“...Người ấy không chú ý đến ai cả. Anh ta ăn ngốn ngấu như người sắp chết đói. Tuy thế dùng xong món xúp, anh ta nói:
- Cụ xứ của Đức Chúa lành ạ, các món ăn này đối với tôi đã là quá ngon, nhưng thật tình thì cái bọn phu xe tải ban nãy không muốn cho tôi cùng ăn, bọn ấy họ còn ăn sướng hơn cụ nhiều.
Chỗ chị em tôi nói riêng với bà là câu nói đó, tôi thấy có hơi trái tai. Anh tôi trả lời:
- Họ làm ăn vất vả hơn tôi.
Khách đáp:
- Họ có nhiều tiền hơn. Cụ thì nghèo, tôi thấy rõ. Có lẽ cụ chưa đến chức cha xứ. Cụ đã được đến chức cha xứ chưa? Ồ, sao lại vô lý thế nhỉ! Chúa mà công minh thì cụ phải lên cha xứ rồi mới phải.
Anh tôi đáp:
- Chúa còn hơn là công minh đấy, ông ạ.
Một lúc sau, anh tôi lại thêm:
- Ông Giăng VanGiăng, ông đi Pôngtácliê phải không?
- Vâng, hành trình, họ lại định trước cho nữa đấy.
Tôi nhớ hình như anh ta nói thế. Rồi anh ta lại tiếp:
- Mai, tang tảng sáng tôi lại phải đi ngay. Đi đường lúc này vất vả lắm. Đêm lạnh mà ngày thì nóng bức.
Anh tôi nói:
- Vùng ông đi về là một vùng dễ sống đấy. Hồi Cách mạng, gia đình tôi sa sút, lúc đầu tôi có lánh sang Phơrăng Côngtê và sống bằng lao động chân tay ở đấy ít lâu. Tôi có chí. Tôi tìm được việc làm. Kể ra thì tha hồ mà chọn. Ở đấy, nào là nhà máy giấy, nhà máy thuộc da, nhà máy rượu, nhà máy dầu, xưởng chế tạo đồng hồ hàng loạt, xưởng nấu thép, đúc đồng, ít nhất là hai mươi nhà máy luyện sắt và bốn nhà ở Lốt, Satiông, Ôđanhcua và Bơ thì thật là đồ sộ...
Có lẽ tôi không nhớ sai đâu, anh tôi đã kể đến tên tất cả các xứ đó rồi ngừng lại hỏi tôi:
- Này cô, ta có ai là bà con xứ ấy không nhỉ?
Tôi đáp:
- Trước kia có đấy, như ông Luyxơnê chỉ huy đạo quan phòng thành ở Pôngtácliê hồi chế độ cũ.
Anh tôi nói:
- Phải, nhưng hồi năm 93 thì chẳng còn thân thích nào nữa, mình chỉ còn cậy vào sức mình. Tôi đã ra sức làm việc. Ông Giăng VanGiăng này, ở xứ Pôngtácliê mà ông sắp đến, có một nghề gia truyền thật là dễ ưa, cô nhỉ! Cái nghề làm pho mát ấy mà – Anh tôi vừa tiếp cơm khách, vừa cắt nghĩa cho nghe tỉ mỉ về những xưởng làm pho mát ở Pôngtácliê. Có những hai loại: những hai loại: những xưởng to của nhà giàu, nuôi đến bốn năm mươi bò sữa, sản xuất ra mỗi vụ hè từ bảy đến tám nghìn bánh pho mát; những xưởng hợp tác thì thuộc người nghèo. Nông dân nghèo ở lưng chừng núi đem bò nuôi chung rồi chia nhau sản phẩm. Họ chung nhau thuê một người làm thợ pho mát. Người này thu sữa của các xã viên một ngày ba lần và đánh dấu số lượng trên một miếng gỗ, vào cuối tháng tư thì các xưởng làm pho mát bắt đầu hoạt động, đến giữa tháng sáu thì những người thợ pho mát lại đánh bò lên núi.
