngđơret nói:
- Tốt lắm.
Mặt ông Lơ Blăng xanh nhợt. Ông nhìn nhận tất cả sự vật xung quanh ông, trong cái ổ này, với con mắt một người biết rõ mình đang sa vào nơi nào; ông nhìn tất cả những đầu người xung quanh ông, ông từ từ quay nhìn khắp phía chậm chạp, chăm chú và ngạc nhiên. Nhưng vẻ mặt ông không có chút gì là sợ hãi. Ông dùng cái bàn làm chiến lũy quyền nghi. Cái con người vừa đây là một ông già hiền từ, bỗng nhiên biến thành một thứ lực sĩ, ông đặt nắm tay cứng rắn của ông trên lưng ghế một cách ghê gớm lạ lùng. Ông già kiên cường dũng cảm trước cảnh nguy hiểm ấy thuộc hạng người anh dũng và nhân từ một cách bình dị, tự nhiên. Bố người mình yêu không thể là kẻ xa lạ được. Mariuytx thấy kiêu hãnh về con người lạ đó.
Ba người tay trần mà Giôngđơret bảo là “thợ nạo lò sưởi” đã lấy trong đống sắt vụn kẻ thì một cái kéo lớn, người thì một cái kìm, người thứ ba một cái búa và ra đứng chặn ngang cửa, lầm lì không nói một lời. Tên già vẫn nằm trên giường chỉ mở mắt nhìn. Mụ Giôngđơret ngồi cạnh hắn.
Mariuytx nghĩ rằng chỉ vài giây nữa là đến lúc phải can thiệp, chàng giơ cánh tay phải lên trần nhà, hướng về phía hành lang, sẵn sàng bắn phát súng hiệu.
Giôngđơret nói chuyện với người cầm gậy xong, lại quay về phía ông Lơ Blăng, nhắc lại câu hỏi lúc nãy với tiếng cười khừ khừ, nửa vời và kinh khủng xưa nay của hắn:
- Ông không nhận ra tôi thật à?
Ông Lơ Blăng nhìn thẳng vào mặt hắn trả lời:
- Không.
Bây giờ Giôngđơret tiến đến sát cạnh bàn, chồm người trên cây nến, khoanh tay, đưa cái quai hàm xương xẩu, dữ tợn của hắn tới gần gương mặt bình tĩnh của ông Lơ Blăng, hắn cứ chồm lên hết sức gần ông Lơ Blăng, nhưng ông vẫn không lùi một bước. Như một con thú dữ sắp cắn, hắn thét lên:
- Ta không phải là Phabăngtu, ta không phải là Giôngđơret, ta là Tênacđiê! Ta là chủ quán ở Môngphecmây, nghe rõ chưa? Tênacđiê! Bây giờ đã nhận ra ta chưa?
Trán ông Lơ Blăng thoáng ửng đỏ, ông trả lời bình tĩnh như thường, giọng không lên cao hơn, không rung động:
- Cũng không.
Mariuytx không nghe thấy câu trả lời này. Nếu ai trông rõ được chàng trong bóng tối sẽ thấy vẻ mặt ngơ ngác, đẫn đờ, hoảng hốt như người bị sét đánh. Khi nghe Giôngđơret nói: “Ta là Tênacđiê”, chân tay chàng run bần bật, chàng ngả mình vào bức vách, có cảm giác như một lưỡi gươm lạnh vừa xuyên qua trái tim chàng, cánh tay phải đang sắp sửa bắn phát súng báo hiệu, từ từ buông xuống và khi Giôngđơret nhắc lại “Nghe rõ chưa, Tênacđiê?” những ngón tay rã rời của Mariuytx suýt buông rơi khẩu súng. Khi Giôngđơret nói toạc ra hắn là ai, ông Lơ Blăng vẫn thản nhiên, nhưng Mariuytx thì hoang mang hết sức. Cái tên Tênacđiê, ông Lơ Blăng có lẽ không biết, nhưng Mariuytx biết lắm.
