Suốt cả ngày hôm ấy, những ý nghĩ miên man, khó tả như vậy cứ chồng chất mãi trong đầu óc anh.
Mặt trời sắp lặn. Bóng mỗi hòn sỏi nhỏ cũng in dài trên mặt đường. Giăng VanGiăng ngồi sau một bụi cây, giữa cánh đồng rộng màu hung, bốn bề vắng ngắt. Đằng xa về phía chân trời chỉ trơ trọi có dãy núi Anpơ. Tuyệt nhiên chẳng thấy gác chuông nào của một làng ở xa. Anh đã đi khỏi Đinhơ có đến ba dặm. Một con đường xuyên qua cánh đồng đi ngang sát bên bụi cây. Vẻ mặt trầm ngâm làm cho bộ áo quần tả tơi của anh thêm ghê rợn, ai trông thấy cũng phải khiếp. Giữa lúc ấy có tiếng nói cười vui vẻ vang đến.
Anh quay đầu nhìn ra phía đường. Một thằng bé mười tuổi, người xứ Xavoa, vừa đi vừa hát, bên sườn lủng lẳng chiếc đàn con và sau lưng đeo cái hòm gỗ nhỏ. Những đứa trẻ rách rưới nhưng hiền lành và vui tính như thế người ta thấy lang thang kiếm ăn từ vùng này đến vùng khác là thường.
Thằng bé hát luôn miệng, thỉnh thoảng lại dừng lại, tung mấy đồng tiền trong tay lên chơi chuyền. Trong số tiền, có lẽ tất cả vốn liếng của thằng bé, có một đồng hào bốn mươi xu.
Nó đứng lại bên bụi cây, nhưng mãi chơi chuyền không thấy Giăng VanGiăng. Mọi lần nó khéo bắt, lần này đồng hào bốn mươi xu nẩy ra ngoài và lăn vào bụi cây đến tận chỗ Giăng VanGiăng ngồi.
Giăng VanGiăng đặt chân lên trên.
Nhưng thằng bé nhìn theo đồng tiền lăn, đã trông thấy. Nó không tỏ vễ gì ngạc nhiên, đến thẳng chỗ anh ngồi. Bốn bề cảnh vật thật là hoang vắng. Nhìn xa đến chân trời cũng không thấy bóng người trên cánh đồng hay trên con đường nhỏ. Chỉ văng vẳng có tiếng một đàn chim bay ngang trời cao tít.
Thằng bé quay lưng lại phía mặt trời. Ánh nắng chiều gieo từng sợi vàng lên mái tóc và phủ lên khuôn mặt dữ tợn của Giăng VanGiăng một màu đỏ bầm như máu. Với vẻ tin cậy của một đứa trẻ thật thà và ngây thơ, thằng bé kêu lên:
- Ông ơi! Đồng hào của tôi đâu?
Giăng VanGiăng hỏi lại nó:
- Mày tên là gì?
- Thưa ông, tôi là bé Giecve.
- Cút đi!
- Ông trả tôi đồng hào đã.
Giăng VanGiăng cúi đầu không nói gì. Thằng bé lại đòi:
- Đồng hào của tôi, ông!
Giăng VanGiăng vẫn cúi nhìn xuống đất. Thằng bé lại kêu:
- Đồng hào của tôi! Đồng hào trắng của tôi đâu? Trả tiền của tôi lại cho tôi.
Giăng VanGiăng vẫn lặng thinh như không nghe thấy. Thằng bé nắm lấy cổ áo anh lay mạnh. Đồng thời nó cố hết sức đẩy cái chân đi giầy đinh đang giẫm lên đồng hào của nó.
- Trả tiền tôi đây! Trả đồng hào bốn mươi xu của tôi cho tôi! – Thằng bé vừa đòi vừa khóc. Giăng VanGiăng ngẩng đầu lên nhưng vẫn ngồi. Đôi mắt anh đục ngầu. Anh nhìn chằm chằm thằng bé, ra vẻ ngạc nhiên lắm, rồi giơ tay vó lấy cây gậy, miệng thét to:
- Đứa nào đấy?
- Tôi đây, ông ơi! Bé Giecve đây. Tôi, tôi đây! Xin ông trả tôi đồng hào bốn mươi xu. Xin ông nhấc bàn chân lên cho!
