Những Người Khốn Khổ

Chương III

Ông giám mục không phải vì đã đem tiền xe cộ ra làm phúc cả mà ít đi kinh lý. Cái xứ Đinhơ này quả là một địa phận vất vả. Đồng bằng thì ít, núi non thì nhiều, đường sắt hầu như không có, trên kia đã thấy rồi; lại đến ba mươi hai xứ, bốn mươi mốt họ và hai trăm tám mươi lăm chi. Đi thăm hết thẩy bấy nhiêu là cả một vấn đề. Ông giám mục vượt qua được tất cả. Gần thì ông đi bộ, đường đồng bằng thì ông đi xe bò, leo núi thì ông ngồi ghế cho la thồ. Hai bà già theo ông cho có bạn. Chuyến đi nào đối với các bà quá khó nhọc thì ông đi một mình.

Một hôm, ông đi lừa đến Xơnê(Senez), một thành phố xưa kia có tòa giám mục. Dạo ấy, túi tiền hầu như rỗng không, ông không thể đi lại cách nào khác. Viên thị trưởng ra đón ông ở cửa tòa giám mục và nhìn ông từ trên mình lừa bước xuống, ra vẻ khó chịu. Có mấy tên nhà giàu cười khúc khich chung quanh. – “Thưa ông thị trưởng và cả các ngài tư sản nữa, tôi hiểu vì sao các ông bực bội rồi. Các ông cho là một thầy tu quèn phải hợm mình lắm mới cưỡi lừa như đức Chúa Giêsu trước kia! Thưa thật với các ông, tôi không hề có ý kiêu căng mà chỉ vì cần thiết quá”.

Trong các chuyến kinh lý, ông tỏ ra rộng lượng và hiền hòa, chuyện trò nhiều hơn là thuyết pháp. Ông không bao giờ đặt một đức tốt nào vào một chỗ mà không ai với tới được. Ông cũng chẳng bao giờ phải tìm ra những lý lẽ và những hình mẫu cho lời nói của mình. Nói chuyện với dân xứ này, ông nêu gương dân xứ bên cạnh. Ở những tổng mà người ta hẹp lòng đối với kẻ túng bấn, ông nói: - “Hãy xem người Briăngxông. Họ cho người nghèo, đàn bào góa, trẻ mồ côi quyền được cắt cỏ ở các đồng cỏ của họ trước mọi người khác ba ngày. Nhà cửa có bị đổ nát thì họ cất giùm lại cho, không lấy tiền. Vì thế, xứ ấy là một xứ được Chúa ban ân. Suốt một thế kỷ, một trăm năm nay, không hề có lấy một kẻ giết người”.

Ở những làng chỉ biết có đồng tiền và hạt thóc, ông nói: - “Hãy xem người Ămbroong(Embrun). Vào ngày mùa, người nào có con trai tại ngũ, con gái bận công việc nhà nước ở trên tỉnh, mà lại đau ốm hoặc gặp khó khăn, thì cha xứ đem ra nói với con chiên vào lúc giảng kinh. Thế là, chủ nhật, xem lễ xong, hết thảy dân làng, đàn ông, đàn bà, trẻ con kéo đến ruộng con người đáng thương nọ, gặt hái hộ và mang cả thóc lẫn rơm rạ về tận nhà”. – Gặp những gia đình chia rẽ vì chuyện tiền bạc và gia tài, ông bảo: - “Hãy trông dân vùng núi Đơvơnuy (Devolny), một vùng hoang dại đến nỗi năm mươi năm không nghe họa mi hót một lần. Thế mà, bố chết, con trai liền đi tứ phương tìm kế sinh nhai, còn của cải thì nhường lại cho con gái để con gái dễ kiếm chồng”. - Ở các tổng ưa kiện tụng, có nhiều tá điền suy sụp vì chạy theo các thứ đơn từ, ông nói: - “Hãy xem nông dân thung lũng Quâyra((Queyras), họ rất thuần hậu. Họ có ba nghìn người ở đó. Trời! Cứ như một nước cộng hòa nho nhỏ. Họ chằng hề biết đến thẩm phán, mõ tòa là gì. Mọi việc, xã trưởng làm tất. Ông phân bổ thuế khóa từng nhà theo lương tâm mình, giải quyết không các vụ tranh chấp, chia hộ gia tài không lấy công, xử án không lấy án phí và mọi người nghe theo vì ông ta là một người công minh sống giữa những con người chất phác”. Đến những làng không thấy có thầy học, ông cũng kể đến dân vùng Quâyra: - “Bà con có biết họ làm như thế nào không? Thường một xóm mươi lăm nóc nhà thì không nuôi nổi một thầy học, cho nên họ có những thầy giáo do cả xứ đài thọ, các thầy giáo đó đi hết xóm này đến xóm nọ, một tuần nơi này, mươi ngày nơi kia, đến đâu dạy đó. Các ông giáo hay đến các phiên chợ, tôi gặp họ ở đấy. Thấy họ dắt bút lông ngỗng trên băng mũ thì nhận ra ngay. Ai chỉ dạy đọc thì một lông, ai dạy đọc dạy tính thì hai lông, ai dạy đọc dạy tính dạy cả Latinh nữa thì ba lông. Những vị đó là những nhà đại thông thái. Còn dốt nát thì xấu hổ biết bao nhiêu! Bà con ta nên làm như người Quâyra”.

Ông nói chuyện như vậy, nghiêm túc và chân tình, thiếu ví dụ sống thì dùng ngụ ngôn, đi thẳng vào đích, ít lời mà nhiều hình ảnh: đó là lối hùng biện của Chúa Giêsu (Jésus), đầy tin tưởng và sức thuyết phục.