Chúng ta nhớ lại cái tên ấy có ý nghĩa như thế nào đối với Mariuytx. Cái tên ấy, Mariuytx vẫn để trên trái tim chàng, cái tên ấy đã ghi trong di chúc của cha chàng, chàng vẫn mang nó trong đáy lòng, trong ký ức, trong lời di huấn thiêng liêng: “Một người tên là Tênacđiê đã cứu sống ta. Nếu con gặp ông ấy, thì hãy hết sức giúp đỡ ông ta”. Cái tên ấy chúng ta còn nhớ, là một niềm kính yêu của lòng chàng, chàng vẫn tôn sùng cái tên ấy cùng với tên cha chàng. Thế mà, có thể như thế ư, Tênacđiê là người này ư? Người này là ông chủ quán ở Môngphecmây mà chàng đã mất bao công tìm kiếm bấy lâu ư? Bây giờ chàng đã tìm thấy người ấy, nhưng cái người đã cứu sống cha chàng lại là một tên cường đạo! Con người mà Mariuytx nóng lòng muốn hy sinh tất cả để đền ơn, con người ấy là một con quỷ. Người đã cứu sống đại tá Pôngmecxi nay sắp phạm tội ác. Tuy Mariuytx chưa biết tội ác ấy sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có thể là một tội giết người, mà trời ơi! Giết ai? Định mệnh khắc nghiệt và mỉa mai thay! Từ đáy mồ, cha chàng ra lệnh cho chàng phải hết sức giúp đỡ Tênacđiê. Từ bốn năm nay Mariuytx chỉ có một ước vọng là thay cha đền ơn người ấy, thế mà bây giờ, khi Mariuytx sắp sửa báo cho cảnh sát bắt một tên cường đạo đang phạm tội giết người, thì số mệnh lại bảo chàng: Người ấy tên là Tênacđiê. Đời sống của cha chàng mà người ấy đã cứu được giữa làn mưa đạn trên chiến trường Oateclô anh hùng, chàng sẽ đền bù lại cho người ấy, trả lại cho người ấy bằng lưỡi dao máy chém! Chàng vẫn nghĩ khi nào tìm được Tênacđiê chàng sẽ quỳ xuống ôm lấy chân người ấy, bây giờ chàng đã tìm thấy Tênacđiê, nhưng tìm thấy để trao người ấy cho bàn tay đao phủ. Cha chàng kêu gọi chàng: “Cứu Tênacđiê”. Trả lời tiếng gọi quý mến và thiêng liêng ấy thì chàng định xéo chết Tênacđiê. Chàng sắp cho cha chàng ở dưới mồ thấy cái cảnh người ân nhân đã liều thân cứu sống cha chàng bị đưa ra hành hình ở quảng trường Xanh Giắc, do chính bàn tay của đứa con mình, bàn tay đáng lẽ phải cứu giúp người ấy. Mỉa mai thay, từ bao nhiêu lâu chàng vẫn mang trong lòng những nguyện vọng cuối cùng của cha chàng, những nguyện vọng mà chính tay cha chàng đã ghi lại, để bây giờ làm trái ngược hẳn những nguyện vọng ấy.
Nhưng mặt khác chẳng lẽ chứng kiến cái âm mưu này mà không ngăn chặn lại! Thế nào? Bỏ chết nạn nhân, thả lỏng tên sát nhân ư? Có cần phải trả ơn cho một thằng khốn nạn như vậy không? Tất cả những ý kiến mà Mariuytx vẫn ôm ấp từ bốn năm nay, sự việc bất ngờ này đã làm đổ nhào cả. Cả người chàng rung động. Bây giờ tất cả đều do chàng quyết định. Chàng nắm trong tay số mệnh của tất cả những người đang vật lộn dưới mắt chàng trong cái phòng kia, thế mà tất cả những người ấy đều không biết gì hết. Nếu chàng bắn phát súng, ông Lơ Blăng sẽ thoát, Tênacđiê sẽ bị hy sinh và biết đâu: Tênacđiê sẽ thoát? Đẩy người này hay để mặc người kia rơi xuống vực, cả hai đường đều đưa tới sự hối hận về sau.
Làm thế nào? Chọn con đường nào? Gạt bỏ những kỷ niệm thiết tha nhất, nỏ tất cả những điều tự hứa hẹn sâu nhất, bỏ cái nhiệm vụ thiêng liêng nhất, lời di chúc kính yêu nhất của cha chàng, hay cứ để kẻ sát nhân thực hiện tội ác? Chàng như nghe thấy một bên thì nàng Uyếchxuyn của chàng van xin cứu lấy cha nàng và một bên đại tá Pôngmecxi gửi gắm Tênacđiê. Người chàng như điên lên, đầu gối chàng rụng rời. Chàng cũng không có thời giờ cân nhắc nữa, sự việc đang xảy ra vội vàng, cấp bách như một cơn gió lốc. Cơn gió đó chàng tưởng điều khiển được, thế mà nó lại cuốn chàng đi. Chàng bàng hoàng cả người, sắp ngất.
Trong khi ấy Tênacđiê – từ nay chúng ta gọi đúng tên hắn – Tênacđiê đi đi lại lại trước cái bàn như người say sưa, mù quáng trong thắng lợi. Hắn nắm cây nến đặt mạnh trên mặt lò sưởi, mạnh đến nỗi ngọn lửa suýt tắt và nước nến chảy bắn tung lên tường. Xong hắn quay về phía ông Lơ Blăng, vẻ mặt hung dữ và khạc ra một câu:
- Thui lửa, hun khói, chặt miếng, băm viên nướng chả thôi!
Rồi hắn vừa đi vừa thét:
- À! À! Tôi vớ được ngài rồi, ngài từ thiện ơi! Ngài triệu phú mặc áo rách, ngài chuyên môn cho trẻ búp bê. Hừ! Thằng hề già! Ông không nhận ra tôi à? Ông không phải là người đến Môngphecmây, đến cái quán của ta, cách đây tám năm, đêm lễ giáng sinh năm 1823 à! Ông không phải là người đã dỗ đứa con Phăngtin, con Sơn ca đi à! Ông không mặc cái áo khoác ngoài màu vàng đấy à! Này, mẹ mày hình như lão ấy, lão già từ thiện này có cái tật thích mang cho người ta những bọc đầy bít tất len. Ông có cửa hàng làm áo mũ len phải không? Ông cho người nghèo cả cái cửa hàng của ông phải không? Ông già phúc đức. Trò hề thật! Hừ! Ông không nhận ra tôi à! Nhưng tôi, tôi nhận ra ông, tôi nhận ra ông ngay khi ông mới thò cái mõm ông vào đây. A! Ông tưởng có thể tha hồ xông vào nhà người ta, tự nhiên, vì là một cái quán ăn, lừa bịp người ta với bộ quần áo nát, với vẻ nghèo khổ như kẻ ăn xin, để rồi lại lên mặt hảo tâm: cướp cái cần câu cơm của người ta, rồi lại hùng hổ dọa nạt người ta giữa rừng; thế rồi khi người ta sa sút thì mang thí cho người ta một cái áo lùng thùng, hai cái chăn nhà thương tã, ông tưởng làm thế mà trôi được đấy hẳn, hử, lão gì khốn nạn, thằng mẹ mìn?