Ăn vào, nét mặt khách dần dần tươi tỉnh lại. Anh tôi cứ rót rượu mời khách, thứ rượu vang cũ xứ Môvơ ấy, chứ riêng mình thì không nếm đến, cho là thứ rượu đắt tiền. Anh tôi nói chuyện vui vẻ, lưu loát như bà đã từng biết, đem kể mọi chi tiết cho khách nghe, thỉnh thoảng lại quay nhìn tôi một cách thân mến. Anh tôi nhắc đi nhắc lại chuyện làm pho mát như có ý mong để khách hiểu, chứ không lấy lời trực tiếp và cứng cỏi khuyên anh ta rằng đó là nơi có thể dung thân được. Có một điều làm tôi ngạc nhiên. Người khách ấy là người thế nào thì tôi đã nói với bà rồi. Thế mà trong suốt bữa cơm suốt cả buổi tối, ngoài mấy câu về Chúa Giêsu lúc khách mới vào, anh tôi không hề có một lời nhắc khách nhớ lại khách là người như thế nào và nói rõ cho khách nhớ lại khách biết, anh tôi là ai. Bà tính, rõ ràng đó là cơ hội để giảng một chút về đạo lý và lấy đức độ ông giám mục ấn mạnh lên tâm hồn anh tù để anh ta ghi nhớ mãi buổi gặp gỡ này. Một người khác gặp được kẻ khốn khổ như thế, tất đã vừa cho thần xác ăn uống no nê lại vừa cho phần hồn được nghe những lời phê bình, có mùi vị khuyên bảo, răn dạy, hoặc những lời thông cảm thương hại kèm theo mấy câu khuyến khích người ta sửa chữa về sau. Anh tôi thì không hề hỏi một câu về quê quán, lai lịch của khách. Vì trong lai lịch ấy tất nhiên có tội lỗi đã qua, cho nên hình như anh tôi có ý tránh không muốn nhắc cho khách nhớ đến. Thậm chí, khi nói chuyện về người miền núi Pôngtácliê họ làm ăn thoải mái ở những vùng cao gần trời và họ rất sung sướng vì tâm hồn họ trong trắng, anh tôi bỗng ngừng bặt, sợ câu nói lỡ lời đó có điều gì làm phật lòng khách chăng. Nghĩ kỹ ra, tôi mới đoán được bụng anh tôi. Ý hẳn anh tôi thấy rằng con người ấy – anh ta tên Giăng VanGiăng – tâm trí lúc nào cũng nghĩ ngợi đến nỗi khốn khổ của mình rồi, tốt hơn hết là làm cho người ta khuây khỏa và làm cho người ta tin tưởng, dù chỉ trong chốc lát, rằng người ta cũng là một con người như mọi người khác vì thấy mình đối xử với người ta cũng tự nhiên như đối với mọi người. Có phải như thế là hiểu đúng nghĩa chữ thương người không nhỉ? Có phải cách anh tôi giữ gìn ý tứ tuyệt nhiên không nói gì đến đạo lý, nhân nghĩa, không nói gì xa xôi bóng gió cả, cách ấy có cái gì thật là tế nhị, thật là từ bi không bà chị? Có phải cách thương người thắm thiết nhất khi đứng trước một người đau khổ là đừng đả động gì đến điều đau khổ ấy phải không? Theo tôi, hình như thâm ý của anh tôi hôm ấy là thế. Dù sao, tôi chỉ thấy một điều rất rõ là dù anh tôi có nghĩ như vậy đi chăng nữa, anh tôi cũng chẳng hề tỏ ra cho ai biết cả, với tôi cũng thế. Suốt buổi tối hôm ấy anh tôi vẫn một thái độ như thường ngày, ngồi ăn với cái anh Giăng VanGiăng ấy vẫn niềm nở, thận trọng như ngồi ăn với ông Lơ Prêvô hay cụ xứ bản hạt vậy.
Lúc gần xong bữa, ăn đến món vả thì có người gõ cửa. Mụ Giécbô ẵm đứa con nhỏ vào. Anh tôi hôn vào trán đứa bé, hỏi vay tôi mười lăm xu đưa cho mụ. Lúc ấy, khách không hề để ý gì hết, chẳng nói chẳng rằng, ra dáng mệt mỏi lắm. Mụ Giécbô ra rồi, anh tôi đọc kinh cầu nguyện rồi quay bảo khách: “Chắc ông cần nghỉ lắm rồi!” Bà Magơloa thu dọn bàn thật nhanh. Tôi biểu là phải cáo lui để khách đi nghỉ nên bà Magơloa và tôi đều lên gác ngay. Sau đó, tôi sai bà Magơloa đem xuống cho khách một tấm chăn da hươu vẫn để trong phòng tôi, vì tháng ấy đêm lạnh lắm. Đắp nó mới đủ ấm. Chỉ hơi phiền một tí là cái chăn đã cũ, sờn hết cả lông. Anh tôi mua từ hồi còn ở Tôtlingien, gần nguồn sông Đanuyp, bên nước Đức ấy, một lần với con dao cán ngà tôi vẫn thường dùng.
Bà Magơloa xuống một chốc rồi trở lên ngay; chúng tôi cùng cầu nguyện ở chỗ căn phòng thường phơi quần áo, rồi ai về phòng nấy không trò chuyện gì với nhau cả”.