Tuy nhỏ xíu, thằng bé cũng phát cáu lên gần như muốn nạt nộ:
- Thế nào! Ông có bỏ chân ra không? Bỏ chân ra đi!
- A, vẫn mày à?
Giăng VanGiăng vùng đứng thẳng dậy, chân vẫn giẫm lên đồng hào:
- Mày có xéo đi không?
Thằng bé sợ hãi, giương mắt nhìn, bỗng cả người nó phát run lên. Nó ngơ ngác một lúc rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy, không dám quay cổ lại, không dám kêu lên lấy một tiếng.
Chạy được một quãng xa, thằng bé hết hơi phải dừng lại. Giăng VanGiăng trong cơn mơ màng nghe thấy tiếng nó nức nở khóc.
Một lúc sau thằng bé mất hút.
Mặt trời đã lặn.
Bóng tối trùm chung quanh Giăng VanGiăng. Cả ngày hôm ấy anh chưa ăn uống gì. Chắc anh đương lên cơn sốt.
Từ lúc thằng bé bỏ chạy, anh vẫn đứng ngây người, không cử động. Ngực anh phập phồng, hơi thở dài và không đều. Mắt trân trân nhìn xuống đám cỏ cách mười bước, hình như chú ý nhận xét và ngắm nghía hình thù miếng mẻ sành màu lam rơi trong đó.
Bỗng anh rùng mình: hơi lạnh hoàng hôn bắt đầu thấm vào người.
Anh kéo sát mũ xuống trán, thờ thẫn khép lại vạt áo ngoài và cài cúc lại, bước lên một bước và cúi nhặt cây gậy dưới đất.
Lúc ấy, anh chợt trông thấy đồng hào bị gót giày gần vùi xuống đất đang lấp lánh trong cát sỏi.
Trong người như bị điện giật. Anh lẩm bẩm trong miệng:
- Cái gì thế này?
Anh lùi lại ba bước, rồi đứng sững lại, mắt không rời khỏi chỗ vừa mới giẫm chân xuống, tưởng chừng như cái vật lấp lánh trong bóng tối kia là một con mắt đang nhìn chòng chọc.
Mấy phút sau, anh run rẩy nhảy đến chỗ đồng tiền, cầm lên, đứng dậy rồi đưa mắt ra tận đằng xa, nhìn quanh cánh đồng một vòng. Cả người anh run rẩy như con thú dữ sợ hãi đương tìm chỗ ẩn.
Nhìn mãi chẳng thấy gì. Trời đã tối. Cánh đồng lạnh lẽo và lờ mờ. Từng đám sương mù tim tím bốc lên trong ánh hoàng hôn.
Anh “à” một tiếng rồi rảo bước đi về phía thằng bé bỏ chạy. Đi độ trăm bước anh đứng lại nhìn. Vẫn không thấy gì hết.
Anh bèn gọi thật to:
- Bé Giecve! Bé Giecve!
Gọi xong anh đứng yên chờ. Không thấy ai thưa cả.
Cánh đồng vắng ngắt và quạnh hiu. Chung quanh là quãng trống mù mịt. Chỉ có bóng tối, mắt nhìn chẳng thấy gì. Bốn bề yên lặng, tiếng gọi tan vào thinh không.
Cơn gió lạnh lẽo thổi làm cho cảnh vật thêm thê lương. Những cành cây trụi lá in hình những cánh tay gầy guộc vung vẩy cuống cuồng như muốn dọa nạt đuổi bắt ai.
Anh lại đi, rồi vùng chạy, thỉnh thoảng đứng lại, gọi thét lên trong khoảng vắng, nghe kinh khủng, thảm thiết lạ lùng:
- Bé Giecve! Bé Giecve!
Nếu thực thằng bé có nghe thấy tiếng gọi như thế, nó cũng hết vía, chẳng dám thò mặt ra, nhưng chắc chắn là nó đi xa rồi.
Gặp một ông cố đạo cưỡi ngựa đi qua, anh chạy theo hỏi:
- Cụ xứ ơi! Cụ có thấy thằng bé nào đi qua đây không?
- Không.
- Một thằng nhỏ tên là Bé Giecve mà?
- Tôi không gặp ai hết.
Anh móc trong bọc ra hai đồng năm phơrăng đưa cho ông:
- Thưa cụ, cụ cầm món này để giúp kẻ khó. Cụ ạ, thằng bé ấy độ mười tuổi, hình như lưng có đeo chiếc hòm gỗ và cây đàn. Nó đi khắp nơi. Một thằng bé đi rong làm mướn ấy mà. Cụ biết chứ?