Hắn ngừng lại, như lẩm bẩm nói gì một mình. Cả cái cơn giận dữ của hắn bây giờ như dòng sông Rôn đổ vào một cái hang ngầm. Rồi hắn đập mạnh tay xuống bàn thét, như muốn nói to lên điều vừa tự nhủ:
- Cái bộ mặt hiền lành!
Hắn lại chĩa vào ông Lơ Blăng:
- Chà! Ngày ấy ông chơi xỏ tôi! Vì ông mà chúng tôi phải chịu tất cả những đau khổ này. Ông ném một nghìn năm trăm phơrăng để cướp lấy con bé của tôi, con bé hẳn là con nhà giàu có, có con bé đã từng xoay được bao nhiêu tiền, có con bé ta sẽ còn có ăn suốt đời! Giá con bé còn thì nó đã đền bù lại cho ta tất cả vốn liếng ta đã mất ở cái quán khốn nạn ấy, cái quán ta đã ăn hết cả quấn cả áo. À! Ta muốn mỗi cốc rượu trong cái quán của ta là một chén thuốc độc đối với những đứa đã nhậu nhẹt. Nhưng thôi! Này, chắc ông cho tôi là thằng ngốc đã để cho ông phỗng con Sơn ca đi. Trong rừng hôm ấy ông cậy có cái gậy. Hôm đó, ông là kẻ mạnh. Đến lượt ta trả thù đây. Hôm nay, con bài chủ ở trong tay ta. Ông đi đứt rồi, ông già của tôi ơi! Khoái quá, ừ, khoái quá. Ngài đã rơi vào tròng rồi, ngài ạ. Tôi đã thưa với ngài tôi là nghệ sĩ, tôi là Phabăngtu, tôi đã sắm kịch với cô Mác, cô Muýt, tôi nợ tiền chủ nhà, ngày mai, ngày 4 tháng hai phải trả tiền nhà. Ngài không biết ngày trả tiền nhà là mồng 8 tháng giêng chứ không phải mồng 4 tháng hai ư! Ông già ngớ ngẩn ơi! Và bốn đồng Philip quèn! Đồ khốn kiếp! Sao nó không rán cho đủ một trăm phơrăng nhỉ? Nó mê khướt những lời kêu van phỉnh nịnh vớ vẩn của ta. Cái đó làm ta thích thú. Ta bảo thầm: thằng già ngốc này, tao tóm được mày rồi, sáng nay tao liếm gót mày thì tối nay tao sẽ ăn gan mày.
Tênacđiê ngừng lại, hắn thở hết hơi, lồng ngực lép của hắn phập phồng như một cái bễ lò rèn. Hai mắt hắn đầy cái vẻ thỏa mãn xấu xa của con người hèn hạ, yếu đuối, độc ác khi đã đánh ngã được người mà hắn vẫn sợ, chửi được người mà hắn vẫn phải xu nịnh xưa nay. Cái thỏa mãn của một thằng lùn khi dận được chân lên đầu một người khổng lồ, cái thỏa mãn của một con chó rừng khi xé được thịt một con bò tót ốm đau, đã kiệt sức chống cự, nhưng vẫn còn đủ sức sống để cảm thấy đau đớn.
Ông Lơ Blăng không ngắt hắn. Nhưng khi hắn dứt lời thì ông nói:
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì. Ông lầm thôi. Tôi là người rất nghèo, không phải triệu phú một tí nào. Tôi không quen ông. Ông nhận tôi ra người khác đấy.
- À thế à! Tênacđiê gầm lên. Khéo nhỉ! Ông vẫn thích cái trò đùa ấy? Ông sa lầy rồi, ông già ạ. Ông không nhớ gì à? Ông không nhận thấy tôi là ai à?
Ông Lơ Blăng lễ phép trả lời, nhưng trong giọng nói ấy vào hoàn cảnh này có cái gì lạ lùng, dũng mãnh:
- Xin lỗi ông, tôi nhận thấy ông là một tên ăn cướp.
Ai chả biết, bọn người xấu xa, độc ác nhất cũng có cái tự ái của mình. Nghe thấy tiếng “tên ăn cướp”, mụ Tênacđiê ở trên giường nhẩy xổ xuống, thằng Tênacđiê nắm chặt lấy chiếc ghế như sắp bẻ gẫy nó trong tay. Hắn thét bảo vợ:
- Mẹ mày đứng yên!
