Những Người Khốn Khổ

Chương V

Đời tư của ông Mirien cũng cùng chung một số nguyên tắc như đời công. Với kẻ được xem gần thì cái nghèo tự nguyện trong cuộc sống của ông giám mục thành Đinhơ là một cảnh tượng trang trọng và đáng yêu.

Như người già và phần lớn những người hay suy tưởng, ông ít ngủ, nhưng lại ngủ say. Buổi sáng ông tĩnh tọa một giờ rồi đi làm lễ, hoặc ở nhà thờ lớn hoặc ở phòng nguyện trong nhà. Lễ xong, ông ăn sáng một cái bánh mì bằng bột tiểu mạch dúng trong sữa bò nhà. Sau đó ông bắt đầu làm việc.

Làm giám mục bận rộn thật. Thường xuyên ông phải tiếp vị bí thư của tòa giám mục, thường là một chức sắc và hầu như ngày nào cũng phải gặp các cha xứ. Ông còn phải kiểm tra công việc các hội, phân phát các đặc ân này nọ, xem xét cả một thư viện nhà chung, nào sách xem lễ, nào sách bổn, sách kinh... rồi thảo các thư từ hành đạo, chuẩn y các bài thuyết pháp, giải hòa các vụ xích mích giữa cha xứ và xã trưởng, rồi còn một mớ thư từ giao dịch về phần đạo, về phần đời, một bên là nhà nước, một bên là tòa thánh, thôi thì trăm công nghìn việc.

Thì giờ còn lại ngoài những công việc bề bộn ấy và những buổi lễ, những giờ đọc kinh, dành cho kẻ khó, người ốm đau, sầu muộn, còn thừa ông dùng vào lao động. Khi thì ông cuốc đất trong vườn nhà, khi thì ông đọc và viết. Hai công việc nhưng ông chỉ dùng một tên gọi: làm vườn. “Trí óc cũng là một cái vườn”, ông nói.

Đến trưa, ông ăn cơm. Bữa trưa cũng giống như bữa sáng.

Quãng hai giờ chiều, hôm trời tốt, ông ra khỏi nhà, dạo xem phong cảnh thôn dã hoặc phố phường, nhiều lúc ghé thăm các túp lều tranh. Ông đi một mình suy nghĩ trầm ngâm, mắt nhìn xuống, tay chống gậy dài, trên mình chiếc áo lụa lót bông ấm, màu tím, dưới chân đôi giày thô với bít tất tím và trên đầu chiếc mũ dệt có ba góc để thòng xuống ba quả găng vàng viền hạt cườm.

Chỗ nào ông có mặt cũng vui như hội. Có thể nói ông đi qua ở đâu là đem theo đó một cái gì ấm áp và sáng sủa. Trẻ con, người già dắt nhau ra tận cửa đón ông giám mục cũng như đón ánh mặt trời. Ông ban phúc cho mọi người và mọi người cầu phúc cho ông. Bất kỳ ai có cần việc gì, người ta đều chỉ đến nhà ông.

Chốc chốc ông dừng chân, hỏi chuyện các em bé, mỉm cười với các bà mẹ. Trong túi hễ còn tiền thì ông đến thăm kẻ khó; không còn đồng nào thì ông đến thăm các nhà giàu.

Mấy cái áo thụng ông giữ dùng rất lâu nhưng lại không muốn người ngoài trông thấy điều đó, nên ra phố ông không bao giờ mặc gì khác ngoài cái áo lụa lót bông màu tím. Cái đó cũng có chút bất tiện cho ông lúc mùa hè.

Buổi tối, tám giờ rưỡi thì ông ăn cơm tối với bà em, bà Magơloa đứng đàng sau phục vụ cho cả hai. Bữa ăn cực kỳ thanh đạm. Tuy vậy, nếu ông giám mục giữ một cha xứ lại dùng cơm tối thì bà Magơloa nhân cơ hội đó dọn cho Đức Cha một món cá sông tuyệt vời hay một món thịt rừng đặc biệt. Bất kỳ cha xứ nào cũng là một cớ ăn tươm; ông giám mục biết nhưng để mặc. Những ngoại lệ ấy trừ ra, bữa cơm thường chỉ có rau củ và canh nấu với tí mỡ. Do đó hàng phố người ta bảo: Khi ông giám mục không ăn cơm cha xứ, thì ông ăn cơm người khổ tu.

Ăn tối xong, ông chuyện trò vói cô Baptistin và bà Magơloa độ nửa tiếng, xong ông về buồng mình và lại viết, khi thì trên giấy rời khi thì ở rìa một trang sách nào đó. Ông là người hay chữ và ít nhiều thông thái. Ông còn để lại năm sáu bản thảo khá lạ, trong đó có một thiên biện luận về đoạn Sáng thế: Ban sơ tinh thần Chúa bồng bềnh trên mặt nước. Ông đối chiếu với ba bản khác: bản tiếng A-rập thì viết: Bốn phương gió Chúa thổi; bản Phơlaviuyt Giôdep thì chép: Một ngọn gió từ Chúa đến, thổi qua mặt nước. Trong một thiên biện luận khác, ông nhận xét về các công trình thần học của Huygô, giám mục ở Ptôlêmai, ông chú cố của kẻ viết sách này và ông chứng minh nhiều tiểu phẩm khác nhau xuất bản thế kỷ trước, dưới bút danh Baclâycua, là của vị giám mục này viết.

Có khi đang đọc sách, bất cứ là sách gì, bỗng dưng ông trầm tư rồi tỉnh lại để ghi vài dòng ngay vào trang sách đó. Những dòng này thường chẳng liên quan gì đến cuốn sách. Trước mắt chúng tôi có một đoạn ghi chép ở rìa cuốn sách nhan đề: Thư tín của ngài Giecmanh trao đổi với các tướng Cơlintơn, Cornoalit và các đô đốc của trạm châu Mỹ. Ở Vécxây, hỏi ông Poangxô, hàng sách và ở Paris, hỏi ông Pítsô, hàng sách, bến Ôguytstanh.

Đoạn ghi chép đó như sau:

“Ôi đấng đang tồn tại:

Người của nhà thờ gọi Người là Quyền lực vô thượng, người Măccabê xưng Người là tạo hóa, Luận thư cho người Ephe lại gọi Người là Tự do, Baruysơ gọi Người là Vô biên, Thánh ca gọi Người là Đạo đức và chân lý, thánh Giăng gọi Người là Ánh sáng, các Vua gọi Người là Chúa thượng, thiên Di cư xưng Người là Cứu thế, người Lêvi xưng Người là Thánh nhân, Etđơrat xưng Người là Chính trực, sự sáng tạo gọi Người là Chúa Trời, người đời gọi Ngườ là Cha. Nhưng Xalômông thì gọi Người là Thương xót và đó là tên đẹp nhất trong mọi tên của Người”.

Đến chín giờ tối hai bà già cáo lui và lên buồng riêng trên gác, chỉ còn một mình ông giám mục ở dưới nhà.

Đến đây cần cho mọi người có một ý niệm chính xác về chỗ ở của ông giám mục.