- Tôi không thấy thằng bé ấy.
- Thằng bé Giecve mà? Nó không phải là người làng nào vùng này sao cụ? Cụ bảo hộ cho.
- Như lời anh vừa nói thì thằng bé ấy ở vùng xa đến. Nó đi ngang qua đây thôi. Ai mà biết được.
Giăng VanGiăng hấp tấp móc thêm hai đồng năm phơrăng nữa:
- Để ông làm phúc.
Rồi anh ngơ ngác bảo:
- Cụ linh mục ơi! Tôi là một thằng ăn cướp. Nhờ cụ cho bắt tôi đi.
Ông cố đạo thất kinh, thúc ngựa phóng thẳng.
Giăng VanGiăng lại cứ lối ban nãy cắm đầu chạy. Cứ như thế một thôi dài, vừa nhìn, vừa gọi, vừa kêu, nhưng chẳng thấy một ai. Hai ba phen thấy cái gì như bóng người nằm hay ngồi xổm, anh băng đồng chạy đến. Nhưng đến gần thì chỉ là bụi cây hay tảng đá nổi lên mặt đất. Sau hết, đến một chỗ ngã ba đường, anh đứng lại. Trăng đã lên. Anh đưa mắt nhìn đằng xa và gọi một lần cuối: “Bé Giecve! Bé Giecve! Bé Giecve!” Tiếng gọi chìm vào trong sương mù, không một tiếng vọng lại. Anh còn phều phào thêm: “Bé Giecve!” Nhưng giọng đã đuối và không còn rõ nữa; anh đã kiệt sức. Hai chân bỗng nhiên khuỵu xuống, như cả cái khối nặng tội lỗi vô hình đè dúi lên người. Thể xác rã rời anh buông mình xuống một tảng đá lớn, hai tay túm lấy tóc, mặt cúi gằm vào giữa hai đầu gối, miệng kêu rú lên:
- Ta là một thằng khốn nạn!
Trái tim vỡ ra, anh khóc rưng rức. Mười chín năm trời, bây giờ anh mới khóc lần này là lần đầu.
Ở nhà ông giám mục ra, như mọi người đã biết, Giăng VanGiăng thấy mình như xa lạ với tát cả những điều anh suy nghĩ từ trước đến giờ. Anh không hiểu nổi trong anh đã có chuyện gì xảy ra. Anh cố làm cho lòng mình rắn lại để chống chế với cử chỉ thiêng liêng với những lời hiền từ của ông cụ: “Anh đã hứa với ta sẽ trở thành con người lương thiện. Linh hồn của anh, ta mua đây, ta đem nó ra khỏi tư tưởng lầm lỗi, ta đem dâng nó cho Chúa”. Những lời ấy chốc chốc lại vang lên bên tai. Để cưỡng lại lòng bao dung vời vợi ấy, anh viện đến lòng tự kiêu, nó như là pháo đài của tội lỗi trong ta. Anh mơ hồ cảm thấy lời tha tội của nhà tu hành như một đợt xung phong dữ dội, một trận tấn công quyết liệt nhất đến bây giờ vẫn còn làm choáng váng; nếu anh cưỡng lại đức độ lượng kia được, thì lòng anh sẽ trơ như gỗ đá suốt đời; còn nếu anh chịu nghe, thì anh phải xua đuổi nỗi căm hờn bao nhiêu kẻ khác đã gieo vào lòng anh trong bấy nhiêu năm, mà anh lại lấy làm thích thú; lần này thì thắng hay bại phải quyết tâm chọn một, bởi vì cuộc giao tranh đã mở ra rồi, một cuộc giao tranh khổng lồ có tính chất quyết định, giữa một bên là tính độc ác của anh và bên kia là đức nhân từ của ông cụ.
Trước những tia sáng như vậy, anh bước đi như người say rượu, mắt nhìn lơ láo. Anh có nghiệm ra rằng câu chuyện ở Đinhơ sẽ đem lại cho anh kết quả gì chăng? Anh có nghe thấy chăng những lời thì thầm bí ẩn như cảnh cáo, như quấy rầy lương tâm người ta những lúc nào đó trong đời? Có ai bảo nhỏ bên tai rằng anh vừa trải qua cái giờ nghiêm trọng nhất của số phận không? Rằng từ nay anh không còn lưng chừng được nữa, thế không là người tốt nhất thì là người xấu thậm tệ, hoặc anh lên cao hơn cả ông giám mục, hoặc anh rơi xuống thấp hơn cả tên tù khổ sai, rằng nếu muốn trở nên người tốt thì anh phải làm bậc thiên thần, còn nếu muốn khư khư làm kẻ ác thì anh phải làm một con quái vật?