Rồi quay về phía ông Lơ Blăng hắn nói:
- Phải rồi, ăn cướp, tôi biết, các ngài nhà giàu vẫn gọi chúng tôi là ăn cướp cả. Phải rồi: tôi phá sản, tôi vỡ nợ, tôi trốn tránh, tôi không có miếng bánh, tôi không có đồng xu, tôi là kẻ cướp! Ba ngày nay nhịn đói, tôi là kẻ cướp. Còn các ngài, các ngài hơ chân, các ngài đi giầy ấm, mặc áo khoác lót bông, như những ông đại giám mục, ở nhà lầu, có người gác cổng, các ngài xơi nấm bao, tháng giêng các ngài xơi măng tươi bốn mươi phơrăng một nắm, các ngài xơi đậu ti-boa, các ngài nhồi, các ngài nhét và khi muốn biết trời có lạnh không, các ngài đọc báo xem nhiệt biểu của kỹ sư Sơvaliê chỉ bao nhiêu độ. Còn chúng tôi, chúng tôi không phải đi ra bờ sông xem ở Cột đồng hồ trời lạnh mấy độ. Chúng tôi là nhiệt biểu sống. Chúng tôi thấy máu đọng trong mạch, băng tràn lên tim và chúng tôi bảo: không có Chúa Trời! Rồi các ngài đến những cái hang ổ của chúng tôi, đúng là những cái hang ổ và chửi chúng tôi là kẻ cướp. Nhưng chúng tôi sẽ ăn thịt các ngài. Chúng tao sẽ nuốt sống lũ chúng mày các con ạ. Ngài triệu phú ạ, ngài phải biết tôi xưa kia cũng là một người có cơ sở, có môn bài, là cử tri, là một người tư sản. Còn ngài, ai biết ngài là cha căng chú kiết nào, hử ngài?
Đến đây Tênacđiê tiến một bước về phía những người đứng gần cửa và gầm lên:
- Thế mà nó dám đến đây coi mình như một thằng thợ giầy.
Rồi hắn lại bừng bừng giận dữ thét vào mặt ông Lơ Blăng:
- Vả lại, ngài từ thiện ạ, ngài phải biết tôi không phải là một con người ám muội, tôi không phải là một cha căng chú kiết, không có tên, không có tuổi, đi dỗ trẻ con nhà người ta. Tôi là một cựu quân nhân nước Pháp đáng lẽ phải được thưởng huân chương. Tôi đã dự trận Oateclô. Tôi đã cứu sống, ở trận tiền một ông tướng gọi là bá tước gì tôi không rõ. Ông ta có nói tên, nhưng nói chẳng ra hơi nên tôi không nghe rõ. Tôi chỉ nghe mang máng tiếng méc-xi (méc-xi trong tiếng Pháp nghĩa là cám ơn. Hai âm tiết cuối cùng tên Pontemrcy cũng đọc giống ý như thế). Tôi chẳng cần ông ấy cám ơn, giá tôi biết tên ông ấy còn hơn. Được thế, ngày nay tôi có thể đi tìm được ông ấy. Cái bức tranh này, họa sĩ Đavit vẽ ở Bơruýchcơxen (David: Tên một họa sĩ nổi danh của Pháp thế kỷ XIX; Bơruýchxen, thủ đô nước Bỉ, Tênacđiê nói sai chữ), ông có biết trong tranh vẽ ai không? Tôi đấy. Họa sĩ Đavit muốn ghi lại cho hậu thế cái chiến công bất hủ ấy. Tôi cõng vị tướng và mang qua bao làn mưa đạn. Chuyện như thế đấy. Nhưng ông tướng đó cũng chẳng giúp tôi cái gì. Hắn cũng chẳng hơn gì những kẻ khác! Thế mà tôi đã liều mình cứu hắn, giấy chứng nhận đây, đầy trong túi đây! Tôi là một chiến binh ở Oateclô, mẹ kiếp! Tôi đã nói hết với ông rồi. Kết luận, bây giờ tôi cần có tiền, nhiều tiền, rất nhiều tiền, không có thì tôi sẽ thịt ông, nghe chưa!
Mariuytx đã trấn tĩnh được tinh thần, chàng lắng nghe. Không còn chút nghi ngờ nào nữa. Chính là gã Tênacđiê trong di chúc. Mariuytx rùng mình trước lời oán trách cha chàng vô ơn, mà cả chàng cũng sẽ phải vô ơn như vậy. Chàng lại càng thêm do dự. Trong lời nói, trong giọng nói, trong cử chỉ, trong cặp mắt nảy lửa từng chữ, trong tất cả cơn thịnh nộ khoác lác và nhơ nhuốc, kiêu căng và ti tiện, giận dữ và ngớ ngẩn, đầy những chi tiết thực và những tình cảm giả, trong cái vẻ trâng tráo của con người độc ác đang say sưa với bạo hành, trong cái lõa lồ thô bỉ của một tâm hồn xấu xa, trong cái mớ hỗn hợp đau khổ của căm hờn, trong tất cả những cái ấy, có một cái gì ghê tởm như tội ác và xót xa như sự thực.
Cái bức họa kiệt tác, “bức tranh sơn dầu của Đavit” mà hắn nài ông Lơ Blăng mua, độc giả cũng đoán ra, chỉ là cái biển quán rượu chính tay hắn đã vẽ, vật duy nhất hắn còn giữ được sau cuộc vỡ nợ ở Môngphecmây.
Tênacđiê không đứng chắn mắt Mariuytx nữa, bây giờ chàng có thể ngắm bức tranh ấy, chàng nhận ra trong bức tranh bôi bác một cảnh chiến trường đầy khói lửa đàng xa và đàng trước hình ảnh hai người cõng nhau: hai người ấy là Tênacđiê và Pôngmecxi. Viên đội cứu viên đại tá. Mariuytx ngây ngất trước bức tranh ấy, bức tranh hình như làm cha chàng sống lại; không phải là cái biển quán rượu Môngphecmây nữa mà là cả một cuộc phục sinh, một nấm mồ đương mở ra và một bóng ma đang hiện lên. Mariuytx nghe thấy mạch máu đập như rung chuông ở thái dương; chàng tưởng nghe thấy tiếng đại bác Oateclô trong tai; hình ảnh cha chàng mình đẫm máu lờ mờ trên bức tranh làm cho chàng kinh sợ; hình như cái hình người lờ mờ ấy nhìn chàng chòng chọc.
Khi Tênacđiê đã hết hổn hển rồi, hai mắt đỏ ngầu của hắn xói vào ông Lơ Blăng, hắn nói sẽ và gọn:
- Mày còn muốn nói gì trước khi chúng tao thịt mày?
Ông Lơ Blăng không trả lời. Giữa phút yên lặng ấy, một giọng khàn khàn ở ngoài hành lang ném ra lời nói kinh khủng này:
- Có cần bổ củi thì có ta đây!
Thằng cha cầm búa đồ tể pha trò. Cũng lúc ấy một khuôn mặt gân guốc, xám xịt hiện ra trong khung cửa, cười như bộ nanh ghê gớm.
Tênacđiê giận dữ quát:
- Mày bỏ mặt nạ ra để làm gì?
- Để cười chơi – tên cầm búa trả lời.
Từ nãy ông Lơ Blăng theo dõi và rình từng cử chỉ của Tênacđiê, còn Tênacđiê thì mù quáng say sưa vì giận dữ, đi đi lại lại trong cái sào huyệt của hắn. Hắn tin chắc vì cửa ngõ giữ cẩn thận rồi, vì hắn có vũ khí để đối phó với một người tay không. Vì chúng là chín chọi một – đấy là mụ Tênacđiê cũng chỉ tính là một người thôi! Tênacđiê không còn phải đề phòng gì nữa; khi quát mắng thằng cha cầm búa, hắn quay lưng lại ông Lơ Blăng.
Ông Lơ Blăng cướp lấy cơ hội ấy, lấy chân đá ghế, tay xô bàn và nhanh như chớp, nhảy ra sát cửa sổ trước khi Tênacđiê kịp ngoảnh lại. Mở cửa sổ, trèo lên, nhảy ra chỉ cần một giây, nửa người ông đã lao ra ngoài rồi, nhưng sáu bàn tay rắn chắc nắm lấy ông và lôi ngược ông vào trong phòng. Đó là ba thằng “nạo lò sưởi” đã nhảy chồm lên ông. Còn mụ Tênacđiê thì nắm tóc ông.
Nghe tiếng rầm rập, bọn côn đồ ở ngoài hành lang chạy vào. Lão già say rượu nằm trên giường cũng bước xuống tay cầm một cái búa phu lục lộ và chệch choạng đi tới.
Một thằng thợ nạo lò sưởi giơ cao trên đầu ông Lơ Blăng một thứ vồ mà hai đầu là hai quả chì tra vào một thanh sắt; mặt hắn bôi nhọ nhưng nhờ ánh nến chiếu thẳng vào, Mariuytx cũng nhận ra được hắn là Păngsô tức Pơranhtaniê tức Bigrơnay.
Mariuytx không thể đứng yên trước cảnh tượng ấy. Chàng nói thì thầm:
- Xin cha tha tội cho con!
Ngón tay chàng lần cái cò súng. Lúc đạn sắp nổ thì cũng là lúc Tênacđiê hét to:
- Không được hại hắn!
Trước cái cử chỉ tuyệt vọng để thoát thân của nạn nhân, Tênacđiê không tức giận, hắn lại bình tĩnh. Trong hắn có hai con người: con người hung tợn và con người khôn ngoan. Vừa rồi, trước thắng lợi nắm chắc trong tay, trước con mồi bị đánh ngã không cựa quậy được nữa, con người hung tợn lớn tiếng, nhưng khi nạn nhân vũng vẫy muốn kháng cự, thì con người khôn ngoan mềm dẻo lại xuất hiện.
- Không được hại hắn, Tênacđiê lặp lại.
Hắn không ngờ cái thắng lợi đầu tiên thu được là chặn viên đạn sắp nổ và làm cho Mariuytx tê liệt. Mariuytx không thấy việc can thiệp là cấp bách nửa và cho rằng có thể chờ thêm ít nữa. Biết đâu lại chẳng có điều gì may mắn xảy ra sẽ giải quyết cho chàng nỗi phân vân ghê gớm là hoặc để cha nàng Uyếcxuyn bị hại, hoặc hại người đã cứu sống cha chàng.