Đến đây lần nữa lại phải đặt lại những câu hỏi chỗ khác đã từng đặt ra. Vậy anh có thu nhận vào tâm trí anh chút gì về tất cả những cái này không, dù chỉ là mơ hồ? Đành rằng, điều này chúng tôi đã nói, khổ quá thì rồi cũng hóa khôn, nhưng anh đã có thể lần được những điều chúng tôi vạch ra đây thì hãy còn đáng ngờ lắm. Ví thử các ý nghĩ này có đến với anh thì anh cũng chỉ mới hé thấy thôi, chứ chưa có thể nhìn ra rành rọt được và như thế nó chỉ được mỗi một việc là làm cho anh bối rối đến nỗi không sao chịu được và gần như là đau đớn. Anh vừa mới ra khỏi cái nơi kỳ quái và đen tối kia mà người ta gọi là nhà tù khổ sai, thì tâm hồn như bị ông giám mục làm cho đau buốt, tựa như cặp mắt vừa ra khỏi bóng đêm phải nhức nhối trước ánh sáng chói lòa. Cuộc sống mai sau, cuộc sống có thể hiện ra trước mắt anh thanh khiết và rực rỡ vô cùng, khiến người anh không thôi rung động và bàng hoàng. Nói thật, anh cũng không hiểu anh đang ra làm sao. Chẳng khác gì con cú đột nhiên nhìn thấy mặt trời, người trong tù là anh cũng lóa mắt như mù trước ánh sáng của đạo đức.
Điều chắc chắn, mà anh không ngờ tới là anh không còn như trước, trong người anh hết thảy đã thay đổi và dù sao ông giám mục cũng đã chuyện trò với anh, cũng đã làm anh xúc động, anh có muốn cũng không xóa điều đó được. Tâm trí anh đang ở vào tình trạng như thế thì anh gặp Bé Giecve và cướp của nó đồng bốn mươi xu. Sao lại thế! Thật anh không giải thích nổi; tác dụng cuối cùng, vùng vẫy sau rốt của những ý nghĩ xấu xa mang từ nhà ngục về chăng? Một chút sức đẩy bên trong còn sót lại, một thứ quán tính như người ta thường nói trong tĩnh học chăng? Đúng là thế và có thể tệ hơn thế. Nói ngay không phải là anh đã ăn cướp, không phải con người mà con vật trong anh, vì tập quán, vì bản năng mà làm cái việc ngu xuẩn là đặt bàn chân lên trên hào bạc, trong lúc trí tuệ đang vật vã giữa bao nhiêu ám ảnh mới mẻ, khó tả. Khi trí tuệ sực tỉnh và nhận ra hành động kia của con vật, anh hoảng hốt giật lùi và rú lên ghê sợ.
Quả là một hiện tượng kỳ lạ và chỉ có thể xảy ra trong tình hình bấy giờ. Bởi vì, khi cướp đồng hào kia của đứa bé, anh đã làm một việc mà anh không còn đủ sức làm nữa.
Dù sao đi nữa, hành động xấu xa cuối cùng này cũng có ý nghĩa quyết định đối với anh. Nó đã vụt qua cảnh ngổn ngang trong tâm trí anh, dẹp tan nó đi, rạch ra một bên là những bóng đen dày đặc, một bên là ánh sáng, tác động lên tâm hồn anh trong tình thế bấy giờ, như một chất hóa học tác động vào một dung dịch đục ngầu, làm cho một nhân tố kết tủa và nhân tố kia trong lên.