Một cuộc xung đột vũ bão nổ ra. Trước hết ông Lơ Blăng cho lão già chệnh choạng một quả đấm giữa ngực, lão ngã bắn ra giữa buồng; rồi hai cnhs tay ông gạt ngã hai thằng khác, mỗi đầu gối dận lên một thằng, hai thằng khốn nạn này rên rỉ dưới sức đè nặng như một thớt đá; nhưng bốn thằng khác đã nắm gáy, nắm hai cánh tay ông già ghê gớm và giữ ông ngồi quỵ trên người hai thằng “nạo lò sưởi”. Ông đè chẹt hai thằng dưới, cò bốn thằng trên đè lên ông đến ngẹt thở, vừa được, vừa thua, ông Lơ Blăng cố vận dụng hết sức lực để hất bọn trên ra. Cả người ông bị bọn cướp chồng chất lên, che lấp hẳn đi như một con lợn rừng bị một đàn chó săn ồn ào dồn đống trên mình nó. Cuối cùng bọn kẻ cướp vật ông ngã xuống cái giường gần cửa sổ nhất và giữ yên ông ở đấy. Mụ Tênacđiê vẫn không buông tóc ông. Thằng Tênacđiê bảo vợ:
- Mẹ mày đừng xen vào, không lại rách khăn quàng.
Mụ lầu bầu buông tay ra, theo lời chồng như con sói cái nghe theo con sói đực. Thằng Tênacđiê nói tiếp:
- Còn chúng mày, lục soát nó đi!
Ông Lơ Blăng không kháng cự nữa. Bọn chúng lục khám người ông. Trong người ông chỉ có một cái túi da đựng sáu phơrăng và một cái khăn tay.
Tênacđiê thu chiếc khăn tay vào túi, hỏi:
- Sao! Không có ví tiền à?
- Đồng hồ cũng không có! Một tên “nạo lò sưởi” trả lời.
Một tên đeo mặt nạ, cầm cái chìa khóa kếch xù nói giọng bụng ọc ạch:
- Dẫu sao, thằng cha già này cũng ghê thật!
Tênacđiê ra góc cửa, lấy một nắm dây thừng vứt cho bọn chúng bảo:
- Trói nó vào chân giường.
Lúc đó hắn mới để ý đến thằng cha bị ông Lơ Blăng cho một đấm ngã lăn ra giữa buồng, nằm im không cựa. Hắn hỏi:
- Thằng cha Bulatơruyen chết rồi sao?
Bigrơnay trả lời:
- Không, lão ấy say đấy.
- Quét nó vào trong xó! Tênacđiê ra lệnh.
Hai thằng “nạo lò sưởi” lấy chân đẩy lão say rượu đến bên đống sắt vụn. Tênacđiê bảo nhỏ tên cầm gậy:
- Babe! Sao mày dẫn nhiều ông tướng đến thế! Không cần thiết.
Thằng cầm gậy trả lời:
- Mày tính, chúng nó đứa nào cũng muốn chấm mút một tí. Mất mùa mà! Chẳng có mẻ nào sất.
Cái giường chúng vật ông Lơ Blăng xuống là một thứ giường nhà thương, có bốn chân gỗ xù xì. Ông Lơ Blăng cứ để mặc chúng. Bọn kẻ cướp trói chặt ông vào chân cái giường xa cửa sổ nhất và gần lò sưởi nhất. Chúng trói đứng ông, chân chạm đất.
Khi chúng buộc xong nút trói cuối cùng, Tênacđiê mang một chiếc ghế đến ngồi ngay trước mặt ông. Người ta không nhận ra mặt Tênacđiê nữa. Mới có mấy phút mặt hắn từ giận dữ điên cuồng đã trở lại hiền lành một cách xảo quyệt. Nhìn nụ cười lễ phép của hắn lúc bấy giờ, Mariuytx không thể tưởng cũng là cái mõm thú dữ sùi bọt mép lúc nãy. Chàng ngạc nhiên trước sự thay hình đổi dạng kỳ ảo và ghê sợ ấy, chàng có cảm giác như thấy một con hổ biens thành một anh thày cò. Tênacđiê nói:
- Thưa ông…
Rồi hắn ra hiệu bảo những thằng kẻ cướp còn nắm chặt ông Lơ Blăng:
- Ra xa đằng kia một chút, để tôi nói chuyện với ông ấy.
Cả bọn lùi ra phía cửa. Tênacđiê nói tiếp:
- Ông ơi! Ông định nhảy qua cửa sổ là sai lầm đấy. Có thể què chân. Bây giờ nếu ông bằng lòng thì chúng ta nối chuyện ôn tồn với nhau. Tôi có một điều nhận xét đặc biệt và muốn nói với ông, là ông chưa kêu lên một tiếng nào.
Tênacđiê nhận xét đúng, điều ấy có thực, dù Mariuytx trong khi bối rối không để ý đến. Ông Lơ Blăng chỉ mwois nói có mấy câu, mà nói khẽ và ngay lúc đánh nhau dữ dội với sáu tên kẻ cướp ở gần cửa sổ, ông cũng không kêu lên một tiếng nào, ông vẫn im lặng. Tênacđiê nói tiếp:
- Ừ! Giá ông có kêu: Kẻ cướp! Kẻ cướp! Thì cũng không có gì là quá. Cũng có thể kêu: Quân giết người! Quân giết người! Và tôi cũng không cho thế là đáng ghét. Chạm trán với những người mình không tin cậy như thế này thì có làm ầm lên một chút cũng là tất nhiên. Ông có kêu la thì tôi cũng không làm rầy ông, cũng không cần bịt mồm ông. Vì sao thế? Tôi nói cho ông biết nhé! Nghĩa là cái buồng này chẳng khác gì người điếc. Cái buồng này chỉ được có cái đó thôi và được cái đó thực sự. Chẳng khác gì một cái hầm. Một quả bom nổ ở đây, đội cảnh binh gần nhất cũng chỉ tưởng là tiếng ngáy của một gã say rượu. Đại bác cũng chỉ kêu bùm! Sấm nổ cũng chỉ kêu bụp! Thật là thuận lợi. Dù sao ông cũng đã không kêu, điều đó rất tốt, tôi khen ông và tôi suy luận thế này xin thưa lại: Ông bạn thân mến ơi! Nếu ông kêu thì ai đến? Cảnh sát thôi! Cảnh sát đến, rồi sau đó thì ai? Tòa án. Thế mà ông không kêu cứu. Nghĩa là ông cũng chẳng ưa gì tòa án và cảnh sát đến, cũng như chúng tôi thôi. Từ lâu tôi đã đoán rằng ông cũng muốn giấu một cái gì. Chúng tôi cũng vậy. Như thế chúng ta càng dễ thỏa thuận với nhau.
Mắt Tênacđiê như dán vào mặt ông Lơ Blăng, hình như vừa nói hắn vừa xoáy tia mắt của hắn vào tận đáy tâm hồn người tù nhân của hắn. Vả chăng cái ngôn ngữ của hắn tuy có phần láo xược và lắt léo nhưng cũng vẫn dè dặt thận trọng, trong con người thằng ăn cướp lúc nẫy bây giờ lại còn nét của “một kẻ đã học để làm cố đạo”.
Cái im lặng của người bị bắt, việc ông ta không chịu kêu lên một tiếng dù là một tiếng kêu của bản năng tự vệ khi sinh mệnh bị đe dọa, điều đó làm cho Mariuytx thắc mắc và ngạc nhiên một cách khó chịu.
Sự nhận xét rất đúng của Tênacđiê càng làm thêm dày thêm đặc trước mắt Mariuytx cái màn bí mật bao phủ con người nghiêm nghị và lạ kỳ mà Cuốcphêrắc đã mệnh danh là ông Lơ Blăng. Trong tình thế hết sức khó khăn nguy hiểm, bị trói chằng chịt giữa một bầy đao phủ, như nửa người đã bị chôn xuống một cái hố, ngày càng lún dưới chân, trước vẻ giận dữ hay dịu dàng của Tênacđiê, ông già ấy vẫn lạnh lùng như không. Trong giờ phút như thế này Mariuytx không thể không khâm phục cái vẻ mặt rầu rầu cao cả ấy.
Thật là một tâm hồn chưa hề để cho sợ hãi bén mảng, một tâm hồn chưa hề biết hoang mang là gì. Ông thuộc hạng người trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất vẫn bình tĩnh, không hề mảy may ngạc nhiên. Khủng hoảng cao đến đâu, nguy hiểm khó tránh đến mấy, ông cũng không hề biết cái giây phút hấp hối của người chết đuối mở mắt kinh hoàng trong đáy nước.
Tênacđiê công nhiên đứng dậy, đi tới lò sưởi, nhấc cái bình phong đem dựa vào cạnh giường sát đấy, để lộ ra cái thấy rõ ràng trong lò than cái đục nung trăng lốm đốm những sao đỏ.
Rồi hắn trở lại ngồi bên cạnh ông Lơ Blăng.
- Tôi nói tiếp nhé. Chúng ta có thể thỏa thuận với nhau. Lúc nãy tôi nổi nóng là không đúng, thật là mất trí, cũng thật là quá trớn một cách vô lý và ăn nói xô bồ. Chẳng hạn thấy ông là triệu phú, tôi đòi tiền, nhiều tiền, rất nhiều tiền. Thật là không biết điều. Trời ơi! Ông giàu có thật đấy nhưng cũng có những gánh nặng, ai chả có gánh nặng. Tôi không muốn ông phá sản, tôi không phải là thằng ăn thịt người. Tôi không phải hạng người vì ỷ thế mạnh mà trờ nên lố bịch, buồn cười. Này, ông này, ông cũng biết điều, sẵn sàng chịu hy sinh về phía mình. Tôi chỉ cần hai trăm nghìn phơrăng thôi.