Trước tiên, chưa kịp có thì giờ suy nghĩ, xem xét lại mình, anh đâm hoảng và như người tìm đường chạy trốn, anh cố sức tìm lại em bé để trả lại cho em đồng hào: cho đến khi thấy cố bao nhiêu cũng vô ích, anh mới dừng lại tuyệt vọng. Và lúc anh kêu lên: ta là một kẻ khốn nạn! Thì đúng là lúc anh vừa nhận ra mình là người thế nào; anh đã rời xa con người cũ của mình đến mức có cảm tưởng mình chỉ là một bóng ma, còn trước mắt mình là tên tù khổ sai Giăng VanGiăng đáng tởm, nó lại bằng xương bằng thịt, tay cầm gậy, mình mặc áo tù, trong xác chứa đầy các thứ đồ ăn trộm, bộ mặt lầm lì và cả quyết, trong óc đầy những tính toán xấu xa.
Như chúng tôi đã lưu ý, vì cùng khổ quá mà anh dễ xin ảo tưởng. Vừa rồi cũng như một sự hiển hiện. Rõ ràng là anh nhìn thất Giăng VanGiăng, nhìn thấy bộ mặt đáng sợ ấy trước mặt. Anh gần như đến lúc tự hỏi mình kẻ đó là ai và trong lòng lấy làm kinh tởm.
Trí óc anh bấy giờ như đang ở vào một thời khắc dữ dội, nhưng lại yên tĩnh một cách đáng sợ. Anh như chìm sâu vào mơ màng, sự thật cuộc đời đều như tan biến. Không còn thấy những sự vật xung quanh, mà lại thấy hiện ra bên ngoài nhiều dáng hình ở trong đầu óc.
Có thể nói là anh tự ngắm lấy mình, mặt đối mặt. Và ngay lúc ấy, trong cơn ảo giác, anh lại trông thấy từ cõi xa bí ẩn, một thứ ánh sáng mà thoạt tiên anh tưởng là một ngọn đuốc. Nhìn kỹ thêm thứ ánh sáng hiện lên trong lương tâm ấy, anh lại thấy nó có hình người và ngọn đuốc kia là ông giám mục.
Ý thức anh lần lượt nhìn hai con người đứng trước mặt mình, ông giám mục và tên Giăng VanGiăng. Phải có đến lửa thiêng của vị này mới luyện dịu được tên kia. Do tác dụng kỳ lạ của cơn say sưa này, anh càng mơ màng thì trước mặt anh, ông giám mục càng to lên, sáng rỡ, còn Giăng VanGiăng thì bé lại và phai mờ đi. Đến một lúc hắn chỉ còn mơ hồ như cái bóng ma. Đột nhiên hắn biến mất. Chỉ còn một mình ông giám mục.
Tâm hồn con người khốn khổ này, nhờ ông mà tràn trề ánh sáng lộng lẫy.
Giăng VanGiăng khóc lâu lắm. Nước mắt ràn rụa, tiếng khóc nức nở, yếu đuối hơn đàn bà và sợ hãi hơn trẻ con.
Nước mắt tuôn ra, đầu óc dần dần sáng sủa lên, một thứ ánh sáng lạ lùng, vừa rạng rỡ lại vừa kinh khủng. Cuộc đời dĩ vãng, cái tội ăn trộm bánh ngày xưa, cảnh sống tù tội đằng đẵng mấy mươi năm, cái vẻ ngây độn bề ngoài, cõi lòng cứng rắn bên trong, ngày phóng thích thấy vui lên, vì bao nhiêu kế hoạch trả thù đã xếp đặt chuyện xảy ra ở nhà ông giám mục, cái việc vừa mới làm xong, tức việc ăn cướp đồng hào của thằng bé, cái tội thực là hèn nhát, thực là xấu xa vì nó phạm vào ngay sau lúc được ông giám mục tha thứ, tất cả những cái đó lần lượt hiện ra trong óc anh rõ rệt, dưới một thứ ánh sáng anh chưa từng được thấy bao giờ. Anh nhìn lại cuộc đời của anh mà ghê sợ. Anh nhìn lại linh hồn anh, thấy ghê tởm. Tuy vậy, hình như dưới ánh sáng của Thiên đường, anh đang nhìn rõ mặt quỷ Xatăng.
Anh khóc như vậy bao nhiêu lần? Khóc rồi anh làm gì? Đi đâu? Về sau không ai biết cả. Chỉ biết rằng, đêm hôm ấy, người chủ xe thường chở khách đi Grơnốp, đến Đinhơ hồi ba giờ sáng, khi đi qua phố dinh giám mục, có thấy một người quì gối trên thềm trong bóng tối, trước cửa nhà Đức Cha Biêngvơnuy. Hình như người ấy đang cầu nguyện.