Ông Lơ Blăng không hé một lời, Tênacđiê nói tiếp:
- Ông xem, tôi đã pha khá nhiều nước vào rượu rồi đấy. Tôi không biết ông giàu có đến thế nào, nhưng tôi biết ông không phải là người coi trọng đồng tiền; một người từ thiện như ông cho một người cha nghèo túng như tôi hai trăm nghìn phơrăng có thấm vào đâu. Hẳn ông cũng biết điều. Ông cũng trông thấy hôm nay tôi nhọc công như thế nào, câu chuyện chiều hôm nay tôi xếp đặt công phu như thế nào, đẹp đẽ như thế nào, các vị ở đây đều công nhận như thế. Tất cả công trình ấy không phải chỉ để kiếm món tiền uống năm ba chén rượu, ăn một vài đĩa thịt bò non ở tiệm Đêncayê. Hai trăm nghìn phơrăng cũng ddnags lắm. Cái món tiền mọn ấy, ông bỏ ra rồi thì tôi cam đoan với ông là xong xuôi cả, ông không sợ mất một cái chân lông nào. Ông sẽ bảo: tôi không có hai trăm nghìn phơrăng mang theo người. Không! Tôi không quá quắt đâu, tôi không đòi ông có tiền ngay đây đâu. Tôi chỉ cần một điều, ông vui lòng viết như tôi bảo đây.
Đến đây Tênacđiê ngừng lại rồi hắn dằn từng tiếng, vừa nói vừa mỉm cười nhìn về phía lò than:
- Tôi xin báo trước: tôi không thừa nhận là ông không biết viết.
Một vị thẩm phán lỗi lạc của tòa án Anhkidixieeng (Tòa án của Nhà chung thời Trung cổ, ở Tây Ban Nha trừng phạt rất tàn bạo những người bị coi là xúc phạm đạo Giatô) cũng không thể có được cái nụ cười ấy.
Tênacđiê đẩy cái bàn đến chỗ ông Lơ Blăng, lấy một lọ mực, một cây bút và một tờ giấy trong ô kéo vẫn để hé mở, trong đó lấp lánh lưỡi một con dao làm bếp dài.
Hắn đặt tờ giấy trước mặt ông Lơ Blăng và bảo:
- Ông viết đi.
Người tù bây giờ mới nói:
- Tôi bị trói thế này, ông bảo tôi viết làm sao được.
- Ừ nhỉ, Tênacđiê nói – xin lỗi ông, ông nói phải.
Rồi quay lại phía Bigrơnay hắn bảo:
- Cởi cánh tay phải cho ông ấy.
Păngsô, tức là Pơranhtaniê, tức Bigrơnay thi hành lệnh của Tênacđiê. Khi bàn tay phải ông Lơ Blăng được cởi trói rồi, thì Tênacđiê cầm bút chấm vào lọ mực và đưa xho ông.
- Ông ơi, ông phải nhớ rằng ông ở trong tay chúng tôi, số phận của ông do chúng tôi định đoạt, hoàn toàn do chúng tôi định đoạt, quyền lực của con người khoogn thể cứu ông thoát nơi đây. Và chúng tôi cũng rất khổ tâm nếu phải dùng đến những cách xử lý cực đoan không lịch sự. Tôi không biết tên ông, tôi không biết chỗ ở của ông, nhưng tôi báo cho ông biết là chúng tôi sẽ trói ông cho đến khi người đưa cái thư này trở về đây. Bây giờ ông viết đi.
- Viết cái gì? – Người bị trói hỏi.
- Tôi đọc cho ông viết.
Ông Lơ Blăng cầm bút.
Tênacđiê bắt đầu đọc:
- “Con gái ta…”
Người tù nhân rùng mình, ngước mắt lên nhìn Tênacđiê. Hắn bảo:
- Đề: “Con gái yêu của ta…”
Ông Lơ Blăng viết theo, Tênacđiê đọc tiếp:
- Con đến ngay…
Tênacđiê ngừng lại hỏi:
- Ông gọi “con” phải không? (Trong nguyên văn, đây là tiếng “tu” để gọi người đối thoại với mình một cách thân mật hoặc âu yếm – không kể khi gọi thần linh thì là thật tôn sùng, hay khi gọi kẻ dưới một cách khinh thường – Trong gia đình Pháp, cha mẹ thường nói tu với con, nhưng một số gia đình kiểu cách, thường thường là quí tộc và tư sản nói vous với con cái. Ở ta cha mẹ thương nói với con nhưng cũng có người gọi anh, chị, cô, chú).Ông Lơ Blăng hỏi:
- Gọi ai?
- Còn vờ gì nữa! Con bé con, con Sơn ca ấy.
Ông Lơ Blăng trả lời thản nhiên như không:
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì.
- Thôi cứ viết.
Tênacđiê lại tiếp tục đọc:
- “Con đến ngay, bố cần gặp con lắm. Người trao cho con mảnh thư này sẽ dẫn con đi. Bố đợi con. Con cứ đến không ngại gì”.
Ông Lơ Blăng đã viết tất cả như vậy. Tênacđiê bảo thêm:
- À quên, xóa: Con cứ đến không ngại gì đi, viết như thế nó có thể ngờ là chuyện không đơn giản, cần phải đề phòng.
Ông Lơ Blăng xóa mấy chữ ấy.
Tênacđiê nói tiếp:
- Bây giờ ông ký tên đi. Tên ông là gì?
Người tù nhân đặt bút xuống hỏi:
- Cái thư này gửi cho ai?
Tênacđiê trả lời:
- Ông biết quá chứ, gửi cho con bé, tôi vừa bảo ông mà.